An ninh toàn diện là không đủ
Đó là điều rõ ràng: chủ nghĩa khủng bố được nuôi dưỡng từ kho
thuốc nổ gây bất bình đẳng ở Trung Đông, điều mà chúng ta đã góp công to lớn để
tạo ra. Daech, "Nhà
nước Hồi giáo tại Iraq và tại Levant", được sinh trực tiếp từ sự
tan rã của chế độ Iraq, và nói chung từ sự sụp đổ của hệ thống biên giới được
hình thành trong khu vực vào năm 1920.
Sau khi Kuwait bị Iraq sáp nhập, vào những năm 1990-1991,
liên minh các cường quốc đã gửi quân đến để hoàn lại dầu cho các tiểu vương – và
các công ty của phương Tây. Qua đó người ta mở ra một chu kỳ mới các cuộc chiến
tranh công nghệ và bất đối xứng – một vài trăm người chết trong liên minh để
"giải phóng" Kuwait, so với hàng chục ngàn người chết bên phía Iraq.
Lôgic này đã được đẩy đến cực điểm trong cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai, từ
năm 2003 đến năm 2011: khoảng 500.000 người Iraq chết so với hơn 4.000 binh sĩ
Mỹ thiệt mạng, tất cả chỉ để trả thù cho 3.000 người chết vào ngày 11 tháng 9,
một điều không liên quan gì đến Iraq. Thực tế này, được khuếch đại bởi sự bất
đối xứng cực độ về thương vong và sự thiếu vắng các giải pháp chính trị trong
cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, ngày nay được sử dụng để biện minh cho
tất cả những yêu sách bạo động của các phần tử thánh chiến. Hãy hy vọng rằng
Pháp và Nga, khi tham gia vào chiến dịch sau sự thất bại của Mỹ, sẽ gây ra ít
thiệt hại hơn và không khơi dậy thêm thiên hướng này.
Tập trung nguồn lực
Thomas Piketty (1971-) |
Ngoài các cuộc cuộc đụng độ mang tính tôn giáo, người ta thấy
rõ rằng toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội của khu vực bị xác định quá mức và
mang tính mong manh bởi sự tập trung các nguồn tài nguyên dầu trên những vùng
lãnh thổ nhỏ không có dân cư. Nếu nhìn vào khu vực từ Ai Cập đến Iran, qua
Syria, Iraq và bán đảo Ả Rập, có nghĩa là khoảng 300 triệu người dân, người ta
thấy rằng các chế độ quân chủ dầu mỏ chiếm từ 60% đến 70% GDP của khu vực, cho
gần 10% dân số, điều khiến nó trở thành khu
vực bất bình đẳng nhất của hành tinh.
Cũng cần phải xác định rằng một thiểu số người dân của các
chế độ quân chủ dầu mỏ chiếm đoạt một phần không cân xứng của cải trời ban cho
này, trong khi đó nhiều nhóm dân cư lớn (đặc biệt là những phụ nữ và lao động
nhập cư) vẫn sống trong chế độ bán nô lệ. Và chính những chế độ này được các
cường quốc phương Tây hỗ trợ về mặt quân sự và chính trị, quá hạnh phúc khi thu
về một vài tiền lẻ để tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá của họ, hoặc để bán vũ
khí cho các nước đó. Không có gì ngạc nhiên khi các bài học của chúng ta về dân
chủ và công bằng xã hội ít tác động đến giới trẻ của Trung Đông.
Để đạt được sự tín nhiệm, cần phải chứng minh cho các dân cư
rằng chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển xã hội và hội nhập chính trị
của khu vực hơn là các lợi ích tài chính và các mối quan hệ của chúng ta với
các gia đình cầm quyền.
Sự cự tuyệt chế độ dân chủ
Nói một cách cụ thể, tiền của dầu phải ưu tiên chi cho sự
phát triển của khu vực. Trong năm 2015, tổng ngân sách mà chính quyền Ai Cập
dành để tài trợ cho toàn bộ hệ thống giáo dục của đất nước gần 90 triệu dân này
ít hơn 10 tỷ đô-la (9,4 tỷ euro). Cách đó một vài trăm cây số, Ả-rập Saudi đạt
doanh thu 300 tỷ đô-la về dầu mỏ cho 30 triệu người dân, và vượt Qatar 100 tỷ
đô-la với 300.000 người dân Qatar. Một mô hình phát triển không đồng đều như
vậy chỉ có thể dẫn đến thảm họa. Việc bảo trợ cho điều trên là một hành động
tội phạm.
Mohamed Morsi (1951-) |
Đối với các diễn ngôn hoành tráng về chế độ dân chủ và bầu cử, cần
phải chấm dứt đại ngôn khi các kết quả bầu cử thuận lòng chúng ta. Năm 2012,
tại Ai Cập, Mohamed Morsi đã được bầu làm Tổng thống trong một cuộc bầu cử hợp
pháp, một điều không phải là phổ biến trong lịch sử bầu cử Ả-rập. Nhưng từ năm
2013, ông bị quân đội trục xuất khỏi chính quyền, và quân đội ngay sau đó đã xử
tử hàng ngàn người thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, mà hành động xã hội thường
giúp che đậy những bất lực của nhà nước Ai Cập. Một vài tháng sau đó, nước Pháp
bỏ qua mọi chuyện để bán các tàu khu trục và chiếm đoạt một phần các nguồn lực
công nghèo nàn của đất nước này. Hãy hy vọng rằng sự cự tuyệt nền dân chủ sẽ không có những hậu quả
bệnh hoạn giống như sự gián đoạn của quá trình bầu cử ở Algeria vào năm 1992.
Còn lại vấn đề: làm thế nào để giới trẻ, những người lớn lên
ở Pháp, có thể nhầm lẫn giữa Baghdad và vùng ngoại ô của Paris, và tìm cách
nhập về đây những cuộc xung đột đang diễn ra ở đằng kia? Không có gì có thể bào
chữa cho sự chệch đường đẫm máu, tôn sùng ưu thế của nam giới và đáng thương
này. Chúng ta chỉ có thể lưu ý rằng tình trạng thất nghiệp và phân biệt đối xử
nghề nghiệp trong tuyển dụng (đặc biệt lớn đối với những người hội đủ tất cả
các yếu tố về mặt bằng cấp, kinh nghiệm, v.v., như các công trình gần đây
đã cho thấy, có thể truy cập tại đây)
không thể giúp ích gì được. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, châu Âu có khả
năng đón tiếp một dòng người di cư thuần lên đến 1 triệu người mỗi năm, với
tình trạng thất nghiệp thấp, nay phải tái khởi động mô hình hội nhập và tạo ra
việc làm cho họ. Chính chính sách thắt lưng buộc bụng mới dẫn đến sự gia tăng
của chủ nghĩa vị kỷ dân tộc và các căng thẳng về khẳng định căn cước. Chỉ có
qua sự phát triển xã hội và công bằng mới khắc phục được lòng hận thù.
Bài viết được đăng trên báo Le Monde số ngày Chủ Nhật 22 và
Thứ Hai 23 Tháng 11, 2015.
Thomas Piketty
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
------