13.12.15

Polanyi Karoly, 1886-1964



Polanyi Karoly (1886-1964)

Polanyi Karoly, 1886-1964

Sinh tại Wien và mất tại Toronto, Polanyi theo học luật và triết tại các đại học Budapest và Kolozsvar (Cluj, từ 1919), và một cách sâu sắc tự đồng nhất mình với đất nước Hungari. Tư tưởng và văn hóa của ông là chất lên men trong một thế giới đang sôi sục vào lúc chuyển thế kỉ. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa vô chính phủ hoà trộn vào nhau trong môi trường văn hóa thuận lợi cho việc đảo lộn các nghệ thuật, văn chương, triết học... và số phận. Cái ngông kề cạnh cái thiên tài, cái không tưởng đi cùng với cái thực tế lạnh lùng, chính sách cải lương đồng hành với cái xi-nic, và khủng bố chính trị kề vai với chính sách cách mạng.
Năm 1909, Polanyi thành lập câu lạc bộ Galilei, điểm kết tinh và thu hút tất cả những ai mơ về một thế giới mới. Là địa điểm tranh luận và đối chất ý tưởng, các khoa học xã hội được kết nối, vì điều tốt nhất hay tồi tệ nhất, với một câu lạc bộ tư duy tự do, triệt để, chống giáo hội và chống cường quyền. Các khoa học này có thể trang bị cho việc xây dựng xã hội, cho các ngành nghệ thuật mới, cho các tiêu chí duy lí để các lĩnh vực này thừa hưởng được uy quyền của khoa học và vận dụng chúng nhằm phục vụ cho sự tiến bộ xã hội. Đối với phần lớn giới trên, đại diện cho tiến bộ này là chủ nghĩa xã hội.
Những thăng trầm của đời sống chính trị dẫn bước Polanyi tới Wien (1923-1933), rồi London (1933-1946). Năm 1940, ông được Bennington College ở Vermont mời và dành thời gian để viết kiệt tác đời ông, The Great Transformation (1944). Từ 1947 đến 1953, ông dạy lịch sử kinh tế so sánh tại đại học Columbia ở New York. Cuối cùng, cùng với bà vợ Ilona Duczynska, ông định cư ở Pickering, ngoại ô Toronto. Năm 1963, hai vợ chồng viếng thăm Budapest lần đầu kể từ lúc di dân và thành lập tại đây tạp chí Co-existence, chuyên về lịch sử so sánh các nền kinh tế, xã hội và chính sách.
Là chuyên gia về lịch sử kinh tế so sánh và là một nhà xã hội chủ nghĩa phi marxist, ông tìm cách làm rõ những cơ sở của một nền kinh tế thị trường không đặt con người phụ thuộc vào những đòi hỏi duy sản xuất, đặc thù của một biến thể tư bản chủ nghĩa của kinh tế thị trường. Các mô hình đặt cơ sở trên tính có qua có lại và sự phân phối lại sẽ đặt ưu tiên cho Con người. Phải đảm bảo sự ưu tiên này trong mô hình thứ ba: một nền kinh tế đặt cơ sở trên các trao đổi, nguyên lí và động cơ của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Những nỗ lực giải thích của ông không bao giờ giáo điều, luôn rộng mở cho các phản biện vẫn còn ảnh hưởng lâu dài đến thế giới các khoa học xã hội. Ông vừa nhận được sự thiện cảm tự nhiên của những người bảo vệ một chủ nghĩa xã hội cải cách, kính trọng Nhà nước pháp quyền vừa tạo được sự tò mò của những người ủng hộ nền kinh tế thị trường.
Tuy xuất thân từ một cộng đồng Do thái tự nhận là công dân của thế giới, ông luôn khẳng định sự trung thành đối với văn hóa Hungari. Là một nhà bác học Hung, ông chia sẻ số phận khó khăn sau năm 1918 của dân tộc magyar. The Plough and the Pen (1963), tuyển tập thơ văn Hungary do vợ chồng ông dịch sang tiếng Anh là sự công khai công nhận căn cước này của một người trải qua phần lớn đời mình ngoài biên giới của tổ quốc. Cuối cùng, tác phẩm sáng chói lớn nhất của ông, The Great Transformation, được thường xuyên tái bản bằng nhiều ngôn ngữ.
· The Great Transformation, Boston, Beacon Press, 1944; The Plough and the Pen, London, P. Owen, 1963 (cùng với I. Duczynska); Dahomey and the Slave Trade, Analysis of Anarchaic Economy, Seattle, Univ. of Washington Press, 1966 (cùng với A. Rothenstein); Primitive, Archaic and Modern Economics, Essays of K. Polanyi, New York, Garden City, Anchor Press, 1971.    
McRobbie K., Polanyi K, Karl Polanyi in Vienna, Montréal, Albatros Books, 1999.
® Trao đổi xã hội; Kinh tế học và xã hội học; Thị trường.
Denis SZABO
Đại học Montréal
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui, Bernard Valade đồng chủ biên, PUF, Paris, 2005.
Print Friendly and PDF