11.12.15

COP21: các nhà nước cam kết những điều gì?


COP21: các nhà nước cam kết những điều gì?

Hội nghị của Liên hợp quốc về khí hậu (COP21) đã chính thức khai mạc vào hôm thứ Hai 30 tháng 11. Cho đến ngày 11 tháng 12, các đại diện của 195 nhà nước sẽ nỗ lực tìm ra một thỏa thuận về việc cắt giảm khí thải nhà kính, nhằm hạn chế nhiệt độ khí hậu nóng lên dưới 2°C vào năm 2100.
Trước ngày khai mạc cuộc tập hợp lớn, mỗi nhà nước đã gửi phần "đóng góp" của mình (có thể truy cập trên trang web của Liên Hợp Quốc) mô tả chi tiết các cam kết mà mỗi nước sẵn sàng tuân thủ trong những thập niên tới, đôi khi phụ thuộc vào sự viện trợ tài chính của quốc tế.
Các chiến lược khác nhau tùy theo các nước:
  • một số nước cam kết cắt giảm tổng lượng khí thải, một số nước khác thì mô tả chi tiết các cam kết theo các lãnh vực;
  • một số nước đề cập đến một thời điểm tham chiếu cố định (ví dụ, đối với Liên minh châu Âu là so với năm 1990) trong khi nhiều nước khác sử dụng kịch bản "mọi việc đâu sẽ vào đấy" (Business As Usual) làm tham chiếu (được gọi trong bản đồ dưới đây là kịch bản "bình thường"). Đó là những dự kiến thải khí trong hệ thống hiện tại, nếu không có gì được thực hiện.
  • một số nước gắn sự đóng góp của họ vào một viện trợ tài chính quốc tế, không thuôn khổ của "Quỹ Khí hậu xanh" của thế giới, sẽ là một chủ đề mặc cả căng thẳng tại COP21.
Bản đồ dưới đây tổng hợp các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính (GHG, Greenhouse gas) của mỗi nước, trên cơ sở phần thải khí của họ trên thế giới vào năm 2012 (theo số liệu của Viện Tài nguyên Thế giới):

1. Thải khí nhà kính: những kích thước khác nhau
Rất khó để so sánh các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính giữa các nước bởi vì, trước khi có một sự thống nhất có thể tại hội nghị COP21, mỗi nhà nước đã xác định một "thời điểm tham chiếu" để từ đó thiết lập các biện pháp cắt giảm của họ.
Ba vùng gây ô nhiễm nhất trên thế giới: Trung Quốc, Hoa Kì và EU
(tính theo tỉ tấn tương đương CO2)
EU: – 40%
Như vậy, 28 nhà nước của Liên minh châu Âu cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính từ nay đến năm 2030 so với năm 1990, có nghĩa là cùng thời gian với thời gian đã được đề cập trong Nghị định thư Kyoto, được ký kết vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005. Nga, Na Uy hay Thụy Sĩ cũng chọn cùng thời gian tham chiếu.
USA: từ –26 đến –28%
Hoa Kỳ cam kết cắt giảm từ 26 đến 28% từ nay đến năm 2025... nhưng so với mức năm 2005. Vào năm đó, Hoa Kỳ đã đạt đỉnh điểm thải khí đến 5,8 tỷ tấn tương đương CO2 (kể cả lượng đốt nhiên liệu hóa thạch), so với mức 5,2 tỷ tấn vào năm 2013 chẳng hạn. Canada cũng đề xuất cùng một mục tiêu cắt giảm từ nay đến năm 2025, là nước cũng đã trải qua một sự gia tăng lớn khí thải trong các năm 1990 đến 2005.
TRUNG QUỐC: ĐỈNH ĐIỂM VÀO NĂM 2030
Trung Quốc có một chiến lược khác. Nhà nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới cam kết đạt được đỉnh điểm phát thải khí nhà kính vào năm 2030, trước khi tiến hành cắt giảm sau đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh đảm bảo nỗ lực cắt giảm mức độ lượng khí thải CO2 từ 60 đến 65% trên mỗi đơn vị GDP so với năm 2005.
2. Thách thức từ rừng
Nga: từ –25 đến –30%
Nga đã đưa ra một văn bản có tham vọng cao khi cam kết cắt giảm từ 25 đến 30% lượng khí thải nhà kính từ nay đến năm 2030 so với năm 1990. Tuy nhiên, Moscow dựa rất nhiều vào rừng của họ, chiếm 25% diện tích rừng trên thế giới. Được gọi là "giếng các bon" bởi vì rừng lưu trữ CO2, chúng có thể bù đắp cho lượng khí thải gia tăng.
Dự án của Nga cuối cùng cũng là hạn chế và có "lợi thế" là không phải thay đổi sâu sắc mô hình năng lượng của họ. Nhưng nó có thể bị ngăn trở bởi nạn cháy rừng: Viện Tài nguyên Thế giới (WRI, World Resources Institute) lo ngại, vào đầu tháng tư, sự gia tăng cháy rừng trên thế giới, đặc biệt tại Nga. Đất nước này đã mất trung bình 4,3 triệu ha mỗi năm từ năm 2011 đến năm 2013, chiếm một phần tư diện tích rừng bị mất trên thế giới.
Nga không phải là nước duy nhất chơi trò này: Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng đã đưa hiệu ứng lưu trữ CO2 của rừng trong tính toán lượng khí thải. Tuy nhiên, Gabon (một quốc gia ở Trung Phi – ND), bị rừng che phủ đến 88%, đã không đưa hiệu ứng này vào phạm vi cắt giảm khí thải.
3. Thị trường carbon
THỤY SĨ: – 50%
Alexandre Pouchard
Thụy Sĩ cũng đã thiết lập một mục tiêu đầy tham vọng: cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính từ nay đến năm 2030 so với mức của năm 1990. Tuy nhiên, Liên bang Thụy Sĩ, ngoài việc đưa vấn đề rừng vào phạm vi hành động, còn có kế hoạch sử dụng rất nhiều đến thị trường carbon (20%), bằng việc mua các hạng mức carbon và tham gia vào các dự án cắt giảm khí thải ở nước ngoài. Chỉ có 30% còn lại mới thực sự là một sự cắt giảm khí thải quốc gia.
Đặc biệt Liên minh châu Âu, Nga và Hoa Kỳ cam kết không đưa các thị trường bù trừ vào nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính của họ.
Nhà báo của báo Décodeurs
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: COP21: à quoi les Etats se sont–ils engagés?, Le Monde, 30/11/2015.
------
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF