NGHIÊN CỨU PHÂN TẦNG XÃ HỘI Ở NAM BỘ[1]
(Nhìn từ đóng góp của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)
Cơ cấu phân tầng xã hội ở Nam Bộ là một trong những hướng nghiên cứu đáng chú ý. Bài viết điểm qua những công trình về cơ cấu phân tầng xã hội ở Nam Bộ do các nhà nghiên cứu làm việc ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện trong 40 năm qua, từ đó nêu lên một số nhận xét về đóng góp của hướng nghiên cứu này. 1. MỞ ĐẦU
Phân tầng xã hội ở Việt Nam là một hướng nghiên cứu lớn. Tổng quan bước đầu của tôi cho thấy lượng ấn phẩm về chủ đề tăng nhanh qua thời gian (Biểu đồ 1). Xuất xứ đề tài và ấn phẩm chỉ ra ba địa chỉ chính mà ta không thể bỏ qua khi tìm hiểu tình hình nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam. Đó là Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê; cụm các cơ quan nghiên cứu của Đảng mà nòng cốt là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó chủ yếu là Viện Xã hội học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Bùi Thế Cường, 2014)[2]. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là một phân viện đa ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện có những mũi nhọn nghiên cứu như khảo cổ học, sử học, dân tộc học, v.v. Nghiên cứu xã hội học nói chung, trong đó có nghiên cứu phân tầng xã hội, luôn là một phần then chốt trong các chương trình nghiên cứu liên ngành của Viện 40 năm qua. Bài viết này trình bày một tóm lược về nghiên cứu cơ cấu phân tầng xã hội Nam Bộ do các nhà nghiên cứu làm việc ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện.
Biểu đồ 1. Số ấn phẩm (bài tạp chí khoa học và sách) về nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ từ thập niên 1980 đến gần đây
Nguồn: Tác giả thu thập, số liệu chưa đầy đủ.
Cần nói thêm, nghiên cứu ở Việt Nam thường sử dụng “cơ cấu xã hội” và “phân tầng xã hội” hàm cùng một nghĩa, mặc dù thuật ngữ đầu đôi khi hàm nghĩa rộng hơn (chẳng hạn trong một số công trình, thuật ngữ ấy gồm cả cơ cấu nhân khẩu). Vì vậy, trong bài này tôi đề cập cả những bài viết sử dụng thuật ngữ “cơ cấu xã hội” nhưng hàm nghĩa phân tầng xã hội, và tôi sử dụng hai thuật ngữ ấy theo cách chuyển đổi cho nhau. Trình bày của tôi đi theo thời gian, tạm chia thành ba giai đoạn.
2. CUỐI THẬP NIÊN 1970 ĐẾN GIỮA THẬP NIÊN 1990
Cuối thập niên 1970 và trong thập niên 1980, Viện Khoa học xã hội tại TPHCM (tên của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thời ấy) chú trọng tiến hành một số chương trình nghiên cứu vùng về Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, trong đó cơ cấu giai tầng xã hội là một trong những nội dung được quan tâm. Trước hết, đó là Chương trình nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long khởi động năm 1979, mà sản phẩm nổi bật là Hội nghị khoa học và thực tiễn về Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra năm 1981. Kỷ yếu của Hội nghị với tựa đề Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long xuất bản năm 1982. Viện cũng thực hiện Chương trình nghiên cứu về TPHCM với các cuộc điều tra kinh tế-xã hội ở Quận 1 và Quận 11. Tiếp theo, Viện tham gia Chương trình điều tra cơ bản và tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 1984-1986 mang mã số 60.02, giai đoạn 1986-1988 mang mã số 60B). Trong khuôn khổ Chương trình này, năm 1984, Viện tiến hành một khảo sát định lượng 1.000 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Nguyễn Công Bình, 2015).
Thời kỳ ấy, nhiều kết quả nghiên cứu ở dạng bài chưa xuất bản chính thức. Về ấn phẩm, trong chừng mực tôi thu thập được, có Phan An với bài Vấn đề trung nông Khơ-me ở Đồng bằng sông Cửu Long (1978), Trần Hữu Quang Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (1982), Lê Minh Ngọc Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long (1982, 1984), Đỗ Thái Đồng Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam Bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long) và Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (1989).
Đầu thập niên 1990, Viện có Đề tài Cơ cấu xã hội và chính sách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh (Mã số A.404) thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước Những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (tên gọi của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thời bấy giờ) chủ trì. Viện cũng tham gia Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (Mã số VIE87/031), trong đó thực hiện cuộc khảo sát kinh tế-xã hội-nông nghiệp, phỏng vấn 640 hộ gia đình nông dân và 350 phụ nữ ở 16 xã Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả của việc tham gia này là bản Phúc trình phân tích cuộc điều tra kinh tế-xã hội-nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tháng 7/1991 (Nguyễn Công Bình, 2015).
Năm 1990, Lê Minh Ngọc có bài Chuyển biến cơ cấu giai cấp xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp mạch tìm hiểu về cơ cấu xã hội nông thôn, Nguyễn Thu Sa xuất bản bài Về nhân vật trung tâm ở nông thôn Nam Bộ: Người trung nông (1991). Đỗ Thái Đồng có bài Cơ cấu xã hội-văn hóa ở miền Nam nhìn theo mục tiêu phát triển của cả nước (1991) và Con đường từ kinh tế tiểu nông đến kinh tế hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long (1995). Nguyễn Quang Vinh xuất bản năm 1992 bài Đổi mới kinh tế và tính năng động của toàn bộ cơ cấu xã hội. Năm 1995, Nguyễn Công Bình công bố ấn phẩm Cơ cấu xã hội, sự phân tầng xã hội và chính sách xã hội ở nông thôn Nam Bộ.
3. NỬA CUỐI THẬP NIÊN 1990 ĐẾN GIỮA THẬP NIÊN 2000
Nửa cuối thập niên 1990 và nửa đầu thập niên 2000, phối hợp với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ và dựa trên tài trợ của Quỹ Ford, Viện Khoa học xã hội tại TPHCM tiến hành Dự án Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này thực hiện khảo sát định lượng hộ gia đình với cỡ mẫu 1.050 hộ tại ba xã phường thuộc TPHCM. Một số nhà nghiên cứu của Viện đã dựa trên bộ dữ liệu của Dự án để phân tích về những khía cạnh liên quan đến phân tầng xã hội (Nguyễn Thế Nghĩa và cộng sự, 2001, 2005. Mạc Đường, 2004).
Năm 2001, có bài của Lê Thanh Sang và Quách Thu Cúc Việc làm và cơ hội thăng tiến cho người lao động (2001), bài của Phạm Ngọc Đỉnh Niềm tin về sự thăng tiến vượt nghèo (2001). Năm 2003, Nguyễn Qưới viết bài Mối tương quan giữa cơ cấu thu nhập và phân tầng xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Vĩnh Long). Năm 2005 có loạt bài của Nguyễn Thu Sa Chênh lệch về thu nhập và sự thăng tiến của các tầng lớp dân cư (Qua nghiên cứu tại ba cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh), Văn Thị Ngọc Lan Phân tầng xã hội - một hiện thực trong nền kinh tế thị trường (Qua nghiên cứu một số xã ở tỉnh Long An), Văn Ngọc Lan và Trần Đan Tâm Mạng lưới xã hội và cơ hội thăng tiến trong đời sống dân cư đô thị.
Cũng trong nửa đầu thập niên 2000, Nguyễn Công Bình chủ trì Đề tài Nghiên cứu phân tích đánh giá thực trạng sự phân tầng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường ở tỉnh Vĩnh Long dưới danh nghĩa Đại học Cửu Long phối hợp với Viện Khoa học xã hội tại TPHCM (Nguyễn Công Bình 2002). Dựa trên số liệu khảo sát đó Nguyễn Qưới có bài viết Các loại hình kinh tế của hộ gia đình trong mối tương quan với phân tầng xã hội (Nguyễn Qưới, 2007).
Năm 2004, Đỗ Thái Đồng có báo cáo Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi. Đây là một công trình của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM với tài trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
4. NỬA CUỐI THẬP NIÊN 2000 ĐẾN NAY
Thời kỳ nửa sau thập niên 2000 đánh dấu sự trở lại của việc thực hiện các chương trình mang tính liên ngành về vùng. Thời kỳ 2006-2012 có ba chương trình vùng liên ngành được thực hiện. Năm 2006, Viện khởi động Chương trình nghiên cứu Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ (2006-2008, Mã số CT06-22). Năm 2009, Viện tiếp nối bằng Chương trình Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 (2009-2010, Mã số CT09-22). Năm 2011, Viện có Chương trình Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012 (Mã số CT11-22).
Trong cả ba chương trình ấy, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục chú trọng đến chủ đề cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội, triển khai chủ đề này theo ba hướng tiếp cận nghiên cứu, tạm gọi là hướng tiếp cận xây dựng cơ sở dữ liệu, định lượng-vĩ mô và định tính-vi mô. Hướng thứ nhất nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và tri thức phục vụ chiến lược nghiên cứu của Viện về cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội. Hướng này đã xây dựng Bộ thư mục về phân tầng xã hội gồm 381 đầu tài liệu và Bộ thư mục về các tầng lớp trung lưu gồm 171 đầu tài liệu (Trần Hữu Quang, 2010).
Hướng thứ hai tiến hành những khảo sát định lượng quy mô và mang tính đại diện cho vùng Nam Bộ về cơ cấu xã hội. Trong hướng này, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện ba khảo sát định lượng lớn về cơ cấu xã hội, phúc lợi và lối sống, đại diện cho Đồng bằng sông Cửu Long (2008), TPHCM (2010) và Đông Nam Bộ (2010). Khảo sát năm 2008 ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Chương trình Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ (CT06-22) (Bùi Thế Cường, 2011a; Lê Thanh Sang, 2009). Khảo sát năm 2010 ở TPHCM thuộc Đề tài Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (Bùi Thế Cường, 2013a). Khảo sát năm 2010 ở Đông Nam Bộ thuộc Chương trình Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn 2011-2020 (CT09-22) (Bùi Thế Cường, 2011b; Lê Thanh Sang, 2011). Ba khảo sát theo tiểu vùng nêu trên hợp thành một bộ số liệu thống nhất cho vùng Nam Bộ gồm 3.060 hộ gia đình sống tại 270 điểm dân cư thuộc 90 xã phường thị trấn. Thủ tục chọn mẫu đại diện cho toàn vùng Nam Bộ. Bảng hỏi gồm hơn 40 câu hỏi tổng hợp (khoảng 200 câu hỏi chi tiết), bao quát sáu lĩnh vực chủ chốt liên quan đến cơ cấu xã hội, phúc lợi và văn hóa của hộ gia đình. Cũng năm 2010, Viện còn tiến hành một nghiên cứu tương tự ở Vĩnh Long (Bùi Thế Cường, 2012d).
Kết quả của các khảo sát định lượng ấy được một số nhà nghiên cứu trong Viện công bố liên tục từ 2009 đến nay (thống kê cho thấy có 20 bài tạp chí và luận văn cao học). Trong đó có: Bùi Thế Cường, Trần Đan Tâm và Lê Thanh Sang (Điều kiện sống, sử dụng thời gian rỗi, và cảm nhận của người dân về cuộc sống qua một khảo sát định lượng ở miền Tây Nam Bộ, 2009); Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang (Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008, 2010); Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang và Trần Đan Tâm (Thành phố sống tốt nhìn từ hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2010); Lê Thanh Sang (Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm, 2010); Lê Thanh Sang và Bùi Thế Cường (Phân bố chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nam Bộ, 2010); Trần Đan Tâm (Chọn mẫu cho 3 cuộc khảo sát “Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội” tại vùng Nam Bộ, 2010); Lê Thế Vững (Sự chuyển đổi việc làm của cư dân Tây Nam Bộ trong 5 năm trở lại đây, 2010); Bùi Thế Cường (Một số nét về điều kiện sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh qua cuộc khảo sát xã hội năm 2010, 2012a. Đi tìm một cách quan trắc biến đổi xã hội phục vụ quản lý phát triển, 2012b. Quan trắc cơ cấu giai tầng xã hội để phục vụ quản lý phát triển, 2012c); Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu (Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ, 2013); Bùi Thế Cường, Nguyễn Thị Minh Châu và Đào Quang Bình (Hộ gia đình ở tỉnh Vĩnh Long: Vị thế kinh tế-xã hội và những cảm nhận về gia đình và cuộc sống, 2014).
Gần đây nhất là một số bài về phân tầng xã hội xuất bản trên các tạp chí trong nước và nước ngoài. Đó là những bài xuất hiện trên Working Paper Series của Viện Nghiên cứu châu Á Đại học Quốc gia Brunei Darussalam (Bui The Cuong, 2015: Social Stratification in the Southeast Region of Vietnam); trên Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM (Đỗ Thiên Kính, 2015: Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới); trên Tạp chí Xã hội học (Bùi Thế Cường, 2015: Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội); trên Tạp chí Nghiên cứu phát triển TPHCM (Bùi Thế Cường, Tô Đức Tú, Phạm Thị Dung, 2015: Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu). Đây là những sản phẩm trong khuôn khổ vòng khảo sát lặp lại mà Viện thực hiện năm 2014-2015 nhờ vào đề tài cấp Nhà nước KX.02.20/11-15.
Tiếp nối chương trình khảo sát định lượng, trong hai năm 2011-2012, Viện triển khai Chương trình Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012 (CT11-22), được xem là thực hiện định hướng thứ ba nêu trên, tạm gọi là hướng định tính-vi mô. Một trọng tâm của chương trình là tìm hiểu động thái của cơ cấu xã hội và văn hóa ở cấp vi mô (gia đình và cộng đồng ở Nam Bộ). Đây là kiểu nghiên cứu cộng đồng mà địa điểm nghiên cứu được chọn từ những địa bàn đã rơi vào danh mục của ba khảo sát định lượng nói trên (Bùi Thế Cường, 2013b).
Chương trình có ba đề tài phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu chuyển động của cơ cấu xã hội vi mô. Đó là đề tài Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ (2011-2020) (Chủ nhiệm đề tài: Trần Thị Nhung). Sản phẩm công bố của đề tài gồm Cộng đồng ở nông thôn Đông Nam Bộ và chương trình xây dựng nông thôn mới (Trường hợp xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) (Trần Thị Nhung, 2012) và Những đặc trưng trong quá trình phát triển của các cộng đồng xã ấp Đông Nam Bộ từ giữa thế kỷ XX đến nay (Trần Thị Nhung, 2014). Phan Văn Dốp triển khai đề tài thứ hai tương tự cho Đồng bằng sông Cửu Long: Cộng đồng xã ấp trong sự phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (2011-2020). Trần Hữu Quang phụ trách đề tài thứ ba Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020. Sản phẩm công bố của đề tài gồm bài của Nguyễn Nghị năm 2012 (Doanh nghiệp và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long); bài của Trần Hữu Quang năm 2012 (Nông hộ và ruộng đất: Những chuyển động và thách thức (qua khảo sát tại hai xã nông nghiệp ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)) và năm 2013 (Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020); bài của Phan Thanh Lời và Vũ Ngọc Xuân Ánh năm 2013 (Cơ cấu nghề nghiệp và xu hướng chuyển đổi việc làm của cư dân nông thôn Nam Bộ).
Bên cạnh những nghiên cứu về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội dựa trên đặt hàng và tài trợ của các cơ quan trong nước, trong thời kỳ này Viện còn tham gia vào một dự án quốc tế dài hạn trong đó thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến chủ đề này. Đó là Dự án Hệ thống thông tin liên quan đến nước nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WISDOM, Water-related Information System for the Sustainable Development of the Mekong Delta, Vietnam) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Có thể kể ra ở đây bài viết của Hans-Dieter Evers và Simon Benedikter Tiến trình hình thành nhóm chiến lược tại Đồng bằng sông Cửu Long – Sự phát triển của một xã hội thủy lợi hiện đại (2013).
Cần nói riêng về TPHCM như là một vùng nghiên cứu trọng điểm của Viện về cơ cấu phân tầng xã hội. TPHCM là một đô thị lớn có truyền thống nghiên cứu, bảo trợ và tài trợ cho khoa học xã hội ở Nam Bộ nói chung và cho Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nói riêng.
Qua thời gian, người ta có thể nói đến nghiên cứu Sài Gòn-TPHCM như là một lĩnh vực nghiên cứu khu vực học (area studies), tương tự Hà Nội học, Nghiên cứu Tây Nguyên, Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt này, từ cuối thập niên 1970, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là một trong những cơ quan nghiên cứu chủ chốt có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu Sài Gòn-TPHCM. Câu hỏi là, Viện có những hoạt động gì trong nghiên cứu cơ cấu phân tầng xã hội ở TPHCM?
Về khảo sát định lượng hộ gia đình, thời gian qua một số cơ quan nghiên cứu của TPHCM đã thực hiện những công trình quan trọng. Trong thời kỳ 1995-2000, Viện Kinh tế TPHCM thực hiện hai khảo sát định lượng nghiên cứu mức sống hộ gia đình (Nguyễn Thị Cành, 2005). Khoảng 10 năm sau, TPHCM tiếp tục quan tâm đến kiểu nghiên cứu này. Do đó, ta thấy có Đề tài của Lê Văn Thành Mức sống kết hợp với môi trường sống của các hộ gia đình Thành phố Hồ Chí Minh với cỡ mẫu 600 hộ gia đình (Lê Văn Thành, 2012). Nguyễn Văn Xê chủ trì Đề tài Thực trạng hộ cận nghèo, hộ khá và các giải pháp tăng hộ khá Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 (2013) (Nguyễn Văn Xê, 2015). Năm 2013, Nguyễn Thị Hậu thực hiện khảo sát xã hội định lượng hộ gia đình với chủ đề Điều tra chất lượng cuộc sống của cư dân Thành phố năm 2013 với cỡ mẫu 1.800 hộ gia đình và 1.800 cá nhân (Nguyễn Thị Hậu, 2014).
Đối với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, liệt kê tình hình đề tài và ấn phẩm của Viện ở trên cho thấy phần nào diện mạo nghiên cứu của Viện về phân tầng xã hội ở TPHCM trong thời gian 1980-2005. Từ 2006 đến nay có vài nỗ lực mới. Năm 2006, Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM kết hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức Hội thảo Sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm, giai tầng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: Thực trạng và giải pháp (8/12/2006), đánh dấu một giai đoạn quan tâm mới đối với phân tầng xã hội ở TPHCM trong 10 năm gần đây (Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM, 2006). Năm 2010, Viện tiến hành Đề tài Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với cỡ mẫu 1.080 hộ gia đình (Bùi Thế Cường, 2013). Trên cơ sở dữ liệu đề tài này đã xuất bản 5 bài nghiên cứu và 3 luận văn thạc sĩ.
Một số luận văn thạc sĩ do các nhà nghiên cứu của Viện thực hiện hoặc hướng dẫn đã chọn chủ đề phân tầng xã hội. Đó là luận văn thạc sĩ của Phan Thị Thùy Trâm Vấn đề phân tầng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, 2007); luận văn thạc sĩ của Ngô Văn Huấn Một số đặc điểm trong đời sống hộ gia đình ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay qua một cuộc khảo sát định lượng (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2013); luận văn thạc sĩ của Tô Đức Tú Lối sống của các giai tầng trung lưu hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh) (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2015); và luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Dung Chăm sóc sức khỏe ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh (Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2015, đang thực hiện).
5. NHỮNG ĐÓNG GÓP
Phần trên liệt kê theo thời gian những đề tài và công trình chủ yếu mà các nhà nghiên cứu ở Viện thực hiện và công bố từ cuối thập niên 1970. Câu hỏi đặt ra: những nghiên cứu ấy đóng góp như thế nào về lý thuyết và thực nghiệm? Trả lời câu hỏi này cần một tổng quan nghiên cứu dài. Ở đây, xin nêu lên một số nhận xét bước đầu.
1. Ở mức độ nhất định, ta có thể nói đến một hướng nghiên cứu cơ cấu xã hội/phân tầng xã hội ở Nam Bộ do các nhà nghiên cứu phần lớn làm việc ở TPHCM thực hiện. Truyền thống này bắt đầu từ cuối thập niên 1970 và kéo dài đến nay. Trong truyền thống ấy, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã sớm quan tâm, đóng vai trò quan trọng ngay từ đầu, duy trì tương đối liên tục, và chú trọng làm thực nghiệm một cách tương đối có hệ thống.
Ưu điểm này nói lên nghe đơn giản, nhưng thực tế duy trì được thì không dễ dàng. Trước hết, xin nói về tình hình chung. Như tôi đã đề cập trong một số hội thảo, nghiên cứu thực nghiệm về phân tầng xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá manh mún (một “văn hóa” phổ biến trong bất kỳ việc gì ở Việt Nam). Từ thập niên 1980 và nhất là từ đầu thập niên 1990, Nhà nước tăng cường đầu tư mạnh cho khoa học xã hội. Các đề tài cấp Nhà nước tập hợp trong những chương trình (dưới mã số KHXH và KX) suốt từ thập niên 1980 đến nay là rất đồ sộ về quy mô (lượng đề tài, mức kinh phí). Song, xét về mặt “quan trắc cấu trúc xã hội một cách có hệ thống”, chúng được “thiết kế” thiếu tầm nhìn hệ thống trong từng chu kỳ cũng như thiếu tầm nhìn về tính liên tục giữa các chu kỳ (theo chu kỳ kế hoạch 5 năm). Kết quả cho đến nay, với lịch sử các KX đã trôi qua 30 năm, hầu như các chương trình KX không để lại được bộ dữ liệu cơ cấu xã hội có tính hệ thống nào (có thể so sánh với các bộ số liệu VLSS (Vietnam Living Standards Survey) và VHLSS (Vietnam Household Living Standards Survey) mà Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê đã làm suốt từ đầu thập niên 1990 đến nay). Tính hệ thống thể hiện ở chỗ vừa có được một tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản phản ánh trạng thái xã hội tại mỗi thời điểm, vừa có được tập hợp các chỉ số xã hội cơ bản ấy qua thời gian, để so sánh biến đổi xã hội trong dài hạn. Đây là điều thực sự đáng tiếc, vì lãng phí thời gian, nhân sự và kinh phí là rất lớn (Bùi Thế Cường, 2012b, 2012c, 2014).
Từ nhận xét trên, khi chịu trách nhiệm thiết kế chiến lược nghiên cứu 10 năm cho Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ giai đoạn 2006-2015, tôi cố gắng tránh nhược điểm ấy trong chừng mực có thể. Khi tiến hành khảo sát xã hội định lượng, dù kinh phí rất hạn chế, Viện vẫn cố đảm bảo tính đại diện cho cả vùng Nam Bộ, cũng như cho ba tiểu vùng (Đông Nam Bộ, TPHCM, Tây Nam Bộ). Đây là điều mà nhiều đề tài có khảo sát xã hội định lượng ở Việt Nam thường né tránh (có thể do không muốn tốn kém kinh phí đã cho hoặc do chưa quan tâm đầy đủ đến tầm quan trọng của chọn mẫu). Điều này khiến hạ thấp tiêu chuẩn tính đại diện của đề tài. Viện cũng theo đuổi tầm nhìn có hệ thống theo thời gian, bằng cách tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu lặp lại (longitudinal survey).
Trong dòng chảy liên tục ấy, có thể nhận diện ba quãng thời gian với những điểm nhấn khác nhau. Quãng thời gian đầu tiên, những năm 1980 kéo dài đến khoảng giữa thập niên 1990, là những công trình về cơ cấu giai tầng xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, thực hiện chủ yếu trong khuôn khổ hai chương trình liên ngành về hai địa bàn đó. Điểm nhấn nổi bật trong quãng thời gian này là khung cảnh khác biệt kinh tế giữa các nhóm xã hội ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, vị thế và vai trò của tầng lớp trung nông ở vùng này.
Quãng thời gian thứ hai từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000 là những ấn phẩm xoay quanh chương trình nghiên cứu về người nghèo đô thị, và do đó dĩ nhiên điểm nhấn nổi bật là câu chuyện người nghèo trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của cơ cấu xã hội. Nhưng quãng thời gian này cũng nêu lên khung cảnh phân tầng xã hội đang chuyển động nhanh chóng với những đảo lộn về vị thế kinh tế của các nhóm xã hội, trong đó có sự tái xuất hiện những nhóm xã hội “cũ”.
Điểm nhấn của quãng thời gian thứ ba, 2006-2015, là những công trình xoay quanh bốn kiểu/phương pháp nghiên cứu: xây dựng cơ sở dữ liệu, khảo sát định lượng-vĩ mô, nghiên cứu định tính-vi mô, và khảo sát lặp lại. Với những bộ dữ liệu thực nghiệm mới đại diện cho toàn vùng, hoạt động nghiên cứu phân tầng xã hội của Viện quãng thời gian này cung cấp hiểu biết về những khác biệt kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa giữa các giai tầng xã hội ở Nam Bộ, những khác biệt khách quan cũng như cảm nhận chủ quan của họ, những đường nét khái quát cho toàn vùng đồng thời cả những đường nét cụ thể ở cấp cộng đồng và gia đình.
2. Khác với xu hướng học thuật chung thập niên 1970-1980, tương tự Viện Xã hội học ở Hà Nội (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, tên gọi của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thời bấy giờ), Viện Khoa học xã hội tại TPHCM vào cùng thời kỳ lịch sử ấy tỏ ra đã thể hiện rõ nét tinh thần xã hội học thực nghiệm, cố gắng phát hiện vấn đề từ trong thực tiễn, ít bị chi phối hơn bởi những giáo điều. Những nghiên cứu của Lê Minh Ngọc, Đỗ Thái Đồng, Trần Hữu Quang, Nguyễn Thu Sa về cơ cấu giai cấp xã hội phản ánh tinh thần trên. Trong bối cảnh ráo riết thúc đẩy chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp như là một “lập trường” không được phép hoài nghi và không gian thảo luận chật hẹp của khoa học xã hội ở Việt Nam giai đoạn ấy, những bài nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của nông hộ, của trung nông Đồng bằng sông Cửu Long có thể nói là đáng chú ý cả về tinh thần học thuật và chính trị[3]. Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trần Văn Tư, một nhà quản lý cao cấp ở tỉnh Hậu Giang thập niên 1980 đã hồi tưởng đóng góp của Viện thời kỳ ấy. Theo Ông kể, cho đến giữa thập niên 1980 huyện Thốt Nốt tỉnh Hậu Giang vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng lúa. “Nguyên nhân trong thời kỳ đó là do quản lý không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, do đó không phát huy được nguồn lực cơ cấu xã hội; lực lượng động lực của nền kinh tế là tầng lớp trung nông và tiểu chủ, không được phát huy lại bị kiềm chế”. Năm 1986, huyện Thốt Nốt kết hợp với Viện Khoa học xã hội tại TPHCM làm Đề tài Quản lý để phát triển huyện Thốt Nốt nhằm nghiên cứu vai trò của tập đoàn sản xuất và kinh tế nông hộ. Đề tài đi đến kết luận “nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thốt Nốt không phải là tập đoàn sản xuất mà là kinh tế nông hộ; nông hộ là đơn vị kinh tế cơ bản ở nông thôn”. Dựa trên kết quả đó, huyện đã xây dựng mô hình ứng dụng triển khai Đề tài vào thực tế, đạt kết quả tốt. Huyện Thốt Nốt đã có báo cáo mô hình gửi về Ban Nông nghiệp Trung ương tham dự vào quá trình chuẩn bị Nghị quyết 10 Bộ Chính trị Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ra đời năm 1988 (Trần Văn Tư, 2010, trang 140-141)[4]. 3. Nghiên cứu cơ cấu phân tầng xã hội ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trong 10 năm gần đây chú trọng đến tính hệ thống và áp dụng phối hợp nhiều kiểu tiếp cận. Điều này thể hiện ở thiết kế chọn mẫu, tầm nhìn khảo sát lặp lại, kết hợp cấp độ vĩ mô-vi mô, và kết hợp lịch sử xã hội với phân tích xã hội đương đại. Việc chọn mẫu cho ba khảo sát ở ba tiểu vùng Tây Nam Bộ (2008), TPHCM và Đông Nam Bộ (2010) đều đảm bảo tính đại diện khá cao cho cả ba khu vực, mặc dù cỡ mẫu nhỏ. Viện đang tiến hành khảo sát lặp lại cho Đông Nam Bộ và TPHCM. Chương trình Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012 thực hiện năm 2011-2012 là sự bổ sung tiếp cận định tính và vi mô cho tiếp cận định lượng và vĩ mô trước đó. Chiến lược nghiên cứu như thế tạo nên điểm nhấn cho quãng thời gian thứ ba (2006-2015) trong diễn trình nghiên cứu của Viện về cơ cấu xã hội/ phân tầng xã hội.
6. TIẾP NỐI
Nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kể từ cuối thập niên 1970 luôn nhận được sự ủng hộ và tài trợ của cơ quan chủ quản, các Bộ ngành có liên quan, chính quyền các tỉnh thành Nam Bộ, nhất là TPHCM, và của một số nhà tài trợ quốc tế. Trong thời kỳ 2006-2015, hướng nghiên cứu này nhận được sự ủng hộ và tài trợ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long. Nhờ thế mới có thể thực hiện được những khảo sát định lượng tốn kém. Nhưng cũng có nhiều trở ngại khiến kết quả không như kỳ vọng.
Sẽ có nhiều khó khăn, nếu ai đó muốn duy trì và phát huy sự quan tâm tương đối liên tục của Viện đối với những hướng nghiên cứu có bề dày thời gian, trong đó có nghiên cứu phân tầng xã hội. Trở ngại đến từ hai phía: bên trong và bên ngoài Viện.
Trở ngại bên trong là sự yếu kém về mặt định chế trong loại hình tổ chức cơ quan nghiên cứu được áp đặt từ trên xuống đối với các cơ quan nghiên cứu, một trở ngại đã kéo dài tới nửa thế kỷ. Cách tổ chức lâu nay khiến mọi đơn vị nghiên cứu và đào tạo công lập đều ở tình trạng “suy nhược cơ thể mãn tính”, khiến cho phải rất khó khăn mới có thể làm được điều gì đó mang tính dài hạn và/ hoặc đột phá.
Trở ngại bên ngoài liên quan đến những khó khăn lớn trong việc tìm được sự chia sẻ, ủng hộ và tài trợ từ các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương cũng như cấp tỉnh[5], các hội đồng xem xét danh mục đề tài, xét duyệt đề cương cũng như nghiệm thu đề tài. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy luôn là một thách thức lớn trong việc tìm kiếm sự hiểu biết và chia sẻ ý tưởng với các nhà nghiên cứu và quản lý khoa học cao cấp, những người có quyền lực trong việc chính thức hóa danh mục đề tài, xét cấp kinh phí và nghiệm thu đề tài. DANH MỤC TÀI LIỆU LIÊN QUAN
1. Bui, Cuong The. 2015. Social Stratification in the Southeast Region of Vietnam. IAS Working Paper Series. No. 16. Universiti Brunei Darussalam Institute of Asian Studies.
2. Bùi Thế Cường. 2010. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
3. Bùi Thế Cường. 2011a. Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ. Báo cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT06-22. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
4. Bùi Thế Cường. 2011b. Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ giai đoạn 2011-2020. Báo cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT09-22. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
5. Bùi Thế Cường. 2012a. Một số nét về điều kiện sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh qua cuộc khảo sát xã hội năm 2010. Trong: Tạp chí Nghiên cứu phát triển. Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Số 2/2012. Trang 44-54.
6. Bùi Thế Cường. 2012b. Đi tìm một cách quan trắc biến đổi xã hội phục vụ quản lý phát triển. Trong: Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học xã hội và phát triển bền vững Đông Nam Bộ 2012” do Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức ngày 12-13/7/2012 tại Thành phố Biên Hòa.
7. Bùi Thế Cường. 2012c. Quan trắc cơ cấu giai tầng xã hội để phục vụ quản lý phát triển. Trong: Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học và công nghệ với sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Khoa học và công nghệ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức ngày 9/8/2012 tại Hậu Giang.
8. Bùi Thế Cường. 2012d. Báo cáo khoa học Đề tài “Điều tra cơ bản về cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi con người ở tỉnh Vĩnh Long”. Vĩnh Long: Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long và Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
9. Bùi Thế Cường. 2012e. Cơ cấu giai tầng xã hội, thu nhập và xu hướng cải thiện đời sống ở Nam Bộ. Trong: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. 2012. Việt Nam học: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ tư Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững. Tập III. Hà Nội, ngày 26-28/11/2012. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 125-137.
10. Bùi Thế Cường. 2013a. Báo cáo Tổng hợp Đề tài “Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
11. Bùi Thế Cường. 2013b. Nghiên cứu Nam Bộ 2011-2012. Báo cáo Tổng hợp Chương trình cấp Bộ CT11-22. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
12. Bùi Thế Cường. 2013c. Tầng lớp xã hội và khác biệt kinh tế ở tỉnh Vĩnh Long. Trong: Trường Đại học Tôn Đức Thắng. 2013. Kỷ yếu Ngày Xã hội học Nam Bộ 2013. Hội thảo tại TPHCM ngày 11/1/2013.
13. Bùi Thế Cường 2014. Đề tài KX.02.20/11-15: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15).
14. Bùi Thế Cường. 2015. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015. Trang 20-31.
15. Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 3(139). Trang 35-47.
16. Bùi Thế Cường, Lê Thanh Sang, Trần Đan Tâm. 2010. Thành phố sống tốt nhìn từ hộ gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên-Huế và TPHCM. 2010. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phát triển đô thị bền vững” tổ chức tại TPHCM ngày 17-18/5/2010. TPHCM. Trang 361-366.
17. Bùi Thế Cường, Nguyễn Thị Minh Châu, Đào Quang Bình. 2014. Hộ gia đình ở tỉnh Vĩnh Long: Vị thế kinh tế-xã hội và những cảm nhận về gia đình và cuộc sống. Trong: Nguyễn Hữu Minh (Chủ biên). 2014. Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
18. Bùi Thế Cường, Tô Đức Tú, Phạm Thị Dung. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh: Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu. Tạp chí Nghiên cứu Phát triển. Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Số 12 (2/2015). Trang 73-79.
19. Bùi Thế Cường, Trần Đan Tâm, Lê Thanh Sang. 2009. Điều kiện sống, sử dụng thời gian rỗi, và cảm nhận của người dân về cuộc sống qua một khảo sát định lượng ở miền Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 8(132). Trang 11-17.
20. Đào Quang Bình. 2005. Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp ở một cộng đồng dân cư đang đô thị hóa. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 11(87). Trang 40-45.
21. Đỗ Thái Đồng. 1989. Quan hệ sản xuất và động thái giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 1(1). Trang 43-49.
22. Đỗ Thái Đồng. 1989. Những vấn đề cơ cấu xã hội và sự phát triển ở một xã nông thôn Nam bộ (Điều tra xã hội học tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long). Tạp chí Xã hội học. Số 3(27). Trang 49-59.
23. Đỗ Thái Đồng. 1991. Cơ cấu xã hội-văn hóa ở miền Nam nhìn theo mục tiêu phát triển của cả nước. Tạp chí Xã hội học. Số 1(33). Trang 10-14.
24. Đỗ Thái Đồng. 1995. Con đường từ kinh tế tiểu nông đến kinh tế hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Xã hội học. Số 1(49). Trang 17-26.
25. Đỗ Thái Đồng. 2004. Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi. Phúc trình tổng hợp Đề tài. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. TPHCM: Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
26. Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong: Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 4(200). Trang 29-40.
27. Evers, Hans-Dieter và Simon Benedikter. 2013. Tiến trình hình thành nhóm chiến lược tại Đồng bằng sông Cửu Long – Sự phát triển của một xã hội thủy lợi hiện đại. Trong: Bùi Thế Cường và Solvay Gerke (Chủ biên). 2013. Nước là nguồn chiến lược: Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb. Từ điển Bách khoa.
28. Lê Minh Ngọc. 1982. Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM. 1982. Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 214-225.
29. Lê Minh Ngọc. 1984. Về tầng lớp trung nông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Xã hội học. Số 2(6). Trang 25-31.
30. Lê Minh Ngọc. 1990. Một số khía cạnh kinh tế-xã hội của dân cư và lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(4). Trang 12-18.
31. Lê Minh Ngọc. 1990. Chuyển biến cơ cấu giai cấp xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM: Viện Khoa học xã hội (Lưu trữ tại Thư viện Viện Xã hội học: TL2012).
32. Lê Phước Đáng. 1982. Vài ý kiến về đánh giá trung nông ở Hậu Giang và con đường đưa trung nông Hậu Giang lên hợp tác hóa. Trong: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM. 1982. Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 226-234.
33. Lê Thanh Sang. 2009. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ “Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ.
34. Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm. Trong: Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(138). Trang 31-40.
35. Lê Thanh Sang. 2011. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ “Một số vấn đề cơ bản về phát triển xã hội và quản lý xã hội nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ.
36. Lê Thanh Sang và Bùi Thế Cường. 2010. Phân bố chuyển dịch đất nông nghiệp của hộ gia đình ở Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 4(140). Trang 24-32.
37. Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu. 2013. Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với TPHCM và Tây Nam Bộ. Trong: Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(174). Trang 20-32.
38. Lê Thanh Sang và Quách Thu Cúc. 2001. Việc làm và cơ hội thăng tiến cho người lao động. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 581-612.
39. Lê Thế Vững. 2010. Sự chuyển đổi việc làm của cư dân Tây Nam Bộ trong 5 năm trở lại đây. Trong: Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 11+12(147+148). Trang 67-72.
40. Lê Văn Thành. 2012. Mức sống kết hợp với môi trường sống của các hộ gia đình Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo Đề tài cấp Thành phố. TPHCM: Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.
41. Mạc Đường. 2004. Nghèo đô thị và cuộc chiến chống đói nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
42. Ngô Văn Huấn. 2013. Một số đặc điểm trong đời sống hộ gia đình ở Quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay qua một cuộc khảo sát định lượng. Luận văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
43. Nguyễn Công Bình. 1991. Về cơ cấu xã hội và chính sách xã hội ở Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 1(7). Trang 28-40.
44. Nguyễn Công Bình. 1991. Mấy khía cạnh xã hội qua cuộc điều tra kinh tế-xã hội-nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 3(9). Trang 10-20.
45. Nguyễn Công Bình. 1993. Cơ cấu xã hội, sự phân tầng xã hội và chính sách xã hội ở nông thôn Nam Bộ. Tạp chí Xã hội học. Số 4(44). Trang 24-33.
46. Nguyễn Công Bình. 2002. Nghiên cứu phân tích đánh giá thực trạng sự phân tầng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường ở tỉnh Vĩnh Long. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Vĩnh Long và Trường Đại học Dân lập Cửu Long. Báo cáo đề tài.
47. Nguyễn Công Bình. 2008. Đời sống xã hội ở vùng Nam Bộ. TPHCM: Đại học Quốc gia TPHCM.
48. Nguyễn Công Bình. 2015. Nhớ mãi 10 thành tựu khoa học phục vụ phát triển xã hội với đường lối chính sách về vùng Nam Bộ. Tham luận Hội thảo khoa học 40 năm khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức ngày 19/9/2015 tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. TPHCM.
49. Nguyễn Minh Hòa. 1993. Sự biến đổi cơ cấu giai cấp-xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh sau bốn năm chuyển sang kinh tế thị trường (1988-1992). Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 1(15). Trang 99-104.
50. Nguyễn Nghị. 2012. Doanh nghiệp và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 10(170)/2012. Trang 9-21.
51. Nguyễn Quang Vinh. 1992. Đổi mới kinh tế và tính năng động của toàn bộ cơ cấu xã hội. Trong: Những vấn đề xã hội học ở miền Nam. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 20-28.
52. Nguyễn Qưới. 2003. Mối tương quan giữa cơ cấu thu nhập và phân tầng xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nghiên cứu trường hợp tỉnh Vĩnh Long). Trong: Nguyễn Thế Nghĩa (Chủ biên). 2003. Những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ Đổi mới. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 343-358.
53. Nguyễn Qưới. 2007. Các loại hình kinh tế của hộ gia đình trong mối tương quan với phân tầng xã hội. Trong: Trung tâm Nghiên cứu xã hội học. 2007. Những nghiên cứu xã hội học trong thời kỳ chuyển đổi. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 203-220.
54. Nguyễn Qưới và Phan Văn Dốp. 1999. Đồng Tháp Mười nghiên cứu phát triển. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
55. Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
56. Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
57. Nguyễn Thị Cành. 2005. Đặc điểm và các động thái phân hóa giàu nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh qua 5 năm (1995-2000) từ kết quả điều tra của Viện Kinh tế TPHCM. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 765-798.
58. Nguyễn Thị Hậu. 2013. Điều tra chất lượng cuộc sống của cư dân Thành phố năm 2013. TPHCM: Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.
59. Nguyễn Thu Sa. 1991. Về nhân vật trung tâm ở nông thôn Nam Bộ: Người trung nông. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 3(9). Trang 30-33.
60. Nguyễn Thu Sa. 1996. Người nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh: Thử phác họa một bức chân dung. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(28). Trang 86-97.
61. Nguyễn Thu Sa. 2005. Chênh lệch về thu nhập và sự thăng tiến của các tầng lớp dân cư (Qua nghiên cứu tại ba cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh). Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang: 799-834.
62. Nguyễn Văn Xê. 2015. Từ chương trình giảm nghèo theo thu nhập đến giảm nghèo đa chiều ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020. Tạp chí Nghiên cứu Phát triển. Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Số 12 (2/2015). Trang 80-91.
63. Phạm Ngọc Đỉnh. 2001. Niềm tin về sự thăng tiến vượt nghèo. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2001. Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 467-475.
64. Phạm Thị Dung. 2015. Chăm sóc sức khỏe ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Đang thực hiện).
65. Phan An. 1978. Vấn đề trung nông Khơ-me ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM, Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam. TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM, Ban Dân tộc học. (Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562).
66. Phan Thanh Lời và Vũ Ngọc Xuân Ánh. 2013. Cơ cấu nghề nghiệp và xu hướng chuyển đổi việc làm của cư dân nông thôn Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 10(182)/2013. Trang 19-33.
67. Phan Thị Thùy Trâm. 2007. Vấn đề phân tầng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ. TPHCM: Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
68. Phan Xuân Biên. 2001. Động thái kinh tế-xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thập niên cuối thế kỷ XX. Tạp chí Xã hội học. Số 3(75)/2001. Trang 3-8.
69. Tô Đức Tú. 2015. Lối sống của các giai tầng trung lưu hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh). Luận văn thạc sĩ xã hội học. Hà Nội: Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
70. Trần Đan Tâm. 2010. Chọn mẫu cho 3 cuộc khảo sát “Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội” tại vùng Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 7(143). Trang 83-91.
71. Trần Hữu Quang. 1982. Nhận diện cơ cấu giai cấp ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Số 4. Trang 31-38.
72. Trần Hữu Quang. 2009. Hệ thống phúc lợi xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. TPHCM: Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.
73. Trần Hữu Quang. 2010. Cơ sở dữ liệu, thông tin và tri thức phục vụ chiến lược nghiên cứu 2006-2010 của Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ. TPHCM: Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Báo cáo Đề tài cấp Viện 2009.
74. Trần Hữu Quang. 2012. Nông hộ và ruộng đất: Những chuyển động và thách thức (qua khảo sát tại hai xã nông nghiệp ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 09(169)/2012. Trang 44-60.
75. Trần Hữu Quang. 2013. Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020. Báo cáo Đề tài cấp Bộ. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
76. Trần Thị Nhung. 2012. Cộng đồng ở nông thôn Đông Nam Bộ và chương trình xây dựng nông thôn mới (Trường hợp xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 12(172)/2012. Trang 16-23.
77. Trần Thị Nhung. 2014. Những đặc trưng trong quá trình phát triển của các cộng đồng xã ấp Đông Nam Bộ từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 10(194)/2014. Trang 58-68.
78. Trần Văn Tư. 2010. Nhớ về một đóng góp của Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh 25 năm trước. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 11+12(147+148)/2010. Trang 140-141.
79. Văn Ngọc Lan và Trần Đan Tâm. 2005. Mạng lưới xã hội và cơ hội thăng tiến trong đời sống dân cư đô thị. Trong: Nguyễn Thế Nghĩa, Mạc Đường, Nguyễn Quang Vinh (Đồng Chủ biên). 2005. Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 1.095-1.138.
80. Văn Thị Ngọc Lan. 2005. Phân tầng xã hội - một hiện thực trong nền kinh tế thị trường (Qua nghiên cứu một số xã ở tỉnh Long An). Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 5/2005. Trang 46-53.
81. Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. 1978. Những vấn đề dân tộc học ở miền Nam. TPHCM: Viện Khoa học xã hội tại TPHCM Ban Dân tộc học. (Thư Viện Khoa học xã hội. Vv2562).
82. Viện Khoa học xã hội tại TPHCM. 1982. Một số vấn đề khoa học xã hội về Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
83. Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Báo Sài Gòn Giải phóng. 2006. Sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm, giai tầng xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: Thực trạng và giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học ngày 8/12/2006 tại Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM.
Bùi Thế Cường
Giáo sư Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Brunei Darussalam.
------
Các bài có liên quan trên PTKT:
[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Mã số KX.02.20/11-15). Đã in trong: Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Số 9+10(205+206)/2015. Trang 42-57. Phiên bản này có bổ sung đôi chút.↩
[2] Trong cụm 1 còn có thể kể đến một số cơ quan quốc tế khác như UNDP. Trong cụm 2 có thể bao gồm cả Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản.↩
[3] Hiện nay, người ta vẫn còn nhìn thấy “bàng bạc” sự tương phản này, mặc dù hầu hết các nghiên cứu gần đây đều đã cố gắng theo đuổi tinh thần thực nghiệm và tham khảo các lý thuyết xã hội quốc tế đương đại (Bùi Thế Cường, 2014).↩
[4] Về sự tương tác sôi động giữa thực tế, chính sách và nghiên cứu xã hội ở Nam Bộ thời kỳ đó, xin xem thêm bài của Nguyễn Công Bình (2015). Độc giả quan tâm rộng hơn đến vấn đề lịch sử này có thể đọc thêm Đặng Phong Tư duy kinh tế Việt Nam Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989 (Nxb. Tri Thức 2008) và “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi Mới (Nxb. Tri Thức 2009); loạt bài của báo Tuổi Trẻ “Đêm trước” Đổi Mới: Ký ức thời “sổ gạo” khởi đăng từ ngày 30/11/2005; loạt bài của Đông Hải Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ khởi đăng từ ngày 9/4/2010 trên VietNamNet (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-04-06-duong-hoa-nhap-cua-nhung-nhan-si-che-do-cu); bài của Phan Chánh Dưỡng Từ “ngủ dài cho đỡ đói” tới khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam (Tuần Việt Nam VietnamNet. 12/4/2010).
Thực ra, khi nói đến đóng góp của nghiên cứu xã hội trong việc khẳng định vai trò của nông hộ và của trung nông thời kỳ đó, ta nên lưu ý đây chỉ là chuyện “phát hiện học thuật” mang tính địa phương và thời điểm, nhằm làm rõ hiện thực trong thế tương phản với chính sách. Trên thế giới, từ lâu rồi giới học thuật và chính trị đã biết rõ luận điểm ấy, thực tiễn ấy. Thậm chí từ đầu thập niên 1970 cũng đã có những công trình đề cập đến vấn đề này ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, xem: Robert L. Sansom. 1970. The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam. MIT Press (có bản dịch tiếng Việt chưa xuất bản cho một số phần của cuốn sách).↩
[5] Tôi đã có một vài nỗ lực để có thể mở rộng kiểu nghiên cứu định lượng-vĩ mô cho các tỉnh Nam Bộ nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu để quan trắc biến đổi xã hội ở cấp tỉnh và cấp vùng qua thời gian, nhưng trong số những tỉnh thành ở Nam Bộ mà tôi tiếp xúc chỉ có TPHCM và Vĩnh Long đã chia sẻ và ủng hộ ý tưởng đó. Tôi cũng đã cố gắng triển khai hướng nghiên cứu định tính-vi mô về cơ cấu xã hội (nghiên cứu cộng đồng lịch sử và đương đại), nhưng liên tục bị các hội đồng xây dựng danh mục đề tài hay hội đồng xét duyệt đề cương bác bỏ (!).↩