16.4.17

Hệ thống hiểu biết khoa học

Khoa học kỹ thuật và văn hoá ‒ 3

HỆ THỐNG HIỂU BIẾT KHOA HỌC

Hàn Thuỷ
Hai thế kỷ 18 và 19 là thời hoàng kim của khoa học kỹ thuật tại Âu châu, hiểu biết khoa học từ lãnh vực cơ học lan tràn sang những lãnh vực khác của tự nhiên và trở thành có hệ thống. Các nhà tư tưởng thuộc tôn giáo hay triết học đủ mọi phía đều không một mảy may nào nghi ngờ cái sứ mạng dùng khoa học kỹ thuật để “làm chủ và chủ sở hữu của tự nhiên”. Cũng phải nói thêm đối với đại bộ phận trí thức Châu Âu thời ấy, con người làm chủ đây là con người châu Âu, và các dân tộc khác nằm trong cái gọi là thế giới tự nhiên cần chinh phục và khai hóa.
Cái tiến trình dẫn đến sự ưu việt tuyệt đối về sức mạnh vật chất của châu Âu kéo dài từ cuối Trung cổ cho đến nay là sự tác động qua lại, quyện chặt lấy nhau trong nhiều thế kỷ của nhiều yếu tố: nền tảng tinh thần Hy Lạp cộng Do thái - Thiên chúa giáo, sự phát triển nông nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp, chủ nghĩa tư bản, sự phát triển khoa học kỹ thuật. Dòng lịch sử đa diện này khi thì tiệm tiến, khi thì bùng nổ thành các cuộc cách mạng như cách mạng tư sản Pháp, cách mạng công nghệ và kỹ thuật Anh. Thêm vào đó còn chiến tranh, còn sự giao lưu với các nền văn hoá lớn khác như Ấn Độ, Trung Quốc. Vì vậy khó có thể xác quyết đâu là nguyên nhân và đâu là hậu quả như nhiều đại triết gia, đại trường phái đã và còn đang suy luận, tranh cãi. Duy có một điều rằng, trong không biết bao nhiêu các thứ chủ nghĩa đã ra đời, không có chủ nghĩa nào tự cho rằng mình phản khoa học. Vậy có lẽ có thể giới hạn ở đây trong việc tìm hiểu thế nào là khoa học thực sự, còn bảo vệ hay phê phán các triết thuyết này khác thì không phải chỗ.
Tuy nhiên, thế không có nghĩa không cần tìm hiểu các thuật ngữ và khái niệm đã được dùng để biểu đạt các thái độ triết học khác nhau trước khoa học, với hy vọng vấn đề sẽ sáng tỏ hơn khi được chiếu rạng qua nhiều góc độ khác nhau. Sau khi xác định lại một số danh từ, bài này sẽ phác hoạ sự hoàn chỉnh hệ thống hiểu biết khoa học trong hai thế kỷ 18 và 19, dựa trên toán học và thực nghiệm, hai đặc điểm đã rõ nét từ Galileo, để đưa đến sự hình thành hai đặc điểm nữa: niềm tin tất định và yêu cầu quy giản để bảo đảm sự thống nhất của khoa học.

1. Khoa học kỹ thuật và vài chủ nghĩa

1.1. Khoa học luận (epistemologie)

Aristote (384-322 BC)
G. E.R. Lloyd (1933-)
Vậy những luận thuyết lấy khoa học làm đối tượng có từ bao giờ? Theo từ điển 'Robert': chữ 'épistémologie' được sử dụng lần đầu trong pháp văn năm 1907, nghĩa là rất mới (không có trong từ điển Littré), chữ này xuất hiện trước trong tiếng Anh (1856), và có thể trong tiếng Ðức. Epistémologie được ghép từ hai chữ Hylạp 'épistème' (hiện nay thường được dịch là 'science', khoa học. Theo G.E.R. Lloyd, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Hy Lạp, trước Aristote chữ này có nghĩa là hiểu biết nói chung), và 'logos' (ở đây có thể hiểu như diễn giải, biện luận; chữ 'logos' có rất nhiều nghĩa khác nhau. Bùi Giáng không dịch mà phiên âm là “Lồ Gồ”). Hai cách hiểu này hiện vẫn còn tồn tại; ở Pháp 'épistémologie' đồng nghĩa với “philosophie des sciences” (tiếng Anh: philosophy of science) triết lý về khoa học, một bộ phận của nhận thức luận đặc biệt chú trọng đến những nhận thức có tính khoa học, đến lịch sử nảy sinh và biến chuyển của các nhận thức ấy; ở Anh (hay Đức?) người ta vẫn dùng epistemology cho nhận thức luận nói chung (tiếng Pháp: théorie des connaisances).
Các nhận thức khoa học là những nhận thức về vạn vật của đời thường, có tính (tương đối) bền vững và được sự đồng thuận rộng rãi. Sự đồng thuận này có được do hai yếu tố: suy luận lôgíc chặt chẽ và kiểm chứng bằng thực nghiệm (thực nghiệm cũng có nghĩa là một tình huống có thể có thật, bom nguyên tử đã nổ tại Hiroshima sau khi được tính toán tại Los Alamos và thực nghiệm tại sa mạc Nevada). Nếu các nhà khoa học thường hay nêu yếu tố thứ nhất như một yêu cầu thẩm mỹ của lý trí, một động cơ cao đẹp của hoạt động khoa học; thì trong xã hội của đại đa số, kể cả tầng lớp lãnh đạo chính trị bất cứ dưới chính thể nào, sự đồng thuận tôn trọng khoa học (mặc dù không hiểu rõ) không chỉ vì tôn trọng học thuật nói chung, mà phần lớn còn do tác dụng rất mạnh mẽ của nó thể hiện qua vũ khí, công nghệ, kinh tế. Thực tế của cuộc gặp gỡ Âu, Á, Phi, Mỹ, từ thế kỷ 16 tới nay hiển nhiên không cần bàn cãi: có khoa học kỹ thuật thì thắng mà không có thì thua, khoa học với tàu đồng súng sắt còn đáng sợ hơn phù thuỷ cầu mưa, khi được khi không. Tuy nhiên, trong nửa sau thế kỷ 19 sự tôn vinh quá đáng chủ nghĩa duy khoa học, cùng với sự thiết lập nền văn minh kỹ nghệ máy móc, đã bước đầu làm nảy sinh những phê phán.

1.2. Duy tâm (idéalisme) và duy vật (matérialisme)

Ðến lúc nên bẻ cổ ở đây một con vịt ấu trĩ và giáo điều, cho rằng chỉ có duy vật mới là khoa học, còn duy tâm là phản khoa học. Cuộc đời phức tạp hơn nhiều chứ đâu chỉ giản dị như thế! Người làm khoa học, mà nói cho cùng người nào cũng thế, ai cũng chấp nhận có một thế giới khách quan độc lập với ý thức và ý chí của mình. Chỉ có người điên mới có thể bình thản lái xe đâm vào cột đèn vì cho rằng có thể phủ định sự hiện hữu của nó bằng ý thức của mình. Ðối tượng của người làm khoa học không có gì khác là cái thế giới khách quan trần tục như cột đèn đó. Các nhà bác học duy tâm và các nhà bác học duy vật khi nghiên cứu khoa học tự nhiên đều có cùng đối tượng và cùng phương pháp. Có lẽ có sự khác biệt trong khoa học xã hội, lịch sử và nhân văn vì ở đây các phương pháp khoa học (hiểu theo các tiêu chuẩn của khoa học tự nhiên) và các tiên thiên triết học khó tách rời. Vậy có thể xác định được chăng thế nào là duy tâm khoa học và duy vật khoa học? Duy tâm phản khoa học và duy vật phản khoa học? Vấn đề lý thú nhưng hóc búa và cần dài dòng, có lẽ chỉ có thể có vài nhận định và câu hỏi có tích cách gợi ý.
Trước hết có thể nói đối với người duy vật không có thế giới nào khác hơn là thế giới 'cột đèn', những suy tưởng trừu tượng của con người cũng do sự vận động của vật chất mà thành. Người theo duy vật biện chứng không phủ nhận ảnh hưởng của tinh thần trên thế giới vật chất nhưng, suy đến cùng, thì sự biến đổi của thế giới vật chất quyết định những biến đổi trong thế giới tinh thần. Cả vấn đề nằm ở ba chữ “suy đến cùng” đó, hiện nay chưa có một lý thuyết khoa học nào suy được đến cùng về sự hình thành của ý thức con người. Vì thế thái độ duy vật tuyệt đối vẫn chỉ là một niềm tin, một giả thuyết tiên thiên có tính cách siêu hình như những giả thuyết siêu hình khác. Không chứng minh được và cũng không đả phá được.
Ðối với người duy tâm không phải không có thế giới 'cột đèn', nhưng còn một thế giới tinh thần khác, không mâu thuẫn với các quy luật khoa học, mà ngược lại toàn thiện toàn mỹ, theo các quy luật tuyệt đối hơn là thế giới trần tục. Vấn đề ở đây là như thế làm sao thấy được dấu vết bàn tay của Thượng đế, nếu Thượng đế duy lý, vì bản chất của những giải thích duy lý là không cần đến giả thiết thượng đế? trừ giả thuyết siêu hình tiên thiên tối hậu: không thể có một thế giới có trật tự có lôgíc để cho con người hiểu được nếu thế giới ấy không do bàn tay Thượng đế an bài ngay từ đầu. Nhiều nhà bác học chia sẻ niềm tin này, từ đó sự thống khổ sâu xa trong tiếng than dài cuả Einstein “Thượng đế không chơi trò súc sắc!”. Nhưng khoa học đâu phải hoạt động tinh thần duy nhất của con người? và khoa học cũng không giải quyết được những khủng hoảng tinh thần trầm trọng của con người.
Vả lại, đâu phải chỉ có duy vật và duy tâm, “Xá lợi tử, sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc”, câu kinh Kim Cương đó không duy tâm mà cũng chẳng duy vật.

1.3. Duy lý (rationalisme) và duy khoa học (scientisme)

René Descartes (1596-1650)

Chủ nghĩa duy lý bắt nguồn trực tiếp từ tư tưởng Descartes, biểu thị thái độ “luôn luôn xem xét và đánh giá mọi việc theo như lý trí của riêng mình, độc lập với mọi uy quyền (Littré)”. Một đặc điểm thứ hai nữa của chủ nghĩa duy lý, cũng bắt nguồn từ Descartes, là tin tưởng rằng lý trí của con người là phổ quát. Rõ ràng đây vẫn là hai điều cần thiết trong tinh thần khoa học, lấy một thí dụ đơn giản: một chứng minh toán mọi người đều hiểu bằng lý trí của riêng mình, nếu hiểu, và điều kỳ diệu là mọi người đều hiểu giống nhau. Thế nhưng cần mà không đủ, đâu có thể nào xem xét và đánh giá mọi sự trên đời như một định lý? Dù sao cần nhớ lại ảnh hưởng vô cùng lớn của tinh thần duy lý trong tiến bộ khoa học thời ấy, khắp nơi tại Pháp, Ðức, Ý, trong các tỉnh lỵ nhỏ bé đều mọc ra như nấm những “hội thông thái” (sociétés savantes) để bàn đủ mọi chuyện với tinh thần duy lý (Theo François Chatelet: Une histoire de la raison, col. Point Science, nxb Seuil). Trong khung cảnh một xã hội còn nhiều mê tín dị đoan thì đó là ánh sáng đẩy lùi bóng tối.
Auguste Comte (1798-1857)
François Chatelet (1925-1985)
Chủ nghĩa duy khoa học xuất hiện khi người ta nghĩ rằng, với Auguste Comte (1798-1857) chẳng hạn, tinh thần duy lý của khoa học là đủ để giải quyết mọi chuyện trên đời. Phải nói rằng niềm tin này có cơ sở thực tiễn, một sự đi quá trớn theo một cái đà rất mạnh cuả các thành công khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong suốt một thế kỷ châu Âu tương đối hoà bình và thịnh vượng, sau Waterloo (1815) và trừ giai đoạn công xã Paris (1871). Một vài đặc điểm của chủ nghĩa duy khoa học là: vô thần, chống lại các tôn giáo; tham vọng tổ chức lại xã hội một cách khoa học; tin tưởng rằng khoa học sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người; mẫu người lý tưởng dĩ nhiên là nhà bác học; từ đó đi đến mơ ước về vương quốc của các nhà bác học, nghĩ rằng để họ cầm quyền thì tự nhiên hạnh phúc và hoà bình.
Chủ nghĩa duy khoa học bị lung lay khi khoa học tạm thời bị trì trệ trong những khủng hoảng lý thuyết trầm trọng đầu thế kỷ; và không còn chỗ dựa luân lý nữa sau chiến tranh lần thứ nhất khi con người thấy người ta có thể sử dụng khoa học kỹ thuật vào những việc dã man nhất. Tuy vậy vẫn còn hơi hướng của chủ nghĩa duy khoa học trong nhiều tác phẩm, bài viết sản xuất trong mồ ma các nước “chủ nghĩa xã hội hiện thực”.

1.4. Chủ nghĩa duy nghiệm (Empirisme)

David Hume (1711-1776)
Isaac Newton (1643-1727)
Sau Descartes và Newton, David Hume (1711-1776, người Écosse) kế thừa và phê phán tinh thần duy lý một cách triệt để. Ông cho rằng mọi hiểu biết của con người là do bắt nguồn từ kinh nghiệm thực tế, và các quy luật của tự nhiên là... tự nhiên quan sát thấy nó như thế, không có gì chứng minh từ nguyên nhân này phải có hậu quả kia, ngoại trừ việc quan sát thấy từ xưa đến giờ hễ có cái này thì sẽ có cái kia. Không có gì ở đằng sau một quy luật tự nhiên, và nếu bỗng nhiên nếu trái đất ngừng quay quanh mặt trời thì người ta sẽ lại quan sát thấy một quy luật khác, không có gì để thắc mắc cả. David Hume là triết gia, không phải là nhà khoa học. Nhưng những phê phán của ông vừa bắt buộc lý luận khoa học phải chặt chẽ và thống nhất hơn, vì chỉ có thể trả lời cho chủ nghĩa duy nghiệm là: đằng sau một quy luật tự nhiên có một... quy luật tự nhiên khác cơ bản hơn; vừa bắt buộc ngưòi ta tự hỏi, nói cho cùng, thế nào là kinh nghiệm thực tế, thế nào là thực tại. Có thể mô tả thực tế mà không dựa trên một lý thuyết tiên thiên hay không? Những câu hỏi vẫn còn giá trị cho tới nay.

2. Những khám phá và phát minh trong hai thế kỷ

Jean Rosmorduc

Trong khung cảnh tinh thần mà ở trên chỉ có vài nét chấm phá; trong khung cảnh chính trị và xã hội cuả một thế kỷ xáo động dữ dội và một thế kỷ tương đối ổn định hoà bình; trong khung cảnh kinh tế và công nghệ phát triển liên tục; sự hình thành hệ thống hiểu biết khoa học và kỹ thuật vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của các yếu tố lịch sử đó. Biết bao nhiêu là khám phá, phát minh, biết bao nhiêu là trước tác lý thuyết căn bản. Chỉ cần nói rằng một phần không nhỏ các chương trình đại học trong các ngành khoa học trên thế giới đều là để dạy những thành tựu trong hai thế kỷ đó của mỗi ngành. Và nếu coi như hành lý của người có văn hoá hiện nay là xong chương trình tú tài, vì sau đó phần lớn đi vào chuyên môn, thì cái văn hoá đó cũng chưa đủ để có một ý niệm rõ rệt về khoa học của thế kỷ 19. Khoa học cuả thế kỷ hai mươi nói chung là phải đợi năm cuối đại học và sau đó cao học, dĩ nhiên là khi ấy người ngành nào chỉ biết ngành đó trong hàng trăm ngành. Sau đây chỉ kể những cái mốc về Vật lý học, Hoá học, và công nghệ, Sinh học và y học, chủ yếu theo Jean Rosmorduc, Une histoire de la physique et de la chimie, col. Points science, nxb Seuil 1985.

2.1. Vật lý học


Năm 1704 Newton công bố công trình Quang học; Năm 1729 Gray bắt đầu nghiên cứu về tĩnh điện; Năm 1780 Laplace và Lavoisier công bố các nghiên cứu Nhiệt học. Năm 1785 định luật Coulomb về tĩnh điện. Năm 1788 tác phẩm “cơ học giải tích” của Lagrange. Năm 1800 phát minh pin điện vủa Volta. Năm 1802 Young khám phá hiện tượng giao thoa ánh sáng.
Sang thế kỷ 19: Fresnel nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ (diffraction) năm 1816 và chứng minh bản chất ba động của ánh sáng năm 1821; Oersted khám phá liên hệ giữa điện và từ trường năm 1820; Fourier đặt nền móng toán học cho các nghiên cứu về truyền nhiệt năm 1822; năm 1823, Sadi Carnot và nhiệt động học, năm 1827 định luật Ohm. Năm 1864 Maxwell thống nhất bản chất của ánh sáng và từ trường. 1850-1865 lý thuyết nhiệt động học của Clausius và Kelvin. 1877 có lý thuyết cơ động học của thể khí, của Boltzman. Từ 1880 đến 1890 là các nghiên cứu của Hertz và Brandy về sóng điện từ, thí nghiệm của Michelson và Moley (1881 và 1887), thiết lập vận tốc tuyệt đối của ánh sáng, rạn nứt đầu tiên trong cơ học cổ điển. Rồi đến thập niên cuối thế kỷ là: tia X (Roentgen 1895), hiện tượng phóng xạ (Becquerel 1896).

2.2. Hoá học


Hoá học phức tạp hơn và do đó phát triển tương đối chậm hơn vật lý học. Khoảng đầu thế kỷ 18, cỡ 1720, người ta còn nghĩ rằng sức nóng là một thuộc tính cơ bản của vật chất (calorique). Các nghiên cứu về bản thể của vật chất còn ở mức định tính (qualitative) cho tới Lavoisier cuối thế kỷ 18, và phải đợi đến đầu thế kỷ 19 với những công trình của Danton (1803) thì thuyết nguyên tử mới ngự trị không thể chối cãi, trước đó nhiều nhà bác học tin nhưng không chứng minh được. Người ta thường coi tác phẩm “Luận thuyết sơ đẳng về hoá học” của Lavoisier viết năm 1789 là bản khai sinh cho nền hoá học hiện đại. Trước Lavoisier đáng kể có sự phát hiện thán khí (Black 1754); các khí azote (Rutherford, 1772, lúc bấy giờ ông vẫn chống thuyết nguyên tử) và Clore (Scheele, 1772); Dưỡng khí và khí Ammoniac (Priestley, 1774). Năm 1777 Lavoisier phân tích được thành phần không khí.
Các hoá chất khác nhau liên tiếp được phát hiện trong từ cuối thế kỷ 18 và trong thế kỷ 19 không thể kể hết. Về mặt phương pháp luận trong hoá học, sau Lavoisier và Danton phải kể đến phương pháp điện giải (Davy, 1807), định luật Gay Lussac (1808); các quy luật phản ứng hoá học theo tỷ lệ nhất định (Berzélius, 1835), mở đường cho lý thuyết mới về nguyên tử và phân tử. Năm 1860 Berthelot nghiên cứu sự tổng hợp các chất hữu cơ; 1869 Mendeleev công bố bảng tuần hoàn; năm 1896 cuối thế kỷ Piere và Marie Curie phát hiện các chất phóng xạ Polonium và Radium.

2.3. Công nghệ


Máy hơi nước đầu tiên do Denis Papin sáng chế năm 1690; rồi trong suốt thế kỷ 18 là thời kỳ hoàn chỉnh máy hơi nước, đáng kể nhất: máy dùng trong kỹ nghệ khai thác mỏ khoảng đầu thế kỷ 18; xe chạy động cơ hơi nước của Cugnot (1762), máy tự điều chỉnh của Watt (1782), tàu biển chạy máy hơi nước (1786) và máy hơi nước dùng trong xưởng dệt (1787). Xe lửa xuất hiện đầu thế kỷ 19 (1803). Nếu hơi nước là nguồn động lực thì than đá là nguồn năng lượng trong thế kỷ 18: 1709 biết luyện kim bằng than Coke, 1722 luyện thép. Máy dệt của Vaucanson 1747; phát minh xi măng 1756; chiếc cầu đầu tiên làm bằng thép 1775-1779; 1783 anh em Mongolfier bay lên trời bằng bong bóng nóng. Viễn thông bằng ký hiệu nhìn từ xa được của Chappe năm 1792, nhà máy giấy đầu tiên (1798), và máy dệt có chương trình của Jacquard (1800) là ba phát minh gối đầu hai thế kỷ với những ảnh hưởng lâu dài.
Những phát minh công kỹ nghệ của thế kỷ 19 thì đã rất quen thuộc với con ngưòi ngày hôm nay rồi: đường rải nhựa bắt đầu năm 1819, xà phòng được sáng chế năm 1823, máy ảnh của Nieppe 1827, điện hai chiều 1832, điện tín 1837, máy khâu 1846, Bê tông cốt sắt 1849, khoan dầu 1859, động cơ nổ 1862, thuốc nổ an toàn của Nobel 1867, động cơ điện 1873, đi liền vào đó là một loạt những phát minh dùng điện, như điện thoại 1874, máy lạnh 1876, máy hát 1876 và đèn điện của Edison 1878, xinêma 1895, xe đạp đáng lẽ có thể có sớm hơn vì chẳng cần công nghệ gì cao siêu lại chỉ được phát minh năm 1880... còn lại những thứ như radio, tivi, nguyên tử, bán dẫn, hoả tiễn, vệ tinh, lade, tin học... sẽ là đặc sản của thế kỷ 20.

2.4. Sinh học và Y học


Sự phát triển sinh học và y học thành khoa học có hệ thống dĩ nhiên còn chậm hơn hoá học, theo đúng quy luật vấn đề càng phức tạp thì càng chậm có lý thuyết hoàn chỉnh.
Những tên tuổi gắn liền với sự hình thành sinh học gồm Linné (1707-1778) người Thuỵ điển, đã thực hiện công cuộc sắp xếp và phân loại có hệ thống các loài thảo mộc trong suốt cuộc đời ông, với rất nhiều tác phẩm bắt đầu từ 1736. Rồi phải kể đến các nhà bác học của vườn bách thảo Paris (hiện nay là vườn Jussieu, bên cạnh trường đại học) Buffon (1707-1788) và Lamark (1744-1829). Những sắp xếp có hệ thống cạnh nhau những loài thảo mộc và động vật giống nhau của Linné và Buffon đã đưa Lamark tới phát biểu giả thiết về tiến hoá từ loài này có thể biến sang loài kia trong những điều kiện nhất định và với thời gian. Những giải thích của Lamark về cơ cấu tiến hoá hiện nay không còn được chấp nhận nữa, nhưng ông là người đi trước Darwin (1809-1882), người hiện nay thường được coi là tác giả của thuyết tiến hoá. Thực ra Darwin là tác giả cuả những chứng minh về tiến hoá gồm cả nghiên cứu thực điạ rất tỷ mỷ và sự giải thích khoa học hơn dưạ trên cơ cấu tuyển chọn tự nhiên (sélection naturelle) ta thường hay dịch một cách không chính xác là “cạnh tranh để sinh tồn”, hay “đào thải tự nhiên”. Darwin được đại đa số các nhà khoa học chấp nhận, nhưng thực ra giải thích cuả ông cũng còn lúng túng, vì ông chưa biết đến thuyết di truyền. Thuyết tiến hoá “tân Darwin” được giảng dạy ngày nay là sự kết hợp giữa tuyển chọn tự nhiên và đột biết ngẫu nhiên trong di truyền.
Vậy không thể không nhắc tới thầy tu Mandel người Áo (1822-1884) dòng thánh Augustin, người đã nghiên cứu và phát hiện các quy luật di truyền từ năm 1865, quá sớm trước thời đại. Công trình của ông chỉ được đánh giá đúng mức vào đầu thế kỷ 20. Cùng tuổi với Mandel là một nhà bác học vĩ đại nữa, không chịu số phận hẩm hiu như ông mà ngược lại được tôn vinh như thánh sống ngay từ lúc sinh tiền, là Pasteur (1822-1895). Pasteur mới đầu nghiên cứu về hoá học, sau chuyển sang sinh vật học và y khoa. Không cần nói nhiều về Pasteur với những công trình về vi trùng và phòng chủng ngừa bệnh, làm đảo lộn cả ngành y học, ai cũng biết. Ðiều ít người nói tới là ông rất ngoan đạo, chống thuyết Darwin vì ngược lại giáo điều về sự sáng tạo muôn loài của Thượng đế. Ngay cả khi ông tìm cách chứng minh rằng vi trùng là do vi trùng sinh ra chứ không phải tự nhiên xuất hiện, là cũng vì niềm tin đó. Phải nói rằng Pasteur đúng trong khung cảnh nghiên cứu và hoạt động của ông, mà mức thời gian là vài ngày. Những nhà khoa học ngày nay tìm cách giải thích sự xuất hiện tự nhiên của muôn loài thì phải đặt giả thiết của họ trong tầm thời gian tuổi thọ cuả trái đất hàng tỷ năm.

3. Tất định (déterminisme) và quy giản (réductionisme)

Nhìn lại hai thế kỷ 18 và 19 ta có thể nói từ đầu thế kỷ 18 trở đi bắt đầu hình thành nhiều ngành khoa học, nhưng phải đợi đến giữa thế kỷ 19 mới hình thành một nền khoa học. Nền khoa học đó có nhiều ngành, nhưng lại biểu hiện tính thống nhất rõ rệt. Tính thống nhất của khoa học phải được hiểu trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, khoa học nghiên cứu về những hiện tượng xẩy ra trong cõi đời thường, mà đời thường chỉ có một cõi. Có nghĩa là nhiều đối tượng nghiên cứu người ta thoạt tiên tưởng khác nhau, hoá ra là một. Maxwell đã chỉ ra sự đồng nhất giữa nhiệt lượng, ánh sáng, điện, quang, từ, vào những năm 1860. Berthelot thống nhất hoá học vô cơ và hữu cơ.... Sự thống nhất đó đưa đến một khái niệm hết sức quan trọng, khái niệm bảo tồn năng lượng và bảo tồn vật chất, qua các hình thức chuyển hoá của chúng.
Một nghĩa nữa trong sự thống nhất đối tượng của khoa học chính là ngành này có liên hệ mật thiết với ngành kia, những quy luật của ngành này có thể dùng để giải thích những quy luật của ngành kia, điển hình là sau Bolztman các quy luật về áp xuất khí có thể được suy ra từ những quy luật cơ học khi coi sự va chạm của các phân tử khí. Nói rộng ra đó là phương hướng quy giản trong khoa học, phương hướng này ngày nay lại càng rõ rệt hơn nữa: các quy luật hoá học có thể được giải thích bởi vật lý học (đặc biệt bởi thuyết cơ học lượng tử). Sinh học đã phần nào, và có hy vọng sẽ được giải thích hoàn toàn bởi hoá học. Chỉ còn tư tưởng con người, có thể chăng, và khi nào, sẽ được giải thích bởi sinh học?
Cuối cùng cần bàn luận kỹ hơn về một điểm đại diện cho tính thống nhất của khoa học: đó là các quy luật tất định, quy luật nào cũng tất định, vì quy luật đồng nghĩa với tất định. Ðã thế này thì phải thế kia thì mới thành được quy luật chứ nếu không thì còn nói được gì. Cả vấn đề là mô tả cái thế này và cái thế kia. Thế kỷ 19 có ảo tưởng rằng có thể mô tả một cách hoàn toàn chính xác các hiện tượng của đời thường, do đó có thể hy vọng ngày nào đó chế ngự thiên nhiên một cách toàn diện. Chủ nghĩa duy khoa học ngông cuồng. Nhưng tương đối hoá các quy luật trong phạm vi hiệu quả được xác định rõ của nó không phải là rời bỏ tất định thuyết, cái cần phải rời bỏ chỉ là sự đánh đồng giữa tất định không hoàn toàn chính xác nhưng ước lượng được, và cái tất định hoàn toàn chính xác không hề có, rời bỏ sự nhầm lẫn giữa tất định và sự chính xác tuyệt đối.
Hàn Thuỷ
Diễn Đàn số 43, 10.1995
Print Friendly and PDF