6.4.17

Thời chạng vạng của các 'cú hích'

THỜI CHẠNG VẠNG CỦA CÁC 'CÚ HÍCH'
Mục tiêu nhằm giữ kinh tế học hành vi ở lại trong chính sách của Mỹ sau nhiệm kỳ tổng thống Obama.
DAVID V. Johnson

Câu đầu tiên của quyển sách mới nhất của Cass Sunstein, The Ethics of Influence (tạm dịch: Đạo đức của sự Ảnh hưởng), ghi rằng: "Chúng ta đang sống trong thời đại của tâm lí học và kinh tế học hành vi các ngành khoa học hành vi". Đối với ông Sunstein, một giáo sư luật Harvard và cựu quan chức của chính quyền Obama, đây là một câu nói quan trọng chẳng kém câu ‘chúng ta đang sống trong thời đại của thuốc kháng sinh, động cơ hơi nước, hoặc mạng internet’. Nhưng chỉ nói rằng ‘các 'cú hích' (nudges) luôn có mặt ở đây’ thì không làm cho nó trở nên như thế. Thực tế, nếu tương lai của chúng không bị nghi ngờ, thì tại sao lại cần ra thêm một quyển sách cùng chủ đề nữa — ra ngay sau món quà trong ‘Ngày của Cha’ quyển sách về Chiến tranh các Vì sao (Star Wars) của ông — để nói lên rằng chúng phải có mặt ở đây? Cũng giống như ngài tổng thống [Obama] mà ông phục vụ, Sunstein hiện đang tập trung vào việc củng cố di sản của mình.
Cass Sunstein (1954-)

ĐẠO ĐỨC CỦA SỰ ẢNH HƯỞNG: CHÍNH PHỦ TRONG THỜI CỦA KHOA HỌC HÀNH VI do Cass R. Sunstein viết,  Cambridge University Press, 234 trang, $ 29,99.
Công trình về kinh tế học hành vi của Sunstein tìm thấy vị thần bảo hộ cho ý tưởng ở Tổng thống Obama, và không chỉ đơn giản là do cả hai đã quen biết nhau từ ngày họ cùng giảng dạy ở Đại học Chicago. Đối với một vị tổng thống lên nhậm chức trong thời kì khủng hoảng kinh tế cũng như [đất nước] đang phải hứng chịu những khó khăn do sự phục hồi yếu (anemic recovery), sự bất bình đẳng giàu nghèo quá lớn (gross inequality), và từ một Quốc hội đối nghịch lúc đó, thì câu hỏi đặt ra là phải hành động như thế nào để cứu vãn niềm tin tích cực khi phải đối mặt với một tình thế chính trị vô vọng. Sử dụng các 'cú hích', một công cụ làm ảnh hưởng đến các quyết định của người dân không cần đến sự áp đặt hoặc thẩm quyền; mấu chốt là một 'cú hích' có thể đảm bảo chính sách thành công mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Đây không phải chính xác là điều mà ứng cử viên của "niềm hi vọng và sự thay đổi" nghĩ đến, nhưng nó vẫn phải có.
Trong năm 2015, Tổng thống Obama đã ban hành một sắc lệnh hành pháp về việc Hoa Kỳ cam kết "sử dụng những hiểu biết về khoa học hành vi để phục vụ người dân Mỹ tốt hơn" - một sắc lệnh mà Sunstein thêm vào một cách đầy tự hào trong Phụ lục C của quyển sách mới nhất của mình. "Tầm quan trọng của sắc lệnh này không hề được phóng đại khi cân nhắc vai trò có thể của nó trong việc đưa khoa học hành vi trở thành một phần lâu dài của chính phủ Mỹ", ông viết. Đội ngũ chuyện gia của nhóm mới thành lập Khoa học Hành vi và Xã hội trực thuộc Nhà Trắng vừa đưa ra báo cáo thường niên thứ hai của mình về nhiều phương thức họ đã sử dụng những hiểu biết về hành vi để cải thiện [hiệu quả hoạt động của] chính phủ. Bây giờ, Sunstein đang thúc đẩy thành lập một Hội đồng Cố vấn Tâm lí, ngang hàng với Hội đồng Cố vấn Kinh tế, để điều tra "khi nào người dân mới có thể hưởng lợi từ 'cú hích'".
Nhưng trước khi nước Mỹ có thêm một vị trí Bộ Trưởng phụ trách các 'cú hích' (Secretary of Nudges) ở trong Nội các [chính phủ], thì có 2 khó khăn cần làm rõ [như sau]. Đầu tiên, liên quan đến vị tổng thống kế nhiệm, người có quyền làm cho những nỗ lực này chết dần chết mòn, tất nhiên nếu ông/bà ấy [Donald Trump/Hillary Clinton] không vô hiệu hóa chúng chỉ bằng một chữ ký. Về phần bà Hillary Clinton, điều duy nhất về “khoa học hành vi” được đề cập trên trang web của chiến dịch tranh cử của bà ấy chỉ là phần nó liên quan đến sức khỏe tâm thần; còn về phần ông Donald Trump, thì chỉ có thể nói rằng ông ấy là một người áp đặt (coercer) nhiều hơn là một người tạo 'cú hích' (nudger).
Jeremy Waldron (1953-)

Thứ hai, có nhiều câu hỏi phản biện về tính đúng đắn của các 'cú hích'. Ý tưởng có những nhà kỹ trị chăm sóc và bí mật định hướng các tùy chọn và hành vi của ta có hơi hướng của sự thao túng đáng kinh tởm (gross manipulation). Và ngay cả khi ta không thường xuyên có những quyết định tốt nhất, và ngay cả khi phúc lợi của ta có thể được cải thiện nhiều hơn bởi sự thao túng như thế, thì quyền tự chủ của ta sẽ như thế nào? Vâng, cuộc sống hiện đại rất phức tạp và ta cần sự trợ giúp để điều hướng nó, nhưng tất nhiên triết gia Jeremy Waldron đã có ý tưởng gì đó khi ông kết luận trong bài phản biện về công trình của Sunstein trên tạp chí New York Review of Books, "tuy nhiên, tôi ước rằng tôi có thể trở thành một người lựa chọn (chooser) tốt hơn thay vì có một cấp trên (ngay cả vì lợi ích riêng của bản thân tôi) biết tận dụng sự thiếu suy nghĩ hiện tại và các trực giác tồi tệ của tôi".
Vì thế, yêu cầu biện minh cho các 'cú hích' của Sunstein đã xuất hiện trong quyển Đạo đức của sự Ảnh hưởng. Và sự biện minh chính là thứ được nhắc đến trong quyển sách có lập luận chặt chẽ và đặc biệt sáng tỏ này. Ông thường xuyên so sánh các 'cú hích' với một hệ thống GPS — dĩ nhiên, không gây nhiều tranh luận — giúp dẫn đường đến những nơi ta muốn đến. Rất nhiều lần khi ông đặt ra một tình huống khó xử về đạo đức để bàn luận, ông đã nhanh chóng chuyển sang các cách sử dụng ít gây tranh cãi nhất của các 'cú hích', chẳng hạn như các sáng kiến chống hút thuốc lá hoặc các nhãn chú thích về chất dinh dưỡng, nhằm biện luận rằng (phần lớn) các 'cú hích' sẽ làm giảm nhiệt vấn đề. Trong 2 chương, Sunstein lặp lại trích dẫn trên 2 lần và một trích dẫn khác đúng nguyên văn quan điểm của Waldron để từ đó đưa ra một câu trả lời. Rõ ràng là Sunstein không nuốt nổi những đoạn trích này, và ông đã có câu trả lời mạnh mẽ.
Kết quả là một cuốn sách xuất sắc giới thiệu các cuộc tranh luận liên quan đến các 'cú hích', với những câu trả lời sắc sảo dành cho những sự phản bác hời hợt nhất. Nhưng chúng ta không có một cuộc truy tầm triết học thiện chí về các vấn đề cơ bản mang tính đạo đức — một cuộc điều tra vội vã cày xới những nan đề khó nhất hơn là tức thì chuyển hướng sang những lĩnh vực an toàn hơn. Và kiểu truy tầm như thế mới là vô cùng cần thiết.
Milton Friedman (1912-2006)

Sunstein đã cùng người đồng nghiệp sau này của mình ở Đại học Chicago, nhà kinh tế học Richard Thaler đưa cụm từ "cú hích" vào thuật ngữ kinh tế học hành vi trong quyển sách bán chạy nhất năm 2008 Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth, and Happiness (tạm dịch: Cú hích: những Quyết định Cải thiện về Sức khỏe, Giàu có và Hạnh phúc) của mình. Họ quảng bá các 'cú hích' như tiếp nối ý tưởng của nhà kinh tế học tân tự do (và là nhà kinh tế lớn của trường phái Chicago vĩ đại) Milton Friedman rằng con người phải luôn được "tự do lựa chọn". "Tự do gia trưởng" đã trở thành khẩu hiệu chính trị cho cuộc cách mạng về chính sách đang còn phôi thai của họ. Một nghịch lí là các 'cú hích' có thể cho phép nhà nước định hình sự lựa chọn của công chúng theo hướng tốt hơn (chủ nghĩa gia trưởng) trong khi vẫn duy trì sự tự do của họ (chủ nghĩa tự do). Sunstein và Thaler đã tìm thấy Công cụ Vàng kết hợp giữa chủ nghĩa bảo thủ thị trường tự do của Reagan và chủ nghĩa tự do nhưng có sự can thiệp của nhà nước của Franklin D. Roosevelt (FDR).

F. D. Roosevelt (1882-1945)
Các 'cú hích' hoạt động bằng cách khai thác những thành kiến nhận thức khác nhau mà nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh về hành vi con người. Ví dụ, ta ít bị những thực phẩm ít dinh dưỡng cám dỗ nếu ta buộc phải nhìn thấy tổng lượng calo của nó trong lúc mua hàng hoặc ta phải [mất thời gian để] tìm kiếm do nó được đặt ở một điểm bất tiện trong khu vực bán thực phẩm. Ta có xu hướng làm theo những gì người khác làm hoặc những gì ta nhận thức như thể đó là điều phổ biến, và ta có xu hướng đưa ra quyết định nếu ta có thể lấy nó dễ dàng, bởi ‘chi phí nhận thức’ (cognitive cost) chỉ nảy sinh khi ta buộc phải dừng lại và suy nghĩ về động thái tiếp theo của mình.
Các 'mặc định' (defaults) tức sự lựa chọn có sẵn từ trước nếu không làm gì cả là một con đường cực kì hiệu quả để khai thác sự trì hoãn như thế. Các 'mặc định' báo hiệu cho người dân những gì nên làm và từ khi hầu hết họ không làm gì cả, do quán tính của cuộc sống và gánh nặng của việc ra quyết định, thì họ sẽ bám chặt vào 'mặc định'. Nhưng từ khi sự 'mặc định' để ngỏ cho các tùy chọn, thì không ai có thể phàn nàn rằng họ không có cơ hội để hành động khác đi. Đối với các quyết định quan trọng, đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận và không nên khai thác sự yếu đuối của con người như vậy, chẳng hạn như [phải lựa chọn] hoặc là trở thành một người hiến tạng hoặc là được nhân viên y tế cứu sống, ta có thể từ chối các 'mặc định' và yêu cầu họ đưa ra quyết định ("sự lựa chọn bắt buộc") và thậm chí cung cấp cho họ một lời giải thích ngắn gọn về các tùy chọn.
Sunstein lập luận một cách thuyết phục rằng các 'cú hích' tích hợp thêm một công cụ có giá trị vào hộp công cụ của chính phủ bên cạnh các công cụ khác kém hiệu quả hơn, ví dụ như cấm đoán, thuế và trợ cấp:
Nếu vấn đề tự do và phúc lợi là quan trọng thì sự áp đặt thường bị tránh [đề cập đến] nhất, và vì thế thập niên trước đây đã chứng kiến ​​mt s tăng trưởng nhanh chóng đáng quan tâm đối vi các công c mang tính bo-tn-s-la-chn (choice-preserving), có chi phí thấp, thỉnh thoảng chúng còn được gọi là các 'cú hích'. Chẳng hạn như, nhiều chính phủ đang rất quan tâm đến việc tiết lộ thông tin; trong việc cung cấp các nhắc nhở và cảnh báo; và trong việc sử dụng quy tắc 'mặc định', thiết lập những gì sẽ xảy ra nếu con người không làm gì cả. Một số trong những cách tiếp cận này tiết kiệm rất nhiều mạng sống.
"Bảo-vệ-sự-lựa-chọn" và "chi phí thấp" là các đặc tính quan trọng thể hiện sức hấp dẫn của 'cú hích'. Không giống như các nhiệm vụ của chính phủ, 'cú hích' luôn luôn bảo vệ sự tự do lựa chọn của con người. Những định kiến ​​hành vi khác nhau có nghĩa là nhiu người trong chúng ta s hành động theo nhng cách có th d đoán, nếu những “nhà kiến tạo sự lựa chọn" (choice architect) của chính phủ đang làm công việc của mình sẽ có lợi cho chúng ta nói riêng và xã hội nói chung, nhưng ‘sự tự do của ta để có thể hành động khác đi’ sẽ được bảo vệ.
Lấy ví dụ đăng ký các ‘kế hoạch hưu trí’, việc này thường là một quá trình phức tạp và đau đớn. Do con người luôn bận rộn, không thích phải chịu các chi phí nhận thức, và thường buông trôi theo dòng đời, nhiều người có khả năng hoàn toàn không bận tâm đến việc đăng kí tham gia kế hoạch này, cho dù có phải gánh chịu những tổn thất cho bản thân. Nhưng nếu công ty được yêu cầu phải đăng ký một kế hoạch cơ bản cho tất cả nhân viên, trừ phi họ từ chối tham gia, thì nhiều người sẽ được đăng ký vào ‘kế hoạch hưu trí’ theo như 'mặc định' (đồng ý) trong khi những người khác không muốn sẽ được phép không chọn [mặc định] (không đồng ý). Và các 'cú hích' có "chi phí thấp" với hàm ý rằng chúng không kéo theo các chi phí cụ thể (material cost) quan trọng cho các cá nhân (nếu chúng sử dụng [các công cụ] như hình phạt, lệ phí, thì chúng chẳng phải là các 'cú hích' rồi) và chúng tương đối rẻ để chính phủ thực hiện.
Khi [ngọn lửa] khát vọng về một hi vọng và thay đổi bị dập tắt, thì các phiên bản sửa chữa theo hướng kỹ trị sẽ hoạt động.
Cốt lõi của sự bảo vệ trên bình diện đạo đức về các 'cú hích' của Sunstein là thuyết phục. ‘Việc kiến tạo sự lựa chọn’ (choice architecture) là không thể tránh khỏi: tình huống luôn ảnh hưởng đến quyết định của ta, cho dù chính phủ có cố ý định hình những hoàn cảnh hay không. Chừng nào chính phủ minh bạch về những gì nó làm, tại sao không cố gắng tạo ra những tình huống như vậy để đưa ra các quyết định tốt hơn? Tôi không biết nhiều về bạn, nhưng tôi đánh giá cao sự giúp đỡ với nhiệm vụ đầy âu lo như tránh xa chất béo chuyển hóa (trans fat) hoặc mở một kênh tín dụng. Khi tôi được giúp đỡ và ta thường xuyên được giúp đỡ thông qua sự can thiệp của chính phủ, mặc dù không biết tôi thường cảm thấy nhẹ nhõm hơn là [cảm thấy] bị đối xử như một đứa trẻ (infantilize).
Tuy nhiên toàn bộ lập luận này dựa trên những giả thiết mà Sunstein khá lạc quan. Nó giả định rằng một chính phủ hoạt động tốt tức là minh bạch và vì dân. "Chắc chắn rằng những ‘nhà kiến tạo sự lựa chọn’ phải tập trung vào lợi ích của những người lựa chọn [người dân], chứ không phải vào lợi ích của riêng mình", Sunstein nhấn mạnh [bằng cách] thêm dấu ngoặc đơn vào, "trong một hệ thống thị trường hoạt-động-tốt, sự tập trung [vào lợi ích của người dân] được các lực cạnh tranh khuyến khích, ít nhất là theo các giả thiết lạc quan". Liệu có lạc quan quá không khi giả định về một chính phủ hoạt-động-tốt sau vụ việc Citizens United?
Sunstein cũng giả định một mức độ tin cậy vào các ý định tốt đẹp của những người công chức vốn không được công chúng chia sẻ. Một người — trong đó có tôi có thể cảm thấy rằng lí do cho sự nhiệt tình của Sunstein, và cho sự hỗ trợ của chính quyền Obama đối với các 'cú hích' là chúng có thể "thu hút sự ủng hộ từ những người có quan điểm khác nhau về mặt lí thuyết". Nói cách khác, trong thời đại mà sự bế tắc ở quốc hội và các đảng phái luôn cãi nhau, nó mang lại một tia hi vọng rằng chính phủ có thể làm một điều gì nhỏ bé không gây tranh cãi và tích cực. Khi [ngọn lửa] khát vọng về một hi vọng và thay đổi bị dập tắt, thì các phiên bản sửa chữa theo hướng kỹ trị sẽ hoạt động.
Người dân thích các 'cú hích' không? Sunstein đã thăm dò ý kiến của ​​563 người M v quyn sách, cung cấp một loạt câu hỏi khảo sát với nhiều sắc thái của các khả năng, và trong chương 6 ông đã trình bày những phát hiện này. Các dữ liệu thể hiện "sự ủng hộ trên diện rộng, xuyên-quốc-gia các 'cú hích'" thuộc tất cả các kiểu khác nhau được sử dụng trong đời sống hiện thực. Sự ủng hộ có xu hướng giảm khi 'cú hích' có vẻ thao túng, khi người dân phải chịu thiệt hại mà không thông qua sự đồng ý chủ động của mình (chẳng hạn như khi một người bị 'mặc định' vào một tùy chọn chi phí cao hơn), hoặc khi họ không tin tưởng vào các động cơ của ‘nhà kiến tạo sự lựa chọn’.
Tuy nhiên, có một phát hiện thực nghiệm đáng quan ngại cho người điều tra về đạo đức của sự ảnh hưởng: "Nếu mọi người được nói rằng họ đang bị hích nhẹ, thì họ sẽ phản ứng tiêu cực và chống lại (và cuối cùng làm giảm nhẹ hoặc không còn chịu tác động của cú hích nữa)". Sunstein sau đó đưa ra một câu hỏi xuất sắc rằng: "Ta có lí do nào để tra vấn vì sao sự minh bạch thành ra sẽ tự-chuốc-lấy-thất-bại?" Thật vậy, phải chăng sự minh bạch đòi hỏi mỗi 'cú hích' phải công khai thông tin trước về việc sắp-bị-hích? Đây là một câu hỏi hấp dẫn chạm đến trung tâm của một thế lưỡng nan về mặt đạo đức, nhưng không phù hợp với các biện minh (apologetics) của Sunstein. Tóm lại, đây là một sự bàn luận không thỏa mãn, và ông ấy quay sang cái cột trụ ưa thích của mình — các cuộc công bố thông tin phải minh bạch! và thừa nhận có rất ít bằng chứng; ông trích dẫn một nghiên cứu ủng hộ các 'mặc định' về minh bạch [thông tin] vốn phụ thuộc vào bảng câu hỏi trực tuyến có tỉ lệ-tham gia thấp. Ông xác định rằng: "Có rất nhiều thứ để học ở đây, và nó đặt ra các câu hỏi đạo đức". Thật vậy, trong chừng mực mà các 'cú hích' về mặt đạo đức đòi hỏi sự minh bạch mà sự minh bạch phủ nhận tính hiệu quả của các cú hích thì tính khả thi của toàn bộ dự án trở nên đáng ngờ.
Một điều-đáng-ngạc-nhiên nữa xảy ra ở chương kế tiếp [chương 7], với việc đào sâu vấn đề đến tận cùng, cụ thể là việc sử dụng các ứng dụng về năng lượng xanh cho người tiêu dùng, vấn đề này thường tốn chi phí nhiều hơn nhưng tốt hơn cho môi trường. Ở trang 175 của một khảo luận dài 212 trang giới thiệu các lợi ích "bảo-vệ-sự lựa-chọn" của các 'cú hích', ta đọc được điều sau:
Các quy tắc về 'mặc định' có thể bám chặt vào người lao động có thu nhập thấp hơn là vào các đối tác có thu nhập cao hơn họ. Một lí do có thể là người lao động có thu nhập thấp có nhiều lo lắng và do đó là ít chịu khó suy nghĩ và thay đổi các quy tắc ‘mặc định’.
Ông nói thêm sau đó:
Có bằng chứng tổng quát rằng khi những người có nhiều thông tin và trải nghiệm, và do đó biết mình muốn gì, thì họ ít có khả năng bị các quy tắc 'mặc định' ảnh hưởng. Một lí do là chỉ số thuế nỗ lực (effort tax) là giá trị phái sinh. Một lí do khác là một số người thực sự hứng thú với việc tìm kiếm [thông tin] rộng và làm cho sự lựa chọn của họ độc lập với các 'mặc định'.
Và cho phép tôi đưa ra một lí do khác: Vì đẳng cấp của họ cho phép họ đưa ra sự lựa chọn. Những ai đảm bảo về mặt kinh tế thì có không gian tinh thần và giải trí để [từ đó] tập trung vào sự lựa chọn ‘phức tạp’; đối với một số người, nó diễn tả về một loại sở thích thú vị (pleasant hobby). Ngược lại, người nghèo có quá nhiều thứ khác để lo lắng hơn là cân nhắc về những tiểu tiết như là các kế hoạch về năng lượng. Nghiên cứu mới đây thậm chí còn cho thấy rằng sự khốn cùng về kinh tế có thể hạ thấp chỉ số IQ xuống trung bình 13 điểm.
Đối với một quyển sách mang tiếng là dành riêng cho nền đạo đức của các 'cú hích', nhưng đáng ngạc nhiên là một giá trị cốt lõi không được đề cập đến, đó chính là công lí.
Đây là một vấn đề quan trọng về đạo đức của các 'cú hích' mà không được nhấn mạnh đúng mức: Liệu các 'cú hích' bảo vệ được sự tự do lựa chọn cho tất cả mọi người, hay chỉ dành cho những người đang có nguồn lực để hành động tự do? Đây cũng là một câu hỏi đáng để đào sâu. Tại sao trước đây điều này không được đưa ra trong một quyển sách dành riêng cho vấn đề này và đòi hỏi phải có một lời giải thích sâu sắc hơn? Nhưng lại một lần nữa, nếu bạn đưa ra một sự bảo vệ mang tính pháp lí hoặc cố gắng củng cố di sản của mình, bạn sẽ không mấy quan tâm đến cách đặt vấn đề.
Trong chương áp chót của quyển sách, Sunstein so sánh các 'cú hích' với những nhiệm vụ và lập luận rằng bản chất của sự bảo-vệ-tự-do của cái trước [cú hích] giúp giải quyết vấn đề cái sau [nhiệm vụ]. Nhưng có một điểm tích cực về nhiệm vụ mà Sunstein không đề cập đến: nhiệm vụ ảnh hưởng như nhau đến tất cả mọi người, bất kể sự lựa chọn hoặc các khả năng để lựa chọn của bạn có là gì đi nữa. Đối với một quyển sách mang tiếng là dành riêng cho nền đạo đức của các 'cú hích', nhưng đáng ngạc nhiên là một giá trị cốt lõi không được đề cập đến, đó chính là công lí.
Việc của ông Obama hồ hởi chấp nhận ý tưởng của Sunstein cũng giống như việc áp dụng một cách nhiệt tình các bản sửa lỗi theo hướng kỹ trị của ông, mà tầm quan trọng được nhấn mạnh bằng việc lập ra các công ty khởi-tạo (start-ups) của Nhà Trắng để nâng cấp [nền tảng] công nghệ của chính phủ, bài nói chuyện của ông về nghề nghiệp sau mãn nhiệm trong chủ nghĩa tư bản mạo hiểm, và mới đây làm khách mời tổng biên tập cho tạp chí Wired số tháng 11. Ông Obama đã đạt được mục tiêu dễ dàng, những cải tiến không gây tranh cãi mà ông ấy có thể đảm bảo bằng những nỗ lực của chính mình, bởi các mục tiêu cao hơn của ông ấy thì khó có thể vươn đến. Nếu bà [Hillary] Clinton trở thành tổng thống tiếp theo của chúng ta và [nếu bà] có một cơ hội thực sự để làm cho Mỹ trở thành một quốc gia chỉ [có thể] tốt hơn và công bằng hơn ví dụ nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Quốc hội — thì tại sao lại cần sử dụng các 'cú hích'? Sunstein đã mang đến 'cú hích' của mình với quyển sách Đạo đức của sự Ảnh hưởng. Nhưng bà [Hillary] Clinton lại tự do đưa ra một sự lựa chọn khác biệt.
---
Về Cass R.Sunstein
DAVID V. Johnson (1949-)
Ông là giáo sư hàng đầu về luật học tại trường Luật thuộc đại học Chicago và là thành viên khoa Khoa học Chính trị. Bạn có thể ghé thăm trang chủ của Sunstein qua địa chỉ:
---
Về David V. Johnson
Ông là một nhà báo và cũng là một biên tập viên ở Berkeley, California.
---
Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Bích Ngọc dịch
Nguồn: Twilight of the Nudges, Newrepublic, Oct. 27, 2016.
Print Friendly and PDF