10.4.17

Niết bàn của các nhà kinh tế học



NIẾT BÀN CỦA CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC

Denis Clerc
Một trong những cách tốt nhất đối với một nhà kinh tế học để lưu danh hậu thế là gắn tên mình với một "định luật, một hiệu ứng hay một định lý khác. Xin điểm lại một số vấn đề.
Giống như tất cả các nhà trí thức khác, các nhà kinh tế học cũng mơ lưu danh hậu thế. Không phải là một danh tiếng thật sự, vĩ đại, danh tiếng của những nhà trí thức chân chính, những triết gia hay tiểu thuyết gia mà mọi người đều biết đến ít nhất qua tên tuổi. Trong danh sách 350 thiên tài mà Claude Thélot đã tập hợp trong cuốn L’origine des génies [Nguồn gốc của các thiên tài] (Le Seuil, 2003), thì chỉ xuất hiện có ba nhà kinh tế học – Marx, KeynesPareto – trong đó Marx và Pareto được lưu danh nhờ vào những lĩnh vực khác với kinh tế học. Chắc chắn là để quản lý tính nhạy cảm – và thuộc tính này rất sắc nét khi liên quan đến việc tiếp cận vinh quang – tác giả chỉ giới hạn vào những người đã qua đời và chúng ta biết rằng có rất nhiều nhà kinh tế học còn sống hơn là đã chết. Nhưng ngay cả khi tính đến tình huống giảm nhẹ này, chúng ta phải thừa nhận là các nhà kinh tế học hầu như không tỏa sáng trong con mắt của công chúng: họ quá buồn tẻ và không dễ tiếp cận.
Sự thừa nhận của các đồng nghiệp
Claude Thélot (1947-)

Nếu các nhà kinh tế học mơ đến việc lưu danh hậu thế, thì trước hết đó là trong con mắt của các đồng nghiệp và những người kế thừa họ. Giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel (được gọi một cách mạo xưng là giải “Nobel kinh tế”) là một cách để đạt được điều này. Không nên bỏ qua một số phân biệt được trọng vọng khác cùng một kiểu (giải thưởng dành cho nhà kinh tế học trẻ xuất sắc dưới 40 tuổi, tại Hoa Kỳ và Pháp, ví dụ, hoặc được phong là Tiến sĩ danh dự của một trường đại học nào đó), cho dù sự nổi tiếng của chúng có hạn chế, mang tính địa phương hơn là quốc tế. Chúng ta cũng có thể xoay sang đeo đuổi giới báo chí và truyền hình để lên mặt báo và sàn quay truyền hình hầu phát biểu ý kiến về tất cả mọi chuyện. Nhưng, ngoài việc các vị trí này là khá hiếm (vẫn hiệu ứng tẻ nhạt), các phương tiện truyền thông ưu tiên cho năng lực nói hoặc viết một cách dễ hiểu, một điều khó khăn nhất đối với các nhà kinh tế học, đến mức mà hình thức tiếp cận sự nổi tiếng này được giới này coi là rẻ tiền”, chất lượng thấp nếu muốn nói như vậy.
Trong thực tế, điều mà mọi nhà kinh tế học tự phụ mơ ước là gắn tên mình với một định luật, một định lý, một hiệu ứng hoặc cùng lắm, với một đường cong[*]. Như thế người ta đã được đảm bảo để lại tên tuổi trong lịch sử, cho dù đó chỉ là lịch sử tư tưởng kinh tế, một hạng mục rất khiêm tốn so với Histoire [Lịch sử] với chữ H viết hoa. Điều này không ngăn việc các thế hệ sau này sẽ biết đến tên tuổi của mình.
Chỉ có một vài nhà kinh tế học đã đạt được hạnh phúc tột cùng như vậy. Một số nhà kinh tế học chỉ có thể gắn tên mình với một nhóm các nhà kinh tế học khác, bởi vì tên của họ được gắn với một định luật được xác định theo đối tượng (ví dụ như định luật cung và cầu), nhưng người đời sẽ không kén chọn: họ vẫn giành được phần thưởng. Điều không may là đối với một số nhà kinh tế học khác, mặc cho những nỗ lực đáng kể, thì hiệu ứng, biểu đồ hoặc thậm chí định luật mà họ đã phát triển đã trở nên vô danh. Họ chỉ có được an ủi là đã làm cho khoa học tiến triển. Họ đã xưng hô “mày tao” với thiên tài, như cách chúng ta nói ngày nay.
Trong khi trong vật lý học, việc lặp lại các thí nghiệm và quan sát giúp thẩm định một “định luật” hoặc không, thì trong kinh tế học điều này là trường hợp hiếm hoi.
Các “định luật” được coi là chỉ ra những tiến triển mà không có bất kỳ một ngoại lệ nào thoát khỏi sự chi phối của chúng (như vạn vật hấp dẫn trong vật lý học). Các “định lý” đề cập đến những tiến triển mang tính tất yếu, nhưng phụ thuộc vào điều kiện này hay điều kiện khác, “nếu. . . thì. . . ”. Các “hiệu ứng” chỉ ra mối quan hệ giữa hai hiện tượng với những ngoại lệ khả dĩ (chúng ta ở trong lĩnh vực của xác suất, chớ không phải của sự tất yếu). Cuối cùng, các “đường cong” là sự mô tả bằng đồ thị một hiệu ứng. Ngữ vựng này được lấy lại từ các nhà vật lý học và thể hiện mong muốn của các nhà kinh tế học để làm cho bộ môn của mình trở thành một “khoa học tiên đoán được” giống như thiên văn học hay vật lý học. Nhưng, trong khi trong vật lý học (và thiên văn học), việc lặp lại các thí nghiệm và quan sát giúp công nhận hay không hiệu lực của một “định luật” (định luật cũng có thể “kiểm sai được”, như khẳng định của các chuyên gia về phương pháp luận, có nghĩa là một thí nghiệm mới có thể phủ định điều mà cho tới giờ được cho là đúng), thì trong kinh tế học điều này là trường hợp hiếm hoi: ví dụ, chúng ta không thể nói điều gì sẽ xảy ra nếu, thay cho một sự thâm hụt ngân sách, là một sự thặng dư ngân sách. Hệ quả là các “định luật” vẫn tồn tại như cũ, ngay cả khi chúng bị thực tế phủ định, bị một số nhà lý thuyết phê phán hay bị một số nhà lý thuyết khác nghi ngờ. Đừng để bị lừa phỉnh bởi những các thuật ngữ: các “định luật”, trong kinh tế học, trong trường hợp tốt nhất là những xu hướng, và trong trường hợp tệ nhất là những lời “mãi võ sơn đông”.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Le nirvana des économistes”, Alternatives Economiques, 1er septembre 2016.




[*] Các định luật, định lý, hiệu ứng và các đường cong khác được trình bày trong các phần tiếp theo sẽ được sắp xếp theo thứ tự chữ cái.

Print Friendly and PDF