12.1.22

Nông nghiệp của tương lai

NÔNG NGHIỆP CỦA TƯƠNG LAI

Nông nghiệp 4.0 là biên giới mới của ngành nông nghiệp để đối phó với những thách thức đang đe dọa hành tinh chúng ta: tình trạng gia tăng dân số, khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu. Mặc cho sự hoài nghi thực sự và mức độ đầu tư kinh tế thấp vẫn còn tách biệt thế giới của người canh tác với thế giới số hóa và thế giới hệ gen học (đặc biệt ở châu Âu), nông nghiệp 4.0 đang đơm hoa kết trái dưới hình thức những kỹ thuật sản xuất lương thực được tối ưu hóa và sáng tạo đổi mới ở nhiều nơi trên thế giới.

Tác giả: Francesca Carlotta Brusa

Hướng tới nông nghiệp của tương lai?

Tình trạng lãng phí thực phẩm, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu và gia tăng dân số. Đó là bốn mảnh của trò chơi ghép hình, mà khi ghép lại với nhau, sẽ cho chúng ta một bức tranh tổng quát về vai trò mà nông nghiệp đang đóng và sẽ đóng trong xã hội chúng ta trong tương lai. Trên cơ sở những dự báo nhân khẩu học mới nhất, người ta ước tính sẽ có 9 tỷ cư dân trên hành tinh vào năm 2050, câu hỏi đặt ra là: “Liệu chúng ta, 9 tỷ cư dân, có thể ăn no mà vẫn giữ được thói quen ăn uống hiện nay hay không?” Trong nỗ lực trả lời câu hỏi này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, do Đại học Humboldt điều phối, đã đưa ra kết luận rằng hệ thống lương thực thực phẩm hiện tại chỉ đủ mức đảm bảo một nguồn lương thực thực phẩm lâu bền và cân bằng cho hơn 3 tỷ người mà thôi[1]. Có quá nhiều giới hạn về cách thức sản xuất lương thực và thói quen ăn uống của chúng ta, và những giới hạn đó sẽ không cho phép chúng ta đối phó với những thay đổi triệt để, mà tình trạng nhiệt độ khí hậu toàn cầu tăng cao đang gây ra. Các mô hình được Đại học Humboldt công bố cũng chỉ ra cho thấy cần can thiệp từ đâu: cải thiện công tác quản lý mùa màng, bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và các chất dinh dưỡng đất, điều chỉnh chế độ ăn uống của chúng ta, bằng cách từ bỏ một phần quan trọng lượng thịt tiêu thụ – riêng ngành chăn nuôi thôi đã chiếm khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính lượng tiêu thụ thịt trên thế giới sẽ tăng 76% trong 20 năm tới[2] – và giảm thiểu rác thải. Ngày nay, đã có khoảng 30% nguồn lương thực thực phẩm được sản xuất bị vứt bỏ trước khi đến bàn ăn, và người ta đã tính toán rằng nếu sự lãng phí lương thực thực phẩm là một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.[3] Thế nên, trên cơ sở các dự phóng nói trên, người ta đã quay sang chú ý đến lãnh vực nông nghiệp, nguồn cung ứng tất cả (hoặc gần như tất cả) các tài nguyên lương thực của hành tinh, tiêu thụ 70% lượng nước bị rút trên thế giới, chủ đề của các cuộc tranh luận chính về tính lâu bền và sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ dịch hại và phân bón, một cách bất trị.

Chúng ta phải suy nghĩ về cách thức giải quyết những thách thức hiện tại để sản xuất nhiều hơn, chất lượng tốt hơn và sử dụng tài nguyên ít hơn, bằng cách đề xuất một mô hình mới cho nền nông nghiệp của tương lai, khắc phục những trở ngại do tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số gây ra, và giảm thiểu tác động môi trường của một ngành nghề, mà thông qua việc sản xuất, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối sản phẩm là một trong ngành góp phần vào việc phát thải khí carbon dioxide, loại khí nhà kính chính, vào khí quyển nhiều nhất. Chỉ cần suy nghĩ đến 21% lượng carbon dioxide thải ra trong giai đoạn 2000-2010 (khoảng 44 tỷ tấn) phát sinh từ sản xuất lương thực.[4] Chính vì tất cả những lý do nói trên mà cuộc tranh luận về nông nghiệp 4.0 đang leo thang, một dạng cách mạng công nghệ và kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, được đặc trưng bởi sự hợp nhất các thông lệ thực hành nông học chính xác với kỹ thuật tin học, cho phép sử dụng một cách hài hòa và tương tác với nhiều công nghệ khác nhau để cải thiện năng suất và tính lâu bền các mùa màng, đảm bảo một chất lượng sản xuất nâng cao và điều kiện lao động tốt hơn cho người canh tác.




Không có nước, không có thức ăn

Nước ngày càng trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm: theo Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2025, sẽ có hai tỷ người sống ở các nước hoặc vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước và sẽ có hai phần ba hành tinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nước thích hợp.[5] Vấn đề về nguồn nước sẵn có cũng ảnh hưởng rõ rệt đến việc sản xuất lương thực, vì nói một cách dễ hiểu hơn, không có nước thì không có thức ăn. Mọi thứ chúng ta ăn uống thường ngày đều cần một lượng nước đáng kể, ít nhiều nào đó, để tạo ra thức ăn thức uống: một tách cà phê (140 lít nước), một ly sữa (200 lít nước), một lát bánh mì (40 lít nước), một quả trứng (135 lít nước), v.v. đối với từng loại thực phẩm trong kệ tủ ở nhà chúng ta. Mối liên kết này cũng được phản ánh trong sự lãng phí: lãng phí thức ăn, thực chất là lãng phí nước. Tình hình nói trên càng trở nên tồi tệ hơn do sự yếu kém trong công tác bảo trì hệ thống cung cấp nước, thiếu phương tiện để sử dụng tiết kiệm nước và lưu trữ nước trong những mùa có mật độ mưa cao nhất, hệ thống tưới tiêu thái quá, thậm chí không cần thiết trong một số trường hợp, và những sự cố rò rỉ từ vòi nước, mà chỉ tính riêng ở châu Âu, đã lãng phí từ 20 đến 40% nguồn tài nguyên nước sẵn có.

Trong cuộc chiến chống lại tình trạng khan hiếm nước, những biến đổi từ hiện tượng nhiệt độ thời tiết nóng lên toàn cầu cũng đóng một vai trò cơ bản: lượng mưa ngày càng khan hiếm, nhưng với một cường độ lớn hơn, sẽ làm tăng thêm tính bấp bênh các vụ mùa màng và nạn khô hạn của đất. Vậy làm thế nào để tối ưu hóa việc quản lý nguồn nước?

Dựa trên nguyên lý những cánh đồng canh tác không phải là những khu vực đồng nhất, nông nghiệp chính xác là cách tốt nhất để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về nước. Việc sử dụng các tài nguyên phải được phân biệt và hiệu chỉnh trên cơ sở của nhiều biến số, không chỉ giữa các cánh đồng với nhau, mà còn từ bản thân cùng một cánh đồng canh tác, cung cấp lượng nước cần thiết cho từng loại cánh đồng canh tác, trong khi vẫn duy trì mức độ giảm thiểu tình trạng lãng phí. Theo nghĩa này, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt có thể đạt mức hiệu quả lên đến trên 90%. Quá trình đổi mới, được phát triển trong những năm gần đây, cũng đã mang đến các kỹ thuật công nghệ cho người canh tác, cho phép họ lập kế hoạch can thiệp vào việc tưới tiêu với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các dịch vụ mạng, các cảm biến, các máy bay không người lái và các vệ tinh có khả năng thu thập và quản lý nhiều loại dữ liệu (từ lượng mưa đến các loại mùa màng, khả năng cung cấp nước từ các tầng nước ngầm đến thông tin về tình trạng căng thẳng nguồn nước đối với cây trồng)[6] gợi ý cho người lao động biết cách thức can thiệp như thế nào và ở đâu. Đặc biệt cần chú ý đến các máy bay không người lái và vệ tinh, những phương tiện quan sát có tính ưu việt, bằng cách chia mùa màng canh tác thành những không gian nhỏ, cho phép định vị những khu vực mà cây trồng đang chịu áp lực nhiều nhất về nguồn nước và theo dõi hệ phát triển sinh lý của chúng, cho phép giám sát hiệu quả và chu đáo toàn bộ diện tích canh tác (với các kỹ thuật công nghệ hiện tại, một máy bay không người lái có thể giám sát một cánh đồng rộng đến 70 ha trong vòng chưa đầy mười lăm phút) và, nếu có kết hợp với hệ thống tưới tiêu chính xác, cho phép tiết kiệm tới 25% nguồn nước mà không làm giảm năng suất.[7] Năm 2017, người ta ước tính thị trường máy bay không người lái sử dụng trong nông nghiệp trên thế giới lên đến hơn 30 tỷ US$.[8]

Nhưng chừng đó thôi chưa đủ. Nông nghiệp 4.0, một mặt, đang thử nghiệm những cảm biến, đo lường trực tiếp độ ẩm của đất và gửi dữ liệu qua sóng vô tuyến đến điện thoại thông minh của người canh tác, mặt khác, đang phát triển những mô hình tương thích sinh học, có thể được cấy trực tiếp vào cây trồng, cho phép có một cuộc “đối thoại” thực sự với bản thân cây trồng, bằng cách phân tích tình trạng sức khỏe và nhu cầu nước của cây trồng. Tuy nhiên, vấn đề lãng phí vẫn là điểm mấu chốt: do sự gia tăng dân số, người ta ước tính từ nay đến năm 2025, lượng nước cần thiết để đáp ứng nhu cầu của con người sẽ tăng 50% ở các nước đang phát triển và 18% ở các nước phát triển.[9] Các con số đó sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ đến tầm quan trọng của việc tái chế một phần nguồn nước đã qua sử dụng trong các nhà máy sản xuất để giảm thiểu lượng tiêu thụ (và từ đó giảm thiểu tình trạng lãng phí).




GMO và sản phẩm bảo vệ thực vật: có nên sợ hay không?

Bằng cách thu hút sự chú ý đến những hiệu ứng biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực nông nghiệp, cuộc tranh luận về vấn đề này làm nảy sinh hai luồng suy nghĩ. Trước hết, tại sao không tạo ra những loại thực phẩm mới, có khả năng chống chọi tốt hơn với các điều kiện khí hậu trong tương lai? Và từ đó, tại sao không xem xét lại khung pháp lý hiện tại, vốn đang cấm sử dụng các sinh vật biến đổi gen (GMO, Genetically Modified Organism) ở châu Âu, để khai thác tiềm năng di truyền của thực phẩm chống lại tình trạng hạn hán? Theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện tượng nhiệt độ thời tiết nóng lên toàn cầu sẽ làm giảm sản lượng toàn cầu về ngô, lúa mì, gạo và cọ dầu, với mức thiệt hại được ước tính từ 10% đến 25% cho mỗi độ nhiệt độ thời tiết tăng thêm trên bề mặt trái đất, và người ta đã dự đoán, từ nay đến năm 2050, sẽ có hơn 120 triệu người bị thiếu protein và 170 triệu người sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe vì thiếu chất kẽm.[10] Đối mặt với các con số nói trên, có thật là vô lý khi nghĩ đến những loại thực phẩm mới được “thuần hóa” trong phòng thí nghiệm để tạo ra nhiều loại thực phẩm có khả năng chống chịu tốt hơn với các điều kiện môi trường hiện tại và tương lai? Vào tháng 4 năm 2021, Ủy ban châu Âu đã công bố một nghiên cứu về các kỹ thuật cải thiện gen mới (chỉnh sửa bộ gen) cho thấy các công nghệ này có thể góp phần tạo ra một hệ thống thực phẩm lâu bền hơn, trong khuôn khổ các mục tiêu về thỏa thuận xanh của châu Âu. Tuy nhiên, nghiên cứu đó cũng thừa nhận các quy định pháp lý hiện hành về GMO, được thông qua vào năm 2001, không phù hợp với quy định về các công nghệ sinh học đổi mới, như những gì đang được đề cập, và gợi ý khởi động một quy trình để phát triển một khung pháp lý mới.[11]

Có thật là vô lý khi nghĩ đến những loại thực phẩm mới được “thuần hóa” trong phòng thí nghiệm để tạo ra nhiều loại thực phẩm có khả năng chống chịu tốt hơn với các điều kiện môi trường hiện tại và tương lai?

FRANCESCA CARLOTTA BRUSA

Một khía cạnh thứ hai liên quan đến thế giới hiển nhiên các loại côn trùng. Biến đổi khí hậu sẽ cho phép nhiều loại côn trùng gây hại sinh sản nhanh hơn, và cần phải suy nghĩ đến cách kiểm soát sự sinh sản của chúng mà không gây hại đến các loại côn trùng có ích, như côn trùng thụ phấn, vốn đang bị đe dọa, mà không đề cập đến việc bảo vệ sự đa dạng sinh học. Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nếu không có các biện pháp bảo vệ các loại côn trùng có ích đó, sản lượng nông nghiệp thế giới sẽ giảm 30%. Làm thế nào để kết hợp mục tiêu sản xuất lương thực lâu bền với cuộc chiến chống lại các loại côn trùng có hại, như bọ xít Trung Quốc hay châu chấu sa mạc, vốn đã gây thiệt hại rất lớn cho mùa màng, được ước tính lên tới 70 tỷ euro mỗi năm? Cho dù có những hậu quả tiêu cực có thể trong việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật, cho đến nay, việc loại bỏ hoàn toàn các loại côn trùng là điều không tưởng. Và xin lưu ý: việc đề xuất giải pháp được gọi là nông nghiệp hữu cơ không giải quyết được vấn đề, bởi vì trái với những gì có thể nghĩ ra, đó không phải là giải pháp “không thuốc trừ sâu”. Trái với nông nghiệp thông thường, nông nghiệp hữu cơ không sử dụng những chất phát sinh từ sự tổng hợp hóa học, mà là sử dụng các chất khác. Do đó, cần phải tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, bắt đầu bằng việc theo dõi các loại côn trùng, biết được sự phân bố và sinh sản của chúng. Kết hợp với các phương thức bẫy, sử dụng màu sắc để thu hút côn trùng (thuốc phẩm) hoặc sử dụng các loại tiết tố [pheromone] tính dục, người ta đã phát triển các cảm biến và máy ảnh, sử dụng hình ảnh và phân tích dữ liệu, để báo hiệu sự hiện diện của các loại côn trùng gây hại và số lượng của chúng từ xa (thông qua hệ thống mạng không dây), gửi đi một dạng “cảnh báo nhiễm kí sinh” cho người canh tác để họ có thể can thiệp trong một khu vực cụ thể mà không cần phải xử lý cả vùng canh tác. Ngoài ra, việc lắp đặt, trên các rô-bốt nông nghiệp (agribots), những thiết bị có thể xử lý trực tiếp các chất hóa học trên cây trồng, mà không phải thải xuống đất các chất hóa học đó, đồng nghĩa với việc người canh tác không phải ra đồng cho mỗi lần xử lý đó. Rô-bốt nông nghiệp hoạt động theo cách tự chủ và có mục tiêu, được hướng dẫn bởi các cảm biến và một hệ thống định vị toàn cầu [GPS], thu thập vô số dữ liệu trong thời gian thực và làm cho việc quản lý côn trùng, cỏ dại, nấm hoặc nấm mốc trở nên thông minh. Người ta đã tính kỹ thuật phun thuốc trừ sâu chính xác có thể làm giảm tới 80% lượng thuốc trừ sâu mà không làm giảm năng suất và, trong các điều kiện khẩn cấp như các điều kiện tiếp theo sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng các rô-bốt nông nghiệp ở một số khu vực trên thế giới có thể bù đắp một phần thiếu hụt lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, và cho phép người canh tác lao động một cách an toàn, trong khi vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn với nhau (theo các ước tính gần đây nhất, đồng thời để đối phó với đại dịch, thị trường nông sản 4.0 của Trung Quốc có thể đạt doanh số gần 27 tỷ euro từ nay đến năm 2020).[12]

Từ cánh đồng đến thành thị

Theo dữ liệu do LHQ công bố trong báo cáo Triển vọng Đô thị hóa Toàn cầu năm 2018 [World Urbanization Prospects 2018], đến năm 2050, các vùng đô thị sẽ là nơi sinh sống của gần 70% dân số thế giới, ngày càng phát triển rộng lớn hơn và bao gồm nhiều không gian nông nghiệp của ngày nay hoặc những không gian được thiết kế để bảo tồn sự đa dạng sinh học.[13] Điều đó sẽ làm mất khoảng một nửa diện tích canh tác hiện tại, với mức giảm sản lượng lương thực từ 1% đến 4%. Các tỷ số này đặc biệt quan trọng, khi xem xét trên bình diện thế giới, điều đó có nghĩa là mất đi những gì nuôi sống từ 100 triệu đến một tỷ người trong một năm.[14] Đây là lý do vì sao cái gọi là trang trại thẳng đứng đã giúp các thành phố thu hồi lại các khoảng không gian và tái sử dụng một số khoảng không gian đó để sản xuất lương thực bên trong các tòa nhà. Ở các trang trại đô thị này, người ta có thể sản xuất theo chu kỳ, liên tục quanh năm, vì môi trường được kiểm soát và khép kín, giúp thanh lọc và làm sạch luồng không khí đầu vào, còn việc sử dụng nước thì ở mức tối thiểu, vì có thể thu lại lượng nước mưa và nước bốc hơi một cách rất dễ dàng: đây là hệ thống được gọi là thủy canh, cho phép trồng các loại cây trong những chất nền không phải là đất (do đó giải quyết được vấn đề ô nhiễm đất) với một lượng tối thiểu nước được tái chế một cách thường xuyên. Các trang trại thẳng đứng rất hữu ích cho việc sản xuất ngũ cốc, nhưng cũng hữu ích cho việc trồng rau: ngày nay, rau từ các trang trại đô thị đạt doanh số 2 tỷ euro mỗi năm, nhưng ước tính thị trường sẽ vượt quá 10 tỷ euro từ 5 đến 6 năm tới. Nhiều nước đã sử dụng mô hình trang trại thẳng đứng, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, từ Hoa Kỳ đến Ả Rập Xê Út, chưa kể đến công trình kiến ​​trúc cao 9 mét ở Singapore, được gọi là Sky Greens.[15] Ở châu Âu, sự lan tỏa của nông nghiệp thẳng đứng vẫn còn hạn chế, mặc dù các nguồn đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng lên trong những năm gần đây và sự cạnh tranh giữa các công ty khởi nghiệp cũng đã tăng lên đáng kể.[16]

Nói tóm lại, sự thay đổi, từ các cánh đồng đến thành thị, đã được tiến hành và chúng ta không nên lo sợ về điều đó. Chúng ta phải từ bỏ ý tưởng cho rằng việc biến đổi các mùa màng của chúng ta thành các kho chứa dữ liệu thông qua việc sử dụng máy bay không người lái, vệ tinh, rô-bt nông nghiệp và cảm biến là một phần của tương lai phản địa đàng và mang tính khoa học viễn tưởng, bởi vì đây chính xác là những kịch bản, mà chúng ta cần phải bắt đầu làm quen nhiều hơn, nếu muốn thành công trong việc sản xuất thêm 50% lượng lương thực mà FAO cho là cần thiết để nuôi sống mọi người từ nay đến cuối thế kỷ này, đồng thời tôn trọng môi trường, tài nguyên và con người. Công nghệ, nghiên cứu khoa học và sáng tạo đổi mới phải là những từ khóa định hướng cho các chính sách trong tương lai và các lĩnh vực thu hút đầu tư lớn. Chúng ta cần ý thức đến giá trị những gì chúng ta ăn, lập hồ sơ về tính lâu bền của từng loại cây lương thực chứ không phải chỉ những loại cây lương thực nằm trong tâm bão mà thôi, phát triển một cơ sở đạo đức thực phẩm không nhằm loại bỏ triệt để mọi thứ được coi là có hại đối với hệ sinh thái, mà là cải thiện và tối ưu hóa thói quen ăn uống của chúng ta cũng như cách thức sản xuất và chế biến thực phẩm. Điều cần thiết là phải đầu tư vào các hoạt động cải cách nông nghiệp, cho phép thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở những nước dựa chủ yếu vào ngành nông nghiệp, chẳng hạn như nhiều nước ở châu Phi. Nếu không có hành động thích hợp nào được thực hiện, thì hơn 80 triệu người sẽ rời bỏ vùng Sahel chỉ tính riêng từ nay đến năm 2050 do nghèo đói, thiên tai và các phương thức canh tác không phù hợp. Thế nên, châu Âu còn có nhiệm vụ là lôi kéo lục địa châu Phi dấn thân vào cuộc chạy đua thay đổi, bằng cách khuyến khích và giới thiệu tất cả những kỹ thuật đổi mới có thể có (bao gồm cả những kỹ thuật về biến đổi gen) để thu được sản lượng cao hơn. Chính nhờ thế mà “tương lai hành tinh sẽ bắt đầu từ chén bát của chúng ta”, thông qua các nỗ lực tổng hợp, đa cấp và đa chiều của các tổ chức, các chính phủ, các cá nhân và công dân.[17] 

Những gì liên quan đến chúng ta

Do phần lớn các kỹ thuật công nghệ mới về lương thực tạo nên sự tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường (phun thuốc trừ sâu chính xác, không thải các sản phẩm bảo vệ thực vật xuống đất, bảo vệ sự đa dạng sinh học, v.v.), hai khía cạnh nan giải nhất của cuộc cách mạng xanh mới là chi phí và sự rút giảm nhân công trên các cánh đồng. Không thể phủ nhận sự hiện diện của công nghệ trong nông nghiệp tạo ra nhiều chi phí cố định, chủ yếu gắn với việc mua sắm máy móc, bảo trì, nhân viên kỹ thuật chuyên ngành về quản lý và vận hành thiết bị điện tử và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là việc sử dụng đáng kể nguồn điện.

Đồng thời, cũng đúng khi những khoản tiết kiệm được trên nguồn vốn lưu động và chi phí khả biến, có thể bù đắp sự gia tăng chi phí cố định không thể tránh khỏi. Hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, sản phẩm chăm sóc thực vật, nước và nhiên liệu được sử dụng hiệu quả hơn, cho phép ngăn ngừa việc sử dụng sai mục đích các mục nói trên và thực hành tiết kiệm đối với từng mục. Cũng nên nhớ rằng mục tiêu chính của việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ lương thực là tăng sản lượng (mà không ảnh hưởng đến chất lượng): một cánh đồng được canh tác một cách thông minh và hiệu quả sẽ có năng suất cao hơn. Nói cách khác, các kỹ thuật công nghệ mới đang làm giảm chi phí, thông qua các máy móc cơ học hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn. Khi chống lại việc đầu tư (thậm chí bởi các Nhà nước) vào các kỹ thuật công nghệ mới và sự thiếu hiểu biết về lợi ích của chúng vẫn là trở ngại chính để giải phóng nền nông nghiệp 4.0, khiến cho người canh tác cá thể khó có thể kham nỗi những chi phí ban đầu của một sự thay đổi như thế. Hiệu ứng lên lực lượng lao động có hai mặt: một mặt, việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ lương thực có thể làm giảm việc sử dụng lao động, nhưng mặt khác, nó cũng đòi hỏi một sự nâng cao trình độ chuyên nghiệp của chính lực lượng lao động nông nghiệp (và đối với nhân viên vận hành), đòi hỏi các kỹ năng về công nghệ, môi trường và quản lý.

Đó là những đặc điểm mà người canh tác của thiên niên kỷ mới cần có, cách mạng hóa khuôn mẫu của người canh tác mang ủng và cuốc, những người không sợ hãi trước việc sử dụng máy bay không người lái, cảm biến và dữ liệu lớn để thực hiện các hoạt động trên cánh đồng của mình. Kịch bản này được củng cố bởi sự gia tăng không ngừng sự hiện diện của những người trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chính nhờ thế mà “tương lai hành tinh sẽ bắt đầu từ chén bát của chúng ta”, thông qua các nỗ lực mang tính tổng hợp, đa cấp và đa chiều của các tổ chức, các chính phủ, các cá nhân và công dân.

FRANCESCA CARLOTTA BRUSA

Mặc dù chỉ có 6% người canh tác ở châu Âu có độ tuổi dưới 35 tuổi và gần 60% trên 55 tuổi, nhưng số lượng người canh tác trẻ tuổi đang tăng lên từng năm (trong đó có rất nhiều phụ nữ), với chương trình giảng dạy đại học đã được định hướng theo hướng phát triển nền nông nghiệp 4.0.[18] Thật vậy, sự thay đổi nên bắt đầu trực tiếp từ công tác đào tạo kiến ​​thức cho người canh tác mới, bằng cách đảo ngược xu hướng ở châu Âu theo đó phần lớn người canh tác không được đào tạo chính quy về kiến ​​thức nông nghiệp.[19] Trên thực tế, cho đến nay, 80% người canh tác trên 65 tuổi (và là thành phần quan trọng nhất) chưa qua một khóa đào tạo nào cả. Do đó, rõ ràng chủ đề nông nghiệp 4.0 không chỉ ứng phó với những thách thức to lớn về môi trường và khí hậu mà các thế hệ mới phải và sẽ phải đối mặt, mà còn khiến các thế hệ mới trở thành những tác nhân và nhân vật chính của sự thay đổi, khiến ngành nông nghiệp được phóng chiếu tới tương lai, mà họ là một thành phần trong đó.

Một số người đã phản đối sự ra đời của máy gặt đập liên hợp vào những năm 1950, vì sợ rằng cỗ máy mới này sẽ khiến họ không có việc làm. Họ chắc chắn đã không nhận ra rằng cỗ máy đó là một sự đối phó với sự gia tăng dân số, sự tối ưu hóa sản xuất, sự tiến hóa cần thiết của thế giới công nghiệp, mà theo thời gian, đã sử dụng nhiều lao động hơn là để người lao động phải thất nghiệp ở nhà.

Đằng sau sự ra đời của máy gặt đập liên hợp là mong muốn và nhu cầu ứng phó với những thách thức to lớn và phức tạp, giống như đằng sau sự phát triển nền nông nghiệp 4.0 ngày nay. Và ai biết được, trong một vài năm tới, khi các kỹ thuật công nghệ thực phẩm không còn là khoa học viễn tưởng, thì nó sẽ trở thành chuẩn mực bình thường và là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’agriculture du futur, Le Grand Continent, ngày 02/11/2021.

----

Bài có liên quan:

Có thể tham khảo bài:




Nguồn tham khảo:

[4] Mandrioli M., Nove miliardi a tavola, droni, big data e genomica per l’agricoltura 4.0, Zanichelli, 2020

[6] Situation dans laquelle la demande en eau dépasse les ressources disponibles

[7] Mandrioli M., Nove miliardi a tavola, droni, big data e genomica per l’agricoltura 4.0, Zanichelli, 2020

[12] Mandrioli M., Nove miliardi a tavola, droni, big data e genomica per l’agricoltura 4.0, Zanichelli, 2020

[16] Pour des exemples d’entreprises européennes, voir Michele Butturini, L.M.F Marcelis, Vertical farming in Europe : present status and outlook, 2021

Print Friendly and PDF