14.1.22

Tại sao cuộc tranh luận về việc hồi sức những người không chích ngừa lại phức tạp hơn ta tưởng

TẠI SAO CUỘC TRANH LUẬN VỀ VIỆC HỒI SỨC NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHÍCH NGỪA LẠI PHỨC TẠP HƠN TA TƯỞNG

Trong lúc các thuốc chích ngừa là vũ khí tốt nhất chống lại coronavirus, những người chăm sóc lại phải ưu tiên chăm sóc những người từ chối sự bảo vệ này. Xuất hiện những tình thế lưỡng nan.

Tác giả: Paul Guyonnet

Được liên tục yêu cầu từ gần hai năm nay, nhân viên chăm sóc hứng chịu trực diện làn sóng Covid thứ năm liên quan đến biến thể Omicron. Đến mức một cuộc thảo luận về đạo đức chung quanh trách nhiệm của những người từ chối chích ngừa bắt đầu được đặt ra (Hình minh họa chụp vào tháng 12/2021 trong phòng săn sóc đặc biệt tại các bệnh viện dân sự ở Colmar, tỉnh Haut-Rhin, Pháp). YVES HERMAN / REUTERS

CORONAVIRUS – Dưới nhiều hình thức khác nhau, cuộc tranh luận vốn đã kéo dài dai dng từ đầu đại dịch Covid, lại được tăng cường vào đầu năm nay (2022) bởi tuyên bố gây sốc của Emmanuel Macron về những người không chích ngừa. Đứng trước sự quá tải của các dịch vụ cấp cứu và hồi sức, từ gần hai năm nay những nhân viên chăm sóc buộc phải có sự lựa chọn: hủy bỏ kế hoạch của một cuộc giải phẫu nào đó, cố gắng cứu một bệnh nhân này thay vì một bệnh nhân khác, dành hay không dành những phương tiện nhân lực và kỹ thuật cho một trường hợp vô vọng…

André Grimaldi (1944-)

Những câu hỏi này mang một chiều kích mới khi tỷ lệ những người không chích ngừa luôn luôn cao trong số những bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Đến nỗi một số nhân viên chăm sóc phải đặt câu hỏi: có nên tiếp tục giúp cho những người không chích ngừa được hưởng những chăm sóc ưu tiên so với những bệnh nhân đang chịu đựng những bệnh lý khác - không phải coronavirus -?

Một tình thế lưỡng nan đã được tóm lược bởi giáo sư André Grimaldi, người sáng lập collectif inter-hôpitaux (tập thể liên bệnh viện) đã báo động từ nhiều năm nay về sự suy sụp của bệnh viện công. Trong một mục diễn đàn công bố trên báo Le JDD (Le Journal du Dimanche - Tuần báo chủ nhật) ngày 2 tháng 1/2022, ông đặt câu hỏi: Những người không chích ngừa có phải tự giác chấp nhận không được hồi sức không?” Một cách để nói rằng khi từ chối chích ngừa coronavirus, hẳn nhiên là các công dân thực hiện một sự tự do lựa chọn, nhưng đừng quên rằng đồng thời họ phải ý thức về sự gia tăng nguy cơ phát triển một dạng bệnh nặng.

Càng ngày càng ít sự đồng cảm với những người không chích ngừa

Olivier Véran (1980-)
Patrick Bouet (1955-)

Một bình luận đã mang chiều kích quốc gia vào ngày thứ hai 3 tháng 1 tại các cuộc thảo luận của Quốc hội về giấy thông hành chủng ngừa. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã đả kích những người “trưng ra những nguyên tắc lớn và yêu sách tự do” để phục vụ “một cuộc đấu tranh nhỏ xíu”, rằng họ “hoàn toàn không biết những nguyên tắc sơ đẳng để cùng chung sống trong xã hội”. Và ông đã nói thêm về vấn đề những cá nhân từ chối chích ngừa rằng “đằng sau một diễn ngôn nhân danh tự do thường ẩn giấu một sự ích kỷ hay sự thu mình lại”.

Thế nhưng cần nói ra một điều ngay lập tức bằng cách nêu ra những vấn đề này: ngay ý tưởng làm chậm trễ việc chăm sóc một số bệnh nhân vì lý do họ không chích ngừa là đi ngược lại lời thề Hippocrate và mọi đạo đức y khoa. Đó là đúc kết của bác sĩ Patrick Bouet, chủ tịch Hội đồng quốc gia của Bác sĩ đoàn trong mục diễn đàn của tờ La Croix, ông đã viết là sẽ “không thể tha thứ” cho hành động “lựa chọn giữa những người đã chích ngừa và không chích ngừa”. Đó là những ý kiến theo cùng chiều hướng với những phát biểu của Olivier Véran tại Quốc hội.

Nhưng dù sao ta cũng cần xem xét khi phải lựa chọn giữa hai bệnh nhân – một hoạt động thường xuyên của các bác sĩ hồi sức – và khi thuốc chích ngừa đã có sẵn tại Pháp từ hơn một năm nay, nhân viên chăm sóc gặp phải tình thế lưỡng nan càng ngày càng thường xuyên hơn, như tường thuật của báo La Croix vào cuối tháng 12/2021 hay báo Le Parisien vào đầu tháng 1/2022. Và với làn sóng dịch bệnh thứ năm đang bùng phát, sự bực bội đối với những người từ chối chích ngừa đang gia tăng trong đội ngũ nhân viên chăm sóc.

Vào thời đim của cuộc phong tỏa lần thứ nhất, trong khi những kế hoạch trắng[*] đã được khởi động với hệ quả là việc thay đổi lịch của rất nhiều hoạt động y khoa, thì việc lựa chọn chăm sóc đã căn cứ trên chính những tiêu chí khách quan: tuổi tác, cơ may sống sót, các bệnh lý nền… Nhưng hai năm sau, các bác sĩ đã được bắt kịp bởi một nhận định chắc chắn: Nếu được chích ngừa thì một số bệnh nhân không phải nhập viện. Có lý do để mất sự đồng cảm nếu ta tin vào các lời chứng.

Kết hợp tự do và trách nhiệm

Nhất là vào thời điểm các kế hoạch trắng vào đầu năm 2022, các bác sĩ phải thông tin cho các bệnh nhân không nhiễm Covid rằng các cuộc phẫu thuật của họ phải thay đổi lịch lần thứ ba hay lần thứ tư; điều đó thực sự làm giảm sút cơ may chữa lành, thậm chí sống sót của họ. Toàn bộ sự việc buộc nhân viên chăm sóc phải tập trung vào những bệnh nhân mà lẽ ra nếu họ chấp nhận chích ngừa thì họ đã có cơ may không cần nhập viện chăm sóc đặc biệt.

Emmanuel Hirsch (1953-)

Đây là góc nhìn qua đó Emmanuel Hirsch tiếp cận vấn đề đạo đức được đặt ra ở đây. Vị giáo sư y đức của Đại học Paris-Saclay đã ký trên tạp chí The Conversation một văn bản trong đó ông đặt câu hỏi về “trách nhiệm” của những người đã chọn không chích ngừa. Dựa trên một quan điểm về tự do như là sự “cho phép làm tất cả những điều không hại đến người khác”, giáo sư về y đức đã viết: Nguyên tắc tự do trong chích ngừa tự nó đáng trân trọng chỉ khi tự do ấy tỏ ra hòa hợp với sự quan tâm nhân ái đối với những người khác.”

Thế nhưng đối với vấn đề này, ông nhận định rằng không có một người nào ủng hộ việc không chích ngừa đã phát biểu về sự ưu tiên trong tương lai cho hồi sức giữa một người đã chích ngừa và một người khác đã từ chối chích ngừa. Và ông thêm rằng: “Cản trở những nhiệm vụ được quy cho các nhân viên y tế với những điều trị nặng, mặc dù có thể tránh được, là điều không hợp lý.”

“Khi tự do của tôi đe dọa tự do của những người khác, tôi trở thành người vô trách nhiệm. Một người vô trách nhiệm không còn là một công dân”

(Emmanuel Macron, theo “Le Parisien”, ngày 4/1/2022.)

Trong hướng đó, vị giáo sư đại học cho những hành vi này là “thiếu tôn trọng”, gây ra hệ quả trực tiếp là huy động nhân viên y tế vốn đã mệt mỏi đồng thời lại làm mất cơ hội được chăm sóc của các bệnh nhân khác. Về vấn đề này, ta có thể kể một mô hình hóa của trung tâm điều trị ung thư Gustave Roussy đã ước tính rằng từ 2% đến 5% mức tử vong cao hơn liên quan đến ung thư là do làn sóng dịch Covid thứ nhất và do thiếu chỗ cho những bệnh nhân bị ung thư. Lúc đó chưa có thuốc chích ngừa và phải thực hiện những đánh đổi tương đối tốt nhất. Nhưng tình hình hiện nay có phải như trước không khi có những huyết thanh cung cấp một sự bảo vệ đã được khoa học chứng minh?

Về điểm này, tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc phỏng vấn ông ngày 4 tháng 1 trên báo Le Parisien, đã có ý kiến rất dứt khoát khi nói về “lỗi to lớn về đạo đức của những người chống chích ngừa”. Và ông thêm rằng: Khi tự do của tôi đe dọa tự do của những người khác, tôi trở thành người vô trách nhiệm. Một người vô trách nhiệm không còn là một công dân.”

Nguy cơ của phân biệt đối xử

Dù sao cũng không nên xem nhẹ việc nhiều bác sĩ muốn giữ khoảng cách với cuộc tranh luận chính trị về chủng ngừa mà họ cho là không thích đáng. Nếu quy định chích ngừa – vốn không phải là một tiêu chí y tế - trở thành một yếu tố chọn lựa, đó sẽ là một sự phân biệt đối xử”, một bác sĩ cấp cứu đã phản ứng mạnh như vậy khi được phỏng vấn trong bài báo đăng trên tờ La Croix. Trong một bối cảnh khan hiếm, tiêu chí nhận nhập viện chính là sự khẩn cấp. Cho dù bệnh nhân tự gây nguy hiểm hay không.”

Và để tiếp tục sự chứng minh này bằng cách cường điệu sự việc, làm một sự so sánh với những người hút thuốc sẽ không được ưu tiên chữa trị nếu họ bị ung thư, hay những người lái xe gặp tai nạn vì họ đã uống rượu trước khi cầm lái. Trong trường hợp cụ thể này, hẳn nhiên là với một cách ít châm biếm hơn, Emmanuel Hirsch nhắc lại rằng những ứng viên đăng ký ghép tạng mà có những hành vi không nên làm (ví dụ như uống quá nhiều rượu) sẽ không được ưu tiên.

“Ngoài các tiêu chí y tế, một sự sắp xếp ưu tiên dựa trên một tiêu chí về sự xứng đáng (những người đã chích ngừa xứng đáng hơn những người không chích ngừa) vượt ra ngoài phạm vi y tế và sẽ có tính phân biệt đối xử.”

(Trích một thông cáo của Hội Gây mê hồi sức Pháp - Société française d’Anesthésie et de Réanimation)

Tuy nhiên hiện nay không có chứng cớ khoa học nào cho thấy việc chích ngừa “tạo cơ may sống sót nhiều hơn (về phương diện số sinh mạng và chất lượng cuộc sống)” giữa hai bệnh nhân cùng bệnh nặng như nhau và cần được đưa vào hồi sức, như Hội Gây mê hồi sức Pháp đã nhắc lại vào cuối tháng 12/2021.

Kết quả là, không có chứng cớ khoa học cho phép ủng hộ việc một người đã chích ngừa phải được chăm sóc trước một người không chích ngừa với tình trạng bệnh nặng như nhau, Hội Gây mê hồi sức Pháp kết luận: “Ngoài các tiêu chí y tế, một sự sắp xếp ưu tiên dựa trên một tiêu chí về sự xứng đáng (những người đã chích ngừa xứng đáng hơn những người không chích ngừa) vượt ra ngoài phạm vi y tế và sẽ có tính phân biệt đối xử.” Về điểm này, Hội còn thêm rằng ngay cả khi việc chích ngừa được áp đặt bởi pháp luật, thì về mặt đạo đức các bác sĩ không thể viện dẫn tính bất hợp pháp của việc không chích ngừa để xếp ưu tiên cho những lựa chọn việc chăm sóc của họ.

Vậy thì làm thế nào để thuyết phục những người ngang bướng?

Cùng với những quan điểm khoa học này, Emmanuel Hirsch còn thêm vào một chiều kích tâm lý xã hội: làm thế nào để quy cho tất cả những người không chích ngừa một trách nhiệm như nhau trong khi không phải khi nào cũng có thể phân biệt những người từ chối chích ngừa “vì niềm tin, và những người chịu ảnh hưởng của một diễn ngôn mà họ không có khả năng phân tích”?

Nhất là những văn bản đặt nền móng cho xã hội Pháp (vị giáo sư trích dẫn Luật y tế công cộng (Code de la santé publique) và Tuyên ngôn quốc tế về đạo đức sinh học và nhân quyền (Déclaration universelle sur la bioéthique et les droits de l’Homme) đều bảo vệ tất cả các cá nhân chống lại những phân biệt đối xử trong việc được chăm sóc y tế. “Vì bất kỳ một lý do nào.” Đó chính là lý do vào ngày 21/12/2021, một tập thể các bác sĩ đã ký tên trên một diễn đàn của báo Le Monde trong đó họ đã khẳng định một cách rõ ràng: Giải pháp không nhận vào chăm sóc hồi sức những người đã chọn không chích ngừa là không thể tính đến được.” Một ý tưởng mà Emmanuel Macron – dù ông tuyên bố muốn “chọc giận [Macron dùng nguyên văn tiếng Pháp là “emmerder” là một từ ngữ có phần thô ráp có nghĩa là quấy rầy, gây tức giận - ND -] càng nhiều càng tốt những người không chích ngừa và đời sống xã hội của họ - cũng đồng tình chấp nhận: “Một người chăm sóc nhìn thấy một người đang bị bệnh và không cần biết họ đến từ đâu, họ là như thế nào.” 

Dù sao, nhiều bác sĩ không mong muốn cuộc tranh luận về việc không chăm sóc những người không chích ngừa sẽ đưa tới những hành động theo hướng đó. Trái lại, họ hy vọng rằng việc đưa những câu hỏi về vấn đề này vào trọng tâm của cuộc thảo luận sẽ làm những người liên quan suy nghĩ, và điều đó sẽ giúp họ ý thức về tầm ảnh hưởng của sự lựa chọn của họ, đối với cả những bệnh nhân khác cũng như đối với những người chăm sóc và hệ thống y tế.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pourquoi le debat sur la réanimation des non-vaccines est plus complexe qu’il y parait”, The Conversation, 6.01.2021.




Chú thích:

[*] Kế hoạch trắng bao gồm các biện pháp tổ chức nhằm mục đích đối phó với một tình trạng y tế đặc biệt hay một hoạt động đang gia tăng nhiều của một bệnh viện. Kế hoạch này cho phép tổ chức tiếp nhận và chăm sóc một số lớn nạn nhân của một tai nạn, một thảm họa (ví dụ những vụ tàn sát), một nạn dịch hay một biến cố khí hậu gây chết người và kéo dài (ví dụ một rủi ro hạt nhân). - Theo Wikipedia - ND.

Print Friendly and PDF