28.11.21

Đọng lại điều gì từ COP26?

ĐỌNG LẠI ĐIỀU GÌ TỪ COP26?

Christian de Perthuis

Các nhà hoạt động biểu tình vào hôm thứ Sáu ngày 12 tháng 11 năm 2021 tại Glasgow khi COP bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. ANDY BUCHANAN/AFP

Tại Glasgow, COP26 đã bế mạc. Hội nghị đã thu hút một số đông kỷ lục [người tham gia].

Nhưng người ta đo sự thành công của COP không phải bằng số lượng người tham gia, cũng không phải bằng các tuyên bố được đưa ra. Sự thành công đó được đánh giá qua khả năng tăng tốc hành động về khí hậu trên thực tiễn.

Về vấn đề này, điều gì còn đng lại từ hội nghị lần thứ 26 này?

Các mục tiêu giảm khí thải tăng một cách rụt rè

Cuộc họp ở Glasgow là một dấu mốc quan trọng trong thời gian biểu của thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015 tại COP21. Quả thực, tất cả các nước tham gia thỏa thuận phải cập nhật mức “đóng góp của quốc gia mình”, hay nói cách khác là các mục tiêu giảm khí thải nhà kính của quốc gia mình vào năm 2030.

Kết quả có vẻ không mấy khả quan. Ly nước chưa hẳn hết nước: đa số các nước đã cập nhật mức đóng góp của nước họ, nhưng một số nước như Trung Quốc chỉ mới cập nhật một vài ngày trước khi hội nghị diễn ra, hoặc thậm chí, như Ấn Độ, thì chỉ mới cập nhật trong thời gian diễn ra hội nghị.

Các cuộc thảo luận trong phiên họp toàn thể của COP26, vào hôm Thứ Sáu, ngày 12 tháng 11 năm 2021. Andy Buchanan/AFP

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, các mức đóng góp tại hội nghị lần này đánh dấu một bước tiến bộ tương đối so với mức được ký kết tại Thỏa thuận Paris. Nó cho phép tiết kiệm khoảng 4,8 Gt lượng phát thải (-8%) vào năm 2030 so với mức đóng góp vào năm 2015.

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ để đưa chúng ta vào một quỹ đạo hạn chế hiện tượng thời tiết nóng lên phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris – dưới 2°C và nếu có thể là 1,5°C.

Nếu thực hiện được tất cả các mức đóng góp, thì vào năm 2030, lượng khí thải trên thế giới sẽ chỉ vượt quá 10% một chút so với lượng khí thải năm 2010, trong khi cần phải giảm 45% lượng khí thải để đưa chúng ta vào một quỹ đạo hạn chế hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu ở mức ở mức 1,5°C.

Khó khăn dồn vào vấn đề tài trợ, tiến bộ về cơ chế thị trường

Việc đánh giá lại các mục tiêu là điều tốt. Nhưng việc triển khai những công cụ cho phép đạt được các mục tiêu đó là điều còn tốt hơn. Thế nên, COP26 đã phải giải quyết hai hồ sơ hóc búa trong lĩnh vực này: hoạt động tài trợ của quốc tế, với mức 100 tỷ US$ mỗi năm mà các nước phát triển đã cam kết; các cơ chế thị trường được quy định tại Điều 6 của Thỏa thuận Paris (tức là một hệ thống trao đổi các quyền phát thải khí nhà kính giữa các nước phát thải lớn với các nước khác phát thải ít hơn).

Theo tổng kết mới nhất do OECD thực hiện, vẫn còn thiếu hai mươi tỷ US$ trong số 100 tỷ US$ mà các nước phát triển đã hứa vì sự “công bằng khí hậu”. Mức thâm hụt đó đặc biệt đáng kể đối với việc tài trợ các dự án thích ứng [với sự biến đổi khí hậu].

Patricia Espinosa (1958-)

Điểm tranh cãi này giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển là lý do chính khiến hội nghị kéo dài hơn 24 tiếng [so với dự kiến]. Thông cáo báo chí cuối cùng đã chỉ ra cho thấy các cam kết bổ sung được đưa ra trong hội nghị không thể lấp đầy hoàn toàn mức thâm hụt nói trên. Tuy nhiên, đối với Patricia Espinosa, người đứng đầu nhóm phụ trách các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc, mức tài trợ 100 tỷ US$ có thể sẽ được nâng lên ngay từ năm 2022 nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Tại các kỳ họp COP trước, các nước đã không thành công trong việc thống nhất các quy tắc cho phép triển khai một hệ thống trao đổi hạn ngạch hoặc tín dụng phát thải, tạo điều kiện cho việc đạt được các mục tiêu giảm khí thải. Các điểm chính của sự tắc nghẽn này (nguy cơ tính trùng lặp hai lần, tính liêm khiết của cơ chế) có thể đã được khắc phục.

Tiến độ là rất quan trọng, bởi vì sự xuất hiện của giá carbon sẽ đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính. Điều còn lại là hiện thực hóa nó trên thực tiễn, điều này sẽ mất một thời gian, do các quy tắc khá phức tạp.

Hai tiến bộ đáng kể: khí mê-tan và sự thoát khỏi năng lượng hóa thạch

Giảm khí thải mê-tan là một trong những hành động có tác động nhanh nhất đến hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu. Khí mê-tan có thời gian tồn tại tương đối ngắn (trung bình 12 năm) trong khí quyển. Mỗi tấn khí mê-tan phát thải có sức làm thời tiết nóng hơn nhiều so với CO2. Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính một hành động giảm khí thải mê-tan sớm sẽ giúp làm giảm hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu 0,3°C từ nay đến năm 2050.

Lời kêu gọi đã được lắng nghe. Sáng kiến chung Hoa Kỳ/EU đã quy tụ hơn 100 nước, cam kết giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan từ nay đến năm 2030. Song vẫn còn thiếu một số nước phát thải khí mê-tan lớn, như trình bày trong đồ thị dưới đây. Sáng kiến ​​sẽ mang lại kết quả hoàn toàn nếu các nước đó cùng tham gia sáng kiến về khí mê-tan. Họ được khuyến khích làm như thế, qua bản thông cáo báo chí cuối cùng của COP, vốn lần đầu tiên, đề cập đến vấn đề giảm phát thải khí mê-tan.

C. de Perthuis (từ dữ liệu của PBL 2020), CC BY-NC-ND

Một sự đổi mới khác trong bản thông cáo báo chí: nó đề cập đến – một cách rụt rè, chỉ đối với loại than được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện – loại bỏ nguồn năng lượng hóa thạch. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa nhỏ trong giới các nhà đàm phán về khí hậu. Tại thỏa thuận Paris, các nhà đàm phán đã không thể đưa một tham chiếu như thế vào văn kiện cuối cùng.

Quan trọng hơn vài dòng viết trong bản thông cáo báo chí, việc loại bỏ nguồn năng lượng hóa thạch đã trở thành trọng tâm các cuộc tranh luận. Cuối cùng, chúng ta đã đề cập thẳng thắn, không lươn lẹo đến chủ đề đó, chất vấn các nhà sản xuất và xuất khẩu lớn loại năng lượng này, một cách trực tiếp.

Điều này mang lại sự tin cậy trong các tuyên bố của giới tài phiệt, đặc biệt là tuyên bố chung của các Nhà nước và các cơ quan phát triển, vốn sẽ cấm chi các khoản tài trợ công cho các dự án phát triển năng lượng hóa thạch, ngay từ năm 2022.

Một đổi mới nặng ký khác: Costa Rica và Đan Mạch đã đưa ra sáng kiến ​​ngừng cấp các giấy phép mới về thăm dò dầu khí.

Điều bị hội nghị bỏ quên: nông nghiệp

Trong khi các vấn đề năng lượng đã được COP giải quyết khá hơn, thì đó không phải là trường hợp của thách thức nông nghiệp. Tuy nhiên, việc giá cả vật tư nông nghiệp cơ bản tăng cao là một lời nhắc nhở về tính dễ bị tổn thương của ngành nông nghiệp trước hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu.

Cần gia tăng tính cấp bách về sức bền của các hệ thống nông nghiệp, bằng cách phát triển ngành sinh thái nông nghiệp, vốn cũng góp phần làm giảm lượng phát thải khí mê-tan và nitơ oxit. Toàn bộ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, vốn là điểm mấu chốt đối với an ninh lương thực, tiếc thay cho đến nay vẫn còn bị đặt ngoài lề.

Jennifer Gallé | Tweet

Giá cả vật tư nông nghiệp tăng vọt đáng lo ngại

Áp lực lên giá cả nông sản diễn ra trong bối cảnh khi mà đại dịch đã suy yếu. Do biến đổi khí hậu thúc đẩy, áp lc đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển ngành sinh thái nông nghiệp

Chừng nào thách thức nông nghiệp chưa được tích hợp hoàn toàn [vào cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu], thì những tuyên bố vang sấm về việc chấm dứt nạn phá rừng nhiệt đới sẽ còn là điều khó tin: chúng ta sẽ không ngừng phá rừng bằng những tuyên bố về ý định, mà bằng những hành động nhắm vào các nguyên nhân của quá trình này.

Nhân tố đầu tiên là việc mở rộng các mục đích sử dụng trong nông nghiệp. Để ngăn chặn điều đó, cần tìm ra những giải pháp thay thế hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội cho người canh tác trên mặt trận phá rừng.

Tin tốt bất ngờ trong hai tuần diễn ra hội nghị: cuộc đối thoại Trung Quốc/Hoa Kỳ

Đây là một bất ngờ thực sự. Tất cả các tín hiệu đều mang màu đỏ. Các nhà đàm phán nhớ lại, với tâm lý luyến tiếc, thời kỳ đã qua của hội nghị Paris, khi trục Trung-Mỹ là một động lực mạnh mẽ.

Ở Glasgow, trưởng đoàn đàm phán của hai nước đã được mời lên bục phát biểu. Vào ngày 10 tháng 11 năm 2021, họ đã lần lượt trình bày một thông cáo báo chí chung, đặc biệt hứa hẹn sẽ tăng tốc hành động ngay những gì liên quan đến việc làm giảm lượng phát thải khí mê-tan và từ bỏ năng lượng hóa thạch, ngay từ năm 2022.

Nếu mức cắt giảm khí thải này được hiện thực hóa, thì tác động trực tiếp là rất đáng kể. Hai nước vẫn chiếm 40% lượng khí thải toàn cầu. Việc nối lại các cuộc đối thoại cũng có thể gây ra hiệu ứng lôi kéo phần còn lại của thế giới. Điều này rất quan trọng, bởi vì “Phần còn lại của thế giới”, ngay từ đầu những năm 2010, đã thế chỗ Trung Quốc ở cương vị là tác nhân đóng góp chính trong việc làm tăng mức khí thải toàn cầu, như được trình bày trong biểu đồ bên dưới.

C. de Perthuis (từ Olivier JGJ và Peters JAHW 2020, Xu hướng phát thải khí CO₂ toàn cầu và tổng mức khí thải nhà kính: báo cáo năm 2019, Báo cáo 4068. Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan PBL, The Hague), CC BY-NC-ND

Hẹn gặp lại ở Sharm el-Sheikh

Trong thuật biên đạo dành riêng cho các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, người ta có cảm giác là một loạt các nguyên thủ quốc gia, gặp nhau để chụp một bức ảnh đẹp, sẽ có quyền quyết định kịch bản khí hậu nào mà thế giới sẽ tham gia.

Thực tế là hoàn toàn khác: COP cung cấp một khuôn khổ và tạo ra các xung động, nhưng chính vào thời kỳ giữa các hội nghị COP, thì mới có những quyết định hành động về khí hậu.

Hành động này ngày càng được hai động cơ thúc đẩy.

Dưới góc độ kinh tế, việc làm giảm bộ ba chi phí về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng điện và quản lý mạng thông minh, đang mở rộng phạm vi các lựa chọn thay thế cho năng lượng hóa thạch.

Dưới góc độ xã hội, sự huy động của thế hệ đang lên, có mặt ở Glasgow để tố cáo “chuyện tán phét” của các nhân vật kỳ cựu của COP, sẽ tiếp tục gây áp lực ngày càng tăng sau khi kết thúc hội nghị.

Christian de Perthuis (1954-)

Động cơ kép này – kinh tế và xã hội – sẽ thúc đẩy sự tăng tốc hành động về khí hậu từ nay đến COP27, dự kiến ​​s diễn ra vào cuối năm 2022 ở Ai Cập. Để đánh giá xem liệu những xung động được đưa ra ở Glasgow có được hiện thực hóa hay không, thì xin hẹn gặp lại ở Sharm el-Sheikh...

Tác giả

Christian de Perthuis, Giáo sư về kinh tế, người sáng lập bộ môn “Kinh tế học khí hậu”, Đại học Paris Dauphine - PSL

Tuyên bố công khai

Christian de Perthuis không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài báo này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Que retenir de la COP26 ?, The Conversation, ngày 14 tháng 11 năm 2021.

Print Friendly and PDF