28.11.22

Bruno Latour: một cái chết không đúng lúc, một công trình cho tương lai

BRUNO LATOUR: MỘT CÁI CHẾT KHÔNG ĐÚNG LÚC, MỘT CÔNG TRÌNH CHO TƯƠNG LAI

Patrice Maniglier[*]

Bruno Latour đã qua đời, và cái chết này, theo cách mà nó được ghi nhận trong lịch sử, dường như xảy ra không đúng lúc vì nó đến vào đúng thời điểm mà nhà tư tưởng vĩ đại này cuối cùng cũng nhận được sự thừa nhận mà ông xứng đáng có, và đặc biệt bị Pháp, đất nước của ông, từ chối từ lâu nay. Nó đặc biệt đến khi chúng ta cần ông ấy nhất, và khi chúng ta nhận thức được điều đó.

Tất nhiên, không bao giờ có thời điểm tốt để chết. Nhưng cái chết của Bruno Latour là một trong những cái chết xảy ra không hợp thời, không đúng lúc nhất, một cái chết có một mối quan hệ bị ngăn trở nhất với thời đại của mình mà ta có thể tưởng tượng, đúng là một cái chết xảy ra không hợp thời. Đúng là không đúng lúc.

Trước hết qua cách nó đến trong cuộc đời của ông, trong cuộc đời của chúng ta. Cho dù rằng ông đã dự đoán nó (cái chết) từ nhiều năm nay, chuẩn bị cho điều này đối với rất nhiều người (bao gồm cả bản thân tôi) coi trọng cá nhân ông - và tôi chưa bao giờ thấy ai chăm chút và quan tâm nhiều đến việc làm dịu đi cái chết của chính mình đối với những người ông ấy bỏ lại. Những năm gần đây ông đã cho thấy khả năng đáng kinh ngạc để đánh lừa cái chết, khi dường như ông được phấn chấn bởi một niềm vui sống động trong suy nghĩ, một mong muốn mãnh liệt để chuyển hướng sự vận hành của thế giới trong phạm vị của mình, khiến cho chính cái chết, kinh ngạc, cũng phải lùi bước (nhiều người sẽ nhớ những cuộc trò chuyện, những hội nghị, những cuộc phỏng vấn, nơi niềm vui làm việc về một vấn đề chung đã thúc đẩy ông đến mức ông dường như quên đi bệnh tật và đau đớn, với sự ham muốn suy nghĩ hòa nhập với sức sống dưới con mắt bối rối của chúng tôi). Đã rất nhiều lần, ông đã thành công trong việc bác bỏ những tiên lượng y khoa đen tối nhất đến nỗi chúng tôi rốt cuộc chỉ tin nửa vời vào chúng, khiến cho cái chết này cuối cùng đã đến một cách tương đối khá bất ngờ. Tất nhiên, rốt cuộc, cái chết cũng phải đến: bất chấp mọi thứ.

Nhưng nhất là cái chết này dường như xảy ra không đúng lúc bởi cách mà nó được ghi nhận trong lịch sử như vậy, trong lịch sử tập thể. Bởi vì nó đến vào đúng thời điểm Latour cuối cùng cũng nhận được sự thừa nhận mà ông xứng đáng được hưởng, và đặc biệt bị Pháp, đất nước của ông, từ chối từ lâu nay. Nó đặc biệt đến khi chúng ta cần ông ấy nhất, và khi chúng ta nhận thức được điều đó. Tôi có thể viết rằng bây giờ chúng ta đã bước vào khoảnh khắc Latour, rằng tính từ này, (của) Latour, có thể nói điều gì đó về kết cấu cụ thể của hiện tại của chúng ta, về hình dáng cụ thể của cái hiện tại của chúng ta ngày hôm nay, ngay bây giờ[1].

Đúng là một sự mỉa mai nghiệt ngã của lịch sử: chính vào lúc ông có khả năng hiệu nghiệm nhất, bởi vì khi ông vừa thích đáng và vừa được lắng nghe, ông lại biến mất. Ông vắng mặt trong chính khoảng thời gian mà ông đã làm cho chúng ta cảm nhận được tính cùng thời tốt hơn bất cứ ai. Thật là một tình huống thật kỳ lạ! Thật không dễ dàng để trở thành người cùng thời với bản thân: ngược lại, người ta dễ dàng bỏ lỡ những gì chính xác nhất, đặc thù nhất trong các vấn đề của chúng ta (và hàng thập kỷ không có hoạt động trong lĩnh vực khí hậu minh họa điều này một cách hoàn hảo). Ngược lại, hơn bất cứ ai, Latour đã giúp chúng ta trở thành những người cùng thời với chính chúng ta. Và như vậy, vào đúng thời điểm mà chúng ta ngày càng hướng về ông nhiều hơn để không đánh mất mối liên hệ mà chúng ta đã bắt đầu thiết lập với chính mình, chúng ta đã đánh mất ông. Như thể chúng ta chắc chắn chỉ có thể sống trong một hiện tại hoang vắng, mất phương hướng, mất thăng bằng, như thể một thứ gì đó trong thời điểm này cố chấp từ chối ở trong một mối quan hệ chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, với chính nó.

Điều này có lẽ nói lên điều gì đó sâu sắc và thiết yếu về thời đại của chúng ta: rằng chúng ta chỉ có thể có một mối quan hệ giả tạo, lạc lõng, khập khiễng với chính mình. Và thật vậy, Latour chưa bao giờ ngừng ủng hộ quan điểm này: nét đặc trưng của tính hiện đại là khả năng phi thường mà nó có để tự tạo về chính mình một hình ảnh lừa phỉnh. Người da trắng có hai cái lưỡi, ông hay lặp lại[2]. Và nhiệm vụ liên tục nhất trong sự nghiệp của ông cũng có thể được tóm tắt bằng phụ đề của tác phẩm lý thuyết vĩ đại cuối cùng của ông, về tập đại thành (magnum opus) của ông: nhân học về tính hiện đại[3].

Tôi tin rằng không có cách nào tốt hơn để bày tỏ lòng kính trọng đối với Bruno Latour là sống đúng với tinh thần của ông ấy, đó không phải là than thở về số phận của chúng ta hay chỉ trích thế giới, mà là sự huy động tập thể trong việc xử lý các vấn đề thực tế cần phải được xác định tốt hơn để được xử lý tốt hơn, không phải vì chúng ta có một số trách nhiệm trừu tượng đối với những vấn đề này, mà bởi vì niềm vui thực sự duy nhất đến từ việc chúng ta hành động trên các vấn đề của mình thay vì phải chịu đựng chúng. Latour không muốn bất cứ ai tâng bốc ông hay sự nghiệp của ông. Ông muốn chúng tôi đóng góp, khi nói về ông, vào việc xử lý vấn đề làm cho ông cảm nhận sống thật sự. Nếu hôm nay, chúng ta chịu tang tập thể, nếu chúng ta phải cảm thấy sự tàn khốc đặc biệt của cái chết không đúng lúc này, đó là bởi vì nó đã tước đi một trong những đồng minh quý giá nhất mà chúng ta có trong thời gian gần đây khi đối mặt với thách thức văn minh lớn lao vốn là thách thức của chúng ta ngày nay, và được ông đặt một cái tên chính xác: làm cho tính Hiện đại hạ cánh.

Đó là một trong những bài học lớn về cái mà các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng có lẽ sẽ gọi là phiên bản Latour cuối cùng đã làm việc không mệt mỏi để giúp chúng ta hiểu sự kiện tạo nên hiện tại của chúng ta, mà biến động khí hậu là một trong những biểu hiện mạnh mẽ nhất, nhưng không phải là duy nhất, khi sự đa dạng sinh học sụp đổ, khi bề mặt đất không nhân tạo giảm sút, khi sự ô nhiễm vì nhựa, v.v., cũng là một phần của nó. Nhưng vấn đề là, như mọi khi, phải hiểu vấn đề một cách toàn diện. Sự khẩn cấp của hiện tại là hiểu được vấn đề riêng biệt, đặc thù, cá biệt mà cái hiện tại này đặt ra. Và Latour cuối cùng đã có một phát biểu rõ ràng về điểm này: vấn đề là biết cách đưa trở lại trong giới hạn của hành tinh một chế độ sinh sống trên trái đất được gọi là Tính Hiện đại.

Jean-François Lyotard (1924-1998)
Jürgen Habermas (1929-)

Nói cho cùng, toàn bộ sự nghiệp của ông bao gồm điều này: tương đối hóa các Hiện đại. Chúng ta có thể nghi ngờ sự thích đáng của từ này: Tính hiện đại. Chúng ta cũng phải nhớ rằng nhiều bộ óc vĩ đại đã cố gắng nói điều gì đó rõ ràng về điểm này (từ Baudelaire đến Foucault, qua Weber, Durkheim, Heidegger, Arendt, Blumemberg, Habermas, Lyotard, Koselleck, Beck, v.v. – chỉ nêu lên những người đã có những nhận định rõ ràng nhất) và chúng ta cũng không thể nói rằng là họ đã đưa ra những điều thật sự thuyết phục. Do đó, chúng ta có thể bị cám dỗ để bỏ qua thuật ngữ này để nói về một cái gì đó khác: về chủ nghĩa tư bản, thế giới công nghiệp, tiến trình thuộc địa hóa, hoặc thậm chí một quá trình hoặc sự kiện lịch sử được xác định rõ ràng như vậy ... Latour nổi bật trong buổi hòa nhạc này bởi sự kiên định nghịch lý mà cuối cùng ông đã duy trì về sự bí ẩn của cái hiện đại.

Chúng ta chưa bao giờ là hiện đại có hai nghĩa cùng một lúc: thứ nhất, chúng ta (“những người hiện đại”) không phải là ngoại lệ, hoàn toàn khác với mọi thứ đã diễn ra, nhưng chúng ta vẫn khác với mọi thứ ấy; thứ hai, tính hiện đại là một từ ngăn cản việc mô tả chính xác sự khác biệt này, tính đặc thù này, những nét riêng biệt của sự kiện này trước tiên đã xảy ra ở một số xã hội nhất định trước khi lan rộng, thông qua tiến trình thực dân hóa - sau đó là phi thực dân hóa! -, đến tất cả các vùng đất có người sinh sống, để rồi cuối cùng lôi chính hành tinh Trái đất trong những đợt bùng phát dồn dập của chính nó.

Bởi vì đó là một thực tế: chúng ta có thể nghi ngờ như ta muốn về sự tồn tại của một sự kiện lớn đã cắt đôi lịch sử, với một bên là những người hiện đại, một bên là tất cả các phương thức tồn tại khác của con người (phương Tây và phần còn lại/the West and the rest, như người ta thường nói một cách mỉa mai trong tiếng Anh), chúng ta buộc phải công nhận rằng một sự kiện lớn, có tính chất hành tinh, đã thực sự xảy ra gần đây. Chỉ cần nhìn vào các đường cong của cái được gọi là sự Gia tốc vĩ đại, hoặc quan tâm đến các cuộc thảo luận của các nhà địa chất xung quanh việc xác định niên đại chính xác của khái niệm về kỷ nguyên Anthropocene[†], để thấy rằng điều gì đó đã xảy ra gần đây (giữa thời kỳ cuối của Thế kỷ 18 và giữa thế kỷ 20) dẫn đến sự gián đoạn triệt để trong sự tồn tại không chỉ của một số xã hội loài người, mà còn của tất cả các sinh vật trên trái đất, con người và không phải con người.

Ở đây một lần nữa, biến động khí hậu hiện là biểu tượng rõ ràng nhất trong ý thức tập thể. Nhưng chính cách diễn đạt sự tuyệt chủng thứ sáu để mô tả những gì đang xảy ra ngày nay đối với sự đa dạng sinh học toàn cầu đã nói lên điều gì đó về không gian so sánh của sự kiện mà chúng ta là những người cùng thời: hiện tại của chúng ta được phân biệt với những cái hiện tại khác theo một cách chỉ có thể được so sánh với năm sự kiện trong lịch sử 5 tỷ năm của Trái đất. Hẳn là, chúng ta thảo luận về tính thích đáng của từ “tuyệt chủng thứ sáu”, nhưng chỉ riêng việc chúng ta thảo luận về nó đã đưa ra một ý tưởng về khuôn khổ của cuộc thảo luận: nó được tính bằng hàng tỷ năm.

Điểm độc đáo của Latour trong lĩnh vực trí thức đương thời là ông không bao giờ từ bỏ niềm tin sâu sắc rằng một điều gì đó thực sự đã xảy ra, nhưng chúng ta không biết làm thế nào để mô tả nó. Đối với ông từ “hiện đại” về cơ bản là một câu hỏi hơn là một câu trả lời. Nếu nó được ưu tiên hơn các thuật ngữ khác (chủ nghĩa tư bản, anthropocene, chủ nghĩa công nghiệp, khoa học kỹ thuật, v.v.), đó là vì nó tối nghĩa hơn, còn phải bàn luận, gây tranh cãi hơn, và do đó buộc chúng ta không nên tin quá nhanh rằng chúng ta đã hiểu câu hỏi. Như tôi đã nói, thuật ngữ này có xu hướng chặn từ bên trong những mô tả đúng đắn mà người ta có thể đưa ra về nó. Vì một lý do đơn giản: “hiện đại” có nghĩa “là cần thiết nếu bạn muốn cùng thời với lịch sử của chính mình”.

Đó là tính hiển nhiên của sự hiện đại mà Latour đã không bao giờ ngừng tra vấn. Trào lưu hiện đại hóa, chắc chắn là một sự kiện, vẫn còn bí ẩn. Nhưng cho rằng nó là cần thiết, chỉ là một đáp án đơn giản đối với nhu cầu nội tại của trái tim con người hoặc đối với những nhu cầu tất yếu của sự phát triển, đó là sự tuyên truyền, gây tranh cãi từ quan điểm chuẩn tắc, nhưng trên hết là không thể chấp nhận được từ một quan điểm mô tả, bởi vì nó ngăn cản chúng ta mô tả chính xác sự kiện này nếu đặt sự kiện này trong mối quan hệ với tính ngẫu nhiên của nó. Chúng ta chưa bao giờ là hiện đại có nghĩa là: chưa bao giờ chúng ta buộc phải trở thành hiện đại.

Đây là ý nghĩa của cách diễn đạt mà tôi đã sử dụng (mặc dù có lẽ nó không được tìm thấy như vậy trong văn bản của Latour): tương đối hóa các hiện đại. Tức là mô tả sự lựa chọn chính xác đặc trưng cho tính hiện đại, bằng cách đối chiếu nó với những lựa chọn khác, có thể có, vững chắc trong thứ tự của chúng, có thể có khả năng cùng tồn tại với lựa chọn trên. Đây là cách mà công trình đầu tiên của ông về khoa học nên được hiểu. Huyền thoại vĩ đại về sự phát minh ra khoa học hiện đại chỉ đơn giản là nói rằng những người rất thông minh và rất tự do về mặt trí tuệ (như Galileo hay Newton) đã tìm ra những phương tiện để mô tả thực tế như nó vốn có mà không để chúng ta bị nhiễu bởi những định kiến ​​hoặc mê tín của chúng ta.

Thực hiện một nhân học về khoa học, như Latour đã đề xuất trong cuốn sách đầu tiên của mình, với Steve Woolgar, Cuộc sống trong phòng thí nghiệm/La vie de laboratoire, được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh vào năm 1979[4], là gạt huyền thoại này sang một bên để mô tả những gì mà các nhà khoa học làm khi làm việc[5]. Và, thật ngạc nhiên, chúng ta không phải thấy có quá nhiều người cố gắng rũ bỏ định kiến ​​của mình để đối mặt với thực tế trần trụi, mà ngược lại, những người hao tốn rất nhiều sự khéo léo và năng lượng để tạo ra những thực tại thuộc một loại rất đặc thù, rất cụ thể: đối tượng và sự kiện khoa học. Công thức phân tử của loại hormone mà Giáo sư Guillemin đang cố gắng xác định trong phòng thí nghiệm nơi Latour thực hiện nghiên cứu nhân chủng học đầu tiên của ông về người hiện đại là một thực thể thuộc loại hoàn toàn khác với linh hồn của loài ong vốn được thiết lập bởi các hoạt động của pháp sư Amazonian, Davi Kopenawa[6]. Nó không thực hơn, nhưng thực theo một kiểu cách khác. Sự khác biệt này chắc chắn mang lại cho nó một sự nắm lấy thế giới mà không phương pháp nào khác có thể cung cấp, cho phép nó cuối cùng liên minh với nhiều loại lợi ích hơn và do đó có được quyền lực, nhưng không phải với tất cả các lợi ích, với cái giá là một sự lựa chọn, một sự tuyển lựa, đôi khi, thậm chí thường là một sự hủy diệt: tôi nghĩ rằng toàn bộ vấn đề của Latour, cho đến cuối đời của ông, là biết liệu chúng ta có thể làm cho những thực tại khác nhau này cùng tồn tại hay không. Và vượt lên trên vấn đề về số nhiều của những thực tại lại không cho phép một mối quan hệ công bằng hơn với thực tại nói chung, bằng cách từ bỏ việc tin rằng nó có thể là bất cứ thứ gì khác ngoài ma trận của cái số nhiều này. Đây thật sự là chân trời siêu hình trong sự nghiệp của ông, theo nghĩa nó trả lời một câu hỏi triết học rất cũ: bản thể[7] bao gồm cái gì?

Sự hiểu lầm lớn về cụm từ “tương đối hóa” bao gồm việc tin rằng bằng cách tương đối hóa một điều gì đó ta tìm cách loại bỏ một phần phẩm giá của nó, trong khi ta chỉ tìm cách mô tả nó chính xác hơn, chỉ rõ một cách chặt chẽ hơn chính phẩm giá này, mô tả nó trong sự tương phản với những cách làm thay thế khác. Vì tình yêu đối với khoa học và theo một cách nào đó vì tình yêu đối với những cái hiện đại mà Latour đã tìm cách tương đối hóa chúng: cho thấy những gì trong chúng lại quá kỳ lạ, quá độc đáo, đến mức không thể thay thế, mà không cần thiết phải nghĩ rằng tất cả kiến ​​thức phải trở thành khoa học hoặc tất cả các dạng sống phải trở thành “hiện đại”.

Chúng ta không nên quên rằng Latour đã tạo ra dự án trí tuệ này về nhân học về Tính Hiện đại ở Châu Phi, và chính xác hơn là ở Bờ Biển Ngà đang trong giai đoạn phi thực dân hóa thường xuyên, vì ông đã thực hiện điều này trong quá trình hợp tác của mình, khi ông viết báo cáo cho ORSTOM về những khó khăn mà các công ty gặp phải trong quá trình “bản địa hóa” nhân sự của họ[8].

Lévi-Strauss (1908-2009)

Văn bản này, một cuộc điều tra rất lớn về sự phân biệt chủng tộc và những vấn đề nan giai của sự “hiện đại hóa”, cho thấy rằng sự hiện đại hóa không thể tách rời khỏi vấn đề thuộc địa/thực dân đến chừng nào. Tương đối hóa các hiện đại cũng có nghĩa là nhận ra hiện đại hóa được trin khai với cái giá nào trong các mao mạch của một hình thức tồn tại tập thể, qua những hoạt động dịch chuyển, bạo lực, những hiểu lầm nào mà nó tự áp đặt mình là tương lai duy nhất của một xã hội. Bản thân ông thường nói rằng ông đã rèn luyện dự án nhân học về người hiện đại bằng cách nhận ra rằng người ta có thể đảo ngược các công cụ mà các nhà nhân học sử dụng để mô tả các xã hội “phi hiện đại”, những “nghi lễ”, những “tín ngưỡng”, những “phong tục” của các xã hội này, trên chính các định chế lớn của chính thời hiện đại: khoa học, công nghệ, luật pháp, tôn giáo, chính trị, v.v.. Chúng ta có thể nói rằng giả định cơ bản của toàn bộ sự nghiệp của Latour (cũng như của Lévi-Strauss, có nhiều điểm tương đồng trong sự nghiệp của hai tác giả), là sự phi thực dân hóa: làm thế nào để đi đến giai đoạn cuối của tiến trình phi thực dân hóa cách suy nghĩ của chúng ta[9].

Đó là bối cảnh đầu tiên của dự án tương đối hóa tính hiện đại: vấn đề thuộc địa. Nhưng sự nghiệp của Latour sẽ không như là chúng ta biết nó ngày nay nếu ông không lưu ý rất sớm rằng có một bối cảnh thứ hai biện minh cho sự cấp bách của một dự án như vậy (nhân học về các hiện đại): vấn đề “sinh thái”, và chính xác hơn là vấn đề “sinh thái hành tinh”. Ở đây cần nhớ rằng trong cuốn Chúng ta chưa bao giờ là hiện đại/Nous n’avons jamais été modernes, xuất bản ngay sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, vào đầu những năm 1990, Latour giải thích rằng nhận thức về sự nóng lên toàn cầu (với bước đầu của chu kỳ các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu sẽ dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh Rio) giờ đây tạo thành một khuôn khổ có vấn đề không thể tránh khỏi cho bất kỳ suy nghĩ nào về Tính Hiện đại: “Việc tổ chức ở Paris, London và Amsterdam, trong cùng một năm vinh quang 1989, của các hội nghị đầu tiên về trạng thái toàn cầu của hành tinh, đối với một số nhà quan sát, tượng trưng cho sự kết thúc của chủ nghĩa tư bản và của những hy vọng viển vông về sự chinh phục không giới hạn và sự thống trị hoàn toàn thiên nhiên”[10]. Vào đúng thời điểm khi thế giới không còn bị chia cắt thành hai khối và khi “mô hình” Âu-Mỹ dường như không còn bất kỳ trở ngại nào bên trong nữa, một biên giới bên ngoài xuất hiện: đó là biên giới của cái còn chưa được gọi là “những giới hạn của hành tinh”. Lời hứa hiện đại đụng phải một bức tường không chia Trái Đất thành hai, mà chia chính Trái đất với sự mong manh của chính nó: sau này người ta nói rằng cần phải có 5,2 hành tinh để lối sống của người Mỹ được mở rộng cho tất cả loài người - không có chỗ cho dự án “hiện đại”.

Kể lúc đó, cụm từ tương đối hóa những người hiện đại thay đổi ý nghĩa: vấn đề không còn là việc biết những loại thực tế cụ thể hoặc sự sắp xếp của con người và phi con người mà những người hiện đại tạo ra tương phản với những thực tế khác, và làm thế nào để xác định chúng theo một cách thực tế hơn thông qua cách này, mà là họ là loại người nào trên trái đất, họ làm thế nào để tự lồng mình trong các chuỗi của Trái đất để xây dựng cách sống của họ và những điều đó tác động đến chính Trái đất này, vốn vừa là điều kiện vừa là hậu quả của mọi sự cư trú trên trái đất. Phải mất vài thập kỷ nữa Latour mới đưa ra được một công thức rõ ràng về vấn đề này, và không thể nói rằng trạng thái cuối cùng trong suy nghĩ của ông về chủ đề này là trạng thái ông đã dừng lại nếu ông có cơ hội tiếp tục công việc, cuộc điều tra, suy nghĩ của mình. Nhưng chẳng nghi ngờ gì, ông đã dành năng lượng trí tuệ mãnh liệt của mình trong suốt 15 năm vừa rồi để xây dựng vấn đề này một cách nghiêm ngặt nhất có thể, trong sự liên minh với một số lượng đáng kể những người khác xung quanh ông, như ông luôn biết cách làm. Cuối cùng thì ông đã đề xuất một công thức kiểu này: thách thức của hiện tại là lồng ghép những cách sống hiện đại vào những giới hạn của trái đất. Để sử dụng một cách diễn đạt của riêng tôi, Người hiện đại là những sinh vật trên trái đất bị tách khỏi mặt đất, những người sống trên Trái đất bằng cách liên tục không suy nghĩ, lơ là đối với chính những thân phận của chính họ trên mặt đất và thách thức của hiện tại là kéo họ về với trái đất.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận để không giải thích công thức này như thể nó ngụ ý rằng Trái đất là một thực tại hữu hạn, với những đường viền cố định giống như những bức tường của một ngôi nhà, không thể di chuyển được. Trái đất, mà ông gọi là Gaia, là một thực thể tích cực, năng động, lịch sử, phản ứng lại các hành động của những người trên mặt đất sống ở đó và sinh sống nhờ nó[11]. Do đó, vấn đề không phải là cam chịu sự tồn tại của các giới hạn bên ngoài, mà là trở nên nhạy cảm mạnh mẽ hơn và chính xác hơn với chính cái hoàn cảnh của chúng ta trên trái đất, nghĩa là đối với cách mà chúng ta tác động đến các động thái của hành tinh bằng chính cách mà chúng ta chiếm cứ Trái đất, cách mà chúng ta cư trú trên trái đất. Bởi vì hoàn cảnh hiện tại chắc chắn là kinh hoàng và đầy tang tóc trong hiện tại và tương lai: các loài đang chết dần, các cảnh quan đang thay đổi nhanh hơn những gì mà những sinh vật có thể chịu đựng được, rừng đang cháy, chiến tranh đang quay trở lại gõ cửa nhà chúng ta ... Nhưng nó cũng có một cái gì đó của một cơ hội - và tính hai mặt này là hoàn toàn điển hình của tính hiện đại.

James Lovelock (1919-2022)
Lynn Margulis (1938-2011)

Lần đầu tiên có lẽ trong lịch sử nhân loại, chúng ta có khả năng sống trong một mối quan hệ gần gũi hơn, mật thiết hơn với điều kiện của hành tinh này vốn trên thực tế là của chúng ta, vốn đã luôn luôn như vậy, vốn là như vậy kể từ khi có sự sống trên Trái đất (bởi vì Latour không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nhắc nhớ lại rằng chính sự sống đã điều hòa Trái đất, rằng chính những vi khuẩn đã biến đổi bầu khí quyển của Trái đất để các sinh vật sống khác có thể sinh sôi nảy nở ở đó, và đây là bài học mà ông học được từ James Lovelock và Lynn Margulis, mà từ “Gaia” đã được ông lấy lại , để chỉ chính xác sự tương tác vòng tròn này giữa cái tổng thể và các bộ phận của nó, Trái đất và các người sông trên trái đất). Bây giờ chúng ta biết rằng bằng cách chọn một nơi ở trên mặt đất cho chúng ta, chúng ta đang chọn một Trái đất. Trái đất nào? Đó chính là vấn đề.

Có nhiều hiểu lầm khi gần đây Latour bắt đầu nói về nhiều Trái đất, ví dụ như nói rằng Trái đất của Trump khác với Trái đất của chúng ta[12]. Như thế nào?. Chúng ta phẫn nộ, “không phải chỉ có một hành tinh sao? Nó không phải là một thực tế thiên văn và thậm chí là một bài học trong chính các ngành khoa học Hệ Trái đất mà ông tuyên bố coi trọng? Vậy, đây là điểm mà thuyết tương đối của ông dẫn dắt chúng ta đến! Chúng tôi nghĩ rằng ông đã bình tĩnh lại với những điều vô nghĩa này và nay thì ông lại đưa ra những nhận xét phi lý với chúng tôi. Cũng như không có nhiều thực tại, cũng không có nhiều Trái đất. Chỉ có một thực tế: thực tế khoa học. Và chỉ có một Trái đất: trái đất được các ngành khoa học về Trái đất nghiên cứu.” Tuy nhiên, Latour đã gần hơn với những bài học của các ngành khoa học này khi nói rằng Trái đất không phải là một trạng thái cố định được xác định bởi một số thông số sinh hóa sinh học nhất định, mà đúng là một hệ thống rất xa với trạng thái cân bằng của chính nó và cuối cùng chỉ tồn tại thông qua một lịch sử, vì vậy mỗi trạng thái nên được mô tả như một tập hợp các tương lai thay thế có thể có cùng tồn tại với nhau.

Tất nhiên chỉ có một Trái đất, nhưng tính độc nhất này của Trái đất chính là sự cùng tồn tại ngay trên thực địa của một số tương lai thay thế mà một số không tương hợp – xung khắc với những tương lai khác. Sống trên trái đất là phải lựa chọn trái đất của mình. Chúng ta vẫn đang tạo địa hình Trái đất. Vấn đề là ngày nay chúng ta đang tạo ra nó một cách trái ngược, hay đúng hơn vấn đề là hiện nay một cách sinh sống trên Trái đất đang phá hủy khả năng các sinh vật khác cũng sống trên trái đất có thể phác họa những viễn cảnh tương lai khác cho Trái đất, các phương thức tạo địa hình khác cho trái đất. Bởi vì Trái đất nóng lên 3 hoặc 4 độ không chỉ sẽ phá hủy một số lượng rất lớn các loài sinh vật trên trái đất, con người và không phải con người, mà còn áp đặt điều kiện tồn tại nhất định cho rất nhiều thế hệ trên mặt đất, trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn năm. Các khí nhà kính thải vào bầu khí quyển sẽ mất một thời gian dài để biến mất, các chất thải phóng xạ đôi khi vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, các phân tử tổng hợp có lẽ sẽ cơ bản thay đổi các cấu trúc hóa học trên mặt đất của một cách không thể xóa nhòa và gây ra những hậu quả không thể lường trước được, v.v.. Các nhà hiện đại đã giành ưu tiên trong việc quyết định tương lai của Trái đất.

Do đó, hạ cánh các nhà hiện đại có nghĩa là mở lại nhiều phép chiếu về trái đất. Đó cũng là suy nghĩ về những điều kiện mà sự hiện đại có thể cùng tồn tại trên cùng một Trái đất với các hình thức sinh sống khác trên trái đất, mà không tiêu diệt hoặc khuất phục chúng: tính độc nhất của Trái đất là một tính duy nhất về mặt ngoại giao. Trái đất chính là việc mà nhiều phép chiếu về trái đất nhất thiết phải chia sẻ. Đưa các nhà Hiện đại trở lại Trái đất có nghĩa là biết những gì cần phải thay đổi trong thể chế của họ để họ ngừng giành quyền ưu tiên trên toàn bộ không gian và tương lai của hành tinh. Đây cũng là một cách tương đối hóa họ: những nhà hiện đại sẽ tìm hiểu họ là loại người nào sống trên trái đất khi họ biết được họ có thể cùng tồn tại trong những điều kiện nào, với sự khác biệt hoặc đặc điểm của họ, với những cách sống khác trên trái đất. Họ sẽ hiểu biết về mình khi họ biết mình đang ở đâu trên Trái đất, tức là họ có thể trở thành loại người nào trên trái đất một khi họ đã ngừng tin rằng họ có thể sống tách rời với trái đất ...

Tôi xin nhắc lại: cuộc hạ cánh này không buồn, không gây ra sự ức chế. Tất nhiên là khó, nhưng nó cũng mang đến một thời cơ duy nhất: thời cơ để trở nên nhạy cảm hơn với một sự thật nào đó về tình trạng của chúng ta, điều kiện trần thế. Trong tiếng Anh, chúng ta nói về “cơ hội chỉ có một lần trong đời”. Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể nói rằng thảm họa sinh thái hành tinh mà chúng ta là những người đương thời là một loại “cơ hội có một không hai”: cơ hội duy nhất được trao cho chúng ta để tiến gần nhất có thể với điều kiện của cuộc sống của chúng ta trên trái đất, cả trong ý nghĩa chung (vì không ai có quan hệ với các động thái của Trái đất hơn cách sống hiện đại này đã “đánh thức Gaia”, từng hạt khí nhà kính mà chúng ta hiện phát thải vào bầu khí quyển góp phần đẩy nhanh quá trình trái đất ấm lên) và theo nghĩa cụ thể (vì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về các sinh vật như chúng ta bằng cách so sánh bản thân với những sinh vật khác cùng tồn tại với chúng ta).

Do đó, việc lồng ghép mình vào những giới hạn hành tinh hoàn toàn không bao gồm việc hạn chế bản thân, việc chấp nhận sự thiếu thốn, mà là đạt được, đạt được sự thật, đạt được về mặt cường độ, đạt được về mặt chính xác: bằng cách giành lại điều kiện trần thế của chúng ta, chúng ta cộng thêm vào thế giới ... Tất nhiên, tất cả những điều này có thể trở nên tồi tệ, và những khả năng xảy ra thường có xu hướng giảm bớt sự lạc quan, nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ trái ngược với tinh thần của Latour, ít nhất là từ những gì tôi nhận thấy từ các văn bản của ông và sự giao lưu với ông, khi hài lòng với những sự lo sợ chính đáng và những nỗi buồn mà tình huống này khơi dậy để khuyến khích việc đọc các tác phẩm của ông. Ta phải đọc Latour vì ông cho chúng ta những công cụ để sống tốt hơn. Theo tôi, không ai tốt hơn Latour đã nhận ra bài học tuyệt vời của Spinoza: không có sự thật mà không có niềm vui. Latour là một nhà tư tưởng vui vẻ.

Dipesh Chakrabarty (1948-)

Như vậy chỉ là một dự án đơn lẻ, một dự án nhân học về những người hiện đại nhằm tương đối hóa họ, một dự án đã được triển khai trong nhiều cuộc khảo sát (về khoa học, công nghệ, luật, tôn giáo, kinh tế, chính trị, v.v.), đã trải qua nhiều cộng đồng (ký hiệu học về khoa học, Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hoặc Sciences and Technology (STS), “Lý thuyết tác nhân-mạng lướihoặc ANT, xã hội học thực dụng, bước ngoặt bản thể học trong nhân học, các lý thuyết về Gaia ... danh sách đầy đủ sẽ rất dài), vốn đã thiết lập một số khác, để có thể di chuyển sang nơi khác, đổi mới cách suy nghĩ ở hầu hết mọi nơi ông đã đến, nhưng tuy nhiên với một sợi dây mạch lạc, điều mà ông làm nổi bật trong công trình vĩ đại của mình (Khảo sát về các phương thức tồn tại/Enquête sur les modes d’existence, năm 2012). Và hai điều kiện lịch sử vừa nối tiếp với nhau vừa được cộng li để xác định bản chất của vấn đề mà dự án đáp ứng và tóm lại tạo nhịp cho quỹ đạo này: trước hết là trào lưu phi thực dân hóa, sau đó là xu hướng sinh thái hóa, hoặc có lẽ chúng ta có thể nói theo cách của một trong nhiều đồng minh của Latour, nhà sử học lớn Dipesh Chakrabarty, một mặt là toàn cầu hóa và mặt khác là hành tinh hóa tất cả các vấn đề xã hội và chính trị[13], hai điều kiện đòi hỏi sự phát triển của các công cụ khác nhau để mô tả tính tương đối của người hiện đại và do đó hình thành hai giai đoạn của sự nghiệp này…

Tóm lại, đây là cách tôi đề xuất để mô tả một cách sơ lược quỹ đạo trí tuệ ấn tượng của Latour, để cung cấp một bản đồ nhỏ có thể cầm tay cho những ai muốn lao vào nó: một dự án khổng lồ của sự tương đối hóa nội bộ sự Hiện đại đi theo hai hướng, nhân học phi thực dân về các phương thức tồn tại và ngoại giao các cách tồn tại ở trần thế.

Nhưng một khía cạnh quan trọng cần được thêm vào bản phác thảo này: triết học. Latour đối với tôi dường như luôn có một mối quan hệ cực kỳ tinh tế với triết học. Đôi khi ông từ chối mô tả mình là một triết gia, hoặc tự thể hiện mình là một nhà triết học nghiệp dư, trong khi ông tất nhiên đã được đào tạo như một nhà triết học chuyên nghiệp (thạc sĩ và luận án, chức danh giáo sư) và tình yêu trí tuệ của ông có lẽ thiên về phía đó (triết học). Gần đây, dường như ông đã nỗ lực để khẳng định rõ ràng hơn một quy chế triết học cho sự nghiệp của mình, và đây là một trong những thách thức của cuốn Khảo sát các phương thức tồn tại. Nhưng điểm độc đáo sâu xa trong cách tiếp cận triết học của ông là nó luôn muốn mang tính thực nghiệm (chỉ tồn tại thông qua các cuộc khảo sát thực địa) và chủ nghĩa đa dạng (từ chối quy giản những gì ông nghiên cứu thành một cái gì đó khác với cái mà đối tượng nghiên cứu này đưa ra như là chân trời thực tại của nó). Điều này dẫn đến hệ quả là triết học không còn có một lãnh vực riêng biệt nữa: nó tồn tại thông qua các cuộc điều tra nhân học, xã hội học, lịch sử, nghệ thuật ... Tuy rằng nó hiện diện khắp nơi trong các tác phẩm của ông. Và bản thân ông rốt cuộc cũng sẽ thừa nhận rằng dự án của mình hoàn toàn được ghi khắc trong triết học.

Tôi có niềm tin sâu sắc rằng chúng ta vẫn chưa đo lường được những gì các tác phẩm của ông mang lại cho triết học, không chỉ từ quan điểm nội dung, về các luận điểm mà chúng ta có thể rút ra từ đó, mà còn từ quan điểm để hiểu tình trạng của ngành này. Latour đúng là một triết gia và người ta không thể triết lý theo cùng một cách sau Latour.

Dù sao, tôi không thể kết thúc văn bản này được viết trong sự đau thương của tang chế mà không chỉ đơn giản nói rằng sự nghiệp này bị gián đoạn, tất nhiên, nhưng nó hoàn toàn chưa được hoàn thành. Sức mạnh hành động mang tên Bruno Latour, giờ đây đã bị phân tán trong sách của ông, trong lời nói của ông, trong hình ảnh của ông, trong ký ức mà chúng ta có về tấm gương của ông, trong nguồn cảm hứng mà ông để lại cho những người đã được ông thúc đẩy hành động, mà số lượng sẽ không ngừng tăng lên. Nhưng dù Bruno Latour bằng cách nào đó vẫn tiếp tục tồn tại giữa chúng ta, với cái chết của ông có một cái gì đó đã mất đi, một thứ không thể thay thế, một sự mất mát không chỉ đối với những người yêu thương ông và sống với ông, những người mà tôi không ngừng nghĩ đến trong từng dòng của văn bản này, nhưng bị mất cho tất cả mọi người, một sự mất mát cho tất cả những người đương thời, những người thậm chí còn trở thành những người cùng thời với nhau hơn trong chính sự mất mát này. Việc để tang tập thể thật kỳ lạ và khó hiểu. Do đó, tôi muốn nói tại sao chúng ta phải để tang Latour ngày hôm nay, ngay cả khi chúng ta không biết đến Latour.

Một khía cạnh nổi bật của sự giao du với Bruno Latour và sự nghiệp của ông là tính không thể đoán trước của ông: chỉ cần không gặp ông trong một tháng là ta có thể khám phá những ý tưởng mới, những lĩnh vực nghiên cứu chưa được biết đến mà tính chất mấu chốt cho chính sự nghiệp của ông lại trở thành rõ ràng, với rất nhiều sách để đọc và những điều cần khám phá. Có những suy nghĩ, với tuổi tác, dường như đã cho tất cả những gì chúng có thể. Đây không phải là trường hợp của Latour. Nếu có phải để tang, nếu có lý do để buồn, đó là vì chúng ta mất nhiều thứ mà chúng ta không biết chính xác vì có lẽ chỉ có Latour mới giúp chúng ta khám phá chúng. Ông có một khả năng cực kỳ hiếm có để đi vào những điểm mù trong suy nghĩ và sự tồn tại của chúng ta, để khiến chúng ta đột nhiên thấy rằng có một quan điểm khác mà từ đó các chân trời thay đổi, từ đó các câu hỏi được đơn giản hóa, sự mong muốn được đánh thức, dũng khí để suy nghĩ và hành động. Niềm vui đặc trưng trong tư tưởng của Latour là do điều này: ta luôn luôn trở nên phong phú hơn khi tiếp xúc với nó.

Với Latour, chúng ta mất đi một chút thị giác, trên phương diện tập thể, chúng ta mất đi một bộ máy quang học đáng gờm. Gần đây ông nói rằng sự kiện lớn trong năm đối với ông là sự phóng Kính viễn vọng James-Webb. Ở Latour có thứ gì đó của Kính viễn vọng James Webb hướng về phía chính chúng ta. Cái chết của con người này giống như sự sụp đổ của loại công cụ tuyệt vời này.

Patrice Maniglier

Chúng ta không thể làm gì tốt hơn để tôn vinh ký ức của ông hơn là tiếp tục làm việc với niềm vui, sự hăng hái, nhiệt tình, đam mê, nghiêm khắc, hài hước, sáng tạo, đoàn kết, tình chị em, để bù đắp phần nào cho sự mất mát này, bằng cách lấy cảm hứng từ những gì ông đã để lại cho chúng ta để đoán tốt hơn những gì ông đã có thể để lại cho chúng ta. Sự khó chịu này, giữa tang tóc và sự biết ơn, giữa sự cô đơn và tàn tích, giữa ý thức về những điểm mù của chúng ta và quyết tâm mở ra những chân trời, dường như đối với tôi, là một cách tương đối chính đáng để nêu lên nét đặc trưng cho hiện tại của chúng ta. Chúng ta đang ở và chúng ta vẫn còn ở trong một khoảnh khắc Latour.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Bruno Latour: une mort à contre-temps, une oeuvre pour l’avenir“, AOC, 10.10.2022.




Chú thích:

[1] Patrice Maniglier, Le Philosophe, la Terre et le virus, Bruno Latour expliqué par l’actualité, Paris, Les Liens qui Libèrent, 2021.

[2] Đặc biệt xem cuốn Nous n’avons jamais été modernes, Paris, La Découverte, 1991.

[3] Bruno Latour, Enquête sur les modes d’existence, Une anthropologie des Modernes, Paris, La Découverte, 2012.

[4] Bruno Latour et Steve Woolgar, La Vie de laboratoire, La production des faits scientifiques, Paris, La Découverte, 1988.

[5] Ông đưa ra một tổng hợp của những nghiên cứu của ông về các khoa học và các kỹ thuật được xem như là những thực tiễn trong cuốn La Science en action, Paris, La Découverte, 1989.

[6] Về một sự mô tả các thực tiễn này do Davi Kopenawa thực hiện, xem sách được viết cùng vi Bruce Albert, La Chute du Ciel, Paris, Plon, 2011.

[7] Đó là chủ đề của cuốn sách đã dẫn Enquête sur les modes d’existence, bài tựa cùng viết với Isabelle Stengers cho cuốn Les différents modes d’existence của Etienne Souriau, Paris, PUF, 2009.

[8] “Les idéologies de la compétence en milieu industriel à Abidjan” (1974), tải về từ đây http://www.bruno-latour.fr/sites/default/files/02-IDEOLOGIES-DE-COMPETENCE-FR.pdf

[9] Về khái niệm “tiến trình phi thực dân hóa thường xuyên của tư tưởng” như là cách thức để nêu đặc tính của nhân học, xem sự nghiệp của Eduardo Viveiros de Castro, sự nghiệp anh em với sự nghiệp của Latour qua nhiều nét, đặc biệt cuốn Métaphysiques cannibales (Paris, PUF, 2009).

[10] Nous n’avons jamais été modernes, sđd., trang 17-18.

[11] Về điểm này, xem cuốn Face à Gaïa, Huit conférences sur le nouveau régime climatique, Paris, La Découverte, 2015, trong đó ông đề xuất sự diễn giải của chính mình về thuật ngữ đã được James Lovelock và Lynn Margulis sáng tạo.

[12] Ông phát triển ý tưởng này đặc biệt trong cuốn Où atterrir? Comment s’orienter en politique, Paris, La Découverte, 2017.

[13] Xem cuốn sách mới xuất bản của Dipesh Chakrabarty, The Climate of History in a Planetary Age (Chicago University Press, 2021). Về một dẫn nhập bằng tiếng Pháp, xem bài “Ramener la critique sur Terre: le tournant planétaire de Dispeh Chakrabarty”, Critique, n°903-904, 2022, của Jeanne Etelain và Patrice Maniglier.



[*] Nhà triết học. thành viên ban biên tập tạp chí Temps modernes.

[†] Anthropocene (tiếng Anh; còn gọi là thế Nhân Sinh hay Anthropocen) là thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất. Nó không có điểm khởi đầu chính xác, nhưng có thể coi là bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ 18, khi những hoạt động của loài người mới bắt đầu có ảnh hưởng toàn cầu đến khí hậu và hệ sinh thái của Trái Đất (cách mạng công nghiệp).

Thuật ngữ này do nhà khoa học Paul Crutzen đặt vào năm 2000; ông là người đoạt giải Nobel Hóa học và nghĩ rằng hoạt động con người trên Trái Đất vào những thế kỷ gần đây đáng kể đến độ cần chấp nhận một thế địa chất mới mà ông gọi là Anthropocene (ND - theo Wikipedia).

Print Friendly and PDF