10.11.22

Những người đào ngũ giai cấp xuất thân trong văn học: trường hợp của Annie Ernaux

NHỮNG NGƯỜI ĐÀO NGŨ GIAI CẤP XUẤT THÂN TRONG VĂN HỌC: TRƯỜNG HỢP CỦA ANNIE ERNAUX

Tác giả: Isabelle Charpentier

Giáo sư Xã hội học, Đại học Picardie Jules Vernes (UPJV)

Annie Ernaux, người đạt giải Nobel văn học năm 2022, trò chuyện với tác giả Kate Zambreno tại Albertine Books, New York, ngày 10/10/2022.

Là nữ văn sĩ với thành công ngày càng lớn trước công chúng mặc dù thường có những phê bình tranh luận khi mỗi tác phẩm mới của bà được xuất bản, Annie Ernaux vừa mới đạt giải thưởng Nobel văn học năm 2022. Được xuất bản trong collection Blanche chez Gallimard (Bộ sưu tập Blanche - Nhà xuất bản Gallimard) ngay từ tác phẩm đầu tiên, một tác phẩm tự truyện xuất bản năm 1974 (Les Armoires vides - Những cái tủ trống), trước đây bà đã nhiều lần được trao các giải thưởng văn học: ví dụ giải Renaudot và giải Maillé-Latour-Landry vào năm 1984 cho tác phẩm La Place (Chỗ đứng), giải Marguerite Duras và giải François Mauriac cho tác phẩm Les Années (Những năm tháng) vào năm 2008, cũng như giải Tiếng Pháp (2008) - Prix de la langue française - và giải Marguerite Yourcenar (2017) cho toàn bộ các tác phẩm của bà.

Sinh năm 1940, là con của những công nhân vùng Normandie về sau trở thành tiểu thương, chủ của một tiệm tạp hóa và cà phê ở Yvetot, bà đã trở thành một “người lai về mặt xã hội (“une métisse sociale”) nhờ vốn văn hóa mà bà đã đạt được thông qua trường học, “một người chuyển lên tầng lớp trên (“déclassée par le haut”), hay còn là một người “đào ngũ giai cấp”. như bà thường thích tự định nghĩa mình như vậy.

“Trả thù cho dòng giống của mình”

Richard Hoggart (1918-2014)
Pierre Bourdieu (1930-2002)

Dựa trên chính kinh nghiệm của mình về một tiến trình xã hội bất định với mức thăng tiến xã hội rất mạnh, được nuôi dưỡng bằng những tác phẩm xã hội học, đặc biệt là các công trình của Pierre Bourdieu, hay của tác giả người Anh Richard Hoggart, trong những tác phẩm tự truyện xã hội của mình, bà mô tả môi trường và những biểu tượng của những tiểu thương vùng nông thôn trong thời kỳ hậu chiến, và tìm cách thể hiện “văn hóa của giới bị thống trị vốn là nơi xuất thân của bà, để “trả thù cho dòng giống của mình”.

Bà cũng hướng về việc nắm bắt những tác động của các dịch chuyển - đôi lúc với qui mô lớn - trong không gian xã hội đối với những cảm nhận mà những người liên quan đến sự thăng tiến xã hội có được về thế giới xã hội và chính trị ở nghĩa rộng, những hiệu ứng của việc đối chiếu với văn hóa hợp pháp được nhà trường phổ biến, sự đứt đoạn thường là đau đớn với môi trường gia đình xuất thân mà việc đi học gây ra, cuối cùng là những chuyển đổi của tập tính và những bất ổn mà các quá trình này gây ra cho các cá nhân đang trải nghiệm chúng: bị giằng xé giữa hai điều thiết thân không thể hòa giải, luôn “dịch chuyển”, những người “đào ngũ” này gặp khó khăn lớn khi tìm chỗ đứng của mình trong không gian xã hội.

Tuy nhiên, viết về những tác động của tư thế ở “khoảng giữa”, và về sự xấu hổ xã hội mà nó gây ra (xấu hổ về nguồn gốc xã hội, về các bậc sinh thành, về việc bản thân thấy xấu hổ) là không đương nhiên: vì đã nội tâm hóa điều nhục nhã” về văn hóa của nguồn gốc xuất thân bình dân của bà, nên trong một thời gian dài Annie Ernaux đã cho rằng thực tại tầm thường mà bà đã sống là khó tả, không thích hợp và nó không đáng để thuật lại, để trở thành “đối tượng văn học”:

“Khi tôi còn nhỏ và ở tuổi thiếu niên, tôi cảm nhận rằng chúng tôi (gia đình, khu phố, chính tôi) là ở ngoài văn học, không đáng được phân tích và mô tả, và cũng tương tự như vậy, sự xuất hiện của chúng tôi là không phù hợp.”

Tìm thấy hình thức thích đáng

Vả lại, bà đã không sớm biết ngay làm thế nào để trình bày những điều ấy một cách văn học mà không phản lại nguồn gốc xuất thân của mình. Do đó việc tìm kiếm “hình thức thích đáng” sẽ được đặt vào trọng tâm suy nghĩ về văn phong của bà trong suốt tác phẩm của mình và kể từ La Place, bà đã đi đến việc dành ưu tiên cho “viết như một lưỡi dao”, mà bà cho là lối viết “phẳng” hay trắng” (trung tính - ND), một “ngôn ngữ của các sự việc”, lột bỏ khỏi các thuộc tính thông thường trong văn chương, theo bà đó là ngôn ngữ duy nhất đứng vững được để mô tả những cuộc sống “phải tuân thủ điều cần thiết”.

Một sự căng thẳng như thế giữa hai thế giới đã được Annie Ernaux cảm nhận khi còn là trẻ con ở nhà trường, rất lâu trước khi bà đi vào thế giới viết lách. Đáng chú ý là ta tìm thấy trong La Place những dấu hiệu giúp tái tạo thế giới tham chiếu quen thuộc của tác giả vào thời đó, và những mâu thuẫn mà bé gái có học bị kẹt trong đó:

“Trong các bài luận, tôi đã cố gắng dùng những gì tỏ ra hay ho, nghĩa là gần gũi với những điều tôi đã đọc, “tấm thảm phủ đầy lá”, v.v. […] Nhưng vì văn chương mà tôi biết không nói về người mẹ ngủ thiếp đi ở bàn vì mệt mỏi sau bữa ăn tối hay những bữa ăn sau đám tang ở đó người ta hát, tôi cho rằng không nên nói về những điều này. […] Khi tôi bắt đầu viết, tôi đã tuyệt vọng vì đã không tạo vẻ đẹp cho mỗi câu văn.” (trang 10)

Bị cuốn hút và ngưỡng vọng bởi thế giới mới này, thế là từ nay tùy mức độ mà đứa trẻ đánh giá và phán xét tất cả các giá trị và thói quen đang thịnh hành trong môi trường gia đình xuất thân. Thật vậy, nhà trường tượng trưng cho việc nghiêng về thế giới của sách vở và văn hóa, với hàng loạt những ràng buộc được bao gồm trong phương thức tiếp cận việc học tập này: kiểm soát tập tính thể xác và tình cảm, chối bỏ các sở thích, hành vi và ngôn ngữ đang dùng trong gia đình, từ bỏ giọng nói và phương ngữ, điều chỉnh ngữ điệu…

Denise Lesur, “bản sao” của Annie Ernaux đã nói như thế này trong Les Armoires vides:

“Đầu tôi văng vẳng các từ ngữ, ông chủ, ông chủ, nói ra một cách thẳng thắng và trung thực, bên cạnh là nợ nần của khách hàng, đống hàng dầu ăn giao trễ là những thứ không quan trọng. […] Bằng cách nào tôi đã có thể ghi nhớ những từ ngữ của cô giáo mở rộng ra thế giới chưa biết, mở ra tất cả những gì không phải là cửa hàng đầy những bước chân lấm bùn, những cãi vã trong buổi ăn tối, những sỉ nhục… […] Trong nhà tôi, tôi được tự do moi trong những hũ, lọ mứt trái cây, chọc tức những ông già say rượu, nói lời bộc trực như tự nhiên phát ra, ngôn ngữ bình dân và phương ngữ. […] Tất cả những nhận xét này, những tiếng cười khinh khi này, không, những sự việc của thế giới của tôi không có trong bài học ở trường.[…] Các giáo sư […] sẽ không trụ được một ngày ở chỗ tôi, họ sẽ kinh tởm, liên tục nói rằng họ rất ghét những người thô lỗ, họ tỏ ra kinh tởm nếu người ta hắt hơi to, nếu người ta gãi, nếu người ta không biết diễn đạt. […] Có lẽ không bao giờ có quân bình giữa các thế giới của tôi. Buộc phải chọn một trong những thế giới ấy, như một điểm mốc, ta buộc phải như vậy. Nếu tôi chọn thế giới của cha mẹ tôi, của gia đình Lesur, thì còn tệ hơn, một nửa luôn uống rượu dở, có thể tôi đã không muốn thành công ở trường, tôi sẽ không sao nếu đứng bán khoai tây sau quầy, tôi sẽ không học đại học. Buộc phải rất ghét cửa hàng, quán rượu, những khách hàng tồi tàn ghi sổ nợ. […] Xa lạ với cha mẹ tôi, với môi trường của tôi, tôi đã không muốn nhìn tới họ. […] Tệ hơn cả, là lớp học […] đó cũng không phải là môi trường thật của tôi. Tuy vậy, tôi đã vươn đến nó với tất cả sức lực của mình. […] Còn phải đào sâu khoảng cách, vĩnh viễn rời bỏ tiệm cà phê-tạp hóa, tuổi thơ khờ dại, những con bạn với tóc uốn quăn… Vào đại học.” (trang 66, 67, 75, 78, 83, 94, 100, 119 và 161).

Ngôn ngữ của những kẻ thống trị

Như vậy, chủ yếu là ngôn ngữ tham gia kết tinh sự cắt đứt giữa hai thế giới - và phải không ngừng trau dồi nó để mô tả một cách văn chương sự cắt đứt này: ngôn ngữ của trường học, trau chuốt và liên tục bị kiểm soát, nó đột ngột vô hiệu hóa những tập quán ngôn ngữ tồn tại trong môi trường gia đình. “Trong ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên cớ của oán hận và cãi đau đớn, hơn cả tiền bạc”, Annie Ernaux ghi chép như vậy trong La Place (trang 64).

Những nhận xét về việc học ngôn ngữ được những kẻ thống trị chuẩn hoá, không có tham chiếu trong kinh nghiệm thực - “tệ hơn một ngoại ngữ”, bà viết trong Les Armoires vides (trang 53) -, và ý nghĩa của sự cách ly này với “thế giới bên dưới” của sự học tập ấy, có nhiều trong các tác phẩm của nhà văn: “Hồi nhỏ khi tôi cố gắng diễn đạt với một ngôn ngữ trau chuốt, tôi có cảm tưởng gieo mình trong khoảng không”, bà nhớ lại như vậy trong La Place (64); hay còn là:

“Có những người khen “tính chất ý nhị của tiếng miệt vườn” và của tiếng Pháp bình dân. Proust cũng đã nêu lên một cách vui thú những lỗi ngữ pháp và những từ cổ của Françoise. Chỉ có thẩm mỹ là quan trọng đối với ông vì Françoise là người giúp việc của ông chứ không phải mẹ của ông. Rằng chính ông cũng chưa bao giờ cảm nhận những cách diễn đạt đó đến cửa miệng ông một cách tự nhiên. Đối với cha tôi, tiếng nhà quê là một cái gì đó cũ và xấu, một dấu hiệu của sự thấp kém. […] Đối với ông, dường như chưa bao giờ người ta có thể nói “hay” một cách tự nhiên. Thầy thuốc hay cha cố phải cố gắng, tự lắng nghe mới nói được như vậy, ở nhà thì khỏi, ta có thể buông thả. […] Luôn luôn nói năng thận trọng, nỗi sợ khó tả về một từ nói sai, cũng có ảnh hưởng xấu như lỡ đánh rấm.” (trang 62-63)

Đặc biệt là trong La Honte (Ô nhục/Xấu hổ) (1997), Annie Ernaux nói khá dài về những hiệu ứng có tính di truyền của ngôn ngữ thứ nhất:

“Nói hay giả định phải cố gắng, tìm một từ khác thay thế từ thốt ra một cách tự nhiên, lấy một chất giọng nhẹ nhàng hơn, thận trọng, giống như ta đang sắp xếp những vật dụng nhỏ mỏng manh. […] Cha tôi thường nói “j’avions” và “j’étions”, khi tôi chỉnh lại ông, ông phát âm “nous avions” đúng ngữ pháp, vừa tách các âm tiết, vừa thêm vào với giọng thường ngày của ông, “nếu con muốn”, có nghĩa là qua sự nhượng bộ này việc nói hay không quan trọng mấy đối với ông. Năm 1952, tôi viết “một tiếng Pháp hay”, nhưng chắc là tôi nói “d’où que tu reviens”) (d’où que tu viennes” mới đúng ngữ pháp - ND) và rửa mặt thì nói như cha mẹ tôi je me débarbouille” thay vì “je me lave”, vì chúng tôi sống trong cùng một tập tục của thế giới. (trang 54-55).

Vừa nói như cha mẹ bà, tuy nhiên bà dần dần nội tâm hóa khuôn mẫu ngôn ngữ của giới thống trị, mà bà mô tả trong Les Armoires vides như là một “hệ thống các mật khẩu để đi vào một môi trường khác” (trang 78). Chịu thần phục vào các phạm trù đánh giá của giới giáo chức, bà bắt đầu viết “như những điều bà đã đọc”:

“Tôi hiểu hầu hết những gì bà giáo nói, những tôi sẽ không thể một mình tìm thấy điều đó, cha mẹ tôi cũng không thể, bằng chứng là tôi chưa bao giờ nghe thấy điều đó ở họ. […] [Các sách tập đọc, từ vựng và ngữ pháp] không nói như chúng tôi, chúng có những từ ngữ riêng của chúng, những cách diễn đạt của chúng báo hiệu cho tôi một thế giới khác với thế giới của tôi. […] Ngôn ngữ lạ đời, tinh tế, không có chiều dày, được sắp xếp và phát âm ngay ngắn, tỏ ra lạc điệu ở chỗ chúng tôi. […] Chính vì vậy tôi chỉ dùng những từ mới của tôi để viết, đối với tôi, đó là tôi trả lại cho chúng hình thức duy nhất mà tôi có thể làm. Từ cửa miệng, tôi không thể nói ra chúng được. Diễn đạt bằng lời nói vụng về mặc dù có kết quả tốt, các bà giáo viết như vậy trong sổ điểm… Tôi mang trong mình hai ngôn ngữ. […] Lỗi là do ngôn ngữ của cha mẹ tôi, mặc cho sự thận trọng của tôi, rào chắn giữa nhà trường và gia đình, rốt cục thì ngôn ngữ ấy cũng đi xuyên qua, lách vào bài làm của tôi, vào một câu trả lời. Tôi đã có trong tôi ngôn ngữ này […]. Tất cả những sỉ nhục, tôi đổ chúng cho họ [cha mẹ - ND], họ không dạy tôi gì cả, chính là vì họ mà người ta chế nhạo tôi. Những lời của họ, mà người ta nói chúng chính là sự sai ngữ pháp, “sai”, suồng sã”, “thô lỗ”, này cô Lesur, cô không biết rằng người ta không nói như vậy à? […] Bây giờ, tôi có cảm tưởng rằng tôi không thể lùi lại phía sau, rằng tôi đang tiến tới, tràn đầy văn chương, tiếng Anh và tiếng la tinh, và họ lại quay lòng vòng trong quán cà phê bình dân nhỏ của họ. […] Ngay cả khi tôi muốn, tôi cũng không thể nói như họ nữa, đã quá muộn rồi.” (trang 53, 76, 77, 115, 158 và 181)

Tượng trưng cho kinh nghiệm đào ngũ giai cấp” xuất thân

Người ta biết tất cả tầm quan trọng về mặt xã hội và những liên can chính trị của những chủ đề này, vốn rất ít khi được đề cập đến một cách thẳng thắng và có hệ thống như vậy trong văn học. Những chuyện kể mang tính phản tư về một kinh nghiệm cá nhân, nhưng cũng là và nhất là lối kể chuyện với hình thức hướng đến tri thức, số phận thăng tiến xã hội của những người, nam cũng như nữ, sinh ra trong những năm 1940-1950, các sách của Annie Ernaux tạo nên một tặng phẩm đặc biệt về tượng trưng hóa kinh nghiệm về “đào ngũ giai cấp”, được xây dựng dựa trên một giao ước giữa độc giả và tác giả về sự đọc tự nó là đặc thù, “có tính văn chương” nhưng uyên bác về mặt xã hội học. Những câu chuyện này nhanh chóng tìm thấy tiếng vang quan trọng nơi các nam nữ độc giả được đặc trưng bởi những hình thức đồng nhất hóa mang tính phóng chiếu với tác giả, cho phép họ viết ra bằng lời, đặc biệt là trong nhiều bức thư họ gửi cho tác giả, về tiến trình của cuộc đời họ và những giằng xé về mặt xã hội liên quan đến tiến trình này, thường được trải nghiệm cho đến lúc đó vẫn thuộc loại trường hợp đặc biệt, sự cô lập và tủi nhục.

Isabelle Charpentier

Xa hơn tác phẩm của người đạt giải thưởng Nobel văn học năm 2022, được đánh dấu bằng ảnh hưởng của những hiểu biết về xã hội học của bà, dường như các tiến trình di chuyển giai cấp mở đường cho những người, nam và nữ, trải nghiệm chúng - và họ quyết định quảng bá nó thông qua xuất bản dưới hình thức các tác phẩm văn học - để họ phát triển một sự nhạy cảm và sự sáng suốt sắc bén về mặt xã hội, làm họ trở thành những “nhà xã hội học tự phát” rất giỏi về chính họ và về một thế giới xã hội mà ở đó “không có gì là đương nhiên cả”. Một dạng “đặc quyền giai cấp” đảo ngược...

Bài báo này lấy lại những suy nghĩ được khởi đầu trong một luận án tiến sĩ về khoa học chính trị nói về các điều kiện sáng tác và về những tiếp nhận tác phẩm của A. Ernaux. Xem Charpentier (I), Một nữ trí thức lạc chỗ. Những thách thức và tập tục xã hội và chính trị trong tác phẩm của Annie Ernaux (1974-1998), Amiens, Đại học Picardie – Jules Verne, 1999.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Les transfuges de classe dans la littérature: le cas d’Annie Ernaux”, The Conversation, 25.10. 2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF