19.7.23

Chủ nghĩa thực dân: châu Âu trên ghế bị cáo

 CHỦ NGHĨA THỰC DÂN: CHÂU ÂU TRÊN GHẾ BỊ CÁO

Tác giả: Rebekka Habermas, ZEIT 30.10.2022

Người dịch: Tôn Thất Thông

Quá khứ thuộc địa gây ra những tranh luận sôi nổi. Ai đã bắt đầu và thực hiện chế độ nô lệ? Ai đã bãi bỏ nó? Có thể có công lý cho lịch sử? Một câu trả lời đến nhà sử học cổ Egon Flaig.

Có một số vấn đề gây ra sự phẫn nộ của công chúng hơn những vấn đề khác và một số ít vấn đề khác thì ít tác động ra ngoài, nhưng tồn tại dai dẳng. Một trong những chủ đề như vậy dường như là lịch sử thuộc địa từ một vài năm trở lại đây. Nhiều người đang theo dõi sự phát triển này với sự phấn khích và tò mò, vì xét cho cùng, đây là cơ hội để nhìn lại lịch sử của chính mình và nhận ra rằng lịch sử quốc gia của họ từ lâu đã mang tính toàn cầu hơn so với lịch sử các quốc gia châu Âu mà họ đã học được qua cách viết lịch sử từ thế kỷ 19.

Đặc biệt là những người trẻ tuổi, sau một năm vừa làm việc vừa du lịch ở ngoại quốc, và mới đây là sau khi xem nhiều loạt phim Netflix, đã nhìn thấy thế giới nhiều hơn – chí ít là từ các bộ phim – hơn cha mẹ của họ, huống gì là so với thế hệ ông bà. Họ quan tâm đến lịch sử các quốc gia bên ngoài châu Âu. Câu chuyện nhập cư, với kinh nghiệm trực tiếp hay nghe kể lại, đã khơi dậy sự tò mò về các khu vực ở bên ngoài châu Âu.

Phần quan trọng nhất của lịch sử toàn cầu này đối với châu Âu có lẽ liên quan đến lịch sử thuộc địa, vốn đã nhiều lần trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây: ở London hay Oxford, có thể là ở Paris, Berlin hay Lisbon, đó là chưa kể đến các cuộc tranh luận bên ngoài châu Âu hoặc nhiều hoạt động khác như phong trào Rhodes-phải-sụp-đổ, bắt đầu bằng cuộc biểu tình phản đối một bức tượng Cecil Rhodes[1] ở Cape Town.

Cho dù tính thời sự của chủ đề lịch sử thuộc địa châu Âu còn mới, thì chúng ta cũng không nên quên rằng châu Âu đã có một số cuộc tranh luận như vậy: hãy nghĩ về Paris trong những năm 1920 hay cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968, mà họ thích diễn đạt các hiện tượng thuộc địa bằng thuật ngữ mới là chủ nghĩa đế quốc. Ở những nơi khác, chẳng hạn như ở châu Đại Dương ở Đông Á và châu Phi, quá khứ và hiện tại thuộc địa đã được nghiên cứu lâu hơn và tích cực hơn – điều này cần được xem xét cẩn trọng, nếu chúng ta không muốn rơi trở lại chủ nghĩa tỉnh lẻ châu Âu.

Giáo sư lịch sử cổ Egon Flaig giờ đây đã không thể chống lại chính xác mối nguy hiểm này của chủ nghĩa tỉnh lẻ châu Âu. Bài biên khảo của ông về ảo tưởng của sự đền bù lịch sử, được đăng tải gần đây trên FAZ[2], là một bộ sưu tập triết học đạo đức mang phong cách riêng, các nghiên cứu cũ hơn về lịch sử thuộc địa của thế kỷ 19 và 20 và lịch sử của chế độ nô lệ. Như chúng ta đã biết, chế độ nô lệ chủ yếu nằm trong thời kỳ hiện đại sơ kỳ ở châu Âu và châu Mỹ, nhưng chắc chắn là nó đã phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới và trong nhiều thời điểm khác nhau – ở châu Âu thời kỳ đầu hiện đại (như Rebekka von Mallinckrodt gần đây đã chỉ ra), cũng tương tự như trong thời cổ đại châu Âu, chỉ là thí dụ của hai kỷ nguyên, thường bị lãng quên trong bối cảnh này.

Egon Flaig (1949 - )

Nghiên cứu quốc tế hiện nay có những vấn đề đáng quan tâm đối với khái niệm chế độ nô lệ, bởi vì nó làm giảm sự đa dạng của các mối quan hệ phụ thuộc, bất bình đẳng và bạo lực giữa con người với một công thức quá đơn giản và che khuất nhiều điều hơn những gì nó giải thích. Nhà sử học Egon Flaig cố tình che giấu điều này, mặc dù ông là một chuyên gia về lịch sử chế độ nô lệ thời cổ đại.

Về bản chất, ông ta phẫn nộ vì – như ông ấy cảm nhận – các cuộc tranh luận trong những năm gần đây về chế độ nô lệ lịch sử chỉ xoay quanh “công lý lịch sử”. Tuy nhiên, thực tế là thuật ngữ này là một thuật ngữ có vấn đề trong khoa học lịch sử đã được giảng dạy trong các bài giảng trước đây. Egon Flaig, bản thân là một giáo sư đã hưu trí, dường như vẫn quan tâm đến câu hỏi về công lý lịch sử cho đến ngày nay – thậm chí còn vượt xa những gì đang được giảng dạy.

Sẽ không có gì sai nếu điều đó không có xu hướng bôi nhọ các nghiên cứu liên quan đến lịch sử của sự bất công, chẳng hạn như lịch sử của chủ nghĩa thực dân hoặc lịch sử của chế độ nô lệ. Flaig gộp lại và cáo buộc những công trình này – không nêu tên tác giả hoặc tên sách – với những khái niệm về sự bất công trong lịch sử. Bất cứ ai làm điều này đều tự đặt mình ra ngoài, như là một phần của văn hóa hủy bỏ xấu xa.

Một loạt các chủ đề phiêu lưu

Chắc chắn rằng, có rất nhiều sáng kiến ​​ xã hội dân sự thích mô tả các sự kiện lịch sử như là sự bất công lịch sử. Tất nhiên đây không phải là một hiện tượng mới về cốt lõi của nó, chưa nói đến một hiện tượng có thể được quan sát chủ yếu trong các nghiên cứu lịch sử hiện nay. Đó là một hiện tượng có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của một khu vực công cộng mới vào cuối thế kỷ 18: các hội đoàn ủng hộ phong trào độc lập Hy Lạp cổ đại không làm gì khác vào đầu thế kỷ 19 với việc anh hùng hóa thời cổ đại Hy Lạp. Tương tự như vậy, cái gọi là sự nhiệt tình đối với Ba Lan ở Đức trong thế kỷ 19 có thể được hiểu là cam kết xã hội dân sự được ủng hộ mạnh mẽ bởi các lập luận đạo đức.

Tự trao quyền về mặt đạo đức là một phần trong cấu trúc di truyền của giai cấp tư sản được phát triển trong thế kỷ 19. Các phong trào cải cách lối sống của thế kỷ 20 cũng thích sự đánh giá những cách sống khác trên quan điểm đạo đức. Và lặp đi lặp lại, các ngành học để làm nguồn cảm hứng: là khoa học về thời cổ đại trong thế kỷ 19, là lịch sử và chắc chắn là sinh thái học ngày nay. Sự việc từng có một lịch sử về đạo đức sai lầm như vậy không có gì mới, cũng không phải là điều đáng chú ý trong bài viết của Flaig.

Trước tiên, đáng chú ý là cơn thịnh nộ mà ông ta vận động chống lại một nền văn hóa bị cáo buộc là văn hóa hủy bỏ; mặt khác, nhà sử học cổ khéo léo đưa ra một loạt các luận điểm mạo hiểm: ví dụ, rằng cái gọi là giải phóng khỏi nô lệ – thực chất là một phong trào lịch sử mà các tổ chức phản kháng tích cực và thụ động của những người bị nô lệ bên trong và bên ngoài châu Phi và châu Mỹ, cũng như các nhóm tôn giáo chủ yếu ở châu Âu phải hết lòng cám ơn – là một hành động sẽ không xảy ra nếu không có người châu Âu phát minh ra nhân quyền.

Cũng đáng chú ý là Egon Flaig nói về một “phán tội về quá khứ”. Ai nói đến tội lỗi ở đây, chỉ có một mình Flaig. Ông ta nhìn thấy điều này trong hiện tại ở những người (kết cục lại) tranh luận lớn tiếng và rõ ràng về lịch sử của chủ nghĩa thực dân.

Thay vì ca ngợi cuộc tranh luận công khai về quá khứ thuộc địa của châu Âu như một mối quan tâm chính đáng đối với lịch sử, bởi vì công chúng có thể tìm hiểu điều gì đó mới mẻ về quá khứ của châu Âu tại đây (hoặc bởi vì tất cả chúng ta có thể tìm hiểu điều gì đó trong lịch sử của một trong những châu Âu, châu Phi, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, trong đó nhiều đau khổ và bạo lực đã xảy ra và vẫn còn tác động đến hôm nay), thì ông nhìn thấy các lực lượng đang hoạt động ở đây muốn đưa châu Âu lên ghế bị cáo. Và trong chuỵện đó, Flaig gộp cả những người nghiên cứu lịch sử về chế độ nô lệ.

Thực sự là, câu chuyện này hiện đang được nghiên cứu rộng rãi đến mức có thể thấy rõ rằng Đế chế La Mã Thần thánh không chỉ tham gia vào việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, mà nô lệ còn được “sử dụng” ở châu Âu. Nghiên cứu gần đây cho thấy rõ điều đó.

Trong thực tế, nhận thức lịch sử của người châu Âu chỉ mới định hình thông qua sự khơi dậy ký ức, điều mà ở các nước thuộc địa đã có từ nhiều thập niên trước, trong môi trường công cộng cũng như tư nhân. Nhưng thay vì hoan nghênh ý thức lịch sử của châu Âu này, vì nó là một phần của cấu trúc di truyền nghề nghiệp của các nhà sử học vốn dĩ quan tâm đến các hình thức hồi tưởng ký ức lịch sử, Egon Flaig lại đánh giá chúng một cách hàm hồ là có vấn đề.

Nhà sử học Flaig cũng bỏ qua thực tế rằng những ký ức của người châu Âu về chủ nghĩa thực dân không có gì mới mẻ như chúng xuất hiện ngày nay. Tại các khu vực của châu Đại Dương, hậu quả sinh thái của việc khai thác phốt phát của người Đức, đã biến toàn bộ nhiều khu vực thành hầm hố giống như mặt trăng, làm gợi nhớ đến sự tàn phá của Biển Nam Đức trong nhiều thập kỷ, vốn đã được lãng mạn hóa trong thời đại Đế chế Đức. Ở Anh, chủ nghĩa thực dân đã được tưởng niệm nhiều lần trong các lễ kỷ niệm cựu chiến binh được tổ chức công khai cũng như trong các lễ kỷ niệm học thuật, chẳng hạn như trao học bổng Cecil Rhodes (được đặt theo tên của một trong những thống đốc thuộc địa tàn ác nhất châu Phi). Và không chỉ London, Bristol, Oxford và Birmingham, mà còn rất nhiều thành phố nhỏ hơn đang hiển lộ ký ức thuộc địa: tên đường, tượng đài của họ hay những buổi tưởng niệm của công chúng.

Lịch sử thuộc địa của châu Âu không phải là một khám phá mới

Tất nhiên, châu Âu cũng có những khoảng thời gian dài sống trong lãng quên. Một phần, đây là một hành động lãng quên có chủ ý: vào năm 2007, tòa nhà được dựng lên vào năm 1931 nhân cuộc triển lãm thuộc địa quốc tế ở Paris tại Porte Dorée đã nhanh chóng được chuyển đổi thành một bảo tàng về người nhập cư, hiện vẫn được trưng bày ở đây dưới khía cạnh tốt đẹp. Đồng thời, nó được giữ bí mật rằng, chính xác trong các phòng bảo tàng mới này đã từng có các cuộc triển lãm ca ngợi sức mạnh thuộc địa của Pháp.

Mặt khác, đây cũng là một cuộc chiến đấu tích cực chống lại sự bỏ quên, chỉ cần nhớ đến phong trào 1968 ở tất cả các thủ đô châu Âu – bất kể chúng diễn ra kỳ lạ đến mức nào – đều liên quan đến quá khứ thuộc địa: giống như ở Frankfurt, các nhà hoạt động của Phong trào Black Panther được mời phát ngôn, rồi các trí thức từ Algeria và Caribe đã công khai đứng lên đấu tranh chống thực dân ngay tại Paris, hoặc người ta công khai tố cáo chiến tranh Việt Nam.

Lịch sử thuộc địa của châu Âu, xét cho cùng, là một thương hiệu thực sự của châu Âu, đã không được “khám phá” trong vài năm qua, như giả thuyết của Egon Flaig và một số người khác. Và điều đáng chú ý khác: Khám phá được cho là mới này về quá khứ thuộc địa của châu Âu và lịch sử chế độ nô lệ của nó trước hết không phải là những câu hỏi về tội lỗi.

Tội lỗi đáng trách là đồng xu mà các nhà hoạt động dùng để thu hút sự chú ý – một phương tiện mà tình cờ, đã được sử dụng rộng rãi bởi những người được gọi là doanh nhân đạo đức trong thời Đế chế Đức để dàn cảnh những vụ bê bối. Những câu hỏi về tội lỗi – Egon Flaig hết lòng đồng ý – trước hết là không có chỗ đứng trong các nghiên cứu lịch sử: điều đó không có nghĩa là độc giả của những tác phẩm đó, dù muốn hay không, đều phải đối mặt với những câu hỏi đạo đức.

Nhưng chính sự đạo đức hóa này mà Flaig hiện đang thực hiện khi ông cáo buộc khoa học lịch sử đầu hàng “khẩu hiệu đấu tranh này” và tuyên bố rằng phân biệt chủng tộc là một “sự sáng tạo của người Ả Rập” và rằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ là một thành tựu của phương Tây. Ông ta cố gắng che giấu sự thật rằng chế độ nô lệ đã được du nhập vào châu Phi bởi người châu Âu. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng bản thân người nô lệ là những kẻ săn nô lệ – điều đó dù là đúng, nhưng ông không nói gì về thực tế là bản thân chế độ nô lệ đã được thành hình và điều kiện hóa bởi nền kinh tế đồn điền đã được đưa vào châu Mỹ để trồng bông, đường và cà phê với giá rẻ cho châu Âu, những loại mặt hàng tiêu dùng được thèm muốn ở châu Âu vào thế kỷ 18.

Thay vào đó, ông viết rằng màu da như một tiêu chí chủng tộc là một phát minh của người Ả Rập – một mô tả không chỉ nham hiểm thiển cận mà còn sử dụng sự đa dạng của sự đạo đức hóa một cách tham lam. Xảo quyệt hơn là lập luận của ông đã có từ trước rằng, nhiều người châu Phi tự họ là những “thợ săn nô lệ” – một lập luận không có mục đích nào khác là biện minh rằng, người châu Âu không có đủ dịch vụ hậu cần cần thiết cho các phi vụ này.

Khó tả hơn là lời tuyên bố của ông, rằng “người châu Phi ngày nay chủ yếu vẫn sẽ là người nô lệ nếu người Anh và người Pháp không can thiệp vào lục địa”. Đây không chỉ là về khía cạnh đạo đức, mà còn là việc bày tỏ sự biết ơn đối với người đi trước, những người đã tổ chức việc nô lệ hóa hàng loạt và vận chuyển dân cư từ châu Phi sang châu Mỹ và trên hết, đã được hưởng lợi đáng kể từ việc đó.

./.

Rebekka Habermas (1959 - )
Tác giả: Nhà sử học Rebekka Habermas, 63 tuổi, là nữ giáo sư lịch sử hiện đại ở đại học Göttingen. Bà là con gái của GS Jürgen Habermas, triết gia tiền phong trong triết học phê phán Frankfurt, thường được gọi là Trường phái Frankfurt.

Nguồn bản gốcKolonialismus: Europa am Pranger

Nguồn bản dịch: Chủ nghĩa thực dân: châu Âu trên ghế bị cáo, diendankhaiphong.org.


Ghi Chú:

[1] Cecil Rhodes là chính trị gia người Anh, có tư tưởng kỳ thị chủng tộc, cho rằng người Anh là "chủng tộc số một". Ông đã từng làm Thủ tướng Anh, nổi tiếng hung ác với các thuộc địa ở châu Phi.

[2] Egon Flaig, Frankfurter Allgemeine Zeitung 11.10.2022 – Phán tội về quá khứ (Schuldspruch über die Vergangenheit)

 

Print Friendly and PDF