27.7.23

Để tưởng nhớ Francisco Vergara, nhà phê phán không mệt mỏi tư tưởng tự do

ĐỂ TƯỞNG NHỚ FRANCISCO VERGARA, NHÀ PHÊ PHÁN KHÔNG MỆT MỎI TƯ TƯỞNG TỰ DO

Bernard Guerrien vinh danh nhà kinh tế và triết gia Francisco Vergara, qua đời tháng ba vừa qua.

Bernard Guerrien

Bernard Guerrien (1943-)
Christian Chavagneux

Nhà kinh tế và triết gia Francisco Vergara qua đời tháng ba vừa qua. Sinh tại Santiago (Chile), ông đã sống qua nhiều nước, đặc biệt ở Hoa Kì, điều này khiến ông nắm vững tiếng Anh và dẫn ông đến việc đọc thẳng trong nguyên tác các tác giả cổ điển mà ông đã nghiên cứu rất nhiều. Ông học kinh tế học ở Paris và đã làm việc tại đây với tư cách nhà nghiên cứu và nhà báo cho nhiều phương tiện truyền thông.

Alternatives Economiques đã công bố nhiều bài viết của ông vốn bao giờ cũng rất rõ và nghiêm túc. Nhưng chúng tôi xem ông nhiều hơn như một nhà kinh tế, một chuyên gia về hệ thống tài khoản quốc gia và một sử gia về tư tưởng các nhà cổ điển mà ông rất am hiểu. Ông thuộc kiểu học giả uyên bác, niềm nở, dễ gần khiến người đối thoại dễ đồng cảm, một tập hợp những đức tính hiếm có. Dưới đây Bernard Guerrien vinh danh ông.

Christian Chavagneux

-----------------------------------

Francisco Vergara (1945-2023) đã từ giã chúng ta. Một cách thanh thàn, trong giấc ngủ. Ông để lại cho chúng ta một trang mạng có tựa Economie et Philosophie và một cuốn sách, Les fondements philosophiques du libéralisme (truy cập miễn phí trên internet)/Đạo đức trong kinh tế mà Denis Clerc, giám đốc và nhà sáng lập tạp chí Alternatives Economiques dành nguyên một bài xã luận để ca ngợi khi tác phẩm được xuất bản. Xã luận này được đăng lại năm 1999 khi tác phẩm được tái bản:

“Có những cuốn sách, ngay khi ra mắt, trở thành những cuốn kinh điển. Đó là trường hợp của tác phẩm này, xuất bản năm 1992, mà ba chương đầu đã được viết lại nhân lần tái bản trong khổ sách bỏ túi [...] Bằng một văn phong dễ đọc, đây là một cuộc du hành thiết yếu vào lịch sử những tư tưởng góp phần định hình thế giới chúng ta.”

Thật vậy, trong cuốn sách này Francisco Vergara cho thấy điểm chung của các nhà triết học “lớn” từng sống trong các thế kỉ từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX – mà hầu hết những người bảo vệ chủ nghĩa tự do đều quy chiếu về – là giới hạn các phân tích và chủ trương của họ vào một, và chỉ một, tiêu chí đạo đức “tối thượng” và tiêu chí này lấn át mọi tiêu chí khác. Sự nhất quán này giải thích vì sao ngày nay người ta tiếp tục nghiên cứu các tác giả này trong lúc biết bao tác giả khác ít nhiều đã nhanh chóng bị lịch sử đào thải.

Chủ nghĩa công lợi đối lại pháp quyền tự nhiên

Vergara nhắc lại trong tác phẩm của ông là các tác giả trên, được ông gọi là những nhà “tự do cổ điển” phân thành hai nhánh lớn đòi hỏi hai học thuyết đạo đức khác nhau. Một mặt, chủ nghĩa công lợi – đặt hạnh phúc của tập thể (cần phân biệt với việc thoả mãn các ham muốn) thành nguyên lí “đầu tiên” hay “tối thượng”; mặt khác, “pháp quyền tự nhiên” đòi hỏi phải bảo vệ các quyền tự nhiên (quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu, ...).

Trong nhánh thứ nhất có Hume, Bentham, Smith, Ricardo, hai cha con Mill trong lúc Turgot, Kant, Paine, Condorcet và Jefferson nghĩ rằng các quyền tự nhiên lấn át tiêu chí hạnh phúc của tập thể. Vergara hầu hết các tác giả vừa nêu không bác bỏ tiêu chí “khác” với tiêu chí của mình – quyền tự nhiên của nhánh tác giả thứ nhất, hạnh phúc của nhánh tác giả thứ hai – nhưng vẫn đặt tiêu chí “khác” này phụ thuộc vào tiêu chí “đầu tiên” của mình.

Vergara cũng trình bày sự phong phú của các cuộc tranh luận giữa các trào lưu và ngay cả trong nội bộ của mỗi trào lưu, đặc biệt khi áp dụng vào những “trường hợp cụ thể” tiêu chí đạo đức “đầu tiên”. Ví dụ, đối với các nhà công lợi, vấn đề tế nhị của việc hi sinh vài người (có thể dẫn đến tử vong) vì hạnh phúc của “số đông người”, trong lúc những người bảo vệ các quyền tự nhiên khó nhọc biện minh cho nguồn gốc và thứ bậc các quyền này.

Điều này giải thích vì sao các câu trả lời cho nhiều câu hỏi có thể thay đổi hoàn toàn theo dòng thời gian, như đối với trường hợp của vấn đề nô lệ. Bằng cách thay đổi kiểu luận chứng, khi tính đến diễn tiến của lịch sử và của bối cảnh, nhưng bao giờ vẫn giữ nguyên cùng một tiêu chí “đầu tiên”, do tính nhất quán đòi hỏi như vậy.

Friedrich Hayek (1899-1992)
Milton Friedman (1912-2006)

Một tính nhất quán mà ta không thấy ở những tác giả được Vergara gọi là “những nhà tự do cực đoan”, như Friedrich Hayek. Vergara vạch ra là chủ nghĩa chiết trung (có người còn gọi là chủ nghĩa cơ hội) của tác giả này cốt ở việc vận dụng khi có lợi cho mình những luận chứng thuộc về nguyên lí tính hữu ích (hạnh phúc tập thể), một nguyên lí bị Hayek phỉ nhổ thậm tệ, hoặc về pháp quyền tự nhiên, song Hayek không bao giờ nói thật rõ cũng như không tham gia vào cuộc tranh luận về nguồn gốc và sự biện minh của các “quyền” này.

Các trang 168 đến 172 (197 đến 202 trong bản dịch tiếng Việt – ND) của Fondements philosophiques du libéralisme bàn về Hayek là một bữa tiệc tinh thần ngon miệng. Vergara cũng chỉ ra vì sao các nhà tự do cổ điển đã cho rằng không thể dùng khái niệm tự do như tiêu chí đạo đức “tối hậu”, cho dù các tác giả này được gọi là những “nhà tự do chủ nghĩa”. Nhân dịp này ông cũng phê phán một “nhà tự do cực đoan” nổi tiếng khác là Milton Friedman (trang 172 đến 176/202 đến 206 trong bản dịch tiếng Việt – ND).

Một cách tổng quát hơn, có thể nhận thấy là Fondements có một bảng tra cứu vô cùng chi tiết cho phép đọc tác phẩm theo chủ đề hay theo từng tác giả, một điều khá có ích.

“Phương pháp Vergara”

Tất nhiên, không thể quy sự nghiệp của Francisco Vergara về cuốn sách độc nhất của ông. Sự nghiệp này còn gồm một số lớn bài viết, tất cả đều lí thú, mà các bài chính có thể tìm thấy trên trang mạng của ông: các tác giả ông bàn đến bao giờ cũng được trích dẫn, dài dòng nếu cần thiết. Đây có vẻ là một điều tối thiểu cần làm, nhưng tiếc thay lại không phải là một việc làm phổ biến!

Đọc đi đọc lại những tác giả như Smith, Bentham, Turgot, Condorcet, Mill giống như cách mà Vergara đã làm đòi hỏi nhiều thời gian và sự động não. Điều mà, ví dụ, một người trẻ tuổi đang làm luận án và bị thúc ép bởi thời gian khó thực hiện, và nghiên cứu sinh này sẽ có thói quen dựa vào những tác giả-bình luận viên “có uy tín” vốn đã từng thực hành như vậy, và cứ thế mà tiếp tục.

Với kết quả là sự truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác những ý tưởng sai lầm về những tác giả được nêu tên nhưng không được trích dẫn. Những ý tưởng được các “cơ quan chức năng” nuôi dưỡng và thường là những vị kiểm soát việc tiếp cận các tạp chí học thuật và các chức vụ ở đại học, và do đó sẽ rất mạo hiểm khi phản bác họ. Tuy nhiên Vergara, vốn không có khác vọng về bất k chức vụ nào thuộc các cơ quan này – ông còn không tìm cách trở thành tiến sĩ! – đã không do dự làm điều này, mặc dù gặp phải vô số cản trở.

Louis Dumont (1911-1998)
Jeremy Bentham (1748-1832)

Chẳng hạn, ông đã chứng minh là những tác giả cho đến lúc bấy giờ được xem như những cột mốc có thẩm quyền không thể né tránh – như Louis Dumont và nhất là Elie Halévy – đã xuyên tạc một cách có hệ thống, và biếm hoạ, luận điểm của những ai mà họ không thích – tất nhiên hầu như không trích dẫn các đối thủ này, ngoại trừ việc trích dẫn có cắt xén. Đặc biệt ông phản đối cách họ trình bày chủ nghĩa công lợi bằng những từ ngữ có hàm ý xấu như “vị lợi” (“utilitaire”), đồng thời từ đó đề xuất một lí thuyết tâm lí theo đó con người về bản chất là vị kỉ.

Vào đầu những năm 1990, khi Vergara bắt đầu viết, đại học Pháp – đứng đầu là các nhà triết học, xã hội học, kinh tế học – thật sự bị nhiễm bởi các ý tưởng trên, mà mục đích là gợi lên sự ghê tởm đối với các tác giả của chúng (đối tượng bị đặc biệt nhắm đến là Bentham).

Lúc đầu hoạt động một mình, ông đã thành công trong việc tập hợp ngày càng đông người trẻ tuổi thông thạo tiếng Anh hơn các giáo sư của họ và được tiếp cận dễ dàng hơn các văn bản trong nguyên tác nhờ sự xuất hiện của internet nên thế hệ mới có thể kiểm chứng rằng các phê phán của ông hoàn toàn có cơ sở.

Hai mươi năm sau, có thể nhận thấy là các (cựu) “đỉnh cao” như và Halévy, Dumont, và tất cả những môn đồ hậu duệ của họ mãi mãi biến khỏi sân khấu, hoàn toàn bị mất uy tín. Được như vậy hôm nay, một phần lớn là nhờ Vergara, ít nhất là trong trường hợp của Pháp và “phạm vi toả sáng” của nước này.

Đọc các tác giả trong nguyên tác bao giờ cũng đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, tất nhiên không thể tránh khỏi là lúc này lúc khác xuất hiện trở lại những kiến giải đáng và được bàn luận, nhưng ta có thể hi vọng là những ai đã được đào tạo theo “phương pháp Vergara” sẽ cảnh giác để tránh chúng ô nhiễm tiếp tư tưởng của những thế hệ sau.

Các thống kê được ông cập nhật hàng năm đã trở thành tài liệu tham chiếu cho học sinh và sinh viên. Vả lại, nhiều trích đoạn các văn bản của Vergara đã được sử dụng làm tài liệu để bình luận cho các bài thi tú tài ban khoa học xã hội và kinh tế (SES). Trong số những nhà kinh tế đầu tiên lên tiếng chống lại chủ đề nợ công, “gánh nặng của các thế hệ tương lai”, thịnh hành trong những năm 1980, ông đã không ngừng nghỉ tố cáo những con số phóng đại thô thiển, của các phương tiện truyền thông đại chúng và của hầu hết các nhà kinh tế được săn đón, về chi tiêu công mà ông là một người am hiểu tinh tế.

Chúng ta sẽ không quên ông.

Bạn có thể đọc ở đây các bài viết của Francisco Vergara công bố trên Alternatives Economiques.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn:En mémoire de Francisco Vergara, infatiguable critique de la pensée libérale”, Alternatives Economiques, 29.4.2022.

----

Danh mục bài của Francisco Vergara:

http://www.franciscovergara.com/index.htm/

http://www.franciscovergara.com/index.htm/id27.htm (tiếng Anh)

Print Friendly and PDF