21.7.23

Lời tiên tri về châu Âu của Kundera: Đọc lại “Một phương Tây bị bắt cóc”

LỜI TIÊN TRI VỀ CHÂU ÂU CỦA KUNDERA: ĐỌC LẠI “MỘT PHƯƠNG TÂY BỊ BẮT CÓC”

Milan Kundera[*] vừa qua đời.

Tác giả của một trong những tác phẩm ấn tượng nhất trong lịch sử văn học châu Âu cũng đã viết bài tiểu luận có ảnh hưởng nhất trong lịch sử trí tuệ của lục địa này. Với “Một Phương Tây bị bắt cóc/Un Occident kidnappé”, ông đã cấu trúc trí tưởng tượng về Trung và Đông Âu của nhiều nhà tư tưởng châu Âu. Jarosław Kuisz, tổng biên tập của “Kultura Liberalna”, giúp chúng ta khám phá lại sức mạnh của huyền thoại Kundera nhìn từ phía Đông.

Jarosław Kuisz[**]

Đây là một thực tế đủ hiếm để được chú ý[1]: vào những năm 1980, hình tượng về Trung và Đông Âu nơi nhiều trí thức phương Tây phần lớn bị ảnh hưởng bởi… một tiểu luận[2]. Năm 1983, Milan Kundera, một tiểu thuyết gia người Tiệp Khắc sống ở Paris, khi đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, đã xuất bản một bài báo sắc sảo có tựa đề “Một phương Tây bị bắt cóc hoặc bi kịch của Trung Âu/Un Occident kidnappé ou la tragédie de l’Europe centrale”. Ban đầu dành cho độc giả Pháp, sau đó nó được dịch cho tạp chí New York Review of Books[3] uy tín. Bài viết đã trở thành một thành công về mặt học thuật. Trong tiểu luận của mình, Kundera khẳng định rằng, nếu Trung và Đông Âu nằm dưới sự kiểm soát chính trị của phương Đông kể từ năm 1945, các dân tộc trong khu vực thuộc về phương Tây về mặt văn hóa. Ông đã trình bày một số điều không đồng nhất kỳ lạ trong cách khu vực phía sau Bức tường sắt được nhận thức từ bên ngoài. Ví dụ, vì sao Vienna có thể được công nhận là một thủ đô tây phương, trong khi Praha, nằm xa hơn về phía tây trên bản đồ, lại bị từ chối tư cách này?

Kundera khẳng định rằng người Tiệp Khắc, người Ba Lan và người Hungary sẵn sàng trả giá đắt để thuộc về Tây Phương về mặt văn hóa. Tiểu thuyết gia đã liệt kê cách thức mà Moscow khuất phục các quốc gia vô kỷ luật đang cố thoát khỏi ách thống trị của mình. Tiểu luận của Kundera, được thảo luận và trích dẫn hàng ngàn lần, đã trở thành huyền thoại. Nhưng nếu ngày nay có vẻ như văn bản này thuộc về quá khứ của thời Chiến tranh Lạnh, thì không có gì sai bằng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy ở Trung và Đông Âu đã làm sáng tỏ suy nghĩ của nhà văn. Với sự xuất hiện của Viktor Orbán và Jarosław Kaczyński, người ta tự hỏi liệu Trung và Đông Âu có thực sự là một phần bị bắt cóc của phương Tây… hay một thứ gì khác.

Bài viết của Kundera, được thảo luận và trích dẫn hàng ngàn lần, đã trở thành huyền thoại[4]. Nhưng nếu ngày nay có vẻ như văn bản này thuộc về quá khứ của thời Chiến tranh Lạnh, thì không có gì sai bằng.

JAROSŁAW KUISZ

Jarosław Kuisz (1976-)
Viktor Orban (1963-)

Khi một trong những người khổng lồ về văn học của châu Âu biến mất, chúng ta có xu hướng tự hỏi mình một cách trớ trêu: Liệu Kundera có thể sai chăng? Hay tệ hơn nữa, ông đã vô tình đánh lừa dư luận phương Tây? Nhìn lại, thật dễ dàng để buộc tội tiểu thuyết gia này. Tuy nhiên, ngày nay, việc đọc kỹ bài tiểu luận dẫn đến những kết luận đáng kinh ngạc: Kundera tình cờ, vô tình đã nắm bắt được mầm mống của các cuộc xung đột chính trị trong tương lai. Thật vậy, theo một cách nào đó, bài tiểu luận của những năm 1980 này đã cung cấp một cái nhìn mới về nguồn gốc sâu xa nhất của những căng thẳng sau này giữa Tây Âu với Trung và Đông Âu sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Tiểu luận của Kundera làm nổi bật sự khác biệt giữa văn hóa của các quốc gia Trung và Đông Âu với văn hóa của Nga. Khi làm như vậy, ông xây dựng lại một hình tượng nhất định về châu Âu trong ý thức tập thể của các dân tộc Trung và Đông Âu. Ví dụ, để nhấn mạnh sự khác biệt giữa Tiệp Khắc và Liên Xô, Kundera nhấn mạnh đến sự “bén rễ trong thế giới Cơ đốc giáo La Mã” của đất nước ông, trong khi vẫn tránh đề cập đến mức độ thế tục hóa cao của người Séc và người Slovak. Ông lưu ý rằng châu Âu không phải là một vấn đề địa lý, mà là một khái niệm văn hóa hoặc tinh thần liên quan đến các dân tộc trong nhiều thế kỷ đã cùng tạo ra nền văn hóa châu Âu và tự coi mình là Phương Tây.

Đó là vì trước hết, Kundera không quan tâm đến bản thân Phương Tây mà quan tâm đến một hình tượng về Phương Tây vào thời Chiến tranh Lạnh - và thậm chí còn hơn thế nữa: hình tượng lý tưởng hóa về phương Tây, hiện diện trong trí tưởng tượng tập thể của các dân tộc của Trung và Đông Âu. Để bảo tồn bản sắc dân tộc của các quốc gia nhỏ, hình tượng lý tưởng hóa này của phương Tây được đối lập với sự áp bức – rất thực tế – của chủ nghĩa cộng sản do Phương Đông áp đặt[5].

Rất lâu sau năm 1989, việc bảo vệ bản sắc dân tộc và nguyện vọng trở thành một phần của Tây Âu đã song hành cùng nhau.

JAROSŁAW KUISZ

Sau đó, ông nhắc lại tầm quan trọng của ký ức tập thể về thời kỳ trước Thế chiến thứ hai. Giống như Phương Tây, Trung và Đông Âu đã lý tưởng hóa các quốc gia-dân tộc độc lập của riêng mình trong những thập kỷ trước. Do đó, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc quay trở lại Phương Tây và giành lại toàn bộ chủ quyền được đồng thời mong đợi. Cho đến năm 1989 và trong một thời gian dài sau đó, không có sự mâu thuẫn nào giữa những nguyện vọng này. Việc bảo vệ bản sắc dân tộc và nguyện vọng trở thành một phần của Tây Âu đã song hành cùng nhau.

Một Phương Tây khác — bị bắt cóc và đóng băng

Vladimír Mečiar (1942-)

Năm 1989 bộc lộ đầy đủ tình yêu mù quáng dành cho Phương Tây tồn tại đằng sau Bức tường sắt. Đồng thời, nó giải phóng niềm đam mê ở Trung và Đông Âu đối với sự hồi sinh của các quốc gia dân tộc cũ, ít nhất là nơi một số chính trị gia hàng đầu trong khu vực.

Nếu bỏ qua những khuynh hướng và khát vọng này, thì thật khó hiểu tại sao, ví dụ, Tiệp Khắc lại chia thành hai quốc gia vào ngày 31 tháng 12 năm 1992. Cộng hòa Séc và Slovakia đã được tách ra một cách khá hòa bình (đặc biệt là so với sự tan rã của Nam Tư, kết thúc trong những cuộc xung đột đẫm máu), để rồi tiếp tục khao khát trở thành thành viên của Liên Minh châu Âu và NATO và theo đuổi một liên minh mới với các nước Trung và Đông Âu khác[6]. Vladimír Mečiar, thủ tướng Slovakia, đã từng nói: “Thời kỳ sống chung trong một quốc gia đã kết thúc. Sống chung trong hai quốc gia vẫn tồn tại (bền lâu).”[7] Ba mươi năm sau, tình trạng này vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.

Một cách tình cờ, vô tình, Kundera đã nắm bắt được những mầm mống của những xung đột chính trị trong tương lai.

JAROSŁAW KUISZ

Trong tiểu luận của mình, Kundera chỉ ra rằng ký ức sống động cuối cùng về Phương Tây mà các quốc gia Trung và Đông Âu còn giữ lại là ký ức về những năm giữa hai cuộc thế chiến. Theo ông, để tồn tại trước những khó khăn dưới sự thống trị của Nga, bốn quốc gia đã gắn bó với hai mươi năm của thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh này hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử của họ.

Rõ ràng là Phương Tây đã thay đổi trong khoảng thời gian này. Nhưng điều quan trọng là hiện tượng tương tự cũng ứng vào hình tượng lý tưởng hóa mà các nước Trung và Đông Âu có về chính các quốc gia riêng của họ trước năm 1938. Ở đây, sự thật được các nhà sử học thiết lập một cách tỉ mỉ không có liên can gì đến điều này. Điều quan trọng là sự lý tưởng hóa và sự vận động quần chúng phản đối chiến tranh. Sự pha trộn giữa huyền thoại về Phương Tây hiện tại và huyền thoại về các quốc gia-dân tộc cũ là một động lực chính trị mạnh mẽ trong những năm 1980. Nó đã giúp định vị bản sắc của Trung và Đông Âu chống lại Nga.

Thách thức của năm 1989 là đưa những giấc mơ trở về với thực tế. Ban đầu, việc kết hợp hai lý tưởng này, hai cảm hứng hành động này không gặp khó khăn gì. Tất cả các quốc gia hậu cộng sản đã tuyên bố rằng họ đang có một khởi đầu mới và họ muốn gia nhập lại gia đình các quốc gia phương Tây.

Thách thức của năm 1989 là đưa những giấc mơ trở về với thực tế. Nhưng rõ ràng là trí tưởng tượng tập thể về quá khứ trước Thế chiến thứ hai không phải là một khối đồng nhất như Kundera đã gợi ý.

JAROSŁAW KUISZ

Tuy nhiên, rõ ràng là trí tưởng tượng tập thể về quá khứ trước Thế chiến thứ hai không phải là một khối đồng nhất như Kundera đã gợi ý. Sự tan rã của Tiệp Khắc, chỉ ba năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, là một ví dụ rõ ràng. Kundera đã xác định dấu ngắt của ký ức tập thể vào năm 1938. Trong khoảng thời gian đó, Nhà nước đầu tiên của Slovakia đã ra đời từ sự sụp đổ của Tiệp Khắc trước chiến tranh và tồn tại từ năm 1939 đến 1945. Đó là một vệ tinh của Đệ tam Quốc xã, một di sản còn hơn cả khó chịu.

Thứ hai, sự chia rẽ bắt đầu xuất hiện dần giữa các chính trị gia ưu tiên theo đuổi ý tưởng Phương Tây và những người tập trung vào các quốc gia-dân tộc cũ. Có thể nói rằng chính trị gia lớn đầu tiên ở Trung và Đông Âu đặt câu hỏi về sự khác biệt của những con đường này là Vladimír Mečiar, Thủ tướng Slovakia. Khi ông từ bỏ chính sách theo Phương Tây và các giá trị của nó, các cuộc đàm phán để Slovakia gia nhập NATO và Liên Minh châu Âu đã bị đình trệ[8].

Ở phía Đông, phe của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa vỡ mộng với Phương Tây tỏ ra đông đảo một cách đáng ngạc nhiên. Một mặt, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta có những người bảo thủ quốc gia. Những trí tưởng tượng xã hội “đóng băng” của họ hóa ra lại rất truyền thống, cho dù chỉ xét từ quan điểm về những thay đổi xã hội diễn ra ở phía Tây từ năm 1968 đến 1989: việc thắt chặt luật phá thai ở Ba Lan sau năm 1989 chắc chắn là ví dụ điển hình nhất về sự gián đoạn này. Những người bảo thủ quốc gia mơ ước về một quốc gia-dân tộc mạnh về chính trị thường tỏ lòng tôn kính với đạo đức trước những năm 1960.

Mặt khác, trong số những người thất vọng với Phương Tây, cũng có những người theo chủ nghĩa tự do chống cộng, chẳng hạn như Tổng thống Séc Václav Klaus. Chính trị gia này đã bối rối trước cái mà ông coi là “chủ nghĩa xã hội” thái quá ở Phương Tây, được ông gắn liền với thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản mà ông đã từng đấu tranh chống lại trước năm 1989. Cần nhấn mạnh rằng, trong khi chỉ trích Phương Tây hiện thực, Klaus nghĩ rằng ông vẫn trung thành với niềm tin của mình[9].

Ở Phía Đông, phe của các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa vỡ mộng với Phương Tây tỏ ra đông đảo một cách đáng ngạc nhiên.

JAROSŁAW KUISZ

Ý nghĩa của năm 2004

Năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt đối với chủ nghĩa dân túy quốc gia ở Trung và Đông Âu. Sau khi gia nhập Liên Minh châu Âu, các quốc gia hậu cộng sản mới biết bộ mặt thật của Phương Tây. Sự chia rẽ chính trị giữa những nước muốn giữ tầm nhìn thuộc về quá khứ của mình về châu Âu, phần lớn là tưởng tượng, và những nước sẵn sàng cho việc “tăng thêm tính châu Âu hơn nữa” đã được đào sâu. Đối với những nước thuộc nhóm đầu tiên, tầm nhìn cũ về một “Châu Âu của các dân tộc” với các quốc gia-dân tộc mạnh là một lý tưởng bất biến. Đối với nhóm thứ hai, ý tưởng về một liên bang châu Âu là có thể chấp nhận được. Những công dân bình thường thì nằm giữa phổ này và thường bày tỏ tình cảm thân châu Âu[10].

Tuy nhiên, câu hỏi liệu nên cần nhiều quốc gia-dân tộc hơn hay một châu Âu thống nhất hơn đã làm dấy lên một làn sóng đam mê chính trị mới. Sự chia rẽ cũ giữa các chính trị gia chống cộng và hậu cộng sản, vốn rất nổi bật ở Trung và Đông Âu trong những năm 1990, đã không còn lý do để tồn tại nữa[11]. Các liên minh và ác cảm cũ đã giảm bớt. Trong bối cảnh của những sự căng thẳng chính trị mới, các chính đảng đã soạn thảo lại chương trình của mình[12].

Những đảng, vào năm 1989, từng mơ về sự tái sinh của một quốc gia-dân tộc hùng mạnh đã không hài lòng với cái gọi là Châu Âu của Maastricht, và càng không hài lòng với chiều kích liên bang của “việc thêm tính châu Âu hơn”. Trước năm 1989, các nước này đã không đấu tranh hay mơ ước làm loãng đi bản sắc của các quốc gia-dân tộc, và thường cảm thấy vượt trội về mặt đạo đức so với các đối thủ chính trị của mình vì tin rằng mình vẫn trung thành với niềm tin chính trị và ý tưởng về một quốc gia-dân tộc.

Các chính trị gia như Václav Klaus, Jarosław Kaczyński và Viktor Orbán thường thừa nhận rằng họ khao khát gia nhập Phương Tây, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định.

JAROSŁAW KUISZ

Vaclav Klaus (1941-)
Jarosław Kaczyński (1949-)

Các chính trị gia như Václav Klaus, Jarosław Kaczyński và Viktor Orbán thường thừa nhận rằng họ khao khát gia nhập Phương Tây, nhưng chỉ đến một mức độ nhất định. Họ không đồng ý với việc đào sâu thêm tính liên bang của châu Âu. Họ nhấn mạnh rằng vào thời điểm Hiệp ước Maastricht, không ai hỏi ý kiến ​​của các nước V4, vì lúc bấy giờ các nước này nằm ngoài Liên Minh. Lập trường này rõ ràng là không nhất quán, vì vào năm 2004, chính những người đó vẫn ủng hộ việc gia nhập Liên Minh, theo phương thức mà Liên Minh đã có với Hiệp ước Maastricht.

Tiểu luận năm 1983 của Kundera nhắc nhở chúng ta về các chiến lược sống còn của các nước Trung và Đông Âu khi đối mặt với Moscow. Sau năm 1989 và 2004, một số chính trị gia đã hồi sinh các mô hình phản kháng cũ và áp dụng chúng ở Brussels. Trước sự ngạc nhiên của nhiều quan chức phương Tây, những chính trị gia này đã tìm thấy một Moscow mới ở Bỉ.

Đối với thế giới bên ngoài, tầm nhìn chủ quyền chủ nghĩa này của Trung và Đông Âu có vẻ nghịch lý, thậm chí là phi lý. Nó có thể dễ hiểu hơn một chút nếu chúng ta rút gọn thành hai câu sau: “Vâng, chúng tôi muốn ở trong một châu Âu chung. Không, đây không phải là kiểu Phương Tây khi chúng tôi đã chiến đấu chống lại Phương Đông Cộng sản.”

Đối với những người theo chủ nghĩa chủ quyền, việc xây dựng một châu Âu hùng mạnh đòi hỏi phải pha loãng các quốc gia-dân tộc. Chính ở điểm này mà những người theo chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu ở Phương Tây và Phương Đông lại hội tụ với nhau. Ban đầu, những người ủng hộ các quốc gia-dân tộc mạnh trong Liên Minh đã không tự coi mình là những người hoài nghi về châu Âu theo nghĩa thường được hiểu ở Tây Âu, tức là tìm cách phá vỡ Liên Minh hoặc đơn giản là rời bỏ nó, như Nigel Farage mong muốn trước khi làm được việc này[13]. Đồng thời, các liên minh hoài nghi về châu Âu được hình thành trong Nghị viện châu Âu trong những năm gần đây và các chuyến thăm phô trương của Marine Le Pen tới Budapest và Warsaw làm cho việc đọc được diễn tiến của chủ nghĩa dân tộc dân túy ở Trung và Đông Âu trở nên khó khăn. Các đối thủ chính trị như Donald Tusk không ngần ngại cáo buộc các quốc gia dân túy ở Trung và Đông Âu thiếu nhất quán, thậm chí đang chuẩn bị cho sự tan rã của Liên Minh châu Âu.

Tiểu luận năm 1983 của Kundera nhắc nhở chúng ta về các chiến lược sống còn của các nước Trung và Đông Âu khi đối mặt với Moscow.

JAROSŁAW KUISZ

Nhưng Kundera không lừa dối ai. Ngược lại. Trong tiểu luận của mình, ông đã viết – với một tầm nhìn xa trông rộng – rằng Trung và Đông Âu không chỉ là một “Phương Tây bị bắt cóc”, mà theo nhiều cách, nó còn bị đóng băng trong quá khứ. Toàn bộ các chính trị gia và trí thức đã lãnh đạo xu hướng phi tự do ở Trung và Đông Âu thường được coi là mang tính phê phán đối với nhiều khía cạnh của lối sống của Phương Tây. Đúng vậy. Nhưng họ cũng không hài lòng với sự sụp đổ của các quốc gia-dân tộc trong Liên Minh trong bối cảnh của quá khứ dân tộc của họ. Chỉ có lịch sử của một quốc gia mới mang lại cho nó một hương vị hoặc một tính thống nhất bề ngoài — những người theo chủ nghĩa dân tộc-dân túy cố gắng sử dụng chính sắc thái này để mang lợi cho họ.

Không, Kundera chắc chắn đã không lừa dối bất cứ ai.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La prophétie européenne de Kundera: relire “Un Occident kidnappé”, Le Grand Continent, 12.7.2023.




Chú thích:

[1] Văn bản này là một đoạn trích đã được chỉnh sửa từ một tiểu luận của Jarosław Kuisz sẽ được Nhà xuất bản Đại học Manchester xuất bản vào mùa thu này, mà chúng tôi được tiếp cận trước với sự cho phép của tác giả.

[2] Pierre Nora, “Présentation”, in M. Kundera, Un Occident kidnappé, la tragédie de l’Europe centrale, Paris, Gallimard, 2021, p. 35.

[3] Milan Kundera, “Un Occident kidnappé, la tragédie de l’Europe centrale, Le Débat no 27, novembre 1983; “The Tragedy of Central and Eastern Europe, The New York Review of Books, 26 avril 1984.

[4] Tony Judt, “The Rediscovery of Central and Eastern Europe, Daedalus, 119:1 (1990), pp. 23-54.

[5] Jarosław Kuisz, “The two faces of European disillusionment, Eurozine, 1 April 2019.

[6] Abby Ines, Czechoslovakia: The Short Goodbye, New Haven, Yale University Press, 2001.

[7] Stephen Engelberg, “Czechoslovakia Breaks in Two, To Wide Regret, New York Times, 1 January 1993.

[8] T. Haughton, “Vladimír Mečiar and His Role in the 1994-1998 Slovak Coalition Government”, Europe-Asia Studies, 54:8 (2002), tr. 1319-38. Không ngoa khi nói rằng Mečiar là người báo trước chương trình theo chủ nghĩa dân túy quốc gia và phong cách của các chính phủ Orban (từ năm 2010) và Kaczyński (từ năm 2015). Xu hướng phi tự do, kỳ thị đối với các thiểu số vì mục đích chính trị, thuật hùng biện theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong các cuộc bầu cử, v.v. — tất cả những điều này đã được thử nghiệm ở một mức độ nào đó ở Slovakia vào những năm 1990. Tuy nhiên, một điểm khác biệt quan trọng là ở Hungary và Ba Lan, sự chuyển hướng của quyền lực sang chủ nghĩa dân tộc dân túy diễn ra sau khi các quốc gia này đã gia nhập NATO và Liên minh.

[9] Václav Klaus, My, Europa i świat, Wrocław 2014.

[10] Những người ủng hộ Ba Lan gia nhập Liên Minh châu Âu luôn chiếm đa số (từ 74% năm 1994 lên 92% năm 2022, mức thấp nhất – vẫn còn cao – là 53% năm 2001). Xem www.cbos.pl/PL/trendy/trendy.php?trend_parametr=stosunek_do_integracji_UE

[11] Mặc dù sự khác biệt giữa những người chống cộng sản và những người hậu cộng sản đang mất đi tầm quan trọng đối với người dân, nhưng nó vẫn hữu ích về mặt lập luận hùng biện đối với các chính trị gia.

[12] Ban đầu, ở Ba Lan, Cương lĩnh Công dân và Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã thành lập một liên minh để giành lấy quyền lực từ tay đảng hậu cộng sản. Dần dần, đảng đầu tiên ngày càng trở nên tự do và thân châu Âu hơn, trong khi đảng thứ hai trở nên bảo thủ và ngày càng hoài nghi với châu Âu. Như vậy, đã có sự qua lại giữa các chính trị gia và nhà hoạt động giữa hai bên.

[13] Nigel Farage từ chức lãnh đạo đảng Ukip sau khi “đạt được tham vọng chính trị” của Brexit, Guardian, 4 tháng 7 năm 2016.



[*] Mới qua đời vào ngày 11 tháng 7 năm 2023, nhà đại văn hào đã “từng mỉa mai cay độc khắc họa thân phận của con người trong những chiều kích chính trị, tình yêu và dục vọng” (đài France Bleu), Milan Kundera (1929-2023) là một nhà văn gốc Séc lưu vong ở Pháp từ năm 1975 sau khi bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Séc, đã bị tước đoạt quốc tích Séc vào năm 1979 trước khi được chính phủ Séc phục hồi lại quốc tịch Séc năm 2019 và nhập tịch Pháp năm 1981. Ban đầu ông sáng tác bằng tiến Séc trước khi chuyển sang sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Pháp từ năm 1993. Ông cũng đã viết nhiều bài tiểu luận và phản ánh, đặc biệt là về công việc của chính mình với tư cách là một tiểu thuyết gia nhưng nói chung là về thể loại tiểu thuyết. Ông cũng sáng tác thơ và kịch. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng ở Pháp và quốc tế và thường được đưa vào danh sách những ứng cử viên cho giải Nobel Văn học (ND).

[**] JAROLAW KUISZ là giảng sư Khoa Luật và Hành chính tại Đại học Warsaw. Đồng giám đốc dự án “Những cầu nối tri thức giữa Ba Lan, Anh và châu Âu/ Knowledge Bridges Between Poland, Britain and Europe” tại St. Antony's College, Đại học Oxford, ông là tổng biên tập của tuần báo chính trị và văn hóa Kultura Liberalna.

Print Friendly and PDF