5.7.23

Chatbot AI với các đặc trưng Trung Quốc: vì sao sản phẩm cạnh tranh với ChatGPT của Baidu không bao giờ được như kỳ vọng

CHATBOT AI VỚI CÁC ĐẶC TRƯNG TRUNG QUỐC: VÌ SAO SẢN PHẨM CẠNH TRANH VỚI CHATGPT CỦA BAIDU KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC NHƯ KỲ VỌNG

ERNIE Bot của Baidu đã gây thất vọng đáng kể khi ra mắt. Ng Han Guan/AP

Vào ngày 16 tháng 3, Baidu đã tiết lộ đối thủ cạnh tranh mới nhất từ Trung Quốc trước ChatGPT của OpenAI – ERNIE Bot (viết tắt của Enhanced Representation through kNowledge IntEgration – Biểu diễn tăng cường thông qua tích hợp tri thức). Chatbot bằng AI “đa phương thức” có thể tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và video từ lời nhắc văn bản.

Tuy nhiên, công chúng không mấy mặn mà với chatbot. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Baidu đã giảm 10% trong cuộc họp báo và bản thử nghiệm ERNIE beta chỉ dành cho một nhóm các tổ chức được công ty chấp thuận.

ERNIE Bot sẽ không phải là sản phẩm để thay thế ChatGPT, nhưng có lẽ đó là điều mà nhà nước Trung Quốc muốn. Như những nỗ lực trước đây để tạo ra các chatbot AI của Trung Quốc đã cho thấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn duy trì các quy chế kiểm duyệt nghiêm ngặt và chỉ đạo nghiên cứu của chính phủ – ngay cả khi phải trả giá bằng sự đổi mới.

Chủ quyền kỹ thuật số và ChatGPT

Tại Trung Quốc, do cách tiếp cận bảo hộ của quốc gia này đối với chủ quyền kỹ thuật số, người dùng không thể trực tiếp truy cập ChatGPT. Dữ liệu của Trung Quốc bị giới hạn trong phạm vi quốc gia và thông tin mâu thuẫn với tuyên truyền của chính phủ sẽ bị kiểm duyệt.

Các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Baidu và Tencent cấm các nhà phát triển bên thứ ba cài ChatGPT vào dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, sự nổi bật của ChatGPT đã tạo ra một thị trường bất hợp pháp sôi động. Cho đến khi bị đàn áp, thông tin đăng nhập ChatGPT đã được rao bán trên nền tảng thương mại điện tử Taobao và các video hướng dẫn được công bố trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc để chứng minh khả năng của chatbot.

XiaoIce và BabyQ

Baidu không phải là công ty công nghệ đầu tiên lẫn duy nhất ở Trung Quốc thử nghiệm chatbot AI tạo sinh.

Vào tháng 3 năm 2017, Tencent đã ra mắt hai chatbot xã hội có tên XiaoIce và BabyQ trên ứng dụng nhắn tin WeChat và QQ.

XiaoIce được phát triển bởi Microsoft, trong khi BabyQ được tạo ra bởi một công ty AI có trụ sở tại Bắc Kinh có tên là Turing Robot. Trong vòng vài tháng, cả hai chatbot đã bị gỡ bỏ để điều chỉnh theo các quy chế kiểm duyệt của Trung Quốc.

BabyQ không bao giờ quay lại, nhưng XiaoIce của Microsoft đã tái xuất và đang cung cấp dịch vụ bạn đồng hành ảo AI cho hàng triệu người dùng trên các nền tảng lớn bao gồm WeChat, QQ và Weibo.

Made in China 2025 và thúc đẩy AI

Chính phủ Trung Quốc sẽ ở thế phòng thủ nếu Trung Quốc chỉ áp dụng các chatbot AI được phát triển ở nước ngoài. Khi các chatbot vận hành dựa trên phản hồi của con người, sẽ không thể ngăn chặn các luồng dữ liệu xuyên quốc gia và lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị đe dọa.

XiaoIce do Microsoft phát triển là một 'chatbot bạn bè' cực kỳ nổi tiếng. Nguồn: Microsoft

Kể từ năm 2015, dưới thời chính quyền của cựu thủ tướng Lý Khắc Cường, kế hoạch Made in China 2025 đã nỗ lực tăng cường năng lực công nghệ của đất nước. AI là một trong những trọng tâm chính.

Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch Made In China 2025. Ng Han Guan/AP

Kể từ tháng 2 năm 2023, các công ty công nghệ Trung Quốc về AI, giao đồ ăn, thương mại điện tử và trò chơi đã nỗ lực để theo kịp OpenAI và tung các sản phẩm tựa như ChatGPT của riêng họ ra thị trường.

Văn phòng Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thành phố Bắc Kinh đang hỗ trợ tham vọng này, nhưng chỉ cho một số công ty công nghệ hàng đầu.

Kiểm duyệt và văn hóa

Chúng ta có thể tin là trong ngắn hạn các phiên bản của dịch vụ ChatGPT sẽ gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, hầu hết trong số đó sẽ biến mất hoặc được các công ty công nghệ lớn mua lại.

Các công ty nhỏ hơn, với ít sự hỗ trợ từ chính phủ, gần như không đủ khả năng chi trả chi phí kiểm duyệt.

Một công ty khởi nghiệp nhỏ có tên YuanYu đã ra mắt bot kiểu ChatGPT đầu tiên của Trung Quốc vào tháng Giêng. Được đặt tên là ChatYuan, con bot này chạy dưới dạng một “chương trình nhỏ” bên trong WeChat. ChatYuan đã bị đình chỉ trong vòng vài tuần sau khi người dùng đăng lên mạng các ảnh chụp màn hình câu trả lời của chatbot cho các câu hỏi chính trị.

Tuy nhiên, người dùng tiếng Trung vẫn quan tâm đến các mô hình ngôn ngữ lớn dựa trên hệ thống ngôn ngữ Hán.

Ví dụ, ERNIE Bot tuyên bố là thông thạo văn hóa hơn ChatGPT, với hiểu biết về lịch sử Trung Quốc, văn học cổ điển và phương ngữ tốt hơn.

Chỉ đạo của chính phủ

Bắc Kinh đã thắt chặt quản lý ngành công nghệ kể từ một biện pháp trừng trị thẳng tay vào năm 2021.

Điều này mang lại mặt tốt là dòng tài trợ và hỗ trợ nhân tài được đảm bảo. Mặt trái là các nguồn lực được hướng tới các công nghệ phục vụ lợi ích trước mắt của Bắc Kinh trong quản trị trong nước và phòng thủ quân sự.


Đọc thêm: Vấn đề lớn của công nghệ Trung Quốc: ngay cả trong nền kinh tế do nhà nước quản lý, các công ty kỹ thuật số vẫn tăng trưởng quá mạnh


Những kẻ bắt chước ChatGPT của Trung Quốc có nhiều khả năng được thiết kế để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hơn là cho cá nhân. Đối với những gã khổng lồ công nghệ, mục tiêu là hình thành một “cụm AI toàn diện” bằng cách tích hợp các sản phẩm AI tạo sinh vào mọi cấp độ kinh doanh của họ, từ công cụ tìm kiếm và ứng dụng đến các quy trình công nghiệp, thiết bị kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng đô thị và điện toán đám mây.

Giám sát cảm xúc và thông tin sai lệch

Chatbot dựa trên AI cũng có thể dẫn đến kết quả bất lợi. Bên cạnh những mối quan tâm phổ quát về an ninh việc làm, bản quyền và tính liêm chính trong học thuật, ở Trung Quốc còn có những rủi ro phụ về giám sát cảm xúc và thông tin sai lệch.

Chatbots có thể xác định trạng thái cảm xúc của người dùng thông qua các cuộc trò chuyện. Khả năng đọc cảm xúc này mở rộng sức mạnh của dữ liệu lớntrí tuệ nhân tạo để xâm phạm quyền riêng tư của mọi người.


Đọc thêm: 'Giám sát tràn lan' tại Trung Quốc: việc theo dõi dữ liệu lớn về COVID có thể được sử dụng để kiểm soát người dân sau đại dịch như thế nào


Ở Trung Quốc, việc giám sát cảm xúc như vậy có thể củng cố “chủ nghĩa độc tài cảm xúc”. Bất kỳ thứ tình cảm nào có khả năng đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả khi không được đề cập trực tiếp, đều có khả năng khiến người dùng bị xử phạt.

Các công cụ tìm kiếm và chatbot trang bị AI cũng có khả năng cnh đáng hóa hoạt động tuyên truyền và thông tin sai lệch do nhà nước Trung Quốc thiết lập. Người dùng sẽ tin tưởng và phụ thuộc vào những dịch vụ này, nhưng các đầu vào, đầu ra và quy trình nội bộ của chúng sẽ bị kiểm duyệt gắt gao.

Chính trị và sự lãnh đạo của Trung Quốc sẽ bị cấm mang ra thảo luận. Khi đề cập đến các sự kiện hoặc lịch sử gây tranh cãi, sẽ chỉ có quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc được hiện diện.

Tác giả

Fan Yang
Fan Yang

Nghiên cứu viên tại RMIT và Viện Alfred Deakin, Đại học Deakin

Tuyên bố công khai

Fan Yang không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: AI chatbots with Chinese characteristics: why Baidu’s ChatGPT rival may never measure up, The Conversation, Mar 24, 2023.

Print Friendly and PDF