13.7.23

Những khám phá khoa học của Louis Pasteur vào thế kỷ 19 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong y học

NHỮNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC CỦA LOUIS PASTEUR VÀO THẾ KỶ 19 ĐÃ TẠO RA MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TRONG Y HỌC VÀ NGÀY NAY VẪN TIẾP TỤC CỨU SỐNG HÀNG TRIỆU NGƯỜI

Louis Pasteur là người tiên phong trong lĩnh vực hóa học, vi sinh, miễn dịch học và vắc-xin học. Ảnh/DigitalVision Vectors qua Getty Images

Một số khám phá khoa học vĩ đại nhất đã không mang về giải Nobel.

Louis Pasteur, sống từ năm 1822 đến năm 1895, được cho là nhà vi trùng học nổi tiếng nhất thế giới. Ông được công nhận rộng rãi với lý thuyết vi trùng gây bệnh và việc phát minh ra quy trình thanh trùng – được đặt theo tên ông – để bảo quản thực phẩm. Đáng chú ý, ông cũng đã phát triển vắc-xin bệnh dạibệnh than và có các đóng góp to lớn trong việc chống lại bệnh dịch tả.

Nhưng vì ông mất năm 1895, sáu năm trước khi giải Nobel đầu tiên được trao, nên trong lý lịch của ông không có giải thưởng này. Nếu sống trong thời đại của các giải Nobel, chắc chắn Pasteur hoàn toàn xứng đáng được trao thưởng cho công trình của mình. Giải Nobel, trao thưởng trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả sinh lý học và y học, không được trao sau khi người đó đã qua đời.

Trong thời điểm hiện tại với các mối đe dọa đang diễn ra từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc đang nổi lên, từ COVID-19 và bệnh bại liệt đến bệnh thủy đậu và bệnh dại, thật đáng kinh ngạc khi nhìn lại di sản của Pasteur. Những nỗ lực của ông đã thay đổi cơ bản cách mọi người nhìn nhận các bệnh truyền nhiễm và cách chống lại chúng bằng vắc-xin.

Tôi đã làm việc trong các phòng thí nghiệm y tế và y tế công cộng chuyên về vi-rút và các vi khuẩn khác đồng thời đào tạo các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm y tế tương lai. Sự nghiệp của tôi bắt đầu trong lĩnh vực vi-rút học là trực tiếp tham dự việc phát hiện và giám sát bệnh dại cũng như các tác nhân lây truyền từ động vật sang người, và phần lớn công việc này dựa trên công trình tiên phong của Pasteur trong lĩnh vực vi sinh học, miễn dịch học và vắc-xin học.

Hình minh họa Louis Pasteur, bên phải, đang giám sát việc quản lý vắc-xin bệnh dại tại Viện Pasteur ở Paris năm 1886. Nguồn: Thư viện Quốc hội/Lưu trữ tạm thời qua Getty Images

Trước tiên, là một nhà hóa học

Theo đánh giá của tôi, đóng góp lớn nhất của Pasteur cho khoa học là những thành tựu nổi bật của ông trong lĩnh vực vi sinh y học và miễn dịch học. Tuy nhiên, câu chuyện của ông bắt đầu với hóa học.

Pasteur nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà hóa học người Pháp Jean-Baptiste-André Dumas. Trong thời gian đó, ông bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc của sự sống và làm việc trong lĩnh vực ánh sáng phân cực và tinh thể học.

Năm 1848, chỉ vài tháng sau khi nhận bằng tiến sĩ, trong khi đang nghiên cứu các tính chất của tinh thể hình thành trong quá trình sản xuất rượu vang thì Pasteur phát hiện ra rằng các tinh thể xuất hiện ở các dạng ảnh phản chiếu qua gương, một tính chất được gọi là bất đối xứng [chirality*]. Khám phá này đã trở thành nền tảng của một phân ngành hóa học được gọi là hóa học lập thể, nghiên cứu về sự sắp xếp không gian của các nguyên tử trong các phân tử. Tính bất đối xứng, hay tính có tay thuận [handedness] này của các phân tử là một “giả thuyết mang tính cách mạng” vào thời điểm đó.

Những phát hiện này khiến Pasteur nghi ngờ điều mà sau này sẽ được chứng minh thông qua sinh học phân tử: Tất cả các quá trình sống cuối cùng đều bắt nguồn từ sự sắp xếp chính xác của các nguyên tử bên trong các phân tử sinh học.

Rượu và bia – từ quá trình lên men đến lý thuyết vi trùng

Bia và rượu rất quan trọng đối với nền kinh tế của Pháp và Ý trong những năm 1800. Trong thời đại của Pasteur, chuyện các sản phẩm này bị hỏng khiến chúng đắng hơn hoặc gây nguy hiểm khi uống thường xảy ra. Vào thời điểm đó, khái niệm khoa học về "thuyết tự sinh" [spontaneous generation] cho rằng sự sống có thể phát sinh từ vật chất không sống, thứ được cho là thủ phạm làm hỏng rượu.

Trong khi nhiều nhà khoa học cố gắng bác bỏ thuyết tự sinh, thì vào năm 1745, nhà sinh vật học người Anh John Turberville Needham tin rằng ông đã tạo ra một thí nghiệm hoàn hảo ủng hộ cho thuyết này. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng sức nóng giết chết sự sống, vì vậy Needham đã tạo ra một thí nghiệm để chứng minh rằng vi sinh vật có thể phát triển trên thực phẩm, ngay cả sau khi được đồ ăn đã được đun sôi. Sau khi đun sôi nước dùng gà, ông đặt nó vào một cái bình, hâm nóng, sau đó đậy kín và chờ đợi mà không nhận ra rằng không khí có thể tràn lại vào bên trong trước khi bình được bịt kín. Sau một thời gian, vi sinh vật sinh sôi nảy nở và Needham tuyên bố thắng cuộc.

Tuy nhiên, thí nghiệm của ông có hai sai sót lớn. Thứ nhất, thời gian đun sôi không đủ để tiêu diệt tất cả vi khuẩn. Và quan trọng là, những chiếc bình của ông cho phép không khí chảy ngược vào trong, gây nhiễm khuẩn.

Để giải quyết cuộc chiến khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã tài trợ một cuộc thi để tìm ra thí nghiệm tốt nhất để chứng minh hoặc bác bỏ thuyết tự sinh. Phản ứng của Pasteur trước cuộc thi là một loạt các thí nghiệm, bao gồm cả một bài tiểu luận đoạt giải năm 1861.

Pasteur cho thấy một trong những thí nghiệm này “không thể bác bỏ và có tính quyết định” bởi vì, không giống như Needham, sau khi khử trùng các mẫu cấy của mình, ông đã giữ chúng không bị nhiễm khuẩn. Bằng cách sử dụng những chiếc bình cổ thiên nga nổi tiếng hiện nay, với cổ bình dài hình chữ S, ông cho phép không khí đi vào đồng thời ngăn các hạt rơi xuống nước dùng trong quá trình đun nóng. Kết quả là, không có vi khuẩn sinh trưởng trong bình suốt một thời gian dài. Điều này cho thấy, nếu không khí không được đưa trực tiếp vào dung dịch đã đun sôi thì sẽ không có “vi sinh vật sống nào xuất hiện, thậm chí sau nhiều tháng quan sát”. Tuy nhiên, điều quan trọng là nếu để bụi lọt vào, vi sinh vật sống sẽ xuất hiện.

Thông qua quá trình đó, Pasteur không chỉ bác bỏ thuyết tự sinh mà còn chứng minh rằng vi sinh vật có ở khắp mọi nơi. Khi ông chỉ ra rằng thực phẩm và rượu bị hư hỏng do nhiễm vi khuẩn vô hình chứ không phải do tự phát sinh, lý thuyết mầm bệnh hiện đại đã ra đời.

Những khám phá của Pasteur còn vang vọng cho đến tận ngày nay.

Nguồn gốc của tiêm chủng vào những năm 1800

Vào những năm 1860, khi ngành công nghiệp tơ lụa đang bị tàn phá bởi hai căn bệnh lây nhiễm cho tằm, Pasteur đã phát triển một quy trình thông minh để kiểm tra trứng tằm dưới kính hiển vi và bảo quản những con giống khỏe mạnh. Giống như những nỗ lực với rượu vang, ông áp dụng những quan sát của mình vào các phương pháp công nghiệp, và Pasteur đã trở thành một anh hùng của nước Pháp.

Ngay cả khi sức khỏe suy yếu do cơn đột quỵ nghiêm trọng khiến ông bị liệt một phần, Pasteur vẫn tiếp tục công việc của mình. Năm 1878, ông đã thành công trong việc xác định và nuôi cấy vi khuẩn gây bệnh dịch tả gà. Ông nhận ra rằng các môi trường nuôi cấy vi khuẩn cũ không còn gây bệnh và những con gà được tiêm phòng bằng các vi khuẩn được nuôi cấy có thể sống sót khi tiếp xúc với các biến thể tự nhiên của loại vi khuẩn này. Và quan sát của ông rằng những con gà sống sót sau khi mắc bệnh vẫn bài tiết vi khuẩn có hại đã giúp thiết lập một khái niệm quan trọng mà giờ đây đã quá quen thuộc trong thời đại COVID-19 – “người lành mang mầm bệnh” dù không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh trong các đợt bùng phát.

Sau dịch tả gia cầm, Pasteur chuyển sang phòng chống bệnh than, một bệnh dịch phổ biến ở gia súc và các động vật khác do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Dựa trên công trình của chính mình và của bác sĩ người Đức Robert Koch, Pasteur đã phát triển khái niệm về các phiên bản giảm độc lực hoặc bị suy yếu của vi sinh để sử dụng trong vắc-xin.

Vào cuối những năm 1880, ông đã chứng minh rõ ràng rằng việc cho gia súc tiếp xúc với một dạng vắc-xin bệnh than giảm độc lực có thể mang lại trạng thái mà ngày nay được gọi là khả năng miễn dịch, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của gia súc.

Virus bệnh dại chết người. Mặc dù có thể phòng ngừa bằng vắc-xin nhưng bệnh dại vẫn giết chết khoảng 59.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Nano Clustering/Thư viện ảnh khoa học qua Getty Images

Đột phá vắc-xin phòng bệnh dại

Theo đánh giá chuyên môn của tôi về Louis Pasteur, việc phát hiện ra vắc-xin phòng bệnh dại là quan trọng nhất trong tất cả những thành tựu của ông.

Bệnh dại được gọi là “loại virus nguy hiểm nhất thế giới,” lây lan từ động vật sang người qua vết cắn.

Làm việc với virus bệnh dại là cực kỳ nguy hiểm, vì tỷ lệ tử vong lên tới 100% khi các triệu chứng xuất hiện và không được tiêm phòng. Thông qua sự quan sát sắc sảo, Pasteur đã phát hiện ra rằng việc làm khô tủy sống của những con thỏ và khỉ mắc bệnh dại đã chết tạo ra một dạng virus bệnh dại suy yếu. Sử dụng phiên bản yếu đi đó như một loại vắc-xin để cho chó tiếp xúc dần với vi-rút bệnh dại, Pasteur đã chứng minh rằng ông có thể tạo miễn dịch hiệu quả cho chó chống lại bệnh dại.

Sau đó, vào tháng 7 năm 1885, Joseph Meister, một cậu bé 9 tuổi ở Pháp, bị một con chó dại cắn rất nặng. Khi Joseph đối mặt với cái chết gần như chắc chắn, mẹ cậu đã đưa cậu đến Paris để gặp Pasteur vì bà nghe nói rằng ông đang nghiên cứu để phát triển một phương pháp chữa bệnh dại.

Pasteur tiếp nhận ca bệnh và cùng với hai bác sĩ, ông đã tiêm cho cậu bé một loạt mũi vắc-xin trong vài tuần. Joseph sống sót và Pasteur đã gây chấn động thế giới với cách chữa trị căn bệnh chết người toàn cầu. Phát hiện này đã mở đường cho việc sử dụng rộng rãi vắc-xin bệnh dại của Pasteur vào khoảng năm 1885, giúp giảm đáng kể số ca tử vong do bệnh dại ở người và động vật.

Một cuộc đời đáng được trao giải Nobel

Pasteur đã từng phát biểu một câu nói nổi tiếng trong một bài giảng, “Trong lĩnh vực quan sát, cơ hội chỉ ưu ái những ai đã chuẩn bị sẵn.”

Pasteur có biệt tài áp dụng trí óc khoa học lỗi lạc – và được chuẩn bị sẵn sàng – của mình vào những nan đề thực tế nhất mà nhân loại phải đối mặt.

Trong khi Louis Pasteur qua đời trước khi giải Nobel được thành lập, tôi sẽ lập luận rằng cuộc đời khám phá và đóng góp đáng kinh ngạc của ông cho khoa học về y học, bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, vi sinh y tế và miễn dịch học đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tác giả

Rodney E. Rohde
Rodney E. Rohde

Giáo sư Khoa học Phòng thí nghiệm Lâm sàng của Regents, Đại học Bang Texas

Rodney E. Rohde đã nhận được tài trợ từ Hiệp hội các nhà bệnh học lâm sàng Hoa Kỳ (ASCP), Hiệp hội Khoa học Phòng thí nghiệm Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCLS), Bộ Lao động Hoa Kỳ (OSHA) và các tổ chức/tổ chức công và tư khác. Rohde liên kết với ASCP, ASCLS, ASM và phục vụ trong một số ban cố vấn khoa học. Xem https://rodneyerohde.wp.txstate.edu/service/.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Louis Pasteur’s scientific discoveries in the 19th century revolutionized medicine and continue to save the lives of millions today, Theconversation, Sep 28, 2022.


Chú thích:

* Người dịch: Từ chirality có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “bàn tay”. Chirality là thuật ngữ chỉ hiện tượng một vật thể và hình ảnh phản chiếu của nó qua gương, tựa như bàn tay trái và bàn tay phải, không thể nằm chồng khít lên nhau dù có thành phần giống nhau. Tùy vào cách sắp xếp trong không gian, một phân tử bất đối xứng như thế sẽ được phân loại là thuận tay trái hay thuận tay phải.

Print Friendly and PDF