29.7.23

Sự trỗi dậy về mặt chính trị của nền Đại Công Nghệ (Big Tech)

SỰ TRỖI DẬY VỀ MẶT CHÍNH TRỊ CỦA NỀN ĐẠI CÔNG NGHỆ (BIG TECH)

Phỏng Vấn Bà Allison Stanger do Jules Naudet thc hiện

bản dịch tiếng Pháp của Ariel Suhamy

Với sự trợ giúp của CASBS

Sự tiến hóa của công nghệ đã vượt qua pháp luật hiện hành, tạo ra khoảng trống trong lĩnh vực cai quản. Nhu cầu cấp thiết về một sự đổi mới các quy định có thể sẽ dẫn đến các hệ thống tự chủ và khép kín, đồng thời làm tăng thêm sự phân mảnh của trật tự toàn cầu.

Ấn phẩm này là một phần trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung tâm Nghiên cứu Nâng cao về Khoa học Hành vi/Center for Advanced Study in the Behavioral Sciences. Có thể xem danh sách đầy đủ ở đây.

 

Allison Stanger

Allison Stanger là Giáo sư thực thụ của ghế giáo sư Russell Leng '60 về Chính Trị Quốc Tế và Kinh Tế Học tại Đại Học Middlebury. Bà cũng là giáo sư thỉnh giảng và là thành viên của Hội đồng Khoa học của Viện Santa Fe. Bà là tác giả của cuốn sách Những người thổi còi tố cáo: Sự trung thực ở Mỹ từ Washington đến Trump/ Whistleblowers: Honesty in America from Washington to Trump (Nhà xuất bản Đại học Yale, 2019) và Một quốc gia theo hợp đồng: Gia công quyền lực Mỹ và tương lai của chính sách đối ngoại/ One Nation Under Contract: The Outsourcing of American Power and the Future of Foreign Policy (Nhà xuất bản Đại học Yale, 2009). Bà là đồng biên tập (với W. Brian Arthur và Eric Beinhocker) cuốn Kinh tế phức hợp/Complexity Economics / (SFI Press, 2020). Bà đã nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Harvard, nơi bà đã trải qua năm học 2019-2020 với tư cách là chuyên viên cấp cao về công nghệ và giá trị con người tại Trung tâm Đạo đức Edmond J. Safra. Bà là đồng tác giả của Lộ trình phục hồi đại dịch của Trung tâm và là Cố vấn cấp cao của Mạng lưới Nhân văn Hannah Arendt/ Hannah Arendt Humanities Network. Allison Stanger là Giáo sư Đạo đức và Lịch sử Hoa Kỳ của ghế giáo sư Cary và Ann Maguire tại Thư viện Quốc hội và là Thành viên CASBS 2020-21.

Với tư cách là Nhà nghiên cứu liên kết của CASBS, Allison Stanger đang thực hiện một cuốn sách có tựa đề tạm thời là Ai đã bầu chọn công nghệ lớn/ Who Elected Big Tech? Bà cũng đồng lãnh đạo với James Guszcza, Sáng kiến ​​Lý thuyết về Thực tiễn của Trí tuệ Nhân Tạo /Theory of AI Practice. Đặc biệt, bà nghiên cứu tác động của đổi mới công nghệ đối với sự bền vững của nền dân chủ và những thành kiến ​​mà các hệ hình lý thuyết của chúng ta khi suy nghĩ về các thị trường toàn cầu và sự cai quản quốc gia có thể ảnh hưởng đến các quan sát và giá trị của chúng ta.

 

La Vie des Idées: Dòng chảy của những đổi mới công nghệ liên tục sau cuộc cách mạng internet đã dần thay đổi cách chúng ta lướt mạng trong thế giới ngày nay. Từ thông tin tốc độ cao đến dư thừa nội dung, từ những cookie đến giám sát hành vi vĩnh viễn, từ ngân hàng trực tuyến đến bitcoin, từ làm việc từ xa đến viễn cảnh về một thế giới thực tế ảo có mặt khắp nơi, có vẻ như các khung và các cấu trúc của thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay đang trải qua những biến đổi triệt để. Bà sẽ mô tả thời điểm chính xác này trong lịch sử mà chúng ta đang sống như thế nào?

Allison Stanger: Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi đa chiều. Trong nền kinh tế toàn cầu của chúng ta, chúng ta đang chứng kiến ​​sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa các chính phủ quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia. Trong thế giới tự do, quyền lực đã chuyển từ tay chính phủ sang tay của Big Tech.

Cộng đồng khoa học và công chúng ngày càng nhận thức được rằng công nghệ mang lại những khả năng chưa từng có, đồng thời gây tổn hại đối với cuộc sống riêng tư, sự công bằng và nền dân chủ. Điều ít được biết đến là sự thay đổi chưa từng có trong cán cân quyền lực giữa ngành công nghiệp đa quốc gia và chính phủ các quốc gia đã là điều kiện cần thiết cho những thách thức mới này. Nếu không phải như vậy, làm sao một tổng thống Mỹ được bầu cử tự do lại có thể bị Google, Twitter và Facebook bịt miệng? Làm thế nào Instagram và Facebook có thể bị buộc tội cố ý làm hại thanh thiếu niên mà không bị chính quyền xử phạt? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đang chuyển từ sự phụ thuộc vào Internet, còn được gọi là Web2, sang Metaverse, một thế giới Web3. Tiền mã hoá, dựa vào các chuỗi khối, là một kiến ​​trúc sơ cấp trong vũ trụ mới nổi này. Chúng ta chỉ mới thoáng thấy điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu. Cách tốt nhất để nghĩ về nó là hiểu rằng việc tạo ra giá trị đến từ các ứng dụng được xây dựng cho mỗi thế giới. Giống như Facebook, được biết đến nhờ dựa vào internet, một công ty mới sẽ làm đảo lộn thế giới của chúng ta bằng cách dựa vào các chuỗi khối.

La Vie des Idées: Nhân học cấu trúc đã trình bày một cách kinh điển, giả thuyết về sự tương đồng hoặc tương ứng giữa một bên là thế giới vật chất được kiến ​​tạo mà chúng ta đang sống và bên kia là sự sắp xếp của các nhóm xã hội và “các hình thức phân loại” qua đó chúng ta nhận thức được bản thân và thế giới. Bà có đi tới mức mở rộng phép loại suy này đến một quan niệm kiến trúc về các cấu trúc kỹ thuật số của chúng ta không? Trong chừng mực nào, Bà cho rằng hệ thống máy tính, internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, v.v. biến đổi cách chúng ta hiểu thế giới chúng ta đang sống và cách chúng ta cố gắng hành động trong đó?

Allison Stanger: Hoàn toàn đúng là đổi mới công nghệ đang thay đổi cách mà chúng ta gắn ý nghĩa cho thế giới của mình và tương tác với nó. Để so sánh giữa Web2 và Web3, có lẽ chúng sẽ là hai thế giới rất khác nhau. Trong Web2, lực mang tính đồng nhất hóa của sự toàn cầu hóa dường như không thể cưỡng lại được. Trong Web3, toàn cầu hóa có lẽ đã đạt đến giới hạn tự nhiên của nó, vì những người bình thường nổi dậy chống lại, một cách chính đáng, sự vô nghĩa hiển nhiên của một thế giới được trang bị với một nền văn hóa toàn cầu, mà các thế lực trừu tượng từ bên ngoài chống lại. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chuyên quyền đã cấm tiền mã hoá, điều đó có nghĩa là công dân Trung Quốc khó có thể trải nghiệm một thế giới trong đó bất kỳ ai cũng có thể triển khai một đồng tiền mã hoá và một chuỗi khối. Chúng ta sẽ thấy sự phân chia Web3 thành những hệ thống đóng, giống như cách trí tuệ nhân tạo hiện đang được triển khai ở Trung Quốc và các hệ thống mở, giống như những hệ thống sẽ được tìm thấy trong thế giới tự do. May mắn thay, chúng ta đã học được rằng chúng ta không thể nào để công nghệ làm rối loạn thế giới hiện tại của chúng ta mà không cố gắng định hướng quỹ đạo của công nghệ theo cách mang tính xây dựng về mặt xã hội, bởi vì sự thất bại về mặt này đã từng gây thiệt hại cho thế giới của Web2. Ngược lại, chúng ta sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa để can thiệp trước khi những hậu quả tiêu cực và ngoài ý muốn của việc đổi mới công nghệ bắt đầu bóp nghẹt các giá trị mà chúng ta trân trọng, chẳng hạn như tự do, bình đẳng và dân chủ tự do.

Chúng ta nên bắt đầu đặt những câu hỏi như: làm thế nào mà nước Mỹ lại đi đến mức các công ty công nghệ lớn đã nhận trách nhiệm thực thi luật pháp và trật tự quốc gia (ví dụ: loại Donald Trump khỏi các nền tảng của họ) khi Washington đã thất bại? Hậu quả nào đối với công bằng xã hội bắt nguồn từ sự chuyển giao quyền lực này trong nền kinh tế toàn cầu bao gồm các tập đoàn đa quốc gia và lực lượng lao động đa dạng? Trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, thế giới tự do đang trải qua một thời điểm thuận lợi cho sự lý thuyết hóa kinh tế chính trị chưa từng có kể từ thời đại của các cuộc cách mạng dân chủ và cộng sản.

La Vie des Idées: Có phải tính vật chất của thế giới “cũ” đang trở nên lỗi thời vì những cách trải nghiệm thế giới mới của chúng ta? Bà xem xét nỗi sợ hãi của những người nhìn thấy nguy cơ trong sự chuyển sang tình trạng mọi sự việc đều là ảo và trở thành xa lạ với thực tại như thế nào?

Allison Stanger: Nếu có điều gì mà đại dịch đã dạy cho các nhà giáo dục, thì đó là không gì có thể thay thế được việc tương tác mặt đối mặt với những con người khác. Đây là cách chúng ta học hỏi và phát triển một cách tối ưu. Đồng thời, tôi nhìn thấy một cơ hội to lớn trong các hình thức kết hợp/lai tạp giữa giao tiếp ảo và 3D trong giáo dục đại học. Ví dụ: vào tháng 3 năm 2020, tôi đang dạy lớp Các chính sách thực tế ảo tại Harvard và chỉ trong ngày lớp của tôi đã phải chuyển từ hội thảo trực tiếp sang trải nghiệm Zoom. Vì chúng tôi đã thiết lập một cộng đồng học tập trực tiếp nên quá trình chuyển đổi này không gây khó khăn. Nếu khóa học hoàn toàn trực tuyến ngay từ đầu, mọi chuyện đã khác hẳn. Chi phí giáo dục đại học tăng vọt và các công nghệ đàm thoại ảo mới, chẳng hạn như Zoom, đã cho thấy rõ rằng giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đã sẵn sàng bị xáo trộn. Những người chiến thắng lớn sẽ là những người có thể học hỏi trong các môi trường lai tạp một cách sáng tạo, trong đó một số bộ phận của quá trình học diễn ra một cách không đồng bộ (như với các bài học được ghi âm), những số khác trong thời gian thực qua Zoom (môi trường ảo) và một số khác kết hợp Zoom và bài giảng ở lớp, đó là hình thức điển hình cho các lớp học của tôi vào mùa xuân này, với rất nhiều sinh viên bị nhiễm COVID, mặc dù đã được tiêm phòng và bổ sung vitamin.

Thông qua thử nghiệm bị ép buộc, chúng tôi tìm hiểu những gì vận hành hiệu quả và những gì vận hành không hiệu quả. Điều rõ ràng là sức khỏe tinh thần của sinh viên xấu đi khi các lớp học hoàn toàn trực tuyến. Đây là lý do tại sao tôi nói rằng các phương pháp lai tạp sáng tạo giữa học từ xa và học trực tiếp cuối cùng sẽ thắng thế. Nhưng dù chúng ta có nói gì đi nữa, cái ảo cũng không có giá trị, ngay cả với những bức ảnh đẹp nhất và phong cảnh 3D, của cái thực tế là được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm thế giới thông qua năm giác quan của chúng ta. Con người luôn tìm thấy sự bình yên khi đồng cảm với thiên nhiên và những người khác trong thời gian thực và tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ sớm thay đổi.

La Vie des Idées: Nghiên cứu của bà giúp hiểu hoặc quản lý hậu quả của những biến đổi này như thế nào? Chúng cho chúng ta biết gì về những tác động mà những biến đổi này gây ra đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

Allison Stanger: Tôi hiện đang viết một cuốn sách có tựa đề Who Elected Big Tech?/Ai bầu chọn Big Tech? Đây là lịch sử chính trị về sự tiến hóa của cán cân quyền lực giữa ba công ty công nghệ khổng lồ (Amazon, Facebook và Google) và chính phủ, từ năm 2002, năm mà Facebook niêm yết cổ phiếu, cho đến cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1 và những hậu quả tức thì của nó. Phần kết đưa ra hình ảnh phản chiếu của con đường trong gương chiếu hậu và của con đường phía trước. Thay vì lặp đi lặp lại những tổ chức bị buộc tội thông thường — một đảng Cộng hòa đang trôi dạt, sự phân cực chính trị, vai trò của mạng xã hội trong sự leo thang của các xung đột — Ai đã bầu chọn Big Tech? kể lịch sử về sự vươn lên nắm quyền chính trị của Big Tech, cả từ góc nhìn của các giám đốc điều hành của Facebook, Google và Amazon và của một số nhân viên ít được đại diện trong hàng ngũ lực lượng lao động với sự thống trị của nam giới của mỗi công ty. Chúng ta cần cả hai quan điểm để hiểu cách Big Tech làm sáng tỏ hiện tượng Donald Trump, nhưng không phải về môi trường làm việc của chính những nhân viên của họ.

Khi khảo sát việc chúng ta đã đi đến mức các tập đoàn phải can thiệp để làm công việc của chính phủ như thế nào, cuốn sách cho thấy rằng quy mô hay độc quyền không phải là vấn đề chính. Chính mô hình kinh doanh chạy theo quảng cáo thu lợi nhuận từ sự thao túng ở bên ngoài đang phá hoại ngầm sự ổn định của nền dân chủ, tạo ra sự thoả hiệp không thể tránh khỏi giữa lợi nhuận toàn cầu và nền an ninh của Mỹ. Cuốn sách của tôi tập trung vào sự công bằng và sự cai quản, đặt những vấn đề này trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn và xem xét những hệ lụy của chúng dưới ánh sáng của Tu chính án thứ nhất và trên lĩnh vực của sự bảo vệ sự bình đẳng. Nó tiếp cận vấn đề về công nghệ và chính trị như một vấn đề cần phải giải quyết trong thời đại quyền lực của các tập đoàn xuyên quốc gia và của chủ nghĩa độc đoán kỹ thuật số.

Bất chấp thực tế này, Washington hiện đang cố gắng kềm chế sức mạnh mới của Big Tech bằng các công cụ của thời đại đã qua. Cả hai bên đều đeo kính cần phải được điều chỉnh. Big Tech là một cách gọi sai vì mỗi gã khổng lồ này đều khác nhau. Ngoài ra, Kỷ nguyên vàng thứ hai không giống như kỷ nguyên đầu tiên, vì Big Tech và các chuỗi cung ứng của nó là các tập đoàn toàn cầu vốn, trong nhiều trường hợp, cung cấp dịch vụ miễn phí để đổi lấy dữ liệu. Trong bối cảnh này, những cách tiếp cận lỗi thời sẽ vô tình gạt tiếng nói của người dân ra ngoài lề và càng làm hại đến nền dân chủ, cả trong lĩnh vực công cộng và trong nội bộ các tập đoàn này.

La Vie des Idées: Việc các công ty công nghệ lớn và các Quốc gia có thể đạt đến khả năng toàn thị (panopticon) có tạo ra mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ không? Bà có thấy có những cách nào những công nghệ mới này có thể trao quyền cho công dân và củng cố nền dân chủ không?

Allison Stanger: Không phải cái khả năng toàn thị đe dọa thế giới tự do. Hình ảnh này mô tả đúng hơn tình hình mà người Nga và người Trung Quốc hiện đang gặp phải. Tại Hoa Kỳ, sự phát triển công nghệ đơn giản là đã vượt qua luật hiện hành, tạo ra khoảng trống cai quản không phải là điều mà Big Tech mong muốn. Đó là lý do tại sao bạn thấy Facebook phổ biến các diễn đàn trên các hãng tin tức mà giới thượng lưu của Washington đọc kêu gọi cải cách Mục 230 của Đạo luật Viễn thông. Vâng, tại Hoa Kỳ, Facebook đang công khai thúc đẩy để được quản lý!

Hơn nữa, chính các tập đoàn nắm giữ phần lớn các thông tin cá nhân của người Mỹ chứ không phải chính phủ liên bang, bất chấp điều mà một số nhà lý thuyết âm mưu cánh tả và cánh hữu có thể gợi ý. Về cơ bản, chúng ta đang ở trong tình huống mà những gì chúng ta muốn với tư cách là người tiêu dùng (các sản phẩm truyền thông xã hội miễn phí) hóa ra lại có hại cho chúng ta với tư cách là công dân (trong chừng mực mà những sản phẩm đó thao túng chúng ta bằng dữ liệu mà chúng ta đã tự nguyện chia sẻ). Chúng ta có thể ủng hộ nền dân chủ bằng cách đơn giản là vận động để chính phủ thực hiện công việc của mình và giữ cho các cuộc bầu cử không có sự can thiệp của nước ngoài.

Tình hình ở châu Âu phức tạp hơn, bởi vì như Cơ Quan An Ninh Quốc Gia/National Security Agency thích lặp lại, “tu chính án thứ tư không áp dụng cho người nước ngoài”. Nói cách khác, Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền riêng tư của công dân Mỹ, nhưng không bảo vệ quyền riêng tư của người châu Âu. Đây là lý do tại sao các cải cách của châu Âu như GDPR là những đổi mới đáng hoan nghênh. Điều tôi muốn thấy là Hoa Kỳ mở rộng Tu chính án thứ tư cho công dân của các đồng minh NATO, để thúc đẩy sự hợp tác mạnh hơn trong cuộc đấu tranh giành tự do chống lại chế độ chuyên chế. Cuộc xâm lược Ukraine là một sự kiện bi thảm, nhưng lòng dũng cảm của người dân Ukraine đã giúp phương Tây nhớ lại đến những gì đoàn kết chúng ta hơn là những gì chia rẽ chúng ta. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể duy trì đà hợp tác này, bởi vì tương lai của tự do phụ thuộc vào điều đó.

Hồ sơ:

Faut-il avoir peur de la révolution numérique?/Chúng ta có nên sợ cuộc cách mạng kỹ thuật số?

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:L’ascension politique du Big Tech, La vie des idées, 8.6.2022.

Print Friendly and PDF