23.2.24

Angela Davis: “Âm nhạc có thể dạy chúng ta cảm giác được tự do”

NGHỆ THUẬT

ANGELA DAVIS: “ÂM NHẠC CÓ THỂ DẠY CHÚNG TA CẢM GIÁC ĐƯỢC TỰ DO”

Thứ bảy 16/12/2023

Tác giả: Elvan Zabunyan

Nhà sử học nữ về nghệ thuật đương đại

Trong khuôn khổ của Lễ hội Mùa thu, ngày 19 tháng 11 vừa qua, chúng ta đã có thể nghe Elvan Zabunyan và Angela Davis cùng thảo luận về cách Angela nhìn nhận tầm quan trọng của nghệ thuật và các nghệ sĩ trong đấu tranh cho tự do, công bằng, bình đẳng. Cuộc đối thoại này, gần đúng năm năm sau, nằm trong phương hướng tương tự như cuộc phỏng vấn đã được đăng tải trên các cột báo của chúng tôi vào tháng 11 năm 2018.

Angela Davis (1944-)

Vì cuộc gặp gỡ với Angela Davis ngày 19 tháng 11 vừa qua diễn ra tại Nhà hát Thành phố (Théâtre de la Ville - Paris), trong khuôn khổ của Lễ hội Mùa thu, một lễ hội văn hóa luôn cổ súy cho vị trí của những người tiên phong, tôi cảm thấy thú vị để tiếp tục cuộc trao đổi của chúng tôi vào mùa hè năm 2020[1] lúc toàn thế giới vừa sống trong đại dịch vừa chứng kiến một phong trào phản đối kỳ thị chủng tộc sau cái chết của George Floyd. Angela Davis đã kết thúc cuộc đàm thoại của chúng tôi bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật và các nghệ sĩ “trong sự phát triển các cuộc đấu tranh của các dân tộc vì dân chủ, công bằng, tự do và bình đẳng”. Những cuộc đấu tranh này cũng là những cuộc đấu tranh phản đối những bất bình đẳng xã hội, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa phân biệt giới tính, chống đồng tính và chuyển giới. Angela Davis tranh đấu trong lĩnh vực này từ gần 60 năm nay, những ý tưởng của bà còn và sẽ mãi mãi ăn sâu trong thời sự và trong công việc của bà như một triết gia và trí thức, bà nhìn những sức mạnh của quá khứ để nêu rõ ảnh hưởng của chúng trong hiện tại, đồng thời xác nhận những lỗ hổng giữa các thời kỳ và nhiều di sản vốn lặp lại những tương quan quyền lực và thống trị.

Angela Davis rất chú ý nhấn mạnh sức mạnh của những thế hệ đấu tranh mới, và như bà nói, họ đứng trên vai những thế hệ đi trước để bảo vệ những ý tưởng về công bằng, hòa bình và bình đẳng, trong mọi bối cảnh văn hóa trên quy mô toàn cầu. Trong những xã hội này, tồn tại những nghịch lý giữa ý chí phát huy tự do ngôn luận vốn tạo nên định nghĩa về dân chủ đồng thời ngăn cản cơ hội diễn đạt những ý kiến căn bản chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử về xã hội, văn hóa, chủng tộc, tôn giáo hoặc phân biệt giới. Theo quan điểm này, về phần tôi, tôi tự hỏi về điều mà tôi gọi là sự thường trực của những ý tưởng triết học, xã hội và chính trị, nhưng còn là nghệ thuật và thơ ca vốn dĩ giúp định hướng hành động vì sự tiến bộ về dân chủ cho đến thời kỳ gần nhất. Làm thế nào để khắc sâu những ý tưởng này trong thời gian, như những cột mốc để bám vào mặc dù có những thời kỳ bị xáo trộn? Chính là trong quan điểm này mà tôi mong muốn dùng những ý niệm về tự do và giải phóng như sợi chỉ dẫn dắt cuộc đàm thoại của chúng tôi.

Để suy nghĩ về những vấn đề này, liên tục với cuộc trao đổi năm 2020 của chúng tôi (và từ sự lựa chọn các tác phẩm âm nhạc và thiết bị nghe nhìn mà tôi đã đề nghị với Angela Davis và bà đã bổ sung bằng những đề nghị liên quan đến những công trình mới hơn của bà[2]), tôi đã muốn đi theo những gì bà nói về tầm quan trọng của nghệ thuật vốn dĩ như một ngọn hải đăng, bằng cách gợi lên vai trò chính yếu của các nam, nữ nghệ sĩ và thi sĩ, và nhờ những tác phẩm và trực giác của họ, họ là những người nêu ra những phương cách để được tự do. Khi đó Angela Davis đã nhấn mạnh điều này: “Thường, người ta giả định rằng những gương mặt quan trọng nhất của phong trào là những nhà lý thuyết, những nhà hùng biện, những nhà tổ chức, nam cũng như nữ. Ta giả định rằng chính họ làm công việc quan trọng nhất về xây dựng các phong trào và nghệ thuật chỉ giúp cho chúng ta dễ tiếp nhận hơn những ý tưởng này. Nghệ thuật thường được xem như điều mà chúng ta có thể gọi là giải trí của phong trào, một dạng giải khuây, một khoảnh khắc mà bạn được giải phóng khỏi trách nhiệm phải suy nghĩ quá sâu sắc để đơn giản là được cảm nhận niềm vui. Tôi nghĩ rằng, chính xác vì nghệ thuật giúp chúng ta cảm nhận những mối liên hệ đã tập hợp chúng ta lại, cùng trải nghiệm những điều khả dĩ cho tương lai, cho nên nghệ thuật đóng một vai trò sâu sắc trong sự phát triển các phong trào xã hội triệt để. Tôi thường lưu ý rằng nghệ thuật, âm nhạc, văn học, điện ảnh hay thơ ca giúp chúng ta cảm nhận được những gì chúng ta chưa định hình. Trong ý nghĩa đó, nghệ thuật là một ngọn hải đăng, nó soi sáng một tương lai mà chúng ta chưa tìm được cách mô tả trong những ngôn ngữ thông thường mà chúng ta sử dụng. Chúng ta phải thừa nhận nghệ thuật là thiết yếu nếu chúng ta muốn xây dựng một phong trào hướng về một tương lai tốt hơn, vì nghệ thuật chỉ cho chúng ta tương lai ấy có thể được cảm nhận như thế nào.”

Ta hiểu rằng nghệ thuật là một sự dấn thân, và bởi chính sự hiện diện của nó, nó khởi đầu những hình thức chưa từng có về giải phóng và hy vọng cho tự do. Trong công trình của Angela Davis, điều liên quan đến những áp bức chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa thuộc về một câu chuyện dài kể từ quá trình toàn cầu hóa đầu tiên với buôn bán nô lệ giữa châu Âu, châu Mỹ và châu Phi vào thế kỷ XVI và việc thiết lập chế độ nô lệ lưu đày người châu Phi qua châu Mỹ. Câu chuyện này có một di sản mà các nghệ sĩ khai thác từ bên trong. Angela Davis cũng nói và tôi thấy dường như đó là điều cốt yếu: “Nghệ thuật lớn giúp chúng ta thoát khỏi cuộc đời của chúng ta, nó làm chúng ta cảm thấy điều gì đó ngay cả trước khi chúng ta biết diễn đạt nó như thế nào”, “Nghệ thuật nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không bị bắt buộc phải thừa nhận điều được cho, đơn giản chỉ vì được cho. Đúng hơn, nghệ thuật giúp chúng ta nuôi dưỡng trí tưởng tượng – làm một điều gì mới với cái cũ”. EZ

Trong thời khắc chúng tôi cùng nhau – thuật ngữ “cùng nhau” này bao gồm cả công chúng mà tôi muốn cảm ơn về sự hiện diện và tình đoàn kết với niềm hy vọng mà chị là hiện thân –, ý tưởng là gợi lên vai trò quyết định của những sản phẩm nghệ thuật. Bằng cách giới thiệu các nghệ sĩ, điều đó cũng giúp chúng tôi tôn trọng nhiều nhất có thể mong ước của chị muốn bỏ qua vị trí của một biểu tượng, chị đã luôn luôn chọn thiên về biểu tượng của một phong trào có tính tập thể hơn.

Những câu hỏi của tôi giúp thu thập ý kiến của chị đồng thời biết rằng ý kiến ấy nằm trong thực trạng của hiện tại mà chúng ta đang sống, nhưng cũng băng qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ đã qua. Tôi muốn diễn đạt ý niệm về tự do này với một bài hát do Roberta Flack trình bày ở Accra năm 1971 nhân dịp lễ hội “Soul to Soul” mà tôi đã chọn chia sẻ để bắt đầu. Đó là nhân buổi hòa nhạc ở Ghana mà nghệ sĩ đã viếng thăm thành Elmina và Cape Coast ở đó những người bị bắt làm nô lệ đã bị giam giữ và cô đã hát chính bài này theo điệu a cappella trong kiến trúc mái vòm mà ký ức đau thương đã rung lên cùng với tiếng hát của cô.

Chị biết Roberta Flack và cô ấy đã đến thăm chị trong tù khi chị bị giam ở đó vào đầu những năm 1970, chị cũng nói về âm nhạc như một hình thức giải phóng, chị nói rằng nhờ nghe nhạc mà chị cảm thấy tự do hơn, rằng âm nhạc là một không gian để cảm nhận và cảm nhận lại sự đoàn kết, một cách tạo ra sự tôn trọng chính mình.

Tôi nghĩ điều rất quan trọng là thiết lập mối liên hệ này, có một cuộc đối thoại về mối tương quan giữa nghệ thuật và việc tìm kiếm tự do. Như chị đã nói, khi người ta hỏi tôi khi nào thì tôi cảm thấy tự do nhất, tôi trả lời là lúc tôi có cảm giác mạnh nhất về tự do chính là khi đang nghe nhạc. Nhưng không phải nghe một mình. Chính là lúc tôi nghe nhạc cùng với những người khác. Và tôi biết rằng sự tưởng tượng mà âm nhạc khơi dậy trong tôi là khác với sự tưởng tượng mà âm nhạc khơi dậy nơi những người khác và mỗi cá nhân, mỗi người trong chúng ta, vốn nghe nhạc cùng nhau, nhưng chúng ta sáng tạo ra điều khác. Mỗi người trong chúng ta đi trong một hành trình về một nơi khác, đến một thế giới tốt đẹp hơn. Và chính Roberta Flack là một trong những nữ ca sĩ làm cho chúng ta cảm nhận các sự vật một cách sâu sắc. Cứ mỗi lần tôi nghe cô ấy hát là tôi phát hiện ra một điều gì mới lạ. Nhưng tôi rất buồn mà nói với chị rằng hiện nay Roberta bị bệnh và đang ở bệnh viện.

Tôi xin thêm rằng âm nhạc của người Mỹ da đen thật sự ăn sâu vào việc tìm kiếm tự do. Đó là điều làm nên định nghĩa của nó. Lý do mà trên toàn thế giới người ta đã thừa nhận âm nhạc này chính xác vì đó là một thứ âm nhạc của sự thôi thúc này, cuộc đấu tranh vì tự do. Đó là một âm nhạc giải phóng [chú thích của Ban biên tập tại chí AOC: “nguyên văn bằng tiếng Pháp: Cười và vỗ tay”].

Tôi tiếp tục đà của mình vì tôi không thể không nói đến Nina Simone, cô ấy đã sống nhiều năm ở đây, tại Pháp, và một ngày cô đã quyết định không để giọng hát và tài năng của cô phục vụ những mục đích thương mại nữa, mà cô muốn bảo đảm rằng, qua nghệ thuật của mình, cuộc đấu tranh cho tự do sẽ tiếp tục. Và đó là điều cô đã làm. Tôi muốn trích dẫn lời này của chính cô, bài hát của cô “I Wish I Knew How It Would Feel To Be Free[*] bởi điều đó nói theo cách mà âm nhạc có thể cho chúng ta biết cảm giác được tự do ngay cả trước khi chính mình được trải nghiệm.

Blues Legacies and Black Feminism là một quyển sách rất quan trọng, được dịch sang tiếng Pháp với tiêu đề Blues et féminisme noir – Nhạc Blues và nữ quyền da đen - (Libertalia). Tác phẩm này là một nghiên cứu dài hơi về một số nữ ca sĩ nhạc Blues rất quan trọng, đáng chú ý là Bessie Smith, nhân nói về cô ấy, chị viết: “Bessie Smith đã thu âm nhiều bài hát đề cập đến những vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc và bất công về kinh tế, tội phạm, ngục tù, nghiện rượu, vô gia cư và sự bần cùng hóa không thể tránh khỏi của cộng đồng người da đen. Chị cũng nhắc đến “Poor Man’s Blues” mà cô ấy đã sáng tác và hát năm 1928, một năm trước cuộc Đại suy thoái kinh tế. Trong bộ tài liệu trình chiếu, tôi muốn nêu chân dung của Bessie Smith và tôi đã cố ý chọn một hình ảnh rất có tính rập khuôn do Carl Van Vechten thực hiện. Bức chân dung này thể hiện hình ảnh của cô khác với sự xuất hiện và chuyển tải công trình âm nhạc và sự nghiệp ca hát của cô. Chị đã mong muốn nhấn mạnh khía cạnh phân biệt chủng tộc của bức chân dung này.

Vâng, đó là một hình ảnh rất kỳ thị chủng tộc [chú thích của BBT tạp chí AOC: “nguyên văn bằng tiếng Pháp”]. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Van Vechten là một trong những nhà nhiếp ảnh quan trọng nhất trong thời đại của ông. Một nhà nhiếp ảnh da trắng. Ông đã chọn chụp hình những đối tượng da đen, nhưng trong một bối cảnh, trong một cảnh dàn dựng mà ngày nay ta dứt khoát cho là kỳ thị chủng tộc.

Chị dành gần bốn trang chỉ duy nhất cho bài hát này, đồng thời trở lại với những phân biệt đối xử về xã hội, chủng tộc, giới, và điều này, liên tục và phụ họa với cách đặt vấn đề của chị về thuyết nữ quyền chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ. Với chị, đây là một bài hát mang tính phản kháng. Ngày nay, bằng cách nào những tác phẩm này còn tác dụng như những dấu mốc?

Tôi sẽ đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Trước tiên, nhạc blues với tư cách là một thể loại âm nhạc đã được xem là một âm nhạc phi chính trị và không có tính phản kháng. Điều mà tôi cố gắng đề nghị như là một câu trả lời cho ý kiến đó, không phải là một sự chia cắt giản đơn – hoặc là phản kháng, hoặc là không. Lúc bấy giờ tôi đã xem nguồn tài liệu các bài hát blues như là tài liệu lưu trữ, bởi vì tôi đã nghĩ rằng không thể tìm thấy trong văn học viết những nguồn tài liệu mà tôi muốn dựa vào. Tôi đã viết một quyển sách trong đó tôi muốn khảo sát những đóng góp của phụ nữ da đen trong một cách nhìn có tính lịch sử. Lúc đó, tôi đã không dùng thuật ngữ “thuyết nữ quyền” (féminisme), nhưng tôi đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong những bài viết của các phụ nữ da đen, và điều tôi muốn chỉ ra là thuyết nữ quyền không phải là một hiện tượng của người da trắng. Thế nhưng, điều mà tôi đã thực hiện tiếp theo rốt cục là tôi đã dựa trên những văn bản tất nhiên là do những phụ nữ da đen viết ra, nhưng họ thuộc về tầng lớp trung lưu, những phụ nữ tiểu tư sản, có thể nói như vậy. Nhưng những phụ nữ mà tôi mong muốn quan tâm đến là những phụ nữ da đen nghèo, nhưng họ lại không làm văn học.

Như vậy, tình thế tiến hoái lưỡng nan của tôi là như sau: tôi đã tạo ra một điều gì đó mà nó không thực sự nói về những phụ nữ quan trọng nhất đối với tôi. Một cách tự nhiên đó chính là điều đã đưa tôi đến với nhạc blues, vốn là một hiện tượng của tầng lớp thợ thuyền. Một nền âm nhạc do người nghèo sáng tác và, trước hết là do những phụ nữ trong số những người da đen. Tất nhiên, nam giới cũng hát nhạc blues, nhưng không phải ở mức độ chuyên nghiệp, và chính là nhạc blues của phụ nữ đã tạo nên nền tảng cho điều mà ta biết về kỹ nghệ giải trí của người da đen. Phụ nữ là những người đầu tiên, trong những năm 1920, đã thu âm những đĩa nhạc blues. Và có quá nhiều người da đen đã lao vào các đĩa nhạc này và đã mua chúng đến nỗi rất nhanh chóng kỹ nghệ sản xuất đĩa nhạc đã nhận ra có thể làm ra tiền với các đĩa nhạc của những ca sĩ da đen. Và cũng chính ở đó chủ nghĩa tư bản tham gia vào câu chuyện.

Vậy nếu chị muốn biết trải nghiệm của tầng lớp lao động da đen, những người da đen nghèo, những phụ nữ da đen nghèo, kinh nghiệm của họ về thế giới vào thời kỳ đó, chị chỉ cần nghe nhạc blues. Chính phụ nữ là những người đưa ra những lời chứng đầu tiên, những biểu thị đầu tiên về bạo lực trên cơ sở giới. Và chị sẽ tìm thấy những điều này trong nhạc blues. Sau đó, rất nhiều những chủ đề này đã trở thành những cuộc chiến đấu của chủ nghĩa nữ quyền trong những năm 1960. Người ta có xu hướng tin rằng những vấn đề đó chỉ mới xuất hiện vào thời điểm những năm 1960, nhưng không, chính nhờ nhạc blues mà sự im lặng đã được đánh tan, ngay từ những năm 1920 và 1930.

Nếu ngày nay ta trở lại với công trình của chị, chúng ta phải nói về Abolition. Feminism. Now, quyển sách được xuất bản năm 2022. Dự án này cũng nằm trong một dự án lớn hơn đặc biệt được sự hỗ trợ của Gina Dent thuộc Đại học Santa Cruz tại California, về một khả năng “làm hiển hiện” sự bãi bỏ chế độ nô lệ, đặc biệt là với những sản phẩm nghệ thuật trong đó có dự án Music For Abolition, là một dự án dưới sự dẫn dắt của nhà soạn nhạc và tay trống nữ Terri Lyne Carrington. Tôi cũng trích dẫn nữ nhạc sĩ Cécile McLorin Salvant và cách cô ấy sử dụng tài liệu lưu trữ, bởi vì chị vừa nói về mối tương quan với tài liệu lưu trữ và những tài liệu được hiển thị này, âm thanh và biểu diễn đương đại nhạc blues ngày nay tồn tại như thế nào.

[Với công chúng và bằng tiếng Pháp – chú thích của ban biên tập] Quý vị có biết Cécile McLorin Salvant không? Bởi vì cô ấy là người Pháp và người Mỹ, có đúng không? Tôi nghĩ rằng cô ấy là một trong những nữ nhạc sĩ đương đại, nhất, nhất… hay nhất. Cô ấy cũng là một nhà nghiên cứu và âm nhạc của cô phản ánh một mối quan tâm sâu sắc đối với lịch sử và đặc biệt là đối với những bài hát do phụ nữ trình diễn, trong đó đáng chú ý là những bài hát (ballade) nói về những vụ giết người.

Nhưng nên gợi ra ở đây một chiều kích phức tạp hơn của âm nhạc của người da đen vốn không phải luôn luôn được cảm nhận qua lời bài hát. Điều mà tôi đã nhận thấy khi tôi thực hiện các nghiên cứu với kết quả đạt được là Blues Legacies and Black feminism, chính là, và điều này đúng cho nghệ thuật nói chung, ta không thể diễn giải âm nhạc theo sát lời. Ý nghĩa quan trọng nhất của lời bài hát không phải là nghĩa đen của chúng. Ví dụ, rất nhiều trong số những bài hát này nói về các quan hệ tình dục, và không phải khi nào cũng là tình yêu giữa những người khác giới tính. Rainey “của tôi” là một trong những nữ ca sĩ nhạc blues đầu tiên đã viết về tình yêu đồng tính nữ. Nhưng điều tôi muốn nói là suy nghĩ về cách mà những người da đen, vốn đã bị xiềng xích trong nhiều thế kỷ, rốt cục có thể, với nhạc blues, nhận ra một khía cạnh của tự do. Tất nhiên, chấm dứt nạn nô lệ không phải là khởi đầu của tự do, hãy còn xa. Đó chỉ là một cái khung khả dĩ cho tự do. W.E.B. DuBois đã phân tích một cách xuất sắc thời kỳ tiếp theo sự bãi bỏ chế độ nô lệ mà ta gọi là “Black reconstruction” (xây dựng lại lịch sử người da đen tại Mỹ - ND), và chỉ ra rằng những người da đen được giải phóng khỏi nô lệ thực ra không được tự do. Họ không được tự do trên phương diện kinh tế, chính trị, v.v., tuy nhiên, về một số khía cạnh trong cuộc sống của họ, họ đã có thể trải nghiệm tự do, quan trọng nhất là tự do đi lại, có khả năng di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không bị giám sát; hay còn là tự do tranh đấu cho việc học. Tất nhiên, còn có nhiều khía cạnh khác chưa đạt được, và ngay cả ngày nay chúng ta còn tiếp tục cuộc đấu tranh.

Nhưng tôi sẽ bổ sung phân tích của DuBois và nói rằng rốt cục sự tự do rõ ràng nhất, hiện thực nhất mà những người nô lệ được giải phóng có thể trải nghiệm chính là tự do tình dục. Đó là cuối cùng được giải phóng khỏi đòi hỏi của những ông chủ phải sản xuất, tái sản xuất, và tái sản xuất nữa chế độ nô lệ; và cuối cùng có thể có quyền lựa chọn những phụ nữ và nam giới mà họ, nam cũng như nữ, muốn có những quan hệ tình dục. Và điều này có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người vốn trước đây bị tước mất quyền tự chủ trong cuộc sống riêng tư của họ.

Tự do tình dục này đã có thể thay thế nhiều tự do khác ở ngoài tầm tay của họ. Tự do chính trị không tồn tại. Hoặc là có thì chỉ nhất thời, từ năm 1865 đến năm 1877, khi thời kỳ tái thiết triệt để đã được thực hiện hoàn toàn. Và sở dĩ tôi nhấn mạnh đến khía cạnh này, là bởi vì tôi không chắc người ta thừa nhận tầm quan trọng của những bài hát đó, những bài hát có vẻ như đề cập đến những câu chuyện không quan trọng giữa phụ nữ và nam giới, về cách mà một người đàn ông đối xử tệ với một phụ nữ, hay về những việc khác nữa. Nhưng khi chị xem những bài hát này như là đại diện cho một dạng tự do, một nếm trải đầu tiên về tự do, ý nghĩa của những bài hát này trở nên sâu sắc hơn nhiều.

Điều này liên quan chặt chẽ với công việc mà chị đã thực hiện về vấn đề bãi bỏ chế độ nô lệ mà vừa rồi chúng ta đã đề cập nhân bàn về Abolition. Feminism. Now, một vấn đề liên quan đến lao tù, đến hệ thống kỹ nghệ lao tù. Hôm qua chúng ta vừa mới cùng nhau xem triển lãm “Ce que la Palestine apporte au monde” (“ Điều mà Palestine đem đến cho thế giới”) ở Institut du monde arabe (Viện thế giới Ả Rập) và chúng ta đã thấy ở đó những tài liệu nói về lịch sử của Jean Genet, một lịch sử giao thoa với Black Panthers và người Palestine, và chị đã chia sẻ vì chị đã gặp Jean Genet năm 1970. Chị có thể trước tiên nói vài lời về khái niệm “bãi bỏ” (chế độ nô lệ - ND), về cách mà chị dùng khái niệm này, bằng cách sáng tạo ra những phân nhánh giữa lịch sử lâu dài của chế độ nô lệ ở châu Mỹ và những vấn đề nữ quyền, nhưng còn là giữa lịch sử này với cách mà các phương pháp của chế độ nô lệ vẫn tiếp tục thông qua lao tù.

Jean Genet (1910-1986)

Ngày nay có những nhà tù khắp nơi trên thế giới. Dường như chúng là một phần của xã hội, và đó là một sự cần thiết, vì ta không có giải pháp nào khác hơn là nhốt người ta sau song sắt, khi xem xét những vấn đề xã hội mà chúng ta đối mặt. Người ta không thực sự tự hỏi điều đó có nghĩa gì và cách thực hành này che giấu câu chuyện gì, cũng không tự hỏi chúng ta có muốn suy nghĩ trong tương lai chúng ta sẽ sống như thế nào trong một thế giới mà thiết chế nhà tù đóng một vai trò quan trọng đến thế.

Vâng, đối với tôi, Jean Genet là một gương mặt gắn với nhà tù. Tôi còn nhớ tiếp xúc đầu tiên của tôi với công trình của ông, khi tôi được biết ông đáng lẽ bị kết án tù chung thân nếu không có nhiều nhà trí thức, như Sartre ủng hộ ông. Và tôi, sở dĩ tôi đã yêu thích Jean Genet đến như thế chính là vì ông ấy quan tâm đến điều gì đã xảy ra cho những người khác trong nhà tù, điều gì đã xảy ra ở Palestine; ông đã viết văn bản tuyệt vời này, Quatre heures à Chatila – Bốn giờ ở Chatila (1982). Và chắc rằng sở dĩ tôi suy nghĩ về vấn đề nhà tù, chính là vì chính tôi, tôi đã bị truy lùng bởi cảnh sát, bởi hệ thống nhà tù, bị buộc một tội nặng có thể bị tử hình, và vì những người như Nixon, Reagan hay Hoover đã làm tất cả có thể để bảo đảm rằng tôi sẽ kết thúc cuộc đời trong một phòng hơi ngạt. [Phản ứng của khán phòng] Vâng, đó là cách mà người ta thực hiện một số hành quyết ở tiểu bang California. Và đó là số phận của tôi. Và có lẽ đó là lý do duy nhất mà quý vị biết đến tên tôi, cho dù quý vị không ý thức về điều đó. Và cũng vì trên toàn thế giới, quần chúng tập hợp lại để nói không, bao gồm cả ở Paris, nơi này đã có những cuộc biểu tình lớn để cuối cùng tôi đã dược thả ra. Nhiều người trong quý vị có mặt hôm nay ở đây là vì lý do đó, không phải vì tôi nhưng vì tất cả phong trào đã diễn ra lúc đó để nói không với số phận đã dành cho tôi. Vì ta vừa nói đến Jean Genet và mối liên hệ của ông với Palestine, thông điệp quan trọng nhất hiện thời là mỗi người trong chúng ta hãy làm tất cả trong khả năng của mình để giúp chấm dứt chiến tranh ở dải Gaza bây giờ.

Nhưng tôi đã thoát khỏi hiểm nguy đối với vấn đề bãi bỏ chế độ nô lệ, và nói với chị rằng chính vì điều này mà người ta dùng lại thuật ngữ này kết hợp với những cuộc đấu tranh của người da đen tại Mỹ. Vì đó không phải là cải tổ nhà tù hay cảnh sát, mà quan niệm lại sự an toàn, sự yên tĩnh theo cách chúng ta không còn lệ thuộc vào những thiết chế này, như nhà tù, cảnh sát, quân đội mà với những biện pháp đàn áp, bạo lực, bạo lực kỳ thị chủng tộc, họ muốn cho chúng ta ảo tưởng là chúng ta cần có những thiết chế này để sống trong an toàn.

Hôm qua, tại Viện thế giới Ả Rập, như tôi đã nói, chúng ta đã cùng nhau thấy trong nhiều tài liệu lưu trữ những hành trang của Jean Genet, và vì chị đã mong muốn tôi thêm vào bộ phim hình chiếu chân dung của George Floyd do Taqi Spateen vẽ trên “bức tường ngăn cách - “mur de séparation” - [bức tường do Israel dựng lên ngăn cách Palestine và Bờ Tây sông Jordan – ND] ngày 9 tháng sáu năm 2020. Tôi để chị nói về điều đó.

Vâng, đúng vậy, đối với tôi quan trọng là nói về vấn đề bãi bỏ chứ không phải là cải tổ, bởi vì người ta luôn luôn nói phải cải tổ nhà tù, cải tổ cảnh sát. Chúng tôi không nói là chúng tôi không muốn bất kỳ cải tổ nào, nhưng chúng tôi muốn những cải tổ không phải là nửa vời. Chúng tôi không muốn những cải tổ chỉ với mục đích duy trì sự trường tồn của những thiết chế là nhà tù, cảnh sát, trung tâm giam giữ trẻ em hoặc người nước ngoài. Chúng tôi muốn những cải tổ hướng đến một sự biến đổi triệt để các thiết chế này trong tương lai. Những cải tổ thúc đẩy chúng tôi định hình một tương lai khả dĩ không có tất cả những thiết chế đàn áp, kỳ thị chủng tộc và lao tù. Và trong dự án này, chúng tôi đã học được rất nhiều từ cuộc đấu tranh của người Palestine chống lại settler colonialism - thực dân xua đuổi dân bản địa và chiếm đất định cư. Chúng tôi đã biết được rằng chúng tôi không thể đơn giản xóa bỏ các thiết chế này. Mà đúng hơn là chúng tôi cần thấy tính chất lao tù đã xâm nhập vào trí tưởng tượng, trong đời sống hàng ngày của chúng ta như thế nào. Và, với lý do này, Gaza, trước chiến tranh đã là ví dụ hoàn hảo của nhà tù mở ngoài trời lớn nhất thế giới.

Angela Davis, chị đã mong ước kết thúc với một trích đoạn của album Waiting Game của Terri Lyne Carrington và nhóm Social Science – Khoa học xã hội – của cô ấy.

Quả thực tôi đã muốn người ta nghe Terri Lyne Carington, cô ấy là một tay trống tuyệt vời, một nhà sọan nhạc tài ba và cô đã sáng tác album – tập nhạc – trước mùa hè 2020. Mùa hè của tất cả các vụ nổi dậy này ở Mỹ, và thật ra cũng là trên toàn thế giới, ngay vào lúc có đại dịch, và trong lúc chúng ta cố gắng nêu ra những bài học được rút ra từ giai đoạn khó khăn này. Như thế, chúng ta đã học được rất nhiều về cách mà chúng ta kết nối với nhau, về tình trạng mà sự kỳ thị chủng tộc không chỉ liên quan đến hành vi của một số cá nhân mà là có hệ thống, rằng đó là điều định nghĩa những cơ cấu tổ chức này như cảnh sát, nhà tù. Album này đối với tôi chính xác là một bản ghi âm thanh mùa hè của những cuộc nổi dậy này. Tuy nhiên, Terri đã viết ra trước đó, trước cả khi chúng ta có thể tưởng tượng một sự việc như thế sẽ xảy ra. Đây là một ví dụ hoàn hảo về cách mà các nghệ sĩ cảm nhận được về phương diện thẩm mỹ điều mà chúng ta còn chưa biết nói ra. Điều mà chúng ta chưa trải nghiệm. Đối với tôi nghệ thuật là một ngọn hải đăng giúp chúng ta cảm nhận được điều mà chúng ta chưa biết, với ý nghĩa hợp lý của từ “biết”, nhận ra điều mà chúng ta chưa biết là gì, những thắc mắc, những nhu cầu của chúng ta.

Cùng với cách cuộc gặp gỡ với Angela Davis đã dành thời gian cho những câu hỏi của công chúng, ở đây chúng tôi chi chép lại một cách tổng hợp giây phút mà sự phấn khích được bà tạo cảm hứng đã có thể thể hiện.

Xin chào. Tên tôi là Kadiatou. Tôi 14 tuổi. Tôi học trung học. Tôi đang ở đây cùng với các bạn cùng lớp. Chúng tôi có một câu hỏi. Bà đã học được gì từ trải nghiệm của bà trong nhà tù?

Rất cám ơn các bạn đã đến. Đối với tôi, chắc chắn là tôi không như tôi hiện nay nếu tôi không trải qua thời gian ấy, dù là ngắn so với những người trải qua sau song sắt lao tù hàng thập kỷ. Tuy nhiên, trước khi đến đó, và cả lúc đầu của thời gian tôi ở đó, tôi đã không biết sẽ như thế nào. Và điều ấy làm tôi sợ hãi. Đã gây ra trong tôi một cảm xúc đau khổ. Tuy nhiên, một cách hậu nghiệm, bây giờ, rốt cục thì tôi tự nhủ chính thời gian ở trong tù này đã thực sự giúp tôi hiểu và xác định mục đích của tôi, mục đích của đời tôi. Và từ lúc tôi được giải phóng khỏi lao tù, tôi đã bắt đầu tiến hành cuộc đấu tranh này, tất cả công việc còn thúc đẩy tôi hoạt động ngày nay: đòi giải phóng các tù nhân chính trị. Có nhiều tù nhân chính trị. Chắc là các bạn biết đến các tên như Mumia Abu-Jamal. Chắc chắn là các bạn biết đến gương mặt của Nelson Mandela. Nhưng tôi cũng muốn nói đến những phụ nữ người Kurd đang ở trong các nhà tù của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay, tiếp tục tiến hành cuộc chiến đấu đó là rất quan trọng, tiếp tục chiến đấu để những người này được giải phóng khỏi nhà tù. Và cũng chính nhờ đọc những bài viết của các tù nhân chính trị, ví dụ như George Jackson, mà có thể các bạn biết, đó là một trong ba nhân vật trong Soledad Brothers (những thư trong tù của George Jackson – ND), tôi đã hiểu đó không phải là một cuộc đấu tranh cho những cá nhân đã bị người ta tước quyền tự do. Đó là một suy nghĩ rộng hơn, và chính qua suy nghĩ rộng hơn này mà tôi đã hiểu làm thế nào để tôi không chỉ đấu tranh cho các cá nhân, vì chính tôi đã sống qua kinh nghiệm này, mà cần mở rộng vấn đề tiến đến phá tan hệ thống nhà tù. Và rồi, vì điều thôi thúc tôi, cũng là chủ nghĩa cộng sản của tôi, đó là cuộc chiến đấu của tôi chống lại chủ nghĩa tư bản và mong ước của tôi là có thể lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa, và tôi đã hiểu sự chú tâm đến nhà tù và hệ thống lao tù có thể đẩy nhanh tốc độ của quá trình đó như thế nào, quá trình dẫn đến cách mạng. Tất cả suy nghĩ này là điều đã tạo nên ý nghĩa của đời tôi. Tôi không thể hình dung được cuộc đời của tôi sẽ như thế nào nếu không có giai đoạn đó, mà tôi sẽ không đánh đổi cho bất cứ điều gì trên thế giới này. Tôi sẽ không có ở đây hôm nay nếu tôi không sống qua thử thách đó. Và tất tất cả chúng ta, chúng ta có thể tự nhủ điều đó, rằng chúng ta đã trải qua những thử thách, những giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta làm chúng ta đau khổ, nhưng cuối cùng chúng đem lại một ý nghĩa cho những ai như chúng ta và làm cho chúng ta trở thành như chúng ta đang là.

Club Ubuntu: Xin chào, rất hân hạnh. Chúng tôi là thành viên của một tập thể cách mạng trẻ về chính trị và văn hóa. Tất nhiên bà là một nguồn cảm hứng lớn cho chúng tôi. Và chúng tôi mong muốn có những phương hướng để hoàn thành cuộc chiến đấu của chúng tôi về chính trị và văn hóa.

Chúng tôi cũng rất mong muốn bà dành thời gian trả lời một câu hỏi có thể tác động đến một điều gì đó vốn dĩ không nhất thiết đã được thảo luận ở đây. Vấn đề sự phân hóa mà ta thấy trong mức độ chính trị hóa của anh chị em bị phân biệt chủng tộc đặc biệt là ở ngoại ô thường bị gạt qua một bên trong loại các cuộc thảo luận này. Chúng tôi muốn biết, theo bà, làm sao ta có thể hành động có hiệu quả để tạo thuận lợi, thông qua truyền thông đại chúng và các phương tiện truyền thông của chúng ta cho việc tái chính trị hóa tốt hơn các anh chị em chúng ta ở ngoại ô và tham gia vào một cuộc đấu tranh thống nhất hơn.

Cám ơn các câu hỏi của các bạn. Tôi tin rằng tuổi trẻ là niềm hy vọng của thế giới, nhưng là các bạn phải tìm cách làm như thế nào. Chúng tôi tùy thuộc vào các bạn. Ước gì tôi có thể nói rằng các bạn nên làm điều tôi đã làm. Nhưng tôi để các bạn đứng trên vai tôi và trên vai của tất cả những người đã chiến đấu. Các bạn phải hình dung ra một thế giới mới. Với những nội dung mà tất cả các bạn, nam cũng như nữ, hình dung ra.

(…) Tôi có thể giúp các con gái của tôi hiểu nữ quyền da đen (black feminism) như thế nào?

Rất cám ơn câu hỏi của bạn. Tôi nghĩ rằng câu trả lời nằm trong câu hỏi. Bởi vì không có gì nhiều để cung cấp câu trả lời, để nói với các cháu nên suy nghĩ điều gì, mà là truyền đạt cho các con gái của bạn suy nghĩ và học cách đặt các câu hỏi như thế nào. Rằng không phải vì các sự việc như chúng đang là, không phải vì có những thực tế phải chấp nhận. Khuyến khích các con của bạn hãy luôn đặt thêm câu hỏi, đặt lại vấn đề những điều có vẻ bình thường. Tôi nghĩ rằng bằng cách có tinh thần đó mà ngày nay chúng ta đã có thể đạt được một định nghĩa mới về giới ngoài cấu trúc nhị phân của nó, bằng cách không xem là đã thừa nhận điều đã được nêu ra cho chúng ta là bình thường. Cũng như cách chúng ta xem như là bình thường một thế giới cần có kỳ thị chủng tộc, nhà tù, chiến tranh, ghê sợ đồng tính luyến ái. Tôi nói điều đó từ kinh nghiệm của tôi thời thiếu nữ sống trong một thế giới phân biệt chủng tộc, mà mẹ tôi không ngừng nói với tôi rằng thế giới không phải vận hành như thế, rằng phải học cách sống trong đó, làm với thế giới đã được đưa đến cho chúng ta như thế, nhưng đồng thời phải học cách sống trong một thế giới mà chính tôi có thể mong đợi. Như vậy, mẹ tôi đã dạy cho tôi sống đồng thời trong hai thế giới song song. Cái thế giới này mà ta phải gánh vác, nhưng cũng có một thế giới mà tôi tưởng tượng ra, ở đó chỉ nhờ sức mạnh của tôi, tôi thấy một thế giới khác khả dĩ. Thông thường tôi không giỏi về khuyên bảo vì tôi nghĩ rằng đúng hơn là chính tôi phải học từ các bạn. Đúng hơn là chúng tôi, những thế hệ cũ, cần học hỏi những thế hệ mới vì các bạn không bị ràng buộc theo cách trước đây. Chính chúng tôi phải lắng nghe các bạn. Và đó sẽ là kết luận của tôi.

Chú thích của Ban biên tập - Cuộc đàm thoại giữa Angela Davis và Elvan Zabunyan đã diễn ra ngày 19 tháng 11 năm 2023 tại Nhà hát thành phố (Paris) trong khuôn khổ Lễ hội Mùa thu.

Massoumeh Lahidji phụ trách phiên dịch.

Có thể xem buổi gặp gỡ này tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=kK6A_GbizFw
Cuộc đàm thoại được công bố trên AOC hôm nay là được ghi lại và do đó, có một vài điều chỉnh.
AOC cám ơn Lễ hội Mùa thu đã cho phép công bố cuộc đàm thoại này
 

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Angela Davis: ‘La musique peut nous enseigner ce que cela fait d’être libre’”, AOC, 16.10.2023.




Chú thích:

[1] Đăng trong Ubikwist Magazine # 11, The Expose Issue, automne-hiver 2020, trang 110-118

[2] Các tài liệu tham khảo được đánh dấu bằng các đương dẫn dẫn trong bản gỡ băng nằy, trong khuôn khổ đó chúng tôi đã không ghi lại toàn bộ những tài liệu bằng hình ảnh và âm thanh được trình chiếu hôm gặp gỡ – BBT



[*] Tạm dịch: Tôi ước gì được biết cảm giác được tự do là như thế nào.

Print Friendly and PDF