24.2.24

Nền kinh tế Nga được Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cứu

NỀN KINH TẾ NGA ĐƯỢC TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ VÀ THỔ NHĨ KỲ CỨU

Hubert Testard[*]

Mỏ than ở vùng Krasnoyarsk thuộc Siberia. Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, lượng than xuất khẩu của Nga sang Liên Minh Châu Âu, Mỹ và Anh đã giảm xuống mức 0. Ngày nay, Châu Á mua gần như toàn bộ số đó. (Nguồn: CNN)

Gần hai năm sau khi cuộc chiến bắt đầu ở Ukraine, chiến lược xoay trục sang Châu Á của Nga đã phát triển rất mạnh. Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đã không làm cho nền kinh tế Nga phải suy sụp. Lý do chính: Trung Quốc, Ấn Độ và, gần Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia cùng với Phương Tây. Ngược lại, họ đang được hưởng lợi từ sự rút lui của Phương Tây. Tuy nhiên, sự “thay thế vĩ đại” này chưa phải là hoàn toàn. Xuất khẩu khí đốt của Nga vẫn phải chịu nhiều áp lực, dầu được bán với giá thấp và hợp tác quân sự của Moscow với Châu Á đang phát triển bắt đầu rạn nứt, ngoại trừ liên minh với Triều Tiên và nguồn cung cấp hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc.

--------------------------------------------------

Một điều đã được chứng minh. Nếu không có sự tán thành từ Châu Á đang phát triển, Phương Tây không thể khiến chế độ trừng phạt cứng rắn nhất trong lịch sử có hiệu quả. Tuy nhiên, Nga đang bị trói buộc trong thế tam giác với Trung Quốc và Ấn Độ. Và Nga phải trả giá.

NGOẠI THƯƠNG CỦA NGA CHỐNG CỰ VÀ TÀI TRỢ CHO NỖ LỰC CHIẾN TRANH CỦA ĐẤT NƯỚC

Năm 2023, xuất khẩu của Nga, xét về mặt giá trị, vẫn ở mức năm 2019, trong khi nhập khẩu tăng. Sau năm 2020 và cú sốc Covid-19, 2022 là năm thuận lợi cho xuất khẩu của Moscow do giá năng lượng tăng vọt. Năm 2023 ít rực rỡ hơn khi giá cả giảm. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Nga vẫn ở mức đáng kể, khoảng 140 tỷ USD. Về phần mình, nhập khẩu đã tăng gần 20% vào năm 2023.

Nguồn: International Trade Center. Dữ liệu cho năm 2023 dựa trên kết quả của ba quý đầu tiên.

XUẤT KHẨU CỦA NGA: TRỤC PHÁT TRIỂN RẤT MẠNH HƯỚNG TỚI CHÂU Á VÀ THỔ NHĨ KỲ

Nguồn: Cơ quan theo dõi ngoại thương Nga Bruegel, bao gồm 27 thành viên Liên Minh Châu Âu và 11 đối tác chính khác của Nga. Số liệu năm 2023 dựa trên 10 tháng đầu năm. Cần phải xem xét lại nền ngoại thương của Nga từ số liệu do các đối tác thương mại vì Nga đã ngừng công bố số liệu chi tiết về những vụ giao dịch thương mại của mình kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu. Trong công cụ theo dõi của mình, Bruegel tập trung vào các đối tác chính của Nga.

Trong số 38 đối tác chính của Nga được Cơ quan Theo dõi Ngoại thương Nga Bruegel theo dõi, gần 2/3 hàng xuất khẩu của Nga hiện nay dành cho 5 quốc gia Châu Á. Từ năm 2021 đến năm 2023, sự sụt giảm doanh số hàng bán sang Nhật Bản (-49%) và Hàn Quốc (-47%) chắc chắn thể hiện sự “thiếu hụt” khoảng hơn 15 tỷ USD. Nhưng so với cùng kỳ, mức tăng doanh số bán hàng của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đạt tổng cộng 108 tỷ USD. Con số này gần như tương đương với sự sụt giảm xuất khẩu của Nga sang Liên Minh Châu Âu (-106 tỷ USD). Liên Minh Châu Âu từ nay là nhà nhập khẩu hạng hai, chiếm 16,5% lượng hàng xuất khẩu của Nga và doanh số hàng bán của Nga sang Hoa Kỳ đã trở nên không đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trở thành đối tác quan trọng của Nga. Trong số 38 đối tác chính kể trên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chiếm hơn 13% xuất khẩu sang Nga so với 7% vào năm 2021, doanh thu xuất khẩu bổ sung sang Nga là 21 tỷ USD, còn cao hơn sự bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán hàng của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Nga. Bộ ba Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ giúp xuất khẩu của Moscow đạt 130 tỷ USD trong hai năm, thực tế tương đương với sự sụt giảm doanh số hàng bán của Nga sang 27 nước của Liên Minh, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc (-139 tỷ USD).

NHẬP KHẨU: CHÂU Á VÀ THỔ NHĨ KỲ, NGUỒN CUNG CẤP RẤT LỚN CHO NGA

Trong số 38 nhà cung cấp chính của Moscow, 3/4 hàng nhập khẩu của Nga hiện đến từ các nhà cung cấp Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ. Thị phần của Liên Minh Châu Âu giảm xuống 22%, so với 47% vào năm 2021.

Nguồn: Cơ quan theo dõi ngoại thương Nga Bruegel, bao gồm 27 thành viên Liên Minh Châu Âu và 11 đối tác chính khác của Nga. Số liệu năm 2023 dựa trên 10 tháng đầu năm.

Lần này, chính Trung Quốc là nước tạo nên sự khác biệt. Doanh số bán hàng của Trung Quốc sang Nga đã tăng thêm 41 tỷ USD trong hai năm và chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 56% trong số 38 nhà cung cấp chính. Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở vị trí thứ hai với doanh số bán hàng sang Nga tăng thêm 5 tỷ USD. Đặc biệt là hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm việc tăng gấp ba lần doanh số bán sản phẩm bán dẫn. Đến mức các đối tác của Ankara trong NATO nghi ngờ đất nước này đã trở thành nền tảng để lách các lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Các vụ giao dịch mua hàng từ Ấn Độ chỉ tăng vào năm 2023 và có tầm quan trọng không đáng kể. Tổng cộng, mức tăng nhập khẩu của Nga từ bộ ba Trung Quốc-Ấn Độ-Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bằng 60% mức giảm nhập khẩu của Nga từ nhóm gồm Liên Minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

NĂNG LƯỢNG, NỀN TẢNG CỦA TRỤC XUẤT KHẨU CỦA NGA SANG CHÂU Á 

Các sản phẩm năng lượng xuất khẩu của Nga phần lớn chuyển sang Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ. Các giao dịch xuất khẩu này hoàn toàn bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán hàng sang Liên Minh và Hoa Kỳ.

Nguồn: Cơ quan theo dõi ngoại thương Nga Bruegel, bao gồm 27 thành viên Liên minh châu Âu và 11 đối tác chính khác của Nga. Số liệu năm 2023 dựa trên 10 tháng đầu năm.

Xét theo loại năng lượng, xuất khẩu than của Nga sang Liên Minh Châu Âu, Mỹ và Anh đã giảm về con số không. Ngược lại, Trung Quốc và Ấn Độ mua 60% than của Nga vào năm 2023. Hàn Quốc và Đài Loan cũng tiếp tục nhập khẩu số lượng đáng kể. Tổng cộng, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Châu Á ngày nay mua gần như toàn bộ than của Nga.

Các giao dịch bán dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính của Nga. Doanh số bán dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ cho Liên Minh Châu Âu đã giảm 93% kể từ năm 2021. Nhưng Ấn Độ đã tăng mua dầu của Nga gấp 14 lần và Trung Quốc đã tăng 25% lượng dầu mua. Hai gã khổng lồ Châu Á hiện chiếm từ 80 đến 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Mức trần giá 60 USD/thùng do G7 và Liên Minh Châu Âu áp đặt vào tháng 12 năm 2022, dựa trên lệnh cấm sử dụng tàu mang cờ Phương Tây hoặc được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm Phương Tây. Nó chỉ có tác dụng hạn chế. Tỷ lệ các tàu cung cấp cho Nga và được các nước G7 bảo hiểm là ở mức 80% vào tháng 4 năm 2022. Tỷ lệ này giảm xuống còn 35% sau 18 tháng và hai lá cờ chính được sử dụng cho xuất khẩu dầu của Nga ngày nay là Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Kết quả: tổn thất thu nhập từ dầu mỏ của Nga được ghi nhận vào năm 2023 chỉ là 14%, lượng xuất khẩu vẫn ổn định.

ĐIỂM THẮC CỔ CHAI TRONG GIAO DỊCH BÁN KHÍ ĐỐT NGA

Nga đang trong tình thế khó khăn hơn về khí đốt. Xuất khẩu của nước này chủ yếu dưới hình thức giao hàng bằng đường ống dẫn khí đốt. Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga bao phủ cả Châu Âu, Trung Á, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường tiêu thụ chính là Châu Âu. Khối lượng xuất khẩu sang Châu Âu giảm 80% không thể được bù đắp bởi các điểm đến khác.

Nguồn: Energy intelligence.

Trung Quốc hiện nhập khẩu 22 tỷ mét khối khí đốt của Nga thông qua hệ thống Power of Siberia. Trung Quốc có thể tăng công suất nhập khẩu khí đốt của Nga lên tối đa 50 tỷ mét khối vào năm 2025-26, sử dụng toàn bộ tiềm năng của Power of Siberia và bổ sung thêm 10 tỷ mét khối từ một đường ống khí đốt khác từ Sakhalin. Nhưng việc tăng gấp đôi lượng nhập khẩu của Trung Quốc lên 100 tỷ mét khối chỉ có thể thực hiện được khi Power of Siberia II được xây dựng.

Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Nga ở Viễn Đông:

Nguồn: CNBC.

Tuy nhiên, đường ống dẫn khí mới này vẫn chỉ là dự án được hai nước đàm phán từ 2 năm nay. Trung Quốc không thực sự cần khí đốt của Nga để đảm bảo nguồn cung và áp đặt các điều kiện khắc nghiệt. Theo thông tin báo chí có được, Trung Quốc đòi hỏi Nga phải tài trợ toàn bộ dự án và đồng ý ký hợp đồng dài hạn với mức giá rất hấp dẫn. Chuyến thăm gần đây của Vladimir Putin tới Trung Quốc đã không thể giải tỏa được thỏa thuận về dự án này. Trong mọi trường hợp, sớm nhất đường ống dẫn khí cũng chỉ đi vào hoạt động từ năm 2030.

Các mạng lưới đường ống dẫn khí đốt khác của Nga tới Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ không mang lại tiềm năng phát triển tương tự nên khối lượng xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống sẽ ổn định ở mức 50-60% so với trước khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine.

Còn lại khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chỉ chiếm 20% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Doanh số bán LNG của Nga đang duy trì khối lượng và Liên Minh Châu Âu tiếp tục là người mua chính (với 50% khối lượng) vì không có lệnh cấm vận đối với việc bán LNG của Nga được ban hành. Đây chắc chắn là “mắt xích còn thiếu” trong các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Nga đang tìm cách phát triển các cảng khí đốt để tăng khối lượng xuất khẩu LNG, với những khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt của Phương Tây và sự rút lui của các công ty chính của Phương Tây, trong đó có Total của Pháp. Điều này đặc biệt là trường hợp của dự án lớn Artic LNG 2, trong đó các công ty Trung Quốc CNPC và CNOOC vẫn có mặt.

THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA NGA: “SỰ THAY THẾ VĨ ĐẠI” CỦA TRUNG QUỐC?

Thật khó để có một tầm nhìn toàn cầu về cách mà những vị trí các công ty Châu Âu và Mỹ để lại ở Nga đã bị chiếm giữ như thế nào. Nhưng hai ví dụ thường được trích dẫn nhất đã nêu bật vị thế của các công ty Trung Quốc.

Công ty phân tích MarkLine vừa thống kê thị trường ô tô Nga năm 2023. Thị trường này đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2021, từ 1,57 triệu xuống còn 747.000 xe. Được quốc hữu hóa sau sự ra đi của Renault, thương hiệu Lada (tập đoàn AvtoVaz) nắm giữ 37% thị trường. Nhưng các thương hiệu Trung Quốc (Haval, Chery, Geely và Omoda) chiếm tổng cộng 42% thị trường Nga so với 14% vào năm 2022. Ngược lại, các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu chỉ có thị phần rất nhỏ hoặc không có gì.

Thị trường điện thoại thông minh Nga đã bị bốn thương hiệu Trung Quốc (Realme, Honor, Xiaomi và Tecno) chiếm đến 75% về số lượng vào năm 2023. Samsung hiện chỉ nắm giữ 12% thị trường và Apple 8%. Nhưng xét về mặt giá trị, Apple và Samsung vẫn còn giữ khoảng 50% thị trường này.

HỢP TÁC QUÂN SỰ CỦA NGA VỚI CHÂU Á MỞ RỘNG CHO NHẬP KHẨU

Châu Á chiếm hơn 60% lượng xuất khẩu vũ khí của Nga. Đối tác chính của Nga: Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng bán vũ khí của Nga cho các nước này đã giảm từ 5 năm nay và cuộc chiến ở Ukraine không làm chậm lại xu hướng này.

Những điểm mới trong năm 2023 liên quan đến hàng nhập khẩu của Nga, với Triều Tiên về đạn dược và tên lửa, với Trung Quốc về các sản phẩm và công nghệ lưỡng dụng (dân sự và quân sự)

Chuyến thăm Moscow của ông Kim Jong-un vào tháng 10 năm ngoái đã cho phép ký kết các thỏa thuận bán vũ khí để đổi lấy công nghệ quân sự. Việc chuyển giao đạn dược và tên lửa của Triều Tiên nhanh chóng diễn ra sau đó. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đề cập đến việc vận chuyển hơn 1.000 container đạn dược trước cuối năm 2023, với khối lượng có thể hỗ trợ hơn một tháng nỗ lực chiến tranh trên mặt trận Ukraine. Các cơ quan mật vụ Hàn Quốc đề cập đến những sản phẩm để bù lại mà Triều Tiên nhận được, liên quan đến công nghệ vũ trụ và có lẽ cả những khoản liên quan đến tàu ngầm hạt nhân.

Về phần mình, Trung Quốc không cung cấp vũ khí, nhưng việc bán thiết bị lưỡng dụng cho Nga đã bùng nổ. Chúng bao gồm máy bay không người lái, thiết bị bảo vệ, máy xúc, xe tải khổng lồ, xe bọc thép, mạch tích hợp, vòng bi chính xác và máy công cụ với bộ điều khiển kỹ thuật số được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Ấn Độ tiếp tục tôn trọng các hợp đồng mua vũ khí rất quan trọng với Nga, đặc biệt là việc cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không S400, công nghệ mới nhất của Nga trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nước này đã đình chỉ hoặc hủy bỏ một số hợp đồng (tổng cộng 250 máy bay trực thăng và 2 tàu hộ tống chống tàu ngầm) do sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quân sự Ấn Độ và những khó khăn mà ngành công nghiệp Nga gặp phải trong việc đáp ứng các cam kết trong bối cảnh chiến tranh hiện nay.

Nhìn chung, nền kinh tế Nga hiện nay phụ thuộc vào Châu Á đang phát triển. Chỉ mất hai năm để lật ngược thế cân bằng trước đó khi Châu Âu còn là đối tác chính của Nga. Sự kết thúc của chiến tranh khó có thể dẫn đến một bước lùi. Một bức màn sắt mới đã buông xuống, lần này chia cắt toàn bộ Châu Âu khỏi Nga.

Bài học rút ra cho tương lai của các quan hệ quốc tế: sự lãnh đạo của Phương Tây không còn tồn tại nếu không có sự tán thành của Châu Á.

Hubert Testard

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:L’économie russe sauvée par;a Chine, l’Inde et la Turquie”, Asialyst, 27.01.2024.




Chú thích:

[*] Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính về ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ 4 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp Đại học Ena và Sciences Po.

Print Friendly and PDF