2.2.24

Điều tra về những lệch hướng của kinh doanh các tạp chí khoa học với lợi nhuận lớn

ĐIỀU TRA VỀ NHỮNG LỆCH HƯỚNG CỦA KINH DOANH CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC VỚI LỢI NHUẬN LỚN

Các nhà xuất bản tạp chí khoa học lợi dụng vai trò quan trọng của họ trong phổ biến tri thức để làm giàu, gây thiệt hại cho các đại học và cơ quan nghiên cứu vốn đang gần kiệt sức. Những lệch hướng gia tăng nhiều và đe dọa niềm tin dành cho khoa học và cho chính nghiên cứu.

Tác giả: Pauline Fricot1

“Đó chính là sự tống tiền”, “điều đó làm tôi phát điên lên”, nhà nghiên cứu kinh tế về giảm tăng trưởng Timothée Parrique nổi giận trên mạng X (Twitter cũ) vào đầu tháng 11. Để tham khảo một nghiên cứu khoa học mà ông muốn có, nhà nghiên cứu này phải trả không ít hơn 30 euro. Ông phản đối: “Không truy cập được các văn bản vì chúng được đặt dưới bức tường phí (paywall: độc giả phải đóng một mức phí để có thể đọc được (trực tuyến) các bài của tờ báo – ND), bởi các nhà xuất bản mà họ vốn không có đóng góp gì vào việc tạo ra bài báo”.

Thực vậy, các nhà xuất bản các tạp chí không tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, cũng không trả thù lao cho tác giả. Các nhà khoa học được trả thù lao từ các cơ quan sử dụng họ và ngân sách nghiên cứu do Nhà Nước hỗ trợ là chính.

Ngay cả giai đoạn “bình duyệt”, giai đoạn quan trọng theo đó các nhà khoa học kiểm tra tính thích đáng và sự chặt chẽ của một nghiên cứu trước khi công bố, thì các nhà xuất bản cũng không tốn gì cả: những “người bình duyệt” làm việc với các tạp chí trên cơ sở tự nguyện.

Các đại học sản xuất ra nghiên cứu… và sau đó trả những món tiền khổng lồ để được truy cập các công bố. Chỉ riêng năm 2020, các cơ sở của Pháp đã trả 87,5 triệu euro tiền đặt mua các tạp chí khoa học.

“Chi phí đặt mua báo đã bùng nổ từ những năm 1980, cái mà ta gọi là khủng hoảng tạp chí: các nhà xuất bản lớn đã gia tăng giá đặt mua báo cao hơn mức lạm phát rất nhiều [từ 1986 đến 2004, giá các tạp chí đã tăng nhanh gấp 2,5 lần chi phí sinh hoạt đời sống], theo giải thích của Margaux Lara-Perrez, nhà tư vấn về khoa học mở của Dadactivist, một công ty hợp danh chuyên môn hóa trong việc mở các dữ liệu. Các tạp chí này tự cho phép làm như vậy vì họ có một uy tín và đáp ứng một nhu cầu. Do đó, các đại học chịu trả tiền.”

Cách vận hành này giúp cho thị trường xuất bản khoa học, bị thống trị bởi một nhúm công ty, trở nên đặc biệt có lợi nhuận. Sáu nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới – Elsevier, Springer Nature, Wiley, Wolters Kluwer, Thomson Reuters và Taylor & Francis – năm 2015 đã đưa ra một con số doanh thu cộng dồn lại là 7,5 tỷ euro. Elsevier và Springer Nature đã thu lời phi thường từ sai biệt giữa chi phí sản xuất và giá bán thành phẩm, gần đến 40%, hơn cả Apple (35%).

Mặt khác, giới học thuật đang bị nghẹt thở. Tháng 6 năm 2023, quyền tổng giám đốc khoa học của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), Alain Schuhl, báo động về tình trạng CNRS đang “bên bờ vực thẳm”.

Hãy trả phí cho công bố của bạn

Alain Schuhl tố cáo một hệ thống khác, là hệ thống phí xuất bản, còn gọi là APC (Article Processing Charges). Phí này do các tác giả trả để cho phép một công bố được tự do truy cập tức thì. Các phí này có khi cao: lên đến 9750 euro cho mỗi bài báo của các tạp chí trong nhóm Nature vốn có uy tín cao.

“Các phí xuất bản này được phát triển trong những năm 2000, đó là một giải pháp tài trợ thay thế của các tạp chí được thành lập đối lập với các tạp chí truyền thống dựa vào phí đặt mua báo, Margaux Larre- Perrez nói thêm. Mục tiêu là xây dựng một mô hình kinh tế khác: tất cả các bài báo đều được truy cập miễn phí, và các tác giả đảm nhận các chi phí xuất bản.”

Đoán thấy đây là vụ làm ăn có lợi, giới nhà xuất bản độc quyền đã dần dần tích hợp giải pháp này vào chính mô hình kinh tế của họ, đáng chú ý là bằng cách phát triển các tạp chí “hỗn hợp”, vận hành vừa dựa vào phí đặt mua báo vừa dựa vào phí xuất bản cho những bài báo truy cập tự do.” Đã trở thành một mô hình thống trị trong các tạp chí có uy tín nhất như tờ Nature. Các tạp chí này thu tiền từ hai phía: các đại học trả tiền để truy cập được các tạp chí, và các tác giả trả các phí xuất bản.”

Trên phạm vi tòan thế giới, các cơ quan, viện, trường đã trả hơn một tỷ đô la phí xuất bản cho giới độc quyền – ngày nay bao gồm Elsevier, Sage, Springer Nature, Taylor & Francis và Wiley- từ năm 2015 đến 2018. Số tiền được trả cho phí xuất bản tại Pháp đã tăng gấp ba lần từ 2013 đến 2020, từ 11,3 triệu euro/năm lên hơn 30 triệu euro/năm. Hóa đơn có thể lên đến 50 triệu euro vào năm 2030 nếu xu hướng này tiếp tục, thậm chí là 68 triệu nếu xu hướng này gia tăng tốc độ.

Vấn đề của cuộc tranh luận, sự gia tăng các phí xuất bản, nhưng còn là sự bùng nổ của các chi phí này: ví dụ CNRS đã gia tăng 139% các chi phí xuất bản tại nhà xuất bản Frontiers Media và 746% với các tạp chí của MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute) từ 2017 đến 2020.

Công bố hay là chết

Sở dĩ các nhà xuất bản tự cho mình nhiều tự do như thế, chính vì các nhà khoa học hoàn toàn bị lệ thuộc vào họ: trong giới nghiên cứu, không ai không biết câu châm ngôn ”công bố hay là chết” (P or P hay Publish or Perish – ND). Sự xứng đáng của một nhà nghiên cứu – và nghĩa là sự thăng tiến trong nghề nghiệp – chủ yếu được quyết định từ số lượng các bài báo được xuất bản của họ và từ uy tín của các tạp chí xuất bản bài của họ.

Các đại học cũng rất cần khuyến khích các nhà nghiên cứu xuất bản nhiều bài báo, và trên các tạp chí được công nhận: các đại học được xếp hạng từ những tiêu chí này, đặc biệt là trong khuôn khổ bảng xếp hạng nổi tiếng hàng năm về các đại học tốt nhất, do Đại học Thượng Hải thực hiện.

Đáp ứng những yêu cầu này cũng đồng thời cho phép các cơ quan sử dụng được ngân sách quý báu dành cho nghiên cứu. Các kế hoạch đầu tư cho tương lai (PIA), do Nhà Nước phát động năm 2009 có 20 tỷ euro năm 2020, dành một khoản ngân quỹ cho các “sáng kiến xuất sắc” do các đại học đề ra.

“Tiền trợ cấp do bộ cấp tùy theo các hồ sơ được nộp lên. Trong các tiêu chí có tiêu chí nghiên cứu “xuất sắc”, Claire Calvet và Victor Chareyron nêu rõ, hai vị này tốt nghiệp trường trọng điểm Đại hoc Sư phạm Cachan (École Normale Supérieure – ENS) và là tác giả của một tài liệu tổng hợp về tài trợ của Giáo dục đại học tại Pháp. Như vậy, sự có mặt của các nhà nghiên cứu được công nhận trong lĩnh vực của họ là một lợi thế không thể phủ nhận. Như thế, số lượng các công bố và uy tín các tạp chí có một vai trò trong việc phân bổ các nguồn tài trợ này.”

Các đơn vị nghiên cứu cũng tuân thủ cùng một logic về uy tín khi họ tìm nguồn tài trợ “theo dự án”, một mô hình vận hành ngày càng phổ biến.

Xe hẩy (trottinette) và hydroxychloroquine

Như vậy, một mặt có những nhà khoa học bị buộc phải công bố, các đại học và cơ sở nghiên cứu bị yêu cầu phải chứng tỏ sự xuất sắc của mình, và mặt khác các nhà xuất bản giàu lên nhờ những con gà đẻ trứng vàng của họ. Có cái để hấp dẫn con cáo lao vào chuồng gà.

Năm 2020, người ta chú ý đến một nghiên cứu trong số nhiều nghiên cứu về dịch bệnh Covid-19. Một bản thảo khẳng định rằng uống thuốc hydroxychloroquine – lúc đó được xem như thuốc trị Covid-19– giúp phòng ngừa các tai nạn… xe hẩy.

Trong số các tác giả có: Didier Lembrouille, Otter F. Hantome (“tác giả ma”) và Nemo Macron, để vinh danh con chó của Tổng thống Pháp Macron*. Nghiên cứu này là một chuỗi những trò đùa, vậy mà nó được đăng trong Asian Journal of Medicine and Health, sau khi trả 55 đô la.

Những nhà nghiên cứu (thật) đàng sau sự lừa bịp này có một mục đích: nâng cao nhận thức của công chúng về các tạp chí “săn mồi”. Những tạp chí lừa đảo này có vẻ ngoài như những tạp chí khoa học nghiêm túc, nhưng không tôn trọng quy chế đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ việc bình duyệt chỉ sơ sài hay không có bình duyệt.

Các tạp chí này thường trực tiếp khẩn khoản đề nghị các nhà khoa học để thúc đẩy họ gửi các nghiên cứu của họ. Thư từ của các tạp chí săn mồi ư? “Tôi có đầy, các đồng nghiệp của tôi cũng vậy, theo khẳng định của Paule-Emilie Ruy, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Atlantic Technological University, ở Galway, Irland. Tôi bắt đầu nhận được thư khi tôi đã công bố lần đầu tiên. Bạn càng công bố, các tạp chí này càng liên lạc với bạn.”

Trong số những thư mà Paule-Emilie Ruy chưa xóa có một đề nghị của MDPI. “Tất nhiên một số tạp chí là hoàn toàn lừa đảo, nhưng những tạp chí khác nằm trong vùng xám, như MDPI, Margaux Larre- Perrez xác nhận. Nhà xuất bản này có vài chục tạp chí có bình duyệt theo truyền thống và song song đó xuất bản hàng ngàn số đặc biệt, không được hiệu đính một cách chặt chẽ nhưng đem lại nhiều phí xuất bản.”

Những xưởng sản xuất bài báo

Bị thu hút bởi thị trường lợi nhuận này, đã xuất hiện các xưởng sản xuất các bài báo (paper mills) núp bóng sản xuất khoa học. Những doanh nghiệp này sản xuất những bản thảo giả và đề nghị các nhà nghiên cứu mua một vị trí tác giả – mà không tham gia vào việc thực hiện nghiên cứu. Ví dụ, Science Publishers Company đề nghị đảm nhận vai trò tác giả đầu tiên của bài báo “Bệnh mập phì ở nam giới trong tuổi lao động: nhân tố, rủi ro nội tiết tố, chuyển hóa và rối loạn tim mạch do huyết động” với giá 2150 đô la.

“Những doanh nghiệp này ra đời từ áp lực đè nặng lên các nhà nghiên cứu, đặc biệt là tại một số quốc gia. Ví dụ một nghiên cứu sinh y khoa người Trung Quốc phải công bố một bài báo trên một tạp chí được công nhận để lấy văn bằng, theo giải thích của Marie Soulière, một quản trị viên trưởng của nhà xuất bản Frontiers và là thành viên của Ủy ban đạo đức về xuất bản (COPE – Committee on Publication Ethics). Thấy có “nhu cầu” này, các doanh nghiệp đã bắt đầu cung cấp giải pháp khả dĩ là trả tiền để thêm tên người đó vào một bài báo. Với công nghệ, các doanh nghiệp đã tiến tới bán các bài báo hoàn toàn giả tạo, được sản xuất nhanh hơn nhiều.”

Các xưởng sản xuất bài báo được mở ra nhiều nhất ở Trung Quốc, Ấn Độ. Nga, Ukraine và Iran. Tác động của những xưởng sản xuất bài báo này không phải nhỏ. Theo một nghiên cứu do COPE và nghiệp đoàn các nhà xuất bản khoa học công bố năm 2022, STM – Science, Technology and Medical Publishing – từ một phân tích 53000 bài báo khoa học, các tạp chí nhận từ 2% đến 46% các bài báo lừa đảo. Tổng cộng, 457 bài báo giả đã lọt lưới và đã được công bố.

Thay đổi các quy tắc xuất bản

Những lệch hướng này phát triển nhanh chóng gây thiệt hại cho sự tin cậy của công chúng đối với khoa học và với cả nghiên cứu vốn dựa vào những công bố có trước để tiếp tục đi tới. Những tổ chức như CNRS kêu gọi làm thay đổi tình hình. Năm 2021, cơ quan này đã thay đổi các tiêu chí đánh giá các nhà khoa học của cơ quan, từ nay dựa vào chất lượng các kết quả chứ không còn dựa trên số lượng công bố và uy tín của các tạp chí.

Cơ quan này cũng khuyên các nhà nghiên cứu của cơ quan không trả phí xuất bản nữa. Luật pháp của Pháp cho phép nộp bản thảo của mình vào kho lưu trữ mở từ 6 đến 12 tháng sau khi công bố, bất kể hợp đồng đã ký với nhà xuất bản.

Luật lập kế hoạch nghiên cứu ấn định song song một mục tiêu 100% các công bố được truy cập tự do vào năm 2030. Để đạt đến mục tiêu này, một kế hoạch của Bộ Đại học đặc biệt kêu gọi phát triển các tạp chí mang tên gọi “kim cương” được truy cập tự do tức thì và không có phí đối với các nhà nghiên cứu. Những công bố này do các đại học và các cơ quan nghiên cứu đảm nhận. Sở dĩ trên thế giới ngày nay các công bố chiếm 73% các tạp chí được truy cập tự do nhưng các đại học và cơ quan nghiên cứu chỉ sản xuất 44% các bài báo được truy cập mở là vì các phương tiện của họ có hạn.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Enquête sur les dérives du business très lucratif des revues scientifiques”, Alternatives économiques, 12.01.2024.


Chú thích:

1 Nhà báo của trang thông tin Sciences Critiques

* Nemo là tên con chó được vợ chồng tổng thống Pháp Macron đem về nuôi trong Điện Élysée (ND).

Print Friendly and PDF