PTKT: Dưới đây là phần hai bản dịch bài phát biểu của Etienne Balibar tại Lễ Tưởng Niệm Edward Said do Đại Học Mỹ ở Le Caire tổ chức hằng năm. Có thể tham khảo phần đầu bài diễn thuyết này tại đây.
-------------------------------------------------------------------
![]() |
Edward Said (1935-2003) |
![]() |
Étienne Balibar (1942-) |
Sau khi đề cập đến vấn đề chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh, rồi đến vấn đề chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản, tôi đi đến điểm thứ ba đã được thông báo: sự giao thoa giữa các vấn đề về văn hóa và chủ nghĩa đế quốc, mà tôi sẽ đề cập bằng cách cố gắng đánh giá tính thích đáng hiện tại của các phân tích của Edward Said.
Không cần phải tóm tắt chi tiết các phân tích này; chúng được biết đến nhiều và là một trong những nguồn tri thức chính của chúng ta. Nhưng tôi muốn chỉ ra lý do tại sao, theo quan điểm của tôi, vấn đề chủ nghĩa đế quốc không thể được đặt ra một cách toàn diện nếu không có loại “phê bình văn hóa” mà Said đã thực hành và truyền cảm hứng.
Said không bao giờ ngừng bảo vệ ý tưởng rằng văn học, nghệ thuật, triết học, lịch sử là những diễn ngôn “trong tình huống”, không thể tách biệt khỏi các khuynh hướng chính trị và xã hội vốn, trong một xã hội nhất định và trong một thời gian dài, bị cắt bởi các cuộc cách mạng, củng cố một “quyền bá chủ” nhất định. Nhưng ông không bao giờ chịu khuất phục dù chỉ một chút trước chủ nghĩa giản lược xã hội học: tư duy của ông trái ngược với quan niệm cho rằng văn hóa hình thành nên một biểu hiện hoặc một thượng tầng kiến trúc của hệ thống thống trị hiện tại. Nó không bắt nguồn từ đó. Và đây chính là lý do tại sao sẽ luôn có điều gì đó còn thiếu trong sự hiểu biết của chúng ta về chủ nghĩa đế quốc nếu chúng ta tin rằng mình có thể tránh được những câu hỏi mà ông đã đặt ra.
Tôi sẽ nói theo cách này: văn hóa như Said phân tích không phải là một biểu tượng hay công cụ thống trị (hai biến thể cổ điển của ý tưởng “mác xít” về kiến trúc thượng tầng), nó hoạt động như một sự trung gian chính trị của lịch sử đang được xây dựng và sản sinh ra tác động trên yếu tố diễn ngôn. Nhưng chúng ta phải tiến thêm một bước nữa: sự trung gian như vậy không giả định rằng đã có sẵn một chủ thể, với một bản sắc cố định, nhận lãnh các phương tiện diễn đạt mà văn hóa cung cấp. Ngược lại, văn hóa cấu thành các phương tiện này về “mặt thành tích” thông qua các thao tác phát biểu và tiếp nhận.
![]() |
![]() |
Đây là lý do tại sao văn hóa không thể tách rời khỏi xung đột: văn hóa luôn chứa đựng khả năng về một “diễn ngôn phản kích” vốn, trong những tình huống nhạy cảm, có thể thâm nhập và làm suy yếu ý nghĩa và tác động từ bên trong của những tác giả của văn hóa. Nói, viết, đọc, diễn giải không bao giờ có thể nằm trong tầm kiểm soát của tác giả: vì có “hai mặt” (there are two sides - có hai mặt, như Said viết trong Culture and Imperialism/Văn hóa và Chủ nghĩa đế quốc), và thậm chí có hai tiếng nói được nghe thấy trong cùng một văn bản. Do đó, có những bình luận đáng kinh ngạc về sự tàn bạo của bạo lực thực dân trong Conrad (Au cœur des ténèbres/Heart of Darkness), hay trong cách Kipling trong Kim “phản bội” tính không thể giản lược của cuộc sống của người Ấn Độ thành sự vật thể hóa mà chính quyền Anh cố gắng áp đặt lên nó.
Chúng ta sẽ sớm khám phá ra đối phần của phép biện chứng này trong các diễn ngôn chống chủ nghĩa đế quốc. Như vậy, câu hỏi chúng ta phải đặt ra là: làm thế nào sự trung gian hòa giải xung đột mà văn hóa thể hiện có thể định hướng và chuyển hướng quỹ đạo của chủ nghĩa đế quốc, không chỉ ở cấp độ của các biểu tượng mà còn ở cấp độ của các thể chế cấu trúc lãnh vực công cộng (báo chí, xuất bản, giáo dục) và đồng thời định hình quyền lực trí tuệ như một mối quan hệ vừa không bình đẳng vừa không ổn định?
Nhưng những nhận định này cần phải được điều chỉnh. Điều Said tìm kiếm không phải là xây dựng một bức tranh về sự bất biến mà hệ tư tưởng của đế chế cấu thành, như một hệ thống các biểu tượng phóng chiếu hình ảnh khác biệt của con người Phương Đông đã tiềm tàng chịu phục tùng sự thống trị của Phương Tây “Châu Âu”, một hình ảnh sẽ vẫn không đổi trong suốt lịch sử thuộc địa. Một hình ảnh bị bản thể hóa. Hẳn là Said có thể được hiểu theo cách này, vừa để phục vụ cho lập luận chống chủ nghĩa thực dân chiến đấu, vừa để “trả lại” cho Phương Tây hình ảnh Con Người Phương Đông Khác và coi đó là vũ khí giải phóng.
![]() |
![]() |
Đây là lý do tại sao ông cảm thấy cần phải sửa lại diễn ngôn của mình tuy không phủ nhận nó[1]. Việc xem xét toàn bộ quỹ đạo và những sự chuyển hướng mà quỹ đạo trải qua từ Orientalism/Đông Phương Luận đến Covering Islam/Che phủ Hồi giáo và Reflections on Exile/Suy ngẫm về sự lưu vong, và đi ngang qua Culture and Imperialism/Văn hóa và Chủ nghĩa đế quốc cho thấy rõ ràng rằng mục đích của diễn ngôn này là phân tích sự thay đổi xảy ra trong mối quan hệ của chủ nghĩa đế quốc với sản xuất văn hóa và việc sử dụng nó, giữa thời kỳ thành lập (khoảng vào thời kỳ của Chuyến thám hiểm Ai Cập, khi các chủ đề về chủ nghĩa Phương Đông được kết tinh dưới góc nhìn của “khoa học” châu Âu), và thời đại hiện tại khi nghiên cứu của các “chuyên gia” người Mỹ được triển khai, những người vốn, thậm chí trước vụ tấn công năm 2001 vào Trung tâm Thương mại Thế giới, đã tạo ra hình ảnh người Hồi giáo như một kẻ thù bẩm sinh của sự hiện đại, đạo đức và hòa bình.
Tất nhiên, không gian trung gian rộng lớn là sự phân tích diễn ngôn đế quốc của Anh, trong tất cả các chiều kích sư phạm, thẩm mỹ và chiến lược của diễn ngôn này. Khi xem xét quỹ đạo từ điểm đến của nó, điều đáng chú ý là cả sự suy thoái dần dần của diễn ngôn về Đông Phương Luận, mất đi các “điểm đối trọng” đồng thời là sự chồng chất của các “tiếng nói” đã tạo nên sự phức tạp của diễn ngôn, và sự ổn định của các khuôn mẫu nhân học có tác động kết hợp sự hạ giá Tha nhân với việc quản lý một thế giới dựa trên sự đối lập giữa chủ nhân và người nô lệ.
Nhưng điều này dĩ nhiên dẫn chúng ta đến câu hỏi về những gì xảy ra tiếp theo trong câu chuyện này: làm thế nào mà diễn ngôn đế quốc được ghi khắc trong nền văn hóa của chúng ta vẫn luôn có một cuộc sống như một bóng ma, trong khi các đế chế không còn được xây dựng hay cũng không được mở rộng nữa nhưng đang suy thoái, sắp nhường chỗ cho một kiểu phân bố dân số khác, không được quản lý bởi chủ quyền lãnh thổ mà bởi “chủ quyền giả” của Global Financial Market/Thị trường Tài chính Toàn cầu[2]? Trước khi đưa ra câu trả lời, tôi phải đi thêm một đường vòng nữa.
Đầu tiên (và tôi đặc biệt lấy cảm hứng từ tiểu luận của Said về “Chủ nghĩa phục quốc Do Thái từ góc nhìn của các nạn nhân”, trong khi vẫn tiếp nối những gì tôi đã nói ở trên về sự tàn ác của các đế chế đang suy tàn), diễn ngôn về sự phi nhân hóa Tha nhân trở nên ngày càng cần thiết khi vấn đề không phải là khai thác hay thống trị nó mà là làm cho nó biến mất[3]. Điều này xuất phát từ những lý do biện minh và lòng tự trọng cũng như từ các mục tiêu tuyên truyền cho thế giới xung quanh. Diễn ngôn của chủ nghĩa phục quốc Do Thái và các đồng minh Phương Tây về người dân Palestine là một minh họa bi thảm cho điều này ngày nay, cũng giống như diễn ngôn của các nhà khoa học chính trị Mỹ về người Ả Rập và người Hồi giáo sau Cách mạng Iran và Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nhưng một diễn ngôn về sự loại trừ như vậy không giống hệt với diễn ngôn được đề xuất bởi Đông Phương Luận học thuật trong thời kỳ bá quyền của các đế chế thực dân.
Bởi vì – nhận xét thứ hai – nếu “nền văn hóa cao cấp” của thời đại đế quốc không kém phần phân biệt chủng tộc so với nền văn hóa “bình dân” (hay đúng hơn là dân túy), thì cách thức đặc trưng của nó không bao gồm việc loại trừ Kẻ Khác khỏi loài người, mà đúng hơn là ghi khắc trong sự xây dựng cái phổ quát[4] các luận đề phân cấp hoặc phân biệt chủng tộc như khả năng không bình đẳng của các dân tộc trong việc tự giáo dục mình, hoặc khả năng không bình đẳng của họ trong việc “giải phóng” bản thân khỏi tôn giáo để tiếp cận với một thế giới quan dựa trên khoa học, luật pháp và chủ nghĩa nhân văn đạo đức.
Điểm danh dự và thành tựu to lớn nhất của những nỗ lực của nền văn hóa đế quốc dưới hình thái trí tuệ của nền văn hóa này luôn bao gồm việc quản lý sự thống nhất của các mặt đối lập: biện minh một cách nghịch lý cho sự phân biệt chủng tộc và hệ thống phân cấp chủng tộc bằng một ngành nhân học gắn chặt (như chúng ta thấy ở Kant) với đại tự sự về sự tiến bộ và bình đẳng, để, ngược lại, mang lại cho nó một cách biện chứng cái lợi ích của sự phản đề và của sự phủ định. Lúc đó, chúng ta có thể quan sát cách mà mâu thuẫn này (điểm “đối trọng” này) mở ra khả năng khẳng định tính phổ quát chống lại các cách sử dụng bá quyền của nó, theo quan điểm của những “kẻ hạ cấp” ít nhiều không được trang bị (không phải là vĩnh viễn) trên lĩnh vực quân sự và quyền lực kinh tế, nhưng họ có khả năng xuất hiện như những người thực sự mang sứ mệnh của tính phổ quát. Bởi vì họ nói lên sự thật trước quyền lực[5].
Ví dụ xuất sắc nhất trong lịch sử hiện đại vẫn là cuộc cách mạng Haiti (qua cách đọc của Césaire và C.L.R. James). Phép biện chứng này là cốt lõi của mọi phong trào cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ 20, như được chứng minh cụ thể ở Châu Phi qua các tác phẩm của DuBois và Fanon. Cả hai đều là nhà văn vĩ đại.
Và tôi xin đưa ra nhận xét cuối cùng. Những người chỉ trích Said, những người tấn công chủ nghĩa duy trí thức của ông, hoặc hối tiếc về đặc quyền mà ông dành cho văn học, ngữ văn, khoa học và tu từ học trong phân tích của mình, gây bất lợi cho “văn hóa đại chúng” chưa bao giờ thuyết phục được tôi[6]. Tôi nghĩ ông ấy đã đúng khi nhấn mạnh sức mạnh của “văn bản” và những tác động của tính văn bản trong suốt thời kỳ mà chúng ta có thể gọi là thời kỳ đế quốc tư sản, thời kỳ mà tất cả các nhà văn mà ông thảo luận đều thuộc về, từ Flaubert đến Camus và Melville đến Salman Rushdie. Bây giờ (thông qua giáo dục) văn học là động lực thúc đẩy nền văn hóa tư sản, nền văn hóa mà bản chất đế quốc được Said chứng minh xuyên suốt.
Nhưng “đặc quyền văn học” như được mô tả lại trở nên quan trọng hơn khi chúng ta chuyển sang diễn ngôn phản bá quyền, diễn ngôn của các nhà lãnh đạo và nhà lý thuyết của cuộc nổi loạn chống chủ nghĩa đế quốc, được các trí thức hậu thực dân tiếp nối, bởi vì chính bằng phương tiện viết lách mà họ cũng “xử lý” những căng thẳng đặc trưng cho lập trường của họ khi tìm kiếm cách vượt qua chủ nghĩa đế quốc hiện tại mà không tạo ra một chủ nghĩa đế quốc mới: giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới, sự bảo vệ bản sắc và tính phổ quát. Said – một người rất ngưỡng mộ Goethe và ý tưởng của ông về Weltliteratur/Văn học Thế Giới – nhận thức sâu sắc về những căng thẳng này. Đây là lý do tại sao ông ủng hộ một diễn ngôn hậu thực dân, tiếp tục văn học trong khi đảo ngược những tác động chính trị của nó. Điều này phù hợp với “chủ nghĩa thế tục” của ông. Văn học vốn là một hoạt động mang tính thế tục, ngay cả khi lấy cảm hứng từ các văn bản thiêng liêng và các truyền thống tôn giáo.
Ngày nay chúng ta đang ở đâu theo quan điểm này? Nói thẳng ra: không còn giai cấp tư sản nào có thể bá chủ về mặt văn hóa nữa, đặc biệt là ở cấp độ toàn cầu là cấp độ quan trọng nhất. Quyền lực bị các tỷ phú đa quốc gia và những cấp thừa hành chính trị hoặc thương mại của họ chiếm đoạt: họ nói tiếng Anh Toàn Cầu/Globish - Glob(al)(Engl)ish và hoàn toàn không quan tâm đến văn học (được thay thế bằng trò chơi điện tử và sự tiêu dùng phô trương). Do đó, họ hoàn toàn miễn nhiễm với tác động của diễn ngôn phản biện.
Điều này không có nghĩa là văn học không thể tự tái tạo trong các thực tiễn viết lách, âm nhạc, trình diễn khác lấy cảm hứng từ văn hóa Créole và văn hóa pop hay nhạc rap. Nhưng có ba thế lực khổng lồ đang hoạt động trước để vô hiệu hóa tác động của văn hóa, bằng cách nuốt chửng không gian công cộng và phá hủy văn bản: chủ nghĩa chính thống tôn giáo dưới các cờ hiệu khác nhau (thuyết Phúc Âm Cơ đốc, chủ nghĩa Hồi giáo chính thống, Ấn Độ giáo dân tộc chủ nghĩa, và thậm chí là “chủ nghĩa thế tục” theo kiểu Pháp biến thành công cụ bài Hồi giáo …); xu hướng biến văn hóa thành hàng hóa (vượt xa mức thương mại hóa và biến các sản phẩm văn hóa thành sản phẩm được định cỡ trước cho sự tiêu thụ đại chúng); cuộc cách mạng tin học, “toàn cầu hóa” sự phát triển của các văn bản, nhưng trái ngược với Weltliteratur, bằng cách thay thế cuộc phiêu lưu của sự dịch thuật bằng sự chuyển vị tự động và sự tạo ra các thông điệp bằng trí tuệ nhân tạo[7]. Trong ba cuộc tấn công này, cuộc tấn công thứ hai có sức tàn phá lớn hơn cuộc tấn công thứ nhất, và cuộc tấn công thứ ba thậm chí còn tàn phá hơn cuộc tấn công thứ hai. Nhưng chúng song hành với nhau, nằm dưới sự kiểm soát của các công ty đa quốc gia.
Cơ quan[8] cách mạng trong thế kỷ 21
Như vậy, đây là lần thứ ba tôi kết thúc bằng một chẩn đoán tiêu cực đáng sợ về các xu hướng đương đại của chủ nghĩa đế quốc. Chiến tranh toàn cầu hóa bất tận dẫn đến chủ nghĩa diệt chủng, chủ nghĩa tư bản tuyệt đối khiến chúng ta bị giam hãm trong vòng xoáy của (quyền lực) tài chính không được điều tiết và của sự phá hủy môi trường, “nền hậu văn hóa” đã vô hiệu hóa sự đối lập năng động của “hai mặt” của văn học dưới tác động kết hợp của ba chủ nghĩa chính thống, tôn giáo, thương mại, công nghệ... Ba thảm họa mà sự đảo ngược như là “sự mở đầu” cứu thế (Wo Gefahr ist, da wächst das Rettende auch/Nơi nào có sự nguy hiểm, thì nơi đó những gì cứu sống cũng lớn mạnh lên, nhà thơ viết[9]) là điều không thể tưởng tượng được.
Vậy chúng ta có khả năng gì để chống lại và xây dựng một tương lai khác? Tôi không biết. Nhưng chúng ta phải đánh cược, vì “chúng ta đã lên tàu rồi”. Tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn đơn giản để suy ngẫm.
Ở cấp độ tổng quát nhất, tôi nghĩ rằng phải luôn có sự tương hỗ về viễn cảnh giữa các cuộc đấu tranh giải phóng chống lại các thế lực đế quốc cụ thể (tức là các “đế chế” hoặc những đại diện của chúng) mà các dân tộc hoặc các cộng đồng bị chúng áp bức đã dấn thân vào, và cuộc đấu tranh chính trị chống lại chủ nghĩa đế quốc như một hệ thống, được nhận thức trong tính tổng thể và trong logic đặc thù của nó. Sự kháng cự và các cuộc nổi loạn là ad hominem/nhắm thẳng vào chúng, hay đúng hơn là ad dominum/nhắm vào sự thống trị của chúng – chúng không thể bị tiêu diệt và luôn nhắm vào một kẻ thù cụ thể, bởi vì các nhóm người không bao giờ bị áp bức một cách trừu tượng bởi một hệ thống hay logic, mà bởi các nhóm chính trị cụ thể khác, được trang bị bằng các nguồn lực dân sự và quân sự.
Nhưng cuộc đấu tranh tổng quát cũng không thể bị hy sinh, bởi vì sự bảo vệ cuối cùng của bất kỳ chủ nghĩa đế quốc nào luôn nằm trong mối quan hệ “đoàn kết đối kháng” ràng buộc nó với những chủ nghĩa khác. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp (thường gặp) khi một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc cảm nhận nhu cầu cấp thiết phải tìm kiếm sự ủng hộ từ những chủ nghĩa đế quốc khác, những kẻ thù của “chính đế quốc (đang áp bức họ)”, điều này chắc chắn sẽ gây tổn hại đến chủ nghĩa quốc tế và đến sự liên minh với các cuộc nổi dậy khác “từ bên dưới”. Ngược lại, mọi chủ nghĩa đế quốc đều có xu hướng lôi kéo và thao túng các nạn nhân của những kẻ thù của mình. “Toa xe bọc thép” của Lênin cũng không phải là ngoại lệ... Không có thế lực đế quốc nào (kể cả thế lực “bá quyền” trong một thời kỳ nhất định) là (hoàn toàn tiêu biểu cho) chủ nghĩa đế quốc.
Điều này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ biện chứng giữa tính phổ quát và tính đặc thù trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Theo quan điểm của tôi, có một cách tiếp cận tương liên khác để đề cập vấn đề này là cố gắng bao gồm trong một diễn ngôn duy nhất (một chiến lược duy nhất) các cam kết “chống hệ thống” ở cấp độ địa phương và toàn cầu. Điều này có thể đạt được thông qua việc phổ cập hóa một sự nghiệp mang tính biểu tượng, để nó trở thành một “chính nghĩa” cho toàn thế giới: tất nhiên là tôi đang nghĩ đến chính nghĩa của người Palestine, nhưng cũng nghĩ đến những chính nghĩa khác, chẳng hạn như chính nghĩa của “những kẻ lang thang” ngày nay bị săn đuổi, bị đưa đến cái chết giữa những biên giới thù địch, hoặc đến những phụ nữ, đặc biệt là trong các chế độ thần quyền, bị đối xử tàn bạo và bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất.
Điều này cũng phải bao gồm việc xây dựng các mạng lưới xuyên quốc gia trong đó các chủ thể tập thể “lai” hoặc “giao thoa” được hình thành, pha trộn các giai cấp (không phải tất cả...), các giới tính, các chủng tộc, các quốc tịch, để bảo vệ các lợi ích chung như hòa bình và giải trừ quân bị, Hợp tác Bắc-Nam về kinh tế, giáo dục và y tế, thậm chí là đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo (mà bản thân cũng là một hình thức của “sự lai tạp” này). Trước hết, việc bảo vệ môi trường mà sự phá hủy chỉ có thể được ngăn chặn hoặc làm chậm lại bằng một liên minh “nhiều màu sắc” bắt rễ khắp mọi nơi, đó chính là chủ nghĩa quốc tế vĩ đại ngày nay[10]. Vấn đề ở đây là phải đi vòng các nhà nước và gây sức ép tối đa để chúng thay đổi chính sách.
Nhưng để kết luận, tôi muốn quay lại ý tưởng về sự phân chia thế giới, mà tôi đã đặt ở trung tâm bản tóm tắt của mình về tính đế quốc của chủ nghĩa đế quốc. Sự phân chia thế giới cũng là sự phân chia nhân loại mà chúng ta phải đặt lại trong lịch sử rất dài của quá trình loài người “chinh phục” hành tinh và các phương thức chiếm hữu trái đất vốn cũng phân chia nhân loại, nhưng đã bị chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc định nghĩa lại một cách tàn bạo. Cùng với Lênin, tôi lập luận rằng sự phân chia đế quốc ngay lập tức trở thành sự tái phân chia, sự phân phối lại các lãnh thổ và dân số một cách tàn nhẫn. Điều này xảy ra liên tục cho đến khi, vào thế kỷ 20, xuất hiện một “siêu cường” về kinh tế và quân sự, sau đó là sự suy yếu tương đối của siêu cường này và sự tranh chấp với một đối thủ mà đồng thời nó lại phụ thuộc chặt chẽ (Trung Quốc), tạo ra sự thống nhất mang tính xung đột của thế giới. Các phương thức phân chia khác nhau chồng chéo lên nhau như những “biên giới nội bộ”: phân chia liên minh và chế độ, phân chia hệ tư tưởng, phân bổ các vùng giàu nghèo, phân bổ các hình thức bạo lực vũ trang... Chúng chồng chéo lên nhau nhưng không bao giờ trùng khớp hoàn toàn.
Tôi cho rằng bức tranh phức tạp này tạo ra sự phân chia con người như là con người. Có vẻ như sự phân chia này mâu thuẫn với sự thống nhất hoặc “tính chủng loại/généricité[11]” tạo nên chân trời của nó nhưng chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng, hay đúng hơn là thường xuyên bị ngăn cản bởi những trở ngại và lực lượng cần phải bị loại bỏ. Theo như triết gia Gilles Deleuze nói, đó là một “nhân loại còn thiếu”, hay một sự thống nhất của loài người chưa từng tồn tại, nhưng vẫn đấu tranh ở khắp mọi nơi chống lại các thế lực ngăn cản nó.
Việc loại bỏ những trở ngại đối với sự thống nhất của loài người, hay việc thống nhất lại những con người (và có lẽ cả những sinh vật không phải con người mà điều kiện sinh tồn đã bị chủ nghĩa tư bản phá hủy) không liên quan gì đến ảo tưởng về việc tạo ra một “Nhà nước toàn cầu”, tức là một đế chế duy nhất. Hoàn toàn ngược lại: sự hình thành của một cộng đồng thế giới kết hợp các dân tộc, các nền văn hóa và các lối sống. Chúng ta hãy nói như Said, chống lại việc phân chia nhân loại, chúng ta phải hướng tới một “điểm đối trọng” có nhiều nền nhân loại. Tất nhiên, đây là một điều không tưởng, nhưng tất cả các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc ở nhiều quy mô và hình thức khác nhau đều đang thực hiện điều không tưởng này.
Chúng ta còn nhớ đến sự lựa chọn mà những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản cũ đã đề xuất cách đây một thế kỷ khi phải đối mặt với thảm họa của chiến tranh thế giới: chủ nghĩa đế quốc hay cách mạng. Điều này cũng có nghĩa là: chỉ có cách mạng mới có thể chấm dứt chủ nghĩa đế quốc, đưa nhân loại bước vào một trang sử mới. Nói một cách đơn giản: Tôi không biết “cuộc cách mạng” ngày nay là gì. Nhưng tôi tin rằng mọi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, trong sự đa dạng to lớn về điều kiện và phương thức, đều mang tính cách mạng. Marx đã viết (hoặc gần như vậy) rằng tất cả các cuộc cách mạng là “phong trào thực sự xóa bỏ tình trạng thống trị hiện tại”. Và thực sự, được tập hợp lại với nhau, chúng ta có thể nói rằng chúng chính là cuộc cách mạng của thế kỷ 21.
Về tác giả:
Cựu giáo sư tại Đại học Paris-Nanterre (triết học đạo đức và chính trị, hiện là giáo sư thỉnh giảng về triết học châu Âu hiện đại tại Đại học Kingston, London. Ông cũng đã hoặc đang giảng dạy tại Hoa Kì (Columbia, UC Irvine), Algeria, Hà Lan, Mehico, Argentina và Italia.
Các tác phẩm của ông bao gồm Lire Le Capital (hợp tác với L. Althusser, P. Macherey, J. Rancière, R. Establet), François Maspéro, 1965; Race, Nation, Classe. Les identités ambigües (hợp tác với L. Wallenstein), Éditions La Découverte, 1988; và gần đây hơn Des universels. Essais et conférences, Éditions Galilée, 2016; Spinoza politique. Le transindividuel, Presses universitaires de France, 2018; Libre parole, Éditions Galilée, 2018; Ecrits I: Histoire interminable. D’un siècle l’autre, Éditions La Découverte, 2020; Ecrits II: Passion du concept, Éditions La Découverte, 2020.
Ông chủ yếu quan tâm đến lý thuyết chính trị, nhận thức luận của khoa học xã hội, nhân học triết học. Ông là thành viên của Liên đoàn Nhân quyền. Năm 2017 ông cũng nhận được Giải thưởng Hannah Arendt về Tư tưởng Chính trị do Thành phố Bremen và Quỹ Henrich Boll trao tặng.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Géométries de l’impérialisme au XXIè siècle (2/2)”, AOC, 25.11.2024.
Chú
thích: [1]
Xem lời bạt năm 1994 và lời tựa năm 2003 trong những lẫn tái bản Orientalism (25th Anniversary Edition, Vintage Books, 2003). [2]
Étienne Balibar, “Naissance d’un monde sans maître ? Après l’Empire, les marchés (Sự ra đời của một thế giới không có chủ nhân? Sau Đế chế)”, in Ecrits I, Histoire interminable. D’un siècle l’autre, Éditions La Découverte, Paris 2020. [3]
Edward Saïd, “Zionism from the standpoint of its victims (Chủ nghĩa phục quốc Do Thái từ quan điểm của các nạn nhân của nó)”, 1979, tái bản trong The Edward Said Reader, Vintage Books, 2000. [4]
Monique David-Ménard, Les constructions de l’universel. Psychanalyse, philosophie, PUF “Quadrige” 2009. [5]
Edward Saïd, Representations of the Intellectual (The 1993 Reith Lectures), Vintage Books 1996, chap. V: “Speaking Truth to Power” (Saïd dường như không biết đến sự phát triển của Foucault sau này khi ông tái kích hoạt khái niệm parrèsia của Hy Lạp). [6]
Nhưng chúng ta đừng quên những phân tích sâu rộng của ông về chức năng chiến lược của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong Covering Islam (Vintage Books, 1981 và 1997), tác phẩm xác lập lí thuyết lớn về các “cộng đồng diễn giải”. [7]
Xem tiểu luận của tôi “Sur la catastrophe informatique: une fin de l’historicité ?”, trích dẫn [8]
Thuật ngữ “Agence/Cơ quan” không được hiểu theo nghĩa là một tổ chức mà là một năng lực hoặc năng lực hành động như nó được hiểu theo nghĩa tương đương của từ agency trong tiếng Anh. [9]
“Nơi nào có nguy hiểm, nơi đó cũng phát triển những thứ cứu rỗi”, Hölderlin, Patmos, 1803. Câu trích dẫn ưa thích của Heidegger. [10]
Xem những suy ngẫm đơn giản và không khoan nhượng của Amitav Ghosh: Le Grand Dérangement. D’autres récits à l’ère de la crise climatique, Éditions Wildproject, Marseille, 2021. [11]
Marx trong “Manuscrit de 1844 (Bản thảo 1844)” đã mô tả con người là Gattungswesen, hay loài.