3.2.25

Tân Trúc (Hsinchu) Silicon và Cuộc công nghiệp hóa Đài Loan

TÂN TRÚC SILICON VÀ CUỘC CÔNG NGHIỆP HÓA ĐÀI LOAN
NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

 Nguyễn Xuân Xanh

(Tháng 3&4, 2020. Toàn bài sẽ được đăng trong một quyển sách chuyên đề về Thung lũng Silicon từ góc nhìn văn hóa, Đài Loan và Hàn Quốc, Nxb Tổng hợp, TP HCM, 2024)

Học để phát triển (kinh tế) đòi hỏi một sự thay đổi từ quan điểm dựa vào các lý thuyết suy diễn thuần túy sang quan điểm dựa vào kinh nghiệm sống quy nạp trong thời hoàn cảnh thực. Nếu các nền kinh tế mới nổi muốn tiếp tục tăng trưởng, nếu các nước kém phát triển muốn tăng cường sản lượng, họ cần một tư duy “nổi loạn”, một tâm hồn “nổi loạn” và một cuộc cách mạng trong lý luận về phát triển kinh tế.

Alice H. Amsden, 2012

Trong đời sống nhân loại, kinh tế đi trước chính trị và văn hóa.

Park Chung Hee

Điều quan trọng nhất trong đời là có một mục đích, và sự kiên quyết để thực hiện nó.

Khẩu hiệu được ghi tại Cục phát triển công nghiệp ở Đài Bắc

Chúng tôi không bao giờ học bất cứ điều gì đến hai lần.

Khẩu hiệu của người Hàn Quốc

***

Dàn bài

1.   Mở đầu

2.   Chiếc bóng bán dẫn làm thay đổi thế giới

PHẦN 1

3.   Công viên khoa học Tân Trúc (HSIP) – Hình thành và tác động của nó

4.   HSIP và Viện nghiên cứu ITRI: Các định chế chiến lược cho hi-tech

5.   Chiến lược thâm nhập vào thế giới công nghệ cao

6.   Nhóm tư vấn độc lập STAG

7.   Chiến lược liên minh và quá trình bắt kịp

8.   Từ bắt chước đến sáng tạo

9.   Nguồn lực chất xám chảy ngược

10.   Tóm tắt

PHẦN 2

11.   Về cuộc cách mạng công nghiệp Đài Loan

12.   Đóng góp của Giáo dục Khoa học Công nghệ

13.   Tương đồng và khác biệt với Hàn Quốc

14.   Các giai đoạn công nghiệp hóa

15.   Lợi thế của Đài Loan về kinh nghiệm chế tạo (manufacturing)

16.   Bối cảnh chính trị Đài Loan

17.   Tương đồng và khác biệt với Hàn Quốc trong phong cách

18.   Đàn sếu bay

PHẦN 3

19.   Chính phủ kiến tạo phát triển như hệ hình mới

20.   Hai minh họa vai trò dẫn dắt của nhà nước

21.   Thuyết tân cổ điển vs Nhà nước kiến tạo phát triển

22.   Chính phủ mạnh và Chính phủ yếu

23.   Đường cong học tập

24.   Tinh thần kiến tạo phát triển

PHẦN 4

25.   Việt Nam

Tài liệu tham khảo

***

Dưới đây chúng tôi xin đăng hai mục (1) và (2)

(1) MỞ ĐẦU

Sự trỗi dậy của Đông Á với tư cách là các cường quốc kinh tế toàn cầu là một trong những quá trình chuyển đổi lớn của thời đại chúng ta. Các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, mà một thế hệ trước đã phải chịu cảnh nghèo khó không thể tưởng, đã tự nâng mình trở thành người tạo ra sự giàu có nhờ công nghiệp hóa. Chỉ trong vài thập niên, một vùng đất nghèo nàn lạc hậu bỗng chốc trở thành giàu mạnh, phát triển, có nền kinh tế tri thức và công nghệ cao. GDP đầu người của Đài Loan đã tăng từ $2.368 năm 1980 lên $14.877 năm 2000, tăng gấp 6.3 lần, là giai đoạn phát triển công nghệ IT được trình bày dưới đây, trong khi năm 1970 chỉ đạt $396. Năm 2010 chỉ số này tiếp tục tăng lên $19.262, và $24.828 năm 2019. Đó là một cuộc cách mạng.

Người ta tự hỏi, Đài Loan, và người láng giềng Hàn Quốc phát triển theo con đường nào để đạt những đỉnh cao như thế? Canh tân quốc gia là một công việc vĩ đại và gian nan mà có lẽ nhiều quốc gia thất bại hơn là thành công. Dưới đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu sự “hóa rồng” của Đài Loan, và khi hiểu được nó, sẽ có sơ sở để hiểu Hàn Quốc dễ dàng hơn. Hai quốc gia có phần lớn số gien giống nhau. Họ khác nhau nhiều về phong cách, một bên là “gradualist”, tuần tiến, một bên là “big push”, cú hích lớn.

Học thuyết kinh tế tân cổ điển là học thuyết nhằm bảo đảm một nền kinh tế thị trường phát triển tự do, chủ yếu dựa vào một nhà nước đặt ra các chính sách vĩ mô thuận lợi, phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vào giáo dục đào tạo, lấy kinh tế tư nhân làm chủ đạo, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tự do hóa nhập khẩu, loại bỏ các rào cản thương mại như thuế quan và hạn ngạch, giữ sự can thiệp tối thiểu, còn lại để cho thị trường tự do vận hành. Điều này được thể hiện trong “Đồng thuận Washington” những năm 1980 của thế kỷ trước. Nhà nước, có thể nói, giữ vai trò “trọng tài” đứng ngoài cuộc chơi.

Nhưng ở các quốc gia Đông Á, người ta tìm thấy nhà nước ngược lại, không phải thuần túy trọng tài, mà còn giữ vai trò “huấn luyện viên”. Nhà nước, trong chừng mực, gia nhập cuộc chơi, nhưng không cạnh tranh với các lực lượng thị trường, ngược lại có nhiệm vụ “dẫn dắt thị trường”, thúc đẩy các lực lượng thị trường còn nhút nhát mạnh dạn phát triển các tiềm năng to lớn hơn, làm những sự khai phá thị trường hướng đến những phân khúc mà tự nó thị trường khó đến được. Loại nhà nước mới này có tên nhà nước kiến tạo phát triển – developmental state. Lịch sử loại nhà nước này đã bắt đầu hình thành từ Đức vào đầu và Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, trong chừng mực ở Mỹ, và sau Thế chiến II phát triển mạnh thành hệ hình phát triển mới cho các quốc gia Đông Á. Theo hệ hình này, nhà nước, giới doanh nhân, giới công nghệ cùng ngồi trên một chiếc thuyền, hợp tác với nhau vì một mục tiêu quốc gia chung, vì “màu cờ sắc áo”, thành bại và vinh nhục đều được chia sẻ chung. Các quốc gia đi sau, nên phải sử dụng tổng nguồn lực, kể cả vai trò của nhà nước thì mới có cơ may bắt kịp. Đó là sự đổi mới sáng tạo trong kinh tế chính trị học.

Vai trò kiến tạo phát triển này của chính phủ Đài Loan sẽ hiện ra rõ nhất trong cuộc cách mạng ICT đang dâng lên ở Mỹ và Nhật Bản, là giai đoạn quyết liệt nhất từ những năm 1980 trở đi, giúp cho Đài Loan nhanh chóng hóa rồng. Chính ở giai đoạn phát triển hi-tech được trình bày dưới đây người ta mới thấy rõ vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển, thể hiện bàn tay rất hữu hình như người dẫn dắt, đầu tư để tạo ra những xung lực mới cho giới doanh nhân tư nhân, định hướng và thúc đẩy bằng những chính sách tài chính có chọn lọc giúp các mảng công nghiệp mới ra đời, tạo động lực cho quốc gia cất cánh. Xem xét những bước đi, định chế cụ thể của sự phát triển sẽ thấy được xương thịt của một cơ thể mới hình thành thế nào từ các chính sách.

Đối với các con rồng con châu Á, từ Nhật Bản thế kỷ 19, 20 đến Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều quốc gia phát triển nhanh khác, thuyết tân cổ điển, cũng như “Đồng thuận Washington, nói quá đi, xem như bị “sụp đổ”, nhường chỗ cho một hệ hình mới, bao gồm vai trò của “nhà nước kiến tạo phát triển”, “dẫn dắt”, và có “định hướng thị trường”, nhằm phát triển và phát huy sức mạnh đổi mới sáng tạo của thị trường gấp nhiều lần hơn. Nhà nước không đóng vai trò tham gia cạnh tranh trên thị trường, mà là động lực “từ phía ngoài” (exogenous) nền kinh tế tác động để dẫn dắt và tạo ra những thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Những điều đó sẽ giải thích “các nền kinh tế thành tích cao” ở Đông Á, một sự kiện được nghiên cứu và bàn luận rất nhiều trong kinh tế chính trị học trên thế giới.

Thế giới không thiếu những nhà nước can thiệp chỉ vì lợi ích riêng mà kìm hãm thị trường. Người ta không thể nhân danh sự can thiệp nhà nước để tùy tiện làm suy yếu các lực lượng thị trường, suy yếu quốc gia. Ở đâu nền kinh tế không vực dậy và thăng hoa xứng đáng với tiềm năng của dân tộc, ở đó có cái gì rất bất hợp lý.

Điểm nổi bật của các nền kinh tế này là dựa vào tri thức, khoa học công nghệ là cốt lõi. Nhà nước, nhà công nghệ, và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – trong triết lý “hãy làm việc tốt nhất theo cách của mình” – làm thành một liên minh hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau đi vào những hướng phát triển mới của thị trường thế giới. Cạnh tranh thế giới thực chất là cạnh tranh về công nghệ, năng lực học hỏi, hấp thu và làm chủ khoa học công nghệ mới. Kết nối vào các phân khúc thế giới là kết nối công nghệ, nhận được sự phân công lao động, để từ đó học hỏi, rồi dần dần tiến lên đổi mới sáng tạo để có vai trò xứng đáng trong cộng đồng công nghệ thế giới.

Để thực hiện cuộc tiến lên hi-tech thành công, nhà nước Đài Loan không phải chỉ có các nhà chính trị thuần túy, mà phải có một đội ngũ đông đảo các nhà kỹ trị khai sáng, gồm những nhà khoa học, kỹ sư được đào tạo chính quy, một số ở châu Âu, một số ở Mỹ, một số trong nước, am hiểu tình hình công nghệ thế giới, “cosmopolitan”, để làm chính sách và giám sát thực hiện, có lực lượng kỹ sư đông đảo được đào tạo hiện đại nhất, và kết nối với một lực lượng doanh nhân công nghệ năng động từng sống và làm việc có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, tại các công ty công nghệ hay tại Thung lũng Silicon. Các nhà kỹ trị đều độc lập, và được bảo đảm vị thế độc lập để hoạt động, chính trị không quan trọng đối với họ, lợi ích quốc gia mới là trên hết. Họ là những người đề ra ý tưởng, phương hướng, vạch ra chính sách, cũng như thực hiện và giám sát. Trong số họ, có những nhà “siêu kỹ trị”, “công thần khai quốc” mà tên tuổi gắn liền với cuộc công nghiệp hóa và công nghệ cao.

Sự phát triển Đông Á dựa trên kết nối xuyên quốc gia chặt chẽ, dựa trên mối quan hệ chính trị thuận lợi sẵn có, thị trường mở, sự trao đổi giáo dục, và chuyển giao công nghệ dễ dàng. Không có sự đứng riêng lẻ. Trong nửa thế kỷ qua, các quốc gia Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã trở thành đàn sếu bay nhiều thế hệ liên tiếp cất cánh vươn cao, con này kéo con kia. Trung Quốc cũng xếp mình vào chuỗi kết nối đó, không thể khác. Câu hỏi đối với chúng ta là: Việt Nam sẽ thuộc về thế hệ sếu bay nào sắp tới? Có hay không, và nhanh hay chậm?

Đọc mẩu truyện lịch sử dưới đây, chúng ta sẽ hình dung Việt Nam cần phải làm gì nếu muốn đất nước gia nhập đàn sếu cất cánh trong tương lai. Người Việt đang có khát vọng tạo ra những sản phẩm “đẳng cấp thế giới”. Điều đó đúng. Người Việt Nam có niềm tự hào lớn trong lịch sử, nhưng chưa tự hào được về kinh tế, nhận thấy kinh tế chưa xứng đáng với tiềm năng trí tuệ con người, và còn thua xa các quốc gia xung quanh, làm cho niềm tự hào bị tổn thương. Qua rồi giai đoạn chỉ bằng lòng với đồng lương gia công rẻ, hay với những sản phẩm sơ chế hay sơ cấp. Với ưu thế lao động rẻ và cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh tế Việt Nam không bao giờ cất cánh được, đơn giản vì nó không có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng làm sao để có sản phẩm “đẳng cấp thế giới”, đó là điều phải vắt óc suy nghĩ của những ai có trách nhiệm, và cả giới doanh nhân tinh hoa. Câu chuyện lịch sử dưới đây minh họa rất nhiều những gì cần phải làm để có thể có những sản phẩm “đẳng cấp thế giới” như từng xảy ra xung quanh ta.

Việt Nam có thể cất cánh bên ngoài đàn sếu kia hay không? Chúng ta khó đứng riêng lẻ đủ sức mà cất cánh. Cất cánh vào khung trời nào? “Buôn có bạn, bán có phường”. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Mã Lai, và ngay cả Trung Quốc cũng không thể đứng ngoài thị trường thế giới. Chỉ khi nào chia sẻ được sự phân công lao động quốc tế ở các phân khúc công nghệ cao, chúng ta mới có cơ may học hỏi để nỗ lực tiến lên xuất sắc. Phải tạo cho được một vé vào cửa thị trường công nghệ cao, tạo được lòng tin cậy của đối tác thế giới, rồi tiến lên nghiên cứu đổi mới sáng tạo, cố gắng vượt họ ở một số mặt góp phần vào sự tiến bộ chung. Bài học của Đài Loan, cũng như các quốc gia hóa rồng khác, cung cấp hình mẫu của quỹ đạo cho các quốc gia đi sau để tiến lên phía trước.

Việt Nam từ hơn 20 năm nay có không thiếu các hiệp định hợp tác “toàn diện” hay “chiến lược” với nhiều quốc gia phát triển hàng đầu, nghe rất phấn khởi, nhưng thực tế chưa thấy có những tác động đột phá nào đáng kể lên việc nâng cấp mặt bằng công nghệ Việt Nam cao hơn, để Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ cao hơn cung cấp cho các phân khúc thị trường thế giới, như Đài Loan từng làm, và cũng như Hàn Quốc hay Singapore. Tại sao không, và tại sao chưa? Đầu tư trực tiếp FDI có thể giúp Việt Nam cất cánh? Không bao giờ. Chúng ta sẽ chỉ làm công chứ không thể làm chủ công nghệ hiện đại, hoặc có những sản phẩm “đẳng cấp thế giới”. FDI chỉ là giai đoạn, và chủ nhân của những đề án này không phải là người Việt Nam. Chúng ta hãy xem thí dụ Đài Loan dưới đây, cũng như chứng kiến sự tiến hóa ngoạn mục của tương quan lực lượng giữa đầu tư nước ngoài như ngoại lực, và các doanh nghiệp bản xứ như nội lực trên đất nước họ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi lớn, đa phần chỉ mới làm gia công cho các mặt hàng thâm dụng lao động, giá rẻ, chưa thâm dụng tri thức cho những mặt hàng hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Những giai đoạn chuẩn bị căn bản của một cuộc công nghiệp hóa quy mô, như thay thế nhập khẩu, định hướng xuất khẩu ở các mặt hàng chế tạo có hàm lượng công nghệ trung, để tạo điều kiện tiến lên những công nghệ cao hơn, được thực hiện hẵng còn quá ít.

(2) CHIẾC BÓNG BÁN DẪN THAY ĐỔI TH GIỚI

Câu chuyện bắt đầu bằng chiếc bóng bán dẫn có tên transitor, là phát minh khoa học hiếm có thay đổi cả thế giới mà nếu không có nó, sẽ không có cái gọi cuộc cách mạng ICT hiện tại, lại càng không có 4.0 hay hơn thế nữa. Nó mới được phát minh vào năm 1948 tại Phòng thí nghiệm Bell Hoa Kỳ bởi ba nhà khoa học William Shockley, John Bardeen, và Walter Brattain. Ba ông được công nhận giải Nobel năm 1956. Sau đó, IC (integrated circuit), mạch tích hợp, hay vi mạch, hay chip, ra đời chứa nhiều bóng bán dẫn được Robert Noyce chế tạo năm 1957 được nén lại trên một tấm silicon. Với thời gian, chip có thể chứa từ hàng trăm đến hàng triệu bóng bán dẫn [và đến nay đã hàng tỷ], điện trở và tụ điện, có thể hoạt động như bộ khuếch đại, bộ tạo dao động, bộ đếm thời gian, bộ vi xử lý hoặc thậm chí là bộ nhớ máy tính, vân vân. Những con chip điện tử cực nhỏ này có thể thực hiện tính toán và lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ kỹ thuật số. Chúng là những động lực công nghệ quan trọng của thời đại IT, tạo ra vô số các sản phẩm mới điện thoại thông minh, iPad, máy tính cá nhân, truyền hình độ nét cao, các thiết bị y tế tinh vi, vân vân. Chúng có năng lực thay đổi tất cả các ngành công nghiệp và lối sống con người. Chip ngày càng được nén lại chứa nhiều hơn bóng bán dẫn theo Định luật Moore: Cứ hai năm sẽ chứa gấp đôi bóng bán dẫn một lần. Bóng bán dẫn đơn giản đầu tiên đã tiến hóa thành những con chip ‘megabit’ như Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM, Dynamic Random Access Memory), đến năm 2000 đã đạt đến mức một gigabyte: một tỷ thiết bị (devices) được nhúng trong đó. Có người gọi ngành công nghệ mới này là công nghệ cọp (tiger technology), và chip là chip cọp (tiger chip) để đặc trưng sức mạnh thần kỳ của nó. Còn đối với người Nhật, ngành chất bán dẫn (là nguyên liệu để sản xuất ra các loại linh kiện bán dẫn như diode, transistor, IC trong các thiết bị điện tử) được xem là “cơm gạo của công nghiệp”, vì thế họ không tiết kiệm nỗ lực nào để bảo đảm làm chủ cho được các công nghệ về sản phẩm và sản xuất từ các công ty Mỹ đang thống lãnh lúc đó như Fairchild và Texas Instruments, và ‘nuôi dưỡng’ năng lực công nghệ của các công ty Nhật Bản đến trình độ họ có thể nổi lên như một tay chơi bùng nổ trên thị trường quốc tế và chiến thắng trong những năm 1980 sau đó. Cũng có thể ví sức mạnh của loại công nghệ mới này là thanh gươm thần của Vua Arthur trong chuyện thần thoại Anh mà các quốc gia Đông Á phải ra sức bằng mọi giá chiếm cho được.

Robert Noyce, đồng phát minh ra mạch tích hợp IC (Wikipedia)

Sự giàu có được tạo ra đầu tiên ở Bờ Tây Hoa Kỳ tại Thung lũng Silicon, nơi các con chip đầu tiên được thiết kế và sản xuất, và sau đó lan tỏa trên khắp Thái Bình Dương, về công nghệ cũng như năng lực sản xuất. Đối với các quốc gia ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, bắt đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó là Singapore, Malaysia và Trung Quốc, thực tế chip là nền tảng cho chiến lược công nghiệp của họ.

Vào giữa những năm 1980, với một cuộc ‘tấn công’ ồ ạt vào chip nhớ (memory chip) – theo truyền thống “Trân Châu Cảng” – người Nhật đã chiếm được hơn 40% thị trường chất bán dẫn thế giới, tạo ra một cuộc chiến thương mại công nghệ cao nổi tiếng với Mỹ, mà đỉnh cao Hiệp định thương mại bán dẫn Mỹ-Nhật năm 1986, nhằm giới hạn sự cung cấp chip vào thị trường Mỹ.

Rồi sau đó tay chơi Hàn Quốc xuất hiện. Bỗng nhiên, không biết từ đâu, các công ty như Samsung và sau đó là Huyndai và Goldstar (nay là LG Semicon) đùng đùng cũng cung cấp được các chip bộ nhớ chất lượng cao với giá cạnh tranh cho các nhà sản xuất máy tính Mỹ. Samsung đã kiếm được lợi nhuận từ các doanh số này từ đầu năm 1987, trong khi các công ty khác của Hàn Quốc nỗ lực xây dựng các khả năng công nghệ. Ít ngoạn mục hơn, nhưng với bề rộng công nghệ và tính linh hoạt cao hơn, thập niên 1990 cũng báo hiệu sự xuất hiện của Đài Loan như một thế lực bán dẫn, dẫn đầu bởi xưởng đúc wafer đầu tiên quy mô, Tập đoàn sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), và các nhà cung cấp chip tiên tiến như UMC và Winbond. Đến nửa cuối thập niên 1990, các công ty Đài Loan cũng đã chuyển sang chế tạo chip nhớ để thách thức cả người Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, Singapore, nơi cung cấp một thiên đường cho các hoạt động lắp ráp và đóng gói chip đa quốc gia sớm, vào cuối những năm 1990, đã tự hào với một số nhà máy sản xuất tấm wafer đa quốc gia và xưởng đúc wafer bản địa của riêng mình, được vận hành bởi Tập đoàn công nghệ Singapore (Singapore Technologies Group). Đồng thời Malaysia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc cũng đang chứng kiến những khoản đầu tư lớn vào hoạt động bán dẫn trong cả hai, đóng gói IC có giá trị gia tăng thấp và, trong tương lai, chế tạo tấm IC có giá trị gia tăng cao hơn. (Tiger technology, 29-31)

Các ngành công nghiệp bán dẫn cao cấp mầu mỡ đó bỗng chốc hình thành tại các quốc gia Đông Á. Chúng xuất hiện thế nào tại các quốc gia mới nổi? Lịch sử đã cho thấy, không phải là tình cờ hay kết quả của hoạt động không ý thức của các lực lượng thị trường, mà ngược lại, các ngành công nghiệp kia đã được cố ý gieo trồng và nuôi dưỡng như những hành động có tính toán của các chính sách công mới lạ xuất hiện của một kiểu nhà nước mới: nhà nước kiến tạo xây dựng nói ở trên. Đây là điểm khác biệt cơ bản.

Cụ thể, dựa theo kinh nghiêm của Đông Á, để có những bước phát triển đột phá, Việt Nam trước nhất phải vào được câu lạc bộ đàn sếu, được chấp nhận để ‘học việc” (apprentice), và ‘thực tập’ qua những đề án gia công OEM (“sản xuất thiết bị gốc” cho khách hàng theo thiết kế của họ để họ toàn quyền sử dụng theo thương hiệu của họ) để có tay nghề và kỹ năng cao, rồi tiến lên gia công ODM (tự thiết kế). Câu lạc bộ này giống như một phường nghề thời Trung cổ, nhưng có công nghệ cao cấp. Họ vừa hợp tác vừa cạnh tranh liên tục. Được nhận vào đó sẽ là bước đột phá chiến lược về liên minh. Bước liên minh chiến lược này rất có thực chất hơn nhiều lần các hiệp định hợp tác chiến lược chung. Bước phát triển đó sẽ bắt đầu định hình căn bản hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục của Việt Nam để biết làm gì, đào tạo gì. Dĩ nhiên đào tạo có thể đi trước một bước nếu có tầm nhìn. Chúng ta có thể đọc Báo cáo Ngân hàng 2035 về Việt Nam được công bố năm 2016 với nhiều nguyên tắc kinh tế thị trường, giáo dục, tăng năng suất lao động, tăng GDP, vân vân, rất minh triết, nhưng Việt Nam không có một miếng đất dụng võ để phát triển, lớn lên, để một ngày nào đó trở thành một “master”, tiến lên từ bắt chước (imitation) đến sáng tạo (innovation). Dĩ nhiên, Ngân hàng thế giới không có nhiệm vụ tạo ra liên minh chiến lược cho ai, mà đó phải là công việc của Việt Nam. Cộng đồng các quốc gia công nghệ cao là trường học lớn, mà việc gia công OEM/ODM chính là một trường để vừa học vừa làm hữu hiệu nhất. Đó là bước khởi đầu trong quá trình bắt kịp (catch-up) ngày càng được nâng cao. Hãy xem trường hợp Đài Loan làm dưới đây. Đài Loan, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, cung cấp những bài học khai sáng hết sức quan trọng không những cho Việt Nam mà còn cho tất cả các quốc gia đi sau (latecomers). Dưới đây, nó được minh họa không những về mặt thực tiễn mà còn về mặt lý luận. Khai sáng về những vấn đề then chốt của sự phát triển từ khoa học công nghệ, giáo dục, tổ chức học tập, đến vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của nhà nước vào những phân khúc thị trường mới của thế giới, đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển R&D, tạo những chùm spin-off liên kết nhau, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân thực hiện những chương trình hiện đại hóa công nghệ xuất sắc, và vai trò của giới Hoa kiều từ Mỹ.

Tôi hy vọng phần trình bày dưới đây sẽ minh họa được sự thành công của Công viên khoa học Tân Trúc như một Thung lũng Silicon, và cuộc hóa rồng của Đài Loan một cách sáng sủa, như cái DNA hay một “hệ quy chiếu” rõ nét, làm bài học và cũng để đánh giá sự phát triển của chính Việt Nam, giúp bạn đọc sẽ hiểu dễ dàng hơn khi tiếp xúc với lịch sử công nghiệp hóa của Hàn Quốc, hay ngay cả Trung Quốc sau đó.

NXX, mùa dịch Covid-19, 2020

-----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF