5.8.14

Aristote và sức mạnh xói mòn của đồng tiền




Những suy tưởng của Aristote về kinh tế, xã hội và chính trị là phong phú đến kinh ngạc. Cho dù đó là về sự phân công lao động, xác định giá trị, hay sự nổi lên và những chức năng của tiền tệ, các lí thuyết của ông báo hiệu kinh tế học hiện đại.
Aristote, được xem một cách có cơ sở như một trong những nhà tư tưởng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, tất nhiên không phải là một nhà kinh tế. Nghề nghiệp này chỉ ra đời hơn hai nghìn năm sau ngày mất của “Stagirite”, biệt danh được gán cho người sinh trưởng ở Stagire, Macedoine. Tuy nhiên, ông là tác giả của những suy tưởng phong phú và hiện đại đáng kinh ngạc về kinh tế cũng như chính trị, xã hội và nhiều lĩnh vực khác của hoạt động con người. Hơn bao giờ hết, những lời nguyền rủa của ông chống lại sức mạnh xói mòn của tiền bạc vẫn còn tính thời sự. Diễn ngôn của ông về sự phân công lao động, việc xác định giá trị hay sự nổi lên và những chức năng của tiền tệ báo trước kinh tế học hiện đại.
 Bản thân cũng là một triết gia và độc giả của Aristote, Adam Smith lấy lại những luận điểm của ông trong các chương đầu của Của cải của các dân tộc (1776), tác phẩm tạo lạp kinh tế học chính trị thành một bộ môn độc lập. Một thế kỉ sau, để xác lập lí thuyết giá trị của mình, Karl Marx dựa trên “nhà tư tưởng vĩ đại, người đầu tiên đã phân tích hình thái giá trị, cũng như nhiều hình thái khác, hoặc là của tư tưởng, hoặc là là của xã hội hay của tự nhiên”.  Đọc lại tác phẩm Đạo đức của “Aristote tuyệt vời”, Keynes viết cho bạn mình, ngày 23 tháng giêng 1906, là Lytton Strachey: “Chưa từng có ai nói một cách minh triết đến thế - trước nay hay sau này”. Gần chúng ta hơn, Amartya Sen lấy cảm hứng từ Aristote để nghiên cứu những quan hệ giữa đạo đức và kinh tế.

Từ đạo đức tới chính trị
Trong cách nhìn thế giới của Aristote, chính trị cũng như kinh tế phụ thuộc vào đạo đức. Vả lại, chính trong tác phẩm Ethique à Nicomade mà ta tìm thấy những suy tưởng tinh tế nhất của ông về giá trị và tiền tệ. Bản thân đạo đức cũng phải nhường vị trí hàng đầu cho tự nhiên. Điều tự nhiên đối với cá nhân, làng xã hay Thành quốc là việc tìm kiếm hạnh phúc và sống tốt. Hạnh phúc trước tiên đòi hỏi việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất và do đó dựa trên hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, săn bắn, đánh bắt và chế tạo những đồ vật thông dụng.
Trong lĩnh vực này cũng như trong mọi lĩnh vực khác, triết gia nhất mạnh những phẩm chất của sự điều độ. Phải tránh mọi sự thái quá trong việc tiêu dùng các sản phẩm vật chất, ông còn chủ trương một sự đạm bạc nhất định nhưng không loại trừ những tinh tế và vui thú. Nhưng với người tài trí, hạnh phúc đạt được trong việc tìm kiếm chân lí, chiêm ngưỡng cái đẹp, vun trồng những quan hệ yêu đương và bạn bè. Đó là diễn ngôn mà ta gặp lại trong Principia Ethica của nhà triết học Anh G. E. Moore được bạn ông là John Maynard Keynes chọn làm tín điều.
Con người cùng nhau mưu cầu hạnh phúc. Thành quốc, tập hợp con người lại với nhau là một cơ thể tự nhiên, như làng xã hay gia đình. Con người là một động vật dân sự, hay chính trị, là một trong những câu nổi tiếng nhất của Aristote. “Chính trị” có nguồn gốc từ chữ polis có nghĩa là ‘thành quốc”, tức là hình thái của Nhà nước trong tiếng Hi lạp cổ đại. Thành quốc là một tập hợp những công dân, điều hành hoạt động của Nhà nước, miệt mài hoạt động quân sự, thể thao, nghệ thuật, văn chương và triết học. Lao động tay chân không tương thích với các hoạt động này. Đối với Aristote, nô lệ là thể chế cho phép giải quyết những vấn đề do tình hình trên đặt ra. Đó là một thể chế tự nhiên được thể hiện ngay về mặt cơ thể bằng dáng gập người, lùn béo và sức mạnh vượt trội của người nô lệ. Tất nhiên đây là khía cạnh đen tối trong cách nhìn xã hội của Aristote. 

Từ kinh tế tới chrematistico

Từ “kinh tế” xuất phát từ chữ Hi Lạp oikosnomos, gồm oikos có nghĩa là “nhà” và nomos là “qui tắc, sử dụng, luật”. Từ này chỉ nghệ thuật quản lí tốt một căn nhà, một cơ nghiệp. Nó được Xenophon dùng lần đầu tiên theo nghĩa này trong một tác phẩm viết vào khoảng 360 năm trước công nguyên. Dùng như một thể từ, “kinh tế” có cùng nghĩa trên. Đối với Aristote, kinh tế khác với đạo đức và chính trị, nhưng không vì thế mà độc lập với các chiều kích này của hoạt động con người. Với triết gia, sự tự cung tự cấp về mặt kinh tế là tình hình lí tưởng, cho cơ nghiệp gia đình hay ít ra là cho Thành quốc, nhưng là một lí tưởng không với tới được do tất cả những gì cần thiết để nuôi sống con người không được sản xuất tại cùng một chỗ. Chính vì thế mà ra đời sự phân công lao động, trao đổi và do đó, giá trị và tiền tệ. Từ sự hình thành này, Aristote đề xuất một mô tả báo trước suy tưởng kinh tế hiện đại.
Ông phân biệt trước hết hai cách sử dụng đặc biệt một đồ vật: một cách sử dụng riêng, phù hợp với bản chất của đồ vật (ví dụ, giày dùng để đi); một cách sử dụng phi tự nhiên, tức là dùng để có được một đồ vật khác, bằng cách bán đi hay trao đổi. Đây là sự phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, sẽ được các nhà kinh tế cổ điển và Marx lấy lại. Vấn đề thứ nhì là xem xét tỉ lệ trao đổi giữa hai sản phẩm. Tác phẩm Ethique à Nicomade cung cấp hai câu trả lời lớn được các nhà kinh tế trong các thế kỉ sau chia nhau chấp nhận. Aristote khẳng định trước tiên là đằng sau sự trao đổi, ví dụ giày đổi lấy nhà, diễn ra sự trao đổi giữa lao động của người thợ giày và lao động của kiến trúc sư. Đây là nguồn gốc của lí thuyết giá trị lao động của Smith, Ricardo và Marx. Nhưng ông thêm rằng cơ sở của giá trị một đồ vật nằm ở nhu cầu cảm nhận đối với đồ vật ấy, điều này báo trước lí thuyết giá trị đặt cơ sở trên lợi ích, một lí thuyết sẽ tự khẳng định với cuộc cách mạng cận biên.
Tính hiện đại của Aristote hiện ra rõ nhất trong phân tích của ông về sự hình thành, bản chất, vai trò và chức năng của tiền tệ. Tiền tệ xuất phát một cách tự nhiên từ sự phân công lao động và trao đổi. Do đó tiền tệ là một thể chế cần thiết của con người. Tuy nhiên nó không tự nhiên mà có tính pháp định, giá trị của tiền tệ là giá trị được gán cho nó, từ đó có tên gọi là “nomisma”. Aristote trình bày rõ những chức năng của tiền tệ giống như ngày nay chúng vẫn còn được giải thích: thước đo giá trị, phương thức thanh toán và dự trữ giá trị. Chính chức năng cuối cùng này mở đường cho những nan đề và lạm dụng. Tiền bạc bị tách ra khỏi cách sử dụng thông thường và có thể trở thành đối tượng của sự ham muốn.
Chính trên điểm này xuất hiện sự phân biệt của Aristote giữa kinh tế và chrématistique. Trong tiếng Hi lạp, chrémata chỉ tiền bạc, sự giàu có. Chrématistikos có nghĩa là “liên quan đến việc làm ăn”. Aristote gán cho từ này ‘ý nghĩa “sở hữu nhân tạo” được ông đối lập với việc sở hữu tự nhiên những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống, của Thành quốc cũng như của gia đình. Sở hữu tự nhiên bị chặn vì các nhu cầu của con người là hữu hạn. Trong nhà và các nơi công cộng, người ta không thể tích lũy vô tận những sản phẩm và công cụ chỉ dùng để nuôi sống con người. Ngược lại, tích lũy tiền bạc là không có giới hạn.

Tiền bạc không sinh sôi nảy nở

Aristote chấp nhận thương mại khi thương mại được dùng để trao đổi sản phẩm, nhưng ông cho rằng hoạt động này là đáng lên án khi nó chỉ nhắm độc nhất vào việc làm giàu. Như thế thương mại trở thành một “nghề dựa hoàn toàn vào tiền bạc, chỉ mơ đến tiền, không có yếu tố và mục đích nào khác, không có giới hạn nào cho lòng hám tiền”. Tệ hơn thương mại là cho vay lấy lãi, cho phép từ một số tiền có được một số tiền lớn hơn bằng cách đơn giản từ bỏ nó một thời gian. Đây là một món lời phản tự nhiên vì tiền bạc không sinh sôi nẩy nở: “Còn gì ghê tởm hơn việc buôn tiền, một việc nhằm cho để có được nhiều hơn và, qua đó làm chệch hướng tiền tệ khỏi mục đích nguyên thủy của nó?”. Không có giới hạn trong việc ác liệt tìm lợi của những ai ham muốn tiền vì tiền và cân đo mọi thứ bằng đồng tiền. Như vậy, tiền bạc tách khỏi thế giới thực tế, tự nhiên và có thể dẫn đến ngay cả cái chết như được minh họa qua huyền thoại Midas, một huyền thoại mà Marx Freud và Keynes, sau Aristote, đều sử dụng trong suy tưởng của họ về tiền bạc. Cuối cùng, Aristote lo ngại là tiền bạc sẽ tiêu diệt xã hội bằng cách hủy hoại nó từ bên trong.
Phải mất đến hơn hai nghìn năm để cho dự cảm của Aristote về nguy cơ của sự phổ quát hóa sản xuất nhằm kiếm lời, sự thắng thế của trật tự hàng hóa, thương mại có lời và của đồng tiền cuối cùng dẫn đến sự tách biệt kinh tế và xã hội. Và đảm bảo sự thống trị của kinh tế trên xã hội. Karl Polanyi trong tác phẩm Cuộc biến đổi lớn đã vẽ lên một bức tranh hoành tráng về ý đồ vĩ đại tự điều tiết xã hội bằng thị trường và viết lên một trong những lời ca tụng tốt đẹp nhất cho thiên tài của Aristote: “Sự phân biệt nổi tiếng của ông trong chương dẫn nhập Chính trị luận giữa việc quản lí gia đình và việc tích lũy tiền bạc hay có lẽ là chỉ dấu có tính tiên tri nhất từng được phát biểu trong lĩnh vực các khoa học xã hội; cho đến ngày nay, đó chắc chắn là phân tích tốt nhất chúng ta có được về chủ đề này”. 
*
*        *

Aristote qua vài năm tháng

384 trước công nguyên: sinh tại Stagire, thuộc địa Hi lạp ở Tây Á, ngày nay là Stravos ở Macedoine. Nicomaque, cha của ông, hành nghề y và giảng dạy nghệ thuật này.
367-347: học với Platon (427-347) ở Academie do Platon sáng lập, và đến lượt ông cũng giảng dạy tại đây.
347-342: sống ở Atarnee, Tây Á, bên cạnh Hermias, người chiếm quyền lực thành phố này, ông kết hôn với con gái Hermias là Pythias, cùng sang đảo Lebos, và có chung một người con trai là Nicomaque. Ông cũng từng sống ở thành phố Assos. 
342: ông đến Macedoine và được giao nhiệm vụ giáo dục Alexandre, con của Philippe II, người chiến thắng Athenes năm 336. Nắm quyền bính năm 20 tuổi vào năm 336, Alexandre đại đế chinh phục đế chế Ba tư và sang tận Ấn Độ. Aristote đi cùng trong một số chuyến viễn chinh.
335: thành lập Lycee ở Athenes, nơi ông giảng dạy trong mười hai năm. Các bài giảng của ông điễn ra trong những cuộc đi dạo vào buổi sáng (cho sinh viên đã được khai tâm) và buổi tối (dễ hơn); do đó có tên trường phái tiêu dao (từ tiếng Hi lạp peripapetien có nghĩa là đi dạo). 
323: Aristote cắt đứt quan hệ với Alexandre sau khi cháu ông là Callisthền bị tử hình vì đã chế nhạo tham vọng trở thành thần của đại đế.
323: Alexandre chết; lo ngại bị kết án tử hình vì tội báng bổ, Aristote bỏ về Chalcis.
322: mất ở Chalcis.
  

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Aristote

Người ta gán cho Aristote khoảng 400 trước tác, trong đó khoảng năm mươi tác phẩm còn được giữ trọn vẹn. Về kinh tế và chính trị:
La politique, Gonthier, 1971  
Éthique à Nicomade, Collection GF, Flammarion, 2004.
Les économiques, Les Belles Lettres, 1968

Những tác phẩm viết về Aristote

Aristote et l’argent của Arnaud Berthoud, Francois Maspéro, 1981.
Aristotle (384-322 B.C.) của Mark Blaugh (chủ biên), tủ sách Pioneers in Economics, Edward Elgar, 1991.
Aristote : la justice et la cité của Richard Bodeus, PUF, 1996
“Valeur, égalité, justice, politique de Marx à Aristote et d’Aristote à nous” của Cornelius Castoriadus, Texture, juin 1975. In lại trong Les carrefours du labyrinthe, Le Seuil, 1978 (tái bản năm 1988, coll. Points essais.
“Aristote découvre l’économie” của Karl Polanyi, trong Les systèmes économiques dans l’histoire et dans la théorie, Karl Polanyi et Conrad Arensberg (chủ biên), Larousse, 1974, trang 93-117.
Aristotle’s Economic Thought của Scott Meikle, Clarendon Press, 1997
Nguyễn Đôn Phước dịch.
Nguồn: “Aristote et le pouvoir corrosive de l’argent” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche n0057, tháng mười 2012.
 
Print Friendly and PDF