11.8.14

Lời kêu gọi vì tính đa nguyên trong kinh tế học của sinh viên quốc tế

Nguồn: http://www.isipe.net/
Không chỉ có nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng. Việc giảng dạy kinh tế học cũng đang bị khủng hoảng, và cuộc khủng hoảng này có những hệ quả vượt ngoài phạm vi các bức tường của nhà trường đại học. Những gì được giảng dạy sẽ định hình tư duy của các nhà hoạch định chính sách thuộc thế hệ sau, và do đó định hình xã hội mà ta đang sống. Chúng tôi, hơn 65 hiệp hội các sinh viên ngành kinh tế từ hơn 30 quốc gia, tin rằng đã đến lúc nên xem xét lại cách giảng dạy kinh tế học. Chúng tôi không hài lòng với nội dung chương trình học ngày càng bó hẹp đến mức thảm hại đã diễn ra trong hai thập niên qua. Sự thiếu tính đa dạng trí tuệ không chỉ hạn chế công tác giáo dục và nghiên cứu, mà còn hạn chế khả năng của sinh viên khi đối mặt với những thách thức đa chiều của thế kỷ 21 - từ vấn đề ổn định tài chính, đến vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Thế giới thực phải được đưa trở lại vào lớp học, cùng với các cuộc tranh luận và một sự đa nguyên về lý thuyết và phương pháp. Có thay đổi như vậy sẽ giúp làm mới môn học và để cuối cùng tạo ra một không gian sáng tạo các giải pháp cho những vấn đề của xã hội.
Trong tinh thần đoàn kết xuyên biên giới, chúng tôi kêu gọi một sự chuyển hướng. Chúng tôi không yêu cầu một giải pháp hoàn hảo, nhưng chúng tôi tin chắc rằng sinh viên ngành kinh tế sẽ hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều quan điểm và ý tưởng khác nhau. Tính đa nguyên không chỉ giúp làm phong phú thêm công tác giảng dạy và nghiên cứu, mà còn tiếp thêm sinh lực cho môn học. Ngoài ra, tính đa nguyên còn giúp đưa kinh tế học phục vụ trở lại xã hội. Ba hình thái đa nguyên phải là cốt lõi trong các chương trình: lý thuyết, phương pháp luận tính liên ngành.
Đa nguyên luận nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng phổ các trường phái tư tưởng được giới thiệu trong các chương trình. Chúng tôi không phản đối một truyền thống kinh tế cụ thể nào. Đa nguyên không phải là lựa chọn đứng về phía nào, mà là khuyến khích tranh luận trí tuệ và học tập đối chiếu có phê phán những ý tưởng. Trong lúc nhiều bộ môn khác chấp nhận sự đa dạng và giảng dạy nhiều lý thuyết cạnh tranh nhau ngay cả khi chúng không tương thích lẫn nhau, thì kinh tế học thường được trình bày như một thể những kiến thức thống nhất. Đương nhiên là truyền thống chủ đạo có nhiều biến thái. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một cách để làm kinh tế học và nhìn thế giới thực. Tính chất đồng phục hóa như thế là chưa từng thấy ở các lĩnh vực khác; không ai xem trọng một chương trình học vị về tâm lý học chỉ tập trung vào học thuyết Frớt (Freud), hoặc một giáo trình chính trị học chỉ tập trung vào chủ nghĩa xã hội Nhà nước. Một nền giáo dục kinh tế học toàn diện và toàn bộ cần chủ trương phơi bày một cách cân đối nhiều quan điểm lý thuyết, từ những cách tiếp cận tân cổ điển thông thường được giảng dạy, đến các truyền thống bị hất hủi như cổ điển, hậu Keynes, thể chế, sinh thái học, nữ quyền, chủ nghĩa Mác và trường phái Áo - trong số những cách tiếp cận khác. Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp kinh tế chưa bao giờ chạm trán với những quan điểm đa dạng như vậy trong lớp học.
Hơn nữa, thật cần thiết khi phần cốt lõi (bắt buộc) trong các chương trình đào tạo bao gồm các khóa học đưa ra cung cấp bối cảnh thực tế và khuyến khích sự phản tư về chính bản thân kinh tế học và các phương pháp của nó, kể cả triết học kinh tế và lý thuyết về nhận thức. Đồng thời, do không thể hiểu đầy đủ các lý thuyết một cách độc lập với bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển của chúng, nên sinh viên cần được tiếp xúc một cách có hệ thống lịch sử các tư tưởng kinh tế và các tài liệu kinh điển về kinh tế học cũng như lịch sử kinh tế. Hiện nay, các khóa học như thế hoặc không tồn tại hoặc chỉ mang tính thứ yếu trong các chương trình kinh tế học.
Đa nguyên phương pháp luận nhấn mạnh đến nhu cầu mở rộng số các công cụ mà các nhà kinh tế học sử dụng để xử lí những vấn đề kinh tế. Toán học và thống kê rõ ràng là những môn học then chốt. Nhưng hầu hết sinh viên thường học để tinh thông các phương pháp định lượng mà không hề thảo luận khi nào và tại sao nên sử dụng chúng, sự lựa chọn các giả định và khả năng ứng dụng của các kết quả. Ngoài ra, còn có những khía cạnh kinh tế học quan trọng không thể được hiểu chỉ bằng các phương pháp định lượng: một cuộc điều tra kinh tế đúng đắn đòi hỏi phải bổ sung các phương pháp định lượng bằng các phương pháp thuộc các ngành khoa học xã hội khác. Ví dụ, có thể làm tăng sự hiểu biết các định chế và văn hóa rất nhiều nếu phương pháp phân tích định tính được chú ý nhiều hơn trong các chương trình kinh tế học. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên kinh tế chưa bao giờ tham gia một lớp chuyên về phương pháp định tính.
Cuối cùng, giáo dục kinh tế học phải bao gồm các cách tiếp cận liên ngành và cho phép sinh viên tham gia những khoa học xã hội và nhân văn khác. Kinh tế học là một môn khoa học xã hội; nhiều hiện tượng kinh tế phức tạp hiếm khi có thể được hiểu nếu được trình bày xa rời thực tế, tách khỏi các bối cảnh xã hội, chính trị và lịch sử. Để thảo luận nghiêm túc một chính sách kinh tế, sinh viên cần phải hiểu những tác động rộng lớn hơn về mặt xã hội và những hệ quả về mặt đạo đức của các quyết định kinh tế.
Tuy những cách tiếp cận nhằm thiết lập các hình thái đa nguyên như trên sẽ biến đổi từ nơi này đến nơi khác, song có một số ý tưởng chung cho việc triển khai bao gồm:
• Tuyển dụng những giảng viên và nhà nghiên cứu có khả năng mang lại sự đa dạng về lý thuyết và phương pháp luận cho các chương trình kinh tế;
• Tạo ra những văn bản và công cụ sư phạm khác cần thiết để hỗ trợ cho các khóa học mang tính đa nguyên;
• Chính thức hóa những sự cộng tác giữa các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hoặc thành lập các bộ phận đặc biệt giám sát các chương trình liên ngành kết hợp kinh tế học và các lĩnh vực khác.
Thay đổi sẽ rất khó - luôn luôn là vậy. Nhưng nó đang xảy ra. Thật vậy, sinh viên trên toàn thế giới đã bắt đầu thay đổi từng bước. Trong các buổi giảng hàng tuần, chúng tôi đã mời đến giảng đường những diễn giả nói về những chuyên đề không có trong chương trình; chúng tôi đã thành lập những nhóm đọc sách, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị; chúng tôi đã tiến hành phân tích các đề cương hiện hành và phác thảo các chương trình khác; chúng tôi đã bắt đầu giảng dạy (giữa chúng tôi và cho người khác) các khóa học mới mà chúng tôi mong muốn được học. Chúng tôi đã thành lập những hội đoàn cấp trường đại học và xây dựng các mạng lưới trong nước và quốc tế.
Thay đổi phải đến từ nhiều nơi. Vì vậy, chúng tôi mời gọi các bạn sinh viên, các nhà kinh tế học và những ai không phải là nhà kinh tế học cùng tham gia và tạo ra tập thể đông đảo tới hạn cần thiết cho sự thay đổi. Xem đường dẫn Hỗ trợ chúng tôi (Support us) để bày tỏ sự hỗ trợ của các bạn và kết nối với các mạng lưới đang phát triển của chúng tôi. Cuối cùng, đa nguyên trong giáo dục kinh tế học là điều cần thiết để tranh luân công khai lành mạnh. Đó là một điều kiện của dân chủ.
Danh sách các tổ chức thành viên thuộc tổ chức Sáng kiến của ​​sinh viên quc tế v thuyết đa nguyên trong kinh tế hc (đã ký):
  • Sociedad de Economía Crítica Argentina y Uruguay, Argentina
  • The PPE Society, La Trobe University, Úc
  • Society for Pluralist Economics Vienna, Áo
  • Nova Ágora, Brazil
  • Mouvement étudiant québécois pour un enseignement pluraliste de l'économie, Canada
  • Estudios Nueva Economía, Chile
  • Grupo de estudiantes y egresados de la Facultad de Economía y Negocios de la Universidad de Chile, Chile
  • Det Samfundsøkonomiske Selskab (DSS), Đan mạch
  • Post-Crash Economics Society Essex, Anh Quốc
  • Cambridge Society for Economic Pluralism, Anh Quốc
  • Better Economics UCLU, Anh Quốc
  • Post-Crash Economics Society Manchester, Anh Quốc
  • SOAS Open Economics Forum, Anh Quốc
  • Alternative Thinking for Economics Society, Sheffield University, Anh Quốc
  • LSE Post-Crash Economics Anh Quốc
  • Pour un Enseignement Pluraliste de l'Economie dans le Supérieur (PEPS-Economie), Pháp
  • Netzwerk Plurale Ökonomik (Network for Pluralist Economics), Đức
  • Oikos Köln, Đức
  • Real World Economics, Mainz, Đức
  • Kritische WissenschaftlerInnen Berlin, Đức
  • Arbeitskreis Plurale Ökonomik, München, Đức
  • Oikos Leipzig, Đức
  • Was ist Ökonomie, Berlin, Đức
  • Impuls. für eine neue Wirtschaft, Erfurt, Đức
  • Ecoation, Augsburg, Đức
  • Kritische Ökonomen, Frankfurt, Đức
  • Arbeitskreis Plurale Ökonomik, Hamburg, Đức
  • Real World Economics, Heidelberg, Đức
  • Stundent HUB Weltethos Institut Tübingen, Đức
  • LIE - Lost in Economics e.V., Regensburg, Đức
  • Javadhpur University Heterodox Economics Association, Ấn Độ
  • Economics Student Forum - Tel Aviv, Israel
  • Economics Student Forum - Haifa (Rethinking Economics), Israel
  • Rethinking Economics Italia, Italy
  • Grupo de Estudiantes por la Enseñanza Plural de la Economía, UNAM, Mexico
  • Oeconomicus Economic Club MGIMO, Ngay
  • Glasgow University Real World Economics Society, Scotland
  • Movement for Pluralistic Economics, Slovenia
  • Post-Crash Barcelona, Tây Ban Nha
  • Asociación de Estudiantes de Económicas de la Universidad Autónoma de Madrid, Tây Ban Nha
  • Estudantes de Económicas e Empresariais, Universidade de Santiago de Compostela, Tây Ban Nha
  • Lunds Kritiska Ekonomer, Thụy Điển
  • Handels Students for Sustainability, Thụy Điển
  • PEPS-Helvetia, Thụy Sĩ
  • Rethinking Economics, Vương quốc Anh
  • Rethinking Economics New York, Hoa Kỳ
  • Sociedad de Economia Critica, Argentina và Uruguay
Huỳnh Thiện Quốc Việt Phạm Văn Minh dịch.

Nguồn: http://www.isipe.net/open-letter/
Print Friendly and PDF