10.12.14

“Giải Nobel kinh tế”: một sự huyễn hoặc khéo léo



Mỗi năm, vào mùa lá lìa cành, các phương tiện truyền thông đại chúng lần lượt đưa tin việc trao những giải thưởng uy tín nhất, được mơ ước nhất và có số tiền thưởng cao nhất, cho những thành tựu khoa học, văn chương và vì hoà bình. Đó là các giải Nobel. Nhân dịp này các nhà kinh tế khám phá (những) ai trong số họ năm đó được Viện hàn lâm hoàng gia khoa học Thụy Điển vinh danh, giải thưởng có thể được trao đồng thời cho nhiều người. Nhưng ngược lại với suy nghĩ của thiên hạ, chưa bao giờ có bất kì nhà kinh tế nào được giải Nobel cả. Tiền thưởng các nhà kinh tế nhận được do Ngân hàng trung ương Thụy Điển trả và giải mang tên “giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel”. Việc đổi tên giải thành “giải Nobel kinh tế” là một sự lừa bịp, đánh lừa ngay chính những người được giải[1]. Hơn nữa, các nhà kinh tế là giới duy nhất nhân bội các sách ăn mừng, và ngay cả tự chúc mừng “giải Nobel” của họ (xem khung “Để tìm hiểu thêm”).

Một âm mưu cưỡng bức
Sáng kiến tạo ra một giải kinh tế là của Per Asbrink, thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển này muốn bằng cách ấy kỉ niệm ba trăm năm thành lập định chế trên. Asbrink thuyết phục được ba nhà kinh tế uy tín là Assar Lindbeck, Erik Lundberg và Gunnar Myrdal tham gia vào dự án của ông. Họ tiến hành thuyết phục Qũy Nobel và Viện hàn lâm hoàng gia khoa học Thụy Điển, mà bản thân Myrdal cũng là một thành viên, để các định chế này quản lí giải kinh tế theo cùng những thủ tục giống như các giải Nobel (xem khung “Di chúc của Alfred Nobel”). Nhiều thành viên của Viện hàn lâm hoàng gia, nghi ngờ tính chất khoa học của bộ môn kinh tế, tỏ ra rất dè dặt. Nhưng một cuộc vận động hành lang tích cực đã khuất phục sự đề kháng này. Cuối cùng, Viện hàn lâm chấp nhận quản lí giải kinh tế theo cùng một cách như đối với giải Nobel vật lí và hoá học, với một ủy ban gồm năm thành viên mà chủ tịch đầu tiên là Bertil Ohlin.

 Qũy Nobel, chịu trách nhiệm các buổi lễ ngày 10 tháng mười hai (xem khung “Nghi lễ trao giải Nobel”), chấp nhận là việc trao giải kinh tế diễn ra cùng một buổi. Về phần mình, Ngân hàng trung ương Thụy Điển cam kết trả mỗi năm một số tiền tương ứng với số tiền thưởng cho giải Nobel thật sự, cộng với phí quản lí. Thiết kế này được Quốc hội Thụy Điển thông qua vào tháng giêng 1969. Và như thế là hoàn tất màn ảo thuật. Điều có tên chính thức là “giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel” tức thì được các nhà báo, công chúng và ngay chính các nhà kinh tế được giải đồng nhất với một giải Nobel thật sự.
Di chúc của Alfred Nobel
Alfred Nobel sinh tại Stockholm năm 1833. Bố ông là kiến trúc sư, nhà phát minh và doanh nhân. Là một thiên tài đặc biệt có óc sáng tạo, Alfred Nobel cũng là một doanh nhân chín chắn, lúc chết để lại một trong những gia sản quan trọng nhất châu Âu. Là một con người khắc khoải, mơ mộng, đơn độc, bị bệnh ám, với những pha trầm cảm và hưng phấn tiếp nối nhau, ông từng thử bước chân vào văn chương. Không bao giờ lập gia đình, ông không được hạnh phúc trong quan hệ tình cảm. Là người của bốn phương, ông từng sống ở Nga, Đức và Paris trước khi định cư ở San Remo, Italia, nơi ông từ trần ngày 10 tháng mười hai 1896. Victor Hugo, bạn của ông mô tả ông như là “tay lãng tử giàu nhất châu Âu”.   
Đôi lúc người ta viết rằng ông lập nên các giải, đặc biệt là giải Nobel hoà bình, để chuộc tội phát minh ra thuốc nổ dynamit, được cấp bằng sáng chế năm 1867 và nhờ đó mà làm giàu. Điều này không đúng. Nobel đã luôn là một người hiếu hoà chống chiến tranh (pacifiste). Theo ông, thuốc nổ dynamit chủ yếu phải được dùng vì những mục đích công nghiệp, và trường hợp này đã xảy ra. Nhưng ông cũng cho là mình đã sáng chế ra một vũ khí khủng khiếp mà vì thế từ nay người ta sẽ không còn dám giải quyết những xung đột quốc tế bằng chiến tranh nữa. Trên điểm này, lịch sử đã chứng tỏ rằng ông sai.
Một năm trước khi chết, Alfred Nobel đã tự tay mình thảo tại Paris một di chúc trong đó ông yêu cầu những người thi hành di chúc sử dụng vốn của ông vào những đầu tư an toàn mà tiền lãi mỗi năm sẽ được trả, dưới dạng giải thưởng, cho những ai, trong năm trước đó, đã có những cống hiến lớn nhất cho nhân loại. Năm giải thưởng có cùng giá trị tiền tệ được dự trù. Một giải thưởng về vật lí và một giải về hoá học sẽ do Viện hàn lâm hoàng gia khoa học Thụy Điển trao; một giải về sinh lí học và y khoa sẽ do Viện Karolinska ở Stockholm trao; một giải văn chương sẽ do Viện hàn lâm Thụy Điển trao và một giải hoà bình do một ủy ban năm thành viên được Storling bầu, tức quốc hội Na Uy, trao. Lúc bấy giờ, Thụy Điển và Na Uy đều thống nhất dưới quyền cai trị của vua Oscar II của Thụy Điển.
Bản di chúc này khiến cho những người thân của Nobel, vốn được đối xử tốt hơn trong một di chúc trước đó năm 1893, rụng rời tay chân. Nó cũng đặt ra những khó khăn về mặt pháp lí do quốc tịch của Nobel là đề tài bàn luận và của cải của ông rất phân tán, nước Anh đứng đầu, tiếp đến là Pháp, Đức, Thụy Điển và Nga. Những tổ chức được Nobel dự tính để trao các giải của ông đều tỏ ra dè dặt với việc đảm
nhận chức năng này. Hai người thi hành di chúc do Nobel chỉ định vượt qua được tất cả những trở ngại trên bằng cách đạt được một thoả hiệp với gia đình Nobel. Qũy Nobel được thành lập để quản lí vốn di sản. Các giải bắt đầu được trao từ năm 1901, theo những cách thức do Nobel dự tính (*), được bổ sung bằng một số quy tắc. Các Ủy ban Nobel được thành lập cho mỗi một năm giải. Gồm năm thành viên, nhiệm vụ của các Ủy ban này là giúp đỡ định chế có trách nhiệm trao giải. Vào tháng chín mỗi năm, các Ủy ban này hỏi ý kiến hơn một ngàn nhân vật yêu cầu họ đề nghị ba ứng viên trước ngày mồng một tháng hai năm sau. Ủy ban, được sự trợ giúp của các chuyên gia, xem xét các ứng viên trên và đề xuất một chọn lựa rồi đệ trình cho tổ chức do Nobel chỉ định để định chế này ra quyết định cuối cùng. Quyết định cuối cùng này hầu như bao giờ cũng tương ứng với lựa chọn của Ủy ban.
Tất nhiên các lựa chọn này đôi lúc cũng gây tranh cãi. Do hoạt động khoa học vừa có tính xã hội lẫn tính cá nhân, việc trao giải Nobel, khi tính đến uy tín nhanh chóng được gắn liền với giải này, cũng kéo theo những áp lực và mặc cả khác nhau, và “phẩm giá khách quan” không phải là nhân tố duy nhất được tính đến. Vả lại những cân nhắc và biểu quyết của các Ủy ban được bảo mật trong năm mươi năm. Robert Marc Friedman là người đầu tiên nghiên cứu kho tư liệu này khi nó được mở công khai năm 1980 và quyển sách (xem khung “Để tìm hiểu thêm”) ông viết từ việc khai thác văn khố này chiếu rọi vào những mặt đôi lúc đáng buồn của lịch sử giải Nobel. Cần ghi nhận rằng, trong tác phẩm gần 400 trang này, có lẽ là công trình chuyên sâu nhất về lịch sử các giải Nobel tác giải chỉ dành tất cả tám dòng cho kinh tế: “Không hoàn toàn thật sự là một giải Nobel, phần thưởng cho kinh tế học để tưởng nhớ Alfred Nobel là kết quả của nỗ lực của một thành viên có quyền uy của Viện hàn lâm hoàng gia khoa học Thụy Điển. Sau cuộc vận động hành lang quyết liệt của viện sĩ này, Viện hàn lâm chấp nhận quản lí giải kinh tế, nếu tìm ra tiền. Giải thưởng mới đã tức thì được nâng lên hàng giải Nobel. Vài nhà bình luận đã nhanh chóng gán một ý nghĩa cho sự việc này. Đó là bằng chứng cho thấy rằng kinh tế học là bộ môn quan trọng nhất trong các khoa học xã hội. Không hiểu những giới hạn và yếu kém của quá trình, những người được giải tức thì được gán cho hào quang trong khuôn khổ của việc tôn vinh Nobel” (trang 271).
_______________
(*) ngoại trừ điều khoản quy định là các giải phải được trao cho những thành tựu đạt được trong năm trước, một điều khoản không thể áp dụng và chưa bao giờ được tuân thủ.
 Điều lợi của việc cướp đoạt ngôn từ này là vô cùng quan trọng. Yves Gingras (xem khung “Để tìm hiểu thêm”) chỉ ra bằng cách nào kinh tế học đã tức khắc và hoàn toàn hưởng lợi từ “vốn biểu tượng” khổng lồ mà giải Nobel tích lũy được kể từ 1901, một điều không thể xảy ra nếu, chẳng hạn, giải mang tên là “giải Adam Smith”. Cho dù có đi kèm với một tấm séc một triệu euro. Do giải kinh tế cũng được cùng một cơ quan phụ trách giải Nobel vật lí và hoá học quản lí, nên bộ môn này tự động đội vương miện đầy ánh hào quang về tính khoa học vốn thường không được gán cho các khoa học nhân văn khác. Vài tác giả được giải kinh tế còn nhấn mạnh trong diễn văn nhận giải[2] rằng khoa học kinh tế là một hoạt động có cùng bản chất với các khoa học tự nhiên. Chẳng hạn đó là trường hợp các thông điệp của Paul Samuelson[3] và Milton Friedman[4]. 

Màn hài kịch diễn đủ lâu rồi
Chính việc trao giải cho Milton Friedman khiến cho Gunnar Myrdal, người nhiệt tình ủng hộ việc thành lập giải kinh tế này xét lại tính thích đáng của một giải tôn vinh công trình của người rao giảng một chủ nghĩa tự do triệt để. Quả thật khó mà hiểu vì sao Myrdal, một tác giả luôn khẳng định rằng kinh tế học là một bộ môn thắm đượm giá trị và gắn chặt chẽ với những lựa chọn chính trị của những người thực hành nó, lại có thể ngay từ đầu can dự vào mưu toan huyễn hoặc này. Về phần Hayek, người cùng được giải với Myrdal năm 1974, tuyên bố rằng, nếu được hỏi ý kiến, ông sẽ chống đối việc lập một giải tạo cho người nhận nó cái cớ để tự tin phát biểu về tất cả mọi vấn đề thời sự.
Gần đây hơn, ngày càng có nhiều tiếng nói, đặc biệt là trong những giới gắn với các định chế của giải Nobel, cất lên đòi hỏi chấm dứt trò hề này. Việc thường xuyên trao giải của Ngân hàng cho các nhà kinh tế tích cực tham gia vào cuộc thánh chiến chống Nhà nước phúc lợi hay cho các công trình nhằm hoàn chỉnh các công cụ tài chính để đầu cơ gây khó chịu cho nhiều người. Một số cho là, giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển khiến cho các giải Nobel thật sự bị mất giá trị.
Năm 2001, Peter Nobel, một hậu duệ của Alfred, thay mặt gia đình ông, tuyên bố là phải tách biệt rạch ròi giải kinh tế và các giải do tổ tiên ông sáng lập[5]. Tháng mười hai 2004, ông tiếp tục tiến công khi trả lời trong cuộc phỏng vấn của Hazel Henderson : “Chưa bao giờ tìm thấy được trong di cảo của Alfred Nobel bất kì điều gì liên quan đến một giải kinh tế. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã đặt quả trứng trong tổ của một con chim khác, rất đáng kính và như vậy đã vi phạm “nhãn hiệu cầu chứng tại toà” của Nobel[6]. Lập luận này được lặp lại trên một diễn đàn của nhật báo Dagens Nyheter, ngày 10 tháng mười hai 2004, do một nhà toán học thuộc Viện hàn lâm hoàng gia khoa học, một cựu bộ trưởng, một cựu dân biểu và một nhà kinh tế đồng kí tên và phê phán việc nhiều nhà kinh tế được giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển lạm dụng toán học.
Tất nhiên ở đây cần phải phân biệt ba vấn đề: hành động gian dối nhờ đó giới kinh tế đã chiếm hữu uy tín giải Nobel, vấn đề tính khoa học của bộ môn kinh tế và vấn đề hệ tư tưởng chính trị của những người được giải. Trên nguyên tắc, về điểm cuối này thì các giải Nobel thật sự được trao không tính đến hệ tư tưởng chính trị của người được giải. Nhưng Konrad Lorentz, giải Nobel y học năm 1973, đã thấy cần thiết phải chối bỏ những tuyên bố công khai, vào năm 1940, rõ ràng có ý phân biệt chủng tộc của ông. Bản chất và tính khoa học của một bộ môn phân mảnh thành nhiều khuynh hướng, với những đường ranh giới mù mờ, là những vấn đề được bàn luận từ gần hai thế kỉ nay mà chưa bao giờ đạt đến một sự đồng thuận. Chắc chắn rằng cuộc cưỡng bức năm 1969, dù cho đó là ý đồ của các tác giả của nó hay không, là một cách nhằm chấm dứt cuộc tranh luận bằng cách liên kết uy tín của một số nhà kinh tế với uy tín của các nhà vật lí học, hoá học và bác sĩ, những lĩnh vực trong đó dễ tìm được sự đồng thuận, cho dù ngay cả trong các lĩnh vực trên không phải là không có những phản bác đối với những đồng thuận này.
Nghi lễ trao giải Nobel
Ngày 10 tháng 12 là ngày mất của Alfred Nobel, một buổi lễ được ấn định theo một nghi thức cực kì kiểu cách tập hợp các vị được giải tại Cung âm nhạc Stockkholm và, đối với giải Nobel hoà bình, tại toà thị chính Oslo. Các buổi lễ, mà các nghi thức được diễn tập trước ngay trong buổi sáng, tùy trường hợp do vua Thụy Điển hay Na Uy chủ trì, với sự chứng kiến của hoàng gia, các đoàn thể hiến định, ngoại giao đoàn và nhiều vị chức sắc ăn mặc trang trọng. Mỗi vị được giải, trong áo đuôi tôm hay áo đầm dài, lắng nghe sự tôn vinh các công trình của mình. Người được giải tiến đến quốc vương, trong lúc cử toạ đứng nghiêng mình, để nhận tấm huy chương và tấm séc nay trị giá hơn một triệu euro. Sau đó, người được giải đi thụt lùi đối diện với quốc vương. Buổi lễ được xen kẽ bằng những bài nhạc do các dàn nhạc giao hưởng biểu diễn.
Tiếp sau buổi lễ là một buổi tiệc ở Stockholm với khoảng hai nghìn khách mời. Món ăn được dọn lần lượt theo một điệu nhảy khéo léo đệm với nhạc kèn. Sự kiện độc đáo nhất của màn trình diễn này diễn ra ba ngày sau, ngày 13 tháng 12, ngày lễ thánh Lucie, biểu tượng của ánh sáng. Tám cô gái trẻ trong áo đầm trắng, đầu đội nến, vào đầu buổi sáng đến tận giường đánh thức người được giải, vừa ca bài hát thánh Lucie (có thật họ còn ngái ngủ chăng?)
Tất nhiên, trong lịch sử cũng có những trường hợp nghi lễ không diễn ra suôn sẻ. Có người được giải tỏ ra khinh bỉ giải hoặc không chịu dự lễ, như trường hợp của Ernest Hemingway mà ta khó hình dung trong bộ áo đuôi tôm. Một số trường hợp khác, chẳng hạn như Kissinger và Lê Đức Thọ, đồng được giải Nobel hoà bình năm 1973, đều vắng mặt do ngại những cuộc biểu tình vì lần trao giải này rất bị phản đối. Milton Friedman, tự nhận được giải Nobel, đã không cẩn thận như vậy và vài ngàn người đã biểu tình ở Stockholm nhân sự có mặt của ông năm 1976, theo lời kêu gọi của nhiều tổ chức trong đó có Ủy ban Chile. Một lần duy nhất, có người còn táo bạo từ chối giải. Khi biết rằng mình là một trong những người lọt vào chung kết giải Nobel văn học năm 1964, Jean Paul Sartre đã rất lịch sự viết thư cho thư kí Viện hàn lâm khoa học, xin đừng trao giải này cho ông do ông không thể nhận. Trong số lí do được nêu, ông không muốn bị biến thành một thể chế bởi một sự công nhận hơn nữa chỉ dành riêng cho các nhà văn phương Tây hay, như ông nói, những kẻ nổi loạn ở phương Đông. Nhưng người ta không thể từ chối một giải Nobel được và tên của Sartre vẫn nằm trong danh sách các người được giải năm 1964, cho dù ông không bao giờ nhận huy chương lẫn tiền thưởng.
 Có lẽ có quá nhiều quyền lợi liên quan và đã được xác lập để có thể hi vọng bãi bỏ một cách đơn giản giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển. Nhưng Qũy Nobel và Viện hàn lâm hoàng gia khoa học Thụy Điển phải thừa nhận rằng mình đã bị đánh lừa và ngưng quản lí giải này. Hơn nữa các định chế này đã tuyên bố là không thể tạo nên những giải mới nữa, tiếp sau yêu cầu của các kĩ sư. Dù sao đi nữa, ít ra phải gọi “giải Nobel ăn theo” này theo đúng tên thật của nó. Trong chuyện này, trách nhiệm nặng nề thuộc về hai nhóm: các nhà báo, thường là do không ý thức, nuôi dưỡng lâu dài huyền thoại trong công chúng; những người được giải đáng lí ra phải tự bằng lòng nhận tấm séc và ngưng tự cho mình là Einstein.
Gilles Dostaler
Nguyễn Đôn Phước dịch
(Nguồn: Alternatives économiques, n0238, Tháng 7 năm 2005, trang 80-91)

Để tìm hiểu thêm
· Les prix Nobel của Josepha Laroche, ed. PUF, 1995.
· Nobel: 100 ans de prix, 100 ans d’histoire của Isabelle Lévy, éd. Josette Lyon, 2001.
· Les Nobel de l’économie của Thierry Paquot, éd. La Découverte, 1985.
· Lives of the Laureates: Thirteen Nobel Economists của William Breit và Roger W. Spencer (dir.), ed. MIT Press, 1997
· The Politics of Excellence: Behind the Nobel Prize in Science, của Robert Marc Friedman, ed. Nenrry Holtz, 2001.
· “Beautiful Mind, Ugly Deception: The Bank of Sweden Prize in Economics Science”, của Yves Gingas, Post-Autistic Economic Review, vol.4, December 2002 (http://www.btinternet.com/~pae_news/review/issue17.htm).
· Nobel Laureates in Economic Sciences do Bernard S. Katz (dir.), ed. Garland 1989.
· “The Prize in Economic Science in Memory of Alfred Nobel” của Assar Lindbeck, Journal of Economic Literture, vol. 23, 1985, pp. 37-56 (http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/themes/economic-sciences/lindbeck/).




[1] Để chuẩn bị quyển sách viết cùng với Michel Beaud, Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes: lịch sử và từ điển những tác giả chính, (NXB Tri thức, 2008), chúng tôi đã viết thư cho nhiều nhà kinh tế để xin lí lịch khoa học của họ. Hầu hết các tác giả được giải của Ngân hàng trung ương Thụy Điển chỉ ghi đơn giản là “giải Nobel” trong lí lịch của mình. Trong quyển sách trên, chúng tôi nhất quán sử dụng tên chính xác của giải để gọi nó. Rõ ràng là không mấy tác dụng đến các đồng nghiệp và các nhà báo …

[2] Trong vòng hai ngày, trước hoặc sau ngày trao giải, những ai được giải đọc một bài diễn văn được xuất bản năm sau trong một quyển sách có tên là Các giải Nobel.

[3] Xem “Các nguyên lí về tối đa hoá trong kinh tế học phân tích” trong Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế 1969-1980, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 107-164 (ND).

[4] Xem “Lạm phát và thất nghiệp” trong Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế 1969-1980, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 403-433 (ND).

[5] Xem “Prize Fight” của Kate Galbraith, Chronicle of Higher Education, December 7th 2001.

[6] Xem “Prix Nobel d’économie: l’imposture”, Le Monde diplomatique, tháng hai 2005.

Print Friendly and PDF