10.12.14

Vinh danh các nhà nghiên cứu theo kiểu cáo

IN PRAISE OF FOXY SCHOLARS


Vinh danh các nhà nghiên cứu theo kiểu cáo
PRINCETON - Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, nên buộc phải đơn giản hóa nó. Chúng ta phân loại những người xung quanh ta là bạn hay thù, động cơ của họ là tốt hay xấu, và gán trực tiếp cho các sự kiện có những nguồn gốc phức tạp những nguyên nhân đơn giản. Lối tư duy đi tắt đón đầu ấy giúp ta xoay sở trước những tình huống phức tạp trong xã hội. Chúng giúp chúng ta hình thành những kỳ vọng về hệ quả các hành động của chúng ta và của người khác, và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định.
Tuy nhiên, do những "mô hình tâm trí" ấy là những trường hợp đơn giản, nên nhất thiết phải sai. Mặc dù có thể giúp chúng ta đối phó với những thách thức hàng ngày, nhưng các mô hình này cũng bỏ qua rất nhiều chi tiết và có thể phản tác dụng khi ta rơi vào một môi trường mà việc phân loại và lý giải có sẵn của chúng ta ít thích hợp hơn. Thuật ngữ “ sốc văn hóa” đề cập đến tình huống trong đó sự kỳ vọng của chúng ta về hành vi của người khác tỏ ra sai lầm đến độ ta cảm nhận điều ấy như một cú sốc.
Tuy nhiên, nếu không có những cách nghĩ vắn tắt đó, thì chúng ta sẽ bị lạc lối hoặc tê liệt. Chúng ta không có năng lực tinh thần, cũng chẳng có sự hiểu biết cần thiết để giải mã toàn bộ mạng lưới các mối quan hệ nhân quả trong đời sống xã hội của chúng ta. Vì vậy, hành vi và phản ứng hàng ngày của chúng ta phải dựa trên những mô hình tâm trí không đầy đủ và đôi khi đánh lừa chúng ta.
Điều tốt nhất mà khoa học xã hội mang lại thực sự không khác nhau lắm. Các nhà khoa học xã hội – và đặc biệt các nhà kinh tế – phân tích thế giới dựa vào những khung khái niệm đơn giản mà họ gọi là "mô hình". Phẩm chất của những mô hình ấy là chúng làm rõ chuỗi nhân quả và như vậy làm hiển lộ những giả định cụ thể mà dựa trên đó hình thành một dự báo đặc biệt.
Các thực hành tốt của khoa học xã hội biến những trực giác chưa được xem xét của chúng ta thành một hệ thống các mũi tên quan hệ nhân quả. Đôi khi chúng cho thấy cách thức những trực giác đó dẫn đến những kết quả bất ngờ và đáng kinh khi được mở rộng ra thành các trực giác ấy được triển khai đến tận cùng những kết luận lôgic.
Những khung tổng quát, như mô hình cân bằng chung của Arrow-Debreu được các nhà kinh tế yêu thích, mang tính quá rộng và toàn diện nên hoàn toàn không giúp được gì cho việc giải thích hay dự đoán thế giới thực. Trong khoa học xã hội, các mô hình hữu ích luôn là những mô hình đơn giản. Chúng bỏ qua nhiều chi tiết để tập trung vào khía cạnh xác đáng nhất của một bối cảnh cụ thể. Mô hình của các nhà kinh tế toán học ứng dụng là những ví dụ rõ ràng nhất. Tuy nhiên, dù có được hình thức hóa hay không, những tự sự đơn giản là nền tảng công việc của tất cả các nhà khoa học xã hội.
Những phép loại suy lịch sử cách điệu hóa thường đóng một vai trò tương tự nhau. Ví dụ, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế sử dụng cuộc họp nổi tiếng giữa Neville Chamberlain và Adolf Hitler ở Munich năm 1938 như là một mô hình về việc hòa hoãn với một cường quốc quyết tâm bành trướng có thể là phù phiếm (hay nguy hiểm) đến nhường nào.
Tuy nhiên, mặc dù sự đơn giản hóa là điều không thể tránh khỏi trong mọi sự giải thích, nhưng đó cũng là một cái bẫy. Rất dễ kết hợp với một mô hình cụ thể và không thừa nhận rằng khi tình huống thay đổi thì phải thay đổi nó bằng một mô hình khác.
Giống như những người khác, các nhà khoa học xã hội có xu hướng tin thái quá vào mô hình yêu thích hiện tại của họ. Họ có xu hướng cường điệu sự hậu thuẫn đối với mô hình đó và gạt bỏ những bằng chứng mới mâu thuẫn với mô hình đó – một hiện tượng được gọi là "độ chênh theo tiên kiến (confirmation bias)".
Trong một thế giới đa dạng và thay đổi, các nhà khoa học xã hội có thể gây ra những nguy hại thực sự khi áp dụng những mô hình sai. Các chính sách kinh tế tân tự do, dựa trên những thị trường vận hành hiệu quả, đã thất bại trong các nước đang phát triển – giống như các mô hình kế hoạch hóa, giả định sự tồn tại của những quan chức có năng lực và có khả năng, đã từng thất bại trong kỷ nguyên trước đó. Lý thuyết thị trường hiệu quả đã khiến các nhà hoạch định chính sách lạc lối qua việc khuyến khích họ bãi bỏ thái quá các quy định tài chính. Sẽ rất tốn kém nếu áp dụng phép loại suy kiểu Munich năm 1938 vào một cuộc xung đột quốc tế cụ thể khi mà hoàn cảnh cơ bản làm gợi nhớ tình huống Sarajevo năm 1914 hơn.
Vậy làm thế nào để lựa chọn những đơn giản hóa hiện thực khác nhau? Những kiểm định thực nghiệm nghiêm ngặt có khả năng giải quyết những vấn đề như: nền kinh tế Mỹ ngày nay trở nên tồi tệ là do thiếu cầu thể theo học thuyết Keynes hay là vì tính bất trắc của chính sách? Tuy nhiên, thường chúng ta phải đưa ra quyết định trong thời gian thực, mà không thừa hưởng được những bằng chứng thực nghiệm mang tính quyết định. Nghiên cứu của tôi về chẩn đoán tốc độ tăng trưởng (với Ricardo Hausmann, Andrés Velasco và những người khác) là một ví dụ về phong cách làm việc đó, cho thấy làm thế nào người ta có thể nhận diện, từ vô số các hạn chế đối với tăng trưởng, cái nào là hạn chế nhất trong một bối cảnh cụ thể.
Thật không may, nhiều nhà kinh tế và nhà khoa học xã hội khác hầu như không được huấn luyện về cách thức lựa chọn một mô hình trong số nhiều mô hình thay thế đối chọn khác. Khả năng này cũng không được khuyến khích về mặt nghề nghiệp. Phát triển các lý thuyết mới và kiểm tra thực nghiệm được coi là một khoa học, trong khi thực hành một đánh giá đúng đắn rõ ràng là một nghệ thuật.
Nhà triết học Isaiah Berlin[1] đề xuất một sự phân biệt nổi tiếng giữa hai phong cách tư duy, dưới hình tượng một con nhím và một con cáo.
Con nhím bị quyến rũ bởi một ý tưởng lớn duy nhất, và áp dụng nó không ngừng.
Ngược lại, con cáo thiếu một tầm nhìn lớn, nhưng lại có nhiều thế giới quan khác nhau – một số thế giới quan đó có tiềm năng mâu thuẫn với nhau.
Chúng ta luôn có thể dự đoán quan điểm của con nhím trước một vấn đề – cũng giống như chúng ta có thể dự đoán là các nhà bảo căn (fundamentalist) thị trường bao giờ cũng kê đơn cho việc tự do hóa thị trường, bất luận bản chất của các vấn đề kinh tế. Con cáo thì luôn có trong đầu những lý thuyết cạnh tranh nhau, có khả năng không tương thích với nhau. Chúng không gắn với một ý thức hệ đặc biệt nào, và điều đó làm cho chúng dễ tư duy hơn theo bối cảnh.
Những nhà nghiên cứu nào có khả năng chuyển từ một khung lý giải này sang một khung lý giải khác tùy theo hoàn cảnh, thì có nhiều khả năng chỉ cho chúng ta đi đúng hướng. Thế giới cần ít con nhím hơn, nhưng nhiều con cáo hơn.
Dịch từ bản tiếng Anh bởi Timothée Demont

Dani Rodrik
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Eloge des chercheurs renards, Project Syndicate, Mar 10, 2014. 




[1] Có thể tham khảo thêm Bốn tiểu luận về tự do, NXB Tri thức, Hà Nội, 2014 (ND).

Print Friendly and PDF