25.4.15

Phê phán kinh tế học kinh viện



Phê phán kinh tế học kinh viện[1]

“Một biểu trưng bi thảm … Những gì các nhà kinh tế bộc lộ rõ ràng nhất là sự tụt hậu trí tuệ to lớn của bộ môn họ”[2]. Chủ yếu, bài xã luận này của tuần san kinh tế được biết đến nhiều nhất (Business Week) – khi bình luận các công trình trình bày ở hội nghị năm 1981 của Hội kinh tế Mĩ – nói rằng “nhà vua cởi truồng”. Nhưng không ai trong số những người tham gia cuộc trình diễn long trọng và rất được mong muốn này của khoa học kinh tế của Hoa Kì có vẻ như không biết điều ấy, và những ai biết thì không dám nói.
John Stuart Mill (1806-1873)
Hai trăm năm trước, các nhà sáng lập kinh tế học hiện đại – Adam Smith, Ricardo, Malthus và John Stuart Mill – xây dựng một kiến trúc tri thức đồ sộ đặt cơ sở trên ý niệm về một nền kinh tế quốc gia được xem như một hệ thống tự điều tiết hợp thành bởi một số lớn những hoạt động khác nhau và nối kết với nhau và, vì thế, phụ thuộc lẫn nhau. Một quan niệm vững mạnh và phong phú đến độ đã thúc đẩy công trình sáng tạo của Charles Darwin về lí thuyết tiến hóa.
Ý tưởng trung tâm của điều được gọi là kinh tế học cổ điển được hai kĩ sư đặc biệt có năng lực toán học: Léon Walras và Vilfredo Pareto thể hiện một cách vô cùng tinh tế bằng một ngôn ngữ đại số súc tích và đặt tên là “lí thuyết cân bằng chung”. Ngày nay, dưới tên gọi kinh tế học “tân cổ điển”, lí thuyết này là cốt lõi của chương trình đại học trong đất nước này.
Vilfredo Pareto (1848-1923)
Khi mà chúng ta đã trải qua hết những sự kiện hằng ngày thì các nhà kinh tế lại có khả năng quy giản chúng thành yếu tố thông tin khó tiếp cận và có tính chuyên môn hơn dành cho các số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên các thống kê này – do các cơ quan hay doanh nghiệp thiết lập không vì mục đích khoa học – vẫn còn xa mới đạt đến mức cần thiết cho một sự hiểu biết cụ thể, chi tiết hơn về cấu trúc và hoạt động của một hệ thống kinh tế hiện đại.
Do, ngay từ đầu, khác với những đồng nghiệp thuộc các khoa học tự nhiên và lịch sử vốn buộc phải khép mình vào và chấp nhận kỉ luật chặt chẽ của việc tìm kiếm có hệ thống các sự kiện, các nhà kinh tế phát triển một sự ưa thích không gì cưỡng nổi đối với lập luận mang tính suy luận. Trong thực tế, rất nhiều nhà kinh tế bước vào bộ môn sau khi đã là chuyên gia về toán thuần túy hay ứng dụng.
Các tạp chí kinh tế chuyên nghiệp, trang này sang trang khác, đầy dẫy những công thức toán học dẫn người đọc từ một tập những giả thiết ít nhiều có thể chấp nhận nhưng hoàn toàn tùy tiện đến những kết luận được xác lập một cách chính xác nhưng thiếu tính xác đáng.
Không gì bộc lộ rõ hơn sự kinh tởm của đa số các nhà kinh tế trong đại học ngày nay đối với những cuộc điều tra thực nghiệm có hệ thống bằng những mưu mẹo phương pháp luận được họ vận dụng để né tránh hay chặn đứng việc sử dụng thông tin về những sự kiện cụ thể. Thay vì xây dựng những mô hình lí thuyết có khả năng bảo tồn bản sắc của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn biến cần thiết cho việc mô tả cụ thể và phân tích một nền kinh tế hiện đại, họ ưu tiên vận dụng sự “tổng gộp” (aggregation). Thông tin ban đầu, mặc dù chi tiết, bị gộp thành một số tương đối ít những gói được đặt tên là “tư bản”, “lao động”, “nguyên liệu”, “sản phẩm trung gian”, “mức giá chung”, v.v. Các gói này sau đó được đưa vào một mô hình, nghĩa là một hệ phương trình nhỏ mô tả toàn bộ nền kinh tế bằng một số ít biến “tổng gộp” tương ứng. Thông thường, việc đưa vào này được thực hiện bằng phương pháp “bình phương bé nhất” hay bằng mọi thủ tục tương tự cho phép điều chỉnh các dữ liệu trên một đường biểu diễn.
Một ví dụ điển hình về một “hàm sản xuất” lí thuyết nhằm mô tả quan hệ giữa, ví dụ, giá trị sản xuất sắt y1 và những lượng của bốn đầu vào khác nhau y2, y3, y4, y5 cần thiết để sản xuất sắt được mô tả, chẳng hạn, như sau[3]:
với:
hay cách khác:
hay cuối cùng là:
Yêu cầu một giám đốc nhà máy sản xuất sắt hay một chuyên gia luyện kim những thông tin về trị số của sáu tham số trong sáu phương trình trên là một điều vô nghĩa. Do đó, trong khi nhãn hiệu gán cho các biến và tham số tượng trưng của các phương trình lí thuyết có xu hướng gợi ý rằng là chúng có thể được đồng nhất với những tham số trực tiếp quan trắc được trong thế giới hiện thực thì mọi toan tính để làm điều này tất yếu thất bại. Vấn đề “đồng nhất hóa” những phương trình tổng gộp sau khi chúng đã được rút gọn[4] – nghĩa là đã được biến đổi, như trường hợp thường xảy ra – để cho phép điều chỉnh bằng một đường biểu diễn, đã được đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Đồng thời, thủ tục mô tả trên đây đã được chuẩn hóa đến độ là để hoàn thành một nghiên cứu kinh trắc đáng kính, người ta chỉ cần đơn giản xây dựng một mô hình lí thuyết có thể được chấp nhận và dễ tính toán trên máy tính rồi tìm ra một tập những chuỗi thời gian hay dữ liệu đồng thời có vẻ gần theo một cách nào đó, gián tiếp hay trực tiếp, với chủ đề, đưa vào máy tính những dữ liệu này với một phần mềm thống kê thích hợp, và cuối cùng, công bố những trang được máy tính in ra với một kiến giải ít nhiều chấp nhận được về các con số.
Trong lúc gần đây (ở Hoa Kì), ta để cho chất lượng và phạm vi bao phủ của thống kê chính thức tồi tệ đi mà không nảy sinh những phản kháng kiên quyết từ phía các nhà sử dụng khoa học tiềm tàng các thống kê này thì một khối lượng thông tin cụ thể và chi tiết trong các tạp chí kĩ thuật, các báo cáo của những công ti tư vấn công nghệ và tổ chức tư nhân về tiếp thị bị xem nhẹ.
Xem xét nội dung của American Economic Review, ngọn cờ đầu trong số các tạp chí định kì của kinh tế học kinh viện, trong mười năm qua cho được những kết quả sau đây:
TỈ LỆ NHỮNG BÀI VIẾT ĐƯỢC CÔNG BỐ TRÊN AMERICAN ECONOMIC REVIEW
Tự bản thân các con số này đã nói hết rồi. Mười năm trước đây, trong một tuyên bố có tính tiên tri về chính sách xuất bản, giám đốc của American Economic Review[5] nhận định như sau: “các bài về kinh tế toán hay về những điểm tinh tế hơn của lí thuyết kinh tế, hơn bao giờ hết ngày càng chiếm một vị trí quan trọng hơn trước đây, trong lúc những bài viết có tính thực nghiệm hơn hay hướng đến chính sách kinh tế hay việc giải quyết những vấn đề cụ thể dường như ít xuất hiện hơn”.
Năm này sang năm khác, những lí thuyết gia của kinh tế học tiếp tục sản xuất khối mô hình toán học và khai phá vào tận chi tiết các đặc tính hình thức của các mô hình này và các nhà kinh trắc chế tạo những hàm đại số dưới tất cả các dạng có thể cho chủ yếu cùng một tập dữ liệu mà không có khả năng tiến triển, một cách có thể cảm nhận được, trên con đường hiểu biết cấu trúc và giao dịch của một hệ thống kinh tế hiện thực.
Những nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực kề cận – như một mặt là dân số học, xã hội học và chính trị học, và mặt khác là sinh thái học, sinh học, các khoa học về y tế, các khoa học kĩ sư và những khoa học vật lí ứng dụng khác – còn nhịn đến bao lâu nữa mới thể hiện mối quan ngại nghiêm trọng trước tình trạng cân bằng ổn định, dừng và sự cô lập huy hoàng hiện nay của kinh tế học kinh viện?
Có khả năng là tình trạng này còn kéo dài ngày nào những giáo sư nổi bật nhất trong các khoa kinh tế các trường đại học Mĩ còn tiếp tục giữ quyền kiểm soát gắt gao việc đào tạo, đề bạt và hoạt động nghiên cứu của các đồng nghiệp trẻ hơn, và cả già hơn họ thông qua cơ chế đánh giá giữa họ với nhau. Nhân đây, những phương pháp được sử dụng để duy trì kỉ luật trí thức trong các khoa kinh tế có ảnh hưởng nhất của đất nước này[6] có thể làm gợi nhớ đến một trong các phương pháp được binh chủng lính thủy đánh bộ (Marines) vận dụng để duy trì kỉ luật trên các đảo Pariis[7].
Wassily Leontief
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: phần I (Textes) trong Wassily Leontief, textes et itinéraires do Bernard Rosier chủ biên, nhà xuất bản La Découverte, Paris, 1986, trang 23-28.
-----------
Bài có liên quan trên PTKT:
-          Phỏng vấn Léontief





[1] Trích tạp chị Science, vol. 217, n0 4555, July 9, 1982.

[2] Business Week, 18 January 1982, p. 124.

[3] J. R. Christensen, D. W. Jorgenson, L. J. Lau, “Transcendental Logarithmic Production Frontiers”, Review of Economic Studies, vol. 35, n0 28, 1972.

[4] Xem mục “Dạng rút gọn (của mô hình)” trong Từ điển thuật ngữ phân tích kinh tế của Bernard Guerrein, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

[5] G. H. Borts, American Economic Review, vol.62, n0 764, 1972.

[6] N. W. Rider, Journal of Economic Literature, 1982.

[7] Trên các đảo Pariis thuộc bang South Carolina, từ năm 1891 đã có trung lâm huấn luyện của Marines.


Print Friendly and PDF