13.4.15

Khi sinh viên Âu châu nhập cuộc


https://pepseco.wordpress.com/

Khi sinh viên Âu châu nhập cuộc

Nhiều sáng kiến vì việc giảng dạy khoa học kinh tế một cách đa nguyên, đa ngành và bám sát thế giới thực tế được nhân rộng. Và làn sóng huy động đang lan tỏa.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2007 đã khơi lên một sự vận động chưa có tiền lệ của các sinh viên kinh tế học tại châu Âu. Các hội đoàn sinh sôi nhanh chóng trong nhiều nước để tố cáo một nền giáo dục quá xa vời cho việc hiểu biết sự vận hành thực tế của các nền kinh tế và ít cởi mở về mặt trí tuệ. Nhưng còn hơn thế nữa: các nỗ lực này hội tụ về những cương lĩnh hợp tác quốc tế nhằm xác lập một chẩn đoán và những giải pháp được chia sẻ. Phải chăng tương lai của khoa học kinh tế trước tiên sẽ bắt đầu với sinh viên?

Những sáng kiến được nhân bội

Tại Pháp, phong trào sinh viên chống tự kỉ trong kinh tế học ra đời ngay từ tháng sáu năm 2000. Gần mười lăm năm sau, thế hệ trẻ tập hợp trong phong trào Peps-Economie tiếp tục cuộc chiến đấu vì một nền giáo dục đa nguyên trong kinh tế học ở đại học. Sinh viên Pháp đã mệt mỏi do buộc phải nhồi nhét những phương pháp của lí thuyết kinh tế thống trị, một lí thuyết mà, năm 2007 xuất phát từ nguyên lí cho rằng không thể nào có những bong bóng tài chính và những cuộc khủng hoảng kinh tế là những di vật của quá khứ!
Không cần phải đợi lâu để vô số những cuộc vận động tương tự trong toàn châu Âu hội tụ với các nhà kinh tế tương lai của Pháp. Trong một cuộc hội thảo của Ngân hàng (trung ương – ND) Anh năm 2011, nhiều nhà kinh tế danh tiếng, đến từ khu vực công cộng lẫn tư nhân, đã tự hỏi là, khi nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính, liệu sinh viên kinh tế học đã nhận được một sự đào tạo thích hợp chưa[1]. Chính từ cuộc hội thảo này đã xuất phát “làn sóng mới” những sáng kiến sinh viên trước tiên ở Vương quốc Anh trước khi lan sang toàn lục địa.
http://www.post-crasheconomics.com
Một trong những phong trào tiên tiến nhất là phong trào của đại học Manchester, với một hội đoàn có tên bắt mắt: Post-Crash Economics Society. Sau khi có những buổi họp không chính thức năm 2012 và 2013, ngày nay hội đi tiên phong trong việc cải cách giáo dục kinh tế học. Trong một năm, hội đã tổ chức một mô-đun học trình tùy chọn có tựa là “Bong bóng, hoảng loạn và sụp đổ: nhập môn vào các lí thuyết đối chọn về các cuộc khủng hoảng kinh tế”. Sakir Yilmax, giáo sư phụ trách miễn phí khóa học này bị đại học từ chối kéo dài hợp đồng; điều này dấy lên sự náo động trong số sinh viên từng theo học khóa này, một khóa chưa bao giờ được khoa công nhận.
Plurale Ökonomik, mạng Đức vì một kinh tế học đa dạng tập hợp nhiều phong trào vô cùng năng động trong các đại học bên kia sông Rhein[2]. Tại đại học Hamburg, một nhóm sinh viên thành lập một hệ thống giúp sinh viên trên toàn thế giới bị thất vọng vì các môn học “tự giúp đỡ lẫn nhau” để tiếp cận những văn bản phê phán – một kiểu giới thiệu tổng quát kinh tế học phi chính thống – những phê phán này sẽ được thảo luận trong những diễn đàn sau đó sẽ nuôi dưỡng các đề xuất cải tiến[3]. Vào tháng tám năm 2014, đã diễn ra ở Berlin một cuộc hội thảo về tính đa nguyên trong kinh tế học, do Plurale Ökonomik và Quỹ Hans Böckler đồng tổ chức, một sự kiện chứng tỏ quyết tâm và năng lực của sinh viên trong việc bám rễ vào xã hội dân sự và tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận đa nguyên về nền kinh tế thực tế, vượt ra khỏi khuôn khổ thuần túy đại học.
Tại Bỉ, hội sinh viên về tài chính của Solvay Brussels School of Economics and Management tỏ ra cởi mở với một cuộc tranh luận đa nguyên: nhiều sinh viên master, được tổ chức thành nhóm không chính thức, muốn có một cuộc thay đổi thật sự. Nhưng Benjamin Schluter, người ở đầu nguồn dự án này, giải thích rằng còn nhiều khó khăn trong việc huy động số đông sinh viên: nước Bỉ, cũng như nhiều nước Âu châu khác có vẻ trước hết muốn ngang bằng với nước láng giềng Anh về số khoa kinh tế học và tài chính, do đó một cuộc tranh luận về chương trình giáo dục dường như chưa chín muồi.

Sự hợp tác quốc tế

Các hội đoàn sinh viên này không chỉ bằng lòng tồn tại một mình ở cấp địa phương. Họ đã nắm lấy cơ hội với sự nổi lên của những nhóm tương tự ở khắp nơi trong châu Âu để tập hợp sức lực, tăng sức nặng của những yêu sách và tiến hành nhiều dự án có tham vọng. Và ngay cả vượt ra ngoài lãnh thổ châu Âu.
Sáng kiến quốc tế của sinh viên vì tính đa nguyên trong kinh tế học (ISIPE trong tiếng Anh) là một cương lĩnh hợp tác ngày nay tập hợp 65 hội đoàn sinh viên kinh tế học trong 30 nước trên thế giới[4]. Các thành viên của ISIPE viết trong tuyên ngôn của họ: “Chúng tôi không hài lòng với nội dung chương trình học ngày càng bó hẹp đến mức thảm hại đã diễn ra trong hai thập niên qua. Sự thiếu tính đa dạng trí tuệ không chỉ hạn chế công tác giáo dục và nghiên cứu, mà còn hạn chế khả năng của sinh viên khi đối mặt với những thách thức đa chiều của thế kỷ 21” Tuyên ngôn dường như đã nhắm đúng mục tiêu: Thomas Piketty cho biết là ông ủng hộ các yêu sách này.
http://www.isipe.net/supportus
Liền cùng một mạch, dự án Tư duy lại kinh tế học, được thành lập ở Tübingen, Đức rồi sau đó mở rộng sang Vương quốc Anh và Hoa Kì, tìm cách cổ xúy và tích cực phổ biến những cách tiếp cận khác nhau về kinh tế học và kích thích một cuộc tranh luận đa nguyên và có tính xây dựng; cuộc tranh luận này có sự tham gia của những tổ chức của xã hội dân sự, sinh viên và công chúng rộng rãi[5].

Ba điểm nhất trí

Từ các phong trào khác nhau và đa dạng này, sự hợp tác và trao đổi với nhau trên những diễn đàn trên bình diện châu Âu hoặc thế giới, nổi lên nội dung chung những phê phán có thể tóm tắt bằng ba điểm. Trước hết, giáo dục phải nhiệt thành giải thích nền kinh tế hiện thực và giải đáp những vấn đề lớn đương đại của nền kinh tế này. Để đáp ứng sự chờ đợi ấy, việc giảng dạy phải dựa trên những quan sát thực nghiệm chứ không chỉ dựa độc nhất trên các lí thuyết và mô hình toán học vốn thường không dính dáng mấy đến thực tế nhưng ngày nay lại là phần chủ yếu của các chương trình kinh tế học.
Tiếp đó, giáo dục phải đa nguyên, nghĩa là bao gồm những trào lưu tư tưởng kinh tế khác nhau (như kinh tế học marxist, kinh tế học nữ quyền, kinh tế học sinh thái, kinh tế học keynesian, v.v.) hiện nay đang bị coi nhẹ. Trái ngược với kinh tế học tân cổ điển vốn có xu hướng được trình bày như là một chân lí (thậm chí là chân lí duy nhất), các trào lưu này phải được đặt trong bối cảnh xã hội-lịch sử của chúng.
Cuối cùng, kinh tế học trong đại học phải đa ngành. Ví dụ, lịch sử tư tưởng kinh tế là then chốt để hiểu nguồn gốc của những lí thuyết khác nhau, trong lúc xã hội học và chính trị học là cần thiết để các nhà kinh tế trẻ cảm nhận được rằng không thể hiểu kinh tế, một bộ phận không thể cắt rời của thực tại xã hội, nếu không hiểu thực tại ấy và bối cảnh chính trị của nó.
Tất nhiên, như nhiều phong trào trên đã nhấn mạnh, vấn đề không phải là ngăn cản mọi sự chuyên môn hóa về, ví dụ, tài chính hay kinh trắc học thuần túy. Nhưng điểm then chốt là sinh viên, trong ba năm đầu đào tạo, được đối mặt với những cách tiếp cận phi chính thống và đa ngành để có thể, một mặt, chọn chuyên ngành với ý thức và hiểu biết đầy đủ và, mặt khác phát triển óc phê phán và cởi mở cho phép tiếp tục học lên hay hành nghề với một độ lùi cần thiết.       

Những yêu sách được đáp ứng hay bị định hướng?

http://ineteconomics.org
Mục đích của Viện vì một tư tưởng kinh tế mới (Institute for New EconomicThinking hay INET), một quỹ quốc tế về giáo dục và nghiên cứu kinh tế học thành lập năm 2010, nhằm biến đổi kinh tế học khi nhìn thấy thất bại của bộ môn do sự xuất hiện bất ngờ của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Trong số những hoạt động của INET có một chương trình nhập môn mới về kinh tế học (có thể truy cập trực tuyến) được soạn thảo. Dự án này, gọi là Core lần đầu tiên được hai đại học hoa tiêu ở Vương quốc Anh và Hoa Kì thử nghiệm năm 2014-2015.    
Tuy nhiên, INET còn xa mới nhận được sự nhất trí. Một trong những ủy ban của viện này, do nhà kinh tế Anh Robert Skidelsky làm chủ tịch, đã xác định một loạt những thay đổi mà mọi chương trình cải cách phải thực hiện. Nhưng dự án Core không quy chiếu rõ ràng về những khuyến nghị của ủy ban Skidelsky và ngay cả che giấu một số điểm then chốt trong các khuyến nghị này. Khi biết rằng những yêu cầu do Skidelsky nêu lên rất gần với những yêu sách của sinh viên trong tuyên ngôn của ISIPE, thì ta có thể tự hỏi là trong chừng mực nào chương trình mới này đáp ứng những yêu cầu của sinh viên.
Đối với Tony Lawson, giáo sư kinh tế ở Cambridge, cuộc cải cách do INET đề xuất không tính đến một số phê phán nghiêm túc, như sự có mặt mọi lúc mọi nơi của các mô hình toán học trong kinh tế học hiện nay. Và trong thực tế, nếu xem xét kĩ ba vấn đề mà dự án Core tính chỉnh sửa thì ta thấy duy chỉ một trong ba là thật sự đáp ứng nguyện vọng của các hội đoàn sinh viên.
Trước hết, dự án Core muốn tiến công vào “hố ngăn cách giữa những gì các nhà kinh tế biết và những gì họ dạy cho sinh viên”. Nếu một khoảng cách như thế hiển nhiên là điều không mong muốn thì điều này không nằm trong số những ưu tiên được các sinh viên nhận diện. Thế mà, đề xuất này ngầm cho rằng những vấn đề gặp phải trong việc giảng dạy kinh tế học khác biệt với trạng thái của chính bộ môn (vốn không có gì phải tự trách mình). Ngược lại, sinh viên chẩn đoán rằng trước tiên chính hoạt động tồi tệ của các khoa học kinh tế đã dẫn đến một chương trình học không hoàn hảo.
Tiếp đó, INET công nhận rằng chương trình học đôi lúc không có liên hệ gì với những vấn đề thúc đẩy sinh viên chọn học kinh tế. Đây là một khía cạnh có thể nối kết với những lời kêu gọi vì một kinh tế học bám chặt hơn vào hiện thực và quan tâm hơn đến nhu cầu của sinh viên.
Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề cuối cùng dự án Core nêu lên là khá thứ yếu so với những phê phán hiện nay. Theo INET, những phương pháp truyền thống (tự đọc tài liệu và nghe bài giảng trên giảng đường) phải được đánh giá lại theo những thước đo của các công nghệ sư phạm mới – sẵn có với chi phí thấp – có tính tương tác và cá thể hóa. Cuộc cải cách này sẽ chỉ mang lại một thay đổi cỏn con trong việc học tập kinh tế học, tập trung vào hình thức trong lúc các hội đoàn sinh viên tha thiết xem xét cốt lõi của vấn đề.  
Chương trình này, mà trường Sciences-Po Paris sẽ thử nghiệm trong năm 2015, minh họa cho rủi ro là các yêu sách bị hòa tan, hay là một số phê phán bị gạt sang một bên mà vẫn tạo được cảm giác là các nhà kinh tế và chính quyền đã giải quyết vấn đề. Do đó con đường còn rất dài trước khi có được một chương trình kinh tế học đa nguyên, mang tính phê phán và đặt trọng tâm vào những nhu cầu cấp bách của thế giới ngày nay.     
Caroline Metz
Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học Manchester
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Quand les étudiants européens s’en mêlent”, Alternatives économiques, n0 341, décembre 2014, pp. 68-70.



[1] Xem http://www.post-crasheconomics.com/wp-content/uploads/2013/06/Are-economics-graduates-fit-for-purpose.pdf

[2] Xem http://www.plurale-oekonomik.de/

[3] Xem http://www.plurale-oekonomik-hamburg.de/index.php/reader/

[4] Để biết thêm chi tiết, xem trang Facebook https://www.facebook.com/ISIPE.NET

[5] Xem http://www.rethinkeconomics.org/

Print Friendly and PDF