1.4.15

Lí thuyết thống trị giống như một hệ thống tín ngưỡng


Steve Keen (sinh năm 1953)

“Lí thuyết thống trị giống như một hệ thống tín ngưỡng”

Từ những xét lại về mặt lí thuyết trong nhiều thập kỉ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, dường như không gì có thể làm lung lay niềm tin của lí thuyết tân cổ điển thống trị.
Giáo sư nói rằng về mặt nghiên cứu kinh tế, các nhà kinh tế nào không chấp nhận kinh tế học tân cổ điển thống trị đều bị thanh trừng khỏi đại học. Việc này xảy ra lúc nào và bằng cách nào?
Chuyện bắt đầu từ những năm 1960, khởi động với cuộc chiến giữa “hai trường đại học Cambridge”, giữa đại học ở Vương quốc Anh và đại học cùng tên ở bang Massachusetts, ở Hoa Kì. Đối với người không chuyên, cuộc tranh luận có vẻ bí hiểm, vì nó nhắm vào cách định nghĩa “tư bản” (xem khung). Lời qua tiếng lại căng thẳng đến mức là sự tức giận của các nhà kinh tế thống trị đối với những người phê phán họ gia tăng mạnh mẽ. Đến độ là nếu các nhà kinh tế ở bên kia bờ biển Manche đã giành thắng lợi trong cuộc chiến trí tuệ, như nhà kinh tế Mĩ Paul Samuelson đã thừa nhận, thì lí thuyết thống trị đã đơn giản không thèm biết đến luận chứng của những người chống đối trong việc xây dựng cách nhìn thế giới của lí thuyết này.
Sau này, mọi đề xuất bài nghiên cứu toan nghiêm túc đặt lí thuyết thống trị thành vấn đề lần hồi bị các tạp chí có ảnh hưởng nhất bác bỏ một cách triệt để. Những người chủ trương các tạp chí này còn không cung cấp những lập luận để phản bác cách tiếp cận của các bài nghiên cứu ấy: đơn giản là các bài này không được đưa vào quy trình đánh giá để được gởi đến lấy ý kiến của những chuyên gia khác!

Cuộc tranh luận về tư bản

Các nhà tân cổ điển sử dụng thường xuyên khái niệm tư bản, một khái niệm được xem là quan trọng. Để sản xuất cần có lao động và tư bản. Robert Solow khẳng định rằng càng có nhiều tư bản trên mỗi đầu người lao động thì sản lượng càng cao. Điều này khiến Joan Robinson, người phản bác ý tưởng này trong những năm 1960, bực mình.
Bà khẳng định tư bản là toàn bộ những máy móc. Không thể nào ước lượng tư bản được do điều này phụ thuộc vào kì vọng lợi nhuận của mỗi một cỗ máy, và kì vọng này lại phụ thuộc vào tuổi và hiệu suất của máy, vào kĩ năng của người sử dụng máy, v.v. Và Joan Robinson kết luận là không thể đo đại lượng tư bản hay giả định rằng, như các nhà tân cổ điển, tư bản có thể dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác: không thể tái chế một máy tính thành máy làm carton. Trừ phi tưởng tượng rằng đó là  một vật thể dễ nhào
nặn, như bơ vậy: “Một kho bơ được sử dụng cho một kiểu sản xuất như vậy có thể được rút ra để khoác một dạng khác mà không tốn chi phí hay thay đổi số lượng”, bà viết như thế. Điều phi lí: máy móc không phải là bơ!
Đó là “cuộc tranh luận giữa hai trường đại học Cambridge” (một ở Vương quốc Anh, nơi Joan Robinson giảng dạy, và một ở Massachussetts, nơi Paul Samuelson và Robert Solow giảng dạy). Các nhà tân cổ điển, tuy thừa nhận rõ ràng là Joan Robinson có lí, hoàn toàn không màng đến: các hàm sản xuất vẫn luôn có nhân tố “tư bản”, mà không có bất kì chỉ định nàoi.
Dominique Charpentier 
 _______
i Xem “La macroéconomie des libéraux”, hors-série n0 52, Alternatives économiques, janvier 2002.

Do những nghiên cứu hình thức hóa ngày càng chiếm nhiều thời lượng, người ta cũng giảm dần các bộ môn giảng dạy lịch sử kinh tế và lịch sử tư tưởng kinh tế để nhường chỗ cho những vấn đề kĩ thuật và công cụ toán học. Cuộc thanh trừng không nhắm vào việc loại trừ người này hay người khác mà đó là một cuộc thanh trừng ý thức hệ.

Vì sao sinh viên phải học lịch sử kinh tế và lịch sử tư tưởng kinh tế?
Schumpeter (1883-1950)
Vì suy tưởng kinh tế phong phú hơn những gì mà giáo phái hạn hẹp của những nhà kinh tế thống trị đề nghị. Ví dụ, không giảng dạy Hyman Minsky và vai trò của nợ tư nhân quá cao đã khiến kinh tế học thống trị dự báo là không thể nào có những bong bong tài chính! Tôi nghĩ là những tác giả như Karl Marx, Thorsein Veblen, Joseph Schumpeter hay nhiều tác giả khác nữa có thể đóng góp nhiều điều để chúng ta hiểu được chủ nghĩa tư bản ngày nay. Điều này cho phép tư duy cơ năng của các nền kinh tế khi mà lí thuyết thống trị lí luận như thể chúng ta vẫn còn ở thế cân bằng để rồi cuối cùng tin rằng hiện thực tương ứng với mô hình của lí thuyết ấy. Điều này cũng cho phép suy nghĩ về vai trò của tiền tệ để không còn coi nó như đơn giản là một tấm màn không có vai trò gì cả. Và cũng cho phép ta tư duy thế giới thực tế vốn không đơn giản và tuyến tính như quan niệm của các nhà tân cổ điển. 
Minsky (1919-1996)
Veblen (1875-1929)








Theo giáo sư những nhà kinh tế như Paul Krugman hay Joseph Stiglitz có khả năng đặt lại kinh tế học trên những cơ sở tốt hơn không?
Paul Krugman (sinh năm 1953)
Không. Đặc biệt là Paul Krugman. Ông tìm cách làm cho ý tưởng theo đó ta có thể đạt đến những kết luận triệt để trên cơ sở một khoa học kinh tế bảo thủ. Ví dụ, khi ông trình bày những mô hình được xem là trình bày chủ nghĩa tư bản đương đại thì ông vẫn lập luận trong khuôn khổ tân cổ điển truyền thống, với nền kinh tế ở thế cân bằng theo định nghĩa và ta chuyển từ cân bằng này sang cân bằng khác. Làm sao tin được rằng vào năm 2007 các thị trường đang ở thế cân bằng?
Trong thực tế, Paul Krugman chiếm giữ không gian đáng lí ra phải do những đối chọn thật sự của tư duy thống trị chiếm lĩnh. Trong những năm 1930, khi John Hicks trình bày một phiên bản mô hình hóa Lí thuyết tổng quát của John Maynard Keynes ông đã đổi mới tư tưởng Keynesian bằng một trình bày rất quy ước. Ngày nay, Krugman cũng làm như thế: cho dù tôi chia sẻ hầu như những khuyến nghị của ông về chính sách kinh tế, cho dù tôi thích cách viết của ông, tôi vẫn nhìn ông đúng ra như một trở lực cho một sự đổi mới thật sự của tư tưởng kinh tế.  
Joseph Stiglitz (sinh năm 1943)
Còn Stiglitz nghĩ là có thể mang đến vài đổi thay cho suy tưởng kinh tế thống trị và làm biến đổi nó. Minsky đã giải thích rằng vấn đề không phải là do mỗi tác nhân kinh tế không có cùng một mức thông tin giống nhau – những thông tin không đối xứng này nằm ở trung tâm của tư tưởng của Joe Stiglitz –, mà do chúng ta hoàn toàn không biết gì hết về tương lai[1]. Trong thời kì kinh tế bùng nổ, người cho vay và người đi vay đặt cược rằng tương lai sẽ rạng rỡ, điều này gây nên những bong bóng nợ nần. Đây không phải là một vấn đề thông tin mà là vấn đề những dự kiến được chia sẻ.
John Maynard Keynes (1883-1946)
Một số phê phán đối với lí thuyết thống trị được trình bày trong quyển sách của giáo sư[2] đã có từ ba mươi đến năm mươi năm nay. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2007 đã cho thấy rằng những tiền giả định và kết luận của cách tiếp cận này là sai lầm biết bao. Tuy nhiên, dường như các ý tưởng lẫn các sự kiện đều không đặt lại lí thuyết này thành vấn đề. Giáo sư giải thích thế nào hiện tượng này?
Vì lí thuyết thống trị giống như một hệ thống tín ngưỡng. Khi tôn giáo của bạn dạy bạn rằng không thể nào một thiên thạch va chạm trái đất được và điều này xảy ra thì các vị giáo chủ giải thích cho bạn rằng quả thật cái gì đó đã va chạm trái đất nhưng không thể gọi nó là một thiên thạch! Các nhà tân cổ điển từng giải thích cho chúng ta rằng không thể nào xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính và khi cuộc khủng hoảng nổ ra dưới mắt chúng ta, họ bảo rằng đó chỉ là một cú sốc, chứ không phải là một bong bóng. Họ giải thích rằng cú sốc này là ngoại sinh, ở bên ngoài sự vận hành của nền tài chính và kinh tế, đến từ những thay đổi công nghệ và sở thích của các tác nhân kinh tế. Cú sốc này có quy mô lớn hơn và kéo dài hơn những gì ta có thể dự kiến, nhưng đã không có bong bóng tài chính nội tại nào cả. Chấm hết!
John Hicks (1904-1989)
Tiếc rằng tôi nghĩ là chỉ một cuộc khủng hoảng duy nhất chưa phải là một biến cố quan trọng dưới mắt các pháp sư tân cổ điển để họ đặt lại vấn đề niềm tin của họ. Các nhà kinh tế thống trị tiếp tục tin rằng cuộc khủng hoảng của chúng ta là một cú sốc ngoại sinh không thể dự kiến được. Nếu trong vòng năm năm tới nổ ra một cuộc khủng hoảng khác nữa thì họ buộc phải chấp nhận rằng một biến cố được cho là không thể xảy ra mà lại đã xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn đặt thành vấn đề cách tiếp cận của họ.  
Ngày nay nhìn lại, tôi nghĩ rằng thành công của Keynes là do rất nhiều nhà kinh tế tưởng rằng đã chiến thắng cuộc Đại suy thoái khoảng 1935-1936. Việc nền kinh tế Mĩ rơi lại vào suy thoái năm 1937, một năm sau khi Lí thuyết tổng quát được xuất bản, đã tước bỏ tính đáng tin của diễn ngôn tân cổ điển thời bấy giờ, góp phần đặt diễn ngôn này thành vấn đề. Làm cho lí thuyết thống trị lung lay và đề xuất một đối chọn được xây dựng là điều thiết yếu nếu chúng ta muốn thật sự hiểu cách hoạt động của chủ nghĩa tư bản.
Phỏng vấn Steve Keen
Giáo sư kinh tế học và tài chính,
Giám đốc Khoa Kinh tế học, lịch sử và chính trị của Đại học Kingston, London
do Christian Chavagneux ghi chép
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “La théorie dominante s’apparente à un système de croyance”, Alternatives économiques, n0 341, décembre 2014, pp. 66-67.
--------------------------
Trích Từ điển phân tích kinh tế, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, trang 57:

Cambridge (cuc tranh lun giữa hai trường đại hc)

Polémique des deux Cambridge / Capital Controversy
Tranh luận diễn ra trong những năm sáu mươi (của thế kỉ XX – ND) là sự đối đầu giữa các nhà kinh tế giảng dạy tại Cambridge (Mĩ) – mà những người nổi tiếng nhất là Paul SAMUELSON và Robert SOLOW – và các nhà kinh tế giảng dạy chủ yếu tại Cambridge (Anh), nhóm tác giả sau đặc biệt viện đến tư tưởng của SRAFFA.
Cuộc tranh luận xoay quanh ý nghĩa của tư bản như là một agumen của hàm sản xuất tân cổ điển, và đặc biệt nhắm vào những kết luận có thể rút ra từ hàm này liên quan đến việc phân phối thu nhập quốc gia giữa những tập đoàn xã hội khác nhau (như tư bản và người làm công ăn lương). Nhóm Cambridge-Anh phê phán cách các đồng nghiệp Mĩ du nhập ở cấp độ kinh tế vĩ mô những lập luận kiểu kinh tế vi mô mà không quan tâm đến vấn đề tổng gộp. Họ lưu ý đến một số nghịch lí – như hiện tượng tái chuyển đổi kĩ thuật – nảy sinh từ cách làm này. Một số thành viên của nhóm này nghĩ rằng làm như thế họ đã chỉ ra rằng mô hình tân cổ điển chuẩn – mô hình cân bằng chung – là không chặt chẽ.
Sau nhiều lần ngập ngừng, cuối cùng các nhà kinh tế của Cambridge-Mĩ đành chấp nhận sự phê phán (về vấn đề tổng gộp) và rút lui về giữ một thái độ xem hàm sản xuất tổng gộp như một cách mô hình hoá "xấp xỉ" cái hiện thực, do không còn cách nào khác.
Cuộc tranh luận này nhắc nhở rằng thật là khó chống lại sức mạnh của thói quen; và, như Joan Robinson (1903-1983) đã nhận xét, sinh viên khi được giảng những điều kì lạ – "tư bản" như là một sản phẩm tổng gộp, hàm sản xuất như là biểu tượng của toàn bộ nền kinh tế, v.v. – bắt đầu đặt câu hỏi, rồi có thói quen lập luận với những "vật" này để cuối cùng, do quán tính, quên hẳn những câu hỏi mình tự đặt ra; đến khi trở thành giáo sư, người sinh viên truyền lại "hiểu biết" của mình cho một thế hệ sinh viên mới, thế hệ này cũng sẽ bắt đầu tự đặt những câu hỏi trước khi một số trong họ trở thành giáo sư, và cứ thế mà tiếp tục ...





[1] Xem Lí thuyết tổng quát về việc làm trên trang này (ND).

[2] Debunking Economics – Revised and Expanded Edition: The Naked Empered Dethroned? của Steve Keen, NXB Zed Books (ND).


Print Friendly and PDF