Hàng hóa hóa xã hội
Giáo
sư triết học chính trị ở Harvard, Michael Sandel tra vấn cơ năng của thị trường
vốn đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội
Tuần báo Đức Die Zelt xem ông là “giáo
sư nổi tiếng nhất thế giới”. Với bài giảng của ông về công bằng
phát trên mạng và trên truyền hình, giáo sư triết học chính trị
Michael Sandel của đại học Harvard đã chinh phục cả triệu người trên hành tinh,
từ Trung Quốc đến Hoa Kì, ngang qua châu Âu. Tiền không mua được gì? Những giới hạn
đạo đức của thị trường, quyển sách cuối cùng của ông là lời kêu gọi từ chối
logic lệch lạc của thị trường và thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc tranh
luận công cộng vì nền dân chủ.
Le Temps: Nên chăng phải
lo ngại sự thống trị ngày ngày càng tăng của những giá trị của thị trường trên
xã hội?
Michael Sandel: Trong ba thập kỉ qua, tôi đã nhận
thấy một xu hướng nặng không chỉ giới hạn ở Hoa Kì. Hầu hết các nền dân chủ,
vốn đã lấy nền kinh tế thị trường làm mô hình, đã tự biến đổi, mà chúng ta
không nhận ra, thành những xã hội thị trường. Tự bản thân nó, kinh tế thị
trường là một công cụ hiệu quả để tổ chức những hoạt động sản xuất. Một xã hội
thị trường thì có vấn đề hơn. Trong xã hội này, mọi thứ đều có một giá. Những
giá trị của thị trường bắt đầu xâm lấn vào mọi ngõ ngạch của cuộc sống, từ gia
đình đến những quan hệ cá nhân, qua đến sức khỏe, giáo dục, chính trị và đời
sống công dân.
Quyển sách của tôi đặt một câu hỏi đơn
giản: nên chăng phải lo ngại sự thống trị của tư duy hàng hóa trên xã hội? Câu
trả lời rõ ràng là vâng. Khi người ta càng có khả năng mua đồ vật thì điều kiện
sống của người nghèo càng tồi tệ. Việc gán một giá cho gần như mọi thứ càng đào
sâu hơn những bất bình đẳng. Nếu vấn đề chỉ là có thể mua một chiếc du thuyền
hay một chiếc xe hơi đẹp, thì chuyện những bất bình đẳng không quan trọng đến
thế. Nhưng khi đồng tiền quyết định việc tiếp cận một mức bảo hiểm y tế tàm
tạm, một nền giáo dục tốt và khả năng gây ảnh hưởng chính trị thì phải bắt đầu gióng
lên hồi chuông báo động.
Xin giáo sư nêu vài ví
dụ?
Tại Washington, khi quốc hội tổ chức
những cuộc điều trần về những vấn đề quan trọng, có một số chỗ ngồi miễn phí
dành cho công chúng. Để có được một chỗ như thế, đôi lúc phải xếp hàng cả giờ.
Những công ti tư như Linestanding.com đề nghị xếp hàng thay bạn. Các nhà vận
động hành lang, vốn quan tâm đặc biệt đến kiểu điều trần này, sử dụng các dịch
vụ trên. Điều này đặt thành vấn đề vì những người giàu nhất có nhiều cơ may
tham dự các cuộc điều trần. Cách làm này làm thoái hóa ý tưởng về một hệ thống
chính trị đại diện, do phẩm chất của quốc hội là phải phục vụ tất cả các công
dân.
Một ví dụ khác: ở Iraq và Afghanistan,
có nhiều dân quân tư nhân hơn là binh sĩ của quân đội Mĩ. Đây là một ví dụ mới
về những chức năng theo truyền thống do những tổ chức công cộng đảm nhận nay có
xu hướng được khoán cho các công ti tư nhân. Và tất cả diễn ra mà công chúng
không thể tham gia tranh luận. Thế mà ta có thể tự hỏi rằng biến nghĩa vụ quân
sự thành đơn giản là một sản phẩm tiêu dùng có xác đáng không hay là phải xem
nó như một nghĩa vụ công dân.
Đâu là nguy cơ của việc hàng
hóa hóa xã hội?
Nguy cơ lớn nhất của việc gán một giá
cho mọi thứ là làm xói mòn ý thức cộng đồng. Trong khi cuộc tranh luận về di
dân vào hồi quyết liệt, một số nhà kinh tế trong đó có Gary Becker, cố giáo sư tại đại học
Chicago, đề nghị tiền tệ hóa quyền di dân và nhập quốc tịch. Đề nghị này có vẻ
cực đoan, nhưng nhiều nước đã bắt đầu triển khai nó, dù cho đó là ở Hoa Kì,
Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay ở Malte. Với 500.000 đôla, một nhà đầu tư có
thể có quyền cư trú ở các nước này, mang gia đình sang đoàn tụ và được hưởng
quy chế để có được quốc tịch. Đó là một cách biến công dân tịch thành một sản
phẩm tiêu dùng. Nếu chấp nhận logic này, thì tại sao không cho phép một thị
trường quyền bầu cử. Đến mỗi cuộc bầu cử, nhiều cử tri không muốn đi bầu. Nếu
kết quả cuộc bầu không quan trọng đối với họ thì họ phải có quyền bán lá phiếu
của mình cho những cử tri mà kết quả là một điều quan trọng đối với các cử tri
ấy. Cho dù các chính đảng thấy có lợi cho họ, thì điều này cũng đặt thành vấn
đề. Lá phiếu không phải là một hàng hóa. Nó là một trách nhiệm và nghĩa vụ công
dân.
Giáo sư tỏ ra phê phán
logic làm chỗ dựa cho Nghị định thư Kyoto về sự biến đổi khí hậu …
Hoa Kì và nhiều nước khác đã tuyên bố
sẵn sàng giảm mạnh mức phát thải CO2 của họ trong chừng mực họ có
lựa chọn: giảm phát thải của chính họ hay trả tiền cho các quốc gia khác làm
điều này thế cho họ. Đó là tất cả ý tưởng về một thị trường carbon, có thể mua
hay bán quyền gây ô nhiễm. Theo một quan điểm kinh tế, cách này có thể hiệu quả
hơn. Nhưng hiệu quả kinh tế không phải là tham số duy nhất. Bằng cách cho phép
các nước giàu mua quyền gây ô nhiễm, người ta ngăn họ đảm nhận phần trách nhiệm
toàn cầu đối với khí hậu. Sẽ trở nên khó khăn hơn để cổ xúy một đạo đức toàn
cầu nếu ô nhiễm được cảm nhận như một sản phẩm xa xỉ mà các nước giàu có thể
mua được, nhưng các nước nghèo không với tới được.
Nên chăng chào mừng việc
đưa logic thị trường vào nền giáo dục?
Rất nhiều trường gặp khó khăn trước
thách thức động viên sinh viên học. New York, Washington và Chicago đã thử
nghiệm những biện pháp khuyến khích tài chính: 50 đôla cho một điểm A, 35 đôla
cho một điểm B. Tại Dallas, học sinh 8 tuổi nhận được 2 đôla cho mỗi quyển sách
đọc xong. Mục tiêu là đáng ngưỡng mộ, nhưng phải chăng đây là phướng pháp tốt? Tôi
không bị thuyết phục. Trong ngắn hạn, trẻ em có thể đọc nhiều hơn nhưng người
ta dạy cho chúng rằng đọc là một lao dịch mà ta có thể thoát ra bằng cách trả
tiền. Có nguy cơ làm đồi bại ngay chính hành động học và đọc, mục tiêu tối
thượng của mọi hệ thống giáo dục.
Nhà nước có phải là đối
trọng cần thiết cho việc hàng hóa hóa xã hội?
Nhà nước có thể là một đối trọng.
Nhưng cũng còn có những đối trọng khác: các định chế của xã hội dân sự không
phụ thuộc vào thị trường lẫn Nhà nước, gia đình, khu xóm, các phong trào xã
hội, các giáo hội tôn giáo, các nghiệp đoàn, các phương tiện truyền thông đại
chúng. Tất cả những tác nhân này có thể nuôi dưỡng và những thái độ và chuẩn có
thể dùng làm đối chọn cho những giá trị thị trường. Vấn đề trung tâm là có
chăng những dịch vụ tự thân chúng gắn liền với căn cước công dân và với trách
nhiệm hỗ tương của các công dân mà duy chỉ Nhà nước phải cung cấp.
Luận đề của giáo sư về
việc hàng hóa hóa xã hội dường như phản bác chính sách từng được Reagan,
Thatcher, thậm chí cả Blair và Clinton … tiến hành
Ba mươi lăm năm qua, chúng ta đã sống
trong một thời kì mà quyển sách của tôi mô tả như là thời đại thắng thế của
niềm tin vào thị trường, trong việc thị trường là công cụ hàng đầu để sản xuất
một sản phẩm công cộng. Sách của tôi tìm cách đặt lại vấn đề niềm tin này. Niềm
tin vào thị trường bắt đầu lấn thế từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980
với Margaret Thatcher ở Vương quốc Anh và Ronald Reagan ở Hoa Kì. Đối với họ,
rõ ràng rằng Nhà nước là vấn đề và thị trường là giải pháp. Điều gây ấn tượng
là những chính khách sau họ và thuộc về những đảng trung tả, Bill Clinton ở Mĩ
và Tony Blair ở Anh, thậm chí là Gerhard Schröder ở Đức đã làm dịu bớt những
hiệu ứng cứng rắn nhất của chủ nghĩa tư bản nhưng lại củng cố niềm tin vào thị
trường. Các chính khách này đã không tạo nên một cuộc tranh luận mà nền dân chủ
đương đại đang cần: khi nào thì thị trường phục vụ cho lợi ích công và khi nào
thì thị trường làm cho những giá trị công dân và đạo đức bị suy đồi?
Vì sao một cuộc tranh
luận như thế đã không diễn ra?
Tư duy hàng hóa làm chúng ta né tránh
những vấn đề cơ bản về những thái độ, giá trị phải vun xới về mặt y tế, giáo
dục, đời sống công dân. Nếu chúng ta do dự tiến hành một cuộc thảo luận như thế
đó là vì chúng ta sống trong những xã hội đa nguyên. Chúng ta ưa chuộng né
tránh sự đối sánh bắt nguồn từ những niềm tin đạo đức khác nhau về những vấn đề
như công bằng, cải cách giáo dục hay hợp đồng của các bà mẹ cho thuê tử cung.
Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta hướng đến những cơ chế thị trường mà
chúng ta tin rằng chúng là trung tính. Thế mà không, chúng không hoàn toàn
trung lập đâu. Nếu các cơ chế này không làm biến đổi những sản phẩm vật chất
như xe ôtô thì chúng có thể phá hỏng một số giá trị và thái độ một khi chúng
bắt đầu điều tiết đời sống xã hội của chúng ta.
Phải chăng đó là chiếc
gối lười biếng ru ngủ các nền dân chủ?
Vâng, gần như thế. Có thể hiểu được sự
không hài lòng của công dân. Trong hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, các
công dân đã mệt mỏi với các chính trị gia và các chính đảng. Tranh luận công
cộng là rỗng tuếch và giới hạn hoặc ở những bàn luận mang tính kĩ trị không làm
ai hứng thú, hoặc ở những cuộc khẩu chiến vô bổ. Không gì ngạc nhiên khi thấy
đâu đó nổi lên những đảng phái mị dân. Không phải là một điều ngẫu nhiên khi sự
trống rỗng xuất hiện vào lúc thị trường thắng thế. Điều đáng khích lệ là ngay
cả trong những đất nước mà nền kinh tế tươi tốt như ở Trung Quốc, giới trẻ
không muốn người ta xác định chất lượng cuộc sống của mình duy nhất khái niệm
GDP. Người trẻ mong muốn một cuộc tranh luận về các giá trị, những vấn đề đạo
đức lớn và khái niệm công dân.
Stéphane Bussard
Nguyễn
Đôn Phước dịch
-------------
PTKT:
Có thể tham khảo: http://www.thesaigontimes.vn/108151/Thi-truong-va-dao-duc.html