23.4.15

Tổng năng suất các nhân tố



Tổng năng suất các nhân tố

Production factors set productivity

® Giải Nobel: SOLOW, 1987
Khái niệm năng suất xác lập một quan hệ định lượng giữa một sản lượng và những nhân tố được sử dụng để có được sản lượng này. Khái niệm này có thể được định nghĩa như là tỉ số giữa số lượng sản phẩm được sản xuất và số lượng những nhân tố được sử dụng; do đó đây là một năng suất vật chất, một khái niệm dễ hiểu. Khái niệm này giữ một vị trí quan trọng trong lí thuyết cận biên về công ti. Ngay từ cuối thế kỉ XIX ở Hoa Kì và chung hơn từ sau thế chiến thứ hai, đã có nhiều toan tính đo đạc khái niệm này, trước hết giới hạn ở năng suất của lao động ở cấp độ những đơn vị sản xuất nhỏ. Sau đó trường phân tích đã được mở rộng (doanh nghiệp, ngành sản xuất và cả đất nước), điều này buộc phải viện đến những ước lượng tiền tệ, do sản xuất và những nhân tố được sử dụng ngày càng đa dạng và song song đó, là việc thay thế độ đo năng suất riêng của một nhân tố ít nhiều tách biệt một cách giả tạo với những nhân tố khác bằng những chỉ số tổng năng suất của toàn bộ các nhân tố.
Lí thuyết cận biên về công ti dựa trên sự phân biệt giữa ngắn và dài hạn. Xin nhắc lại rằng ngắn hạn phải đủ ngắn để cho năng lực sản xuất đã thiết lập của doanh nghiệp có thể được xem là một dữ liệu cho trước: những công trình xây dựng, tư liệu và trang thiết bị hợp thành những nhân tố cố định và chi phí của chúng là một chi phí cố định, độc lập với khối lượng sản xuất. Có thể thay đổi khối lượng này bằng cách sử dụng những số lượng ít nhiều quan trọng của những nhân tố biến đổi (nhân công, nguyên liệu, năng lượng, v.v.), miễn là những nhân tố này là chia nhỏ được và thích nghi được để có thể được kết hợp theo những tỉ lệ khác nhau với những nhân tố cố định. Trong những điều kiện này, khi số lượng được sử dụng của một nhân tố biến đổi, ví dụ lao động, tăng dần thì tổng sản lượng trước tiên tăng theo một tỉ lệ lớn hơn rồi, khi vượt quá một ngưỡng, tăng theo một tỉ lệ nhỏ hơn. Nói cách khác, những năng suất trung bình và cận biên của lao động trước hết tăng dần rồi giảm dần.
Những khái niệm năng suất được sử dụng ở đây liên quan đến năng suất vật chất của một nhân tố biến đổi duy nhất (lao động); đây là một sản xuất bộ phận. Bằng cách nhân năng suất vật chất cận biên của nhân tố này với giá bán của sản phẩm ta có năng suất cận biên của sản phẩm tính theo giá trị. Tiếp đó người ta chứng minh là trong chế độ cạnh tranh, doanh nghiệp tối đa hoá lợi nhuận bằng cách sử dụng một lượng của mỗi nhân tố sao cho năng suất cận biên của mỗi nhân tố tính bằng giá trị bằng với giá của nhân tố (tỉ suất lương nếu nhân tố là lao động). Như thế một trong những mục tiêu cuối cùng của phân tích là giải thích sự phân phối của những thu nhập lần đầu.
Về phần nó, dài hạn giả định một thời lượng đủ để cho những số lượng sử dụng của tất cả các nhân tố có thể biến đổi; trong dài hạn, không còn có nhân tố cố định nữa. Trong trường hợp này, mục đích của phân tích là xác định những hệ quả của một biến thiên đồng thời và cùng tỉ lệ của việc sử dụng những nhân tố. Vấn đề không còn là xác định sự kết hợp sản xuất tối ưu nữa mà xác định qui mô của sản xuất hay kích cỡ của doanh nghiệp và con dường mở rộng nó.
Một cách tổng quát, có sự không đổi (hay sụt giảm) của những hiệu suất theo qui mô nếu, với một gia tăng theo cùng tỉ lệ của số lượng của tất cả những nhân tố sản xuất được sử dụng ứng một gia tăng theo một tỉ lệ lớn hơn của mức sản xuất. Hiệu suất theo qui mô là tăng dần nếu sản xuất tăng theo một tỉ lệ lớn hơn số lượng những nhân tố được sử dụng: do đó có những tính kinh tế theo qui mô thúc đẩy sự tập trung. Trong trường hợp ngược lại thì có những hiệu suất theo qui mô giảm dần: kích cỡ của doanh nghiệp là quá quan trọng đối với một tổ chức có hiệu quả. Rõ ràng là khái niệm hiệu suất theo qui mô vẫn có tính vật chất hay kĩ thuật; nó làm rõ tiến hoá của năng suất chung hay của toàn thể những nhân tố được doanh nghiệp sử dụng. 
Trái với cách tiếp cận lí thuyết truyền thống, khái niệm tổng năng suất chủ yếu nhấn mạnh đến những mối quan tâm thống kê hay kế toán. Trong một môi trường quốc tế cực kì cạnh tranh, những tiến bộ năng suất là một đảm bảo cho tính cạnh tranh của các doanh nghiệp; thước đo những biến thiên của tổng năng suất nhằm cung cấp một chỉ báo tổng hợp và động của thành tựu của các doanh nghiệp.
Trong những năm đầu sau thế chiến thứ hai, đã có nhiều nỗ lực quan trọng để đo năng suất lao động, ở cấp độ kinh tế vi mô cũng như ở cấp độ kinh tế vĩ mô, trong mối liên hệ với những phát triển của hệ thống tài khoản quốc gia. Lợi thế của một cách tiếp cận như vậy là tránh được những bất trắc liên quan đến độ đo của những nhân tố sản xuất khác và việc xây dựng những chỉ số tổng hợp về số lượng những nhân tố được sử dụng. Nhưng những công thức năng suất riêng có bất lợi là đo không đầy đủ và đôi lúc sai lầm thành tựu của một đơn vị sản xuất; đó là vì thời gian của những tài khoá kế toán cung cấp những thông tin định lượng cần thiết không nhất thiết tương ứng với những khái niệm lí thuyết về ngắn và dài hạn. Thời kì một năm vừa là quá dài để làm biến đổi chỉ những nhân lực được sử dụng hay chỉ thời gian lao động không thôi vừa là quá ngắn để cho các số lượng nhân tố được sử dụng đồng thời được thay đổi. Nói cách khác, việc cải thiện tỉ số Sản lượng/Số nhân lực hay Hoạt động của nhân công từ năm này sang năm khác có thể có nguyên nhân khác hơn là một gia tăng của năng suất lao động trong nghĩa chính xác nếu những phương pháp sản xuất khác nhau hay những phương tiện phụ trội được sử dụng và điều này diễn ra trong những tỉ lệ cũng khác nhau. Vả lại, đây là lí do vì sao một sự nâng cao được đo như thế của năng suất lao động (hay của bất kì nhân tố nào khác được xét riêng biệt) được gọi là năng suất lao động biểu kiến vì khó có thể tách biệt sự nâng cao này với những đóng góp có tính sản xuất khác. Điều thật ra được đo là biến thiên đồng thời của một số nhân tố và của sự kết hợp kĩ thuật của những nhân tố này. Việc tìm kiếm một chỉ báo xác đáng hơn do đó, một cách logic, phải dẫn đến khái niệm tổng năng suất hay năng suất của toàn bộ những nhân tố sản xuất. 
Chỉ báo tổng năng suất do nhà thống kê André Vincent đề xuất vào cuối những năm 1950 được xác định bằng tỉ số giữa một chỉ số khối lượng sản xuất của một doanh nghiệp hay một ngành và một chỉ số khối lượng những nhân tố được doanh nghiệp hay ngành này huy động; do đó chỉ báo này hiện ra như một thương số của hai chỉ số số lượng được gia quyền bằng những giá của thời kì gốc. Kể từ 1966, Trung tâm nghiên cứu thu nhập và chi phí (CERC) đã tiếp tục và phát triển những nghiên cứu này và đề xuất một phép tính đơn giản của biến thiên của tổng năng suất: xét những tài khoản kết quả của một doanh nghiệp tưởng tượng trong hai năm liền (triệu euro):
Những số tiền này được thể hiện bằng giá trị hiện hành; do cho mỗi mục tỉ số những giá trị hằng năm bao giờ cũng bằng với tích của tỉ số số lượng với tỉ số giá cả: V2/V1 = (Q2/Q1) x (P2/P1) nên ta có thể, khi tính đến những thông tin sẵn có, tách ra cho mỗi mục “hiệu ứng giá cả” và “hiệu ứng khối lượng”:
Thước đo thu hoạch năng suất từ năm này sang năm khác được cột thứ ba của bảng trên cung cấp: so với năm 1, khối lượng sản xuất và bán ra đã tăng 8 triệu euro (108 - 100) trong năm 2. Cũng trong thời gian đó, khối lượng chi phí hay mua sắm đã tăng 5 triêụ: (32 + 52,8 + 20,2) - (30 + 50 + 20). Do đó doanh nghiệp ghi nhận một tổng thu hoạch năng suất là 3 triệu, rất khác với kết quả kế toán bằng không của hai tài khoá: doanh nghiệp kết hợp tốt hơn những nhân tố sản xuất vì gia tăng của những tiêu dùng hay mua sắm thấp hơn gia tăng của sản lượng.
Thước đo tổng năng suất có thể được áp dụng cho những doanh nghiệp thuộc mọi kích cỡ, và cả cho một bộ phận duy nhất của doanh nghiệp hay cho một dịch vụ công cộng. Thước đo này có thể có tính hồi cố và nêu ra những xu thế; việc phân tích những xu thế này cho phép dự kiến một số kết quả kinh doanh tương lai và tiến hành trước những điều chỉnh cần thiết. Nhưng nếu một đặc điểm chủ yếu của doanh nghiệp là khả năng tạo ra nhiều của cải bằng cách tiết kiệm những tư liệu sản xuất thì rõ ràng là của cải này phải được phân phối giữa doanh nghiệp và những đối tác khác nhau của nó: người làm công ăn lương, cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, Nhà nước.
Những vấn đề phân phối thành quả của tăng trưởng do đó dẫn đến việc nhấn mạnh đến những mối quan hệ nối kết tiến hoá của tổng năng suất của một doanh nghiệp và tiến hoá của những thu nhập mà doanh nghiệp phân phối. Đó là đối tượng của phương pháp những tài khoản thặng dư. Vấn đề không phải là, giống như trong lí thuyết năng suất cận biên, giải thích việc xác định giá cả và khối lượng sử dụng của những nhân tố sản xuất khác nhau ở thế cân bằng mà là mô tả vị thế của doanh nghiệp đối với những đối tác của mình.
Phân tích này kéo theo việc tính đến những biến thiên của giá cả. Thật vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp bằng với hiệu giữa giá trị của những sản phẩm bán ra và giá trị của những nhân tố được sử dụng. Biến thiên của những giá trị này là kết quả đồng thời của, một mặt, biến thiên của những giá và chi phí và mặt khác, của biến thiên của những số lượng được sản xuất hay được sử dụng trong sản xuất. Tổng hiệu ứng của những biến thiên về số lượng đối với doanh nghiệp tượng trưng cho, như đã nêu ở trên, một thu hoạch hay một thặng dư tính theo khối lượng (với giá cố định). Còn hiệu ứng của những thay đổi giá cả, thì đó là một đóng góp thêm cho doanh nghiệp nếu tiến hoá của giá cả tỏ ra thuận lợi đối với doanh nghiệp hay trong trường hợp ngược lại là một lợi thế cho các đối tác của doanh nghiệp (người tiêu dùng, người làm công ăn lương của doanh nghiệp, nhà cung cấp, v.v.). Do lợi nhuận (hay thua lỗ) cũng là một dạng phân phối đặc biệt nên ta có thể kết luận là có cân đối kế toán giữa thặng dư thu được và thặng dư được phân phối, tức là: Thu hoạch năng suất + đóng góp nhận được = lợi thế được phân phối.
Đẳng thức này chỉ rõ ràng là ta không thể phân phối lợi thế nhiều hơn những gì tổng năng suất thu hoạch được hay nhiều hơn những đóng góp nhận được từ một số đối tác.
Tất cả những kết quả thu được bằng khái niệm tổng năng suất và biến thiên của giá có thể được tập hợp và cân đối trong một bảng tổng hợp gọi là “bảng cân đối trao đổi”.
Từ bảng ở trên, ta đo những đóng góp doanh nghiệp nhận được và những lợi thế được doanh nghiệp phân phối (tính bằng triệu euro):
Ta ghi nhận là, đối với số bán, một gia tăng của giá tượng trưng cho một đóng góp của khách hàng cho doanh nghiệp (do đó có dấu +) trong lúc một sụt giảm của giá là một lợi thế được doanh nghiệp phân phối cho các khách hàng của mình (-). Ngược lại, đối với những chi phí khác nhau của sản xuất, một gia tăng của giá là một lợi thế được doanh nghiệp phân phối cho một đối tác tương ứng (nhà cung cấp, nhân viên của mình …) (do đó có dấu -); một sụt giảm của giá là một đóng góp của đối tác có liên quan cho doanh nghiệp (+). Như thế bảng cân đối những trao đổi từ năm 1 sang năm 2 là như sau:
Phân phối này có thể bị áp đặt cho doanh nghiệp (ví dụ tăng lương tối thiểu hoặc đóng băng giá) hay là kết quả của những quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp. Nói một cách chung, phương pháp đo một cách rộng hơn là một kết quả kế toán đơn giản cách mà những thu hoạch năng suất được phân phối giữa tất cả các đối tác tham gia vào sản xuất và trao đổi.
MASSÉ P. & BERNARD P., Les dividendes du progrès, Paris, Le Seuil, 1969. MÉRAUD J., Productivité globale et comptes de surplus, Journal de la Société de statistique de Paris, 1979, n0 1, p. 9-28. VINCENT A., La mesure de la productivité, Paris, Dunod, 1968. Coll.: CERC, Productivité globale et comptes de surplus, Paris, La Documentation franVaise, Document n0 55/56, 1980; La productivité globale dans lentreprise, Paris, Organisation, 1987.
Jacques Lecaillon
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001 
 
® Khả năng sinh lời tuyệt đối và tương đối;  Phân phối thu nhập; Qui luật lợi tức giảm dần; Thời gian; Tính kinh tế (phi kinh tế) theo qui mô; Nhân tố sản xuất.
Print Friendly and PDF