17.4.15

Tiền không mua được gì?



Tiền không mua được gì?

Thị trường có mặt khắp nơi. Nó có mặt trong tổ chức kinh tế của chúng ta, và ngày càng xuất hiện trong các quan hệ xã hội. Thế mà ngược lại với những gì các nhà kinh tế muốn chúng ta tin tưởng, các quan hệ hàng hóa tác động đến những giá trị đạo đức của những xã hội phát triển các quan hệ này. Tìm hiểu chiều kích đạo đức của trao đổi hàng hóa và những giới hạn cần thiết phải áp đặt cho các trao đổi này là tham vọng của tác phẩm đáng chú ý của nhà triết học Mĩ Michael J. Sandel.

Sự bất công

Trong các sân bay, công viên hay ở siêu thị sách Fnac, ngày ta càng thấy có những khách hàng tránh xếp hàng nhờ sở hữu một thẻ đặc biệt. Họ đã trả đắt hơn để khỏi phải mất thời gian. Những hệ quả xã hội của điều này là không mấy quan trọng nếu chiến lược cắt đuôi không len lỏi cả vào lĩnh vực y tế: ở Hoa Kì, đổi lấy 15.000 đôla (25.000 cho một gia đình), bạn bạn có quyền tiếp cận ưu tiên tuyệt đối và không giới hạn một bác sĩ. Một ví dụ khác: ta biết là những đứa con của các bà mẹ sử dụng ma túy sinh ra đã ngộ độc, một hội đoàn đề nghị trả 300 đôla cho những phụ nữ nghiện để trở thành vô sinh. Ta còn có thể nhắc đến những cuộc đầu cơ trên cái chết, thông qua thị trường thứ cấp bảo hiểm nhân thọ hay những biển logo thương mại to đùng trang trí và đặt tên cho một số sân vận động.
Đối với các nhà kinh tế, những quan hệ hàng hóa trên là trung tính về mặt đạo đức: chúng là những quyết định được tự do lựa chọn. Michael J. Sandel trả lời một cách xuất sắc: đó là một sai lầm kép. Một mặt, có một vấn đề công bằng được đặt ra. Khi những quan hệ xã hội trở thành những quan hệ hàng hóa thì những người giàu nhất được ưu đãi: họ là những người sẽ không còn chờ đợi ở các sân bay và được chăm sóc tốt nhất. Ngược lại, những người nghèo nhất có thể bị buộc phải bán một quả thận, cho thuê tử cung, v.v. Sự đồng tình và tự do lựa chọn trong trao đổi hàng hóa không phải bao giờ cũng được đảm bảo vì những bất bình đẳng trong sức mạnh thương thảo là rất lớn.

Biến chất

Mặt khác, ngay cả trong một xã hội công bằng, những giá trị thị trường làm biến chất những giá trị phi hàng hóa. Đó là điều mà ngay từ năm 1976, giáo sư người Anh Fred Hirsch gọi là “hiệu ứng thương mại hóa”. Những chuyên gia về tâm lí xã hội giải thích điều này bằng việc là những hành động của chúng ta đáp ứng những động lực bên trong (ví dụ, ích lợi làm một việc gì đó) và bên ngoài (những tưởng thưởng được chờ đợi). Thế mà cho tiền một người làm nhiễu loạn những động lực của người đó. Chẳng hạn trả tiền cho người hiến máu làm giảm quyết tâm hiến máu. Một cuộc điều tra trong dân cư một bang ở Thụy Sĩ cho thấy là có 51% cư dân sẵn sàng chấp nhận một địa điểm chứa chất thải phóng xạ trong địa phương vì ý thức công dân và con số này là … 25% khi chính phủ sẵn sàng bồi thường bằng tiền.
Nếu thế nên chăng chấp nhận trả tiền cho học sinh để khuyến khích các em chăm học hay đọc sách? Các doanh nghiệp có nên trao phong bì sức khỏe để khuyến khích việc bỏ thuốc lá (như trường hợp của General Electric) hay giảm cân? Có thể chấp nhận việc hàng hóa hóa quyền gây ô nhiễm hành tinh không? Bất luận câu trả lời là thế nào thì phải lựa chọn với ý thức đầy đủ và có đánh giá chiều kích đạo đức của thị trường. Vì thương mại làm thay đổi bản chất những sản phẩm được trao đổi và mục đích của chúng. Các nhà kinh tế có xu hướng muốn quên quên điều này.
Christian Chavagneux
Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Ce que l’argent ne saurait acheter”, Alternatives Économiques, n0341, décembre 2004.
Print Friendly and PDF