18.3.15

PARETO Vilfredo, 1848-1923



PARETO Vilfredo, 1848-1923
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988

Vilfredo Pareto sinh tại Paris ngày 15 tháng bảy 1848. Mẹ ông là người Pháp và bố là người Italia. Sau khi trở về Italia ông học tại Trường Bách khoa Turino. Năm 1869, luận án của ông là về cân bằng của những chất rắn. Trong hai mươi năm sau đó, ông hành nghề kĩ sư. Chịu ảnh hưởng của nhà kinh tế Maffeo Pantaleoni, vào khoảng 1890 ông quan tâm đến kinh tế toán học của Léon Walras. Liên lạc được với Walras và được Walras tiến cử, Pareto thế chỗ giáo sư kinh tế chính trị học tại Lausanne của Walras năm 1893. Từ đó Pareto bắt đầu sự nghiệp của ông trong khoa học xã hội liên tiếp trong hai hướng bổ sung cho nhau, và theo một tiến trình định tính: một hướng trong kinh tế học với Cours déconomie politique (Giáo trình kinh tế chính trị học) (1896-1897) rồi Manuel déconomie politique (Tóm tắt kinh tế chính trị học) (1906-1909); một hướng trong xã hội học với Systèmes socialistes (Những hệ thống xã hội chủ nghĩa (1901-1902) rồi Traité de sociologie générale (Khảo luận về xã hội học tổng quát) (1916). Ông mất ngày 2 tháng 3 1923 để lại một sự nghiệp khổng lồ (Oeuvres complètes, 30 vol.)
Pareto rất coi trọng phương pháp logic-thực nghiệm của ông, một phương pháp dựa trên ba nguyên lí cơ bản: 1) Đối tượng của khoa học là tính khả tri duy lí của những đều đặn của các hiện tượng. 2) Để làm việc này, thiết kế lí thuyết được tiến hành bằng những xấp xỉ lần lượt và mỗi lí thuyết phải được thử thách bằng những sự kiện khách quan được quan sát. Do đó diễn dịch và qui nạp nối tiếp nhau theo trình tự những xấp xỉ: diễn dịch trong xấp xỉ thứ nhất và qui nạp cho những xấp xỉ tiếp theo bằng cách ngày càng tiến gần đến mô tả hiện thực. 3) Những quan hệ vận động trong những hiện tượng được nghiên cứu thường không phải là từ nguyên nhân đến hệ quả nhưng là những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Đối với Pareto, xấp xỉ đầu tiên cấu thành kinh tế học thuần túy giả thiết-diễn dịch; xấp xỉ này được xây dựng trên cơ sở một lí thuyết trừu tượng về hành động kinh tế, lí thuyết của homo oeconomicus, và một lí thuyết về sự phụ thuộc lẫn nhau, lí thuyết cân bằng. Trong cả hai trường hợp này, lập luận logic được triển khai bằng phương thức duy lí của phân tích toán học. Pareto thay đổi một vài giả thiết cổ điển của học thuyết công lợi dù vẫn giữ những nguyên lí của phân tích cận biên. Khái niệm lợi ích(utilité), được xem là quá đa nghĩa và mang tính đạo đức, được thay bằng hai khái niệm cấu thành của lí thuyết hành động kinh tế: hành động logicđộ thoả dụng(ophélimité). Hành động logic là hành động vận dụng những phương tiện thích hợp với một cứu cánh (được xác định nơi khác) bằng lập luận logic. Hành động phi logic không xuất phát từ lập luận này và là lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học. Những hành động kinh tế thích đáng đối với kinh tế học thuần tuý thuộc về phạm trù những hành động logic được lặp lại với một tần số lớn. Pareto thay thế lợi ích bằng khái niệm độ thoả dụng như một sự kiện thô: quan hệ phù hợp giữa một vật và một nhu cầu được thoả mãn. Hơn nữa, ông đề nghị sử dụng độ thoả dụng như một độ đo không chiều kích (chỉ số mức) và dịch chuyển vấn đề ước lượng sang vấn đề duy nhất là lựa chọn cá thể bằng những khái niệm có tính thứ tự về sở thích giữa những sản phẩm được mong muốn. Trong trường hợp đơn giản của hai sản phẩm mà những số lượng là hai trục của một mặt phẳng thì một đường bàng quan tượng trưng cho tập những tổ hợp số lượng của những sản phẩm này tạo được cho tác nhân cùng một sự thoả mãn. Đối với một tác nhân, tập những lựa chọn có thể được biểu trưng bằng một họ những đuờng bàng quan lồi và song song dịch chuyển xa khỏi điểm gốc, với mức ngày càng tăng của chỉ số thoả dụng. Phương pháp luận này mở ra nhiều hướng cho việc phân tích cân bằng của một tác nhân cũng như cho việc phân tích sự trao đổi giữa những tác nhân, đảm bảo một cách hiệu quả cho mỗi tác nhân độ thoả dụng tối đa với những chu cấp về nguồn lực được cho trước, đó là chiếc hộp Edgeworth nổi tiếng do Pareto xây dựng. Tuy nhiên những chứng minh hình thức này cũng như những chứng minh khác (sản xuất và hình thức thị trường) do Pareto đề xuất khơi lên nhiều khó khăn về kiến giải (hiệu quả Pareto) và khái quát hoá (yếu tố tích phân và gộp). Đặc biệt việc chỉ định paretian về cân bằng chung, tối ưu Pareto nổi tiếng, là đáng bàn cãi. Bằng cách giả định có một phân bổ nhất định những nguồn lực và tính không thể so sánh những độ thoả dụng cá thể, Pareto đề nghị xác định vị thế của cân bằng chung cho được phúc lợi lớn nhất có thể cho những cá thể của cộng đồng như sau:
Xét một vị thế bất kì và giả sử là ta rời khỏi vị thế này bằng một số lượng rất nhỏ, một cách tương hợp với những quan hệ. Nếu làm như thế ta làm tăng phúc lợi của tất cả các cá thể của cộng đồng thì hiển nhiên là vị thế mới là có lợi cho mỗi người; và ngược lại vị thế mới là bất lợi hơn nếu ta làm giảm phúc lợi của tất cả các cá thể. Vả lại phúc lợi của một số cá thể có thể là không đổi nhưng không vì thế mà làm thay đổi kết luận trên. Nhưng nếu ngược lại, chuyển động này làm tăng phúc lợi của một số cá thể và làm giảm phúc lợi của một số cá thể khác thì ta không có thể khẳng định là cả cộng đồng có lợi hơn khi chuyển động như vậy (Manuel, 1909, trang 617).
Ngoài cách trình bày mơ hồ (cộng đồng?) ra, những kết luận của Pareto dẫn đến việc trao cho mỗi cá thể nào đạt đến vị thế cân bằng của mình một quyền phủ quyết trên mọi thay đổi vị thế cân bằng chung bất lợi cho bản thân, bất kể vị thế sống còn của những cá thể khác. Không thể có sự can thiệp công cộng trong chiều hướng cải thiện phúc lợi tập thể. Kiểu phái sinh hình thức này của kinh tế học thuần tuý (tĩnh và phi thời gian) không phải là không đặt cho xấp xỉ đầu tiên này những vấn đề về tính xác đáng và tính chặt chẽ với những xấp xỉ tiếp theo.
Trong lĩnh vực sau này, lĩnh vực của kinh tế học ứng dụng, Pareto làm rõ một sự kiện cách điệu hoá: qui luật Pareto. Ông nhận thấy một cách thống kê rằng dạng của đường phân phối thu nhập là một kim tự tháp và trung bình ít biến đổi trong những nền kinh tế khác nhau. Sau khi công thức hoá bằng toán học đường thu nhập này và thử nghiệm những biến thiên trị số, Pareto kết luận là một gia tăng của thu nhập tối thiểu và một giảm bớt những bất bình đẳng thu nhập chỉ có thể xảy ra, tách biệt hoặc đồng thời, nếu tổng thu nhập tăng nhanh hơn dân số. Cách trình bày qui luật này và những kết luận của nó đã gây nên một cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa kết thúc. Dù sao thì với phương thức thiết kế lí thuyết qui luật này Pareto thể hiện một cách làm khoa học kinh tế khác (tương thích?) đáng kể với cách làm của kinh tế học thuần tuý.
Xã hội học của Pareto đặt cơ sở trên khái niệm hành động phi logic. Kiểu hành động này, một kiểu chung nhất trong đời sống xã hội và bắt nguồn từ những tình cảm hơn là từ những quyền lợi được Pareto phân tích bằng những khái niệm gốc (R) (bản năng liên kết, bảo toàn, tính gộp, tính xã hội, tình dục) và phái sinh (D) (duy lí hoá hậu nghiệm dưới dạng uy quyền, chấp nhận một nguyên lí, chứng cứ bằng miệng). Phân tích kết hợp phức tạp những quan hệ R-D dẫn Pareto đến việc đề xuất những giải thích các sự kiện xã hội (thể hiện sự khẳng định của những R-D), cân bằng xã hội tĩnh (tính không đồng nhất và thứ bậc của những R-D bị những R-D của một giới tinh hoa khống chế) và động thái xã hội  (mất ổn định và tính cơ động của giới tinh hoa, thay thế giai cấp xã hội chuyển tải phức hợp R-D).
Phù hợp với xã hội học này, Pareto đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, một mặt như một học thuyết thể hiện ít nhiều chặt chẽ sự lớn mạnh của một giới tinh hoa mới (những nhà nhân bản và những lãnh tụ công nhân khẳng định R-D của mình chống lại giai cấp tư sản do dự) (Systèmes), mặt khác như là một đối tượng về mặt logic không thoát khỏi phân tích của kinh tế học thuần tuý (Cours). Do đó liên quan đến khía cạnh sau này, Pareto khởi xướng cách đặt vấn đề lí thuyết của việc phân tích một nền kinh tế tập thể như một trường hợp đặc biệt một người duy nhất ra quyết định tìm kiếm độ thoả dụng cho xã hội của cân bằng chung (có những đặc điểm riêng hay chung với trường hợp của một nền kinh tế cạnh tranh). Như thế có thể nói là Pareto, vào thời của ông, là một nhà nghiên cứu toàn diện về khoa học xã hội.

· Oeuvres complètes, G. Busino dir., Genève, 30 vol., 1964-1989.
ALLAIS M., Pareto: contribution to economics in SILLS D. ed., Encyclopedia of Social Science, New York, Macmillan, 1968, vol. 11. GISLAIN J.-J. & STEINER P., La sociologie économique 1890-1922, Paris, PUF, 1995. MALINVAUD E., Le Manuel de Pareto et la théorie moderne des choix, Revue déconomie politique, 1993, 103 (2), p. 157-189. SCHUMPETER J., Vilfredo Pareto (1848-1923), Quarterly Journal of Economics, 1949, 63 (2), p. 147-173. VALADE B., Pareto, la naissance dune nouvelle sociologie, Paris, PUF, 1992.
Jean Jacques GISLAIN
Phó giáo sư đại học Nantes
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Lợi ích; Phúc lợi xã hội và lựa chọn công cộng; Chuẩn tắc hay thực chứng; Tối ưu.

PARETO Vilfredo (1848-1923)

Cuộc đời

Chào đời tại Paris giữa cuộc cách mạng 1848, từ một người mẹ Pháp và một người bố quý tộc Italia, đến năm 10 tuổi ông theo bố về quê nhà ở Piemont. Là một nhà tư tưởng chính trị, ông đặc biệt phê phán nền dân chủ, một chế độ được ông đánh giá là mềm yếu và dễ bị tổn thương. Là một người ngưỡng mộ Walras, ông thay thế tác giả này ở đại học Lausane và trở thành một trong những người đứng đầu thế hệ thứ hai của cuộc cách mạng tân cổ điển. Cho rằng giai cấp tư sản đang cầm quyền quá nhạy cảm với những yêu sách ngày càng tăng của công nhân, ông đã nhìn thấy trong chủ nghĩa phát xít mới sinh giải pháp thích hợp để đáp trả cho điều ông gọi là “sự mị dân tài phiệt”.

Tư tưởng

Là nhà xã hội học đồng thời là nhà kinh tế học, Pareto gợi lên hình tượng con dơi. Tuy sự kết hợp này là rất hiện đại nhưng điều ngạc nhiên là Pareto phân biệt rất rõ hai lĩnh vực tư tưởng. Trong tác phẩm Traité de sociologie, hoàn toàn dành cho việc phân tích các lực lượng tác động đến xã hội và những hành động được ông gọi là “logic” và “phi logic”, ông chỉ huy động một lần những sở đắc của những suy tưởng kinh tế của mình (nhân điều sau này được gọi là nguyên lí Pareto, để định nghĩa thế nào là một tối ưu kinh tế).  
Ngược lại, trong tác phẩm Manuel d’économie politique, ông đề cập rất ít đến những khía cạnh xã hội học. Gần như ông chỉ nói thoáng qua để xứng đáng là một người ngưỡng mộ Spencer đến “sự dịch chuyển của các tầng lớp tinh hoa” mà một xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi nếu không muốn suy tàn. Tuy nhiên, khi đào sâu tác phẩm này, phân tích của ông bao gồm một định luật, có tính xã hội học hơn là kinh tế học. Đó là tính không đổi của sự phân phối thu nhập, thường được thể hiện bằng thành ngữ “80/20” tuy tất nhiên là ông không trình bày nó như thế: 80% thu nhập vào tay 20% những người giàu nhất. Pareto cho rằng đó là sự phân phối các tài năng trong một xã hội và, về lâu dài, sự phân phối thu nhập đi theo sự phân phối tài năng trong một xã hội thị trường (xã hội mở, nói theo Hayek).   
Nhưng Pareto trở nên bất tử nhờ phân tích của ông về tối ưu kinh tế. Không thể so sánh, như tham vọng của Bentham, những vui thích của người này và những nhọc nhằn của người khác vì các thước đo lợi ích (Pareto dùng thuật ngữ “độ thỏa dụng”) là không thể so sánh với nhau được. Do đó đạt đến tối ưu khi không thể tăng lợi ích của một người mà không làm giảm lợi ích của ít nhất một người khác. Nói cách khác, nếu trao đổi tự nguyện có thể dẫn đến tối ưu thì việc tái phân phối không thể làm điều đó: hạnh phúc của những người được nhận không thể bù đắp cho mất mát của những người phải trả giá. Với một lập luận như thế, Pareto chắc chắn được những kẻ giàu có kính trọng.

Trước tác

Nhà xuất bản Thụy Sĩ Droz đã tái bản toàn tập Pareto thành 12 quyển. Ba trong số 12 quyển này là đáng chú ý:
Quyển I dành cho Cours d’économie politique, xuất bản lần đầu năm 1901
Quyển VII dành cho Manuel d’économie politique, xuất bản lần đầu năm 1909
Quyển XII dành cho Traité de sociologie générale, xuất bản lần đầu năm 1917, với một lời giới thiệu của Raymond Aron

Để tìm hiểu thêm:

“Vilfredo Pareto: l’économie contre la morale”, L’économie politique, n04, octobre 1999
Les étapes de la pensée économique, Raymond Aron, coll. Tel quell, éd. Gallimard, 1998
Pareto aujourd’hui, Alban Bouvier (dir.), éd. PUF, 1999, đặc biệt là những đóng góp của Raymond Boudon (“L’actualité de la distinction parétienne entre actions logiques et actions non logiques”)    

Nguồn: Alternatives économiques Poche, n0 201, tháng mười 2005
Print Friendly and PDF