1.5.17

Tòa án Monsanto: công ty Mỹ bị kết tội vi phạm các quyền con người



TÒA ÁN MONSANTO: CÔNG TY MỸ BỊ KẾT TỘI VI PHẠM CÁC QUYỀN CON NGƯỜI
Sáu tháng sau phiên tòa công dân tố cáo công ty khổng lồ về hoá chất nông nghiệp, vào hôm thứ ba, các thẩm phán đã đưa ra “ý kiến ​​có tính tham vấn” và yêu cầu nền luật pháp quốc tế công nhận nạn phá huỷ môi trường thiên nhiên. LE MONDE | 18.04.2017
Tại tòa án Monsanto ở La Haye (Hà Lan), tháng mười 2016, năm vị thẩm phán quốc tế đang nghe các nhân chứng từ khắp nơi trên thế giới
Kết luận của Tòa án quốc tế Monsanto mang tính chung thẩm. Công ty Mỹ chuyên ngành công nghệ sinh học nông nghiệp đã bị công nhận có tội ác vì những hoạt động gây phương hại đến nhiều quyền con người.
Công ty bị buộc tội chống lại nhân loại và tội ác phá huỷ môi trường thiên nhiên, đặc biệt bị quy tội thương mại hóa các sản phẩm độc hại từng gây ra cái chết của hàng ngàn người, chẳng hạn như chất polychlorinated biphenyls (PCB), glyphosate – được sử dụng trong các loại thuốc diệt cỏ như thuốc diệt cỏ Roundup được công ty đa quốc gia này thương mại hóa hoặc axit 2,4,5-trichlorophenoxyacetic, tạo ra “chất độc da cam”, một loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ phun bằng máy bay trong chiến tranh Việt Nam.
Được công bố tại The Hague, Hà Lan, vào hôm thứ ba 18 Tháng 4, sau sáu tháng làm việc, ý kiến “có tính tham vấn” này của tòa án, dưới sự chủ tọa của bà Françoise Tulkens, cựu thẩm phán tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu, không có giá trị kết án theo nghĩa pháp lý của thuật ngữ này; ý kiến [của tòa án] không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, theo tài liệu [được công bố]. Do đó, tài liệu không đề cập đến bất cứ nguyên đơnnào, bất cứ công tố viênnào cũng như bất cứ “bị đơn” nào theo nghĩa pháp lý của các thuật ngữ nói trên.

Cảnh báo dư luận và thúc đẩy quyền con người

Tòa án Monsanto là một phiên tòa của công dân, không được công nhận chính thức, mà mục đích là nhằm cảnh báo dư luận và thúc đẩy quyền con người. Trong hai ngày từ ngày 16 đến ngày 18/10/2016 tại The Hague, năm thẩm phán chuyên nghiệp (đến từ Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal) đã lắng nghe lời khai của khoảng ba mươi nhân chứng, chuyên gia, nạn nhân, và luật sư. Monsanto đã từ chối “ra trước tòa”. Sáu vấn đề đã được đưa lên “tòa án”.
Ý kiến mang tính tham vấn của các thẩm phán không có chỗ để nghi ngờ các hành động của Monsanto. Đối với bốn vấn đề đầu tiên liên quan đến việc tôn trọng quyền được hưởng một môi trường lành mạnh, quyền đối với thực phẩm, quyền đối với việc chăm sóc y tế và quyền tự do không thể thiếu đối với nghiên cứu khoa học, tòa án cho rằng công ty đa quốc gia đã hành động trái với các quy định và không tôn trọng các quyền cơ bản.
Monsanto tham gia vào những hoạt động có tác động nghiêm trọng đến môi trường, theo lời của các thẩm phán. Các hoạt động đó, theo họ, ảnh hưởng đến các quyền của người dân bản địa và của các cộng đồng địa phương.

“Thương mại hóa khủng các hạt giống GMO”

Quyền tiếp cận thực phẩm và chăm sóc y tế cũng bị vi phạm.Tòa án đặc biệt giải thích chi tiết việc thương mại hóa khủng các hạt giống GMO (Genetically Modified Organism [sinh vật biến đổi gen]) làm thay đổi các quyền nói trên bằng cách buộc người nông dân áp dụng những phương thức canh tác không tôn trọng các tập quán canh tác truyền thống.Năm thẩm phán cũng tố cáo các hoạt động của Monsanto gây nguy hại đến quyền tự do nghiên cứu khoa học, cũng như quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin.
Đối với hai vấn đề cuối được đặt ra, ý kiến của tòa án ít quả quyết hơn. Liên quan đến sự đồng lõa với tội ác chiến tranh, tòa án cho rằng không có cơ sở để đưa ra một kết luận dứt khoát”. Nhưng, khi công nhận nạn tàn phá môi trường cũng như những thiệt hại gây ra cho nhân dân Việt Nam, các thẩm phán cho rằng không thể bỏ qua giả thuyết theo đó Monsantođã cung cấp các phương tiện để tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, đã biết được cách mà sản phẩm sẽ được sử dụng” và đã có được những thông tin có liên quan đến tác hại của sản phẩm đối với sức khỏe và môi trường.
Nói lên điều đó để thấy rằng lời buộc tội của tòa án này là rất nặng. Vả lại tòa cũng kết luận rằng đáng lẽ đã có thể tiến hành một thủ tục kiện tụng dân sự và nếu tội ác phá huỷ môi trường thiên nhiên được đưa vào Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế,như là một thể loại tội ác thứ năm về tội ác quốc tế, thì các thẩm phán có thể đưa ra những quyết định đối với các hành động hủy hoại gây ra ở Việt Nam.

Công nhận tội ác huỷ hoại môi trường thiên nhiên

Đây cũng là kết luận và là câu trả lời cho vấn đề cuối cùng được đưa ra: tội ác phá huỷ môi trường thiên nhiên phải được công nhận trong pháp luật hình sự quốc tế. Như vậy, theo lập luận của các thẩm phán, sự công nhận này sẽ cho phép làm rõ nét các hoạt động của Monsanto.
Nên nhớ rằng, khái niệm này đã được nêu lên, từ năm 1972, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường, ở Stockholm, trong diễn văn khai mạc của Thủ tướng Thụy Điển khi nói đến chiến tranh Việt Nam.
Kể từ đó, quyền đối với môi trường đã tiến triển rất chậm trong các luật pháp quốc gia. Thiên nhiên thậm chí cũng đã được cấp quyền, như trường hợp của Ecuador vào năm 2008, khi chính phủ đã cấp tư cách pháp nhân cho núi, sông và đất.
Tòa án quốc tế Monsanto muốn đi xa hơn nữa. Tòa án cho rằng “đã đến lúc phải đề xuất việc hình thành một khái niệm pháp lý mới đối với tội ác huỷ hoại môi trường thiên nhiên và tích hợp nó vào một phiên bản sửa đổi trong tương lai của Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Và các thẩm phán cũng nhắc lại rằng vào năm 2016 công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã thông báo cam kết sẽ có một điều khoản đặc biệt để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những tội phạm (...) tàn phá môi trường (...) có chủ đích hoặc có hành vi gây hậu quả, trong số các hành vi khác.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Công ty Monsanto, vào tháng 10 năm 2016, đã bày tỏ những ý kiến và dè dặt của họ đối với phiên tòa công dân này, đánh giá rằng nó “vừa đá bóng vừa thổi còi”, và không công nhận giá trị các kết luận của tòa án.
Brian Carroll
Françoise Tulkens (1942-)
Sự kiện này đã được dàn dựng bởi một nhóm nhỏ những đối thủ của Monsanto và những người chống đối các công nghệ nông nghiệp, tự dựng mình thành người tổ chức, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tòa án đã bác bỏ sự tồn tại của các bằng chứng khoa học và của các quyết định pháp lí về nhiều chủ đề để kết luận bằng một phán quyết đã định trước, theo lời của Brian Carroll, phát ngôn viên của Monsanto tại châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức và định chế điều tiết hợp pháp thuộc nhiều vùng khác nhau trên những địa bàn mà chúng tôi đã hoạt động và tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức của nạn đói nghèo trên thế giới, vấn đề an ninh lương thực và vai trò của người nông dân, để nuôi sống bền vững một dân số thế giới không ngừng tăng trưởng.
Nếu doanh nghiệp đã từ chối lời mời của thẩm phán Françoise Tulkens ra trước tòa tại The Hague vào tháng 10 năm 2016, thì ý kiến của tòa án cũng không vì thế mà kém giá trị, theo lời của bà chủ tọa phiên tòa. Đây là một phán quyết pháp lý, đây không phải là một vụ kiện với cuộc đối đầu giữa hai bên, nhưng chúng tôi đã đưa ra những kết luận dựa trên rất nhiều báo cáo và lời khai chưa từng được phản chứng, trên cơ sở của những vụ việc chưa từng bị nghi ngờ. Tôi hy vọng ý kiến này sẽ giúp nền công lý quốc tế tiến hóa,” theo lời giải thích của bà Tulkens cho báo Le Monde.

“Xác định lại hệ thứ bậc các chuẩn mực”

Arnaud Apoteker
Theo bà thẩm phán, tài liệu, dầy khoảng sáu mươi trang, sẽ cho phép đặt cơ sở cho một tội ác mới về phá huỷ môi trường thiên nhiên và giúp các Nhà nước tôn trọng tốt hơn các quyền cơ bản như các quyền tiếp cận thực phẩm, chăm sóc y tế, thông tin, v.v.. Các Nhà nước ký kết các văn bản, theo kiểu các-bạn-muốn-thì-có-đây, và các văn bản đó không hề được áp dụng; chúng tôi có thể giúp làm hiểu rõ hơn tầm quan trọng của các văn bản đó, theo lời của bà Françoise Tulkens. 
Arnaud Apoteker, thuộc ủy ban tổ chức của Tòa án quốc tế Monsanto, đã đưa ra một mục tiêu khác: Ý kiến này [của tòa án] phải khuyến khích các nạn nhân sử dụng các điều khoản pháp lý để truy tố Monsanto trước các tòa án quốc gia.
Valérie Cabanes

Trong số những thay đổi quan trọng mà ý kiến có tính tham vấn này có thể tạo nên, – sắp tới sẽ được chuyển lên Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế, Ủy ban Nhân Quyền... và Công ty Monsanto –, có việc đưa vào trách nhiệm doanh nghiệp trong một tội ác chống lại môi trường. Cho đến nay, chỉ có thể buộc tội trách nhiệm của những thể nhân theo quy chế của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Luật pháp về doanh nghiệp, về các quy tắc thương mại thế giới, đang được ưu tiên hơn các quyền con người và các quyền của thiên nhiên. Đã đến lúc phải xác định lại thứ bậc các chuẩn mực”, theo lời của nhà luật học Valérie Cabanes, chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế và nhân quyền, và là tác giả của cuốn Un nouveau droit pour la Terre [Một quyền mới cho Trái Đất] (Editions du Seuil, 2016).
Nhà báo Le Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
----
Print Friendly and PDF