10.11.17

Cách mạng thế giới

100 năm Cách mạng tháng Mười

CÁCH MẠNG THẾ GIỚI


Eric J. Hobsbawm (1917-2012)
LTS – Cách đây đúng 100 năm, ngày 7 tháng 11 năm 1917, đã diễn ra tại Petrograd (Nga) những biến cố mở đầu cho một sự kiện lịch sử mang tên Cách mạng tháng Mười. Tác động và hệ quả của nó, ngày nay, chỉ cần đọc qua những "thể trạng" và "lời bình" trên các mạng xã hội tiếng Việt, cũng đủ thấy tầm quan trọng. Vì những lí do hiển nhiên, các bài viết bằng tiếng Việt nhân dịp 100 năm kỉ niệm Cách mạng tháng Mười liên quan tới trải nghiệm lịch sử Việt Nam 80 năm qua và phản ánh tâm tư và não trạng của tác giả, hơn là tới bối cảnh thế giới cách đây một thế kỉ và những cuộc vận động lịch sử từ đó đến nay. Để cung cấp một cách nhìn tổng quan, Diễn Đàn xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn một chương sách của nhà sử học Eric J. Hobsbawm. Đó là chương 2 Cách mạng thế giới trong cuốn The Age of Extremes / A History of the World 1914-1991 (Vintage Books, Random House, New York 1996), bản tiếng Pháp L'Âge des Extrêmes / Histoire du Court XXe Siècle (nxb Complexe, 1994). E. J. Hobsbawm được coi là sử gia kiệt xuất của thế kỉ 19, với tác phẩm kinh điển The Age of Empire (Thời đại đế chế) có nói tới trong bài này. Xem thêm về tác giả: Nhà sử học của hai thế kỉ.
Đồng thời [Boukharin] nói thêm: “Tôi cho rằng chúng ta đã bước vào thời kì cách mạng, nó có thể kéo dài năm mươi năm cho đến khi cách mạng toàn thắng ở khắp Châu Âu và cuối cùng trên toàn thế giới””.
Arthur Ransome, Six Weeks in Russia in 1919
(Ransome, 1919, tr 54)
Thật là kinh khủng khi đọc bài thơ của Shelley (đó là không nói tới những bài ca cách đây 3000 năm của nông dân Ai Cập) tố cáo sự đàn áp và bóc lột. Trong tương lai, nếu còn đàn áp và bóc lột, đọc những bài ấy, chắc người ta cũng vẫn còn nói: “Hoá ra ngay từ thời ấy...””.
Bertholt Brecht, Đọc bài thơ “The Masque of Anarchy”
của Shelley năm 1938 (Brecht, 1964)
Sau Cách mạng Pháp ở châu Âu lại nổ ra Cách mạng Nga, và một lần nữa cả thế giới thấy rằng nếu vận mệnh của Tổ quốc thực sự được trao tay người nghèo hèn, người vô sản, nhân dân lao động thì bất cứ quân xâm lược nào, dù hùng mạnh tới đâu, cũng sẽ bị quét sạch”.
Trích báo tường 19 Brigata Eusebio Giambone của du kích Ý, 1944
(Pavone, 1991, tr. 406)

Cách mạng là con đẻ của chiến tranh ở thế kỉ XX: đặc biệt là Cách mạng Nga 1917 từ đó Liên Xô được thành lập và trong giai đoạn thứ nhì của cuộc Chiến tranh 31 năm đã trở thành một siêu cường, nhưng nói chung, cách mạng là hằng số chung của lịch sử thế kỉ này. Một mình chiến tranh tự nó không nhất thiết dẫn tới khủng hoảng, sụp đổ hay cách mạng ở những nước tham chiến. Thực ra, trước năm 1914, người ta tin ở giả định ngược lại, ít nhất đối với những chế độ vốn được danh chính ngôn thuận. Napoléon thứ nhất đã từng than thở chua chát rằng hoàng đế Áo thua trăm trận, vua Phổ bị đại bại và mất hẳn một nửa giang sơn mà vẫn yên vị trên ngai vàng, còn ông là con đẻ của Cách mạng Pháp, thì chỉ cần thua một trận là gặp lôi thôi. Song chiến tranh tổng lực ở Thế kỉ XX đã gây ra sự căng thẳng đối với các bộ máy Nhà nước và nhân dân các nước tới mức ghê gớm chưa từng thấy, hầu như nó đưa đẩy các Nhà nước và các dân tộc đến điểm tới hạn, thậm chí điểm đoạn tuyệt. Chỉ có Hoa Kì là nước duy nhất đã trải qua xuyên suốt cuộc chiến tranh mà vẫn như trước, thậm chí còn hùng mạnh hơn trước. Còn đối với tất cả các nước khác, chiến tranh kết thúc đồng nghĩa với đảo lộn, bể dâu.
“Cựu thế giới” – đối nghịch với Tân thế giới là châu Mĩ – bị lịch sử kết án, điều đó đã rõ ràng. Xã hội cũ, nền kinh tế cũ, những chính thể cũ, nói như người Trung Hoa, đã đánh mất “mệnh trời” rồi. Nhân loại chờ đợi một cái gì khác, một “đáp án khác”. Và năm 1914, cái “khác” ấy đã trở thành quen quen. Các đảng xã hội, dựa vào hậu thuẫn của giai cấp công nhân đang phát triển mạnh mẽ, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng như một tất yếu lịch sử, đã trở thành hiện thân của “đáp án khác” tại phần lớn các nước Âu Châu (xem Thời đại đế chế, chương 5). Dường như nhân dân các nước chỉ đợi một hiệu lệnh là sẽ nhất tề vùng lên, thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội, biến vô vàn khổ đau cực kì phi lí của chiến tranh thành cơn đau của sự sinh nở, để tạo ra một thế giới mới. Cách mạng Nga, hay đúng hơn Cách mạng bôn-sê-vích Tháng Mười năm 1917 phải là hiệu lệnh đó. Trong lịch sử thế kỉ XX, nó trở thành sự kiện trung tâm như cách mạng 1789 đối với thế kỉ XIX. Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử Thế kỉ ngắn như cuốn sách này đã phân kì, lại trùng hợp hầu như hoàn toàn với tuổi thọ của Nhà nước ra đời từ Cách mạng Tháng Mười.

Tuy nhiên, cách mạng Tháng Mười tác động sâu sắc và toàn cầu hơn hẳn cuộc cách mạng “thuỷ tổ” của nó. Bởi vì, nếu các ý tưởng của cách mạng Pháp đã trường tồn hơn chủ nghĩa bôn-sê-vích – điều này bây giờ thấy rõ – ngược lại những hậu quả thực tế của 1917 so với 1789 to lớn hơn nhiều. Cách mạng Tháng Mười đã sản sinh phong trào cách mạng có tổ chức mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại. Sự bành trướng của phong trào này trên khắp hoàn cầu có một không hai từ sau cuộc chinh phục của Islam trong những thế kỉ đầu của đạo này. Chỉ trong vòng từ ba chục tới bốn chục năm sau ngày Lenin đặt chân tới nhà ga Phần Lan ở Petrograd, một phần ba nhân loại đã sống dưới những chính thể phái sinh trực tiếp từ Mười ngày rung chuyển Thế giới (John Reed, Ten Days That Shook The World, 1919), và mô hình tổ chức của Lenin, Đảng Cộng sản. Phần lớn các chế độ này đã theo Liên Xô trong làn sóng cách mạng thứ nhì nổi lên trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh trường kì 1914-1945. Chương này nói về cuộc cách mạng hai giai đoạn này, song đương nhiên tập trung vào cuộc cách mạng 1917, nguyên khởi và tác thành, đã áp đặt phong cách đặc biệt của nó lên những cuộc cách mạng tiếp theo nó.

I

Trong suốt một thời gian dài của Thế kỉ XX “ngắn”, chủ nghĩa cộng sản xô viết tự khẳng định mình là hệ thống khác biệt, hơn hẳn chủ nghĩa tư bản, và có nhiệm vụ lịch sử là chiến thắng hệ thống tư bản. Trong phần lớn thời gian của giai đoạn này, ngay trong số những người phủ định tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, nhiều người cũng còn xa mới chắc mẩm rằng cộng sản có thể sẽ không thắng cuộc. Và – ngoại trừ biệt lệ có ý nghĩa là thời gian 1933-1945 – nền chính trị quốc tế của Thế kỉ XX từ sau cách mạng Tháng Mười có thể được lí giải thoả đáng là cuộc đấu tranh trường kì của các lực lượng bảo vệ trật tự cũ chống lại cách mạng xã hội, được coi là bộ phận, hay đồng minh, hay lệ thuộc vào định mệnh của Liên Xô và cộng sản quốc tế.
Thế kỉ ngắn XX càng gần ngày kết thúc thì hình ảnh cuộc đụng đầu tay đôi giữa hai hệ thống xã hội thù địch (sau năm 1945, mỗi bên đứng sau một siêu cường với một kho vũ khí khổng lồ có khả năng huỷ diệt đại trà) càng trở thành phi hiện thực. Đến thập niên 1980, nó trở thành xa lạ đối với nền chính trị thế giới, chẳng khác nào những cuộc Thánh chiến ngày xưa. Song chúng ta cũng có thể hiểu được nguyên uỷ sự việc. Bởi vì, triệt để và kiên quyết hơn hẳn cách mạng Pháp thời kì Jacobin, cách mạng Tháng Mười tự coi mình là sự kiện “liên tôn toàn cầu” hơn là một sự kiện có tính chất quốc gia. Mục đích của nó không phải là để mang lại tự do và chủ nghĩa xã hội cho nước Nga, mà là để đỡ đẻ cho cách mạng vô sản thế giới. Trong đầu óc của Lenin và các đồng chí của mình, thắng lợi của chủ nghĩa bôn-sê-vích ở Nga chủ yếu là một trận đánh trong toàn bộ một chiến dịch nhằm mang lại toàn thắng cho chủ nghĩa bôn-sê-vích trên quy mô toàn cầu, và nó chỉ đáng tồn tại trong ý nghĩa đó thôi.
Nước Nga của Sa hoàng đã chín muồi cho một cuộc cách mạng, hoàn toàn xứng đáng có một cuộc cách mạng, và cách mạng chắc chắn sẽ lật đổ chế độ Sa hoàng, đó là điều mà các nhà quan sát nhạy bén với tình hình thế giới từ những năm 1870 đều chấp nhận (xem Age of Empire, chương 12). Tới 1905-1906, khi cách mạng đã đánh quỵ chế độ Nga hoàng, thì chẳng còn ai có thể hoài nghi điều đó một cách nghiêm chỉnh cả. Về sau nhìn lại, có một vài sử gia cho rằng, nếu không xảy ra tai biến là Thế chiến lần thứ nhất và Cách mạng bôn-sê-vích, rất có thể chế độ Sa hoàng sẽ tiến hoá để trở thành một xã hội công nghiệp tư bản tự do viên mãn, và thực sự nó đã bắt đầu đi vào con đường đó, nhưng phải dùng ống kính hiển vi mới tìm ra một lời tiên tri như vậy trước năm 1914. Thực ra, chế độ Sa hoàng sau cuộc Cách mạng 1905 vẫn chưa hồi phục được và vẫn bất lực, do dự khi nó phải đương đầu với ngọn triều dâng của bất mãn xã hội. Nếu quân đội, công an và bộ máy hành chính không tỏ ra kiên trung trong những tháng cuối cùng trước khi chiến tranh bắt đầu, chắc hẳn chế độ đã đứng bên bờ một cuộc bùng nổ. Cũng tương tự như ở nhiều nước tham chiến khác, nhiệt tình và lòng yêu nước của quần chúng khi khai chiến đã tháo gỡ ngòi nổ của cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Năm 1915, những vấn đề mà chính quyền Sa hoàng phải vượt qua tỏ ra không thể nào khắc phục. Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên và bất ngờ khi nổ ra cuộc cách mạng tháng ba[1] lật nhào chế độ quân chủ Nga, được sự hoan nghênh của toàn bộ dư luận Tây phương, ngoại trừ những phần tử phản động và bảo thủ cố hữu.
Tuy nhiên, nếu không kể những người lãng mạn coi phong tục tập thể của cộng đồng thôn xã Nga là con đường dẫn thẳng tới chủ nghĩa xã hội, thì đối với mọi người, rõ ràng cách mạng Nga không phải và không thể là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong một nước mà nông dân đồng nghĩa với nghèo nàn, dốt nát và lạc hậu, còn giai cấp vô sản công nghiệp, giai cấp mà Marx coi là người có nhiệm vụ lịch sử đào huyệt chôn vùi chủ nghĩa tư bản, là một thiểu số nhỏ bé, tuy về chiến lược, nó đã được định vị, rõ ràng chưa có đủ điều kiện tiến hành một cuộc cách mạng như vậy. Ngay những người cách mạng mác-xít Nga cũng đồng tình với quan điểm này. Cuộc lật đổ chế độ Nga hoàng và hệ thống tư hữu địa tô sẽ dẫn tới, và chỉ có thể dẫn tới, một cuộc “cách mạng tư sản”. Đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản – vẫn theo Marx, cuộc đấu tranh này sẽ dẫn tới kết cục tất yếu duy nhất – sẽ tiếp diễn trong một hoàn cảnh chính trị mới. Đương nhiên nước Nga không sống biệt lập và cách mạng tại một nước to lớn như Nga, mênh mông một dải từ hải phận Nhật Bản đến biên thuỳ nước Đức, chính phủ lại nằm trong nhóm nhỏ những “đại cường” ngự trị sân khấu thế giới, không thể không có những hậu quả quốc tế to lớn. Gần cuối đời mình, bản thân Karl Marx cũng hi vọng một cuộc cách mạng ở Nga sẽ đóng vai trò ngòi nổ, khai hoả cho cuộc cách mạng vô sản tại các nước Tây phương công nghiệp phát triển hơn, là nơi hội đủ điều kiện cho một cuộc cách mạng vô sản xã hội chủ nghĩa. Khi Thế giới chiến tranh lần thứ nhất kết thúc, kịch bản ấy có vẻ như sắp trở thành hiện thực.
Leon Trotsky (1879-1940)
Chỉ có một điều phức tạp. Nước Nga chưa chín muồi cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vô sản theo quan niệm của những người mác-xít đã đành, đến một cuộc “cách mạng tư sản” tự do, nó cũng chưa sẵn sàng nữa! Ngay những người muốn thực hiện cách mạng ở mức tư sản cũng phải ra sức tìm cho được những phương tiện thực hiện vì họ không thể trông chờ gì được vào lực lượng khiêm tốn và yếu ớt của giai cấp tư sản tự do Nga – một thiểu số nhỏ nhoi, không có nền tảng tinh thần, không được công chúng ủng hộ, và chưa hề có truyền thống chính quyền dân chủ. Đảng Kadet (tư sản tự do) chiếm không quá 2,5 % số ghế ở Quốc hội lập hiến vừa được thành lập qua một cuộc bầu cử tự do năm 1917-1918 (và chẳng mấy chốc sẽ bị giải tán). Thành ra, một trong hai điều này sẽ xảy ra: hoặc là một nước Nga tư sản tự do được kiến lập thành công nhờ cuộc khởi nghĩa của nông dân và công nhân (mà nông dân và công nhân thì chẳng màng tới nó, giả sử họ ý thức được nó là gì) dưới sự lãnh đạo của những đảng cách mạng mà mục tiêu đấu tranh không phải như vậy; hoặc là, khả năng này lớn hơn, các lực lượng khởi động cách mạng sẽ tiếp tục tiến hành, vượt khỏi giai đoạn tư sản tự do, bước sang một giai đoạn triệt để hơn (“cách mạng thường trực”, nói theo công thức của Marx, mà trong cuộc cách mạng 1905 Trotsky thời trẻ đã mang ra dùng trở lại). Năm 1917, Lenin (năm 1905, Lenin không chờ đợi gì hơn là một cuộc cách mạng tư sản dân chủ) ngay từ đầu đã nhận định rằng trong cuộc chạy đua cách mạng ở Nga, “con ngựa” tư sản không có mảy may vận hội thắng cuộc. Đó là một kết luận hiện thực. Tuy nhiên, đối với Lenin cũng như đối với những người mác-xít khác, người Nga cũng như người các nước khác, nước Nga năm 1917 chưa hội đủ các điều kiện cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, đối với những người cách mạng mác-xít Nga, cuộc cách mạng của họ nhất thiết phải triển khai khắp nơi.
Mà điều ấy rất có thể lắm, bởi cuộc Đại Chiến đã kết thúc trong sự sụp đổ chính trị và khủng hoảng cách mạng lan rộng, nhất là ở các nước thất trận. Năm 1918, lãnh đạo của bốn cường quốc bại trận (Đức, Áo-Hung, Thổ Nhĩ Kì và Bulgaria) đều bị truất phế, trước đó Nga hoàng đã phải thoái vị năm 1917 sau khi bị Đức đánh thắng. Thêm vào đó, ngay cả những nước Âu châu thuộc phe chiến thắng cũng bị rúng động vì những bất ổn xã hội, riêng ở Ý, tình hình gần như chín muồi cách mạng.
Friedrich Adler (1879-1960)
Như đã thấy ở trên, các xã hội Âu châu đã tham gia chiến tranh bắt đầu nao núng dưới áp lực phi thường của chiến tranh đại chúng. Làn sóng ái quốc trào dâng khi cuộc giao tranh mở đầu nay đã xẹp xuống. Năm 1916, nỗi chán ngán chiến tranh đã biến thành sự chống đối thầm lặng, u uất trước cảnh tàn sát triền miên, bất phân thắng bại, dường như chẳng ai muốn chấm dứt. Năm 1914, những người phản chiến thấy mình bất lực và trơ trọi, đến năm 1916 họ cảm thấy mình đại diện cho đa số. Biến chuyển ấy thể hiện rõ trong việc Friedrich Adler, con trai của nhà sáng lập và lãnh đạo đảng xã hội Áo, ngày 28 tháng mười 1916, đã cố ý và thản nhiên mưu sát thủ tướng Áo, bá tước Stürck, tại một quán cà phê thành phố Wien – đó là thời kì ‘trong trắng’, chưa có nhân viên cận vệ – như một hành động công khai phản đối chiến tranh.
Tâm trạng phản chiến đương nhiên nâng cao thế lực chính trị của những người xã hội chủ nghĩa, khiến họ càng ngày càng trở lại lập trường của họ trước năm 1914 là chống chiến tranh. Thực ra, một số đảng xã hội (thí dụ như ở Nga, Serbia và Anh – Công đảng độc lập ILP) chưa hề từ bỏ lập trường này, và nơi nào đảng xã hội chủ chiến thì trong hàng ngũ của đảng, cũng có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ[2]. Trong khi đó, tại tất cả các cường quốc tham chiến, phong trào công nhân trong các ngành công nghiệp chiến tranh to lớn lại trở thành trung tâm của hoạt động công đoàn và chống chiến tranh. Trong các nhà máy, đoàn viên cơ sở, những người ở thế mạnh trong các cuộc thương lượng với giới nghiệp chủ (những shop stewards, đại biểu công xưởng, bên Anh, hay Betriebsobleute bên Đức) trở thành những chiến sĩ tiên phong của cuộc đấu tranh. Công nhân cơ khí trên những con tàu công nghệ cao mới được chế tạo – đây thực sự là những nhà máy nổi – cũng biến chuyển theo chiều hướng đó. Ở Nga cũng như ở Đức, các căn cứ hải quân chủ yếu (Cronstadt, Kiel) sẽ trở thành những trung tâm cách mạng lớn; về sau, một cuộc binh biến của thủy thủ Pháp trên Hắc Hải sẽ kết liễu sự can thiệp quân sự Pháp vào cuộc nội chiến Nga 1918-1920 chống các lực lượng bôn-sê-vích. Cuộc nổi dậy chống chiến tranh tìm thấy ở đây một tâm điểm đồng thời là tác nhân của nó. Không ngạc nhiên khi những nhân viên kiểm duyệt của đế chế Áo-Hung, đọc thư của binh lính đã nhận thấy sự thay đổi: “Giá như Thượng đế mang lại hòa bình cho chúng ta” trở thành “Ngán đến tận cổ rồi”, thậm chí “Nghe nói đảng xã hội sẽ đem lại hòa bình”.
Nên không có gì phải ngạc nhiên nếu cuộc cách mạng Nga là biến cố chính trị đầu tiên, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đã có tiếng vang ngay trong cả thư từ của vợ con nông dân và công nhân, vẫn theo lời cơ quan kiểm duyệt của triều đình Habsbourg. Và cũng không có gì lạ, nhất là từ khi cuộc Cách mạng tháng mười đã đưa những người bôn-sê-vích của Lenin lên cầm quyền, nếu khát vọng hòa bình gắn liền với ước mong cách mạng xã hội: trong những bức thư bị kiểm duyệt trong thời gian từ tháng 11.1917 đến tháng 3.1918, một phần ba chờ đợi hòa bình từ Nga, một phần ba chờ đón cách mạng, và 20% mong chờ cả hai. Từ lâu rồi, đã rõ ràng rằng một cuộc cách mạng ở Nga sẽ gây tác động lớn trên trường quốc tế: ngay cuộc cách mạng lần thứ nhất, 1905-1906, đã làm lung lay những đế chế còn tồn tại, từ Áo-Hung đến Trung Quốc, qua Thổ Nhĩ Kì và Ba Tư (xem Thời đại của những đế chế, chương 17). Năm 1917, cả châu Âu là một đống thuốc nổ xã hội chỉ đợi được châm ngòi.

II

Mệt mỏi vì chiến tranh, đứng bên bờ chiến bại và chín muồi cách mạng, nước Nga là chế độ đầu tiên ở khu vực Đông và Trung Âu sụp đổ dưới tác động căng thẳng của Thế chiến lần thứ nhất. Sự bùng nổ ấy, ai cũng chờ đợi, tuy không ai có thể dự đoán ngày giờ và vận hội. Vài tuần lễ trước cuộc cách mạng tháng hai, sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Lenin còn tự hỏi không biết cách mạng có sẽ bùng nổ khi ông còn sống chăng. Chế độ Nga hoàng đã sập đổ khi một cuộc biểu tình của nữ công nhân (nhân ngày 8-3, “Ngày phụ nữ” truyền thống của phong trào xã hội chủ nghĩa) và một cuộc đình công ở xí nghiệp kim khí Putilov nổi tiếng vì có phong trào công nhân hùng mạnh đã dẫn tới tổng bãi công: quần chúng lao qua sông đóng băng, tràn vào khu trung tâm thủ đô, chủ yếu để đòi bánh mì. Sự suy yếu của chính quyền lộ rõ khi quân đội kể cả những đơn vị Cô-dắc vốn rất mực trung thành đã do dự, rồi không chịu đàn áp và cuối cùng đã “bắt tay hữu nghị” với đám đông. Sau bốn ngày biến loạn, quân đội nổi dậy, Nga hoàng phải thoái vị, nhường chỗ cho một “chính phủ lâm thời” xu hướng liberal, phần nào được cảm tình và sự ủng hộ của các đồng minh Tây phương chỉ lo sợ chính quyền Nga hoàng thế cùng lực tận sẽ ngừng tham chiến và kí hòa ước riêng rẽ với nước Đức. Thế là nền đế chế của nước Nga đã kết liễu chỉ sau bốn ngày khởi nghĩa tự phát và không hề có người lãnh đạo[3]. Hơn thế nữa, nước Nga lúc ấy đã chín muồi cách mạng xã hội đến mức quần chúng Petrograd đã đồng nhất sự truất phế Nga hoàng với đại cáo tự do, bình đẳng và dân chủ trực tiếp. Sự nghiệp của Lenin phi thường ở chỗ đã biến hóa được cuộc nổi dậy có tính chất vô chính phủ và khó kiểm soát của quần chúng thành chính quyền xô viết.
Thế là, thay vì một nước Nga liberal, hiến chế, hướng về phương Tây, sẵn sàng và đồng ý chống Đức, đã xuất hiện một tình thế cách mạng: một bên là “chính phủ lâm thời” bất lực, một bên là vô vàn những “xô viết” (hội đồng) tự phát mọc lên như nấm sau cơn mưa[4]. Tại mỗi cơ sở, “xô-viết” nắm thực chất quyền lực, ít nhất là quyền phủ quyết, nhưng họ không biết làm gì với quyền lực ấy, và cũng có không một ý niệm gì về khả năng sử dụng quyền lực. Các chính đảng và tổ chức cách mạng – những người bôn-sê-vích và những người men-sê-vích dân-xã, những người xã hội cách mạng và nhiều phe phái khuynh tả nhỏ hơn, tất cả vừa ra khỏi vòng hoạt động bí mật – tìm cách chế ngự và phối hợp các xô-viết, tranh thủ họ đi theo đường lối của mình, tuy rằng ban đầu, chỉ Lenin nhận thức được rằng đó là cơ sở cho một chính quyền mới (“Tất cả chính quyền về tay các xô-viết”). Tuy nhiên, khi Nga hoàng bị lật đổ, ở Nga ít ai biết phân biệt được các đảng và tổ chức cách mạng, mà có biết thì cũng chẳng biết chọn đường lối nào. Điều duy nhất họ biết chắc là từ nay họ không chịu quy phục bất cứ quyền uy nào, kể cả quyền uy của những người cách mạng tỏ ra ta đây, biết rõ hơn họ là phải làm gì.
Ở các thành phố, người nghèo đòi hỏi trước tiên là bánh mì, công nhân thì đòi tăng lương và giảm số giờ lao động. Còn những người Nga sống bằng nghề nông (80%) tất nhiên đòi ruộng đất. Và mọi người gặp nhau một điểm là đòi chấm dứt chiến tranh, mặc dầu lúc đầu khối công-nông trong quân đội phản kháng không phải vì chiến tranh mà vì chịu kỉ luật quá khắt khe và vì bị sĩ quan đối xử tàn tệ. Những người đưa ra khẩu hiệu “bánh mì, hoà bình và ruộng đất” ngày càng được ủng hộ rộng rãi, đặc biệt là những người bôn-sê-vích của Lenin, tháng ba 1917 chỉ có mấy nghìn đảng viên, sang đầu hè, lên tới gần một phần tư triệu người. Thời chiến trạnh lạnh phổ biến huyền thoại theo đó Lenin chỉ giỏi tổ chức đảo chính, thực ra ngược lại, chủ bài duy nhất của người bôn-sê-vích là họ nhận thức được quần chúng mong muốn gì, nghĩa là họ biết chiều theo và lãnh đạo được quần chúng. Chẳng hạn như khi Lenin thừa nhận rằng, trái ngược với cương lĩnh xã hội chủ nghĩa, nông dân chỉ muốn được chia ruộng đất cho từng gia đình canh tác, thì ngay lập tức ông vận động các đồng chí bôn-sê-vích ủng hộ hình thái kinh tế cá nhân chủ nghĩa này.
Ngược lại, chính phủ lâm thời và những người ủng hộ chính phủ hoàn toàn không ý thức được rằng họ không có cách nào bắt nước Nga phải tuân thủ các đạo luật và sắc lệnh mà họ ban hành. Khi các doanh nhân và cán bộ xí nghiệp tìm cách tái lập kỉ luật lao động thì họ chỉ càng làm cho công nhân trở thành triệt để hơn nữa. Và đến tháng sáu 1917, khi chính phủ muốn mở ra, bằng mọi giá, một cuộc tiến công quân sự mới, thì quân đội ngao ngán, còn binh sĩ nông dân thì bỏ ngũ về làng để cùng với thân nhân tham gia chia lại ruộng đất. Cách mạng lan truyền dọc theo tuyến đường xe lửa đưa họ từ mặt trận về làng quê. Điều kiện chưa chín muồi để chính quyền sụp đổ ngay bấy giờ, nhưng từ mùa hè trở đi, quá trình triệt để hoá đã tăng tốc trong hàng ngũ quân đội cũng như ở các thành phố lớn, tăng cường lợi thế cho đảng bôn-sê-vích. Cố nhiên, nông dân ồ ạt ủng hộ những hậu duệ của đảng “dân tuý” (xem Thời đại của tư bản, chương 9), tức là các đảng viên xã hội – cách mạng, nhưng trong nội bộ đảng này, đã hình thành một cánh tả, triệt để hơn, lập trường gần gũi bôn-sê-vích, và trong một thời gian ngắn sau cách mạng tháng mười, đã tham gia chính phủ.
Sergei Eisenstein (1898-1948)
Đảng bôn-sê-vích – lúc đó chủ yếu là một chính đảng công nhân – chiếm đa số ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ đô Petrograd và ở Moskva, lại nhanh chóng bành trướng ảnh hưởng trong quân đội, khiến cho sự tồn tại của chính phủ lâm thời mỗi ngày thêm bấp bênh: nhất là khi phải kêu gọi các lực lượng cách mạng tại thủ đô để trấn áp một mưu toan đảo chính phản cách mạng của một viên tướng bảo hoàng hồi tháng tám. Làn sóng ngầm của quần chúng cảm tình thuộc xu hướng triệt để tất nhiên thôi thúc đảng bôn-sê-vích giành lấy chính quyền. Thực ra, khi tới thời điểm, chính quyền chẳng cần phải giành lấy, mà chỉ cần... nhặt lên. Người ta vẫn truyền miệng rằng số người bị thương trong khi quay cuốn phim lớn của Eisenstein, Tháng Mười, còn lớn hơn số người bị thương trong cuộc tấn công vào Cung mùa Đông ngày 7 tháng mười một 1917. Chính phủ lâm thời không còn ai bảo vệ, đã tan rã.
Từ khi chính phủ này sụp đổ cho đến tận ngày nay, Cách mạng tháng Mười bị chìm ngập trong vô vàn những cuộc luận chiến, phần đông là những cuộc luận chiến bất lương. Vấn đề đặt ra không phải như những sử gia chống cộng chủ trương, xem phải chăng đó là một cuộc đảo chính do một người hết sức chống dân chủ là Lenin khởi xướng, mà là: sau khi chính phủ lâm thời sụp đổ rồi, thì ai thay thế, thì tiếp theo là gì? Từ đầu tháng chín trở đi, Lenin tìm cách thuyết phục những phần tử còn do dự trong đảng rằng chính quyền rất có thể sẽ tuột luốt nếu họ không biết nắm lấy thời cơ trong khoảng khắc ngắn ngủi mà nó nằm trong tầm tay, và không những thế, vấn đề còn đặt ra – có lẽ cũng bức xúc không kém – là: giả dụ người bôn-sê-vích giành được chính quyền rồi, liệu họ có giữ nổi chính quyền hay không? Thực vậy, với một nước Nga cách mạng sục sôi như ngọn núi lửa, người nào muốn cầm quyền thử hỏi có thể làm được gì? Ngoại trừ những người bôn-sê-vích của Lenin ra, không đảng nào sẵn sàng dám một mình cáng đáng trách nhiệm ấy – và cuốn sách mỏng của Lenin cũng cho ta thấy trong hàng ngũ bôn-sê-vích, không phải ai cũng quyết tâm như ông. Với tình hình chính trị thuận lợi ở Petrograd, ở Moskva cũng như trong các đạo quân phía bắc, cũng khó cưỡng lại ý tưởng phải nhanh chóng nắm lấy chính quyền, thay vì ngồi đợi xem tình hình tiếp diễn ra sao. Lúc đó, phản cách mạng quân sự đã manh nha. Chính quyền trong thế cùng lực cạn, có thể không chịu nhường chỗ cho các xô-viết, mà dám hiến dâng Petrograd cho quân đội Đức đã có mặt ở biên thuỳ phía bắc của nước Estonia hiện nay, nghĩa là chỉ còn cách thủ đô vài ba kilômét. Phải nói thêm, Lenin là người không ngại nhìn thẳng vào những sự thật đen tối nhất. Nếu người bôn-sê-vích bỏ lỡ thời cơ, thì “một làn sóng vô chính phủ chủ nghĩa có cơ trở thành mạnh mẽ hơn hẳn chúng ta”. Phân tích đến cùng, đảng bôn-sê-vích chỉ có thể tán thành luận điểm của Lenin. Nếu một đảng cách mạng không nắm lấy chính quyền khi hoàn cảnh và quần chúng đòi hỏi, thì có khác gì một đảng không cách mạng?
Giả sử rằng chính quyền giành được ở Petrograd và Moskva sẽ bành trướng ra toàn quõc, và giả sử chính quyền có thể đứng vững trước nạn vô chính phủ và phản cách mạng đi nữa, thì viễn cảnh dài hạn vẫn còn là nghi vấn. Cương lĩnh của Lenin, cụ thể là gắn chính quyền xô-viết mới (chủ yếu là đảng bôn-sê-vích) với “công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa của nước Cộng hoà Nga” cơ bản dựa trên giả định là cách mạng Nga sẽ chuyển thành cách mạng thế giới, hay chí ít, cách mạng châu Âu. Như Lenin thường nói, không ai có thể hình dung sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà không có sự “tận huỷ của giai cấp tư sản Nga và Âu châu”. Trong khi chờ đợi, nhiệm vụ đầu tiên, hay đúng hơn, duy nhất, của người bôn-sê-vích là tồn tại, là “trụ” được. Chế độ mới không thể thực hiện được điều gì gọi là xã hội chủ nghĩa được, ngoại trừ một việc là khẳng định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu phấn đấu của mình, kiểm soát các ngân hàng và đặt lãnh đạo các cấp dưới sự “kiểm soát của công nhân”, tức là đóng dấu chính thức trên bất cứ những gì đã làm từ ngày cách mạng, đồng thời thôi thúc công nhân tiếp tục sản xuất. Vả lại, cũng chẳng có thể nói gì khác với công nhân[5].
Chính quyền mới đã trụ lại được. Nó đã sống sót sau khi bị Đức áp đặt “nền hoà bình trừng trị” ở Brest-Litovsk, và vài tháng sau đó thì đến phiên Đức bại trận: Ba Lan, các tỉnh vùng Balte, Ukrainia và những bộ phận rộng lớn ở phía nam và tây nước Nga, và trên thực tế, cả vùng Transcaucasia đã bị tách khỏi lãnh thổ đế chế cũ (về sau, hai vùng Ukrainia và Transcausia sẽ được khôi phục). Các nước Đồng Minh không có lí do gì để hành xử hào phóng đối với trung tâm sách động của thế giới. Nhiều đạo quân và chính quyền phản cách mạng (“bọn trắng”) đã nổi dậy chống xô-viết và được sự tài trợ của Đồng Minh, không những thế các nước Đồng Minh còn đưa quân Anh, Pháp, Mĩ, Nhật, Ba Lan, Serbia, Hi Lạp và Rumania thâm nhập lãnh thổ Nga. Vào những lúc tình hình tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến bạo liệt và loạn xạ của những năm 1918-1920, lãnh thổ của nước Nga xô viết chỉ còn trơ trọi như một bộ xương nằm giữa vùng núi U-ran và các nước vùng Balte hiện nay, không còn tiếp giáp biển, ngoại trừ mũi đất nhỏ ở Petrograd, trông ra vịnh Phần Lan. Chủ bài lớn duy nhất của chính quyền mới, tay không xây dựng “đại” ra hồng quân (cuối cũng đã chiến thắng), là sự bất cập và chia rẽ của các đạo “bạch quân” nội bộ liên tục cắn xé nhau, sở trường của các đội quân này là làm mất lòng nông dân Đại Nga, thêm vào đó là nỗi nghi ngờ của các cường quốc đồng minh – họ lo ngại là dùng binh lính và thuỷ thủ đánh nhau với bôn-sê-vích vì đám này có thể làm binh biến. Thế là đến cuối năm 1920, bôn-sê-vích đã thắng.
Trái ngược với sự chờ đợi, nước Nga xô-viết đã tồn tại được. Người bôn-sê-vích đã giữ được chính quyền, không những lâu hơn Công xã Paris năm 1871 (như Lenin đã thở phào và tự hào ghi nhận sau hai tháng rưỡi cầm cự), mà còn xuyên suốt những năm tháng khủng hoảng và tai hoạ triền miên: quân Đức xâm lấn, hoà bình – trừng trị, địa phương li khai, phản cách mạng, nội chiến, quân đội của nhiều nước can thiệp, nạn đói và sụp đổ kinh tế. Chính quyền mới không thể có một chiến lược hay triển vọng nào khác hơn là, ngày qua ngày, phải chọn lựa giữa những quyết định bức thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách và những quyết định có thể dẫn tới tai hoạ tức khắc. Trong hoàn cảnh ấy, chẳng ai có thể suy xét tới những hậu quả dài hạn có thể của những biện pháp phải quyết định ngay bây giờ, nếu không thì cách mạng sẽ kết thúc, nói chi đến những hậu quả có thể hay không có thể! Và cứ như thế, người ta đã phải đi từ quyết định này sang quyết định khác. Khi nước Cộng hoà xô viết non trẻ vượt qua được những thử thách ấy, thì mới nhận ra rằng mình đã dấn thân vào một hướng đi rất xa với hướng đi mà Lenin nghĩ tới ngày nào ở nhà ga Phần Lan.
Dù sao đi nữa, cách mạng đã sống sót, ít nhất nhờ ba nguyên nhân. Trước tiên, với một đảng cộng sản 600.000 người được tổ chức theo lối tập trung và có kỉ luật, cách mạng Nga có một công cụ hùng mạnh vô song, phôi thai của một bộ máy Nhà nước. Bất luận vai trò của nó ra sao trước ngày cách mạng bùng nổ, phải nói là mô hình tổ chức mà Lenin đã truyền bá và bảo vệ không mệt mỏi, cuối cùng đã chứng tỏ hiệu lực. Hầu hết các chính quyền cách mạng của Thế kỉ XX đã sử dụng mô hình tổ chức ấy, không dưới dạng này thì dạng kia. Nguyên nhân thứ nhì là: đó hiển nhiên là chính phủ duy nhất có ý chí và khả năng duy trì sự nhất quán của nước Nga như một quốc gia, vì vậy mà nó được sự ủng hộ lớn lao của những phần tử yêu nước, mặc dầu về chính trị họ thù ghét chính phủ, thí dụ như các sĩ quan quân đội – nếu không có những sĩ quan này, thì không thể nào xây dựng được Hồng quân. Đối với những người này, cũng như đối với nhà sử học sau này nhìn lại, thì ở thời điểm 1917-1918, vấn đề đặt ra không phải là chọn lựa giữa một nước Nga liberal và dân chủ và một nước Nga không liberal, mà là chọn lựa giữa sự tồn tại của nước Nga và sự tan rã, như số phận của những đế chế cổ lỗ và bại trận là đế chế Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kì. Khác với hai đế chế này, cách mạng Nga cơ bản đã gìn giữ được sự thống nhất lãnh thổ của quốc gia đa dân tộc mà Nhà nước Sa hoàng đã dựng nên – ít nhất cho đến bảy mươi tư năm về sau. Nguyên nhân thứ ba và cuối cùng, cách mạng Nga đã mang lại ruộng đất cho nông dân. Trong giờ phút nguy kịch nhất, đa phần nông dân Đại Nga – hạt nhân cứng của Nhà nước và quân đội mới – tin rằng với “Bọn Đỏ” họ có nhiều cơ may giữ gìn được ruộng đất hơn là nếu bọn quý tộc trở lại. Đấy là lợi thế quyết định của lực lượng bôn-sê-vích trong cuộc nội chiến 1918-1920. Thực ra, nông dân Nga đã quá lạc quan.

III

Henk Sneevliet (1883-1942)
M. Nath Roy (1887-1954)
Nhân danh cách mạng thế giới, Lenin đã đưa nước Nga vào con đường xã hội chủ nghĩa. Khốn nỗi cách mạng thế giới đã lỡ hẹn, buộc nước Nga xô-viết phải sống trong nghèo khó, lạc hậu suốt một thế hệ cô lập. Sự phát triển sau đó của nước Nga tuỳ thuộc vào những sự chọn lựa nếu không bị quy định thì cũng bị hạn chế chặt chẽ (xem các chương 13 và 16). Tuy nhiên, trong thời gian hai năm sau biến cố tháng Mười, cả một làn sóng cách mạng đã trào dâng khắp thế giới, hi vọng của người bôn-sê-vích xem ra không phải là không hiện thực: Völker hört die Signale, “Hỡi các nhân dân, hãy lắng nghe hiệu lệnh!”, bản tiếng Đức điệp khúc bài Quốc tế ca đã mở đầu như vậy. Hiệu lệnh ấy đã vang dội, dõng dạc, từ Petrograd, và từ năm 1918, từ Moskva, khi có quyết định dời đô về một nơi an toàn hơn[6], và chúng đã được hưởng ứng ở mọi nơi có phong trào công nhân hay xã hội chủ nghĩa, bất luận thuộc xu hướng nào, thậm chí còn lan rộng hơn nữa. Tại Cuba là nơi ít ai biết nước Nga nằm đâu trên bản đồ, công nhân những xưởng thuốc lá đã thành lập những “xô-viết”. Tại Tây Ban Nha, thời kì 1917-1919 sẽ được gọi là “hai năm bôn-sê-vích”, mặc dầu phái tả ở đây hăng hái đi theo chủ nghĩa vô chính phủ, tức là trái nghịch hẳn với Lenin. Phong trào sinh viên cách mạng bùng nổ ở Bắc Kinh năm 1919 và ở Cordoba (Argentina) năm 1918 rồi lan truyền khắp châu Mĩ La tinh, tạo ra ở đây những lãnh tụ và những chính đảng mác-xít cách mạng. Một chiến sĩ quốc gia người Ấn Độ, M. N. Roy đã nhanh chóng ngả về phía cách mạng tại Mexico, là nơi phong trào cách mạng bản địa bước vào giai đoạn triệt để nhất vào năm 1917, đương nhiên là đồng cảm với nước Nga cách mạng: Marx và Lenin trở thành những thần tượng ở Mexico, bên cạnh hình ảnh của Moctezuma, Emiliano Zapata và những nghĩa quân Da Đỏ khác, ngày nay còn thấy trên các bức bích hoạ hoành tráng của các hoạ sĩ chính thức. Vài tháng sau, Roy tới Moskva, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường lối giải phóng các dân tộc thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Phần nào qua trung gian của những đảng viên xã hội người Hà Lan cư trú ở thuộc địa như Henk Sneevliet, cách mạng Tháng Mười đã nhanh chóng để lại dấu ấn trên Sarekat Islam, tổ chức quần chúng chủ yếu của phong trào giải phóng dân tộc Indonesia. Ở Thổ Nhĩ Kì, một tờ báo địa phương nhận định: “Một ngày kia, hành động của dân tộc Nga sẽ trở thành mặt trời chiếu sáng khắp trần gian”. Ở sâu trong lục địa Úc, những người thợ cục mịch, chuyên nghề cạo lông (đa số là Công giáo, gốc Ireland), rõ ràng chẳng quan tâm gì tới chủ thuyết chính trị, chào mừng các việc thành lập các “xô viết” như là sự khai sinh của một nhà nước công nhân. Ở Hoa Kì, đông đảo người Phần Lan, vốn là cộng đồng di dân gắn bó nhất với chủ nghĩa xã hội, đã chuyển theo cộng sản và tổ chức rất nhiều cuộc hội họp tại những thành phố mỏ tối tăm ở bang Minnesota: “Tên gọi Lenin thôi là đủ làm rộn ràng lòng người [...]. Trong sự lặng im thần bí, gần như ở trạng thái xuất thần nhập hoá của tín đồ, chúng tôi chiêm ngưỡng bất cứ cái gì đến từ nước Nga” (Peter Koivisto, "The Decline of the Finnish-American Lest 1925-1945", 1983). Tóm lại, ở khắp mọi nơi, cách mạng Tháng Mười được coi là sự kiện làm rung chuyển thế giới.
Ngay những người ở cận kề cuộc cách mạng – mà ở vị trí này, không dễ rơi vào trạng thái xuất thần nhập hoá của tín đồ – cũng giác ngộ: có những tù binh từ Nga hồi hương và trở thành bôn-sê-vích tích cực, có người sẽ trở thành lãnh tụ, như anh thợ cơ khí người xứ Croatia, Josip Broz (Tito), như nhà báo phóng viên của Manchester Guardian, Arthur Ransome, vốn là người không có “máu” chính trị mà chỉ say mê thuyền buồm và đã biết truyền sự đam mê đó vào những trang truyện thiếu nhi tuyệt vời. Xa lạ với những người bôn-sê-vích hơn nữa là nhà văn Tiệp Khắc Jaroslav Hasek – sau này là tác giả kiệt tác Những cuộc phiêu lưu của anh lính Schwejk tội nghiệp­ – lần đầu tiên trong đời bỗng nhiên hoạt động chính trị để bảo vệ một “chính nghĩa”; và, nghe nói, kì lạ hơn nữa, ông đã ngừng uống rượu. Hasek tham gia cuộc nội chiến với tư cách chính uỷ trong hàng ngũ Hồng quân, sau đó tái xuất giang hồ ở Praha, Hasek trở lại hình ảnh một tay Lưu Linh vô chính phủ cố hữu, lấy cớ là nước Nga xô-viết sau cách mạng không còn hợp khẩu vị của mình nữa. Dầu sao, cách mạng đã là nguồn cảm hứng của nhà văn này.
Những sự kiện xảy ra ở Nga đã gợi hứng cho các nhà cách mạng, và quan trọng hơn nữa, cho những cuộc cách mạng. Tháng giêng 1918, vài tuần sau cuộc tấn công vào Cung mùa Đông, giữa lúc những người bôn-sê-vích đang ra sức làm hoà bằng bất cứ giá nào với quân đội Đức đang tiến tới, thì một đợt tổng bãi công và biểu tình chính trị đã lan truyền khắp Trung Âu: bắt đầu từ Vienna, làn sóng ấy trào qua Budapest và các vùng Tchekia, lan sang Đức, để đạt đỉnh điểm là cuộc binh biến của hải quân Áo-Hung trên biển Adriatic. Những nghi vấn về khả năng đại bại của các cường quốc Trung Âu lần lượt tan biến hết, quân đội của họ rốt cuộc đã tan rã. Tháng chín, những người lính nông dân Bulgaria trở về nhà, tuyên bố thành lập chế độ cộng hoà và tiến về thủ đô Sofia mặc đầu họ đã bị giải giới nhờ sự giúp đỡ của quân đội Đức. Tháng mười, sau những thất bại ở mặt trận Ý, triều đại Habsburg sụp đổ. Nhiều Nhà nước – dân tộc được thành lập với hi vọng (có cơ sở) là các nước đồng minh thắng trận sẽ chấp nhận để tránh hiểm hoạ cách mạng bôn-sê-vích. Và đúng như thế, khi người bôn-sê-vích kêu gọi nhân dân các nước hãy tuyên bố hoà bình và công bố những hiệp ước bí mật của các nước đồng minh về việc chia nhau các lãnh thổ quốc gia, thì phản ứng đầu tiên của phương Tây là 14 điểm của tổng thống Wilson, tức là dùng con bài dân tộc chủ nghĩa để chống lại lời kêu gọi quốc tế của Lenin. Phải thiết lập một khu vực gồm những Nhà nước – dân tộc nhỏ để đắp đập ngăn chặn vi khuẩn đỏ. Đầu tháng mười một, thuỷ thủ và binh lính nổi dậy, lan truyền cách mạng từ căn cứ hải quân Kiel ra toàn quốc. Chế độ Cộng hoà được tuyên bố thành lập, hoàng đế phải bỏ sang Hà Lan, nhường chỗ quốc trưởng cho một người xuất thân là thợ đóng đồ ngựa.
Từ hải cảng Vladivostok (bên bờ Thái Bình Dương) đến tận sông Rhin (biên giới Đức-Pháp), làn sóng cách mạng quét sạch tất cả các chế độ, trước hết là một cuộc khởi nghĩa chống chiến tranh. Một khi hoà bình lập lại, tính bùng nổ của nó giảm đi một phần lớn. Vả lại, nội dung xã hội của nó cũng mơ hồ, ngoại trừ thành phần nông-binh (và gia đình họ) dưới đế chế của các dòng họ Habsburg (Áo-Hung), Romanov (Nga) hay đế chế Ottoman hoặc các nước nhỏ ở đông nam châu Âu. Cụ thể, đối với nông dân, 4 điểm chủ yếu là: ruộng đất, nghi ngại thành thị, nghi ngại người ngoại quốc (nhất là người Do Thái) và nghi ngại các thứ chính phủ. Người nông dân những vùng rộng lớn ở Trung Âu và Đông Âu, không kể nước Đức (ngoại trừ vùng Bayern), nước Áo và một số vùng Ba Lan, với những điểm ấy, có thể nói là cách mạng, nhưng họ không phải là bôn-sê-vích. Do đó, chính quyền các nước này phải tranh thủ họ bằng cách chấp nhận ít nhiều cải cách ruộng đất, ngay tại những nước bảo thủ, thậm chí phản cách mạng như ở Rumania và Phần Lan. Mặt khác, tại những nước nông dân chiếm đa số, đảng xã hội (còn bôn-sê-vích thì khỏi nói) không có mảy may khả năng thắng lợi trong một cuộc tổng tuyển cử dân chủ. Mặc dầu những nước ấy không trở nên thành luỹ của đảng bảo thủ nông dân, đó cũng là thua kém tai hại đối với những người xã hội dân chủ; còn ở những nơi khác, như Nga xô-viết, điều này dẫn tới sự bãi bỏ chế độ dân chủ qua bầu phiếu. Chính vì vậy mà sau khi đòi bầu ra Quốc hội lập hiến (truyền thống cách mạng quen thuộc từ năm 1789), Quốc hội lập hiến vừa mới bắt đầu họp, chỉ vài tuần sau Tháng Mười, những người bôn-sê-vích đã quyết định giải tán cơ quan này. Còn những Nhà nước – dân tộc được thành lập theo những nguyên tắc Wilson, tuy chúng không giải quyết được các cuộc xung đột có tính chất dân tộc ở khu vực cách mạng, song chúng đã thu hẹp tác động của cách mạng bôn-sê-vích. Và đó cũng chính là ý đồ của phe đồng minh khi họ lập lại hoà bình.
Mặt khác, tác động của cách mạng Nga vào những biến chuyển ở châu Âu những năm 1918-1919 hiển nhiên đến mức Moskva không mảy may nghi ngờ về khả năng truyền bá cách mạng của giai cấp vô sản thế giới. Đối với người viết sử – cũng như đối với một số người cách mạng trên thực địa – nước Đức dưới đế chế là một Nhà nước rất ổn định về xã hội và chính trị, với một phong trào công nhân mạnh, nhưng rất ôn hoà, nếu không có chiến tranh, chắc không bao giờ nghĩ tới cách mạng vũ trang. Khác hẳn nước Nga của Sa hoàng hay đế chế Áo-Hung đang lung lay, cũng khác Thổ Nhĩ Kì, vẫn được gọi là “người bệnh của châu Âu”, hay những con người sơn cước hung hãn, súng ống đầy mình, “không biết trên đầu có ai” ở vùng đông nam lục địa, Đức là nước không ai chờ đợi sẽ xảy ra những cuộc đảo lộn. Và, đúng như thế, so với tình hình thực sự là cách mạng ở hai nước bại trận là Nga và Áo-Hung, phần đông binh lính, thuỷ thủ và thợ thuyền người Đức có tinh thần cách mạng vẫn rất mực ôn hoà, tôn trọng pháp luật, giống như hình ảnh trong truyện khôi hài (có lẽ phịa) của những người cách mạng Nga kể với nhau: “Chỉ cần trong thấy cái biển ‘cấm đi trên cỏ’ là người Đức khởi nghĩa cũng răm rắp đi trong lối đi!”.
Karl Liebknecht (1871-1919)
Rosa Luxemburg (1871-1919)
Vậy mà chính ở đây, thuỷ thủ cách mạng đã giương cao ngọn cờ xô-viết trên cả nước, ban chấp hành của các xô-viết công nhân và quân nhân Berlin đã cử ra chính phủ xã hội chủ nghĩa của nước Đức, hai cuộc cách mạng Tháng Hai và Tháng Mười như đã nhập làm một, vì ngay khi hoàng đế thoái vị, những người xã hội cấp tiến dường như đã nắm hết thực quyền ở thủ đô. Ảo tưởng này là kết quả sự tê liệt toàn bộ nhưng tạm thời của những cơ cấu quyền lực cũ – quân đội, Nhà nước, chính quyền – sau hai cú sốc của thất trận và cách mạng. Chỉ vài ngày sau, chế độ cũ được “cộng hoà hoá” đã yên vị trở lại trên lưng ngựa, đảng xã hội không còn là một trở ngại đáng kể: trong cuộc bầu cử tổ chức vài tuần lễ sau cuộc cách mạng, họ không còn đa số[7]. Nó càng không phải bận tậm vì Đảng cộng sản mới vội vã ra đời, mà hai lãnh tụ, Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg, ít lâu sau sẽ bị bọn “binh đội tự do” ám sát.
Cuộc cách mạng Đức 1918 dầu sao cũng đã củng cố niềm hi vọng của người cách mạng Nga, nhất là một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa ngắn ngủi đã được tuyên bố thành lập với đầy đủ lệ bộ ở Bavaria cùng năm 1918, và sang mùa xuân năm 1919, mặc dầu lãnh tụ bị ám sát, một nước cộng hoà xô-viết đã được thiết lập tại Munich, thủ đô của nghệ thuật Đức, của phản – văn hoá trí thức và của rượu bia (về mặt chính trị, nồng độ không cao cho lắm). Cuộc nổi dậy này diễn ra cùng lúc với một nỗ lực nghiêm chỉnh hơn nhằm đưa chủ nghĩa bôn-sê-vích “tây tiến”, đó là: Cộng hoà các “hội đồng” Hungaria Tháng Ba – Tháng Bảy 1919[8]. Cố nhiên cả hai cuộc cách mạng, như chờ đợi, đã bị đập tan thẳng tay. Thêm vào đó, công nhân Đức thất vọng bởi sự lừng khừng của đảng xã hội dân chủ, bỗng trở nên quyết liệt, nhiều người đứng về phía những người xã hội chủ nghĩa độc lập, và từ năm 1920, ủng hộ Đảng cộng sản, nhờ đó ĐCS Đức trở thành đảng cộng sản lớn nhất ngoài Liên Xô. Lẽ nào một cuộc Cách mạng Tháng Mười lại không nổ ra ở Đức? Trong tình huống mà những nỗ lực duy nhất nhằm tổ chức cách mạng đã thất bại năm 1919, là năm cao điểm của các biến động xã hội, và sang năm 1920 thì phong trào cách mạng ở phương Tây rõ ràng là bước sang thoái trào, thì cho đến năm 1923, cách lãnh tụ bôn-sê-vích ở Moskva vẫn chưa từ bỏ hi vọng một cuộc cách mạng ở Đức.
Năm 1920, người bôn-sê-vích đã phạm một sai lầm mà ngày nay nhìn lại, có thể thấy là cốt tử: sự phân liệt của phong trào công nhân quốc tế, mà họ đã dứt điểm bằng cách tổ chức phong trào cộng sản quốc tế theo mô hình một chính đảng lêninít tiền phong với tầng lớp lãnh đạo là “những người cộng sản chuyên nghiệp” (thoát li). Như chúng ta đã thấy, cách mạng Tháng Mười đã dấy lên một làn sóng cảm tình trong các phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế, phần đông các phong trào này trải qua cuộc chiến tranh đã trở thành triệt để hơn và mạnh mẽ hơn. Trừ một vài biệt lệ, các đảng xã hội và công đảng có nhiều đảng viên chủ trương gia nhập Đệ tam quốc tế, tức là Quốc tế cộng sản, mà người bôn-sê-vích đã thành lập để thay thế Đệ nhị quốc tế (1889-1914) đã bị tai tiếng vì không chống lại chiến tranh và đã bị cuộc chiến tranh phá tan[9]. Các đảng xã hội Pháp, Ý, Áo và Na Uy cũng như những người xã hội chủ nghĩa độc lập ở Đức đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế cộng sản, để lại ngoài lề một thiểu số những người vốn thù nghịch chủ nghĩa bôn-sê-vích. Điều mà Lenin và những người bôn-sê-vích mong muốn không phải là một phong trào quốc tế tập hợp những người xã hội chủ nghĩa có cảm tình với cách mạng Tháng Mười, mà một đoàn thể chiến sĩ toàn tâm toàn ý, kỉ luật, một lực lượng xung kích toàn cầu nhằm phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng. Đảng nào ngần ngại không muốn tổ chức theo kiểu Lenin bị cách li hoặc loại trừ khỏi Quốc tế cộng sản vì bị coi như một “đạo quân thứ năm” của chủ nghĩa cơ hội hay chủ nghĩa cải lương chỉ có thể làm suy yếu tổ chức quốc tế mới, đó là không kể cái “tội” mà trước đây Marx gọi là “chủ nghĩa nghị viện ngu xuẩn”. Trong “trận đấu tranh cuối cùng” sắp sửa xảy ra, chỉ có chỗ cho những người lính.
Tôn Dật Tiên (1886-1925)
Tưởng Giới Thạch (1887-1975)
Luận điểm ấy chỉ có ý nghĩa với điều kiện là cách mạng thế giới đang tiến tới và “trận cuối cùng” là triển vọng kề cận. Tình hình năm 1920 ở châu Âu còn xa mới ổn định, song rõ ràng là cách mạng bôn-sê-vích không nằm trong nhật thứ ở phương Tây, cho dù ở Nga, chính quyền lêninít từ nay đã được củng cố. Ở thời điểm Quốc tế cộng sản khai hội, đúng là có khả năng Hồng quân, vừa giành thắng lợi trong cuộc nội chiến, “tây tiến” bằng vũ lực trong khuôn khổ cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Nga và Ba Lan, phát sinh từ những tham vọng về đất đai của Ba Lan. Sau gần một thế kỉ rưỡi, Ba Lan tồn tại trở lại như một Nhà nước và đòi phục hồi biên giới thế kỉ XVIII ăn sâu vào lãnh thổ hiện tồn của Belorussia, Lithuania và Ukraine. Cuộc tiến quân của Liên Xô, mà Isaac Babel đã ca ngợi trong kiệt tác Kị binh đỏ, đã được hoan nghênh một cách rộng rãi khác thường: từ nhà văn Áo Joseph Roth (sau này sẽ làm thơ ca tụng triều đại Habsburg) tới Mustafa Kemal, lãnh tụ tương lai của Thổ Nhĩ Kì. Nhưng rốt cuộc không có một cuộc nổi dậy nào của công nhân ở Ba Lan, và Hồng quân tiến tới cửa ô Warsaw thì bị đẩy lui. Từ nay, bất luận tình hình bề ngoài có động tĩnh gì đi nữa, “mặt trận phía Tây không có gì lạ”. Sự thật là triển vọng cách mạng đã chuyển về phương Đông, ở châu Á, nơi mà Lenin vẫn quan tâm chú mục. Thật vậy, từ 1920 đến 1927, hi vọng cách mạng dường như đặt vào cuộc cách mạng Trung Quốc đang tiến lên dưới sự lãnh đạo của Trung Hoa Quốc dân đảng, lúc đó là chính đảng của phong trào giải phóng dân tộc, mà lãnh tụ Tôn Dật Tiên (1886-1925) lại hoan nghênh mô hình Xô-viết cũng như viện trợ quân sự của Liên Xô, và đón nhận Đảng cộng sản Trung Quốc mới thành lập như là thành viên phong trào của ông. Từ các căn cứ địa miền nam Trung Quốc, liên minh quốc-cộng đã quét sạch miền bắc trong cuộc tổng tiến công 1925-1927, nhờ đó, lần đầu tiên từ ngày nền quân chủ sụp đổ năm 1911, đại bộ phận lãnh thổ quốc gia đặt dưới sự kiểm soát của một chính quyền duy nhất, trước khi mà viên tướng cầm đầu Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch, quay lại bội phản và tàn sát những người cộng sản. Tuy nhiên, từ trước khi xảy ra sự kiện này – chứng tỏ cả phương Đông cũng chưa chín muồi cho một cuộc cách mạng Tháng Mười – những kì vọng đặt vào châu Á cũng không thể nào che lấp thất bại của cách mạng ở phương Tây.
Năm 1921, sự thất bại trở thành hiển nhiên. Cách mạng phải lùi bước ở Liên Xô mặc dù về mặt chính trị, đối phương không còn có thể lật đổ chính quyền xô-viết được nữa (xem trang 379 bản tiếng Anh, tr. 491-492 bản tiếng Pháp). Cách mạng không còn nằm trong “nhật thứ” (chương trình nghị sự) ở Tây phương nữa. Đại hội lần thứ ba của Quốc tế cộng sản, tuy không hiển ngôn, cũng đã mặc nhiên thừa nhận điều ấy khi chủ trương thành lập “mặt trận thống nhất” với chính những người xã hội chủ nghĩa mà đại hội lần thứ nhì đã khai trừ khỏi hàng ngũ của đạo quân cách mạng. Ý nghĩa của việc này như thế nào sẽ là điều còn gây ra tranh cãi và chia rẽ giữa những người cách mạng trong những thế hệ tiếp theo. Dù sao đi nữa thì cũng đã quá muộn. Phong trào đã mãi mãi bị chia rẽ, đa số phái tả xã hội chủ nghĩa, cá nhân hay toàn bộ đảng, đã quay trở về với phong trào xã hội – dân chủ do những phần tử ôn hoà chống cộng chế ngự. Các đảng cộng sản mới vẫn ở vị trí thiểu số trong phái tả Âu châu, và ngoại trừ một số biệt lệ (như ở Đức, Pháp và Phần Lan), đó là những thiểu số nhỏ bé, tuy rất nhiệt tình. Tình hình này sẽ không thay đổi trước những năm 1930 (xem chương 5).

IV

Joseph Stalin (1878-1953)
Bao nhiêu năm đảo lộn ấy rốt cuộc cũng đã để lại một đất nước, rộng lớn mênh mông mà lạc hậu, đặt dưới chính quyền cộng sản, hướng tới xây dựng một chế độ nhằm thay thế chủ nghĩa tư bản. Cùng với đất nước ấy, phải kể một chính phủ, một phong trào quốc tế có tính kỉ luật cao, và có lẽ không kém quan trọng, cả một thế hệ chiến sĩ cách mạng thiết tha với triển vọng một cuộc cách mạng thế giới dưới ngọn cờ Tháng Mười và tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Moskva. Trong suốt nhiều năm, người ta đã hi vọng có thể dời trụ sở Quốc tế cộng sản sang Berlin, và trong thời kì giữa hai cuộc thế chiến, ngôn ngữ chính thức của Quốc tế là tiếng Đức, chứ không phải tiếng Nga. Đúng là phong trào cộng sản thực ra cũng không biết làm sao đưa cách mạng thế giới tiến tới sau khi nó đã ổn định ở châu Âu và thất bại ở châu Á. Những cuộc nổi dậy vũ trang đây đó của người cộng sản (Bulgaria và Đức năm 1923, Indonesia năm 1926, Trung Quốc năm 1927 và – một trường hợp bất thường và muộn màng – Brasil năm 1935) đều là những tai hoạ. Nhưng chẳng mấy lúc, cảnh tượng thế giới không có một nhân tố nào đi ngược lại những hi vọng vào một cuộc “đại hồng thuỷ” - “đổi đời”: cuộc Đại khủng hoảng và sự đi lên của Hitler càng củng cố hi vọng ấy (xem các chương từ 3 đến 5). Song điều này không giải thích được tại sao Quốc tế cộng sản đã đột nhiên khoa trương ngôn ngữ cực đoan cách mạng và tả khuynh giáo điều giữa 1928 và 1932 bởi vì, bất luận bản chất phong trào là như thế nào, nó không có hi vọng giành được chính quyền, vả lại, cũng không hề chuẩn bị nắm chính quyền ở nơi nào cả. Nguyên nhân sự thay đổi định hướng (về mặt chính trị sẽ hết sức tai hại) này, phải tìm ở tình hình chính trị trong nội bộ Đảng cộng sản Liên Xô, lúc đó đã do Stalin nắm, và có lẽ ở ý muốn bù trừ sự bất đồng ngày càng rõ rệt giữa một bên là quyền lợi của Liên Xô – tức là một Nhà nước, dù muốn hay không, cũng phải chung sống với những nhà nước khác; và bắt đầu từ năm 1920, Liên Xô bắt đầu được công nhận trên sân khấu quốc tế – bên kia là phong trào cộng sản là mục tiêu là sách động và lật đổ chính quyền của tất cả các nước khác.
Quyền lợi Nhà nước của Liên Xô cuối cùng đã áp đảo lợi ích cách mạng thế giới của Quốc tế cộng sản bị Stalin biến thành công cụ đơn thuần của chính trị nội bộ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản Liên Xô, một mình tự ý thanh trừng, giải tán hay cải cách các thành phần. Cách mạng thế giới chỉ còn là mĩ từ thuộc về quá khứ, hay đúng hơn, cách mạng chỉ có thể được chấp nhận với điều kiện: a) nó không xung khắc với quyền lợi của Nhà nước xô-viết, và b) nếu người Liên Xô có thể trực tiếp kiểm soát. Sau năm 1944, những chế độ cộng sản khai triển ở châu Âu, các nước phương Tây thấy đó trước tiên là sự bành trướng thế lực của Liên Xô, họ đã hiểu đúng ý đồ của Stalin; và những người cộng sản lão thành cũng hiểu rõ Stalin khi họ oán trách Moskva đã không muốn cho người cộng sản ở nơi khác giành được chính quyền, mà còn can ngăn mọi nỗ lực của họ, ngay khi những cố gắng của họ đang mang lại kết quả, như ở Nam Tư và Trung Quốc (xem chương 5).
Tuy nhiên, cho đến giờ phút cuối cùng, đối với ngay cả tầng lớp quan liêu khá thối nát, Liên Xô vẫn là cái gì khác hơn là một cường quốc như mọi cường quốc khác. Xét cho cùng, sự nghiệp giải phóng nhân loại, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn chủ nghĩa tư bản, vẫn còn là lý do tồn tại của Liên Xô. Nếu không thì tại sao những quan chức nghiệt ngã kia ở Moskva vẫn tiếp tục tài trợ và cung cấp vũ khí cho du kích của Đại hội quốc dân Phi châu, đồng minh của Đảng cộng sản, mà triển vọng lật đổ được chế độ apartheid ở Nam Phi trong suốt mấy chục năm có vẻ như rất mỏng manh, và thật sự là rất mỏng manh. (Điều kì quặc là sau khi hai nước đoạn tuyệt rồi, chính quyền cộng sản Trung Quốc chỉ trích Liên Xô là đã phản bội các phong trào cách mạng, nhưng trong thực tế, Trung Quốc không thể so bì với Liên Xô trong việc ủng hộ cụ thể các phong trào giải phóng thế giới thứ ba). Từ lâu rồi, Liên Xô đã hiểu rằng nhân loại sẽ không đổi đời thông qua một cuộc cách mạng thế giới cảm hứng từ Moskva. Trong những năm hoàng hôn lê thê của thời Brejnev, niềm tin thành thực của Krushev (theo đó chủ nghĩa xã hội sẽ “chôn vùi” chủ nghĩa tư bản bằng tính ưu việt về kinh tế của mình) cuối cùng đã tan biến. Chính sự sói mòn hoàn toàn của niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa ấy giải thích tại sao hệ thống này đã tan rã mà không hề có một sự kháng cự nào (xem chương 16).
Những thắc mắc, do dự ấy hoàn toàn xa lạ với thế hệ đầu tiên của những người mà ánh sáng của Tháng Mười đã thúc giục họ hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng thế giới. Cũng như những tín đồ đầu tiên của Kitô giáo, phần lớn những người xã hội chủ nghĩa trước 1914 tin tưởng vào một cuộc cách mạng “đại hồng thuỷ” sẽ phá tan tất tật mọi điều xấu xa và sẽ “đỡ đẻ” ra một xã hội mới, không còn khổ đau, áp bức, không còn bất bình đẳng hay bất công. Niềm tin “tận thế chủ nghĩa” ấy lại được “bảo chứng” bằng tính khoa học của chủ nghĩa Marx và sự tất yếu của quy luật lịch sử; cách mạng Tháng Mười chứng minh rằng cuộc đổi đời ấy đã bắt đầu.
Bertolt Brecht (1898-1956)
Đạo quân của sự nghiệp giải phóng nhân loại ấy, tất nhiên phải nhẫn tâm và kỉ luật, quân số tổng cộng là bao nhiêu? Có lẽ không quá vài vạn người. Còn những nhà cách mạng “chuyên nghiệp” của phong trào quốc tế, những con người “thay đất đổi nước xoành xoạch như thay giầy đổi dép”, như Bertolt Brecht đã ca ngợi họ trong một bài thơ, có lẽ tổng cộng không quá vài trăm. Không nên lẫn lộn những nhà cách mạng “thoát li” đó với số đông mà người Ý gọi là “nhân dân cộng sản”, vào thời số đảng viên ĐCS lên tới hàng triệu. Hàng triệu cảm tình viên và đảng viên cơ sở, thực sự ước mơ một xã hội mới, tốt đẹp, cho dù trên thực tế, hoạt động hàng ngày của họ cũng giống như hoạt động của phong trào xã hội chủ nghĩa trước đó. Cũng thế, trong sự dấn thân của họ, tính chất chọn lựa cá nhân có phần ít hơn là gắn bó giai cấp, cộng đồng. Tuy nhiên, tuy con số ấy không lớn, nhưng ta không thể hiểu được thế kỉ XX nếu quên đi điều đó.
Benito Mussolini (1883-1945)
Nếu không có chính đảng lêninít “kiểu mới”, với khung cán bộ là những “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, không thể tưởng tượng ra rằng chỉ trong vòng hơn ba chục năm sau cách mạng Tháng Mười, một phần ba nhân loại đã sống dưới những chế độ cộng sản. Sự tin tưởng và lòng trung thành triệt để đối với bộ tham mưu của cách mạng thế giới ở Moskva khiến cho người cộng sản (đứng về mặt xã hội học) có thể tự coi mình là thành viên của một Giáo hội “hoàn vũ” chứ không phải chỉ là một tông phái riêng lẻ. Các đảng cộng sản trung thành với Moskva đã bị mất đi những lãnh tụ sau những vụ chia rẽ và thanh trừng, nhưng ngày nào còn tồn tại một “trung ương” của phong trào, tức là cho đến năm 1956, không có đảng nào li khai, ra khỏi phong trào, khác hẳn những nhóm mácxít li khai, sau khi đi theo Trotsky, đã liên tục chia năm xẻ bảy, cũng như những nhóm “mácxít-lêninít” theo chủ nghĩa Mao còn chia rẽ hơn nữa sau năm 1960. Ngay khi chỉ còn một số nhỏ – năm 1943, khi Mussolini bị lật đổ, Đảng cộng sản Ý còn 5000 người, tổng cộng cả nam lẫn nữ, phần đông vừa ở tù ra hoặc mới lưu vong từ nước ngoài về – họ cũng tương tự như những người bôn-sê-vích hồi tháng hai 1917: nói cách khác, họ hợp thành hạt nhân của một đội quân hàng triệu người, họ là những nhà lãnh đạo tiềm thể của nhân dân một nước, của một Nhà nước.
Đối với thế hệ ấy, nhất là đối với những ai đã trải qua những năm đảo điên ấy, cho dù họ còn quá trẻ đi nữa, cách mạng là sự nghiệp lớn nhất của đời người; số mệnh của chủ nghĩa tư bản tất chỉ còn tính từng ngày. Lịch sử đương đại là chiều hôm trước của ngày toàn thắng, ai còn sống tới ngày đó sẽ là những chứng nhân, cho dù trong số đó chỉ còn ít những người lính của cách mạng (“những người chết ‘nghỉ phép’” theo lời của Leviné, chiến sĩ cộng sản Nga, ít lâu trước khi bọn người lật đổ Xô-viết Munich 1919 xử tử). Bản thân giai cấp tư sản cũng có bao nhiêu là lí do để hoài nghi về tương lai của chính nó, lẽ nào người chiến sĩ cách mạng lại tin là nó trường tồn! Chính cuộc đời của họ là một bằng chứng!
Ví dụ như hai thanh niên người Đức đã từng yêu nhau, mà cuộc cách mạng Bavaria năm 1919 đã thay đổi cả cuộc đời: Olga Benario, con gái một trạng sư thịnh vượng của thành phố Munich, và Otto Braun, giáo viên. Olga đã sang Tây bán cầu tổ chức cách mạng, hoạt động bên cạnh và sau đó kết hôn với Luis Carlos Fuentes, là người đã đứng đầu một cuộc trường chinh khởi nghĩa trong rừng rậm nội địa Brasil trước khi thuyết phục được Moskva ủng hộ của nổi dậy năm 1935 của Brasil. Cuộc khởi nghĩa thất bại, chính quyền Brasil trao nộp Olga cho chính quyền Hitler, cuối cùng Olga chết trong trại tập trung. Trong khi đó, Otto may mắn hơn, làm cách mạng ở phương Đông với cương vị chuyên gia quân sự của Quốc tế cộng sản ở Trung Quốc. Otto là người ngoại quốc duy nhất tham gia cuộc Vạn lí trường chinh của cộng sản Trung Quốc trước khi về lại Moskva, rồi sau đó Cộng hoà Dân chủ Đức (Kinh qua Trung Quốc, Otto trở nên nghi ngại đối với Mao). Hai cuộc đời như vậy, thử hỏi thời nào có được, ngoại trừ nửa đầu của thế kỉ XX?
Thành thử, đối với thế hệ sau 1917, chủ nghĩa bôn-sê-vích đã hấp thu toàn bộ các truyền thống xã hội cách mạng khác, hoặc đã loại trừ chúng ra khỏi phong trào cấp tiến. Trước 1914, đối với các chiến sĩ cách mạng trên đại bộ phận thế giới, chủ nghĩa vô chính phủ là một hệ tư tưởng hấp dẫn hơn chủ nghĩa Marx. Ngoài khu vực Đông Âu, Marx được coi như “lãnh tụ tinh thần” của những chính đảng đại chúng mà Marx đã chứng minh rằng các chính đảng ấy sẽ tiến tới thắng lợi một cách tất yếu – nhưng không phải qua con đường bùng nổ. Trong thập niên 1930, ngoại trừ Tây Ban Nha, chủ nghĩa vô chính phủ không còn là một lực lượng chính trị quan trọng nữa, kể cả ở Châu Mĩ Latinh là nơi mà lá cờ nửa đen nửa đỏ có khả năng huy động lớn hơn lá cờ đỏ. (Ở Tây Ban Nha, cuộc nội chiến 1936-1939 sẽ chôn vùi chủ nghĩa vô chính phủ và phát quang mảnh đất cho cộng sản, trước đó là một lực lượng không đáng kể). Từ đó trở đi, các nhóm xã hội cách mạng tồn tại ở ngoài vòng ảnh hưởng của Moskva cũng đều lấy Lenin và cách mạng Tháng Mười làm hệ quy chiếu. Họ hầu như đều chọn theo một nhân vật li khai hay đã bị khai trừ khỏi Quốc tế cộng sản. Còn Quốc tế cộng sản thì lao vào một cuộc săn lùng phù thuỷ ngày càng quyết liệt, trong khi Stalin kiểm soát và khoá chặt cả Đảng cộng sản Liên Xô lẫn Quốc tế cộng sản. Về mặt chính trị, hiếm có một trung tâm bôn-sê-vích li khai nào đã làm nên công trạng gì đáng kể. Leon Trotsky, nhân vật “dị giáo” kiệt xuất và danh tiếng nhất, một trong những người lãnh đạo cách mạng Tháng Mười và là kiến trúc sư của Hồng Quân, đã hoàn toàn thất bại trong những hoạt động thực tiễn. Tổ chức “Đệ tứ quốc tế” của Trotsky có mục đích cạnh tranh với Đệ tam quốc tế đã bị Stalin khuynh loát, rốt cuộc chẳng bao giờ nổi lên được. Năm 1940, khi ông lưu vong ở Mexico, Stalin sai người sang ám sát, ảnh hưởng chính trị của Trotsky hoàn toàn không đáng kể.
Tóm lại, làm cách mạng ngày càng đồng nghĩa với: là học trò của Lenin và cách mạng Tháng mười và đồng thời, là đảng viên hay cảm tình viên của một Đảng cộng sản đi theo Moskva; điều này lại càng đúng sau khi Hitler nắm trọn quyền bính ở Đức, các đảng cộng sản chọn chủ trương đoàn kết chống phát-xít, nhờ đó họ thoát ra khỏi thế cô lập giáo điều và tập hợp được đông đảo công nhân cũng như trí thức (xem chương 5). Những thanh niên nóng lòng lật đổ chủ nghĩa tư bản đã trở thành cộng sản chính thống, đồng nhất hoá công cuộc cách mạng của mình với phong trào quốc tế lấy Moskva làm trung tâm. Chủ nghĩa Marx, mà Tháng Mười đã chọn làm hệ tư tưởng của thay đổi cách mạng, bây giờ là chủ nghĩa Marx của Viện Marx-Engels-Lenin đặt tại Moskva từ nay là trung tâm truyền bá những đại văn kiện kinh điển. Không ai khác đứng ra hay xem ra có khả năng làm công việc là vừa “lí giải” thế giới vừa “thay đổi” nó. Mọi việc cứ tiếp tục như thế cho đến 1956, khi sự chính thống của Stalin sụp đổ ở Moskva, và cùng với nó, sự tan rã của phong trào cộng sản quốc tế mà trung tâm là Moskva. Kết quả là sự tái xuất những nhà tư tưởng, những truyền thống và tổ chức phái tả dị thống trước đó bị đưa ra ngoài lề nhưng vẫn tồn tại dưới cái bóng khổng lồ của Tháng Mười. Ai có đôi chút hiểu biết về lịch sử tư tưởng sẽ nhận ra tình thần Bakunin, và cả Nechaev nữa, hơn là Marx trong phong trào sinh viên năm 1968 và những năm tiếp theo. Song những sự kiện này không dẫn tới một sự tái sinh đáng kể của lí thuyết hay phong trào vô chính phủ chủ nghĩa. Ngược lại, 1968 làm nở rộ một trào lưu mác-xít về mặt lí luận – thường dưới những dạng có lẽ chính Marx cũng phải ngỡ ngàng – và một loạt những phe nhóm, tông phái “mác-xít lê-nin-nít” mà điểm tương đồng là phủ nhận Moskva và những đảng cộng sản cũ bị quy là không đủ tính cách mạng và tính lê-nin-nít.
Điều nghịch lí là Quốc tế cộng sản giành được quyền kiểm soát hầu như toàn bộ truyền thống xã hội cách mạng vào lúc mà hiển nhiên là nó đã từ bỏ những chiến lược cách mạng nguyên khởi của thời kì 1917-1923, hay đúng hơn, là nó đã suy tính tới những chiến lược chuyển giao chính quyền khác với chiến lược 1917 (xem chương 5). Từ năm 1935 trở đi, báo chí phái tả không ngừng lên án các phong trào thân Moskva là đã bỏ lỡ, nếu không nói là từ bỏ, thậm chí phản bội, những thời cơ cách mạng. Trước khi phong trào “dĩ Mạc Tư Khoa vi trung” tự hào là “đoàn kết thành một khối nhất trí” bắt đầu tan rã từ bên trong, những lời phê phán ấy không hề có tác dụng. Chừng nào phong trào cộng sản còn giữ được sự đoàn kết và nhất quán, tỏ ra “miễn dịch” đối với nạn bất hoà, chia rẽ, thì đối với đại đa số những người tin tưởng vào sự tất yếu của cách mạng thế giới, đó là phong trào duy nhất đáng kể. Vả lại, ai có thể chối cãi rằng các nước đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản trong làn sóng cách mạng lần thứ nhì (1944-1949) không phải là dưới sự chỉ đạo của những đảng cộng sản chính thống thân Liên Xô? Phải đợi đến năm 1956 trở đi, những người cách mạng mới thực sự có sự chọn lựa giữa những phong trào khác nhau nhưng đều có thể tự nhận là có hiệu quả trong hoạt động chính trị hay trong tổ chức nổi dậy. Ngay các phe phái trốt-kít, chủ nghĩa Mao và các nhóm cảm tình với cách mạng Cuba năm 1959 (xem chương 15), cũng ít nhiều phái sinh từ chủ nghĩa Lenin. Các đảng cộng sản cũ vẫn còn là những tổ chức hùng mạnh nhất của xu hướng cực tả, nhưng từ đây trở đi, phong trào cộng sản không khơi lên được ngọn lửa của niềm tin.

V


Bí quyết sức mạnh của những phong trào đấu tranh vì cuộc cách mạng thế giới nằm trong hình thái tổ chức cộng sản, “đảng kiểu mới” yêu dấu của Lenin – một sáng tạo kì công của phong trào xã hội thế kỉ XX, có thể sánh với những dòng tu Kitô giáo của thời Trung Cổ. Bởi vì, với sự trung kiên và hy sinh tận tuỵ phi thường của các đảng viên, vượt xa kỉ luật và tinh thần đồng đội của một đạo quân, thêm vào đó là khả năng tập trung tuyệt đối để thi hành chỉ thị của đoàn thể, hiệu lực của các đảng cộng sản (kể cả những đảng nhỏ bé) to lớn gấp bội số lượng của họ. Điều này, ngay cả những nhà quan sát ác cảm cũng bị ấn tượng. Tuy nhiên, giữa mô hình “đảng tiền phong” này và những cuộc cách mạng vĩ đại mà nó có mục đích thực hiện (và đôi khi đã thực hiện được), quan hệ “nhân quả” chẳng có gì rõ ràng cả; hiển nhiên là mô hình đó chỉ được “áp nhận” sau khi cách mạng đã thành công (ở một số nơi) hay trong quá trình chiến tranh. Bởi vì các đảng lêninít chủ yếu dựa trên những phần tử ưu tú (những “đội tiên phong”), những người cầm đầu, hay đúng hơn: trước khi cách mạng thành công, nó dựa trên những “phần tử ưu tú chống lại”, những “phản ưu tú” (counter-elites). Thế mà, như 1917 đã cho thấy, các cuộc cách mạng xã hội tuỳ thuộc vào những gì xảy ra trong quần chúng, trong những tình huống mà các phần tử ưu tú hay phản ưu tú không hoàn toàn làm chủ được. Mô hình lêninít có một hấp lực lớn trên những phần tử trẻ tuổi thuộc thành phần ưu tú cũ, đặc biệt ở thế giới thứ ba: những thanh niên này gia nhập đảng cộng sản với một tỉ lệ rất cao so với số đảng viên thuộc thành phần vô sản mà đảng ra sức kết nạp, song chỉ thành công phần nào. Sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong những năm 1930 ở Brasil chủ yếu là nhờ sự giác ngộ của những trí thức trẻ tuổi xuất thân từ những gia đình đại địa chủ và sĩ quan quân đội (xem Martins Rodrigues, O Brasil Republicano, in História Geral da Civilização Brasileira, 1984, tr. 390-397).

Mặt khác, tâm tư của “quần chúng” (kể cả những người tích cực ủng hộ “đội tiên phong”) nhiều khi không đồng thuận với ý kiến của lãnh đạo, đôi khi trong lúc nổi dậy của quần chúng. Thí dụ, tháng bảy 1936, cuộc phiến loạn của các tướng lĩnh Tây Ban Nha chống lại chính phủ Mặt trận nhân dân đã làm bùng nổ cuộc cách mạng xã hội ở nhiều vùng rộng lớn khắp nước. Không có gì lạ khi những phần tử tích cực, nhất là những người có xu hướng vô chính phủ, đã tiến hành tập thể hoá các phương tiện sản xuất, cho dù Đảng cộng sản và chính quyền trung ương chống lại sau đó và, mỗi khi có điều kiện, đã bãi bỏ các quyết định tập thể hoá. Cho đến bây giờ, những người ủng hộ lập trường của hai phe vẫn tiếp tục tranh luận về vấn đề này. Tuy nhiên, hậu quả nổi cộm của cuộc phiến loạn là nó đã gây ra đợt phá phách thần tượng và sát hại tu sĩ lớn nhất ở Tây Ban Nha kể từ năm 1835 là năm, lần đầu tiên, xảy ra những hành động như vậy này trong những cuộc bạo động quần chúng: năm ấy, bực tức vì một cuộc đấu bò, dân chúng thành phố Barcelona đã đốt cháy một số nhà thờ. Lần này, gần bảy nghìn giáo sĩ, tức là từ 12 đến 13% linh mục và (nam) tu sĩ, và cả một tỉ số thấp hơn những nữ tu, đã bị giết; riêng ở giáo tỉnh Gerona (vùng Catalona), hơn sáu nghìn tranh tượng thờ đã bị phá huỷ (Hugh Thomas, The Spanish Civil War, 1977, tr. 270-271; M. Delgado, La Ira Sagrada: Anticlericalismo iconoclastia y antinaturalismo en la Espana contemporanea, 1992, tr.56).
Trong vụ việc kinh khủng này, hai điều cần nói rõ: những người lãnh đạo và phát ngôn của phái tả cách mạng Tây Ban Nha, tuy chống giáo hội, đã lên án những hành động này, kể cả những người vô chính phủ mà mọi người đều biết rõ họ căm thù các linh mục tới mức nào; tuy nhiên, đối với những người đã gây ra, và đối với cả số đông những người chứng kiến các hành động ấy, ý nghĩa cách mạng trước hết là thế: lật đổ trật tự và các giá trị của xã hội, không phải chỉ lật đổ trong một khoảnh khắc tượng trưng, mà lật đổ một cách vĩnh viễn (M. Delgado, sđd, 1992, tr. 52-53). Mặc lãnh đạo muốn nói gì thì nói – và họ nhắc đi nhắc lại: kẻ thù chính không phải là linh mục, mà là tư bản – quần chúng vẫn cảm nhận theo đàng quần chúng. (Câu hỏi đặt ra là: trong một xã hội không macho (tôn sùng nam khí) như xã hội Tây Ban Nha, liệu quần chúng có bớt phá phách thần tượng và sát hại đi chăng? Lịch sử không viết bằng chữ “nếu”, song những nghiên cứu sâu sát về thái độ của phụ nữ sẽ mang lại vài tia sáng để trả lời câu hỏi ấy).
Dù sao chăng nữa, thể loại cách mạng mà cơ cấu trật tự và quyền lực đột ngột tan biến, để cho người đàn ông (và đàn bà, nếu đàn bà được xã hội cho phép) tự tung tự tác ngoài đường phố, là một hiện tượng hiếm xảy ra trong thế kỉ XX. Thí dụ gần đây về sự sụp đổ của một chế độ đã định vị, là cuộc cách mạng Iran năm 1979, nhưng ngay cuộc cách mạng này cũng không hẳn là đã thiếu vắng cơ cấu, mặc dầu nó có tính tự phát khá cao, bởi quần chúng Tehran đồng tâm nhất trí chống lại quốc vương Shah. Nhờ những cơ cấu sẵn có của giáo hội hồi giáo Iran, chính quyền mới đã hiện diện ngay trong hoang tàn của chính quyền cũ, dù nó cần thêm thời gian để định hình một cách hoàn chỉnh (xem chương 15).
Bỏ sang bên cạnh vài cuộc bùng nổ có tính chất cục bộ, cách mạng tiêu biểu theo mô hình Tháng Mười phải được khởi động hoặc nhờ một cuộc đảo chính (hầu như bao giờ cũng là đảo chính quân sự), và chiếm lĩnh thủ đô, hoặc là kết cục của một cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài, chủ yếu ở nông thôn. Tại những nước nghèo và lạc hậu, binh nghiệp là con đường tiến thân hứa hẹn đối với những thanh niên có tài, có học nhưng không có tiền bạc hay quan hệ, nên trong giới sĩ quan trẻ tuổi (trong hàng ngũ hạ sĩ quan thì hiếm hơn) có nhiều người cấp tiến hay có cảm tình với phe tả, những mưu toan đảo chính thường xảy ra ở những nước như Ai Cập (cuộc cách mạng của nhóm Sĩ quan Tự do, năm 1952) và một số nước Trung Đông (Irak, 1958; Syria, từ thập niên 1950 đã xảy ra mấy lần; Libya năm 1969). Cũng vậy, quân nhân đóng vai trò hữu cơ trong lịch sử cách mạng Châu Mĩ Latinh, tuy rằng ít khi nào quân nhân giành lấy chính quyền vì lí tưởng tiến bộ, thẳng hoặc có thì cũng không lâu bền. Mặt khác, điều làm cho phần đông các nhà quan sát phải ngạc nhiên, là năm 1974, chế độ phái hữu lâu bền nhất trên thế giới đã bị lật đổ bởi cuộc binh biến dưới sự lãnh đạo của những sĩ quan trẻ tuổi mà những cuộc chiến tranh thuộc địa cù cưa kéo dài đã khiến họ thất vọng và trở thành cấp tiến: đó là cuộc “cách mạng hoa cẩm chướng” ở Bồ Đào Nha. Chẳng bao lâu, khối liên minh giữa một đảng cộng sản hùng mạnh, vừa từ vòng bí mật bước ra hoạt động công khai, và những nhóm mác-xít cấp tiến, sẽ đổ vỡ; Cộng đồng châu Âu thở phào sảng khoái, ít lâu sau sẽ kết nạp Bồ Đào Nha.
Charles de Gaulle (1890-1970)

Cơ cấu xã hội, truyền thống tư tưởng và chức năng chính trị của quân lực thường đưa đẩy những quân nhân muốn làm chính trị chọn lựa phái hữu. Những cuộc đảo chính thân cộng sản, hay chỉ là liên minh với đảng xã hội thôi, không nằm trong đường hướng của quân nhân. Đúng là trong phong trào giải phóng ở các nước thuộc đế quốc Pháp, những cựu chiến binh trong các lượng bản địa (rất ít người trong họ được phong hàm sĩ quan) sẽ giữ một vai trò quan trọng (đặc biệt ở Algérie). Trải qua cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhì và những năm sau đó, họ trở thành bất mãn: nạn kì thị chủng tộc đã đành, còn thêm lí do nữa là đại đa số binh lính người thuộc địa trong các đơn vị Pháp quốc Tự do của De Gaulle, cũng như phần đông những người ngoại quốc đã tham gia kháng chiến vũ trang ở trong nước Pháp, rất nhanh chóng đã bị đẩy lùi vào bóng tối.

Sau ngày Giải phóng, trong các cuộc diễu binh tuần hành, màu da của quân đội “Pháp quốc Tự do” bỗng “trắng” hẳn so với những đạo quân De Gaulle vừa kết thúc cuộc chiến tranh trong vinh dự. Tuy nhiên, nói chung, quân đội các nước thuộc địa của các đế chế, ngay trong trường hợp khung chỉ huy cũng là người bản địa, thường vẫn trung thành với “mẫu quốc”, hoặc “không làm chính trị”, kể cả trường hợp khoảng năm vạn sĩ quan Ấn Độ tham gia Quân đội Quốc gia Ấn Độ thời Nhật (xem M. Echenberg, Colonial Conscripts: the Tirailleurs Sénégalais in French West Africa 1857-1960, 1992, tr. 141-145; M. Bhargava và A. Singh Gill, Indian National Army Secret Service, 1988, tr. 10; T. R. Sareen, Select Documents on Indian National Army, 1988, tr. 20-21).

VI

Thế kỉ XX, phải khá muộn, người cách mạng mới phát hiện ra rằng con đường cách mạng có thể kinh qua một cuộc chiến tranh du kích trường kì. Điều này có lẽ vì một nguyên nhân lịch sử: hình thái đấu tranh chủ yếu là nông thôn này thường gắn liền với những phong trào thuộc hệ tư tưởng cổ lỗ, mà những nhà quan sát người thành thị thường hiểu nhầm là bảo thủ, thậm chí phản động hay phản cách mạng. Thật vậy, những cuộc chiến tranh du kích tài tình nhất trong thời kì cách mạng và thời kì Napoléon ở Pháp đều là những cuộc chiến tranh chống lại nước Pháp, chống lại cách mạng. Bản thân từ “guerilla” (du kích) chỉ được hội nhập ngôn ngữ mác-xít sau cách mạng Cuba năm 1959. Trong thời nội chiến ở Nga, người bôn-sê-vích triển khai cả những cuộc hành quân không chính quy lẫn những cuộc hành quân chính quy, họ dùng chữ “partisan” và từ này đã trở thành kinh điển để gọi tên những người kháng chiến theo kiểu Liên Xô trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhì. Bây giờ nhìn lại, ta có thể ngạc nhiên, không hiểu tại sao du kích hầu như không hề được sử dụng trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha trong khi có khả năng đánh du kích trong các vùng Cộng hoà bị phiến quân Franco chiếm đóng. Sau Thế chiến lần thứ hai, từ bên ngoài, người cộng sản Tây Ban Nha đã tổ chức những hạt nhân du kích khá quan trọng. Rõ ràng là trước cuộc chiến tranh thế giới này, du kích không nằm trong “cẩm nang” của hàng ngũ cách mạng.

Ngoại lệ là Trung Quốc, tại đó một số người cộng sản (chứ không phải tất cả, một số thôi) đi tiên phong trong việc triển khai chiến lược mới này. Họ bắt đầu sau khi Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trở mặt tấn công đồng minh cộng sản năm 1927 và sau thất bại thảm hại của cuộc nội dậy của cộng sản ở các thành phố (như ở Quảng Châu năm 1927). Người chủ xướng chiến lược này – nhờ đó cuối cùng sẽ cầm đầu Trung Quốc cộng sản – là Mao Trạch Đông đã thấy rằng sau hơn mười lăm năm cách mạng, nhiều vùng rộng lớn của Trung Quốc đã tuột ra khỏi vòng kiểm soát của chính quyền trung ương. Bất cứ người Trung Hoa nào đã đọc sách cổ cũng thấy rõ sự tương đồng giữa việc thành lập vùng giải phóng đầu tiên của quân du kích ở vùng núi rừng Giang Tây năm 1927 với căn cứ Lương Sơn Bạc của 108 anh hùng Thuỷ Hử, mà chàng thanh niên Mao đã kêu gọi bạn bè sinh viên noi gương từ năm 1917 (Schram, Mao Tse Tung, 1966, tr. 43-44).
Dù anh dũng và phong phú tới đâu, chiến lược Trung Quốc xem ra không thích hợp với những nước có mạng lưới giao thông quốc nội hoặc có chính quyền hiện đại quen quản lý toàn bộ lãnh thổ bất kể khoảng cách và trở ngại vật chất. Về ngắn hạn, nó cũng không có hiệu quả ngay cả ở Trung Quốc: sau mấy chiến dịch, chính quyền trung ương đã buộc cộng sản phải rút khỏi những vùng xô-viết ở miền trung tâm, rút lui bằng cuộc Vạn lí trường chinh nổi tiếng, lên vùng biên giới tây-bắc dân cư thưa thớt.
César A. Sandino (1895-1934)
Luís C. Prestes (1898-1990)
Cuối thập niên 1920, sau khi những “trung uý” nghĩa quân Brasil như Luís Carlos Prestes “quá độ” từ rừng rú sang chủ nghĩa cộng sản, không còn nhóm phái tả nào đáng kể đã chọn con đường du kích. Biệt lệ duy nhất là cuộc chiến đấu của tướng César Augusto Sandino chống lại lính thuỷ đánh bộ Mĩ tại Nicaragua (1927-1933), năm mươi năm sau còn nêu gương cho cuộc cách mạng Sandinista (mặc dầu Quốc tế cộng sản đã tạo dựng một cách khiên cưỡng một hình ảnh tương tự cho Lampião, tay lục lâm thảo khấu trứ danh ở Brasil, đề tài của cả nghìn cuốn sách bán rong). Ngay Mao Trạch Đông cũng chỉ trở thành “lãnh tụ” đối với những người cách mạng trên thế giới sau ngày cách mạng Cuba thắng lợi (1959).
Tuy nhiên, Chiến tranh Thế giới lần thứ nhì cũng đã đóng vai trò kích thích tố nhanh nhạy và phổ biến để bước vào con đường du kích tiến tới cách mạng do sự cần thiết kháng cự lại quân đội của Hitler và đồng minh chiếm đóng phần lớn lục địa châu Âu, trong đó có cả một phần lớn lãnh thổ của Liên Xô nằm trong châu Âu. Cuộc kháng chiến, nhất là kháng chiến vũ trang, đã huy động các phong trào cộng sản sau khi Hitler tấn công Liên Xô. Cuối cùng, khi quân đội quốc xã bị đánh bại, với sự hỗ trợ ít nhiều tuỳ nơi của các phong trào kháng chiến bản địa (xem chương 5), chính quyền ở các nước bị Đức chiếm đóng và những chính quyền phát-xít sụp đổ, trong khi những lực lượng xã hội cách mạng (do cộng sản nắm) giành được chính quyền, hoặc tìm cách giành chính quyền tại những nước có phong trào kháng chiến cộng sản hiệu quả (Nam Tư, Albania, và cả Hi Lạp nếu không có viện trợ quân sự của Anh và cuối cùng của Mĩ ngăn chận). Có lẽ cộng sản có khả năng giành lấy chính quyền ở vùng bắc Apennin nước Ý – song cũng chẳng giữ được lâu; tại sao họ không làm, vấn đề này phái tả cách mạng đến nay vẫn còn tranh luận. Các chế độ cộng sản được thiết lập sau 1945 ở Đông Á và Đông Nam Á (Trung Quốc, một phần Triều Tiên và một phần Đông Dương thuộc Pháp) cũng có thể coi là thành quả của cuộc kháng chiến (chống phát xít). Ngay ở Trung Quốc, các đội hồng quân của Mao tiến mạnh đến nắm chính quyền cũng chỉ bắt đầu sau khi quân đội Nhật chiếm đại bộ phận lãnh thổ Trung Quốc năm 1937. Như vậy là đợt sóng cách mạng xã hội trên thế giới lần thứ hai đã bắt đầu sau Thế giới chiến tranh lần thứ nhì, giống như đợt sóng thứ nhất đã phát sinh từ Đại chiến lần thứ nhất, nhưng cung cách thì khác hẳn. Lần này, cách mạng lên nắm chính quyền là nhỡ đã tham gia – chứ không phải từ chối – cuộc chiến.
Bản chất và đường lối chính trị của các chính quyền cách mạng mới sẽ được đề cập ở chỗ khác (xem ch. 5 và ch. 13). Ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm tới bản thân cuộc cách mạng. Các cuộc cách mạng giữa thế kỉ XX diễn ra vào lúc kết thúc thắng lợi những cuộc chiến tranh trường kì, khác với kịch bản kinh điển 1789 hay Tháng Mười 1917, và cũng khác với sự tan rã từng bước một của những chế độ cũ như đế chế Trung Hoa hay nước Mexico của Porfirio Díaz (xem Thời đại của những đế chế, chương 12), trên hai phương diện. Trước hết – và về mặt này chúng cũng giống những cuộc đảo chính quân sự thành công – không có nghi vấn gì về người tiến hành cách mạng hay về người nắm quyền hành: đó là nhóm, hay những nhóm, chính trị liên kết với quân đội Liên Xô chiến thắng, bởi vì một mình các lực lượng kháng chiến không đủ sức đánh bại Đức, Nhật và Ý (ngay ở Trung Quốc cũng thế). (Quân đội chiến thắng của các nước phương Tây thì đương nhiên thù nghịch đối với những chính quyền do cộng sản khống chế.) Giữa chế độ cũ và chính quyền mới, không có khoảng thời gian bỏ trống quyền hành hay thời gian chuyển tiếp. Ngược lại, trường hợp duy nhất mà các lực lượng kháng chiến hùng hậu không giành được chính quyền ngay sau khi chính quyền phe Trục sụp đổ là trường hợp mà những đồng minh phương Tây đặt một chân lên những nước vừa được giải phóng (Nam Triều Tiên, Việt Nam) hoặc trường hợp các lực lượng quốc nội chống phe Trục lại có sự chia rẽ, như ở Trung Quốc. Tại đây, năm 1945, dưới con mắt không mấy phấn khởi của Liên Xô (điều này ai cũng biết), người cộng sản còn phải tranh giành ảnh hưởng với chính quyền Quốc Dân Đảng thối nát, suy yếu trông thấy, nhưng dầu sao cũng là đồng minh cùng chiến đấu chống kẻ thù chung.
Thứ nữa, con đường tiến tới giành chính quyền bằng du kích chiến tất nhiên ở cách xa thành thị và những trung tâm công nghiệp, là nơi tập trung lực lượng truyền thống của phong trào công nhân xã hội chủ nghĩa, mà ở tít những vùng sâu vùng xa. Nói cụ thể, du kích dễ tiến hành nhất là ở những vùng bưng biền, núi rừng, những miền đất vắng vẻ, cách xa những vùng đông dân cư. Nói như Mao, lấy nông thôn bao vây thành thị. Trong điều kiện kháng chiến ở Châu Âu, khởi nghĩa ở thành phố (như ở Paris mùa hè 1944 hay Milano mùa xuân 1945) phải đợi đến khi chiến cuộc gần như đã kết thúc, ít nhất ở khu vực đó, mới có thể diễn ra được. Biến cố 1944 ở Warsaw là cái giá phải trả cho một cuộc nổi dậy quá sớm ở đô thị: trong một cuộc kháng chiến, toàn thắng không thể nào giành được với một quả tên lửa duy nhất, dù mạnh tới đâu chăng nữa. Tóm lại, ngay ở một nước cách mạng, đối với đại bộ phận dân chúng, con đường từ du kích tới cách mạng buộc phải mất thời gian dài lâu để chờ đợi một biến chuyển đến từ nơi khác. Các cuộc kháng chiến hữu hiệu, với đầy đủ cơ sở hạ tầng, chỉ là một thiểu số nhỏ bé.
Milovan Djilas (1911-1995)

Cố nhiên, trên lãnh thổ của mình, các lực lượng du kích không thể hoạt động nếu không có sự ủng hộ của quần chúng, đơn giản là vì, trong một cuộc chiến đấu trường kì, họ cần phải tuyển mộ tại chỗ: như ở Trung Quốc, một chính đảng công nhân và trí thức đã nhanh chóng biến thành những đạo quân của những người xuất thân nông dân. Song quan hệ giữa họ và quần chúng còn xa mới đơn giản như hình ảnh cá nước của Mao. Bất cứ một nhóm nào hoạt động ngoài vòng pháp luật, bị truy lùng, nhưng biết tôn trọng phép tắc của địa phương, cũng có thể trông mong vào cảm tình của một bộ phận rộng rãi dân chúng thù ghét ngoại xâm, hay trong trường hợp này, là thù ghét người của chính quyền quốc gia trong một nước đang có chiến tranh du kích. Tuy nhiên, nông thôn cũng bị phân hoá sâu sắc, nên có thêm bạn ở nông thôn thì đương nhiên cũng có thêm thù. Khi lập ra những vùng xô-viết ở nông thôn những năm 1927-1928, người cộng sản Trung Quốc mới ngạc nhiên khám phá ra rằng tranh thủ được một thôn xã có một dòng họ đứng đầu là họ có thêm cả một mạng lưới “thôn xã đỏ” cùng dòng họ hay của những dòng họ đồng minh, nhưng đồng thời, họ cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến chống lại những dòng họ thù nghịch, cũng lập thành một trận tuyến “thôn xã đen” đối xứng. “Trong một số trường hợp, họ than phiền, đấu tranh giai cấp biến thành trận chiến giữa làng này với làng kia. Có trường hợp quân đội của chúng tôi phải vây hãm và triệt hạ cả làng” (Räte-China: Dokumente der chinesischen Revolution, Manfred Hinz biên tập,  Berlin, 1973, tr. 45-46). Người du kích thành công là những người biết lèo lái giữa hai dòng nước đục, nhưng, cũng như Milovan Djilas đã kể lại về cuộc kháng chiến ở Nam Tư, chiến tranh giải phóng là một công cuộc hết sức phức tạp chứ không đơn thuần là cuộc khởi nghĩa đồng tâm nhất trí của nhân dân bị trị nổi dậy chống ngoại xâm.

VII

Le Roy Ladurie (1929-)

Những suy nghĩ ở trên không thể làm mất vui cho người cộng sản từ nay đứng đầu chính quyền của tất cả các nước từ bờ sông Elbe đến biển Trung Hoa. Họ đã nghe tiếng gọi của cách mạng và cách mạng rõ ràng đã tiến những bước dài. Trước đây chỉ có Liên Xô đơn độc và yếu kém, nay hơn mười nước đã hay đang trỗi lên trong đợt sóng cách mạng thế giới lần thứ nhì, đứng đầu là một trong hai cường quốc lớn, thật sự tương xứng với hai tiếng đại cường (danh từ siêu cường đã xuất hiện từ năm 1944). Khí thế cách mạng vẫn đi lên, phong trào giải thực ở các thuộc địa hải ngoại của các nước đế quốc đang nở rộ. Lẽ nào nó không mang lại những tiến bộ mới cho sự nghiệp cộng sản? Giai cấp tư sản quốc tế chẳng đang lo lắng cho tương lai của chủ nghĩa tư bản đó sao, ít nhất ở châu Âu? Những kĩ nghệ gia họ hàng của nhà sử học trẻ Emmanuel Le Roy Ladurie, trong khi đang xây dựng lại các nhà máy của họ, đã chẳng tự hỏi, không biết cuộc quốc hữu hoá, thậm chí Hồng Quân nữa, có sẽ mang lại một giải pháp vĩnh viễn cho các vấn đề của họ không? Sau này, trở thành nhà sử học lão thành, thuộc xu hướng bảo thủ, Le Roy Ladurie nhớ lại những tâm tư ấy năm 1949 đã thúc đẩy ông gia nhập ĐCS (Le Roy Ladurie, Paris-Montpellier: PC-PSU 1945-1963, 1982, tr. 37). Tháng ba 1947, một thứ trưởng thương mại Hoa Kì đã chẳng giải thích cho nội các của tổng thống Truman rằng phần lớn các nước châu Âu đang ở bên bờ vực thẳm, đến mức, chỉ một chút gì đó thôi cũng đủ xô đẩy họ xuống đáy bất cứ lúc nào, còn những nước khác cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng (Wilfried Loth, The Division of the World 1941-1955, 1988, tr. 137)?


Đó là tâm trạng những con người, nam cũng như nữ, vừa bước ra khỏi vòng bất hợp pháp, chiến trận, kháng chiến, nhà tù, trại tập trung hay lưu đày, nay đang cầm cương, quyết định tiền đồ những đất nước phần đông đang ở trong cảnh điêu tàn. Có lẽ một vài người trong họ cũng nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản dễ bị lật đổ hơn khi nó suy yếu hay chỉ tồn tại trong một vài thành luỹ. Nhưng không còn ai có thể chối cãi rằng thế giới đã quay sang “phía tả”. Ở những ngày đầu của thời kì hậu chiến, nếu những người cộng sản đang cầm đầu đất nước hay đang chia sẻ quyền bính tại những Nhà nước đã biến đổi, có điều gì phải bận tâm lo nghĩ, thì chắc chắn không phải vì tương lai của chủ nghĩa xã hội. Quan tâm chủ yếu của họ là kiến thiết lại đất nước nghèo nàn, kiệt quệ, điêu tàn trong lòng dân chúng nhiều khi đối nghịch, lại phải đương đầu với nguy cơ chiến tranh mà các cường quốc tư bản có thể tiến hành chống lại phe xã hội chủ nghĩa trước khi công cuộc tái thiết hoàn thành. Điều nghịch lí là các chính khách và các nhà tư tưởng phương Tây cũng mất ăn mất ngủ vì mối lo tương tự. Cuộc chiến tranh lạnh bao trùm thế giới sau đợt sóng cách mạng lần thứ nhì, như ta sẽ thấy, là một giao tranh giữa những cơn ác mộng. Bất luận nỗi kinh sợ phương Đông và nỗi kinh sợ phương Tây có cơ sở hay không, chúng cũng đã trở nên thành tố của cuộc cách mạng thế giới mà Tháng Mười 1917 đã mở đầu. Nhưng thời kì ấy cũng bắt đầu kết thúc, cho dù phải đợi thêm bốn mươi năm nữa mới có thể soạn bi kí cho nó.
Song nó cũng đã làm thay đổi thế giới, tuy không như dự kiến của Lenin hay của những người đi theo con đường của Tháng Mười. Ngoài tây bán cầu ra, có thể đếm trên đầu ngón tay những quốc gia hiếm hoi không trải qua một hỗn hợp cách mạng, nội chiến, kháng chiến chống ngoại xâm hay chiến tranh giải phóng, hay một cuộc giải thực mà các nước đế quốc phải tiến hành để “phòng ngừa” trong bối cảnh cách mạng toàn cầu. (Ở châu Âu, ngoại lệ duy nhất là các nước Anh, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, và có lẽ Iceland). Ngay ở tây bán cầu (là nơi diễn ra nhiều biến chuyển bạo liệt mà châu Mĩ Latinh vẫn quen gọi là “cách mạng”), những cuộc cách mạng xã hội -- ở Mexico, Bolivia, cách mạng Cuba và những cuộc cách mạng tiếp nối – đã làm thay đổi cục diện Châu Mĩ Latinh.
Các cuộc cách mạng thực sự được tiến hành nhân danh chủ nghĩa cộng sản đã cạn nguồn, mặc dù hiện nay còn quá sớm để đọc điếu văn, vì người Trung Quốc, một phần năm nhân loại, vẫn còn sống dưới một chính quyền cộng sản. Nhưng hiển nhiên sẽ không thể nào quay lại Chế độ Cũ, cũng như sau cách mạng Pháp và thời Napoléon, không thể nào quay lại chế độ quan chủ, cũng như cách nước thuộc địa cũ không thể nào quay trở lại chế độ tiền thuộc địa. Còn các nước đã ra khỏi trải nghiệm của chủ nghĩa cộng sản, hiện tại cuả họ, và có lẽ cả tương lai những nước ấy còn mang và sẽ còn mang dấu ấn của cuộc phản cách mạng đã thay thế cách mạng. Người ta không thể xoá sạch lịch sử nước Nga hay lịch sử thời kì xô-viết, làm như nó chưa bao giờ tồn tại. Saint-Petersburg sẽ không bao giờ trở lại thời kì trước 1914.
Tuy nhiên, hậu quả gián tiếp của thời kì đảo lộn mà 1917 mở ra cũng sâu sắc không kém những hậu quả trực tiếp. Thời kì hậu cách mạng Nga đã khởi động quá trình giải phóng thuộc địa và giải thực, đồng thời đã phân bố lại thế cờ chính trị ở châu Âu: giữa phe chống cách mạng kịch liệt (dưới dạng phát xít hay những phong trào cùng bản chất – xem chưong 4) và xu hướng dân chủ - xã hội. Người ta thường quên rằng, cho đến năm 1917, tất cả các công đảng và đảng xã hội (không kể trường hợp hơi ngoại vi là Úc) đã chọn thế đứng dứt khoát đối lập trước khi có chủ nghĩa xã hội. Ngoài khu vực Thái Bình Dương ra, những chính phủ đầu tiên của đảng dân chủ xã hội hay có đảng này tham gia đã được thành lập trong những năm 1917-1919 (Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, Áo, Bỉ) và vài năm sau đó (Anh, Đan Mạch và Na Uy). Chúng ta dễ quên rằng sự ôn hoà của các đảng này, cũng như việc hệ thống chính trị cũ sốt sắng tích hợp các đảng này vào hệ thống, phần lớn cũng là phản ứng đối với chủ nghĩa bôn-sê-vích.
Tóm lại, không thể thông hiểu được lịch sử của Thế kỉ XX nếu ta quên cách mạng Nga với những tác động trực tiếp và gián tiếp của nó. Đặc biệt là nó đã cứu sống chủ nghĩa tư bản liberal: trước tiên là nhờ nó, phương Tây đã đại thắng Đức quốc xã trong cuộc Thế chiến lần thứ nhì, thứ nữa, nó đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phải cải cách, và trớ trêu thay, khi thấy rõ Liên Xô miễn dịch đối với cuộc Đại Khủng hoảng, nó đã phải từ bỏ quan điểm chính thống về thị trường. Điều đó, chúng ta sẽ thấy ở chương sau.
Nguyễn Ngọc Giao dịch
Nguồn: Cách mạng thế giới, DienDan.Org




[1] Nga vẫn theo lịch Gregorian cũ, so với lịch Julian thông dụng trên toàn thế giới Kitô giáo hoặc tây hoá chậm 13 ngày, nên “cách mạng tháng hai” (lịch Nga) diễn ra vào tháng ba, và “cách mạng tháng mười” nổ ra vào ngày 7.11.1917. Chính cách mạng tháng mười đã quyết định cải tổ lịch, rồi cả chính tả tiếng Nga, điều này cho thấy tác động sâu xa của nó. Mọi người đều biết là phải qua một cơn “địa chấn” chính trị - xã hội mới có được những đổi thay khiêm nhường. Hậu quả dài lâu và phổ biến nhất của cách mạng Pháp là hệ thống đo lường thập phân.

[2] Năm 1917, một Đảng dân xã độc lập Đức (USPD) khá lớn đã được thành lập do sự li khai với phe đa số của Đảng xã hội SPD vẫn tiếp tục ủng hộ chiến tranh.

[3] So với cách mạng tháng mười, thì tổn thất cao hơn, nhưng cũng không mấy nặng nề: 53 sĩ quan, 602 binh lính, 73 công an và 587 công dân chết hay bị thương (W. H. Chamberlin, 1965, tập I, tr.85)

[4] Có lẽ bắt nguồn từ truyền thống các cộng đồng làng xã tự quản, các “hội đồng” xuất hiện trong cuộc cách mạng 1905 và chẳng mấy lúc đã trở thành những thực thể chính trị chân chính trong giới công nhân. Công nhân công đoàn các nước đã quen với những hội đồng đại biểu do họ trực tiếp bầu ra, đáp ứng trực năng của họ về dân chủ, nên hai chữ “xô viết” (cũng có khi được dịch là hội đồng, nhưng thường được để nguyên) có một sức hấp dẫn lớn trên mặt quốc tế.

[5] “Tôi nói với họ như thế này: các bạn muốn làm gì thì làm, lấy gì thì lấy, chúng tôi ủng hộ các bạn, nhưng các bạn nhớ lo sản xuất, bảo đảm sản xuất ích dụng. Các bạn hãy làm những gì có ích. Các bạn rồi sẽ mắc sai lầm, và qua đó các bạn sẽ học hỏi” (Lenin, Báo cáo hoạt động của Hội đồng các uỷ viên nhân dân, 11/24 tháng giêng 1918, Lenin, 1970, tr 551).

[6] Dưới thời Nga hoàng, thủ đô được đặt ở St. Petersburg, đến thời Thế chiến lần thứ nhất, cái tên nghe có vẻ Đức quá nên đã được đổi thành Petrograd. Khi Lenin từ trần (1924), thành phố được gọi là Leningrad, đến khi Liên Xô sụp đổ, lại mang tên cũ. Liên Xô, và những nước chư hầu ngoan ngoãn cũng theo đuôi, có tập tục khác thường là đặt địa danh theo chính trị, mà chính trị thì nhiều khi sớm nắng chiều mưa. Chẳng hạn thành phố Tsaritsyn trên bờ sông Volga trở thành Stalingrad. Dưới cái tên này, thành phố ấy đã đi vào lịch sử như một trận đánh anh dũng nhất của Thế chiến lần thứ nhì, nhưng sau khi Stalin chết, nó trở thành Volgograd. Khi chúng tôi viết những dòng này, thành phố còn mang tên Volgograd.

[7] Phe đa số ôn hoà của lực lượng xã hội dân chủ được gần 38 % phiếu bầu – lần đầu tiên họ giành được tỉ số cao như vậy – còn phe xã hội độc lập, cách mạng, được khoảng 7,5 % phiều bầu.

[8] Thất bại của chính thể cộng hoà này tạo ra một đợt tị nạn chính trị và trí thức toả ra khắp thế giới, một vài người sau này lại đi làm nên những sự nghiệp bất ngờ, thí dụ như Sir Alexander Korda, một đại gia của ngành điện ảnh, hay diễn viên Bela Lugosi, ngôi sao trong cuốn phim (kinh hoàng) Dracula đầu tiên.

[9] Đệ nhất quốc tế là Hiệp hội quốc tế những người lao động do Karl Marx thành lập (1864-1872).

Print Friendly and PDF