MỘT NĂM ĐIỀU TRA, 96 PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG: “HỒ SƠ PARADISE” LÀ GÌ?
Cuộc điều tra, được điều phối bởi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), căn cứ trên hơn 13 triệu tài liệu từ ba nguồn.
LE MONDE | 05.11.2017
“Hồ sơ Paradise” đề cập đến một cuộc điều tra được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 96 đối tác truyền thông từ 67 quốc gia, trong đó có Le Monde, The Guardian và The New York Times, tiến hành.
Nguồn gốc của cuộc điều tra này?
Những tiết lộ được công bố kể từ ngày 5 tháng 11 năm 2017, sau một năm hợp tác điều tra của gần 400 nhà báo, căn cứ trên một sự rò rỉ (“leak” trong tiếng Anh) các tài liệu lần đầu được chuyển, vào năm 2016, cho nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức bởi một nguồn tin giấu tên.
Các dữ liệu là gì?
“Hồ sơ Paradise” bao gồm ba tập hợp dữ liệu, tổng cộng gần 13,5 triệu tài liệu:
1. 6,8 triệu tài liệu nội bộ của tập đoàn Appleby: các tài liệu này vén lên bức màn về những cách làm và những khách hàng của một trong các công ty hàng đầu của nền tài chính hải ngoại (finance offshore), có trụ sở ở Bermuda nhưng có mặt trong hàng chục thiên đường thuế;
2. 566.000 tài liệu nội bộ của tập đoàn Asiaciti Trust, có trụ sở ở Singapore;
3. 6,2 triệu tài liệu từ các cơ quan đăng ký thành lập công ty của mười chín thiên đường thuế (Antigua and Barbuda, Aruba, Bahamas, Barbados, Bermuda, Dominica, Grenada, Quần đảo Cayman, Quần đảo Cook, Quần đảo Marshall, Labuan, Lebanon, Malta, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu): các nước này được đặc trưng bởi một mức độ cao về sự thiếu minh bạch, nên cho đến nay khó mà, thậm chí là không thể biết được danh tính các giám đốc và cổ đông của các công ty tại các nước này.
Mang tính không đồng nhất rất cao, các nguồn khác nhau trên đã dẫn chúng tôi đến những thông tin thuộc nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi có thể tìm thấy trong “Hồ sơ Paradise” một phần của thiết kế cấu trúc thuế của một công ty đa quốc gia ở Appleby, danh tính của những người núp đằng sau một trust ở Asiaciti và họ tên của một người Pháp trong những cổ đông của một công ty thuộc đảo Malta. Giống như các chiến dịch trước đây của ICIJ (“Offshore Leaks”, “LuxLeaks”, “SwissLeaks”, “Panama Papers”), các tài liệu này thường chỉ là điểm khởi đầu của một cuộc điều tra, được tiếp diễn với sự trợ giúp từ nhiều nguồn và liên lạc khác, cho phép hiểu rõ hơn những thiết kế và xác minh những thông tin phát sinh từ vụ “rò rỉ”.
Hơn bao giờ hết, sự phức tạp của các cấu trúc được phát triển bởi những luật sư và chuyên gia thuế vụ giỏi nhất của hành tinh offshore đã dẫn chúng tôi đến việc phải nhờ đến các chuyên gia để mổ xẻ và phân tích các cấu trúc đó, để hiểu được chúng và giải thích chúng.
Toàn bộ các tài liệu có được công bố không?
Tuân thủ quy tắc ứng xử của ICIJ trong các cuộc điều tra trước đây, toàn bộ nội dung của “Hồ sơ Paradise” sẽ không được công bố cũng như không được cung cấp cho các nhà chức trách. Các đối tác truyền thông của cuộc điều tra không phải là người hỗ trợ tư pháp. Họ tin rằng công việc nghiêm túc và dài hạn của báo chí là cần thiết để giải thích các tài liệu này và trích xuất những thông tin có tính lợi ích công cộng.
Ngược lại, ICIJ sẽ đưa lên mạng, trong tháng 11, một số thông tin về toàn thể các công ty offshore của vụ “rò rỉ” thông tin, tương ứng với các dữ liệu cơ bản mà công chúng có thể tiếp cận trong thẩm quyền của một nền tư pháp không bí mật (ngày thành lập công ty, các giám đốc, các cổ đông, v.v.). Các thông tin này, xuất phát từ 19 cơ quan đăng ký thành lập công ty của các thiên đường thuế và từ tập tin khách hàng của Appleby, sẽ được bổ sung vào các cơ sở dữ liệu của vụ rò rỉ OffshoreLeaks, vốn đã chứa những thông tin tương tự từ các cuộc điều tra các vụ rò rỉ “Offshore Leaks”, “Panama Papers” và “Bahamas Leaks”.
ICIJ, một ban biên tập ảo khổng lồ
Gerard Ryle (1965-) |
Will Fitzgibbon |
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) được thành lập vào năm 1997 và hiện nay đã có hơn 200 phóng viên-nhà báo ở 70 quốc gia. “Chúng tôi chỉ là những người hỗ trợ cho cuộc điều tra,” theo lời giải thích của Gerard Ryle, giám đốc của ICIJ. Trong mỗi chiến dịch (“OffshoreLeaks”, “SwissLeaks”, “LuxLeaks”, “Hồ sơ Panama” hoặc “Hồ sơ Paradise”), từng ban biên tập sẽ điều thêm một số các nhà điều tra cần thiết, trong vòng bảo mật hoàn toàn, và lựa chọn những chủ đề muốn đề cập.
“ICIJ đã được thành lập do có một nhu cầu, đối với các nhà báo, tiến hành những cuộc điều tra kéo dài, một điều không thể xảy ra hằng ngày,” theo lời của Will Fitzgibbon, một trong những ký giả thường trực [của ICIJ]. Ban biên tập ảo khổng lồ này được điều phối từ Washington, nơi mà đội ngũ của ICIJ cung cấp – miễn phí – cho các đối tác truyền thông, thông qua các hệ thống được mã hóa, những dữ liệu được trích xuất từ một vụ rò rỉ thông tin (“leak” trong tiếng Anh) có một lợi ích công cộng. Tập đoàn được tài trợ vừa từ các mạnh thường quân, mà danh sách được công khai, và vừa từ sự quyên góp tư nhân.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
* * *
“HỒ SƠ PARADISE”, NHỮNG TIẾT LỘ MỚI VỀ 350 TỶ US$ TRỐN THUẾ
13,5 triệu tài liệu, trong đó phần lớn xuất phát từ một công ty luật chuyên về hoạt động tài chính offshore, đã được báo “Le Monde”, kết hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 95 đối tác truyền thông, phân tích.
LE MONDE | 06.11.2017
Hồ sơ Paradise: những tiết lộ của ICIJ và 96 phương tiện truyền thông về hàng tỷ US$ trốn thuế. QUENTIN HUGON / LE MONDE |
Có điểm gì chung giữa Wilbur Ross và Rex Tillerson, những người đàn ông quyền lực của Nhà Trắng, Stephen Bronfman, người gây quỹ cho Đảng Tự do của Canada và là người thân cận của Thủ tướng Justin Trudeau, và cả những công ty đa quốc gia như Nike và của Apple, các nhân vật siêu giàu của Pháp, các chính trị gia đầu sỏ của Nga, các doanh nhân của châu Phi và các siêu sao thể thao?
Họ chia sẻ sự phanh phui của “Hồ sơ Paradise”, một cuộc điều tra quốc tế mới về các thiên đường thuế và ngành kinh doanh offshore, mà báo Le Monde công bố vào ngày hôm nay, kết hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 95 đối tác truyền thông trên thế giới, trong đó có tờ Süddeutsche Zeitung ở Đức, The Guardian ở Vương quốc Anh và New York Times ở Hoa Kỳ.
Mười tám tháng sau “Hồ sơ Panama”, cuộc điều tra này, huy động đến một chục nhà báo của LeMonde trong hơn một năm, đặc biệt khai thác bảy triệu tài liệu từ một sự rò rỉ lớn (leak trong tiếng Anh) các dữ liệu xuất phát từ một công ty luật quốc tế, Appleby, có trụ sở tại Bermuda. Cuộc điều tra này giáng xuống một đòn mới, làm sáng tỏ những lỗ đen của ngành tài chính toàn cầu và tiết lộ, thông qua các chương trình tối ưu hóa thuế tinh vi, cách thức mà hàng ngàn tỷ đô la luôn thoát khỏi hệ thống thuế của các quốc gia và các cơ quan điều tiết.
Gabriel Zucman (1986-) |
Theo những tính toán của Gabriel Zucman, nhà kinh tế học người Pháp và là giáo sư tại Đại học Berkeley, California, đặc biệt dành riêng cho báo Le Monde và ICIJ, việc các công ty và các nhân vật giàu có tránh thuế làm thất thoát 350 tỷ euros tiền thuế mỗi năm cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có 120 tỷ euros cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Đối với Pháp, mức thất thoát lên đến 20 tỷ euros mỗi năm. Đây là lần đầu tiên có được một con số ước tính chi tiết và toàn diện như vậy.
Ngược với “Hồ sơ Panama”, cuộc điều tra mới này ít đề cập đến các vụ rửa tiền bẩn, bắt nguồn từ việc trốn thuế và từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp khác (buôn bán vũ khí, ma túy...), mà đề cập đến các chương trình hợp pháp được dàn dựng bởi những đội ngũ các chuyên gia về tối ưu hóa thuế. Số tiền, ở đây, thường tránh được thuế một cách hợp pháp hoặc ở các ngưỡng của tính hợp pháp, nhờ vào các sơ hở trong hệ thống thuế quốc tế.
Những sơ hở để lách luật
Công ty luật Appleby, nơi phát sinh các tài liệu chính của vụ rò rỉ dữ liệu mới, nằm trong số những thương hiệu “Rolls Royce” của ngành tài chính hải ngoại. Trong số những công ty có trụ sở tại các thành phố lớn, tại các phố tài chính như City of London hay Wall Street ở New York. Trong số những công ty được mời tham dự các hội nghị quốc tế về trách nhiệm [kinh doanh] offshore và thuộc những công ty được nêu lên như là một ví dụ trong việc bảo vệ một ngành công nghiệp mà uy tín gắn với những vụ bê bối được lặp đi lặp lại.
Công ty luật Appleby quy tụ 700 nhân viên làm việc cho giới tinh hoa kinh doanh toàn cầu: một tập hợp những nhân vật siêu giàu và những công ty đa quốc gia có uy tín, được thành lập tại các trung tâm tài chính hải ngoại năng động nhất, trong đó có Bermuda, quần đảo Cayman, Jersey hay quần đảo Man...
Văn phòng của công ty luật Appleby trên đảo Man. ED ALCOCK / MYOP CHO LE MONDE |
Các luật sư của Appleby không phải là những người dễ giẫm đạp lên luật lệ với thái độ tự do quá trớn như các đồng nghiệp Panama ở công ty luật Mossack Fonseca. Tự hào về uy tín của mình, họ chú trọng đến việc làm hài lòng khách hàng bằng cách đẩy lùi càng xa càng tốt các ranh giới của tính hợp pháp. Chính điều này làm nên tinh thần và ích lợi của cuộc điều tra mới này. Nó mở ra một ngành công nghiệp offshore không ngừng chuyển động để tìm ra, trong các quy định của nhà nước, những sơ hở để lách luật và tránh thuế.
Trong những ngày tới, “Hồ sơ Paradise” sẽ phanh phui những bí mật ở nước ngoài của các công ty đa quốc gia nổi tiếng, trong đó có các công ty của Pháp, những công ty đã chuyển, một cách giả tạo, các dòng chảy tài chính của họ sang những lãnh thổ có thuế suất bằng 0, nhằm mục đích nộp thuế càng ít càng tốt tại những nơi mà họ thực sự hoạt động kinh doanh. Những bí mật này cũng chỉ ra các tập đoàn lớn núp đằng sau vô số các công ty bình phong, để thoát khỏi sự kiểm soát. Cuối cùng, những bí mật của các công ty khai thác mỏ, sử dụng các thiên đường thuế như là bình phong cho các hoạt động kinh doanh đáng ngờ.
Du hành trong lòng châu Âu của nền tài chính hải ngoại
“Hồ sơ Paradise” cũng làm cho bạn du hành... Địa Trung Hải, quần đảo Malta, và biển Ireland, trên đảo Man. Hai vùng lãnh thổ đảo đó, mặc cho diện nhỏ bé, là gánh nặng cho các khoản thu nhập thuế của Liên minh châu Âu (EU) khi thu hút các du thuyền và máy bay phản lực riêng của các tỷ phú, các công ty bảo hiểm và các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến, nhờ vào chính sách giảm thuế và các mưu mẹo khác về các quy định...
Hồ sơ Paradise cho phép thâm nhập vào trung tâm các quy định của các nước châu Âu nổi bật như Ireland và Hà Lan, những nước không có gì để ghen tị với Bermuda và quần đảo Cayman về mặt tối ưu hóa thuế. Vụ rò rỉ dữ liệu mới này cuối cùng cũng cung cấp cho công chúng những thông tin trong các sổ đăng ký kinh doanh của mười chín thiên đường thuế mờ ám nhất của hành tinh, vốn thường rất khó tiếp cận hoặc đơn giản là không thể tiếp cận, từ Barbados đến Vanuatu, qua Lebanon và quần đảo Cook.
Những câu chuyện này, khi được nối với nhau, tạo nên một thế giới khác biệt, nơi mà thuế không tồn tại. Một thế giới dành cho các giới tinh hoa của thế kỷ XXI. Một thế giới làm nổi bật vấn đề sự công bằng của thuế và việc chia sẻ thuế giữa những người nộp thuế có khả năng tránh thuế và những người không có khả năng làm xiếc trên hóa đơn thuế của mình. Cuối cùng, một thế giới coi thường những nỗ lực điều tiết của các quốc gia.
Trên thực tế, mặc sự siết chặt gần đây các luật lệ và các quy định, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy về các thiên đường thuế thông qua việc thiết lập các cấu trúc siêu mờ ám như các công ty bình phòng và các công ty ủy thác, những thực thể theo luật Anglo-Saxon này, trong đó có quần đảo Cayman, Bermuda và Jersey, đã làm nên sự giàu có của họ. Đồng thời, cũng thông qua các trung gian tài chính mà quyền lực gây tác hại dường như chưa bao giờ mạnh đến thế.
Như vậy, “Hồ sơ Paradise” chiếu rọi vào nhiều công ty, giống như công ty Appleby, mà từ lâu đã bị bỏ qua trong cuộc chiến chống các thiên đường thuế. Thế nhưng chính các công ty này góp phần, bằng thiên tài pháp lý của mình, làm mờ đục một thế giới tài chính mà các quốc gia luôn gặp rất nhiều khó khăn để kiểm soát.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les “Paradise Papers”, nouvelles révélations sur les 350 milliards cachés de l’évasion fiscale, Le Monde, 06.11.2017.