CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ HỌC THỰC SỰ NÓI LÊN ĐIỀU GÌ
Điểm lại các quy tắc của kinh tế học: Những cái đúng và sai của khoa học buồn thảm, của tác giả Dani Rodrik (Norton, 2015)
Peter Turchin
Đại học Connecticut Seshat: Global History Databank [Seshat: Ngân hàng Dữ liệu Lịch sử Toàn cầu]
Dòng quảng cáo trên áo khoác cho cuốn Economics Rules [Các quy tắc của kinh tế học] có đoạn: “Trong kiệt tác sắc nét này, Dani Rodrik, một nhà phê bình hàng đầu từ trong giới kinh tế học, đã nhìn cận cảnh kinh tế học để xem khi nào thì nó thất bại và khi nào thì nó hiệu quả, để mang lại một báo cáo lạc quan đáng ngạc nhiên về bộ môn”. Tôi hoàn toàn đồng ý với hầu hết lời mô tả này, trừ chữ “lạc quan”. Bởi vì tôi sẽ giải thích cho đến cuối bài phê bình này, quan điểm của tôi về kinh tế học, và, đặc biệt, về vai trò của các nhà kinh tế trong các chính sách công, một quan điểm phê phán hơn nhiều.
Một chủ đề trung tâm trong cuốn sách là vai trò của các mô hình toán học trong kinh tế học. Các mô hình chính thức về kinh tế học và các khoa học xã hội khác thường bị đánh giá thấp. Theo các nhà phê bình (trong đó có một số nhà kinh tế, nhiều nhà khoa học xã hội khác, và đại đa số các nhà sử học), thì các mô hình này đơn giản hoá quá đáng thực tế phức tạp, sử dụng những giả định phi thực tế và chối bỏ vai trò “trung gian” gắn với con người.
Rodrik bác bỏ lời phê bình này. Theo ông, các mô hình toán học – “sự đơn giản hóa được thiết kế để chỉ ra cách thức hoạt động của những cơ chế cụ thể, qua việc cô lập chúng với các cơ chế khác, với các hiệu ứng gây nhiễu” – là sức mạnh đích thực của kinh tế học. Một mô tả thực tế được đơn giản hoá không phải là một thiếu sót, đó là bản chất của một mô hình tốt.
Peter Turchin (1957-) |
Tôi được đào tạo về sinh học toán học, và khi còn là một sinh viên đại học trong những năm 1980 tôi đã nhìn thấy đoạn cuối của “Cuộc chiến Toán học” trong sinh thái học. Vào những năm 1990 cuộc chiến đã ngả ngũ, và bất kỳ một khoa sinh thái và tiến hóa đáng kính nào đều phải có ít nhất một người thiết kế mô hình trong đội ngũ giảng viên. Ngày nay, đại đa số các nhà sinh thái học đều đồng ý rằng một khoa học không thể trở thành một Khoa học cho đến khi và trừ khi nó phát triển một cấu trúc rõ ràng về lý thuyết toán học.
Trong các ngành khoa học xã hội, nhiều bộ môn khác nhau đã tiến hành sự chuyển đổi này vào nhiều thời điểm khác nhau, với kinh tế học đứng đầu trong nhóm chậm trễ [chuyển đổi], như sử học, chỉ mới tiến hành quá trình chuyển đổi này bây giờ (từ nay có động lực học lịch sử (cliodynamics) – xem “lịch sử như là một khoa học”, điều đáng lưu ý là hầu hết các nhà sử học Mỹ đều coi lịch sử không như là một khoa học xã hội, mà là một khoa học nhân văn).
Do đó, tôi đã có một chút bối rối khi đọc lời bào chữa của Rodrik cho các mô hình toán học (liệu các nhà kinh tế đã giải quyết xong chưa Cuộc chiến Toán học?). Nhưng đó là một lời bào chữa xuất sắc – tất cả các nhà động lực học lịch sử có nhiệt huyết nên đọc cuốn Economics Rules [Các quy tắc của kinh tế học], cho dù chỉ vì lý do này mà thôi.
Danh mục các lý do vì sao chúng ta cần đến các mô hình toán học trong một bộ môn khoa học là điều quen thuộc đối với tất cả những ai đã có nhiều kinh nghiệm về thiết kế mô hình (và đối với những ai chưa có kinh nghiệm đó, tôi đề nghị nên đọc Chương 1 và 2 của cuốn Các quy tắc của kinh tế học). Các mô hình làm rõ logic của các giả thuyết, đảm bảo các tiên đoán thực sự được xây dựng trên những tiên đề, mở ra những khả năng phản trực giác, gợi ý cách thức các tiên đoán có thể được kiểm định, và cho phép tích lũy kiến thức. Ưu điểm về tính rõ ràng của các mô hình toán học đối với các nhà khoa học đã được minh họa một cách tốt trong đoạn trích sau đây từ cuốn Các quy tắc của kinh tế học: “Ngày nay, chúng ta vẫn không ngừng tranh luận về những gì mà Karl Marx, John Maynard Keynes, hoặc Joseph Schumpeter thực sự muốn nói... Ngược lại, không có bút mực nào nói về những gì mà Paul Samuelson, Joe Stiglitz, hay Ken Arrow có trong đầu khi họ phát triển những lý thuyết đã mang lại giải thưởng Nobel cho họ “Sự khác biệt là gì? Ba nhà kinh tế đầu đã xây dựng các lý thuyết của họ phần lớn bằng lời văn, trong khi ba nhà kinh tế sau đã phát triển các mô hình toán học.
Dani Rodrik (1957-) |
Tuy nhiên, giá trị của cuốn sách không chỉ là việc cân nhắc tính hữu dụng của các mô hình toán học. Như Rodrik đã lưu ý ngay từ đầu cuốn sách, “kinh tế học, nói chung, là khoa học xã hội duy nhất vẫn còn gần như không thể hiểu được đối với những ai không trải nghiệm quá trình học nghề cần thiết tại trường đại học”. Và kinh tế học “không thể hiểu được” không phải là vì các mô hình toán học, ít nhất không phải đối với những những ai đã được đào tạo về các khoa học tự nhiên toán học (toán học mang tính phổ quát), mà là vì các nhà kinh tế đã phát triển một biệt ngữ hoàn toàn khác biệt, đặt mình tách khỏi các bộ môn khác và tạo ra những rào cản nhân tạo để hiểu được nhiều kiến thức sâu sắc thực sự đáng giá từ các mô hình kinh tế học.
Do tôi chưa “trải nghiệm quá trình học việc cần thiết”, tôi thấy những lời giải thích của Rodrik rất hữu ích về những kiến thức sâu sắc của những mô hình cổ điển như thế trong kinh tế học, như First Fundamental Theorem of Welfare Economics [Định lý cơ bản đầu tiên của Kinh tế học Phúc lợi], Principle of Comparative Advantage [Nguyên lý Lợi thế so sánh], và General Theory of Second Best [Lý thuyết tổng quát của tối ưu cấp hai]. Điều đặc biệt sáng tỏ là cuộc thảo luận về những gì xảy ra đối với những kết quả cơ bản của một mô hình, khi chúng ta bắt đầu nới lỏng một cách có hệ thống nhiều giả định khác nhau mà nó phụ thuộc. Phần này của cuốn sách, cùng với các tài liệu tham khảo mà Rodrik đã viện dẫn, có thể được xem như là cơ sở cho một khóa học mini tuyệt vời về những gì mà lý thuyết kinh tế học thực sự muốn cho chúng ta biết.
Và thông điệp chung từ cuộc thảo luận này là nếu chúng ta muốn hiểu những Câu hỏi lớn [Big Questions] – khi nào thì thị trường hoạt động hiệu quả hay thất bại, cần những gì để cho các nền kinh tế tăng trưởng, và hiệu ứng của sự thâm hụt chi tiêu là gì – thì không phải chỉ có một mô hình cơ bản, “Mô hình”. Thay vào đó, chúng ta cần phải nghiên cứu một loạt các mô hình, mỗi mô hình nói lên một phần câu chuyện.
Cho đến đây, mọi thứ vẫn tốt đẹp. Nhưng theo tôi, Rodrik đã đi quá xa khi phủ nhận giá trị của lý thuyết tổng quát. Có một lúc, ông đã viết, “xã hội không có các luật cơ bản – ít nhất theo cùng cách của tự nhiên.” Và “cùng một lý thuyết tiến hóa cũng áp dụng ở cả Bắc bán cầu lẫn Nam bán cầu”, nhưng “các mô hình kinh tế thì khác nhau.”
Không hẳn vậy. Hãy thử lấy lý thuyết tiến hóa. Đó không phải là một mô hình đơn nhất. Đó là một khung lý thuyết bao gồm hàng trăm, có lẽ hàng ngàn trường hợp đặc biệt về mô hình, mỗi mô hình chỉ nói lên một phần câu chuyện. Để dẫn chứng hãy lấy một ví dụ, các sách giáo khoa về lý thuyết tiến hóa thường bắt đầu bằng một mô hình đơn locus với hai gen (cho chúng ta Cân bằng Hardy-Weinberg nổi tiếng). Nhưng bạn sẽ cần có nhiều mô hình khác nhau cho các sinh vật đơn bội (chẳng hạn như vi khuẩn, thứ có một nhiễm sắc thể đơn chưa kết đôi), hoặc cho các sinh vật sinh sản vô tính; và còn một tập hợp các mô hình khác cho sự lựa chọn theo kiểu ngoại cảnh. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau về mô hình hóa, nhưng có một sự thống nhất về mặt lý thuyết trong sinh học tiến hóa. Đặc biệt, khung khái niệm của lý thuyết tiến hóa cung cấp một tập hợp những hướng dẫn cho các nhà lý thuyết về việc sử dụng mô hình nào trong một bối cảnh nào đó.
Và tôi không thấy được làm thế nào tình hình lại khác trong kinh tế học (và rộng hơn, là trong các khoa học xã hội). Vâng, có rất nhiều mô hình về kinh tế học, nhưng bạn không thể chọn ngẫu nhiên một mô hình (hoặc tệ hơn, “chọn lựa cẩn thận hơn” trong số những kết quả nào phù hợp với nghị trình ý thức hệ của bạn). Có các quy tắc để lựa chọn những mô hình thích hợp, và Rodrik dành chương 3 trong cuốn sách của ông để giải thích các nguyên lý chung của việc lựa chọn mô hình trong kinh tế học. Nói cách khác, các khung lý thuyết không đơn giản là một tập hợp các mô hình, mà còn gồm có các quy tắc lựa chọn mô hình (và một vài thứ khác nữa).
Do đó, Rodrik đã bán khống tiềm năng của lý thuyết tổng quát trong các khoa học xã hội. Tất nhiên, đặc biệt là kinh tế học không có một khung lý thuyết được xây dựng một cách kỹ lưỡng, rõ ràng, và có giá trị thực nghiệm như sinh học tiến hoá (thế mà, sinh học tiến hóa lại tụt hậu sau nhiều chuyên ngành của vật lý học). Nhưng ai dám nói rằng kinh tế học sẽ không phát triển đến một cấp độ tương tự trong tương lai? Chúng ta sẽ thấy được điều đó nếu còn sống đủ lâu.
Chúng ta hãy đổi đề tài và nói về Chương 5, “When Economists Go Wrong [Khi các nhà kinh tế đi sai đường]”. Để cho cuộc thảo luận sau đây cụ thể hơn, tôi sẽ tập trung vào một kết quả lý thuyết cụ thể trong kinh tế học, Principle of Comparative Advantage [Nguyên lý của lợi thế so sánh], và những gì mà nguyên lý này hàm ý cho chính sách thương mại. Trên báo chí cho đại chúng, tất nhiên, lợi thế so sánh luôn được sử dụng như là một sự biện minh cho thương mại tự do. Rodrik đã làm một việc đáng khâm phục là giải thích vì sao, với nhiều điều kiện khác nhau, thương mại tự do có thể dẫn đến những hệ quả thực sự tiêu cực cho các nền kinh tế và người dân của những quốc gia tự mở cửa cho cuộc cạnh tranh quốc tế. Ví dụ, đó là hành vi chiến lược. Một quốc gia có thể chọn cách bảo vệ ngành công nghiệp trong nước của họ với các loại thuế cao và trợ cấp cho ngành xuất khẩu của họ để giành thị phần. Có lẽ, các nhà lãnh đạo của các quốc gia đó không hiểu về Nguyên lý của Lợi thế So sánh, không có cơ hội học nghề về kinh tế học. Hoặc có lẽ họ quan tâm nhiều hơn đến sự sống còn lâu dài của đất nước họ trong một môi trường quốc tế hỗn loạn, hơn là tạo ra lợi nhuận trước mắt.
Trong một đoạn đặc biệt đáng chú ý trong cuốn sách, Rodrik viết:
Hãy xem xét cách thức mà việc mở cửa thương mại – một trong những điểm chính của đồng thuận Washington – được cho là sẽ vận hành. Khi các rào cản nhập khẩu bị cắt giảm, thì những doanh nghiệp nào không có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa, giải toả các nguồn lực của họ (người lao động, nguồn vốn, các nhà quản lý) cho các khu vực khác của nền kinh tế sử dụng. Trong khi đó, những lĩnh vực nào hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, sẽ mở rộng quy mô, thu hút các nguồn lực nói trên và tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Khi các nước ở châu Mỹ Latinh và châu Phi sử dụng chiến lược này, thì phần đầu của dự báo này được hiện thực hóa phần lớn, nhưng với phần thứ hai thì không. Các doanh nghiệp chế tạo sản xuất, trước đây được các rào cản nhập khẩu bảo vệ, đã bị ảnh hưởng lớn. Nhưng, sự mở rộng các hoạt động mới, định hướng xuất khẩu dựa trên công nghệ hiện đại thì bị tụt hậu. Người lao động tràn ngập các khu vực dịch vụ không quan trọng và kém năng suất, chẳng hạn như buôn bán nhỏ. Năng suất nói chung bị tác động. [chữ in nghiêng là của tôi]Các kết quả của Đồng thuận Washington ở châu Mỹ Latinh và châu Phi tương phản rõ nét với kinh nghiệm của các nước Châu Á... . Thay vì tự do hoá nhập khẩu sớm, Hàn Quốc, Đài Loan, và sau đó là Trung Quốc, tất cả đều bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách trợ cấp trực tiếp cho ngành chế tạo sản xuất trong nước... . Tất cả đều tiến hành các chính sách công nghiệp để nuôi dưỡng các ngành chế tạo sản xuất mới và giảm phụ thuộc kinh tế vào các tài nguyên thiên nhiên.
Như lời nhấn mạnh của Rodrik một cách đúng đắn, những trường hợp này không chứng minh được rằng kinh tế học chuẩn là sai. Nói tóm lại, “những ai ủng hộ tự do thương mại bởi vì nó sẽ mang lại lợi ích cho mọi người có lẽ không hiểu cách thức mà lợi thế so sánh thực sự vận hành”.
Những mô hình nào được phát triển để chỉ ra “cách thức mà các thị trường thực sự vận hành hiệu quả – hoặc thất bại – trong những môi trường có thu nhập thấp với rất ít doanh nghiệp, nhiều rào cản thâm nhập thị trường, thông tin nghèo nàn và các định chế hoạt động một cách trục trặc, thì các mô hình thay thế này được cho là không thể thiếu được” – qua việc nói cho chúng ta biết vì sao những nước theo Đồng thuận Washington thất bại, và vì sao những nước không theo nó thì lại thành công.
Bryan Riley |
Nhưng rồi làm thế nào để giải thích việc gần như tất cả các nhà kinh tế – 96% – đều đồng ý với lời phát biểu sau: “Tự do thương mại cải thiện hiệu quả sản xuất và mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn tốt hơn và về lâu về dài những lợi ích này sẽ lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ hiệu ứng nào trên thất nghiệp “ (Politicians Should Listen to Economists on Free Trade [Các chính trị gia nên nghe các nhà kinh tế nói về thương mại tự do], của tác giả Bryan Riley, NXB The Heritage Foundation, ngày 01/02/2013; lời phát biểu trên được trích dẫn từ một cuộc khảo sát được Trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago tiến hành).
Rodrik lập luận rằng “vấn đề này liên quan nhiều hơn đến cách các nhà kinh tế đã tự trình bày trước công chúng hơn là đến nội dung của bộ môn.” “Trước công chúng, khuynh hướng là siết chặt hàng ngũ và hậu thuẫn cho thị trường tự do và thương mại tự do.”
Nhưng tại sao lại có một hố sâu khổng lồ như thế giữa những gì các nhà kinh tế biết và những gì họ nói trước công chúng? Một lời giải thích khả thi là các chính sách, chẳng hạn như chính sách thương mại tự do, trong khi thường gây thiệt hại đến đại đa số người dân, có xu hướng làm lợi cho các nhóm cục bộ nhỏ của giới tinh hoa kinh tế. Có lẽ những người chỉ trích từ cánh tả (và một số “nhà kinh tế phi chính thống”) là đúng, khi họ cáo buộc các nhà kinh tế nói những gì mà các thế lực đương quyền muốn chúng ta nghe.
Bất luận cách giải thích như thế nào, tôi không thể đồng ý rằng cuốn sách của Rodrik đã mang lại cho chúng ta “một báo cáo lạc quan đáng ngạc nhiên về bộ môn.” Kinh tế học có thể là một ngành học sống động, nhưng phần lớn sự phong phú của những kiến thức sâu sắc của nó thì ẩn mình trong các báo cáo hàn lâm, núp đàng sau lá chắn của biệt ngữ chuyên môn, khó hiểu đối với những người chưa trải nghiệm quá trình học nghề cần thiết. Và bằng cách siết chặt hàng ngũ và hậu thuẫn thị trường tự do và tự do thương mại một cách vô điều kiện, các nhà kinh tế đã lừa dối chúng ta, công chúng. Đây là lý do vì sao chúng ta cần thêm nhiều cuốn sách như cuốn Economics Rules [Các quy tắc của kinh tế học] – để có thể hiểu được những gì mà các mô hình kinh tế học thực sự muốn nói cho chúng ta biết.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: What Economics Models Really Say, Cliodynamics, 8(1), 2017.