21.11.17

Tăng trưởng tối ưu



TĂNG TRƯỞNG TỐI ƯU

Optimal Growth
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 ARROW, 1972 SAMUELSON, 1970 SOLOW, 1987
John Rawls (1921-2002)
Kenneth Arrow (1921-2017)
Vấn đề công bằng và phúc lợi xã hội, đối tượng của nhiều nghiên cứu tĩnh vẫn là một vấn đề khó đề cập và ít được nghiên cứu trong một cách nhìn động. Một lí do nội tại là tính không thể đảo ngược của thời gian. Một thế hệ có thể hi sinh cho những thế hệ tương lai hay ngược lại phung phí những nguồn lực sẵn có với số lượng giới hạn; nhưng những thế h tương lai không thể bù đắp một hi sinh đã qua cũng như không thể đòi hỏi một phần công bằng khi chưa ra đời. Ý tưởng bình đẳng thường đối lập với ý tưởng tiến bộ. Arrow đã chỉ ra là việc áp dụng tiêu chí của Rawls vào những thế hệ nối tiếp nhau có hệ quả là làm ngưng tăng trưởng; Rawls đã thừa nhận là tiêu chí maximin không thể áp dụng được để xác định một tỉ suất tiết kiệm công bằng (bài viết của Arrow được công bố năm 1973 trong Sweedish Journal of Economics, bài của Rawls trong American Economic Review năm 1974)
Trình bày dưới đây về tăng trưởng tối ưu chỉ nhằm vào vài yếu tố trung tâm: mô hình Ramsey, qui tắc vàng và tối ưu dài hạn, tỉ suất ưa thích hiện tại và cuối cùng là quan hệ giữa nhà làm kế hoạch và người tiêu dùng tiêu biểu với tuổi thọ vô tận.

Mô hình Ramsey

Frank Ramsey (1903-1930)
John M. Keynes (1883-1946)
Trên nhiều mặt, có vẻ là không thể vượt qua nghiên cứu tăng trưởng tối ưu của Ramsey (Economic Journal, 1928). Nghiên cứu này dựa trên một nguyên lí đạo đức rõ ràng bằng cách gán một trọng lượng giống nhau cho tất cả các thế hệ, nghiên cứu này chấp nhận một lời giải đơn giản mà trực giác do Keynes gợi ý là có tính soi sáng.
Ramsey áp dụng nguyên lí công lợi vào tăng trưởng tối ưu và tối đa hoá tổng những lợi ích không được hiện tại hoá vì, như ông viết: So sánh những vui thích sau này với những vui thích trước đó bằng một tỉ suất chiết khấu là một cách làm không thể bảo vệ được về mặt đạo đức và chỉ xảy ra do sự yếu kém của tưởng tượng.
Phản lợi ích của tiết kiệm bằng với lợi ích thực hiện được cận biên. Bằng một lập luận kinh tế đơn giản, Keynes chỉ ra là đẳng thức này là kết quả của việc đánh đổi giữa mất mát cận biên hiện hành và những thu hoạch tương lai.
Nghiên cứu của Ramsey có một tính hiện đại đáng ngạc nhiên (trong phần cuối của bài viết, Ramsey nghiên cứu động thái với những tác nhân hay triều đại có những tỉ suất ưa thích hiện tại khác nhau.) Tuy nhiên vấn đề phát biểu lại bài toán tăng trưởng tối ưu sẽ được đặt lại lần nữa khi hình dung giả thiết một dân số tăng không giới hạn.

Dân số tăng dần và tối ưu dài hạn

Maurice Allais (1911-2010)
Joan Robinson (1903-1983)
Ta có được cực đại của sản phẩm được tiêu dùng trên đầu người khi năng suất cận biên của tư bản bằng với tỉ suất tăng trưởng tự nhiên được giả định là ngoại sinh. Đó là qui tắc vàng cho được một đặc tính tối ưu dài hạn nhưng không nói gì cả đến động thái chuyển đổi. Đặc tính này được nhiều tác giả độc lập với nhau nghiên cứu (M. Allais, Econometrica, 1962; J. Desrousseaux, Annales des Mines, 1961; E. S. Phelps, American Economic Review, 1961; J. Robinson, Review of Economic Studies, 1962). Trong trường hợp của một dân số không đổi, Ramsey trước đó đã xác định cực đại tiêu dùng thực hiện được (bằng cách giả định rằng lợi ích tăng và bị chặn); điểm mới ở đây là kết quả của giả thiết về một tỉ suất tăng trưởng dương của dân số.
Đặc tính của qui tắc vàng như là cực đại của tiêu dùng dài hạn là một đặc tính tổng quát. Ví dụ, nó được áp dụng vào mô hình thế hệ đan chéo với tích luỹ tư bản của Allais và Diamond (bài của Diamond trong American Economic Review năm 1965. Việc phát hiện lại gần đây những công trình năm 1947 của Allais về mô hình thế hệ đan chéo được E. Malinvaud giải thích trong Journal of Economic Literature,1987). Nhưng qui tắc này không nói gì cả về thế nào là một phân phối công bằng giữa người già và người trẻ hay giữa người lao động và người hưu trí.
Abba Lerner (1903-1982)
Paul Samuelson (1915-2009)
Trong một bối cảnh rất khác, bối cảnh của mô hình thế hệ đan chéo không có tư bản, Samuelson (Journal of Political Economy, 1958) làm rõ lãi suất sinh học. Ông nghiên cứu cực đại lợi ích của vòng đời của các tác nhân có những tiêu dùng cá thể dừng; và ông cho thấy là lãi suất làm cho tối ưu này phi tập trung bằng với tỉ suất tăng trưởng của dân số. Định nghĩa của Samuelson về tính tối ưu bị Lerner phản bác nhân danh học thuyết công lợi tĩnh theo đó ở mỗi thời kì phải tối đa hoá tổng những lợi ích của những tiêu dùng hiện hành của các tác nhân còn sống. Cuộc tranh luận này trong Journal of Political Economy năm 1959 đối lập hai quan niệm về tối ưu dài hạn. Lerner quan tâm đến tính công bằng trong việc phân phối sản phẩm sẵn có giữa các thế hệ sống chung với nhau. Còn Samuelson tìm cách thực hiện phúc lợi tối đa cho mỗi thế hệ trong suốt vòng đời của mỗi thế hệ. Tất nhiên quan niệm của Samuelson là động hơn, nhưng vấn đề cơ bản của việc đánh đổi liên thời gian không có mặt trong cuộc tranh luận này.
Giả thiết dân số tăng dần đưa các nhà kinh tế đến việc viết lại bài toán của Ramsey bằng cách đưa vào một tỉ suất ưa thích hiện tại, mâu thuẫn với những ý tưởng đạo đức được xem là hiển nhiên (trong tác phẩm Towards a Dynamic Economics năm 1948, Harrod viết: Về giả thiết [] cho là chính phủ có khả năng kế hoạch hoá điều gì là tốt nhất cho những công dân của mình, ta sẽ không chú ý tới sự ưa thích thuần tuý hiện tại, một thành ngữ lịch sự để chỉ sự tham lam và việc đam mê chiếm lĩnh lí trí, trang 40).

Tăng trưởng tối ưu với tỉ suất ưa thích hiện tại

E. Malinvaud (1923-2015)
T. Koopmans (1910-1985)
Bây giờ chính giả thiết tỉ suất ưa thích hiện tại của nhà làm kế hoạch thường được xem là một điều đương nhiên. Thế mà không có bất kì biện minh nào cho giả thiết này cả, như chính ngay các nhà kinh tế đã đề xuất nó thừa nhận (trên điểm này, xem những bài viết của Koopmans và Malinvaud trong những kỉ yếu của cuộc hội thảo The Econometric Approach to Development Planning của Viện khoa học hàn lâm giáo hoàng, 1965). Để tự thuyết phục chỉ cần đọc kết luận của D. Cass (Review of Economic Studies, 1965): Tỉ suất chiết khấu xã hội dương khoác một vẻ ngoài giả dối lên một vấn đề khó, việc quyền số hoá thích hợp những thế hệ tương lai trong khái niệm phúc lợi tập thể, đặc biệt là khi dân số tăng trưởng (trang 240).
Một hệ quả nghiêm trọng của giả thiết ưa thích hiện tại của xã hội là sự phủ định qui tắc vàng, một qui tắc nay không còn là tối ưu trong dài hạn nữa (vấn đề này, theo tôi, dường như không được chú ý đúng mức: trên điểm này xem phê phán của tôi, CORE Discussion Paper n0 9039). Nếu nền kinh tế ở thế tối ưu dài hạn được xác định bởi qui tắc vàng thì nhà làm kế hoạch có một ưa thích hiện tại sẽ chọn tiêu dùng nhiều hơn. Như thế kết quả sẽ là nền kinh tế đi đến một trạng thái dừng trong đó tất cả những thế hệ tương lai sẽ tiêu dùng ít hơn. Trạng thái dừng này gọi là qui tắc vàng sửa đổi cũng tuỳ tiện như tỉ suất ưa thích hiện tại do nhà làm kế hoạch ấn định.
Khoảng cách giữa những quan điểm chuẩn tắc và thực chứng còn bị rút ngắn thêm nữa: với giả thiết có một tuổi th vô tận, tác nhân tư nhân sẽ có thể kế hoạch hoá những quyết định của mình cho cả tương lai.
Nhà làm kế hoạch và người tiêu dùng tiêu biểu với tuổi thọ vô tận
Robert Barro (1944-)
Người tiêu dùng tiêu biểu với tuổi thọ vô tận kế hoạch hoá đời mình trên cơ sở của phép tính cân bằng liên thời gian. Người này không biết đến những cuộc xung đột vì chỉ lãnh đạo có chính bản thân và khoan dung đối với chính mình. Tất nhiên người tiêu dùng tiêu biểu này khác với các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp hành động một cách hoàn toàn cạnh tranh và minh bạch. Khi không có ngoại ứng, người này chỉ khác với nhà làm kế hoạch về mặt hình thức. Sự tương đương ở cấp độ những hành vi thực tế của nhà làm kế hoạch với người tiêu dùng tiêu biểu là kết quả của định lí thứ nhất của kinh tế học phúc lợi: cân bằng cạnh tranh là một tối ưu Pareto và, khi chỉ có một người tiêu dùng độc nhất, thì đó là tối ưu duy nhất trùng khớp với giải pháp tập trung hoá của nhà làm kế hoạch.
Trong mô hình thế hệ đan chéo, đời sống của các tác nhân là hữu hạn. Nhưng họ có thể dự kiến toàn bộ tương lai, và nếu họ có lòng vị tha, tính đến lợi ích của con cháu và của tiền nhân. Như thế có thể hình thành một mắt xích những người cha cha truyền con nối biết hết mọi việc với mỗi người muốn cùng một việc cho tất cả mọi người, và hành vi của các tác nhân vị tha là kết quả của việc áp dụng nguyên lí Bellman vào một bài toán tối ưu hoá duy nhất với chân trời vô tận. Cách nhìn lí tưởng này (của R. J. Barro, Journal of Political Economy, 1974) cho phép triệt tiêu bằng những chuyển nhượng tư nhân những hiệu ứng của một chính sách vay nợ hay của một hệ thống hưu trí theo cơ chế phân bổ. Khi những chuyển nhượng tư nhân không bị ràng buộc thì hành vi cha truyền con nối giống với hành vi của một tác nhân tiêu biểu với tuổi th vô tận, điều này lập lại sự tương đương giữa những quan điểm thực chứng và chuẩn tắc.
Nhưng những chuyển nhượng tư nhân có thể bị ràng buộc, mắt xích bị cắt đứt và sự tương đương bị phá huỷ. Ví dụ, cân bằng cạnh tranh có thể là không hiệu quả trong mô hình thế hệ đan chéo với lòng vị tha do có ràng buộc tính không âm của di sản (P. Weil, Journal of Monetary Economics, 1987).
Robert Lucas (1937-)
Paul Romer (1955-)
Còn có một lí do quan trọng quan trọng khác buộc phải phân biệt những cách tiếp cận thực chứng và chuẩn tắc. Khi chịu những ngoại ứng thì tác nhân tiêu biểu không còn biết hết mọi việc. Những ngoại ứng dưới dạng bí quyết (Romer) hay tích luỹ vốn con người (Lucas) có một vai trò quan trọng trong lí thuyết tăng trưởng nội sinh (bài của Romer đăng trong Journal of Political Economy năm 1986 và bài của Lucas trong Journal of Monetary Economics năm 1988). Như thế phải phân biệt hai hành vi: hành vi của người tiêu dùng chịu tác động của những ngoại ứng mà sự hoàn thành đã được người này dự kiến hoàn hảo và hành vi của nhà làm kế hoạch tính đến tất cả các hiệu ứng.
Ta cũng có thể nghiên cứu tăng trưởng nội sinh không có ngoại ứng (Rebelo, Journal of Political Economy, 1991), và như thế loại bỏ tính nhị nguyên để cập bến lĩnh vực lí tưởng hoá trong đó quan điểm thực chứng chỉ khác quan điểm chuẩn tắc về mặt hình thức. Tuy không đi đến thái cực này, rõ ràng là sự phân biệt đã dần dần giảm bớt, đặc biệt là bằng cách trang bị cho nhà làm kế hoạch một tỉ suất ưa thích hiện tại mà sự biện minh duy nhất là để cho nó bằng với tỉ suất ưa thích hiện tại của người tiêu dùng tiêu biểu, bản thân người tiêu dùng này cũng được gán cho một tuổi thọ vô tận: như thế người ta đã gán cho mỗi một tác nhân này điều còn thiếu để giống với tác nhân kia.
Theo ý tôi, những điểm giống nhau này có hại cho cả hai quan điểm. Cách tiếp cận chuẩn tắc còn xa mới là thoả đáng và cần được đề cập một cách hệ thống hơn, qua đấy cách tiếp cận thực chứng chắc chắn sẽ hưởng lợi, cho dù là chỉ để xoá tan nhiều điểm lẫn lộn.
Philippe MICHEL
Giáo sư đại học Méditerranée (Aix-Marseille 2) và Viện đại học Pháp (Marseille)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Dân số học; Lãi suất; Thế hệ đan chéo; Thời gian; Tối ưu hoá và phân tích nhiều tiêu chí; Vòng đời (giả thiết)
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF