20.11.17

Những lo sợ cho tự do ngôn luận sau khi cuốn sách chỉ trích Trung Quốc không được xuất bản



NHỮNG LO SỢ CHO TỰ DO NGÔN LUẬN SAU KHI CUỐN SÁCH CHỈ TRÍCH TRUNG QUỐC KHÔNG ĐƯỢC XUẤT BẢN
Nhà xuất bản Allen & Unwin của Úc đã từ bỏ [việc xuất bản] một cuốn sách viết về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên chính trường và giới học thuật Úc, viện dẫn sự lo sợ về các hành động pháp lý từ chính phủ Trung Quốc hoặc từ các tổ chức được họ ủy nhiệm.
Giám đốc điều hành của nhà xuất bản, Robert Gorman, vào tuần trước, cho biết họ sẽ từ bỏ việc xuất bản một bản thảo hoàn chỉnh của Clive Hamilton, giáo sư về đạo đức công tại Đại học Charles Sturt, có tựa đề là Silent Invasion: How China Is Turning Australia into a Puppet State [Cuộc xâm lược thầm lặng: Trung Quốc đang biến nước Úc thành một nhà nước bù nhìn như thế nào].
Cuốn sách mới nhất của Clive Hamilton không được xuất bản
Nhà xuất bản Allen & Unwin của Úc đã từ bỏ [việc xuất bản] một cuốn sách của Clive Hamilton viết về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên chính trường và giới học thuật Úc, viện dẫn sự lo sợ về các hành động pháp lý từ chính phủ Trung Quốc hoặc từ các tổ chức được họ ủy nhiệm.
“Chúng tôi không nghi ngờ gì rằng cuốn Silent Invasion [Cuộc xâm lược thầm lặng] là một cuốn sách cực kỳ có ý nghĩa”, ông Gorman đã viết trong một email riêng gửi cho Tiến sĩ Hamilton vào ngày 8 tháng 11.
Tuy nhiên, ông Gorman nói trong email, được báo Fairfax Media thu thập, rằng ông lo ngại về “những mối đe dọa tiềm tàng đối với cuốn sách và công ty [nhà xuất bản] từ những hành động có thể có của Bắc Kinh”.
Tác giả Clive Hamilton: “Lý do họ đưa ra để không xuất bản cuốn sách này chính là lý do để cuốn sách cần được xuất bản.” Ảnh: Rohan Thomson
Ông Gorman nói “đe dọa nghiêm trọng nhất trong số những mối đe dọa này là khả năng rất cao bị vướng vào một hành động pháp lí phiền phức với cớ “vu khống gây tổn hại đến danh tiếng” để chống lại NXB Allen & Unwin, và cũng có thể chống lại cá nhân ông [Clive Hamilton]”.
Đối với “các tác nhân gây ảnh hưởng của Bắc Kinh”, “mục tiêu rõ ràng” là NXB Allen & Unwin, ông Gorman viết.
Mặc dù các nhà xuất bản Úc thường xuyên đối phó với các mối đe dọa về mặt pháp lý hoặc các hành động của tòa án từ những cá nhân được nêu tên trong các cuốn sách, nhưng điều đặc biệt hiếm thấy là một mối đe doạ cảm nhận được của việc một cường quốc nước ngoài ngăn cản hoặc trì hoãn xuất bản.
Bìa của cuốn sách bị từ bỏ xuất bản.
Tiến sĩ Hamilton cho biết: “Tôi không biết bất kỳ trường hợp nào khác trong lịch sử Úc, khi một cường quốc nước ngoài ngăn chặn việc xuất bản một cuốn sách chỉ trích nó”.
“Lý do họ đưa ra để không xuất bản cuốn sách này chính là lý do để cuốn sách cần được xuất bản”.
Trước đây, Tiến sĩ Hamilton đã viết tám cuốn sách do NXB Allen & Unwin xuất bản. Ảnh: Rohan Thomson
Ông lo ngại là mối đe dọa gây phiền toái và cảm nhận được, chứ không phải là một hành động pháp lý thực sự hoặc hợp lý, đã dẫn đến quyết định từ bỏ [việc xuất bản] cuốn sách.
Vào hôm chủ nhật, NXB Allen & Unwin đã lên tiếng: “Allen & Unwin đã xuất bản một số cuốn sách với Clive Hamilton, và hết sức tôn trọng ông và công trình của ông. Sau khi có nhiều lời khuyên pháp lý, chúng tôi đã quyết định trì hoãn việc xuất bản cuốn Silent Invasion [Cuộc xâm lược thầm lặng] của Clivecho đến khi một số vấn đề hiện tại, trước tòa án, được quyết định. Clive không muốn trì hoãn việc xuất bản và yêu cầu thực hiện các quyền của ông, theo những gì ông được quyền làm. Chúng tôi tiếp tục chúc ông may mắn với cuốn sách.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Đại sứ quán Úc ở Trung Quốc đã không trả lời những nỗ lực [của báo chí - ND] đi tìm một lời bình.
Cuốn sách của Tiến sĩ Hamilton, người trước đây đã xuất bản tám cuốn sách với NXB Allen & Unwin và là người đã nhận được Huân chương của Úc vì những đóng góp của ông vào các diễn đàn tranh luận công khai, xem xét những bằng chứng cho thấy có nhiều cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Úc vì những lợi ích chiến lược và chính trị.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr đã chỉ trích các bài tường thuật về ảnh hưởng của Bắc Kinh là bị thổi phồng. Ảnh: AAP
Trong khi các hoạt động như thế vẫn được các quốc gia khác thực hiện, thì các yếu tố trong chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh lại có tính bí mật hoặc không rõ ràng rất cao. Theo điều tra của giới truyền thông những cảnh báo từ cơ quan tình báo ASIO [Australian Security Intelligence Organization], thì các nỗ lực nói trên nhắm vào các chính trị gia và giới học giả người Úc.
Đáp lại, chính phủ của [Thủ tướng Úc] Turnbull có kế hoạch luật hóa để chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng cách đưa vào các điều khoản vi phm mới về việc ngăn cấm sự can thiệp của nước ngoài.
Nhà mạnh thường quân chính trị Chau Chak Wing đang khởi kiện báo Fairfax Media. Ảnh: Sahlan Hayes
Ông Gorman nói trong email gửi cho Tiến sĩ Hamilton rằng quan điểm của nhà xuất bản “sẽ mạnh hơn khi dự thảo luật nhắm vào sự ảnh hưởng của nước ngoài ở Úc được Nghị viện thông qua”.
Tuy nhiên, “có vẻ như đây là điều không có khả năng xảy ra từ giờ cho đến năm sau”, ông viết.
Ông Gorman cũng viết rằng nhà xuất bản tin rằng chính phủ Trung Quốc đang phối hợp công kích các bài tường thuật của giới truyền thông Úc khi tin rằng điều đó chỉ trích hoặc làm suy yếu chế độ độc tài của họ.
“Có vẻ như Bắc Kinh hiện đang tập trung vào những mục tiêu rộng lớn hơn. Nếu đeo đuổi một cách ác ý, thì kiểu hành động pháp lý phiền phức này từ một “tay cừ khôi” hoặc một đặc vụ cấp thấp của Bắc Kinh được đề cập trong cuốn sách có thể dẫn đến việc cuốn sách bị thu hồi không được bán, và cả ông và NXB Allen & Unwin bị cuốn vào một quá trình pháp lý tốn kém trong nhiều tháng trời liên tục hoặc lâu hơn”, ông Gorman cảnh báo Tiến sĩ Hamilton.
Một cựu quan chức cấp cao về an ninh quốc gia cho công ty truyền thông Fairfax Media biết rằng chính phủ Trung Quốc đã tìm cách sử dụng các hệ thống pháp luật của phương Tây để thúc đẩy hoặc bảo vệ lợi ích của họ.
Các luật về vu khống của Úc nổi tiếng là khắt khe đối với những người kiện cáo, không giống như hệ thống pháp luật ở Hoa Kỳ hoặc ở Anh vốn có những điều khoản bảo vệ tốt hơn quyền tự do ngôn luận hoặc lợi ích công.
“Chính phủ Trung Quốc tìm cách sử dụng các hệ thống pháp luật của phương Tây để chống lại phương Tây,” theo lời của vị cựu quan chức.
Tiến sĩ Hamilton nói ông đã viết lại cuốn sách để giảm thiểu các rủi ro pháp lý, “nhưng tôi không thể ngăn cản một cường quốc chuyên quyền nước ngoài khai thác các luật chống vu khống của chúng ta để ngăn cản những lời chỉ trích đối với nó”.
Một số nhà quan sát Trung Quốc, cùng với các doanh nhân sinh ra ở Trung Quốc được nêu tên trong các bài tường thuật của giới truyền thông và trong các báo cáo ngắn của ASIO, trong đó có nhà triệu phú phát triển bất động sản đồng thời là nhà mạnh thường quân chính trị ở Sydney Huang Xiangmo, đã bác bỏ các cáo buộc gây ảnh hưởng phi pháp là vô căn cứ và không đúng.
Chau Chak Wing, một nhà mạnh thường quân chính trị Úc gốc Trung Quốc, đang khởi kiện Fairfax Media về hai bài báo, trong đó có các cáo buộc cho rằng ASIO đã cảnh báo các đảng phái chính trị chống lại ông.
Báo Herald Sun gần đây đã cho in một đính chính liên quan đến một bài tường thuật gợi ý rằng Huang Xiangmo là một đặc vụ gây ảnh hưởng. Bài đính chính được đăng sau khi ông Huang khởi kiện mình bị vu khống. Bài tường thuật của tờ báo căn cứ trên một tin bị rò rỉ của thư viện thuộc nghị viện liên bang, xem xét các khoản đóng góp chính trị của ông Huang và mô tả cách thức ông lãnh đạo một tổ chức vận động hành lang có trụ sở tại Sydney, hỗ trợ cho Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả Mặt trận Thống nhất như là “vũ khí thần kỳ” của Bắc Kinh để củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Cuốn sách của Tiến sĩ Hamilton mô tả chi tiết các hoạt động của Mặt trận Thống nhất đó tại Úc.
Ông Huang, người đã nhiều lần bác bỏ các tuyên bố về thái độ không đúng mực, cũng đã giúp thành lập và cung cấp các khoản tài trợ để khởi động cho một viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, Viện nghiên cứu Úc-Trung Quốc, được điều hành bởi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr và nhà kinh tế học James Laurenceon. Viện nghiên cứu nói trên cũng được xem xét trong cuốn sách của Tiến sĩ Hamilton.
Ông Carr và ông Laurenceon đều chỉ trích các bài tường thuật về ảnh hưởng của Bắc Kinh là bị thổi phồng, trong khi ông Laurenceon, gần đây, khi viết lên tweeter về tin đính chính của báo Herald Sun, đã mô tả điều đó như là một “phán quyết” của tòa án, và có vẻ như tán thành cách đưa tin này trên các báo do chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Một bài tường thuật của báo Global Times [Thời báo Hoàn cầu] do Đảng Cộng sản kiểm soát đã mô tả đính chính trên như là một chiến thắng cho người Hoa ở nước ngoài và công kích giới truyền thông phương Tây đã thất bại trong việc tường thuật về tin đó.
James Laurenceson 罗震
@j_laurenceson
The significance of Australian media not covering ruling in favour of #Huang Xiangmo is not being missed by Chinese news/social media.
Ông Laurenceson và ông Carr cũng đã xem thường các mối lo ngại xung quanh các khoản đóng góp chính trị có liên quan đến các doanh nhân có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn như ông Huang. ASIO đã nhiều lần nêu lên sự lo ngại về các khoản đóng góp này, và đã được các nhân vật cao cấp trong đảng Liên minh Lao động và cựu ngoại trưởng Peter Varghese thừa nhận.
Cuốn sách của Tiến sĩ Hamilton còn xem xét chi tiết việc ông Carr công khai ủng hộ Úc tăng cường những nỗ lực xây dựng các mối quan hệ với Bắc Kinh. Cuốn sách cũng xem xét những lo ngại cho rằng một số trường đại học Úc đã thất bại trong việc đánh giá những rủi ro của sự hợp tác với các nhà nghiên cứu thuộc mạng lưới quân sự và công nghiệp do Bắc Kinh kiểm soát.
Vào tháng 8, NXB Cambridge University Press đã bị chỉ trích kịch liệt sau khi quyết định kiểm duyệt trang web của báo China Quarterly khi báo này tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc. Các bài viết bị kiểm duyệt đã mô tả vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn cũng như sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nhà xuất bản Anh đã phải lùi bước trước sự phản đối quốc tế.
Tiến sĩ Hamilton cho biết: “NXB Cambridge University Press đã kiểm duyệt các tác phẩm của họ để được bán ở Trung Quốc. Họ sẽ không dám kiểm duyệt sự chỉ trích về Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các tác phẩm được bán ở Anh Quốc. Nhưng, đó chính xác là những gì đã xảy ra giờ đây ở Úc”.
Nick McKenzie và Richard Baker
Nick McKenzie là một trong những nhà báo điều tra có kinh nghiệm nhiều nhất và có nhiều huy chương nhất của Úc. Nick đã phá nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn của quốc tế và trong nước, khơi mào cho những tìm hiểu của quốc tế và trong nước. Ông cũng thường xuyên viết về các chủ đề chính trị, kinh doanh, tội phạm, thể thao, nhân quyền, quốc phòng, ngoại giao và xã hội. Ông đã từng làm việc cho các báo The Age, Sydney Morning Herald, Australian Financial Review và chương trình Four Corners của đài truyền hình ABC. Nick đã được trao tặng giải thưởng danh giá nhất của giới báo chí Úc, Giải thưởng Walkley, bảy lần và là phóng viên được tặng thưởng huy chương nhiều nhất trong lịch sử các giải thưởng của Melbourne Press Club Quill, đã hai lần được trao tặng giải thưởng hàng đầu của câu lạc bộ báo chí, giải thưởng Gold Quill [Bút lông vàng]. Ông cũng đã được trao tặng giải thưởng George Munster vì sự nghiệp báo chí độc lập và giải thưởng Churchill Fellowship cho nghiên cứu về sự đáp trả của quốc tế đối với tội phạm doanh nghiệp và nạn hối lộ của nước ngoài. Ông đã hai lần có tên trong danh sách đề cử cho giải thưởng Lowy Institute International Reporting Awards vì công trình nghiên cứu ảnh hưởng và các hoạt động can thiệp của Trung Quốc ở Úc (2017) và công trình vạch trần vụ bê bối hối lộ trên toàn cầu của tập đoàn dầu khí Unaoil (2016), khiến cho FBI, Bộ Tư pháp của Hoa Kỳ và Văn phòng chống các vụ gian lận nghiêm trọng của Anh thúc đẩy các cuộc điều tra.
Richard Baker là một trong những nhà báo điều tra có nhiều kinh nghiệm nhất và có nhiều huy chương nhất của Úc, với 12 năm làm việc trong đơn vị điều tra của báo The Age. Ông là người nhiều lần nhận được các giải thưởng lớn của báo chí Úc, trong đó có nhiều giải thưởng của Walkleys, giải thưởng Gold Quill [Bút lông vàng] của Câu lạc bộ Báo chí Melbourne và hơn một chục giải thưởng khác, một giải thưởng Kennedy và một giải thưởng George Munster vì sự nghiệp báo chí độc lập. Cùng với đồng nghiệp Nick McKenzie, Richard đã phá nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn trong nước và quốc tế. Ông cũng thường xuyên viết về chủ đề chính trị, kinh doanh, tội phạm, thể thao, quốc phòng và tình báo, và xã hội. Năm 2016, ông sáng lập và đồng tổ chức bộ phim podcast điều tra sáu tập được nhận giải thưởng, Phoebe's Fall [Cái chết của Phoebe Handsjuk].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Free speech fears after book critical of China is pulled from publication, The Sydney Morning Herald, November 13, 2017.
Print Friendly and PDF