25.11.17

Cú hích tại các quốc gia đang phát triển



CÚ HÍCH TẠI CÁC QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN

Jorge Dryjanski Lerner và Mariana Garza Arias, Irrational Company (Công ty Phi lí trí)
(Liên hệ với tác giả: jorge@irrational.ly)
Trong bài viết này, chúng tôi đã dựa vào kinh nghiệm của mình ở vai trò là những nhà tư vấn kinh tế học hành vi ở Mexico để thảo luận về một số thách thức và cơ hội đối với những chính sách công có tính kinh tế học hành vi ở đất nước chúng tôi [Mexico], mà chúng tôi tin rằng cũng áp dụng được cho các quốc gia đang phát triển khác. Để minh họa cho những điểm này, chúng tôi ghi chép và phân tích các vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt trong khi soạn thảo một nghiên cứu tình huống cho bản hướng dẫn này, trong đó chúng tôi cộng tác với một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương để thúc đẩy việc hiến tạng tại đất nước mình.
Bối cảnh
Trong vài năm qua, kinh tế học hành vi (BE) đã vượt bỏ nguồn gốc ban đầu như là một sự theo đuổi học thuật mơ hồ nhưng mang tính sáng tạo. Từng được xem là một sự tò mò trí tuệ thú vị, nhưng giờ đây nó đã là một lĩnh vực nghiên cứu có uy tín với những nhận thức sâu sắc (insight) [về hành vi] và có sự ảnh hưởng xác đáng đến hầu hết mọi lĩnh vực có mối liên hệ với hành vi con người. Các công ty đang bắt đầu sử dụng khoa học hành vi trong nhiều hoạt động: cải tiến thiết kế sản phẩm, tạo ra những chiến dịch marketing thuyết phục hơn, cải tiến việc ra quyết định mang tính chiến lược và giúp nhân viên được khỏe mạnh, hạnh phúc và hiệu quả hơn.
Sự ảnh hưởng mới được thiết lập của kinh tế học hành vi có thể được nhận thấy theo cách các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận đang sử dụng những nhận thức sâu sắc [về hành vi] và các phương pháp nghiên cứu của nó để giải quyết các vấn đề xã hội. Gần đây, trên thế giới đã có sự bùng nổ các tổ chức mới với mục tiêu chính là áp dụng kinh tế học hành vi để thúc đẩy lợi ích xã hội. Một số tổ chức này đang dần trở nên rất thành thạo việc sử dụng các khuôn khổ hành vi và đã cách mạng hóa các chương trình phát triển xã hội và chính sách công qua việc làm của mình. Thành tựu của họ là đưa kinh tế học hành vi gần gũi hơn với dòng tư tưởng chủ lưu trong các mô hình phát triển xã hội.
Hầu hết các tổ chức này sử dụng một khuôn khổ để áp dụng kinh tế học hành vi dựa trên ba nền tảng:
1. Sự am hiểu đúng đắn về hành vi của con người
2. Phân tích dữ liệu rõ ràng
3. Sử dụng thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCT – randomized controlled trials)
Các tổ chức có thể được chia thành 2 nhóm riêng biệt dựa trên những khác biệt đối với loại vấn đề mà họ giải quyết, cách thức và địa bàn hoạt động, và cách họ cấp kinh phí cho hoạt động của mình. Hai nhóm này có thể được đặt tên theo cuốn sách có ảnh hưởng nhất đại diện cho từng cách tiếp cận: nhóm “Poor Economics” (Kinh tế học về sự nghèo khổ) và “Nudge Units” (các Đơn vị Cú hích).

Nhóm “Poor Economics”
“Nudge Units”
Sách có ảnh hưởng:
Poor Economics (Kinh tế học về sự nghèo khổ) [ở Việt Nam quyển sách này được dịch là Hiểu nghèo Thoát nghèo – ND] của Esther Duflo và Abhijit B. Banerjee (2011)
Nudge (Cú hích) của Richard H. Thaler và Cass R.Sunstein (2009)
Chuyên về:
Tạo các giải pháp phát triển xã hội dựa trên bằng chứng thông qua các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCT)
Nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các chương trình chính sách công, chủ yếu bằng cách “thúc đẩy” các công dân ra quyết định tốt hơn
Tổ chức tiêu biểu:
J-PAL Poverty Lab [Phòng Thí nghiệm Giải pháp Thoát nghèo J-PAL] tại MIT (J-PAL)
Behavioural Insights Team [Nhóm Hiểu thấu Hành vi] (BIT)
Phương thức tài trợ:
Trợ cấp, hợp đồng, và đóng góp của mạnh thường quân
Trợ cấp công khai hoặc bán công khai
Địa bàn hoạt động:
Toàn thế giới, đặc biệt là tại những khu vực có nhu cầu lớn
Trong hoặc bên cạnh chính phủ, đa phần ở các quốc gia tiên tiến
Sự hiện diện ở các quốc gia đang phát triển:
Phần lớn các nghiên cứu của họ được thực hiện ở các quốc gia đang phát triển
Nghiên cứu hạn chế ở các quốc gia đang phát triển
Sự hiện diện ở Mexico:
Không
Bảng 1: So sánh nhóm “Poor Economics” và “Nudge Unints”
Mặc dù đã có sự phổ biến rộng rãi và có những ứng dụng đặc thù đối với chính sách công, kinh tế học hành vi vẫn chưa đạt được lực kéo đồng đều trên khắp thế giới. Biểu đồ sau đây cho thấy kết quả từ cuộc khảo sát do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) thực hiện năm 2016 (Organisation of Economic Co-operation and Development, 2017). Nghiên cứu này phân tích các nghiên cứu trường hợp của kinh tế học hành vi trong các lĩnh vực chính sách công ở các quốc gia thành viên của OECD.
Hình 1: Số trường hợp nghiên cứu theo báo cáo của các quốc gia thành viên OECD (Nguồn: OECD 2016 Behavioral Insights case study survey dataset [Dữ liệu khảo sát nghiên cứu trường hợp của OECD 2016 về các Nhận thức sâu sắc về Hành vi])
Kết quả cho thấy gần một nửa số quan sát đến từ các quốc gia nói tiếng Anh (Anh, Úc, Canada, Mỹ và New Zealand). Thêm vào đó, các quốc gia châu Âu cũng được mô tả rất tốt. Trong khi đó, chưa đến 10% trường hợp đến từ các quốc gia đang phát triển và không có trường hợp nào từ Mexico.
Việc triển khai kinh tế học hành vi vào nhiều lĩnh vực chính sách công có thể là một cách hiệu quả và ít tốn kém để đạt được các mục tiêu chính của chính phủ. Tuy nhiên, nhiều thách thức phải đối mặt qua việc xây dựng một nghiên cứu trường hợp nhỏ là minh họa cho việc tại sao điều này lại không xảy ra ở Mexico, mặc dù việc này có những hệ quả rất tích cực. Thêm vào đó, nhiều lập luận trong số này cũng có thể là tiêu biểu cho nhiều quốc gia đang phát triển khác. Hi vọng rằng bài tập này sẽ mang tính hướng dẫn cho những ai muốn thực hành kinh tế học hành vi khác mà không phải là thành viên của các tổ chức nói trên, nhưng vẫn muốn sử dụng các kĩ năng của mình để giúp đỡ cho xã hội của mình. Đối tượng được lựa chọn cho nghiên cứu tình huống cụ thể này thường gắn liền với cộng đồng kinh tế học hành vi: tăng cường hiến tạng (Johnson & Goldstein, 2004).
Hiến tạng ở Mexico
Việc hiến và cấy ghép bộ phận cơ thể đã được hợp pháp hóa và khả thi về mặt kĩ thuật ở Mexico từ năm 1963. Tuy nhiên, kể từ đó lĩnh vực này đã có một số thiếu sót, dù cho đã có những bước tiến trong thập kỉ qua về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngày nay, có lẽ một trong những thách thức lớn nhất là tìm kiếm đủ số người hiến tặng để đáp ứng nhu cầu ghép các bộ phận cơ thể. Chỉ có khoảng 3,6 người trong mỗi trăm nghìn người ở Mexico là những người hiến tạng, một tỉ lệ phần trăm rất thấp khi biết có hơn 21.000 người ở nước này cần cấy ghép. Với tỉ lệ này, chỉ khoảng một trong số ba người trong danh sách đợi sẽ nhận được bộ phận cơ thể người mà họ cần (Cenatra, 2014, Fundación Carlos Slim, 2015).
Các chiến dịch giáo dục
Hiện tại, có một số tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực để xây dựng các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và tăng tỉ lệ người hiến tạng ở Mexico. Những nỗ lực của họ đã làm tăng việc hiến tạng lên 8% trong năm qua (Notimex, 2016). Cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy 59% người Mexico tuyên bố ủng hộ hiến tạng (Parametría, 2012), cho thấy khoảng cách từ ý định cho đến hành động rất rộng lớn. Vì vậy, sẽ là phải chăng khi giả định rằng ít nhất một số vấn đề có nguyên nhân từ hành vi chứ không phải là nguyên nhân do giáo dục hay văn hoá. Điều này gợi ý là nỗ lực “thúc đẩy” người dân từ người đồng ý trở thành người hiến tạng có thể rất hiệu quả. Để tìm ra thời điểm ‘cú hích’ có thể là hiệu quả nhất, cần phải hiểu được những ý nghĩa pháp lí liên quan đến việc hiến tạng, và bối cảnh mà từ đó người ta quyết định có hiến tặng hay không.
Địa vị pháp lí
Chính phủ Mexico gần đây đã thông qua một đạo luật khiến cho việc hiến tạng trở thành một lựa chọn mặc định. Lí thuyết kinh tế học hành vi cơ bản chỉ ra rằng lựa chọn mặc định mới này sẽ trở thành cách làm ít gặp sự chống đối nhất (Samuelson & Zeckhouser, 1988), tăng đáng kể nguồn cung cấp những người hiến tạng mới. Tuy nhiên, trên thực tế, sự lựa chọn trở thành người hiến tạng còn lâu mới trở thành một lựa chọn mặc định. Trên thực tế, có ba cơ chế “lựa chọn tham gia” để có thể trở thành người hiến tạng:
1. Viết một lá thư “người hiến tạng chính thức” được một quan chức có thẩm quyền chứng thực. Đây là một quá trình phức tạp, có nhiều bước và mơ hồ (không rõ “quan chức có thẩm quyền” trong trường hợp này là ai), điều này làm cho quá trình theo dõi trở nên khó khăn.
2. Công chứng bức thư thể hiện nguyện vọng trở thành một người hiến tạng. Đây là một quá trình tốn thời gian khác, lại còn tốn kém đối với nhiều người.
3. In một “thẻ hiến tạng”, trong đó chỉ ra ý định hiến tặng của bạn nhưng đây không phải là sự ràng buộc về mặt pháp lí. Thẻ này có chức năng như một phương tiện cam kết từ chính bạn và cả gia đình bạn.
Không có dữ liệu sẵn có nào để định lượng số người đã chọn một trong những lựa chọn kể trên, nhưng thường người ta tin rằng đó là một con số nhỏ. Do đó, việc quyết định hiến tạng đối với hầu hết mọi người rơi vào những thời điểm sau, trong đó một “lựa chọn tích cực” trong hai thời điểm then chốt cuối cùng sẽ quyết định vị thế của bạn với vai trò là người hiến tạng:
1. Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, văn phòng cấp bằng lái xe là nơi mà hầu hết mọi người quyết định trở thành một người hiến tạng. Ở hầu hết các thành phố ở Mexico, người dân không tự điền vào các mẫu đơn mà cung cấp thông tin cần thiết cho thư kí vốn là người phụ trách điền đơn. Vì thế việc có hỏi hay không và hỏi như thế nào về việc hiến tạng rơi vào tay những người công chức mà hầu hết chẳng có hướng dẫn rõ ràng nào về cách thức tiếp cận vấn đề này.
2. Tại mỗi bệnh viện, có một nhân viên bệnh viện được xác nhận có nhiệm vụ hỏi người thân gần nhất trong gia đình của người vừa mất cho phép hiến tạng. Nếu viên chức này không có mặt ở đó, hoặc các thành viên gia đình chọn ‘không’, người quá cố có thể không trở thành người hiến tạng cho dù chính người này có thể đã đồng ý khi còn sống.
Ngay cả khi luật pháp quy định rằng tất cả công dân Mexico đều được mặc định trở thành người hiến tạng, việc thiết lập cấu ​​trúc lựa chọn trên thực tế chống lại những ai muốn làm điều đó, điều này có thể giải thích cho tỉ lệ hiến tạng thấp ở trong đất nước này.
Lập kế hoạch cho nghiên cứu trường hợp
Việc thiết kế thử nghiệm để đo lường và thúc đẩy mọi người kí “thẻ hiến tạng” hoặc “thư chính thức” quá phức tạp do thiếu dữ liệu sẵn có. Việc thúc đẩy các gia đình ra quyết định thay mặt cho người thân của họ trong bệnh viện có thể sẽ khiến cho dự án gặp trở ngại. Do đó, việc cố gắng để mọi người tự tuyên bố mình là những người hiến tạng khi họ đổi bằng lái xe là cách thức tốt nhất.
Để có được các giấy phép cần thiết, điều quan trọng là làm cho việc giải thích, áp dụng và đo lường càng dễ càng tốt – học hỏi từ các nghiên cứu trước đây được xem là tối quan trọng.
Cuối cùng, một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên khiêm tốn đã được tiến hành, một phần dựa trên một bài tập trực tuyến được BIT (Nhóm Hiểu thấu Hành vi) thực hiện trong năm 2013 (Behavioural Insights Team, 2013). Cuộc thử nghiệm đo lường hiệu quả của bốn thông điệp thuyết phục khác nhau đối với người đổi bằng lái xe, kêu gọi họ đăng kí làm người hiến tạng. Các thông điệp được dựa trên những nhận thức sâu sắc về hành vi (behavioral insights) nổi tiếng: bằng chứng xã hội (social proof), sự tương hỗ (reciprocity), nỗi ngại mất mát (loss aversion) và một yêu cầu đăng kí đơn giản.
Daniel Kahneman (1934-)

Mặc dù trên thực tế nghiên cứu nhỏ này có thể giúp người dân và hầu như không mất chi phí, việc tìm được một viên chức chính phủ đồng ý thực hiện nó trong một văn phòng thuộc thẩm quyền của người đó tỏ ra khó khăn hơn dự kiến. Như Daniel Kahneman (2011) giải thích trong cuốn sách Thinking, Fast và Slow (Tư duy nhanh và chậm) nhìn từ bên trong về tính khả thi, xác suất và lịch trình của một dự án phức tạp thường lạc quan quá mức. Than ôi, chúng tôi thật sự đã đánh giá thấp sự kháng cự và thờ ơ mà chúng tôi đáng lẽ đã thấy ở tất cả các cấp chính phủ.
Một quốc gia kẹt giữa hai cực
Như thuật ngữ “quốc gia đang phát triển” cho thấy, Mexico là một quốc gia nằm giữa các giai đoạn. Một phần lớn của đất nước đang khẩn cấp cần sự phát triển xã hội cơ bản, điều này làm cho nó trở nên sẵn sàng cho những cho nghiên cứu theo kiểu “poor economics”, thứ thực sự đã có hiệu quả ở đất nước này (Poverty Action Lab, 2017). Ở phần còn lại của đất nước, các chương trình và dịch vụ công cộng tốt hơn cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng việc thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, tri ​​thức và sự đánh giá của khoa học hành vi và khoa học dữ liệu khiến cho khó thực hiện các loại dự án kiểu “Nudge Units”. Một nghịch lí tàn nhẫn của các quốc gia đang phát triển là sự kém phát triển của họ có xu hướng ngăn cản việc thực hiện chính những ý tưởng và chương trình có thể giúp đẩy nhanh sự phát triển đó. Việc thực hiện kinh tế học hành vi trong chính sách công hoàn toàn rơi vào nghịch lí này. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy điều này sẽ không tồn tại lâu nữa, vì cơ hội mới cho kinh tế học hành vi bắt đầu ló dạng.
Thách thức: Giới quyền uy trong chính sách công và hiện trạng của nó
Những ý tưởng và nguyên tắc mà nhiều người trong chúng ta đọc Hướng dẫn này xem là đương nhiên vẫn còn rất phản trực giác với đa số người dân, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển và các định chế của các nước này.
Đa số công chức vẫn tin rằng các quyết định chỉ là phụ thuộc vào văn hoá và/hoặc giáo dục, và nhiều người chỉ khuyên chúng tôi “chỉ cần làm một cuộc khảo sát hoặc cái gì đó” – ngoài văn phòng của họ. Trong chính quyền, sự kháng cự chống lại sự đổi mới là một chủ đề lặp đi lặp lại ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà sự thay đổi diễn ra rất chậm, nếu điều đó có xảy ra, và kinh nghiệm này có lẽ sẽ được hầu hết các nhà thực hành kinh tế học hành vi trong chính phủ, hay thậm chí là khu vực tư nhân ở các quốc gia đang phát triển đồng tình.
Cơ hội: Giáo dục đại học sẽ bắt đầu đảo chiều
Các đại học thường hướng dẫn chính phủ đến những ứng dụng sáng tạo từ các nghiên cứu và ý tưởng mới về chính sách công. Mãi cho đến gần đây, nền giáo dục đại học ở các quốc gia đang phát triển vẫn chưa chấp nhận kinh tế học hành vi, đó cũng là một trong những lí do tại sao các chính phủ cũng chậm chấp nhận nó. Mặc dù vẫn khó tìm được các khóa học kinh tế học hành vi đầy đủ (và không có chương trình cấp bằng (degree) [nói riêng] hoặc cấp văn bằng (credential) [nói chung] nào về chủ đề này bằng tiếng Tây Ban Nha), nhưng có một số dấu hiệu khích lệ cho thấy điều này đang bắt đầu thay đổi. Bằng chứng chưa được xác nhận cho thấy một số chương trình sau đại học đang bắt đầu giảng dạy môn học này trong các lớp kinh tế học, kinh doanh và marketing, và Đại học Anahuac ở México đang xây dựng chương trình cấp văn bằng trực tuyến đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha với sự hợp tác của chúng tôi. Khi nhiều viện nghiên cứu cao cấp bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu kinh tế học hành vi, ảnh hưởng đến giáo sư và sinh viên của họ, sự quan tâm của kinh tế học hành vi và “cú hích” sẽ tăng lên trong cả khu vực tư lẫn khu vực công.
Thách thức: Bộ máy quan liêu của chính quyền chưa bao giờ kết thúc
Một rào cản khác để có một nghiên cứu tình huống thành công có thể là sự phức tạp của bộ máy về chính trị và quan liêu trong một quốc gia. Ở Mexico, các chính sách về hiến tạng và cấy ghép được Sở Y tế theo dõi. Bằng lái xe do nhà nước cấp, trong khi mỗi văn phòng cấp bằng được quản lí ở cấp thành phố. Bắt hai, hoặc cả ba cấp chính quyền cùng đồng ý để nghiên cứu trường hợp như thế này là rất phức tạp, đặc biệt nếu họ đang bị kiểm soát bởi các đảng chính trị khác nhau.
Nhu cầu về kích cỡ mẫu và thiết kế thực nghiệm tốt làm cho nghiên cứu kinh tế học hành vi trở nên đặc biệt, nhưng cũng khiến nó rất phức tạp. Nếu không có sự chấp thuận của một cơ quan chính phủ đủ lớn và/hoặc mạnh, thậm chí một thử nghiệm trên kích cỡ khiêm tốn nhất cũng có thể trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, chính sự xung đột trong chính quyền này đã đem đến cho những người đang thực hành kinh tế học hành vi một đồng minh tự nhiên phát sinh và phát triển rất nhiều vì tình huống này.
Cơ hội: Tạo lập các liên minh chiến lược với các tổ chức phi lợi nhuận
Có một số lĩnh vực phát triển xã hội mà các chính phủ không thể giải quyết một cách thỏa đáng thông qua chính sách công do thiếu nguồn lực. Điều này đôi khi khiến một số tổ chức phi lợi nhuận trở thành các nhà cung cấp thực tế của một số hàng hóa, dịch vụ và giáo dục công cộng ở một số khu vực. Ví dụ: có hai tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm cho hầu hết việc giáo dục công cộng về hiến tạng ở Mexico; họ cũng vận động chính phủ thay đổi luật, và thậm chí tăng cường các chương trình công cộng trong đất nước mình.
Vì các tổ chức phi lợi nhuận là những tổ chức nhiệt tình đối với các mục tiêu phát triển xã hội cụ thể của tổ chức họ, nên họ sẵn sàng thử những ý tưởng mới có thể giúp họ phát triển những việc cần làm của mình. Điều này, và mối quan hệ gần gũi của họ với chính phủ, khiến cho việc cộng tác với các tổ chức này thúc đẩy kinh tế học hành vi ở các quốc gia đang phát triển tiến lên phía trước. Thực hiện thành công các chương trình thí điểm cho các tổ chức phi lợi nhuận có ảnh hưởng có thể phơi bày những lợi ích của kinh tế học hành vi, điều này có thể quảng bá cho việc bàn luận về kinh tế học hành vi trong không gian công cộng. Nghiên cứu thí điểm hiến tạng của chúng tôi đã khơi mào cho sự hợp tác với một trong những tổ chức phi lợi nhuận như vậy, những người hiện đang giúp mở rộng nghiên cứu tình huống trên ở một số bang mà họ có ảnh hưởng nhất.
Thách thức: Kinh tế học hành vi là một biện pháp chống chủ nghĩa dân túy (anti-popullist)
Mục tiêu của kinh tế học hành vi trong chính phủ đòi phải giảm chi phí công cộng trong khi làm cho các chương trình chính sách công hiệu quả hơn; giúp đỡ công dân sống tốt hơn bằng cách áp dụng các biện pháp can thiệp không xâm phạm riêng tư. Điều này có thể không hấp dẫn đối với nhiều công chức, vốn là những người có thể thích những phương án lớn có tựa đề thân thiện hơn, cho dù chúng tốn kém và kém hiệu quả hơn. Áp dụng kinh tế học hành vi trong chính sách công là, theo một cách nào đó, chống lại chủ nghĩa dân túy, và có thể một phần là vì kinh tế học hành vi đã không được xác lập trong khu vực chính sách công của các quốc gia đang phát triển.
Cơ hội: Chỉ cần bắt đầu ở nơi nào đó!
Sau tất cả những thách thức, những tháng chờ câu trả lời tiêu cực và một dự trữ sâu rộng về sự kiên nhẫn và bền bỉ, việc thí điểm hiện đang được triển khai tại một văn phòng cấp bằng lái xe ở miền Bắc [Mexico]. Chúng tôi đang hợp tác với chính quyền địa phương để áp dụng một chương trình thí điểm trên quy mô nhỏ hơn so với kế hoạch ban đầu. Chúng tôi hi vọng rằng kết quả sẽ thu hút sự chú ý của các công chức sẵn sàng giúp chúng tôi phát triển các nghiên cứu lớn hơn trong tương lai.
Điều lí tưởng cho tất cả quốc gia đang phát triển là hiểu được những lợi ích tiềm ẩn của kinh tế học hành vi đối với các chính sách và công dân của họ, và sẽ tạo ra cơ chế của riêng họ để áp dụng nó trong các cơ quan của mình. Tuy nhiên, thay vì chờ đợi mỗi chính phủ của chúng ta tạo ra từ trên xuống một bộ phận tương tự như BIT, chúng tôi muốn khuyến khích các nhà thực hành và các nhà nghiên cứu khác ở các quốc gia đang phát triển áp dụng kinh tế học hành vi vào các vấn đề công cộng mà họ đam mê; tạo ra một nhóm “Nudge Units” nhỏ hơn nhằm mở rộng tầm với của kinh tế học hành vi tại các quốc gia của mình, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Chúng tôi tin rằng nhiều người đọc Hướng dẫn này quan tâm đến việc sử dụng kinh tế học hành vi, hoặc là một cách chuyên nghiệp hơn hoặc là trong một dự án phụ, như một công cụ vì lợi ích xã hội. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của bản thân chúng ta và tạo ra một cộng đồng các chuyên gia đang đối mặt với những thách thức tương tự, chúng ta có thể giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, tăng tính hấp dẫn và khả năng thành công của bộ môn [kinh tế học hành vi] của chúng ta ở khắp mọi nơi.
* Phương pháp luận và kết quả đầy đủ của tình huống nghiên cứu này chưa có sẵn kịp thời gian xuất bản Hướng dẫn này, nhưng sẽ được chia sẻ ngay khi có thể.
Các tác giả
Jorge Dryjanski Lerner là người đồng sáng lập, đối tác quản lí và trưởng phòng hành vi của Irrational Company. Ông tư vấn cho các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận và các chiến dịch chính trị sử dụng những nhận thức sâu sắc về hành vi để có những chiến dịch marketing, truyền thông, trải nghiệm người sử dụng và chiến lược chung tốt hơn. Ông có kinh nghiệm trong nghiên cứu marketing thần kinh học (neuromarketing), chiến lược thương hiệu và đổi mới kinh doanh. Cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp.
Mariana Garza Arias là người đồng sáng lập và Trưởng nhóm Khoa học Dữ liệu (Chief Data Scientist) của Irrational Company, chuyên về sự giao thoa giữa phân tích dữ liệu và khoa học tính toán, bao gồm Dữ liệu Lớn (Big Data), học máy (machine learning) và thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Giúp doanh nghiệp hiểu, dự đoán và tác động đến hành vi của con người bằng dữ liệu và tối ưu hóa hiệu quả và kết quả. Nghệ sĩ xiếc biểu diễn.
Tài liệu tham khảo
Banerjee, A. V., & Duflo, E. (2011). Poor economics. New York, NY: Public Affairs. Behavioural Insights Team, Department of Health, Driver and Vehicle Licensing Agency & NHS
Blood and Transplant. (2013). Applying Behavioural Insights to Organ Donation. London, UK: Cabinet Office.
Cenatra. (2014). Centro Nacional de Trasplantes. Retrieved from http://www.gob.mx/cenatra.
Fundación Carlos Slim. (2015). Héroes por la vida. Retrieved from http://www.heroesporlavida.org/inicio/.
Johnson, E. J., & Goldstein, D. G. (2004). Defaults and donation decisions. Transplantation, 78(12), 1713-1716.
Poverty Action Lab. (2017). J-PAL Latin America & Caribbean. Retrieved from https://www.povertyactionlab.org/lac.
Kahneman, D. (2011). Thinking, fast and slow. New York, NY: Macmillan.
Notimex. (2016, August 24). Crece 8% donación de órganos en México. Retrieved from http://www.eluniversal.com.mx/articulo/nacion/sociedad/2016/08/24/crece-8-donacion-deorganos-en-mexico.
Organisation of Economic Co-operation and Development – OECD. (2017). Behavioural insights and public policy: Lessons from around the world. Paris: OECD.
Parametría. (2012). Donación de órganos en México. Retrieved from http://www.parametria.com.mx/carta_parametrica.php?cp=4476.
Samuelson, W. & Zeckhouser, R. (1988). Status quo bias in decision-making. Journal of Risk and Uncertainty, 1, 7-59.
Thaler, R. H. & Sunstein C. R. (2009). Nudge. New York, NY: Penguin Group.
Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: Nudging in developing nations, Behavioral Economics, 2007.
Print Friendly and PDF