17.11.17

Elisabeth II, nhóm người thân cận của Trump, của Trudeau... những tiết lộ đầu tiên của “Hồ sơ Paradise”


ELISABETH II, NHÓM NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TRUMP, CỦA TRUDEAU... NHỮNG TIẾT LỘ ĐẦU TIÊN CỦA “HỒ SƠ PARADISE”
Mười tám tháng sau “Hồ sơ Panama”, một cuộc điều tra quốc tế mới quy tụ 96 phương tiện truyền thông, trong đó có “Le Monde”, vén lên một phần bức màn về hậu trường của ngành tài chính hải ngoại.
LE MONDE | 06.11.2017
Đây là một đòn mới chiếu rọi vào sự thiếu minh bạch của ngành tài chính toàn cầu. 13,5 triệu tài liệu được nghiên cứu trong một năm bởi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 96 đối tác truyền thông, trong đó có Le Monde, đặc biệt tiết lộ những cấu trúc phức tạp được Hoàng gia Anh và nhóm người thân cận của các nguyên thủ quốc gia, như của tổng thống Donald Trump, ở Hoa Kỳ, và của Justin Trudeau, ở Canada, sử dụng.
“Hồ sơ Paradise” với 3 điểm
“Hồ sơ Paradise” đề cập đến cuộc điều tra mới được ICIJ và 96 đối tác truyền thông, trong đó có Le Monde, hoặc 400 phóng viên từ 67 quốc gia, tiến hành. Những phát hiện này căn cứ trên một sự rò rỉ các tài liệu lần đầu được chuyển, vào năm 2016, cho nhật báo tiếng Đức Süddeutsche Zeitung bởi một nguồn tin giấu tên.
Cuộc điều tra mới này cho phép vén lên bức màn về những cơ chế tối ưu hóa thuế tinh vi, làm lợi cho các tập đoàn đa quốc gia và giới siêu giàu trên thế giới.
“Hồ sơ Paradise” bao gồm ba tập hợp dữ liệu, tổng cộng gần 13.500.000 tài liệu:
·    6,8 triệu tài liệu nội bộ của công ty luật quốc tế Appleby, có trụ sở tại Bermuda nhưng có mặt trong hàng chục thiên đường thuế.
·    566.000 tài liệu nội bộ của công ty Asiaciti Trust, có trụ sở tại Singapore.
·    6,2 triệu tài liệu từ các sổ đăng ký công ty bí mật của mười chín thiên đường thuế: Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Barbados, Bermuda, Dominica, Grenada, Quần đảo Cayman, Quần đảo Cook, Quần đảo Marshall, Labuan, Lebanon, Malta, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu.
Các hoạt động đầu tư hải ngoại của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Nữ hoàng Elizabeth II, ngày 19 tháng 10 tại London. HANNAH MCKAY / REUTERS
Lần đầu tiên, các tài liệu chứng minh rằng Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, đã nắm giữ – và vẫn đang nắm giữ – các lợi ích trong nhiều quỹ đầu tư tại các thiên đường thuế. Một trong những người giàu nhất thế giới, thông qua lãnh địa của công tước xứ Lancaster, đã đặc biệt đầu tư 7,5 triệu bảng Anh (8,4 triệu euros), năm 2005, vào quỹ Cayman Fund LP tại phố Dover Street VI, một cấu trúc của Quần đảo Cayman, quỹ này lại đi nuôi một quỹ khác của Mỹ, mà chính nó lại đầu tư vào các công ty đầu tư mạo hiểm trên toàn thế giới. Giám đốc tài chính của lãnh địa của công tước xứ Lancaster đảm bảo không có hưởng bất kì lợi thế nào về mặt thuế cả.
Cũng làm cho Hoàng gia Anh lúng túng sự tham gia của chính lãnh địa của công tước xứ Lancaster trong công ty gây tranh cãi BrightHouse, một chuỗi 270 cửa hàng thiết bị điện gia dụng của Anh, bị cáo buộc bóc lột hàng ngàn gia đình nghèo và những người dễ bị tổn thương. Công ty, luôn phủ nhận những lời cáo buộc nói trên, cũng nổi bật lên là đã giảm số tiền thuế bằng cách cấp một khoản vay lớn đáng kể cho một công ty holding của Luxembourg. Hoàng gia Anh khẳng định không hay biết gì về sự tham gia này, được thực hiện thông qua một quỹ đầu tư – minh họa sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các cấu trúc này. Dù sao, những phát hiện này chỉ có thể làm sống lại cuộc tranh luận về nghĩa vụ minh bạch của Hoàng gia.
Những nghi vấn về xung đột lợi ích, quan hệ với Nga: những tiết lộ về Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại của Hoa Kỳ
Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại của Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 10 năm 2017 tại New York. BRENDAN MCDERMID / REUTERS
Đây là một trong những người đàn ông quyền lực nhất của chính quyền Trump. Bộ trưởng Thương mại, Wilbur Ross, đã làm giàu khi mua lại các tập đoàn sắt thép hoạt động khó khăn – ông được biết đến như là “vua của các vụ phá sản”. Nếu ông phải từ bỏ 80 trong số các công ty của mình (mà nhiều công ty trong số đó được thành lập ở các thiên đường thuế) khi được bổ nhiệm vào chính phủ, ông cũng giữ lại trong vòng bí mật chín công ty, được thành lập ở các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Marshall. Một trong các công ty đó, Navigator Holdings Ltd, chuyên kinh doanh vận tải đường biển, đặc biệt cho phép ông kiếm lợi hàng triệu US$ mỗi năm và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải của Mỹ, một khả năng đặt Wilbur Ross vào tình thế xung đột lợi ích. Hơn nữa, công ty này có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn Nga thuộc sở hữu của các chính trị gia đầu sỏ Nga bị Mỹ trừng phạt sau cuộc xâm lược Crimea của Nga vào năm 2014. Các quan hệ này củng cố thêm những nghi vấn về sự thông đồng trong chiến dịch tranh cử tổng thống – và từ nay là chính quyền – của ông Trump và Nga. 
Nhóm người thân cận của Trump, một thiên hà các công ty hải ngoại
Gary Cohn (1960-)
Rex Tillerson (1952-)
Ngoài Wilbur Ross, “Hồ sơ Paradise” còn tiết lộ thiên hà các công ty offshore của những người thân cận của Donald Trump. Ví dụ, Ngoại trưởng (tương đương với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) Rex Tillerson, từng là người quản lý một công ty được đăng ký tại Bermuda, chuyên khai thác dầu hỏa ở Yemen, khi ông còn làm việc cho ExxonMobil (mà ông điều hành từ năm 2006 đến năm 2016). Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Gary Cohn, là người đứng đầu 20 công ty có trụ sở tại Bermuda và trực thuộc Goldman Sachs từ năm 2002 đến năm 2006, với một nguồn vốn trị giá ước tính lên đến 37,7 tỉ US$ vào năm 2009.
Stephen Schwarzman (1947-)
Nhiều nhà quyên góp lớn của Đảng Cộng hòa minh hoạ sự trông nhờ rất thường xuyên vào các công ty hải ngoại trong nền kinh tế của Mỹ, như Charles và David Koch, các nhà tỷ phú công nghiệp đã dựng lên, với sự trợ giúp của Appleby, một hệ thống phức tạp các công ty bình phong để giảm tiền thuế của họ, hoặc Stephen Schwarzman, người chủ trì Hội đồng Kinh tế của Donald Trump (bị giải thể vào tháng 8 năm 2017) và cũng là người làm giảm tiền thuế của mình nhờ vào các công ty ở Luxembourg và ở Jersey. Những ví dụ này minh hoạ sự tinh thông hoàn hảo về nghệ thuật hoạt động của một ngành tài chính hải ngoại, phớt lờ các đường biên giới, khinh thường nghĩa vụ thuế và bực bội với các quy định điều tiết. Không có gì phải gây sốc cho Donald Trump, người vốn tự mãn, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, về trí tuệ của mình để làm thế nào để không còn nộp thuế liên bang từ hai mươi năm qua, và người đã thành lập gần bốn trăm công ty ở bang Delaware, thiên đường thuế “nhà” của Hoa Kỳ, và tại các trung tâm tài chính hải ngoại.
Tại Canada, một trong những cố vấn thân cận nhất của Trudeau đã đầu tư vào một cấu trúc ở quần đảo Cayman
Justin Trudeau (1971-)
Stephen Bronfman
Thủ tướng trẻ tuổi Canada, Justin Trudeau, đã lấy cuộc chiến chống lại các thiên đường thuế làm một trong những ưu tiên của ông. Nhưng một trong những cố vấn thân cận nhất của ông, Stephen Bronfman, người đã giúp ông rất nhiều để chiến thắng các cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2015, bằng cách huy động hơn 27 triệu US$ (23,2 triệu euros) – một con số kỷ lục trong lịch sử Đảng Tự do – lại chính là người liên lụy đến một thiên đường thuế. Theo các tài liệu mật của “Hồ sơ Paradise”, Stephen Brofman và công ty Claridge của ông đã tích cực đầu tư và tham gia vào một cấu trúc tài chánh không rõ ràng của Quần đảo Cayman, công ty Kolber Trust, bằng một hợp đồng trust lên đến 60 triệu US$ (52 triệu euros) có thể đã làm cho kho bạc liên bang thất thoát một lượng lớn tiền thuế không được thanh toán.
Điều này phản ánh phần đóng góp rất đáng kể của vốn đầu tư của Canada ở hải ngoại vào các thiên đường thuế: theo Viện nghiên cứu kinh tế đương đại (IREC, Institut de recherche en économie contemporaine), các nguồn vốn của Canada trong bảy thiên đường thuế chính đã tăng 37,6 lần trong giai đoạn từ năm 1987 đến năm 2014, trong khi GDP của Canada chỉ tăng gấp ba lần trong cùng kỳ. Ba trong số những nước có lợi thế về thuế này đã hưởng lợi nhiều nhất: Quần đảo Cayman (+15.540%), Barbados (+ 14.252%) và Luxembourg (+ 9.509%). Mặc dù các nhà chức trách tuyên bố muốn tích cực đấu tranh chống lại các thực hành này, nhưng chúng, đã có từ thời hậu chiến, phần lớn vẫn tồn tại. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2013, đã có khoảng sáu dự thảo luật đã được đệ trình để giới hạn hoặc chấm dứt việc tránh thuế. Tất cả đều đã thất bại.
Sự đầu tư kín đáo của Nga vào Facebook và Twitter
Yuri Milner (1961-)
“Hồ sơ Paradise” cũng chỉ ra cách thức các cấu trúc gần gũi với chính quyền Nga đã đầu tư vào các mạng xã hội Facebook và Twitter vào năm 2011 và năm 2012, qua quỹ đầu tư của nhà tỷ phú, Yuri Milner. VTB, ngân hàng lớn thứ hai của Nga, mà chủ tịch ngân hàng là một người thân cận của tổng thống Vladimir Putin, đã kín đáo chuyển 191 triệu US$ (164 triệu euros) vào DST Global để có một chân tham gia vào Twitter. Liên quan đến Facebook,  có một chi nhánh của tập đoàn Gazprom của Nga, cũng nằm trong tay của chính quyền Nga, đã đầu tư những khoản tiền đáng kể vào một công ty hải ngoại đã, cùng với DST Global, đầu tư số tiền không nhỏ vào các mạng xã hội. Ông Milner đảm bảo rằng các khoản đầu tư của công ty ông luôn căn cứ trên các tiêu chí thương mại, hoàn toàn xa lánh các lĩnh vực chính trị.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Elisabeth II, entourage de Trump, de Trudeau… les premières révélations des “Paradise Papers”, Le Monde, 06.11.2017.



 THUẬT NGỮ
Dưới đây là một số thuật ngữ được Le Monde giải thích để giúp bạn đọc dễ theo dõi loạt bài trong Hồ sơ Paradise:
Công ty offshore: theo nghĩa đen, “offshore” có nghĩa là “ở bên ngoài lãnh thổ (quốc gia)”. Công ty offshore được đăng ký tại một quốc gia, không phải để hoạt động [kinh doanh], mà là để phục vụ như một hòm thư – thường để tận hưởng các ưu đãi về thuế hoặc về các quy định của thiên đường thuế được chọn.
Holding: thường là một công ty không có hoạt động kinh tế thật sự. Chức năng duy nhất của nó là tham gia vào vốn của những công ty khác và tiến hành những giao dịch tài chính. Công ty holding cho phép tập hợp toàn thể chi nhánh của một tập đoàn. Có nhiều người lập công ty holding ở Luxembourg để quản lí công việc kinh doanh vì thuế ở đây rất thấp.  
Thiên đường thuế: quốc gia hay lãnh địa có một số thuế suất cực thấp, thậm chí là không đánh thuế và dung dưỡng một sự không minh bạch nhất định về những ai sở hữu các tài khoản và công ty. Định nghĩa thiên đường thuế thay đổi theo từng thời kì và tổ chức xác định các thiên đường thuế.
Tối ưu hoá thuế (optimisation fiscale): sử dụng những phương tiện hợp pháp để làm giảm tiền thuế phải đóng, thậm chí để thoát nghĩa vụ thuế. Điều này đòi hỏi phải nắm vững luật pháp và những kẻ hở của hệ thống này. Tối ưu hoá thuế được các cá nhân cũng như các doanh nghiệp, thường là các công ty đa quốc gia, vận dụng. Chẳng hạn, Uỷ ban châu Âu đã ghi nhận là các công ty đa quốc gia trung bình đóng thuế khoảng 10% tiền lời thu được ở châu Âu trong lúc con số này cho những công ty khác là 23%. 
Tránh thuế (évasion fiscale): chiến lược né tránh thuế bằng cách đầu tư một phần hay toàn bộ tài sản trong những nước có chế độ thuế nhẹ nhàng, mà không cần phải định cư tại đó. Chiến lược này có thể là việc tối ưu hoá thuế (hợp pháp) hoặc là trốn/gian lận thuế (bất hợp pháp).
Trốn/gian lận thuế (fraude fiscale): sử dụng những phương tiện bất hợp pháp để làm giảm số thuế phải đóng, thậm chí để hoàn toàn khỏi đóng. Việc dịch chuyển vốn sang những địa bàn pháp lí ở nước ngoài mà không báo cho cơ quan thuế là một hình thức trốn thuế.
 
Print Friendly and PDF