[1] Những thành phố này có mục đích là triển khai một quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội vì tương lai của xã hội trước những biến đổi của khí hậu và sự cạn kiệt của dầu hỏa, đặc biệt qua việc định vị lại nhiều lĩnh vực khác nhau (năng lượng, nền dân chủ, sức khỏe, nông nghiệp, kinh tế...) để cải thiện khả năng chịu đựng của địa phương trước các cú sốc.↩
[2] Đối với một địa phương với hơn 200.000 cư dân, đó vẫn là điều còn ít.↩
[*] GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ: Thu nhập vô điều kiện: còn được gọi là thu nhập cơ bản hoặc thu nhập phổ quát, đây là một đề xuất của một số phong trào xã hội nhắm đến việc chi trả vô điều kiện cho tất cả các thành viên của một cộng đồng chính trị cụ thể một mức thu nhập đủ để thoát khỏi tình trạng đói nghèo, tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ được cho là thiết yếu mà không cần có việc làm.↩
12.1.18
Những đồng tiền thay thế để làm biến đổi xã hội
NHỮNG ĐỒNG TIỀN THAY THẾ ĐỂ LÀM BIẾN ĐỔI XÃ HỘI
Marie FARE, nhà kinh tế, UMR Triangle, Đại học Lumière Lyon II.
Từ những năm 1980, đã có nhiều làn sóng đồng tiền địa phương, đồng tiền xã hội và đồng tiền bổ túc nổi lên, từ phương Bắc đến phương Nam, thúc đẩy những cơ năng và mô hình đa dạng.
Người ta gọi các mô hình đó là LETS (Local Exchange Trading System, Hệ thống giao dịch thương mại địa phương). Chúng ra đời vào những năm 1982-1983 ở Canada và là sự khởi đầu của một làn sóng chưa từng có trong lịch sử đương đại của các đồng tiền xã hội và bổ túc (viết tắt là MSC, monnaies sociales et complémentaires). Kể từ đó, sự xuất hiện và phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, của các đồng tiền này đã thúc đẩy những cơ năng và mô hình đa dạng. Thực tế của việc sử dụng và mục đích của các công cụ trao đổi địa phương về sản phẩm, dịch vụ và hiểu biết mới là gì? Các giới hạn và điều kiện để phát triển chúng là gì? Tổng quan.
Việc triển khai một đồng tiền xã hội và bổ túc tự thân nó không phải là một mục đích, nhưng ngược lại là để giúp đạt được một số mục tiêu mà đồng tiền quốc gia chưa đáp ứng được. Có ba mục tiêu chính: hỗ trợ sự phát triển địa phương, làm tăng giá trị các hành vi về sinh thái và tăng cường sự hỗ trợ và đoàn kết lẫn nhau. Nếu một số các đồng tiền này được tạo ra và phát triển trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế (đồng Wir ở Thụy Sĩ trong những năm 1930, hay đồng Trueque Argentina vào đầu những năm 2000), thì có những đồng tiền khác được tạo ra với viễn cảnh làm biến đổi xã hội (quá trình chuyển đổi) từ nhận định là một cuộc khủng hoảng nhiều chiều kích (kinh tế, xã hội, môi trường và biểu tượng) đòi hỏi phải có những phản ứng mang tính hệ thống. Thế nhưng, tiền tệ mang tính đặc biệt "dễ bảo" và có thể tăng củng cố việc quảng bá và triển khai bền vững nhiều mục tiêu về xã hội, kinh tế và môi trường.
Tăng cường sự hỗ trợ lẫn nhau và sự đoàn kết
Một thế hệ đầu tiên của các đồng tiền liên kết xuất hiện vào những năm 1980. Nó tồn tại đặc biệt mạnh mẽ cho đến những năm 1990. Đó là những đồng tiền "tín dụng tương tế" chẳng hạn như các mô hình LETS, SEL (Système d’Échange Local, hệ thống trao đổi mậu dịch địa phương) và các ngân hàng thời gian. Các công cụ này tìm cách tăng cường sự gắn kết xã hội qua việc tạo ra các mối quan hệ xã hội và tổ chức các hình thức mới để đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng còn nhắm đến việc đấu tranh chống lại việc bị xã hội đẩy ra ngoài bằng việc lồng các trao đổi mậu dịch trong các quan hệ xã hội. Ví dụ như các tổ chức Accorderies, trước đây được phát triển ở Quebec vào đầu những năm 2000, rồi đến Pháp từ năm 2011. Accorderie là một ngân hàng thời gian cho phép các thành viên trao đổi dịch vụ trên cơ sở thời gian hoàn thành dịch vụ ấy (theo nguyên tắc một giờ bằng một giờ, bất luận dịch vụ được cung cấp).
Các đồng tiền này không chuyển đổi được: không có sự tương ứng nào được đưa ra giữa thời gian và đồng tiền quốc gia. Đó là những đồng tiền "tín dụng tương tế", có nghĩa là không có một đồng tiền nào được tạo ra trước đó: tài khoản của các đối tác kinh doanh sẽ đồng thời ghi tài sản có cho người cung cấp dịch vụ và ghi tài sản nợ cho người nhận dịch vụ. Một số tổ chức Accorderie cũng phát triển thêm các dịch vụ mang tính tập thể (tín dụng liên đới, mua theo nhóm).
Ngân hàng thời gian thường duy trì các mối liên kết chặt chẽ với các cộng đồng địa phương (ở Italy hoặc ở Pháp), hoặc với các tổ chức kinh tế xã hội hoặc liên đới (các Accorderies ở Québec, các ngân hàng thời gian anglo-saxon), trong khuôn khổ các mục tiêu xã hội và phi kinh tế thuộc thẩm quyền của của chính quyền địa phương (trợ giúp xã hội).
Bốn thế hệ các đồng tiền liên kết
Bốn thế hệ các công cụ được phân biệt bằng tổ chức tiền tệ được chọn lọc và các quan hệ với thế giới kinh tế-xã hội và các cơ quan công quyền, địa phương hoặc trung ương. Các thế hệ này không nối tiếp nhau, nhưng chồng chéo với nhau (sự xuất hiện của một công cụ thuộc thế hệ mới không làm cho công cụ của thế hệ trước chấm dứt hoạt động) và chuyển hóa.
G1: tiền tệ không chuyển đổi, ít đối tác, mang tính kinh tế-xã hội, quan hệ xa lánh nếu không muốn nói ngờ vực với các cộng đồng địa phương.
G2: tiền tệ thời gian, nhiều đối tác, và thường có quan hệ mang tính quyết định với các cộng đồng địa phương, chính sách xã hội.
G3: tiền tệ chuyển đổi được, tìm kiếm các đối tác tiến bộ trong các mục tiêu kinh tế địa phương: các cộng đồng địa phương ít xuất hiện, nhưng sự hiện diện của họ mang tính quyết định.
G4: các dự án đa phức thể (về môi trường, xã hội, kinh tế...) và vai trò trung tâm của các cộng đồng địa phương.
Hỗ trợ phát triển lãnh thổ
Khi tự giới hạn trong một không gian lưu hành được xác định về mặt địa lý, các đồng tiền này thúc đẩy việc tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ địa phương. Chúng giúp lãnh thổ phát triển tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ tiềm tàng qua việc định vị (lại) sự giao dịch giữa các tác nhân kinh tế với người dân. Một cách cơ học, nếu các giao dịch được giới hạn trong không gian lưu hành này, thì sẽ kéo theo một sự gia tăng của cải của địa phương. Điều này nằm trong một logic rộng hơn về quá trình phát triển nội sinh, trong đó cung và cầu các sản phẩm và dịch vụ bám sâu vào lãnh thổ. Để làm được điều này, các đồng tiền này ưu tiên việc sử dụng các nguồn thu nhập từ một nền sản xuất địa phương qua việc tạo ra một chu trình tự trị. Như vậy, các đồng tiền xã hội và bổ túc sẽ cố cân bằng lại cán cân quyền lực giữa các doanh nghiệp lớn ngoài địa phương với các doanh nghiệp địa phương (các thợ thủ công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các giao dịch thương mại bán lẻ, các nhà sản xuất địa phương) vốn ít "biến động" hơn.
Đồng tiền nào có được tiềm năng lớn nhất liên quan đến mục tiêu nói trên sẽ có những hình thức chuyển đổi và đôi khi hình thành các quan hệ đối tác với các cộng đồng địa phương. Thế hệ các đồng tiền địa phương này khởi đầu với đồng Ithaca Hour vào năm 1991. Nó trải qua một làn sóng thứ hai kể từ đầu những năm 2000 với các trường hợp của Đức (hệ thống tiền tệ Regiogeld) và của Brazil (các ngân hàng cộng đồng theo mô hình của Banco Palmas). Vào cuối những năm 2000, nó xuất hiện ở Vương quốc Anh với các đồng tiền địa phương của một số "thành phố đang chuyển đổi"[1], rồi ở Pháp, vào đầu năm 2010 (đồng Occitan ở Pézenas và đồng abeille ở Villeneuve-sur-Lot).
Pháp trải qua một làn sóng thực sự các dự án tiền tệ địa phương kể từ đầu những năm 2010. Đã có chừng hai mươi dự án thử nghiệm đã được tung ra, trong đó có đồng Sol Violette ở Toulouse hoặc đồng Eusko ở Pays Basque. Và ít nhất khoảng bấy nhiêu dự án tiền tệ nữa đang trong quá trình hình thành vào đầu năm 2015. Đồng Eusko là một trong những đồng tiền năng động nhất: nó có tổng cộng khoảng 2.000 thành viên và 500 nhà cung cấp cho một lượng cung tiền khoảng 250.000 euro[2]có trách nhiệm với môi trường sinh thái, thu nhập phi điều kiện[*]. Ngày nay, có khoảng 200 đồng tiền thuộc loại này trên thế giới, trong đó một nửa ở Brazil và một phần ba ở châu Âu.
Trong các đồng tiền này, có một sự tương đương cố định gắn đồng tiền địa phương với đồng tiền quốc gia (với một tỷ lệ một ăn một), với các hình thức chuyển đổi và cả hai đồng tiền được sử dụng song song với nhau. Các đồng tiền này được lưu hành dưới hình thức phiếu tiền và đôi khi còn dưới hình thức thẻ điện tử. Việc lưu hành đồng tiền địa phương được đảm bảo bằng một lượng tiền dự trữ tương đương bằng đồng tiền quốc gia. Đầu vào, được chuyển đổi bắt buộc từ đồng tiền quốc gia sang đồng tiền địa phương, đôi khi được tạo điều kiện bằng một tỷ giá ưu đãi (ví dụ như 100 đồng tiền quốc gia đổi được 105 đồng tiền địa phương). Đầu ra, được chuyển đổi từ đồng tiền địa phương sang đồng tiền quốc gia, không phải lúc nào cũng được chấp nhận và hầu như chỉ giới hạn trong các giới chuyên nghiệp; nếu cần, có thể phạt cảnh cáo đầu ra nhằm tìm cách hạn chế nguy cơ bán lại đồng tiền địa phương với khối lượng lớn. Thật vậy, việc hỗ trợ sự phát triển lãnh thổ là hiệu quả hơn khi không dễ chuyển đổi các tài sản sở hữu bằng đồng tiền địa phương sang đồng tiền quốc gia. Sự đa dạng của sản phẩm và dịch vụ được cung cấp trong hệ thống tiền tệ địa phương, sự đa dạng của các tác nhân và quy mô của mạng lưới cũng là những nhân tố quyết định sự thành công.
So với các đồng tiền "tín dụng tương tế", các mô hình này xem ra hiệu quả hơn trong việc quản lý, trong tác động kinh tế các hoạt động của chúng và trong các mối quan hệ của chúng với thế giới kinh tế-xã hội. Sự định hướng kinh tế và sự quan tâm đến tính hiệu quả và tính trưởng thành ngày càng dẫn đến việc tìm kiếm những sự hợp tác thích đáng. Trong bối cảnh này, quan hệ đối tác với các ngân hàng địa phương hoặc với các cộng đồng địa phương có thể là một nhân tố quyết định. Có hai mục tiêu để biện minh cho các quan hệ đối tác như vậy: một mặt, tăng cường độ tin cậy của đồng tiền thông qua một hình thức "bảo đảm" về mặt thể chế; và mặt khác, làm cho các thuế và phí địa phương cũng như một số dịch vụ công cộng (giao thông, văn hóa, v.v.) có thể được thanh toán bằng tiền đồng địa phương – để mở rộng biên độ cung sẵn có bằng đồng tiền địa phương (đặc biệt về khối lượng). Tại Bristol và Brixton, các thử nghiệm đã được tiến hành theo hướng này.
Thúc đẩy hành vi thân thiện với sinh thái
Các đồng tiền bổ túc cũng có thể tìm kiếm hoặc thúc đẩy các hành vi thân thiện với sinh thái, có nghĩa là những cuộc vận động mang tính đoàn kết và/hoặc sinh thái theo kiểu bảo vệ môi trường, sử dụng chung xe, tiết kiệm năng lượng, tái chế chất thải, tiêu thụ có trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau... Điều này cho phép đánh giá (lại) và xem xét lại sự giàu có qua việc hạch toán các hoạt động ở cội nguồn của phúc lợi tập thể, điều mà trước đây không thấy được do không được "hạch toán". Bằng cách tạo ra một động lực tích cực cho việc thiết lập một tư cách công dân sinh thái, các đồng tiền này như vậy đáp ứng được những thách thức của quá trình phát triển bền vững.
Ví dụ về cách tiếp cận này: đồng Eco Iris. Đồng tiền này được phát triển từ năm 2012 tại năm huyện của Brussels theo sáng kiến của Bruxelles Environnement (cơ quan quản lý môi trường và năng lượng của vùng Bruxelles-Capitale). Để có được đồng Eco Iris, người dân phải thực hiện những hành vi thân thiện với môi trường, như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm tiền hóa đơn sử dụng năng lượng hoặc tiêu thụ nước, tham gia chăm sóc một khu vườn tập thể, sơn "xanh" mặt tiền nhà hoặc mái nhà, mua một chiếc xe đạp, thực hành đi xe chung, từ bỏ biển số xe, v.v.. Một khi có được đồng Eco Iris, người dân có thể sử dụng nó để mua sắm các sản phẩm hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại đối tác (thực phẩm, y tế, quần áo, chăm sóc, xây dựng, sửa chữa vặt, trang trí, v.v.). Trong năm 2014, đã có khoảng 60.000 đồng Eco Iris được phân phát, tương đương với 6.000 euro và 1.360 người sử dụng. Tuy nhiên nhìn chung, các hệ thống này vẫn còn rất ít, do chi phí về tài chính và công nghệ rất cao.
Ngày nay, các đồng tiền xã hội và bổ túc đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là phải lồng vào một chiến lược phát triển lãnh thổ. Thực vậy, hiệu ứng đòn bẩy chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được kết hợp với các logic và các công cụ của nền kinh tế xã hội và liên đới (tín dụng vi mô, mua hàng theo nhóm, cửa hàng tạp hóa xã hội, hợp tác xã, tài chính liên đới, các trung tâm lãnh thổ về hợp tác kinh tế, v.v.) hoặc với các chính sách chuyển đổi sinh thái và khả năng chịu đựng của lãnh thổ (khuyến khích các hành vi có trách nhiệm với môi trường sinh thái, thu nhập phi điều kiện).
Nhưng ở thượng nguồn, việc huy động và cam kết của tất cả các bên liên quan là các yếu tố cấu thành các đồng tiền, miễn là chúng được đặt vào một viễn cảnh vì mục tiêu biến đổi: đó là việc tập thể phải xác định một khuôn khổ mới các giá trị và triển khai một mô hình phát triển mới, để xây dựng các quan hệ kinh tế và xã hội xung quanh đó. Việc thương thảo các phương thức hoạt động của tiền tệ trở thành chất xúc tác cho sự thống nhất ý kiến với nhau về dự án của lãnh thổ. Cách tiếp cận này, kết hợp tất cả các tác nhân của địa phương (các đại biểu dân cử, các hiệp hội, người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, v.v.), cho phép kết nối các mạng hiện có theo một cách tiếp cận hàng ngang.
Như vậy, các mô hình tiền tệ thay đổi tùy thuộc vào các mục tiêu nhắm đến và bối cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa, mà chúng được ra đời. Tuy nhiên, tất cả các mô hình đó hình thành nên các sáng kiến của địa phương, trong việc tìm cách chiếm hữu công cụ tiền tệ, với một mong muốn đổi mới xã hội. Cuối cùng, các đồng tiền đó nhấn mạnh đến bản chất của tiền tệ, một "liên kết phổ quát mang tính kinh tế, chính trị và biểu tượng", như định nghĩa của Bruno Théret. ■
Tìm hiểu thêm
Exclusion et liens financiers: monnaies sociales (Bị loại trừ và liên kết tài chính: các đồng tiền xã hội), báo cáo 2005-2006, Jerome Blanc (chủ biên), Economica, 2006.
Monnaies régionales: de nouvelles voies vers une prospérité durable (Các đồng tiền khu vực: những con đường mới hướng về một sự thịnh vượng bền vững), của Margrit Kennedy và Bernard Lietaaer, Charles Léopold Mayer, 2008.
Viva Favela! Quand les démunis prennent leur destin en main (Viva Favela! Khi người nghèo nắm bắt vận mệnh của họ), của Joaquim Melo, Michel Lafon, 2009.
Une économie sans argent: les systèmes d’échange local (Một nền kinh tế phi tiền bạc: cac hệ thống giao dịch địa phương), của Jean-Michel Servet (chủ biên), Le Seuil, 1999.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: "Les monnaies alternatives pour transformer la société", trong La monnaie et ses mystères, Alternatives Economiques HORS-SÉRIES no105, page 36-55.