XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ BA CHIỀU KÍCH VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG Ở BA LAN SAU 1989
Grzegorz Ekiert, Jan Kubick, và Michal Wenzel
Mục tiêu của nghiên cứu này là trình bày tình trạng xã hội dân sự ở Ba Lan sau thời kì cộng sản và đánh giá sơ bộ về vai trò của nó trong việc giảm bất bình đẳng về chính trị, dân sự và kinh tế vốn được thừa hưởng từ chế độ cũ và tạo ra bởi quá trình biến đổi sau 1989. Chúng tôi cho rằng xã hội dân sự của Ba Lan mạnh mẽ và năng động hơn nhiều so với giả định thông thường và tác động của nó đối với việc hoạch định chính sách là có ý nghĩa quan trọng. Mặc dù có một niềm tin trái ngược được chia sẻ rộng rãi, chủ nghĩa xã hội nhà nước từng là một hệ thống tạo ra và tái sinh các bất bình đẳng đáng kể. Trong khi các nhà lãnh đạo của nhà nước ấy tuyên bố đấu tranh cho bình đẳng xã hội, nhưng quyền lực chính trị lại được tập trung ở những người đứng đầu trong hệ thống có thứ bậc của đảng-nhà nước. Sự tham gia của người dân bị theo dõi chặt chẽ và chịu những ràng buộc võ đoán. Về mặt kinh tế, mặc dù sự phân phối thu nhập khá quân bình, nhưng có nhiều lĩnh vực tiếp cận cơ hội cực kì không công bằng (việc làm, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, du lịch nước ngoài v.v.) và (cả trong phân phối) hàng tiêu dùng và dịch vụ[1]. Tiếp cận được dựa trên một tiêu chuẩn chính trị: các đảng viên, đặc biệt ở các vị trí cao, được hưởng những đặc quyền đáng kể. Điều quan trọng nhất là tầng lớp tinh hoa của đảng-nhà nước có quyền tiếp cận các nguồn lực mà các công dân bình thường chỉ có thể mơ ước. Sự bất bình đẳng như vậy đã ăn sâu bám rễ, được tái sản sinh, và ngày càng được thừa kế.
Những năm suy yếu của chủ nghĩa xã hội nhà nước đã dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế toàn khu vực, sự vô chính phủ hoá việc phân bổ các nguồn lực của bộ máy quan liêu, sự tư nhân hóa tự phát tài sản nhà nước, sự bùng nổ của thị trường chợ đen và sự tư sản hóa của giới đảng viên tinh hoa. Tất cả những tiến triển này dẫn đến sự gia tăng đáng kể các bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đã tồn tại khi "những đảng viên trở thành những doanh nhân"[2];và những bất bình đẳng của thị trường phái sinh mới đã xuất hiện.[3] Tình trạng kinh tế và chính trị ở Ba Lan trong những năm cuối thập niên 1980 gặp nhiều khó khăn hơn hầu hết các nước trong khu vực.[4] Các biện pháp trừng phạt kinh tế phương Tây áp đặt sau sự đổ vỡ của phong trào Đoàn kết[5], nợ nần nước ngoài, lạm phát phi mã và một thập niên đình trệ kinh tế làm gián đoạn hoạt động của các thể chế nhà nước, làm trở ngại sự thi hành chính sách nhất quán, và góp phần làm bùng nổ bất bình đẳng. Những cải cách kinh tế triệt để và chiến lược chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đang khủng hoảng sang nền kinh tế thị trường bằng những liệu pháp sốc, do chính phủ Ba Lan đầu tiên được bầu một cách dân chủ vào năm 1989 đưa ra và được biết như là kế hoạch Balcerowicz, thường bị chỉ trích vì những hậu quả phân phối của chúng và vì đã đưa thất nghiệp và những bất bình đẳng mới về kinh tế lên hàng đầu các vấn đề xã hội được thừa kế.[6] Bằng những biện pháp khách quan về kinh tế, xã hội và chính trị, khoảng năm 2015, Ba Lan trở thành quốc gia thành công nhất trong số các nền dân chủ mới xuất hiện ở châu Âu do sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào năm 1989. Sau hơn hai thập niên chuyển đổi, đất nước này đã ổn định, nhà nước hoạt động tốt với các cuộc bầu cử công bằng và cạnh tranh, các định chế đại diện mạnh, các phương tiện truyền thông độc lập và quyết đoán, và một xã hội dân sự sôi nổi. Năm 2015, Ngôi nhà Tự do (Freedom House, một tổ chức phi chính phủ của Mĩ có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu – ND) xếp Ba Lan vào vị trí cao nhất trong số các chế độ dân chủ tự do được củng cố.[7] Hệ thống chính trị của đất nước này đã ổn định đáng kể từ năm 1989, và hệ thống đảng phái của nó đã được củng cố qua một số chu kỳ bầu cử. Gắn kết chặt chẽ trong khối Liên minh Châu Âu, Ba Lan có một nền kinh tế phát triển nhanh, một hệ thống phúc lợi rộng lớn, một bộ máy chính quyền mang tính kỹ trị, một tầng lớp chính trị chuyên nghiệp, và một hệ thống các đảng được thể chế hóa để phục vụ cho cử tri phân tán bỏ phiếu một cách công bằng.[8] Ba Lan là quốc gia duy nhất trong khối Liên minh Châu Âu không trải qua khủng hoảng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong giai đoạn 1989 đến 2015, GDP bình quân đầu người của Ba Lan tăng gấp bốn lần, và xếp hạng cao hơn nhiều nước châu Âu khác trong Bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu.[9] Trong khi bất bình đẳng về kinh tế gia tăng trong suốt thời kỳ này, nhưng tình trạng của họ ít nghiêm trọng hơn nhiều nước hậu cộng sản khác. Ví dụ, tỷ lệ đói nghèo tuyệt đối đã giảm từ 13,2% năm 1993 xuống còn 3,9% trong năm 2010.[10] Vào năm 2013, ý kiến của công luận ở Ba Lan hỗ trợ hội nhập kinh tế châu Âu chỉ đứng sau Đức, và người Ba Lan có những cách nhìn lạc quan nhất về Liên minh châu Âu trong số tất cả các nước châu Âu như đã báo cáo trong một nghiên cứu gần đây.[11] Cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống năm 2015 đã đưa đảng Law and Justice (PiS), vốn bắt đầu kể từ việc thực thi một chương trình kinh tế dân túy, lên nắm quyền và đưa ra một số biện pháp thường được coi là những thách thức nghiêm trọng đối với nền tảng của chính thể dân chủ tự do. Tác động lâu dài của những thay đổi này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng các chính sách của chính phủ, đặc biệt là chương trình phúc lợi mới cho trẻ em, đã có những hệ quả phân phối ngay lập tức. Thành công về chính trị và kinh tế của Ba Lan rất đáng chú ý, khi tính đến hoàn cảnh lúc đầu ngay khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Trái ngược với hầu hết làn sóng thứ ba các quốc gia dân chủ khác nơi mà các nền kinh tế thị trường tồn tại trước khi có sự thay đổi chế độ, Ba Lan (như các nước hậu cộng sản khác) được đặc trưng bởi sự thiếu vắng hiển lộ của nhiều tiền đề về pháp lý, kinh tế, chính trị và xã hội cần thiết cho chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ để phát triển. Mặc dù Ba Lan có những phong trào đối kháng phát triển nhất trong khối Xô viết với các phương tiện thông tin và truyền thông đại chúng phi chính thức độc lập mạnh mẽ nhất, nhưng đất nước cũng có các quyền sở hữu bị méo mó, thiếu cơ sở hạ tầng cho nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, cũng thiếu vắng chế độ pháp quyền và trách nhiệm giải trình. Công dân của họ không quen với sự cạnh tranh bầu cử và không tin tưởng vào nhà nước và các tổ chức chính trị và xã hội khác. Cuối cùng, Ba Lan đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và suy nhược với siêu lạm phát, suy thoái, và sự suýt sụp đổ của thị trường tiêu dùng. Do đó, các biến đổi của Ba Lan đã bắt đầu không mấy thuận lợi trong sự tàn phá của cuộc khủng hoảng kinh tế và trong bối cảnh yếu kém của các thể chế chính trị với sự manh mún của hệ thống các đảng và sự mạnh mẽ và thu hút của các tổ chức nghiệp đoàn, và sự bất ổn khu vực ở mức báo động cao.
Trong bài báo này, chúng tôi tập trung vào tác động của sự chuyển đổi của xã hội dân sự đối với nền chính trị Ba Lan và trên việc giảm thiểu sự bất bình đẳng vốn vừa được thừa hưởng từ chế độ cũ và vừa được tạo ra bởi các biến đổi thể chế sau năm 1989. Hầu hết các nghiên cứu đương đại về quá trình dân chủ hóa, củng cố nền dân chủ và sự thực thi dân chủ đều cho thấy rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa sức mạnh của xã hội dân sự, sự khỏe mạnh của các thể chế dân chủ và chất lượng của các chính sách và sự thực thi của chính phủ. Hầu hết các học giả đồng ý rằng một xã hội dân sự mạnh mẽ, năng động và tự tin là điều kiện tiên quyết cơ bản để sự củng cố chế độ dân chủ thành công và quản trị và trách nhiệm giải trình tốt hơn.[12] Một tài liệu liên quan về mối quan hệ giữa vốn xã hội và dân chủ đưa ra một kết luận tương tự.[13] Chúng tôi cho rằng xã hội dân sự Ba Lan đã góp phần củng cố và chất lượng nền dân chủ Ba Lan bằng cách giảm sự bất bình đẳng về chính trị và tạo điều kiện cho sự tham gia của công dân. Nó đã là một tác nhân mạnh mẽ đã giúp loại bỏ sự tước quyền công dân vốn có trong chế độ cũ cũng như là một người giám hộ có hiệu quả về các quyền công dân và chính trị vừa có được trong quá trình củng cố nền dân chủ. Hai thập niên rưỡi sau sự sụp đổ của cộng sản, Ba Lan có một xã hội dân sự tương đối mạnh mẽ, toàn diện về mặt tổ chức, phong phú và đa dạng, đại diện cho tất cả các lợi ích chủ yếu và các bản sắc, và sự đa nguyên về ý thức hệ nhưng ngày càng phân cực kể từ cuộc bầu cử năm 2015. Bức tranh về xã hội dân sự mà chúng tôi trình bày phần còn lại tương phản hoàn toàn với hầu hết các cuộc thảo luận về tình trạng của xã hội dân sự trong khu vực, nhấn mạnh đến sự yếu kém về mặt tổ chức và tình trạng trì trệ công dân nói chung.[14] Tình trạng hiện nay của xã hội dân sự Ba Lan là kết quả của bốn tiến trình khác biệt và đồng thời: Thứ nhất, những năm đầu của quá trình chuyển đổi đã chứng kiến quá trình tái cấu trúc và tái kết hợp trong đó mạng lưới các tổ chức xã hội dày đặc vốn được thừa hưởng từ các chế độ cũ được điều chỉnh theo các điều kiện dân chủ mới và một số lượng lớn các tổ chức mới và những sáng kiến xã hội xuất hiện trên khắp đất nước.[15] Việc khôi phục lại xã hội dân sự song song với việc thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước[16],qua đó nhà nước mất quyền kiểm soát các tổ chức nghề nghiệp và xã hội và phi tập thể hoá, một quá trình mà ở đó các tổ chức nghề nghiệp và công đoàn lớn bị mất vai trò chi phối và ảnh hưởng của chúng trên chính trị và hoạch định chính sách. Cuối cùng, sự chuyên nghiệp hóa của xã hội dân sự đã dẫn đến sự xuất hiện của hàng chục ngàn tổ chức phi chính phủ và các quỹ tài trợ trong hai thập kỷ qua. Đây hầu hết là các tổ chức nhỏ do các nhân viên chuyên nghiệp điều hành dựa vào nguồn tài chính công, vận động quyên góp và tình nguyện viên. Họ tập trung vào một loạt các vấn đề và sáng kiến ở cấp địa phương và quốc gia và hoạt động trong một môi trường pháp lý được quy định rõ ràng và thân thiện (cho đến năm 2016).[17] Nghiên cứu định hướng theo lịch đại của chúng tôi dựa trên giả định rằng sự phát triển của xã hội dân sự và tác động của nó lên chính trị và hoạch định chính sách cần được giải thích, trước hết là do sự chuyển đổi về mặt tổ chức của xã hội dân sự và bởi sự thay đổi trong các mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội dân sự, nhà nước và các tác nhân khác trong không gian công cộng. Như vậy, sự hình thành và tình trạng xã hội dân sự không phải là hiện tượng phụ của những bứt phá kinh tế nhất thời, cũng không phải là do sự biến động trong công luận. Hơn nữa, trái ngược với nhiều phân tích hiện tại dựa trên một số ít các chỉ số và/hoặc các cuộc điều tra ý kiến công chúng xuyên quốc gia hoặc các mẫu chuyên gia (panel),[18] chúng tôi sử dụng một khái niệm nhạy cảm mang tính thực nghiệm và thực tế hơn về xã hội dân sự và thu thập dữ liệu trên một phổ rộng các nhà hoạt động xã hội dân sự và hành vi của họ.[19] Nghiên cứu, "Lô gích của xã hội dân sự ở các nền dân chủ mới: Hungary, Ba Lan, Hàn Quốc và Đài Loan" cung cấp bằng chứng thực nghiệm được tạo ra bởi phương pháp phân tích sự kiện được bổ sung bởi toàn bộ số liệu hiện có về các tổ chức phi chính phủ và các cuộc điều tra công luận. Xã hội dân sự ở Ba Lan sau 1989 : Yếu hay mạnh?
Trong số các quốc gia thoát khỏi chủ nghĩa xã hội nhà nước, Ba Lan nổi bật vì nhiều lý do, nhưng một trong số đó lại có ảnh hưởng hơn cả: chế độ cộng sản từ bỏ sức mạnh của nó do một sự thách thức to lớn và bền bỉ từ bên dưới. Phong trào Đoàn kết, xuất hiện vào mùa hè năm 1980 khi làn sóng bất đồng đã lên đến đỉnh điểm, đã bị đàn áp dã man bởi việc áp dụng thiết quân luật vào tháng 12 năm 1981. Phong trào này vẫn tồn tại âm ỉ và tiếp tục thách thức nhà nước cộng sản trong suốt những năm 1980. Các cuộc đối thoại bàn tròn năm 1989, đưa đến thời kì quá độ sang dân chủ, không chỉ là kết quả trực tiếp của sức ép dai dẳng này từ dưới lên, mà còn đạt được trên cơ sở của sự vận động chính trị quần chúng và các làn sóng đình công. Nói tóm lại, các tổ chức xã hội dân sự và động thái của họ là phương tiện để loại trừ sự bất bình đẳng về chính trị (ví dụ sự tước bỏ quyền công dân), một dấu ấn của chủ nghĩa xã hội nhà nước. Thế thì không có gì vô lý để mong đợi rằng xã hội dân sự có thể đóng một vai trò quan trọng không kém trong chính trị và trong việc giảm thiểu những sự bất bình đẳng khác thừa hưởng vốn kế thừa từ chế độ cũ và phát sinh trong giai đoạn sau năm 1989. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chẩn đoán xã hội dân sự sau-giai-đoạn-đột-phá và mức hoạt động của nó là yếu ớt hoặc lờ vờ đáng kinh ngạc.[20] Chúng tôi không đồng ý với quan điểm đang chiếm ưu thế rằng xã hội dân sự ở Ba Lan hậu cộng sản là yếu kém và chậm phát triển. Thay vào đó, chúng tôi thấy có không gian liên kết hữu hiệu đang tiến triển, năng động trong đó các thành viên tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau thông qua nhiều loại phương tiện tổ chức khác nhau. Hơn nữa, chúng ta nhận ra một khuynh hướng khác biệt trong quá trình tiến triển của xã hội dân sự ở Ba Lan sau năm 1989: trong khi mức độ các hình thức hoạt động có tính chất phản đối (đình công, biểu tình, v.v.) và nội dung chính trị chung mang tính công khai của các hình thức này dần dần giảm xuống từ giữa những năm 90 thì cường độ của các hình thức hoạt động thiên về "dân sự" (tham gia và hỗ trợ cho các tổ chức phi chính phủ, hoạt động tình nguyện, v.v.) đang tăng lên. Trong hai thập kỷ qua của những biến chuyển sau cộng sản, trọng tâm của xã hội dân sự ở Ba Lan chuyển từ các tổ chức chính thức đông đảo, dựa trên số thành viên, quy mô như là các công đoàn và các hiệp hội nghề nghiệp (phần lớn là kế thừa từ chế độ cũ) sang các tổ chức nhỏ, phi chính phủ, đa dạng, chuyên nghiệp, dựa vào sự tham gia tự nguyện, tài trợ của công chúng cũng như của tư nhân.[21] Chúng tôi mô tả sự chuyển đổi này như là sự phi nhà nước hóa và chuyên nghiệp hóa xã hội dân sự ở Ba Lan. Theo đó, từ năm 1989 đến năm 2010, khuôn mẫu của các hoạt động xã hội dân sự mang đậm tính tranh chấp trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi[22]đã dần dần thay đổi để theo đuổi các hoạt động phi tranh chấp. Tuy nhiên, từ năm 2010, chúng ta quan sát thấy sự phục sinh của xu hướng chính trị mang tính tranh chấp, cả ở cánh tả và cánh hữu của phổ chính trị. Do đó, các mối quan hệ mang tính chính trị và đối địch trong những năm đầu đã mở đường cho nhiều mối quan hệ hợp tác và phức tạp hơn, rồi tiếp về sau là sự phân cực chính trị gia tăng và sự nổi lên của các cuộc biểu tình phản kháng trong vài năm gần đây. Nói tóm lại, chúng tôi cho rằng xã hội dân sự đa nguyên, đa dạng và phong phú về mặt tổ chức ở Ba Lan sau thời kì cộng sản trở thành một công cụ chính để giảm các bất bình đẳng chính trị và dân sự; nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại những thiệt hại về mặt phân phối và bất bình đẳng về kinh tế do nền kinh tế thị trường tạo ra.
Xã hội dân sự ở Ba Lan trên bình diện tổ chức
Dưới hệ thống cộng sản, tất cả các nước Đông Âu đều có chế độ rất riêng (chính trị hóa, quan liêu, tập trung và toàn diện) của đời sống đoàn thể và sự "đại diện" cho quyền lợi. Sau khi người cộng sản nắm quyền kiểm soát, nó được biểu thị bởi số hội viên có tính cưỡng bách trong các tổ chức quần chúng, nhà nước hoá hoàn toàn, mức bất bình đẳng về chính trị và dân sự cao. Mạng lưới dày đặc của các đoàn thể lớn này vốn bị kiểm soát chặt chẽ bởi đảng-nhà nước (trước đây được coi là những kênh truyền đạt ý chí của đảng-nhà nước) sẽ là một yếu tố xác định chủ nghĩa toàn trị (và hậu chủ nghĩa toàn trị) và tạo thành một trong những sự khác biệt cơ bản nhất về mặt thể chế giữa nó và các hình thức chế độ chính trị, cả dân chủ và độc tài. Tuy nhiên, theo thời gian, các tổ chức quần chúng này đã đạt được một chút tự chủ và bắt đầu vận động đảng-nhà nước để đòi hỏi các nhượng quyền cho các thành viên của họ.
Ở Ba Lan, đời sống đoàn thể dưới chế độ cũ đa dạng hơn, ít bị kiểm soát bởi nhà nước cộng sản, và đa nguyên hơn các nước cộng sản khác, đặc biệt là sau năm 1956. Hơn nữa, Ba Lan đã trải qua một số cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến sự vận động đáng kể từ bên dưới của những thành phần khác nhau trong xã hội (công nhân, sinh viên, trí thức, nông dân và người Công giáo) và lên tới đỉnh điểm vào năm 1980 với phong trào Đoàn Kết và sự đàn áp nó vào năm 1981. Những cuộc xung đột này thường bao gồm những nỗ lực thiết lập các tổ chức độc lập với nhà nước hay mở rộng quyền tự trị cho các tổ chức hiện có. Ngay cả trong chế độ hậu toàn trị hà khắc nói chung, các sáng kiến "dân sự" độc lập ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức chịu sự kiểm soát của nhà nước mà cuối cùng lột mất đi một phần tinh thần ý thức hệ và phát triển tự chủ một phần khỏi sự cầm quyền của đảng cộng sản. Hơn nữa, cảnh quan đoàn thể của Ba Lan không chỉ được tạo ra bởi các tổ chức quần chúng mang tính tập trung. Một số truyền thống xã hội dân sự tiền cộng sản và thậm chí các tổ chức cũ (chủ yếu là trong lĩnh vực giải trí, giáo dục, văn hoá) vẫn tồn tại dưới sự cai trị của cộng sản, đặc biệt là ở cấp địa phương.[23]Chúng được coi như những phương tiện ẩn tàng cho các truyền thống địa phương và cung cấp không gian che chắn một số hoạt động khỏi những can thiệp chính trị trực tiếp . Trong những năm 1980, Ba Lan có một xã hội dân sự không hoàn chỉnh,[24] với một số lượng lớn các hiệp hội và một cơ cấu tổ chức dày đặc ở các cấp khác nhau và trong tất cả các lĩnh vực chức năng, nhưng không có quyền tự chủ hay một không gian công cộng hợp pháp nào với các quyền và quyền tự do được thực thi. Xã hội dân sự chưa đầy đủ này có một khu vực do nhà nước kiểm soát bao gồm các tổ chức quần chúng, bao gồm các tổ chức thanh niên, công đoàn, hội nông dân, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức vui chơi giải trí, câu lạc bộ thể thao, các tổ chức phụ nữ và các cựu chiến binh và người nghỉ hưu. Từ sự trải nghiệm của phong trào Đoàn kết và những tiến triển sau tình trạng thiết quân luật, khu vực này có mức độ thực tiễn hóa, phi chính trị hóa và đa dạng hóa đáng kể cũng như khả năng tương đối cao đạt được những sự nhượng bộ từ nhà nước cộng sản. Khu vực xã hội dân sự độc lập gồm đủ các loại nhóm khác nhau, trong đó có những cơ cấu ngầm của phong trào Đoàn kết bị rút thế hợp pháp, các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo bán tự trị, các tổ chức nhân quyền và các phong trào văn hóa, nghệ thuật độc lập, chính trị đối lập bất hợp pháp, các phong trào phi chính trị độc lập (môi trường, dân tộc và người tiêu dùng), và các nhóm tự lực. Tóm lại, dưới chế độ cũ, Ba Lan có một cuộc sống đoàn thể tương đối mạnh, có thể nói mạnh mẽ hơn so với các nước khác trong khối Xô Viết. Nó có hai "khu vực" riêng biệt: một mạng lưới gồm các tổ chức xã hội và nghề nghiệp chính thức chịu sự kiểm soát của nhà nước và một bộ phận bao gồm các tổ chức chính trị, tôn giáo và văn hoá (thường hoạt động bí mật) độc lập rất năng động và tương đối lớn. Các năng lực về mặt tổ chức, những người lãnh đạo, và vốn xã hội trong hai khu vực này đã cung cấp cơ sở vững chắc cho việc hình thành lại xã hội dân sự sau năm 1989. Ý kiến cho rằng các xã hội dân sự ở các nước hậu cộng sản ban đầu được xây dựng từ con số không không có mấy giá trị và đã sai hoàn toàn trong trường hợp của Ba Lan, nơi mà hàng triệu người tham gia không chỉ trong các tổ chức do nhà nước kiểm soát, mà còn trong các phong trào và tổ chức độc lập (ví dụ, năm 1981, Công đoàn Đoàn Kết có khoảng 10 triệu thành viên).[25] Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản đã mở ra một khoảng trống cho việc tái lập lại xã hội dân sự và khởi động quá trình vận động xã hội dân sự chung cho tất cả các trường hợp dân chủ hóa.[26]Xã hội dân sự mới xuất hiện do hai sự tiến triển song song. Thứ nhất, các tổ chức của chế độ cũ đã lột xác về mặt tổ chức và nhân sự lãnh đạo và phần lớn họ đã cố gắng chen chân vào hệ thống dân chủ mới. Thứ hai, các khu vực xã hội dân sự độc lập, vốn bị cấm đoán hay khai tử dưới giai đoạn chủ nghĩa xã hội nhà nước, đã được tái sinh và có sự mở rộng về tổ chức hơn. Tóm lại, nguồn lực của hai lĩnh vực này được kết hợp lại để tạo ra một không gian hiệp hội mới đại diện cho nhiều quyền lợi và bản sắc khác nhau. Các hiệp hội được kiểm soát bởi đảng cộng sản trước năm 1989 thường mất đi một phần đáng kể các thành viên và các nguồn lực, thường phân chia thành các tổ chức nhỏ hơn, và thay đổi tên gọi, những người lãnh đạo và các chương trình nghị sự của họ. Nhiều người trong số họ vẫn sống sót qua quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ tương đối nguyên vẹn, và họ có thể bảo vệ hầu hết các nguồn lực mà họ có trước năm 1989. Một số tổ chức được cải cách vẫn còn giữ các mối liên kết cũ và tiếp cận ưu tiên với các cấp khác nhau trong bộ máy quan liêu của nhà nước.[27]Chỉ có một số ít các tổ chức thuộc thời kì cộng sản hoàn toàn biến mất khỏi sân khấu công. Các tổ chức này chủ yếu là các tổ chức có ý thức hệ cao trong việc thúc đẩy "tình anh em" trong khối Xô viết, ủng hộ Chủ nghĩa Mác - Lênin hoặc trợ giúp Đảng trong việc thực hiện giám sát ý thức hệ và kiểm soát chính trị. Sự cải tổ trong các hiệp hội thời Cộng sản diễn ra đồng thời với sự xuất hiện nhanh chóng của "xã hội dân sự mới", bao gồm nhiều tổ chức phi chính phủ, các quỹ, các tổ chức từ thiện, các tổ chức tôn giáo và dân tộc thiểu số, và còn có cả các tổ chức lao động và hiệp hội kinh doanh.[28]Những tổ chức mới này nhìn chung là các tổ chức và vắng mặt trong cảnh quan đoàn thể vốn được kế thừa chế độ cộng sản (như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện, hay các quỹ tài trợ) cũng như các tổ chức các tổ chức cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức được thừa kế (như các nghiệp đoàn độc lập hoặc hiệp hội nghề nghiệp mới). Nhiều trong số các tổ chức này không đảm bảo đủ nguồn lực và thu hút các thành viên, và chúng biến mất nhanh chóng khi vừa xuất hiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực của xã hội dân sự, nơi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các tổ chức thuộc thời kì cộng sản (ví dụ như hiệp hội nghề nghiệp). Sau vụ bùng nổ về mặt tổ chức của giai đoạn chuyển tiếp, Ba Lan đã có sự gia tăng liên tục về số lượng các hiệp hội và tổ chức.[29] Số liệu về sự đăng ký mới của tổ chức phi chính phủ cho thấy mỗi năm có hàng nghìn tổ chức mới được thành lập và tỷ lệ đăng ký tương đối ổn định trong toàn bộ thời kì. Hình 1. Dynamics of NGO Registration, 1989 - 2012
Nguồn: Klon/Jawor
Điều quan trọng cần lưu ý là sự gia tăng về tổ chức của xã hội dân sự Ba Lan tương đối cân bằng trong tất cả các lĩnh vực của nó; tất cả các loại tổ chức đều cho thấy sự gia tăng số từ năm này qua năm khác. Nó cũng phân bố khá đồng đều giữa các vùng và giữa thành thị và nông thôn.[30] Cuối cùng, cần lưu ý rằng ngay cả những lĩnh vực được hưởng ưu đãi về nguồn lực và hỗ trợ dưới chế độ cộng sản đã có mức gia tăng khá ấn tượng sau năm 1989. Số các câu lạc bộ thể thao có thể đưa ra như là một ví dụ điển hình. Con số này đã tăng từ dưới 2.000 năm 1980 lên hơn 6.000 năm 2006. Ngoài ra, số người tham gia vào các hoạt động của chúng đã tăng đáng kể trong giai đoạn từ 1990 đến 2006.[31] Tóm lại, chỉ dựa trên số lượng các tổ chức mới không thôi mà sự phát triển của xã hội dân sự Ba Lan trong suốt 20 năm hợp nhất dân chủ đã là đáng chú ý. Tỷ lệ thành lập tổ chức mới đã tăng từ năm 1989 đến năm 2000 và từ đó nó đã ổn định ở mức tương đối cao khoảng 5.000 tổ chức mỗi năm mà không có sự sụt giảm đáng kể. Các tổ chức mới đã nổi lên trong tất cả các lĩnh vực của xã hội dân sự và ở tất cả các loại địa phương. Đồng thời, tỷ lệ sống sót của các hiệp hội từ chế độ cũ đã rất cao. Hai xu hướng này tạo ra một xã hội dân sự ngày càng dày đặc và liên tục tăng lên. Sự phát triển mạnh mẽ và tính đa dạng của xã hội dân sự Ba Lan thực chất đã dẫn đến sự suy giảm bất bình đẳng dân sự và là một nhân tố chính trong việc giảm bất bình đẳng chính trị.
Xã hội dân sự sau 1989: trên bình diện công luận
Bức tranh về sự gia tăng về mặt tổ chức của xã hội dân sự được trình bày ở trên không thống nhất với các cuộc điều tra dư luận hiện có. Có nhiều sự khác biệt nổi bật giữa các đánh giá khác nhau về năng lực tổ chức của xã hội dân sự, hành vi thực tế của các chủ thể xã hội dân sự, và ý kiến liên quan đến sự tham gia của dân sự được thể hiện trong các cuộc khảo sát khác nhau. Đặc biệt khó hiểu là những điểm khác nhau giữa các cuộc khảo sát so sánh, đa quốc gia như cuộc khảo sát về các giá trị trên thế giới hay cuộc điều tra về xã hội Châu Âu và các cuộc điều tra được thực hiện bởi các cơ quan điều tra lớn của Ba Lan. Xem xét giám định cụ thể của các tổ chức nghiên cứu Ba Lan và kinh nghiệm lâu năm của họ trong việc nghiên cứu các phong trào xã hội (ví dụ như, CBOS đã thực hiện nghiên cứu này từ đầu năm 1984), chúng tôi thiên về kết quả của họ vì đáng tin cậy hơn.
So với các nước EU khác, các hành động phản đối (được đo lường bởi những lời tuyên bố tham gia của những người trả lời khảo sát) không phải đặc biệt phổ biến ở Ba Lan. Cuộc khảo sát xã hội châu Âu năm 2012 báo cáo rằng người Ba Lan ở gần đáy với chỉ 2,4% số người tham gia vào các cuộc biểu tình hợp pháp (trung bình cho tất cả các nước là 6,8%) và 10,7% thừa nhận ký một đơn kiến nghị (trung bình là 19,2). Đây là điểm rất thấp không chỉ so với các nước EU cũ (ở Tây Ban Nha, ví dụ 25,9% số người trả lời tuyên bố tham gia biểu tình và 33,2% người thừa nhận ký đơn), mà còn với các nước hậu cộng sản khác (ở Slovakia, ví dụ, 3,5% tham gia biểu tình và 20,5% ký một đơn kiến nghị). Đây là một phát hiện gây ngạc nhiên vì từ dữ liệu của chúng tôi, Ba Lan đã khá vững mạnh, mặc dù quang cảnh phản đối đang dần mất nguội lạnh. Giả sử rằng không có sai sót về phương pháp luận trong việc thu thập dữ liệu khảo sát, điều này có nghĩa là các hoạt động phản đối của Ba Lan đã chuyên nghiệp hóa và được tổ chức bởi những nhà hoạt động xã hội và các tổ chức của những nhóm hoạt động có quy mô tương đối nhỏ.
Bức tranh về một xã hội dân sự thụ động này được xác nhận một phần bởi các dữ liệu điều tra của ESS về các tuyên bố tham gia ("đang hoạt động") trong các tổ chức phi chính trị và các hiệp hội.[32] Ba Lan ở gần dưới cùng của bảng xếp hạng châu Âu về các thành viên trong các tổ chức và hiệp hội phi chính trị, mặc dù tình hình đang thay đổi. Chỉ có 7,3% người Ba Lan thừa nhận là thuộc về một tổ chức xã hội dân sự. Đây là một sự tương phản rõ rệt với các quốc gia Bắc Âu hay Tây Âu, nhưng đó là kết quả tốt nhất trong số các nước hậu cộng sản. Trái ngược với các cuộc điều tra đa quốc gia trên thế giới, các cuộc thăm dò thực hiện ở Ba Lan cho thấy một bức tranh khác biệt về sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Theo các cuộc khảo sát này, Ba Lan được đặt vững chắc ở giữa bảng xếp hạng châu Âu, ngang hàng với Đức, Pháp, và Tây Ban Nha. Ví dụ, theo điều tra Diagnoza Społeczna 2011, 14,8% dân số trưởng thành thuộc về "các tổ chức, các hiệp hội, các đảng phái, các ủy ban, các hội đồng, các nhóm tôn giáo, các nghiệp đoàn hoặc các giới chức khác nhau".[33]Năm 2003, tỷ lệ này là 12,2%. Các cuộc điều tra của CBOS chỉ ra rằng hơn 20 % người lớn thừa nhận là mình tham gia vào hoạt động dân sự trong một số tổ chức, nhiều người tham gia nhiều hơn một lĩnh vực (dân sự).[34] Tóm lại, các cuộc thăm dò trong một hoàn cảnh thích về ý kiến của công luận ở Ba Lan cung cấp một bức tranh về một hoạt động dân sự đầy sinh khí và chuyên sâu hơn các cuộc điều tra xuyên quốc gia. Bức tranh này đồng bộ hơn với sự miêu tả bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu về các sự kiện phản kháng. Dĩ nhiên, điều này không loại trừ khả năng các hoạt động biểu tình đã trở nên chuyên nghiệp hơn và được thực hiện bởi một bộ phận dân số hạn chế.
Trong khi có sự gia tăng ổn định về nhiều loại hình tham gia vào xã hội dân sự ở Ba Lan, sự gia tăng trong hoạt động tình nguyện dường như không có gì là ngoạn mục. Trong năm 2008, 20% người lớn tuyên bố rằng họ đã làm việc tình nguyện, không lương vì lợi ích của môi trường sống, nhà thờ, khu phố, thị trấn, làng mạc của họ hay cho những người hoạn nạn trong "năm ngoái". Một tỷ lệ lớn hơn tuyên bố rằng họ "đã tình nguyện trong quá khứ "- khoảng 58% vào năm 2012 (xem Bảng 1).
Tương tự như vậy, các cuộc điều tra của Hiệp hội Klon/Jawor, SMG/KRC, và Stowarzyszenie Centrum Wolontariatu cho thấy 14% người Ba Lan tuyên bố tư cách thành viên trong một tổ chức phi chính phủ, phong trào xã hội hay tôn giáo, nghiệp đoàn hoặc tổ chức từ thiện. Nhóm Klon/Jawor đánh giá khoảng từ 14-20% người lớn tình nguyện trong các tổ chức phi chính phủ. Nhưng ngay cả những con số này có thể không phản ánh sự tham gia xã hội thực sự của người Ba Lan. Một hình thức hoạt động xã hội dân sự có xu hướng ít được báo cáo trong các nghiên cứu thông thường về xã hội dân sự là phục vụ công ích. Đó là một loại gắn kết xã hội vốn thường không có cơ chế cho thể chế rõ rệt. Ví dụ, theo điều tra Diagnoza Społeczna 2011 của người lớn, 15,6% người Ba Lan tuyên bố đã hoạt động nhân danh cộng đồng của họ (thị trấn hoặc khu phố). Điều thú vị là chúng ta thấy sự gia tăng chậm rãi và nhất quán trong việc báo cáo về hoạt động này: 8% số người được khảo sát năm 2000, 12,9% năm 2003, và 13,6% năm 2005.[35] Tương tự, sự tham gia báo cáo trong các cuộc họp công cộng cho thấy sự gia tăng dần.[36] Bảng 1. Hoạt động tình nguyện và từ thiện tại Ba Lan, 2001–2012
| 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2012 |
Tình nguyện trong quá khứ |
| 58% |
| 58% |
| 56% |
| 47% |
| 54% | 58% |
Tình nguyện trong năm vừa qua |
| 19% |
| 24% |
| 23% |
| 20% |
| 20% | 20% |
Quyên góp tiền cho từ thiện |
|
|
|
|
|
| 49% | 43% | 54% | 49% | 62% |
Hoạt động trong tổ chức NGO |
| 21% |
| 24% |
| 23% |
| 20% |
| 28% | 32% |
Hoạt động trong tổ chức NGO và tình nguyện | 33% |
| 37% |
| 36% |
| 31% |
| 36% |
|
|
Nguồn: dữ liệu CBOS (nhiều năm).
Với những dữ liệu trình bày ở đây, xã hội dân sự Ba Lan có vẻ khác với xã hội dân sự trong những miêu tả thông thường chủ đạo trong văn liệu về chủ đề này ở điểm mà Ba Lan, cùng với các nước hậu cộng sản khác - thường được coi là ví dụ về tính dân sự yếu ớt, trái ngược với "Tây (Âu)", nơi mà nó có vẻ mạnh mẽ hơn một cách rõ ràng. Chắc chắn là người Ba Lan không nằm trong số những người Châu Âu tích cực nhất về mặt dân sự; mức độ tham gia vào hoạt động tình nguyện của họ, được đánh giá là "tương đối thấp" ở mức 10%-19% ở dân số trưởng thành. Nhưng ngang bằng với Bỉ, đảo Síp, Cộng hòa Séc, Ailen, Malta, Bồ Đào Nha, Slovakia, Romania, Slovenia và Tây Ban Nha và cao hơn một chút so với "Bulgaria, Hy Lạp, Ý và Lithuania, nơi có dưới 10% người lớn tham gia các hoạt động tình nguyện.”[37] Với di sản của chế độ cộng sản, sự phục hồi của xã hội dân sự ở Ba Lan có thể được đánh giá như là một dấu hiệu khá sinh động của một ‘sự bình đẳng của công dân” được khôi phục. Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản không chỉ trong việc loại bỏ những bất bình đẳng về chính trị, mà còn tạo điều kiện để giảm các chiều kích khác của sự bất bình đẳng. Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực xã hội dân sự, Ba Lan và các thành viên khác của EU đều có cùng sự suy giảm về sức mạnh và tầm quan trọng của các công đoàn, thể hiện tiến trình phi tập thể hóa liên tục. Trên thực tế, ngày nay Ba Lan vẫn còn là một trong những thành viên EU yếu kém nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là số thành viên công đoàn đang giảm xuống trong toàn thế giới công nghiệp hóa và mật độ công đoàn thấp ở các nước CEE là một phần của xu hướng này. Sự yếu hay mạnh của các công đoàn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như mức độ bao phủ của lực lượng lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc loại hình và tính mạnh mẽ của đối thoại xã hội (hai bên và ba bên). Ở Ba Lan độ bao phủ lực lượng lao động của các công đoàn là thấp[38];và hiệu quả của đối thoại xã hội có tổ chức (thông qua Ủy ban ba bên) được đánh giá bởi một nhóm chuyên gia là thấp.[39] Việc chuyển đổi về quyền sở hữu hậu cộng sản có nghĩa là tư nhân hóa phần lớn các tài sản nhà nước và công sản và sự bùng nổ những khoản đầu tư mới nhưng cũng có sự phá sản của các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Quy mô trung bình việc làm giảm và dịch vụ thay thế cho sản xuất coi như là khu vực chiếm ưu thế của nền kinh tế. Tất cả những yếu tố này làm suy yếu vị trí của các công đoàn, mà nó có chiều hướng mạnh mẽ nhất ở các nhà máy công nghiệp lớn, ngành khai thác mỏ, hành chính công và giáo dục. Hình ảnh năng động của thành viên công đoàn ở Ba Lan được trình bày trong Hình 2.
Hình 2. Hội viên công đoàn tại Ba Lan, 1989-2012
Nguồn: Dữ liệu CBOS (nhiều năm)
Sự suy giảm thành viên công đoàn ở Ba Lan nhanh hơn ở các nước Tây Âu hoặc Mỹ. Điều này là do các nhân tố có tính toàn cầu, tính đặc thù theo từng hệ thống và từng quốc gia cụ thể. Nhân tố đặc thù mang tính hệ thống cơ bản là vai trò thay đổi của các tổ chức công đoàn trong các nền kinh tế hậu chuyển đổi. Dưới chủ nghĩa xã hội, thành viên công đoàn về cơ bản là tự động, với mật độ gần 100%, nhưng các nhà lãnh đạo công đoàn khó mà, thậm chí không bao giờ, thách thức ban quản lý. Vì thế, những con số thành viên cao dễ dẫn đến sai nhầm: chúng không phải là dấu hiệu cho khả năng hay sự tự nguyện để tự quản của người lao động hoặc chiến đấu vì lợi ích và quyền lợi của họ. Do đó sự suy giảm nhanh chóng thành viên sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nhà nước không có gì đáng ngạc nhiên.
Tóm lại, các nghiên cứu về công luận Ba Lan sẵn có cho thấy có sự tham gia đáng kể của dân chúng trong các hoạt động xã hội dân sự. Chúng tôi giải thích đây là một chỉ số về việc giảm đáng kể bất bình đẳng công dân được thừa hưởng từ chủ nghĩa xã hội nhà nước. Mặc dù bức tranh không đơn giản và có những khác biệt khó hiểu giữa các cuộc thăm dò quốc gia và xuyên quốc gia nhưng kết quả của các nghiên cứu công luận tại Ba Lan hỗ trợ phân tích về tổ chức của chúng tôi về những chuyển đổi xã hội dân sự ở nước này: xã hội dân sự mạnh mẽ hơn nhiều so với giả định của hầu hết các nhà phân tích bên ngoài.
Hành vi xã hội dân sự ở Ba Lan sau 1989: phân tích trên sự kiện phản đối
Nghiên cứu của chúng tôi về sự đấu tranh ở Ba Lan từ năm 1989 đến năm 2011 cung cấp thêm bằng chứng cho những bước đột phá được phân tích ở trên. Quá trình phi tập thể hóa và chuyên nghiệp hóa của xã hội dân sự được phản ánh trong dữ kiện có tính chất phản đối đã cho thấy mức độ phản kháng giảm và một thay đổi trong thành phần của các nhà tổ chức phản kháng, hình thức của cuộc tranh đấu (giảm các cuộc đình công) và bản chất của các yêu sách (giảm trong các nhu cầu kinh tế). Giải thích của chúng tôi về phát hiện này rất đơn giản: phần lớn các hội viên nằm trong các tổ chức (liên đoàn lao động, các hiệp hội nghề nghiệp) thường có xu hướng sử dụng các hành động phản kháng khi họ có khả năng và nguồn lực cao hơn để làm điều đó. Như chúng ta đã chứng minh trước đó, các tổ chức như vậy đang giảm dần và đang được thay thế bởi các tổ chức phi chính phủ và các nhóm nghề nghiệp nhỏ hơn vốn có năng lực và nguồn lực tổ chức yếu kém để theo đuổi các chiến lược đấu tranh cho sự liên kết và bảo vệ lợi ích. Hơn nữa, các cuộc phản kháng công cộng như đình công và biểu tình là một chiến thuật truyền thống, bị kiểm soát và hợp pháp của phong trào lao động, trong khi các tổ chức phi chính phủ thường gắn liền với các hành vi vận động hành lang và tự nguyện. Dữ liệu theo lịch đại của chúng tôi cho thấy hai hiện tượng đặc biệt. Thứ nhất, có một mức độ phản kháng tương đối cao ở Ba Lan trong những năm đầu của những bước chuyển đổi dân chủ. Thứ hai, đã có một sự suy giảm liên tục về mức độ phản kháng trong suốt thời gian nghiên cứu.
Chúng tôi đánh giá mức độ phản kháng theo hai cách: (1) số lượng các sự kiện phản đối và (2) số ngày biểu tình mỗi năm. Cả hai cách đo đều cho thấy cường độ giảm dần từ năm 1989 đến năm 2008 (Hình 3), đặc biệt là giai đoạn sau, mà chúng ta coi là thước đo về cường độ chính xác hơn. Từ năm 2008 đến năm 2011, mức độ phản kháng được đo bằng số lượng các sự kiện phản đối bắt đầu tăng cường trở lại. Tuy nhiên, số ngày biểu tình không tăng. Điều này có nghĩa là có một sự gia tăng số lượng các hành động phản đối ngắn ngủi. Cuộc điều tra thêm cho thấy rằng trong giai đoạn đó, đã có sự gia tăng đáng kể trong các hoạt động của các phong trào chính trị cấp tiến khác nhau, chủ yếu là cánh hữu, thường là các cuộc mít tinh ngắn ngủi.
Hình 3. Suy giảm về tầm quan trọng của biểu tình ở Ba Lan
Dữ liệu của chúng tôi về sự tiến triển của hình thức phản kháng và các loại hình tổ chức đã lãnh đạo hoặc tài trợ cho các hoạt động phản kháng cung cấp thêm bằng chứng về việc phi tập thể hóa xã hội dân sự. Trong suốt thời gian nghiên cứu, các liên đoàn lao động là những người tổ chức biểu tình thường xuyên nhất. Tuy nhiên, như chúng ta đã chỉ ra trong Hình 4, số lượng các cuộc biểu tình do các liên đoàn tổ chức đã giảm từ đỉnh cao của họ vào năm 1992 đến năm 2007. Sau đó, nó bắt đầu tăng trở lại sau năm 2007, nhưng chưa bao giờ đạt được mức độ đặc trưng của những năm 1990.
Dữ liệu của chúng tôi về hình thức phản kháng ở Ba Lan cung cấp bằng chứng tương tự về sự suy giảm đáng kể của các cuộc đình công (Hình 5) có thể được coi là một dấu hiệu khác của phi tập thể hóa. Kể từ đỉnh điểm vào năm 1989, khi các cuộc đình công là hình thức phản kháng phổ biến nhất, đến nay ý nghĩa của chúng đã suy giảm. Chúng tôi cũng thấy một sự thay đổi về thành phần của các nhà tổ chức và những người tham gia, từ các tổ chức truyền thống, đoàn thể sang một loạt các nhân vật chính trị và dân sự đa dạng hơn, và từ tầng lớp lao động (cuộc phản đối công nghiệp đặc quyền) lên một nhóm người tham dự nhiều hơn.
Hình 4. Suy giảm về sự tham gia của các công đoàn lao động trong các hoạt động phản kháng
Những bằng chứng khác về chiều hướng chính trị phản kháng không ổn định bắt nguồn từ việc xem xét các yêu cầu kháng nghị. Trong những năm 1990, những cuộc phản đối thường gắn với các nhu cầu về kinh tế,[40]tần suất của chúng đã giảm dần trong những năm đầu của thế kỷ 21 khi hệ thống kinh tế - xã hội được củng cố. Trong những năm 2005-2010, mức độ của chúng thấp hơn bao giờ hết: chúng tôi ghi nhận không quá sáu mươi sự kiện như vậy trong một năm. Đây là thời điểm tăng trưởng kinh tế nhanh và thất nghiệp tương đối thấp. Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo ngược lại trong năm 2011. Người Ba Lan bắt đầu trải qua những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự hồi sinh của các sự kiện phản kháng có động cơ kinh tế được tổ chức bởi các nghiệp đoàn. Điều này cho thấy những dao động trong hoạt động phản đối của liên đoàn có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi tình trạng kinh tế của các thành viên của họ. Hơn nữa, kể từ năm 2004 đã có sự gia tăng nhu cầu không hẳn là về kinh tế hay chính trị. Đây là những nhu cầu liên quan đến hiểu biết sâu sắc về "chính trị về căn tính" vốn tập trung vào các quyền (phá thai, quyền của người đồng tính, và các quyền của người thiểu số), vai trò của tôn giáo trong đời sống công cộng và chủ nghĩa dân túy. Hình 5. Suy giảm về tầm quan trọng của đình công như là phương pháp phản kháng
Tóm lại, dữ liệu của chúng tôi về hành vi của những người tham gia xã hội dân sự ở Ba Lan phù hợp với dữ liệu về sự chuyển đổi tổ chức của xã hội dân sự Ba Lan và với các cuộc điều tra công luận Ba Lan qua việc theo dõi các hoạt động xã hội và sự tham gia của người dân Ba Lan. Các dữ liệu cũng khẳng định lập luận của chúng ta về sự phi tập thể hóa và chuyên nghiệp hoá xã hội dân sự Ba Lan.
Xã hội dân sự và ba chiều kích bất bình đẳng ở Ba Lan
Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, Ba Lan đã phát triển một xã hội dân sự đa dạng, đa nguyên và vững mạnh, có vai trò quan trọng trong việc định hình chính trị Ba Lan, cải cách thể chế và các chính sách của chính phủ. Cũng như tất cả các quốc gia khác ở Trung và Đông Âu, xã hội dân sự hậu cộng sản ở Ba Lan xuất hiện qua sự tái hợp phức tạp của các biến đổi thường kỳ của các hiệp hội thuộc thời kỳ cộng sản và sự ra đời nhanh chóng các lĩnh vực mới. Tỷ lệ sống sót cao của các tổ chức cũ được bổ sung bởi sự tăng trưởng linh hoạt của các tổ chức mới tạo ra một không gian liên kết đa dạng, cạnh tranh và cân bằng vốn phát triển mạnh trong môi trường thể chế tự do, hợp pháp có tính thân thiện với xã hội dân sự.[41] So với các nước hậu cộng sản khác, xã hội dân sự Ba Lan tương đối vững mạnh, với một số lượng lớn các tổ chức và khả năng phát triển trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn. Nó cũng có tính đa nguyên, có nghĩa là có mức phân tán và cạnh tranh cao trên và trong tất cả các lĩnh vực của xã hội dân sự. Lĩnh vực nghiệp đoàn với khoảng 20.000 hiệp hội đăng ký và một số hiệp hội đại diện cho người lao động chỉ ở trong một doanh nghiệp đơn lẻ cung cấp một minh hoạ tốt cho đặc tính này.
Việc làm tình nguyện và từ thiện đã tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng các quỹ tài trợ và sự gia tăng ủng hộ cho khu vực phi chính phủ. Mức độ tình nguyện ở Ba Lan ngang bằng với một số nền dân chủ "lâu đời" của châu [42] lại, so với thời kì cộng sản, những bước đột phá này đã làm tăng đáng kể những gì mà chúng ta gọi là bình đẳng công dân và chính trị. Bình đẳng công dân tăng lên là do sự bùng nổ của nhiều hình thức hoạt động dân sự và sự phát triển đáng kể của phong trào tình nguyện; bình đẳng chính trị được khôi phục khi quốc gia này củng cố được các thể chế dân chủ và đã hoàn thành các điều kiện gia nhập EU. Trong quá trình này, các tổ chức xã hội dân sự đóng một vai trò trung tâm thông qua sự tham gia của họ vào vấn đề quản trị, vận động chính sách và việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Nghiên cứu mối quan hệ giữa những thay đổi trong bất bình đẳng kinh tế với các cơ cấu đang tiến triển và các hoạt động của xã hội dân sự có nhiều vấn đề về khái niệm và thực nghiệm. Ngoài ra, các tài liệu nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng không có kết luận dứt khoát, mặc dù các quốc gia hậu cộng sản đang có tăng trưởng kinh tế tốt hơn và mức độ bất bình đẳng kinh tế thấp hơn.[43]Tuy nhiên, gần đây, đã có những bước tiến đáng chú ý trong vấn đề này. Ví dụ, nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa bất bình đẳng kinh tế và sự tham gia dân sự cuối cùng đã bắt đầu tiến đến các phân tích tương quan giữa những tiêu chí đánh giá thô thiển về sức mạnh của xã hội dân sự chẳng hạn như các khai báo về sự tham gia với các cách đo bất bình đẳng đơn giản (thường là hệ số Gini).[44] Trong khi vai trò tích cực của xã hội dân sự trong việc giảm thiểu các bất bình đẳng chính trị và dân sự ở Ba Lan sau năm 1989 được chỉ rõ thì vai trò của nó trong việc giảm bất bình đẳng kinh tế khó xác định hơn. Sự gia tăng bất bình đẳng ở Ba Lan sau năm 1989 thấp hơn so với nhiều nước hậu cộng sản khác. Có "một sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở mức độ vừa phải ở Ba Lan từ đầu những năm 1990" đến năm 2010, một nghiên cứu đáng tin cậy kết luận.[45] Các tác giả nói thêm rằng "Bất bình đẳng về của cải ở Ba Lan lớn hơn so với hầu hết các nước phương Tây, nhưng ít bất bình đẳng hơn so với nhiều quốc gia đang chuyển đổi khác"[46].Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy sự bất bình đẳng, khi được đo bằng hệ số Gini (một cách đo tiêu chuẩn về bất bình đẳng thu nhập), đã ngừng tăng lên ở Ba Lan vào năm 2008 và thực sự bắt đầu suy giảm theo một số điểm đặc trưng.[47] Điều này phản ánh không chỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mức sống ngày càng tăng trong hai thập kỷ qua, mà còn là sự mở rộng và chuyển đổi các thể chế và chính sách nhà nước phúc lợi của Ba Lan. Có ba điểm chính của xã hội dân sự Ba Lan, theo đánh giá của chúng tôi, khi so sánh với hầu hết các nước hậu cộng sản khác, đã góp phần tương đối nhỏ vào sự gia tăng sự bất bình đẳng kinh tế sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nhà nước.[48]Chúng bao gồm: (1) tính cải cách (không phải cấp tiến hoặc cách mạng) của hoạt động của giới lao động trong suốt những năm đầu có tính quyết định chuyển đổi kinh tế và chính trị Ba Lan; (2) sự gia tăng liên tục của hoạt động tình nguyện và các hành động thiện nguyện đã góp phần bù đắp một số hậu quả kinh tế tiêu cực của quá trình chuyển đổi; và (3) chất lượng xã hội dân sự Ba Lan nhìn chung cao, một yếu tố quan trọng trong hệ thống kiểm soát lẫn nhau để có được mức trách nhiệm giải trình tương đối cao. Điều này đến lượt nó, giúp kiểm soát hành vi trục lợi của giới tinh hoa kinh tế vốn đã góp phần làm tăng bất bình đẳng ở nhiều nước hậu cộng sản khác.
|
Grzegorz Ekiert (1956- ) |
|
Jan Kubik ( 1953- ) |
Trong những năm đầu của những cải cách kinh tế triệt để (1989-1994), hoạt động của các công đoàn lao động ở Ba Lan là ôn hoà. Các liên đoàn đã tham gia vào nhiều hoạt động phản đối trên cả nước, thách thức chính phủ dân chủ mới ở một số vấn đề, nhưng hiếm khi bác bỏ định hướng chung của cuộc cải cách. Ekiert và Kubik đã ghi lại sự kiềm chế này trong nghiên cứu trước đây của họ và gọi đó là cuộc cải cách gây tranh cãi.[49]Các công đoàn không phải là không hoạt động, nhưng họ tham gia vào chính phủ theo cách không chống lại chủ nghĩa tư bản triệt để. Họ không nhằm mục đích chặn đứng hoặc ngăn cản việc xây dựng chủ nghĩa tư bản, mà trái lại tìm cách thực thi nó một cách ít tổn thương nhất có thể cho những người mà họ đại diện. Kết quả là nền kinh tế Ba Lan và các cơ cấu thể chế trong đó nó được lồng kết được cải cách triệt để, và sau sự suy giảm nghiêm trọng ban đầu, quốc gia này đã có tốc độ tăng trưởng GDP tốt nhất trong số các quốc gia hậu cộng sản.Mối quan hệ giữa bất bình đẳng và sự tham gia là chủ đề của một cuộc tranh luận không có hồi kết. Quan điểm chi phối cho là có một tương quan âm giữa hai hiện tượng: sự gia tăng bất bình đẳng có liên quan đến sự suy giảm của sự tham gia, đặc biệt ở mức độ làm từ thiện.[50]Như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, hoạt động từ thiện và phong trào tình nguyện đã tăng đều đặn ở Ba Lan từ năm 1989. Dữ liệu của chúng tôi có thể được coi là hỗ trợ cho một quy tắc quen thuộc rằng số người khốn khổ càng tăng có thể thúc đẩy người khác tham gia vào hoạt động từ thiện.[51] Cũng có thể có một cơ chế khác đang hoạt động ở đây: khi có sự gia tăng của cải xã hội, hoạt động tình nguyện và hành vi từ thiện trở nên phổ biến hơn, và kết quả là, sự gia tăng của sự bất bình đẳng được chặn đứng lại một phần. Dữ liệu chúng tôi trình bày ở trên phù hợp với sự tồn tại của cơ chế như vậy. Thứ ba, và là quan trọng nhất, đặc tính của xã hội dân sự Ba Lan có liên quan đến mức độ bất bình đẳng là sự vững mạnh tương đối toàn diện của nó, được chỉ rõ trong bài báo này. Những cải cách kinh tế mang lại những kết quả tích cực, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế được phân phối một cách công bằng, nếu như các cơ chế về trách nhiệm giải trình chính trị và dân sự giúp kìm hãm được hành vi trục lợi từ các tầng lớp đặc quyền.[52]Các cơ chế như thế hoạt động tốt nhất trong các nền dân chủ mạnh mẽ. Đến lượt nó, sự vững mạnh của nền dân chủ phụ thuộc một phần đáng kể vào sự tồn tại của một xã hội dân sự đa dạng, sôi nổi. Những gì mà nhiều nghiên cứu gần đây nhấn mạnh là một mối quan hệ nhân quả phức tạp: ở các nước hậu cộng sản cố gắng xây dựng và duy trì chế độ dân chủ tương đối ổn thỏa, nhiều thể chế khác nhau (thu thuế hiệu quả hơn, giảm các chính sách tái phân phối đồi bại,...) giúp giảm bớt sự bất bình đẳng kinh tế.[53]Sự kết hợp các đặc điểm như thế sớm nổi lên ở Ba Lan và được củng cố vững chắc hơn so với hầu hết các nước hậu cộng sản khác. Lúc đó, luận cứ khá đơn giản: nền dân chủ mới ở Ba Lan, được xây dựng, trong một số điều khác, trên nền tảng của một xã hội dân sự tương đối mạnh mẽ, đã đủ vững chắc để hạn chế các khoản trục lợi (tham nhũng) vốn đã tàn phá nhiều nền kinh tế cộng sản láng giềng . Kết quả là Ba Lan có ít bất bình đẳng hơn các quốc gia ít dân chủ hơn.[54] Kết luận
Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nhà nước, xã hội dân sự, tương đối sôi động ở Ba Lan, là một cơ chế thể chế chính yếu để loại bỏ bất bình đẳng chính trị, thúc đẩy bình đẳng dân sự và làm chậm sự gia tăng của bất bình đẳng về kinh tế. Tuy nhiên, trước làn sóng đang lên của chủ nghĩa dân túy kinh tế và chính trị, chúng ta không thể cho rằng những ảnh hưởng này là cố định. Việc chính phủ theo khuynh hướng quốc gia dân túy xem xã hội dân sự như một khách hàng có thể mua chuộc là dấu hiệu cho thấy khả năng đảo ngược xu hướng củng cố xã hội dân sự. Tương tự, sự phân cực hóa chính trị ngày càng gia tăng của xã hội dân sự Ba Lan có thể làm giảm đáng kể khả năng giám sát và định hình các chính sách của chính phủ và tạo ra một khu vực có đặc quyền hợp tác gần gũi với chính phủ. Điều này đến lượt nó có thể là một bước lùi đối với sự bình đẳng về chính trị và dân sự đạt được trong hai thập kỷ đầu tiên sau những biến đổi hậu cộng sản.
Vũ Thị Thu Thanh dịch
Nguồn: “Civil Society and Three Dimensions of Inequality in Post-1989 Poland”, Comparative Politics, April 2017.
[1] Xem các công trình của Ivan Szelenyi,” Social Inequalities in Sate Socialist Redistributive Economies, Dilemmas for Social Policy in Contemporary Socialist Societies of Eastern Europe,” International Journal of Comparative Sociology, XIX, 1-2 (1978), 63-87; Walter D. Connor, Socialism, Politics and Equality (New York: Columbia University Press, 1979); Ivan Szelenyi, Urban Inequalities under State Socialism (New York: Oxford University Press, 1983).↩
[2] Xem Jacek Tarkowski, “Endowment of Nomenklatura, or Apparatchiks Turned into Entrepreneurchiks, or from Communist Ranks to Capitalist Riches,”Innovation: the European Journal of Social Science Research, 3 (1990), 89-105.↩
[3] Xem, ví dụ, Branko Milanovic, Income, Inequality, and Poverty during the Transition from Planned to Market economy (Washington D.C: Work Bank, 1998).↩
[4] Năm 1989, Ba Lan trải qua siêu lạm phát (526,5%, cuối năm), so với 3,5% ở Tiệp Khắc, 13,8% ở Hungary, và 10,6% ở Bungary. Thị trường tiêu dùng bị tình trạng khan hiếm hoành hành, và tỉ lệ nợ nước ngoài cao (44% GDP), mặc dù không cao nhất ở Đông Âu. Nhìn chung, "mức độ của những khó khăn tổng thể tồn tại trong điều kiện kinh tế ban đầu của Ba Lan dường như không thấp hơn so với Rumani, vốn có một hệ thống kinh tế cứng nhắc hơn nhiều nhưng sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô thì ít nặng nề hơn (mặc dù nghiêm trọng).Chỉ có Bulgaria với sự bất ổn định nghiêm trọng của nền kinh tế vĩ mô, nợ nước ngoài lớn, hệ thống kinh tế cứng nhắc và đặc biệt phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường Liên Xô dường như có nhiều điều kiện ban đầu khó khăn hơn Ba Lan. Xem Leszek Balcerowicz, “Transition to the Market Economy: Poland, 1989-93 in Comparative Perspective,” Economic Policy, 9, Supplement: Lessons for Reform (December 1994), 75-76. Cũng xem thêm, Jeffrey Sachs, Poland’s Jump to Market Economy (Cambridge: MIT Press, 1994); Bartlomiej Kaminski, The Collapse of State Socialism: The case of Poland (Princeton: Princeton University Press, 1992).↩
[5] Công đoàn Đoàn kết được thành lập năm 1980 như là kết quả của một thỏa thuận giữa các cơ quan chức năng và các ủy ban đình công. Trong tháng 7 và tháng 8 năm 1980, Ba Lan bị cuốn vào một làn sóng đình công ở các trung tâm công nghiệp lớn. Nó lan rộng khắp tỉnh (Lublin, Gdansk, Silesia) và đặc biệt mạnh mẽ ở các thành phố lớn với sự tập trung cao của công nhân trong ngành công nghiệp nặng. Các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa ủy ban đình công và các đại diện của chính phủ. Lãnh đạo cuộc đình công Lech Wałçsa trở thành chủ tịch khối Đoàn Kết, được thành lập bởi các ủy ban đình công. Dựa trên thỏa thuận Gdansk, Công đoàn Đoàn kết được thành lập. Nó đã bị cấm vào tháng 12 năm 1981, khi tình trạng thiết quân luật được áp dụng ở Ba Lan. Tính hợp pháp của nó được tái lập vào năm 1989.↩
[6] Tadeusz Kowalik, “Why the social Democratc Option Failed: Poland’s Experience of Systemic Change,” in Andrew Glyn, ed., Social Democracy in Neo-liberal Times (Oxford University Press, 2001).↩
[7] Trong Nations in Transit, do Freedom House chuẩn bị cho năm 2015, số điểm dân chủ cho Ba Lan và Cộng hòa Séc là 2,21. Ba nước có điểm số cao hơn: Slovenia (1.93), Estonia (1.96), và Latvia (2.07). Ba Lan có số điểm cao nhất về chiều kích "xã hội dân sự": 1.5.↩
[8] Gizegorz Ekiert and George Soroka, “Poland,” in Isobel Coleman and Terra Lawson-Remer, eds., Pathway to Freedom, Political and economic Lessons from Democratic Transitions (New York: Council on Foreign Relations, 2013).↩
[9] Diễn đàn kinh tế thế giới, 2013.↩
[10] Michal Bizeziṅski, Barbara Jancewicz, and Natalia Letki, Growing Inequalities and Their Impacts in Poland, GINI: Growing Inequalities’ Impact. Country Report for Poland, nd, 1.↩
[11] “The New Sick Man of European Union,” PEW Research Center, May 13, 2013,1.↩
[12] Edward Shils, “The Virtue of Civil Society,” Government and Opposition, 26 (January 1991), 3-20; Ernest Gellner, Conditions of Liberty: Civil Society and Its Rivals (Allen Lane: Penguin Press, 1994); Sidney Verba, Kay L. Scholozman, and Henry E. Brady, Voice and Equality: Civil Voluntarism in American Politics (Cambridge: Harvard University Press, 1995); Larry Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation (Baltimaore: The Johns Hopkins University Press, 1999); Nancy Bermeo and Phil Nord, eds. Civil Society Before Democracy (Lanham: Rowman and Littlefield, 2000); Michael Bernhard and Ekrem Karakoc, “Civil Society and the Legacies of Dictatorship,” World Politics, 59 (July 2007), 539-67; Tiago Fernandes, “Rethinking Pathways to Democracy: Civil Society in Portugal and Spain, 1960s-2000s,” Democratization (October 2015), 1074-104. Tuy nhiên, Berman cảnh báo rằng chúng ta cần phải "thừa nhận rằng xã hội dân sự có thể làm suy yếu hơn là củng cố chế độ dân chủ" (Sheri Berman, “Civil Society and Political Institutionalization,” in Bob Edwards, Michael W. Foley, and Mario Diani, eds. Beyond Tocqueville: Civil Society and the Social Capital Debate in Comparative Perspective (Hanover: University Press of New England, 2001),35). Như Berneo đã nhận xét, trong diễn ngôn của khoa học xã hội ngày nay, xã hội dân sự không phải bao giờ cũng được miêu tả như một anh hùng; đôi khi nó được xem như là một nhân vật phản diện. Nancy Bermeo, Ordinary People in Extraordinary Times: The Citizenry and the Breakdown of Democracy. (Princeton: Princeton University Press, 2003).↩
[13] Bo Rothstein, The Quality of Government: The Political Economy of Corruption, Social Trust and Inequlity in an International Comparative Perspective (Chicago: University of Chicago Press, 2011). Pamela Paxton, “Social Capital and Democracy: An Interdependent Relationship,” American Sociological Review, 67 (April 2002), 254-77; Natalia Letki and Geoffrey Evans, “Endogenizing Social Trust: Democratisation in East-Central Europe,” British Journal of Political Science, 35 (July 2005), 515-29.↩
[14] Grzegorz Ekiert and Jan kubik, “Myths and Realities of Civil Society,” Journal of Democracy, 25 (January 2014), 46-58.↩
[15] Stark giới thiệu khái niệm sự tái tổ hợp trong phân tích của ông về những biến đổi kinh tế và thể chế trong khu vực; khái niệm cũng rất hữu ích để kiểm tra các lĩnh vực thể chế khác. Xem David Stark, “Recombinant Property in Eastern Europe,” American Journal of Sociology, 101 (January 1996), 995-1027.↩
[16] Trong bối cảnh này, thuật ngữ có nghĩa là mất quyền kiểm soát của nhà nước đối với việc tạo ra, vận hành hoặc kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự. Vai trò của Nhà nước bị giảm xuống trong việc thiết lập các luật lệ quy định các quy tắc của trò chơi trong không gian công cộng và theo dõi sự tuân thủ luật pháp.↩
[17] Andrzej Jurosz, “ Zarzᾳdzanie w polskich organizacjach pozarzᾳdowych” [Management in Polish non-govermental organizations], in Andrzej Jurosz, ed, Organizacje Pozarzᾳdowe w spoleczeṅstwie obywatelskim (2002).↩
[18] Marc Howard, The Weakness of Civil Society in Post-communist Europe (Cambridge: Cambridge University Press, 2003); Bernhard and Karakoe; Pippa Norris, “Political Protest in Fragile State,” Paper for the plenary panel PS01 Political Action and Beyond at the International Political Science association World Congress in Fukuoka, Japan, 2006.↩
[19] Theo Diamond, trang 221, chúng tôi định nghĩa xã hội dân sự là "lĩnh vực tổ chức đời sống xã hội vốn cởi mở, tự nguyện, tự tạo ra, ít nhất là tự hỗ trợ một phần, tự chủ với nhà nước và bị ràng buộc bởi một trật tự pháp lý hoặc các quy tắc chung ... liên quan đến việc hành động tập thể của các công dân trong không gian công để thể hiện sự quan tâm, niềm đam mê, sở thích và ý tưởng của họ, trao đổi thông tin, đạt được các mục tiêu chung, nhằm đưa ra các yêu cầu tuân thủ sự đồng thuận chung rằng xã hội dân sự là một hiện tượng đa chiều và có tính tương tác. Xem, chẳng hạn như, Bermeo and Nord; Marc Bṻhlmann, Wolfgang Merkel, and Bernhard Wessels in collaboration with Lisa Mṻller, “The Quality of Democracy, democracy Barometer for Established Democracies,” National Centre of Competence in research (NCCR). Challenges to Democracy in the 21st Century. Working Paper No.10a (2008); Helmut K. Anheier, Civil Society, Measurement, Evaluation, Policy (London: Erthscan, 2004).↩
[20] Xem, chẳng hạn như, Piotr Gliṅski, “The Third Sector in Poland. Dilemmas of Development,” in Dariusz Gawin and Piotr Gliṅski,eds, Civil Society in the Making (Warrsaw: IFIS Publishers, 2006).↩
[21] GUS 2014.↩
[22] Xem, chẳng hạn như, Grzegorz Ekiert and Jan Kubik, Rebellious Civil Society: Popular protest and Demecratic Consolidation in Poland, 1989-1993 (Ann Arbor: The University of Michigan Press, 1999).↩
[23] Joanna Kurezewska, “Tradycje w prrzestrzeni lokalnej spoleezeṅstwa obywatelskiego” [Traditions in the local space of civil society], in Piotr Gliṅski, Barbara Lewenstein, and Andrzej Siciṅski, eds., Samoorganizacja Spoleczenstwa Polskiego [Self-organization of the Polish Society] (IFIS PAN, 2004), 315; Anna Gᾳsior-Niemiec and Piotr Gliṅski, “Europeanization of Civil Society in Poland,” Revije Za Socijalnu Politiku, 14 (2007), 29-47.↩
[24] Ekiert and Kubik, 1999; Jan Kubik, “Between the State and networks of “Cousins’: The Role of Civil Society and Nocivil Associations in the Democratization of Poland,” in Nancy Bermeo and Phil Nord, eds. Civil Society before Democracy (Lanham: Rowman and Littlefield, 2000), 181-207.↩
[25] Jerzy Celichowski, “Civil Society in Eastern Europe. Growth without Engagement,” in Marlies Glasius, David Lewis, and Hakan Seckinelgin, eds., Exploring Civil Society. Political and Cultural Contexts (London: Routledge, 2004), 62-69.↩
[26] Guillermo O’Donnell, Phillipe Schmitter, and Laurence Whitehead, Transitions from Authoritarian Rule. Tentative Conclusions about Uncertain Democracies (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986).↩
[27] Pavel fric, “The Uneasy Partnership of the State and the Third Sector in the Czech Republic,” in Stephen Osborn, ed., The Third Sector in Europe: Prospects and Challenges (London: Routlege 2008), 244-45.↩
[28] Urszula Kresnodẹbska, Joanna Pucek, Grzegorz Kowalczyk, and Jan Jakub Wygnaṅski, Podstawowe statystyki dotyczᾳce dzialaṅ organizacji pozarzᾳdowych w Polsce [Key statistics about activities of nongovernmental organizations in Poland] (Program PHARE-Dialog Spoleczny, 1996).↩
[29] Không giống như các hiệp hội, các quỹ tài trợ không có hội viên. Theo luật pháp, thời hiệu của một quỹ tài trợ (kể cả các thủ tục lựa chọn việc điều hành) được xác định bởi người sáng lập (Điều 5 của Luật về Quỹ tài trợ từ ngày 6 tháng 4 năm 1984, có sửa đổi).↩
[30] Jadwiga Przewlocka, Podstawowe fakty o organizacjach pozarzᾳdowych, Raport z badania 2013. [Key statistics about non-governmental organizations. Research report 2013] (Warsaw: Klon/Jawor, 2013).↩
[31] GUS Kluby, sportowe w Polsce w latach 2004-2006 [Sport clubs in Poland in the years 2004-2006] (GUS: Warszawa-Rzeszow, 2007), 17↩
[32] Dữ liệu từ Khảo sát Xã hội Châu Âu ESS6-2013, ed.2.0.↩
[33] Antoni Sulek, “Doṡwiadczenie, dzialania dla spolecznoṡci I kompetencje obywatelskie” [Experience in community activism and civil competence], in Janusz Czapiṅski and Tomasz Panek, eds., Diagnoza Spoleczna 2011 [Social diagnosis 2011] (Warszawa: Rada Monitoringu Spolecznego, 2011), 278.↩
[34] So với các tổ chức bỏ phiếu khác, CBOS báo cáo số người cao hơn. Điều này dường như là kết quả của cách diễn đạt khác về (các) câu hỏi. Việc liệt kê các loại tổ chức một cách chi tiết và cho phép người trả lời kê khai các hoạt động dân sự mà họ có thể không có cách hiểu khác trong những phân loại này (PTAs, nhóm sở thích, v.v.).↩
[35] Sulek, 279.↩
[36] Như trên, 280.↩
[37] Việc tham gia tình nguyện tại Liên minh châu Âu. Cơ quan quản lý Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hoá (EAC-EA) Tổng cục Giáo dục và Văn hoá (DG EAC). Báo cáo cuối cùng do GHK đệ trình, ngày 17 tháng 2 năm 2010.58.↩
[38] Theo Jan Czarzasty và Mrozowki, Ba Lan chỉ có 25% được tham gia trong thỏa ước lao động tập thể. Industrial Relations Profile (EIRO, 2013), xem tại http://www.eurofound.europa.eu/eiro/country/poland.pdf .↩
[39] Michal Kotnarowski, Radoslaw Markowski, Michal Wenzel, and Marta Zerkowska-Balas, Demokratyczny Audyt Polski [Democratic audit of Poland] (Warsaw: Konfederacja Lawiatan, 2014), 171.↩
[40] Các loại nhu cầu kinh tế dưới đây bao gồm: 1) bồi thường vật chất (nghĩa là tăng lương, tiền thưởng, chi tiêu tài chính, trợ cấp đình công); 2) Thay đổi các chính sách kinh tế cụ thể trong nước hoặc bãi bỏ trách nhiệm cá nhân về các quyết định về chính sách và kinh tế; 3) Thay đổi chính sách "quốc tế" cụ thể (các chính sách toàn cầu hoặc chính sách do các tổ chức quốc tế quy định (ví dụ như Ngân hàng Thế giới, IMF, EU, v.v.); 4) Các nhu cầu kinh tế chung, trừu tượng.↩
[41] USAID đánh giá chất lượng môi trường pháp lý mà xã hội dân sự Ba Lan hoạt động ở mức 2.2. Trong số các nước hậu cộng sản, chỉ có Estonia (1.7) và Lithuania (2.1) có điểm cao hơn.↩
[42] Grzegorz Ekiert and Roberto Foa, “The Weakness of Post-Communist Civil Society Ressessed,” Minda de Gunzbung Center for European Studies, Open Forum Papers, 2012.↩
[43] "Tất cả mọi người đều bình đẳng, sự gia tăng GDP trên đầu người theo thời gian và giữa các quốc gia sẽ làm giảm hệ số Gini xuống 0,002401%", kết luận của Sara Rose and Crina Viju, “Income Inequality in Post-Communist central and Eastern European Countries,” Eastern Journal of European Studies, 5 (June 2014), 13. Xem thêm đóng góp của Bernhard and Jung trong vấn đề này.↩
[44] Cũng, xem thêm, Ekrem Karakoc, “Economic Inequality and Its Asymmetric Effect on Civil Engagement: Evidence from Post-Communist Countries,” European Political Science Review, 5 (July 2013), 197-223.↩
[45] Brzeziṅski, Jancewicz, and Letki, 11.↩
[46] Như trên, 1.↩
[47] Như trên, 19-21. Để chẩn đoán sự suy giảm hệ số Gini, xem http://www.quandl.com/c/poland hoặc http://myweb.uiowa.edu/fsilt/swiid/swiid.html↩
[48] Ví dụ, Kolodko trình bày về Gini từ những năm 1998-2001 và 1987-1988 cho 18 nước hậu cộng sản. Theo những con số này, giá trị của hệ số Gini (thu nhập bình quân đầu người) cho Ba Lan tăng giữa hai thời kỳ này là 4,5%. Đây là mức tăng thấp thứ tư trong nhóm này. Chỉ có ở Uzbekistan, Turkmenistan, và Hungary hệ số Gini tăng lên ít hơn. Grzegorz Kolodko, The World Economy and Great Post-Communist Change (New York: Nova science Publishers, 2006), 83.↩
[49] Ekiert and Kubik, 1999.↩
[50] Eric M. Uslaner and Mitchell Brown, “Inequality, Trust, and Civil Engagement,” American Politics Research, 33 (November, 2005), 889.↩
[51] Brzeziṅski, Jancewicz, và Letki, 70-71, viết: "vấn đề gia tăng bất bình đẳng và ngoại biên hóa một số nhóm xã hội có xu hướng khơi dậy hành vi từ thiện và kích thích tham gia vào ít nhất một số hiệp hội. Những sáng kiến đó tập trung vào việc hỗ trợ những người gặp khó khăn có xu hướng phát triển và mở rộng khi nhu cầu ngày càng tăng lên."↩
[52] Alina Mungiu-Pippidi, “Of Virtuous Circles: Modeling Control of Corruption Beyond Modernization,” Paper presented at the Annual Meeting of the American Political Science Association, Washington, DC, August 2014.↩
[53] Christopher J. Gerry and Tomasz M. Mickiewicz, “Inequality, Democracy and Taxation: Lessons from the Post-Communist Transition,” Europe-Asia Studies, 60 (January 2008), 89-111.↩
[54] Gerry và Mickiewicz,108, nhận thấy một tác động kinh tế lâu dài tích cực của các cải cách chính trị dân chủ: "các quốc gia chuyển đổi có được nền dân chủ ổn định biểu thị bởi mức độ bất bình đẳng về thu nhập thấp hơn, có lẽ là do có một xã hội dân sự sâu rộng và tích cực hơn".↩