21.4.18

Giải cứu kinh tế học khỏi chủ nghĩa tân tự do

GIẢI CỨU KINH TẾ HỌC KHỎI CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO

Ảnh: Ronald Reagan và Margaret Thatcher năm 1984 /The White House Photographic Office [Văn phòng Nhiếp ảnh của Nhà Trắng]
Augusto Pinochet (1915-2006)
Margaret Thatcher (1925-2013)
Ngay cả những nhà phê bình nghiêm khắc nhất cũng thừa nhận khó có thể hạ bệ chủ nghĩa tân tự do. Nói một cách tổng quátthuật ngữ này chỉ sự ưa chuộng thị trường hơn chính phủ, các chế độ ưu đãi về kinh tế hơn các chuẩn mực xã hội hoặc văn hoá, và tinh thần doanh nghiệp tư nhân hơn hành động tập thể hoặc cộng đồng. Nó đã được sử dụng để mô tả một loạt các hiện tượng – từ Augusto Pinochet đến Margaret Thatcher và Ronald Reagan, từ Clinton thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Lao động Mới của Anh đến việc mở cửa kinh tế ở Trung Quốc và cuộc cải cách nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển.
Ronald Reagan (1911-2004)
Thuật ngữ này được sử dụng như là một từ bao quát bất cứ điều gì có hơi hướng của sự phi điều tiết, tự do hóa, tư nhân hóa, hoặc thắt lưng buộc bụng về mặt tài chính. Ngày nay, nó thường bị phỉ nhổ như là chữ viết tắt của những ý tưởng và thực hành đã gây nên tình trạng bất an và bất bình đẳng về kinh tế, dẫn đến việc đánh mất các giá trị và lý tưởng chính trị của chúng ta, và thậm chí còn đẩy nhanh sự phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy hiện nay.
Khi khinh miệt chủ nghĩa tân tự do, chúng ta có nguy cơ bác bỏ một số ý tưởng hữu ích của nó.
Charles Peters
Chúng ta sống trong thời đại của chủ nghĩa tân tự do, nhìn bên ngoài là như vậy. Nhưng ai là những người ủng hộ và phổ biến chủ nghĩa tân tự do – những người theo chủ nghĩa tân tự do ư? Thật kỳ lạ, bạn kỳ thực phải quay trở lại thời kỳ đầu những năm 1980 để tìm ra, một cách rõ ràng, những người đón nhận chủ nghĩa tân tự do. Năm 1982, Charles Peters, biên tập viên lâu năm của báo The Washington Monthly, đã công bố một tiểu luận có tựa đề “A Neo-Liberal’s Manifesto [Tuyên ngôn của những người theo thuyết tân tự do]”. Ba mươi lăm năm sau tiểu luận này vẫn còn đáng đọc, bởi chủ nghĩa tân tự do mà nó mô tả không mấy giống với mục tiêu nhạo báng của ngày nay. Những chính trị gia mà Peters nêu ra để minh họa cho phong trào không phải là Thatcher và Reagan, mà là Bill Bradley, Gary Hart và Paul Tsongas. Những nhà báo và học giả mà ông liệt kê bao gồm James Fallows, Michael Kinsley, và Lester Thurow. Những người theo chủ nghĩa tân tự do của Peters là những người theo chủ nghĩa tự do (theo nghĩa của từ liberal ở Hoa Kỳ), những người đã bỏ định kiến ​​ủng hộ các nghiệp đoàn và chính phủ lớn, và chống lại thị trường và quân đội.
Việc sử dụng thuật ngữ  “tân tự do” bùng nổ vào những năm 90, khi nó liên kết chặt với hai sự phát triển, mà Peters không hề đề cập đến. Một là sự phi điều tiết về tài chính, mà cực điểm là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Hoa Kỳ đã trải qua kể từ thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến – và sự thất bại của đồng euro hiện vẫn còn kéo dài. Thứ hai là sự toàn cầu hoá về mặt kinh tế, được đẩy mạnh nhờ các dòng chảy tài chính tự do và một dạng thỏa thuận thương mại mới đầy tham vọng hơn. Tài chính hoá và toàn cầu hoá đã trở thành những biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa tân tự do trong thế giới ngày nay.
Việc chủ nghĩa tân tự do này là một khái niệm khó nắm bắt, hay thay đổi, không có một vận động hành lang rõ ràng bảo vệ, không có nghĩa là nó không xác đáng hoặc không có thực. Ai có thể phủ nhận việc thế giới đã trải qua một sự thay đổi có tính quyết định hướng theo thị trường từ những năm 1980? Hay rằng các chính trị gia trung tả – những người theo Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ, Đảng Xã hội chủ nghĩa và Dân chủ Xã hội ở Châu Âu – nhiệt tình chấp nhận một số những tín điều trung tâm của học thuyết Thatcher [Thatcherism] và học thuyết Reagan [Reaganism], chẳng hạn như sự phi điều tiết, tư nhân hóa, tự do hóa tài chính và doanh nghiệp tư nhân à? Phần lớn cuộc thảo luận về chính sách đương đại của chúng ta vẫn còn thấm đậm các chuẩn mực và nguyên lý được cho là đặt cơ sở trên homo economicus [con người kinh tế].
Nhưng sự lỏng lẻo của thuật ngữ chủ nghĩa tân tự do cũng có nghĩa là việc phê phán nó thường không trúng mục tiêu. Không có gì sai trái với thị trường, doanh nghiệp tư nhân, hoặc chế độ ưu đãi – khi được triển khai một cách hợp lý. Việc sử dụng chúng một cách sáng tạo nằm đằng sau những thành tựu kinh tế đáng kể nhất của thời đại chúng ta. Khi khinh miệt chủ nghĩa tân tự do, chúng ta có nguy cơ bác bỏ một số ý tưởng hữu ích của chủ nghĩa tân tự do.
Rắc rối thực sự là kinh tế học dòng chính núp bóng quá dễ dàng vào ý thức hệ, hạn chế những lựa chọn mà chúng ta có vẻ có và cung cấp những giải pháp giống nhau. Sự hiểu biết đúng đắn về kinh tế học nằm đằng sau chủ nghĩa tân tự do sẽ cho phép chúng ta nhận diện – và loại bỏ – ý thức hệ khi nó giả dạng là khoa học kinh tế. Điều quan trọng nhất là nó sẽ giúp chúng ta phát triển trí tưởng tượng về thể chế, điều vô cùng cần thiết để thiết kế lại chủ nghĩa tư bản cho thế kỷ XXI.
* * * * *
Chủ nghĩa tân tự do thường được hiểu là dựa trên những nguyên lý then chốt của khoa học kinh tế dòng chính. Để thấy các nguyên lý đó, không có ý thức hệ, hãy xem xét một thí nghiệm tư duy.
Một nhà kinh tế học nổi tiếng và được đánh giá cao đến một đất nước mà ông chưa bao giờ tham quan và không biết gì về đất nước đó. Ông được đưa tới dự một cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của đất nước. “Đất nước chúng tôi đang có vấn đề,” họ nói với ông ta. “Nền kinh tế bị đình trệ, đầu tư thấp, và không thấy tăng trưởng trước mắt.” Họ quay sang ông ta và nói với niềm hy vọng: “Hãy nói cho chúng tôi biết chúng tôi nên làm gì để làm cho nền kinh tế của chúng tôi tăng trưởng.”
Nhà kinh tế học này lấy cớ không có kinh nghiệm và giải thích rằng ông ta biết quá ít về đất nước để đưa ra bất cứ khuyến nghị nào. Ông cần nghiên cứu lịch sử về nền kinh tế, phân tích các số liệu thống kê và đi thực địa khắp đất nước trước khi có thể nói bất cứ điều gì. Nhưng các vị chủ nhà vẫn cố nài nỉ. “Chúng tôi hiểu sự dè dặt của ông và chúng tôi hy vọng ông có thời gian để làm tất cả những điều đó,” họ nói với ông ta. “Nhưng kinh tế học há chẳng là một khoa học, và ông há chẳng là một trong những nhà thực hành lỗi lạc nhất? Kể cả khi ông không biết nhiều về nền kinh tế của chúng tôi, có điều chắc chắn là ông có thể chia sẻ cho chúng tôi một số lý thuyết và liệu pháp tổng quát để dẫn hướng các chính sách và cải cách kinh tế của chúng tôi.”
Các nhà kinh tế học có xu hướng lập bản đồ rất giỏi, nhưng chưa đủ giỏi để chọn ra bản đồ phù hợp nhất cho nhiệm vụ trước mắt.
Giờ đây, nhà kinh tế học rơi vào thế khó xử. Ông không muốn làm giống như những giáo chủ kinh tế mà từ lâu ông đã chỉ trích việc rao bán những lời khuyên ưa thích của họ về chính sách. Nhưng ông cảm thấy bị câu hỏi nói trên thách thức. Liệu có chăng những chân lý phổ quát trong kinh tế học? Liệu ông có thể nói bất cứ điều gì có giá trị (và có thể hữu ích) không?
Vì vậy, ông bắt đầu phát biểu. Tính hiệu quả của việc phân bổ các nguồn lực trong một nền kinh tế là một nhân tố quyết định tính hiệu quả của nền kinh tế, ông nói. Đến lượt nó, tính hiệu quả đòi hỏi  những biện pháp khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp phải phù hợp với các chi phí và lợi ích xã hội. Những biện pháp khuyến khích các doanh nhân, nhà đầu tư và nhà sản xuất là đặc biệt quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế cần có một hệ thống thực thi các quyền sở hữu và hợp đồng về tài sản, đảm bảo những người đầu tư có thể giữ lại lợi tức từ đầu tư của họ. Và nền kinh tế phải cởi mở với những ý tưởng và đổi mới từ phần còn lại của thế giới.
Nhưng các nền kinh tế có thể bị chệch đường bởi sự bất ổn định kinh tế vĩ mô, ông tiếp tục nói. Vì vậy, chính phủ các nước phải theo đuổi một chính sách tiền tệ đúng đắn, có nghĩa là giới hạn tăng trưởng của thanh khoản theo gia tăng của cầu tiền tệ danh nghĩa ở mức lạm phát hợp lý. Họ phải đảm bảo tính bền vững về mặt tài chính, sao cho mức tăng nợ công không vượt quá mức thu nhập quốc gia. Và họ phải tiến hành điều tiết, một cách thận trọng, các ngân hàng và các định chế tài chính khác để ngăn hệ thống tài chính không bị rủi ro quá mức.
Giờ đây ông bắt đầu thích thú với nhiệm vụ của mình. Ông nói thêm rằng kinh tế học không chỉ là vấn đề hiệu quả và tăng trưởng. Các nguyên lý kinh tế còn được sang các vấn đề chính sách về công bằng và xã hội. Kinh tế học không có gì nói nhiều về việc một xã hội nên tái phân phối bao nhiêu. Nhưng nó cho chúng ta biết rằng cơ sở đánh thuế cần phải càng rộng càng tốt và các chương trình xã hội nên được thiết kế theo cách không khuyến khích người lao động rời bỏ thị trường lao động.
Khi nhà kinh tế học kết thúc bài diễn văn, có vẻ như ông đã trình bày một nghị trình theo hướng tân tự do hoàn toàn. Một nhà phê bình trong cử toạ sẽ nghe tất cả những từ khóa: hiệu quả, biện pháp khuyến khích, quyền sở hữu, tiền sạch, thận trọng về tài chính. Tuy nhiên, những nguyên lý phổ quát mà nhà kinh tế học mô tả, trong thực tế, lại mang tính khá mở. Chúng giả định một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa – trong đó các quyết định đầu tư đều được các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân đưa ra –nhưng không nói rõ xa hơn nữa. Chúng thừa nhận – và ngay cả chúng đòi hỏi – một sự bố trí đa dạng và đáng kinh ngạc về mặt thể chế.
Như thế liệu nhà kinh tế học có vừa trình bày một bài phát biểu dài về chủ nghĩa tân tự do không? Chúng ta sẽ bị nhầm khi nghĩ như vậy, và sai lầm của chúng ta là kết hợp từng thuật ngữ trừu tượng – biện pháp khuyến khíchquyền sở hữu, chính sách tiền tệ đúng đắn – với một đối phần là một thể chế cụ thể tương ứng. Và ở đây chủ yếu là sự tự phụ, và là tử huyệt của chủ nghĩa tân tự do: niềm tin cho rằng tương ứng với các nguyên lý kinh tế hàng đầu  một tập duy nhất các chính sách, gần giống với một nghị trình theo kiểu của Thatcher-Reagan.
Hãy thử xem xét vấn đề về quyền sở hữu. Nó quan trọng trong chừng mực mà nó phân bổ các lợi tức trên đầu tư. Một hệ thống tối ưu sẽ phân bổ quyền sở hữu cho những người biết tận dụng tốt nhất một tài sản và bảo vệ chống lại những người có nhiều khả năng chiếm hữu toàn bộ lợi tức. Quyền sở hữu là điều tốt khi nó bảo vệ người đổi mới khỏi những kẻ “ăn không”, nhưng nó là điều xấu khi ngăn cản những người đổi mới khỏi bị cạnh tranh. Tùy theo bối cảnh, một khung pháp lý cung cấp những biện pháp động viên thích hợp có thể trông khá khác so với khung pháp lý theo ​​kiểu của Mỹ về các quyền sở hữu tư nhân.
Điều này có vẻ giống như một điểm có tính ngữ nghĩa và không quan trọng trong thực tế; nhưng sự thành công đáng chú ý của kinh tế Trung Quốc chủ yếu là do sự chắp vá thể chế thách thức mọi thuyết chính thống. Trung Quốc quay sang [kinh tế] thị trường, nhưng không sao chép các thực hành của phương Tây về quyền sở hữu. Những cải cách của họ đã tạo ra các chính sách khuyến khích theo hướng thị trường, thông qua một loạt các bố trí khác thường về thể chế, phù hợp hơn với bối cảnh địa phương. Ví dụ, thay vì chuyển đổi trực tiếp từ quyền sở hữu nhà nước sang quyền sở hữu tư nhân, vốn sẽ bị sự yếu kém của các cấu trúc pháp lý hiện hành cản trở, nước này dựa vào các hình thức sở hữu hỗn hợp, mang lại hiệu quả hơn cho các doanh nhân trong thực tiễn. Loại hình doanh nghiệp tập thể ở các hương và trấn (TVEs), từng làm đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1980, là những tập thể do các chính quyền địa phương sở hữu và kiểm soát. Mặc dù những tập thể đó do chính quyền sở hữu, nhưng các doanh nhân nhận được sự bảo vệ mà họ cần chống lại sự chiếm đoạt. Các chính quyền địa phương đều có phần trực tiếp trong lợi nhuận của doanh nghiệp và vì thế không muốn giết đi con  đẻ trứng vàng.
Các nhà kinh tế học giỏi đều biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào về kinh tế học, đó là: còn tùy.
Trung Quốc dựa vào một loạt những đổi mới như vậy, mỗi đổi mới cung cấp những nguyên lý kinh tế đơn giản nhất của các nhà kinh tế học theo những sắp xếp thể chế không quen thuộc. Chính sách hai giá, giữ lại các nghĩa vụ bán thóc bắt buộc cho nhà nước, nhưng cho phép nông dân bán các sản lượng còn lại trên thị trường tự do, khuyến khích phía cung, trong khi vẫn cô lập được tài chính công khỏi những hiệu ứng tiêu cực của quá trình tự do hoá hoàn toàn. Cái gọi là Hệ thống Trách nhiệm theo Hộ gia đình cung cấp cho nông dân những ưu đãi để đầu tư và cải tiến mảnh đất trên đó họ đang lao động, trong khi vẫn tránh được sự cần thiết phải tiến hành quá trình tư nhân hóa một cách rõ ràng. Các đặc khu kinh tế cung cấp các chế độ khuyến khích xuất khẩu và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà không tháo bỏ các rào cản bảo hộ doanh nghiệp nhà nước (và như vậy bảo vệ việc làm trong nước). Nhìn những khác biệt như vậy so với các chuẩn chính thống, việc gọi các cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc là một bước ngoặt theo hướng tân tự do, như các nhà phê bình có khuynh hướng nói như vậy, bóp méo hiện tượng nhiều hơn là soi sáng nó. Nếu gọi đó là chủ nghĩa tân tự do, chúng ta chắc chắn sẽ càng dung thứ hơn khi nhìn vào những ý tưởng đằng sau chính sách xóa đói giảm nghèo gây ấn tượng nhất trong lịch sử.
Người ta có thể phản đối rằng những đổi mới​​ về thể chế của Trung Quốc chỉ mang tính quá độ. Có lẽ họ sẽ phải hội tụ theo các thể chế kiểu phương Tây để duy trì sự tiến bộ kinh tế của họ. Nhưng cách suy nghĩ thông thường này không chú ý tới tính đa dạng trong các cách bố trí thể chế, vẫn chiếm ưu thế ở các nền kinh tế tiên tiến, mặc dù có sự đồng nhất hóa đáng kể trong các diễn ngôn về chính sách.
Rốt cuộc, vậy đâu là những thể chế của phương Tây? Tầm quan trọng của khu vực công, ví dụ, ở câu lạc bộ các nước giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) biến động từ 1/3 đối với nền kinh tế Hàn Quốc đến gần 60% đối với nền kinh tế Phần Lan. Ở Iceland, 86% người lao động là thành viên của các nghiệp đoàn; con số tương tự ở Thụy Sĩ chỉ là 16%. Ở Hoa Kỳ, các công ty có thể tùy ý sa thải người lao động; ở Pháp, luật lao động yêu cầu người sử dụng lao động phải trải qua nhiều vòng trước khi sa thải người lao động. Thị trường chứng khoán đã tăng lên gần gấp rưỡi thu nhập quốc dân ở Hoa Kỳ; ở Đức, nó chỉ tăng cao lắm là một phần ba, chiếm một nửa thu nhập quốc dân.
Ý tưởng cho rằng bất kỳ mô hình nào ở trên về thuế, quan hệ lao động hoặc tổ chức tài chính, một cách cơ bản, vượt trội các mô hình khác mâu thuẫn với những trường hợp kinh tế khác nhau mà mỗi nền kinh tế đã trải nghiệm trong những thập kỷ gần đây. Hoa Kỳ đã trải qua những thời kỳ lo lắng liên tiếp, trong đó các định chế kinh tế của họ bị đánh giá thấp hơn các định chế ở Đức, Nhật, Trung Quốc, và bây giờ có thể là Đức, một lần nữa. Chắc chắn, các mức độ giàu có và năng suất khả dĩ so sánh được có thể được tạo ra bởi rất nhiều mô hình khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí, chúng ta có thể đi xa hơn: các mô hình đang chiếm ưu thế ngày nay hầu như chắc chắn còn lâu mới bao quát hết trường của những gì có khả năng xảy ra (và đáng mong muốn) trong tương lai.
Nhà kinh tế học khách mời trong phép thử tưởng tượng của chúng ta biết tất cả điều này và thừa nhận rằng các nguyên lý mà ông đã nêu lên cần phải được bổ sung bằng các chi tiết về thể chế, trước khi vận dụng chúng. Quyền sở hữu ư? Phải, nhưng làm thế nào? Chính sách tiền tệ đúng đắn ư? Tất nhiên, nhưng làm thế nào? Có l sẽ dễ phê phán danh mục các nguyên lý của ông ấy là trống rỗng hơn là tố cáo nó như là một bài phát biểu nhạt nhẽo về tân tự do.
Mặc dù vậy, các nguyên lý này không phải hoàn toàn không có nội dung. Trung Quốc, và tất cả những nước đã xoay xở để phát triển nhanh trong thực tế, đã chứng minh tính hữu dụng của các nguyên lý đó khi ứng dụng chúng một cách đúng đắn vào bối cảnh của địa phương. Ngược lại, có rất nhiều nền kinh tế đã làm tiêu tan sự nghiệp của các nhà lãnh đạo chính trị, vì đã chọn cách làm trái với các nguyên lý đó. Chúng ta không cần nhìn đâu xa, những người theo chủ nghĩa dân túy  châu Mỹ Latinh hoặc các chế độ cộng sản ở Đông Âu, để đánh giá đúng ý nghĩa thiết thực của chính sách tiền tệ lành mạnh, tính bền vững về tài chính và các chế độ ưu đãi cho khu vực tư nhân.
* * * * *
Tất nhiên, không thể quy giản kinh tế học thành một danh mục các nguyên lý trừu tượng, mà đa phần thuộc lý lẽ thông thông thường. Phần lớn công việc của các nhà kinh tế học là phát triển các mô hình cách điệu hoá về cách vận động của các nền kinh tế hiện nay và rồi đối chiếu các mô hình đó với các chứng cứ. Các nhà kinh tế học có xu hướng nghĩ rằng những gì họ làm là trau chuốt dần dần sự hiểu biết của họ về thế giới: các mô hình của họ được cho là sẽ ngày càng tốt hơn khi chúng được kiểm nghiệm và sửa đổi qua thời gian. Nhưng diễn tiến trong kinh tế học lại diễn ra theo cách khác.
Các nhà kinh tế học nghiên cứu một thực tế xã hội không giống như vũ trụ vật lý của các nhà khoa học tự nhiên. Thực tế này hoàn toàn do con người tạo ra, dễ uốn nắn và hoạt động theo nhiều quy tắc khác nhau qua thời gian và không gian. Kinh tế học tiến bộ không từ việc chấp nhận một mô hình hay lý thuyết đúng đắn để giải đáp cho những câu hỏi nói trên, mà bằng cách nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về tính đa dạng của các mối quan hệ nhân quả. Chủ nghĩa tân tự do và các liệu pháp thông dụng của nó – phải luôn có nhiều thị trường hơn, phải luôn có ít sự can thiệp hơn của chính phủ – trong thực tế là một sự xuyên tạc của kinh tế học dòng chính. Các nhà kinh tế học giỏi đều biết câu trả lời chính xác cho bất kỳ câu hỏi nào trong kinh tế học là: còn tùy.
Những nhà kinh tế học để cho nhiệt tình của mình đối với các thị trường tự do nằm ngoài vòng kiểm soát, trong thực tế, không trung thực với chính bộ môn của mình.
Liệu sự gia tăng của mức lương tối thiểu có làm giảm tỷ lệ việc làm không? Có, nếu thị trường lao động mang tính cạnh tranh thực sự và người sử dụng lao động không kiểm soát được tiền lương mà họ phải trả để thu hút người lao động; nhưng nếu không, thì đó không phải là điều tất yếu. Liệu tự do hóa thương mại có làm nền kinh tế tăng trưởng không? Có, nếu nó làm tăng khả năng sinh lời của những ngành nghề mà phần lớn có sự đầu tư và đổi mới; nhưng trong trường hợp khác thì không. Liệu việc chính phủ tăng chi tiêu có làm tăng tỷ lệ việc làm không? Có, nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm và tiền lương không tăng; nhưng trong trường hợp khác thì không. Liệu sự đổi mới có tổn hại cho sự độc quyền không? Có và không, tùy vào mỗi trường hợp trong vô số các tình huống thị trường.
Adam Smith (1723-1790)
Trong kinh tế học, các mô hình mới hiếm khi thay thế các mô hình cũ. Mô hình thị trường cạnh tranh cơ bản của Adam Smith đã được sửa đổi, xấp xỉ theo trình tự thời gian, bằng cách đưa vào các vấn đề độc quyền, hiệu ứng ngoại laitính kinh tế theo quy mô, thông tin không đầy đủ và không đối xứng, hành vi phi duy lý, và nhiều đặc tính khác của thế giới thực. Tuy nhiên, các mô hình cũ vẫn còn hữu ích. Hiểu được cách thức vận động của các thị trường thực tế đòi hỏi phải làm chúng hiện lên dưới nhiều lăng kính khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau.
Có lẽ bản đồ là hình ảnh tương đồng nhất với tình thế này. Giống như các mô hình kinh tế, bản đồ cũng là biểu trưng cách điệu hoá cao của thực tế. Bản đồ  hữu ích chính bởi vì nó không tính đến nhiều chi tiết của thế giới thực vốn có thể ngăn cản ta đi đến đích. Các bản đồ với tỉ lệ 1:1 là những vật thể không dùng được, như Jorge Luis Borges đã mô tả trong một truyện ngắn, đến nay vẫn là cách giải thích đúng nhất và ngắn gọn nhất về phương pháp khoa học. Nhưng việc trừu tượng hoá cũng hàm ý rằng chúng ta cần có một bản đồ khác tùy vào bản chất cuộc hành trình của chúng ta. Nếu đi bằng xe đạp, chúng ta cần có một bản đồ các đường mòn đi xe đạp. Nếu đi bộ, chúng ta cần có một bản đồ các con đường đi bộ. Nếu có một tàu điện ngầm mới được xây dựng, chúng ta sẽ cần có một bản đồ tàu điện ngầm – nhưng chúng ta sẽ không vứt bỏ các bản đồ cũ.
John Maynard Keynes (1883-1946)
Các nhà kinh tế học có xu hướng lập bản đồ rất giỏi, nhưng chưa đủ giỏi để chọn ra bản đồ phù hợp nhất cho nhiệm vụ trước mắt. Khi đương đầu với các dạng câu hỏi về chính sách mà nhà kinh tế học khách mời của chúng ta phải đối mặt, có quá nhiều nhà kinh tế học viện đến các mô hình “đối chuẩn” (“benchmarking”) ưu tiên cho tự do kinh doanh. Những giải pháp có tính tự động, thiếu suy nghĩ và sự ngạo mạn thay thế cho tính phong phú và khiêm tốn của cuộc thảo luận trong các hội nghị. John Maynard Keynes đã từng định nghĩa kinh tế học là “khoa học tư duy về mặt mô hình, kết hợp với nghệ thuật lựa chọn các mô hình thích đáng.” Các nhà kinh tế học thường gặp rắc rối với phần “nghệ thuật”.
Tôi cũng từng minh họa điều này với một ngụ ngôn. Một nhà báo hỏi quan điểm của một giáo sư kinh tế học về việc liệu thương mại tự do có là một ý tưởng tốt không. Vị giáo sư hồ hởi trả lời là có. Rồi nhà báo bí mật tham gia hội thảo cao học về thương mại quốc tế của vị giáo sư đó, với tư cách là sinh viên của ngài. Ông đưa ra câu hỏi tương tự: Liệu thương mại tự do có tốt không? Lần này, vị giáo sư bị lúng túng. “Ý bạn muốn nói gì qua chữ 'tốt?'” ông đáp lại. “Và tốt cho ai?” Rồi vị giáo sư lao vào diễn giải một cách cẩn thận, để cuối cùng đi đến một tuyên bố được rào đón rất kỹ: “Như thế, nếu thỏa mãn được các điều kiện trong danh mục dài mà tôi vừa mô tả, và giả sử chúng ta có thể đánh thuế được những người được hưởng lợi để bù đắp cho những người bị thua thiệt, thì việc tự do hóa thương mại có tiềm năng làm tăng phúc lợi của mọi người.” Nếu trong tâm trạng cởi mở, vị giáo sư có thể bổ sung thêm rằng hiệu ứng của tự do thương mại lên tốc độ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế cũng là điều không rõ ràng và sẽ phụ thuộc vào một số các điều kiện khác.
Vị giáo sư này khá khác với vị giáo sư mà nhà báo đã từng gặp trước đó. Khi phát biểu chính thức, ông bộc lộ sự tự tin, chứ không phải sự dè dặt, về chính sách thích hợp. Có một và chỉ có một mô hình, ít nhất là theo như cuộc cuộc đàm luận công khai, và chỉ có một câu trả lời chính xác bất luận trong bối cảnh nào. Điều kỳ lạ là vị giáo sư cho rằng kiến ​​thức mà ông truyền đạt cho các sinh viên cao học của ông là điều không phù hợp (hoặc nguy hiểm) đối với công chúng. Tại sao?
Nguồn gốc của một hành vi như vậy nằm sâu trong xã hội học và văn hoá của giới kinh tế học. Nhưng có một lí do quan trọng là sự nhiệt tình phơi bày những viên ngọc quý của giới kinh tế học dưới một hình thức không bị vn đục – tính hiệu quả của thị trường, bàn tay vô hình, lợi thế so sánh – và bao che chúng khỏi sự công kích của những kẻ tư lợi man rợ, cụ thể là những người bảo thủ. Điều không may là các nhà kinh tế học này thường lờ đi những kẻ man rợ ở phía đối lập – các nhà tài phiệt và các tập đoàn đa quốc gia, những người có động cơ không thuần khiết và cũng sẵn sàng chiếm đoạt những ý tưởng này vì lợi ích của họ.
Kết quả là những đóng góp của các nhà kinh tế học cho cuộc tranh luận công khai thường bị lệch hướng theo một chiều, ủng hộ thương mại nhiều hơn, tài chính nhiều hơn và chính phủ ít hơn. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế học đã có danh tiếng là những người cổ vũ cho chủ nghĩa tân tự do, ngay cả khi kinh tế học dòng chính rất xa với việc ca tụng tự do kinh doanh. Những nhà kinh tế học nào để cho nhiệt tình của mình đối với các thị trường tự do nằm ngoài vòng kiểm soát, trong thực tế, không trung thực với chính bộ môn của mình.
* * * * *
Vậy chúng ta nên nghĩ thế nào về toàn cầu hóa để giải phóng nó khỏi vòng kim cô của những cách thực hành tân tự do? Chúng ta phải bắt đầu bằng cách hiểu được tiềm năng tích cực của các thị trường toàn cầu. Việc tiếp cận các thị trường thế giới về hàng hoá, công nghệ và vốn đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các phép màu kinh tế của thời đại chúng ta. Trung Quốc là lời nhắc nhở gần đây nhất và mạnh mẽ nhất về chân lý lịch sử này, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Trước Trung Quốc, những phép lạ tương tự đã được thực hiện bởi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số ít nước không phải là Châu Á như Chilê và đảo Mauritius. Tất cả các nước này đều chấp nhận toàn cầu hóa thay vì quay lưng lại với nó, và họ đã hưởng lợi rất nhiều.
Sự thành công đáng chú ý của kinh tế Trung Quốc chủ yếu là do sự chắp vá thể chế thách thức mọi thuyết chính thống.
Những người bảo vệ trật tự kinh tế hiện hữu sẽ nhanh chóng chỉ ra những ví dụ này khi toàn cầu hóa bị đặt thành vấn đề. Những gì họ không nói là gần như tất cả các nước này đều tham gia vào nền kinh tế thế giới bằng cách vi phạm những nguyên lý tân tự do. Trung Quốc bảo vệ khu vực nhà nước rộng lớn của họ khỏi sự cạnh tranh toàn cầu, thành lập các đặc khu kinh tế, nơi mà các công ty nước ngoài có thể hoạt động theo các quy tắc khác với các khu vực còn lại của nền kinh tế. Hàn Quốc và Đài Loan đã trợ cấp rất nhiều cho các nhà xuất khẩu của họ, Hàn Quốc thông qua hệ thống tài chính và Đài Loan thông qua các chế độ ưu đãi thuế. Tất cả các nước này cuối cùng đã gỡ bỏ hầu hết các hạn chế về nhập khẩu của họ, rất lâu sau khi sự tăng trưởng kinh tế đã cất cánh. Nhưng, không nước nào, ngoại trừ duy nhất Chilê vào những năm 1980 dưới thời của Pinochet, theo đuổi những khuyến cáo tân tự do về việc nhanh chóng mở cửa cho hàng nhập khẩu. Thử nghiệm của Chilê theo hướng tân tự do, cuối cùng, đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong số tất cả các nước Mỹ Latinh. Mặc dù các các quốc gia khác nhau về những đặc điểm chi tiết, nhưng trong mọi trường hợp, các chính phủ luôn đóng vai trò tích cực trong việc tái cấu trúc nền kinh tế và giúp nó chống chọi với một môi trường bên ngoài luôn biến động. Các chính sách công nghiệp, các hạn chế về dòng vốn và các chế độ kiểm soát tiền tệ – tất cả các biện pháp này đều bị cấm trong sách hướng dẫn các chiến lược tân tự do – đều xuất hiện tràn lan.
Một cách tương phản, những nước nào sa lầy sâu nhất vào mô hình toàn cầu hóa tân tự do lại rất thất vọng. Đặc biệt, Mexico, là một ví dụ buồn như thế. Theo sau một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô vào giữa những năm 1990, Mexico đã chấp nhận học thuyết kinh tế vĩ mô chính thống, tích cực tự do hóa nền kinh tế, giải phóng hệ thống tài chính, giảm mạnh các hạn chế nhập khẩu, và ký Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các chính sách này đã tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô và một sự gia tăng đáng kể của thương mại với nước ngoài và đầu tư trong nước. Nhưng đối với những điều quan trọng nhất – tổng năng suất và tăng trưởng kinh tế – thì cuộc thử nghiệm đã thất bại. Kể từ khi tiến hành cải cách, tổng năng suất ở Mêhicô đã bị đình trệ, và nền kinh tế đã kém hơn so với các tiêu chuẩn không đòi hỏi gắt gao lắm của châu Mỹ Latinh.
Những kết quả này không phải là một bất ngờ từ quan điểm của kinh tế học đúng đắn. Đó là một biểu hiện khác của sự cần thiết phải có những chính sách kinh tế ý thức được các thất bại  thị trường vấp phải, và phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Không có bản thiết kế quy hoạch nào phù hợp cho mọi tình huống.
* * * * *
Trước khi toàn cầu hoá chuyển hướng sang cái mà chúng ta có thể gọi là siêu toàn cầu hóa, các quy tắc mang tính linh hoạt và thừa nhận thực tế này. Keynes và các đồng nghiệp của ông xem thương mại và đầu tư quốc tế như là một phương tiện để đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội trong nước – toàn dụng lao động và thịnh vượng trên diện rộng– khi họ thiết kế kiến ​​trúc kinh tế toàn cầu ở Bretton Woods vào năm 1944. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, toàn cầu hoá đã trở thành một mục tiêu tự thân. Các thoả thuận kinh tế toàn cầu, giờ đây, được thúc đẩy bởi một tâm điểm duy nhất là giảm bớt những chướng ngại cho các dòng chảy hàng hoá, vốn và tiền tệ xuyên biên giới quốc gia – chứ không phải cho người lao động mà thu nhập kinh tế, trong thực tế, có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.
Sự xuyên tạc các ưu tiên này đã tự bộc lộ trong cách mà các hiệp định thương mại bắt đầu vượt qua các biên giới và cấu trúc lại các thể chế trong nước. Các quy định về đầu tư, các quy tắc về y tế và an toàn, các chính sách về môi trường và các kế hoạch xúc tiến công nghiệp, tất cả, đều trở thành những mục tiêu tiềm ẩn để bãi bỏ nếu được coi là cản trở hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn quốc tế lớn, được tự do hoạt động nhờ các quy tắc mới, có được các đặc quyền đặc lợi. Phải hạ thuế suất doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư (hoặc ngăn họ bỏ đi). Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài được quyền kiện chính phủ các quốc gia ra các tòa án đặc biệt ở nước ngoài, khi những thay đổi về các quy định trong nước đe dọa làm giảm lợi nhuận của họ. Không đâu mà thỏa thuận mới gây ra tổn hại nhiều hơn như trong lĩnh vực toàn cầu hóa tài chính, vốn không tạo ra tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng lớn hơn, như đã hứa, mà chỉ tạo ra hết cuộc khủng hoảng đau đớn này đến cuộc khủng hoảng đau đớn khác.
Chủ nghĩa tân tự do phải bị loại bỏ theo chính logic của nó, vì lý do đơn giản đó là kinh tế học tồi.
Giống như việc kinh tế học phải được giải cứu khỏi chủ nghĩa tân tự do, toàn cầu hóa phải được giải cứu khỏi siêu toàn cầu hóa. Một giải pháp thay thế toàn cầu hóa, phù hợp với tinh thần của Bretton Woods hợn, không khó để tưởng tượng ra: một toàn cầu hóa thừa nhận tính đa dạng của các mô hình tư bản chủ nghĩa, và từ đó cho phép các quốc gia định hình vận mệnh kinh tế của chính đất nước họ. Thay vì tối đa hóa khối lượng thương mại và đầu tư nước ngoài và làm hài hòa những khác biệt về quy định, nó sẽ tập trung vào các quy tắc lưu thông, quản lý giao diện của nhiều hệ thống kinh tế khác nhau. Nó sẽ mở ra không gian chính sách cho các nước tiên tiến cũng như các nước đang phát triển – để cho các nước tiên tiến có thể tái lập các cuộc thương thảo xã hội thông qua các chính sách về xã hội, thuế và thị trường lao động tốt hơn, và để cho các nước đang phát triển có thể theo đuổi việc tái cấu trúc những gì họ cần để tăng trưởng kinh tế. Nó sẽ đòi hỏi tính khiêm tốn nhiều hơn về phần các nhà kinh tế học, và về phần các nhà hoạch định chính sách những liệu pháp thích hợp, và từ đó một sự sẵn lòng thử nghiệm nhiều hơn.
* * * * *
Như tuyên ngôn trước đây của Peters đã minh chứng, ý nghĩa của chủ nghĩa tân tự do đã thay đổi đáng kể theo thời gian, vì tên gọi này đã có những hàm ý cứng rắn hơn liên quan đến sự phi điều tiết, tài chính hóa và toàn cầu hóa. Nhưng có một chủ đề kết nối tất cả các phiên bản của chủ nghĩa tân tự do, đó là việc nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Peters đã viết vào năm 1982 rằng sự nhấn mạnh đó đã được đảm bảo bởi vì tăng trưởng là điều cần thiết cho tất cả các mục đích xã hội và chính trị của chúng ta – cộng đồng, dân chủ, thịnh vượng. Tinh thần kinh doanh, đầu tư tư nhân, và loại bỏ rào cản (như việc điều tiết quá đáng)tất cả đều là các công cụ nhắm đến việc đạt được tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, nếu phe tân tự do viết ra một bản tuyên ngôn tương tự, thì không có gì phải nghi ngờ là lập luận vẫn như thế.
Các nhà phê bình thường chỉ ra rằng sự nhấn mạnh này đến kinh tế học hạ thấp và hi sinh các giá trị quan trọng khác như bình đẳng, hòa nhập xã hội, thảo luận dân chủ và công lý. Các mục tiêu chính trị và xã hội đó rõ ràng có tầm quan trọng rất lớn, và trong một số bối cảnh chúng có tầm quan trọng nhất. Không phải lúc nào, hoặc thậm chí thường xuyên, có thể đạt được các mục tiêu đó bằng các chính sách kinh tế mang tính kỹ trị; chính trị phải  vai trò trung tâm. 
Nhưng những người tân tự do không sai khi lập luận rằng có nhiều khả năng đạt được những lý tưởng quý giá nhất này, khi nền kinh tế của chúng ta trở nên sôi động, mạnh mẽ và phát triển. Sai lầm của họ là tin rằng có một công thức độc nhất và phổ quát để cải thiện hiệu quả kinh tế mà họ đã tiệm cận. Sai lầm chết người của chủ nghĩa tân tự do là thậm chí đã không biết thế nào là kinh tế học. Chủ nghĩa tân tự do phải bị loại bỏ theo chính logic của nó, vì lý do đơn giản đó là kinh tế học tồi.
Giới thiệu tác giả
Dani Rodrik (1957-)
Dani Rodrik là nhà kinh tế học có những công trình nghiên cứu về các chủ đề toàn cầu hóa, tăng trưởng và phát triển kinh tế, và kinh tế chính trị.
Ông là Giáo sư của Quỹ Ford về Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Quản trị Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông từng là Giáo sư [Albert O. Hirschman] tại Khoa Khoa học Xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Princeton (2013-2015).
Giáo sư Rodrik hiện là Chủ tịch HĐQT của Hiệp hội Kinh tế Quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông là Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy [Thương thảo thẳng thắn về Thương mại: Những ý tưởng về một nền kinh tế thế giới lành mạnh(2017).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
NguồnRescuing Economics from NeoliberalismBoston Review, November 06, 2017.
Print Friendly and PDF