1.4.22

“Hai yếu tố mấu chốt có thể ảnh hưởng đến Putin: thứ nhất là lệnh cấm vận dầu khí của châu Âu, thứ hai là Trung Quốc”, cuộc trò chuyện với Sergei Guriev

“HAI YẾU TỐ MẤU CHỐT CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PUTIN: THỨ NHẤT LÀ LỆNH CẤM VẬN DẦU KHÍ CỦA CHÂU ÂU, THỨ HAI LÀ TRUNG QUỐC”, CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI SERGEI GURIEV

Đối với nhà kinh tế học Sergei Gouriev, lệnh cấm vận nhập khẩu hydrocacbon của Nga là giải pháp nhanh nhất để kết thúc chiến tranh tuy không giải quyết được tất cả các vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn này, ông cũng quay lại vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột, vai trò của các nhà tài phiệt Nga hay quyền lực thông qua sự sợ hãi mà Putin đã xây dựng.

Tác giả: Elena Maximin & Olivier Lenoir

Sergei Gouriev là một nhà kinh tế học người Nga, giáo sư tại Sciences Po và là cựu kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu. Là chuyên gia về nhiều chủ đề trọng tâm của thời sự gần đây, chủ nghĩa chuyên quyền của Putin, vai trò của các nhà tài phiệt trong xã hội Nga hay các chính sách kinh tế ở các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn, trong đó ông phân tích quá khứ, hiện tại và tương lai của các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Putin.

Hỏi: Ông suy nghĩ gì về các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng cho đến nay và các biện pháp trừng phạt có thể có trong tương lai hiện đang được thảo luận?

S. G.: Tình huống rất đơn giản. Các biện pháp trừng phạt là chưa từng có, chúng đã được thực thi một cách rất nhanh chóng và gây bất ngờ. Ngay cả chính phủ Nga cũng nói rằng họ không ngờ sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga. Câu hỏi đặt ra là liệu những hình phạt này đã đủ chưa. Chúng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga ngoài mong đợi, nhưng vấn đề đặt ra là liệu chúng có thể thay đổi hành vi của Vladimir Putin ở Ukraine hay không. Hiện tại, chuyện đó không xảy ra, chiến tranh vẫn tiếp tục. Tình hình trên chiến trường bị chững lại, không phải vì lệnh trừng phạt kinh tế mà là nhờ sự kháng cự dũng cảm của nhân dân Ukraine và những vũ khí đã được chuyển giao.

Tuy nhiên, hai yếu tố mấu chốt có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của Putin: một là lệnh cấm vận dầu khí của châu Âu, hai là Trung Quốc. Thật vậy, nếu châu Âu đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu khí, Putin sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn ngân sách. Nói một cách đơn giản: các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga đã lấy đi lượng tiền mặt dự trữ, nhưng Putin vẫn tiếp tục nhận được dòng tiền. Giá dầu rất cao và chỉ tính riêng từ châu Âu, Putin nhận được nửa tỷ euro mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt.

Nếu châu Âu đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu khí, Putin sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn ngân sách. Nói một cách đơn giản: các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga đã lấy đi lượng tiền mặt dự trữ, nhưng Putin vẫn tiếp tục nhận được dòng tiền.

SERGUEÏ GOURIEV

Tình hình không dễ dàng đối với Putin vì rất nhiều công ty tư nhân không mua dầu và khí đốt của ông ta nữa - các công ty Mỹ thì không, Shell, BP, Total và một số công ty Đức cũng không và các công ty vận tải đã ngừng vận chuyển dầu của Nga. Nga thực sự không bán nhiều dầu và khí đốt như họ mong đợi. Một số nhà quan sát cho rằng một nửa số dầu và khí đốt của Nga không được bán, và một nửa được bán ra chỉ được bán với mức chiết khấu khủng - 30 USD hoặc 35 USD/thùng.

Tuy nhiên, ngay cả với khoản giảm giá này, nếu Nga cố gắng khôi phục lại toàn bộ lượng xuất khẩu của mình, chẳng hạn như xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc Ấn Độ thay vì xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thì Nga sẽ vẫn có được một tình hình ngân sách tốt. Nếu một lệnh cấm vận dầu mỏ được châu Âu đưa ra, và nếu lệnh cấm vận này có sự tham gia của các nước khác như Trung Quốc, thì Putin sẽ gặp rắc rối thực sự vì ông ta sẽ không có tiền để trả lương cho binh lính của mình và trả lương cho cảnh sát đang đàn áp người dân trên các đường phố.

Vì vậy, đó là những vấn đề chính được đặt ra hiện nay liên quan đến các biện pháp trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt đã có tác động thảm họa đến nền kinh tế Nga, nhưng tác động này sẽ còn được duy trì trong những năm tới. Đó vẫn chưa phải là một sự tác động làm mất đi khả năng chi trả của Putin cho cuộc chiến diễn ra hàng ngày. Đó là những gì được đặt ra trên bàn đàm phán ngay bây giờ.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng tình hình ở Nga có thể được ổn định trong tình trạng cân bằng dưới mức tối ưu với các lệnh trừng phạt, trong trường hợp một mặt lệnh cấm vận được thực thi, và, mặt khác, trong trường hợp lệnh cấm vận không được thiết lập?

S. G.: Với lệnh cấm vận, trước hết tôi nghĩ rằng chiến tranh sẽ kết thúc rất nhanh. Thứ hai, kể cả sau khi chiến tranh kết thúc, tôi nghĩ chế độ sẽ không tồn tại được lâu vì ngân sách sẽ không bền vững. Vladimir Putin sẽ không có tiền để chi trả cho sự đàn áp và tuyên truyền trong nước.

Vladimir Putin sẽ không có tiền để chi trả cho sự đàn áp và sự tuyên truyền trong nước.

SERGUEÏ GOURIEV

Nếu không có lệnh cấm vận, không biết khi nào chiến tranh mới kết thúc và điều đó sẽ phụ thuộc vào sự kháng cự của người Ukraine. Nhưng cho dù chiến tranh có dừng lại hay không trong vài tuần hoặc vài tháng tới, thì vẫn sẽ có một trạng thái cân bằng dưới mức tối ưu ổn định bên trong Nga, giống như Venezuela, Iran hay Triều Tiên: một tình trạng tự cung tự cấp mà không tăng trưởng, với mức thu nhập thấp, nhưng khá ổn định, theo nghĩa Putin sẽ có thể trả công cho những cảnh sát đánh đập những người biểu tình, những người tuyên truyền, kiểm duyệt và quân đội. Và theo nghĩa đó, nếu Putin có giá dầu cao và do đó doanh thu từ dầu cao, điều đó có thể đủ để duy trì sự cân bằng trên.

Hỏi: Theo ông, nếu có lệnh cấm vận dầu khí, chiến tranh sẽ kết thúc rất nhanh và lệnh cấm vận này không có thể kéo dài, vì Putin sẽ phải từ chức. Ông có nghĩ rằng cuộc tranh luận được xây dựng theo cách này ở cấp độ châu Âu? Bởi vì hiện tại, Đức, chẳng hạn, đang phản đối mạnh mẽ (lệnh cấm vận) và chúng tôi không thấy trong cuộc tranh luận châu Âu rằng châu Âu có phương tiện để chịu đựng lệnh cấm vận này, chẳng hạn, trong vòng một tháng. Điều này không có trong cuộc tranh luận lúc này. Ông có nghĩ rằng cuộc tranh luận không được đặt ra một cách đúng đắn ở cấp độ châu Âu?

S. G.: Cuộc tranh luận thực sự rất lành mạnh, theo nghĩa là mọi người đều nêu lên những cách khác nhau để đưa ra lệnh cấm vận và các chi phí đặc biệt của lệnh cấm vận này. Hiện nay có các phân tích định lượng của các nhà kinh tế Đức và các nhà kinh tế Pháp. Một số phân tích này được công khai. Một số phân tích này lại là tối mật. Tôi đã thấy điều này trong các cuộc họp khác nhau. Đức vẫn tiếp tục kháng cự, nhưng điều thú vị là lập luận của những người ở Đức phản đối lệnh cấm vận không dựa vào các phân tích định lượng, họ không cung cấp dữ liệu và mô hình, điều này thực sự rất kỳ lạ.

Oleg Itskhoki (1983-)

Vì vậy, một trong những điều tôi khuyên bạn nên làm là đọc diễn đàn của chúng tôi trên tờ Spiegel. Chúng tôi đã viết nó với một nhà kinh tế chuyên về thương mại quốc tế, Oleg Itskhoki, cũng là người Nga và đang làm việc ở Đại học Los Angeles (UCLA). Chúng tôi tham khảo những phân tích này và chúng tôi bảo vệ ý kiến ​​rằng lệnh cấm vận thực sự có ích về mặt kinh tế, vì nếu chúng ta không nhanh chóng kết thúc thì chính chiến tranh sẽ gây ra tác động thảm khốc cho nền kinh tế châu Âu. Đang có một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn, các dự báo cho nền kinh tế châu Âu ngày nay đã mô tả một tác động tiêu cực lớn đối với GDP của châu Âu. Và nếu chiến tranh tiếp tục, tác động này sẽ còn lớn hơn. Và như vậy, theo nghĩa này, không chỉ có lý lẽ đạo đức và nhân đạo, mà còn có lý lẽ kinh tế để chấm dứt chiến tranh càng nhanh càng tốt.

Tôi muốn nhắc lại rằng ban đầu, chẳng hạn, Đức đã chống lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đó là một quyết định dứt khoát. Đức thậm chí còn phản đối việc các nước khác cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nhưng sau đó, Đức đã thay đổi hoàn toàn và tuyên bố rằng chúng ta nên ủng hộ Ukraine. Và vì vậy tôi mong đợi điều gì đó tương tự sẽ xảy ra đối với lệnh cấm vận.

Có một lập luận kinh tế cho việc chấm dứt chiến tranh càng nhanh càng tốt.

SERGUEÏ GOURIEV

Hỏi: Ông đã đề cập đến Trung Quốc. Ông đã xuất bản một diễn đàn kêu gọi Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng. Nói một cách cụ thể, Trung Quốc sẽ được lợi gì khi đảm nhận vị trí này?

S. G.: Chiến tranh không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc. Thực tế là chiến tranh làm suy yếu tăng trưởng kinh tế ở châu Âu cũng làm xói mòn sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Châu Âu là một thị trường có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc và là điểm đến cho các khoản đầu tư của nước này. Vì lý do này, chiến tranh có hại về mặt kinh tế đối với Trung Quốc. Chiến tranh cũng có hại cho Trung Quốc về mặt chính trị, bởi vì làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ không phải là điều mà Trung Quốc thích. Một số người so sánh cuộc chiến ở Ukraine với sự hội nhập tiềm năng của Đài Loan vào Trung Quốc, nhưng đây là một sai lầm, vì Trung Quốc đã coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc rồi. Và khi ta công nhận nền độc lập của Donetsk, ta cũng đã đặt tiền lệ cho việc công nhận nền độc lập của Đài Loan. Đây là điều mà nhiều người ở Nga không hiểu, nhưng người Trung Quốc lại hiểu rất rõ. Vì vậy cuộc chiến này không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc không thích nguyên tắc trừng phạt và Tập Cận Bình có mối quan hệ đặc biệt với Putin. Do đó, Trung Quốc luôn luôn xem xét những gì họ nên làm đối với chủ đề này. Việc đưa Trung Quốc vào cuộc sẽ dễ dàng hơn nếu Hoa Kỳ và Châu Âu đồng hành cùng nhau. Nếu Mỹ có lệnh cấm vận dầu mỏ nhưng châu Âu thì không, thì rất khó yêu cầu Trung Quốc tham gia vào các lệnh trừng phạt. Vì vậy, một lập trường thống nhất về xuất khẩu hydrocacbon của Nga giữa châu Âu và Hoa Kỳ sẽ khiến Trung Quốc khó tránh khỏi vấn đề này và việc xác định lập trường hơn nhiều. Điều này rất quan trọng.

Một số người so sánh cuộc chiến ở Ukraine với sự hội nhập tiềm năng của Đài Loan vào Trung Quốc, nhưng đây là một sai lầm, vì Trung Quốc đã coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

SERGUEÏ GOURIEV

Nói thế, tôi phải nói rằng quan điểm chính thức của Trung Quốc, được đưa ra trong bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đăng trên tờ Washington Post, đưa ra những lập luận mà tôi đã đề cập ở trên, ng hộ một thực tế là Trung Quốc không biết rằng Putin sẽ xâm lược Ukraine. Có tin đồn rằng Putin đã báo trước cho Tập Cận Bình trước thềm Thế vận hội. Chúng ta có lý do để tin rằng Tập Cận Bình thực sự đã yêu cầu Putin trì hoãn cuộc xâm lược. Vả lại, Putin đã phải trả giá rất đắt vì cuộc xâm lược bị trì hoãn này đã tạo ra thế bế tắc hiện tại khi xe tăng Nga sa lầy vì mùa đông đã kết thúc.

Đã có tin đồn rằng Putin đã thảo luận về cuộc chiến với Tập, lập trường chính thức của Trung Quốc phủ nhận điều này khi nói rằng nếu Trung Quốc biết về điều đó, họ sẽ cố gắng ngăn chặn ông ta. Đây là những gì chúng ta biết được.

Hỏi: Chúng ta đã thảo luận về các hình phạt bổ sung tiềm năng cho đến nay. Tuy nhiên, sự khởi đầu của chiến tranh và các lệnh trừng phạt đầu tiên đã làm sáng tỏ hình dáng của các nhà tài phiệt Nga, mà ông cũng là một chuyên gia, đặc biệt là trong bài báo của ông vào năm 2005. Các nhà tài phiệt tạo thành một nhóm tương đối ít được biết đến ở Tây Âu và vẫn mang dấu ấn của nhiều khuôn sáo, với các du thuyền và các biệt thự sang trọng khác. Có một bức chân dung tiêu biểu của nhà tài phiệt Nga không?

S. G.: Có nhiều loại nhà tài phiệt khác nhau. Một số chỉ là điệp viên của bộ máy an ninh Nga, một số là họ hàng của những nhân vật tham nhũng mà của cải đến từ việc rửa tiền hoặc trộm cắp tiền thuần túy, một số đã trở thành nhà tài phiệt từ các hoạt động thương mại của họ, thu lợi từ các nối kết với quyền lực. Một số cũng có mối quan hệ xa vời hơn với quyền lực, đôi khi có thể gây ra thiệt hại bên lề, mặc dù không muốn, khi họ là mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh hoặc Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, nhìn chung, mục đích của các biện pháp trừng phạt là trừng phạt những kẻ hưởng lợi từ chế độ của Putin và những người tài trợ cho sự tiêu dùng xa xỉ của Putin.

Điều này rất quan trọng vì Putin không phải là Staline. Staline có một cuộc sống xa hoa đặc trưng của những năm 1930; ông có biệt thự chứ không phải lâu đài, tất nhiên là không có lâu đài ở Ý, du thuyền ở Ý hay tài khoản ngân hàng ở Panama. Ngày nay, chúng ta biết rằng xung quanh Putin có những người sở hữu tài sản cho chính Putin. Hãy nhìn Scheherazade, du thuyền ở Toscane sẽ bị tịch thu và có hộp đựng giấy vệ sinh mạ vàng. Du thuyền này phải có giá trị đến vài tỷ đô la, một trong những du thuyền đắt nhất từng được chế tạo. Nó quá độc đáo và đắt tiền nên việc mang nó trở lại Nga cũng không có ý nghĩa gì vì ở đó nó sẽ không được bảo dưỡng tốt. Vladimir Putin cũng có một chiếc du thuyền thứ hai, chiếc Graceful nhỏ hơn một chút, mà ông đã hồi hương hai ngày trước khi chiến tranh bắt đầu. Làm việc đó, thế giới phương Tây đang săn đuổi đồng tiền tham nhũng này để chứng minh nó tai tiếng như thế nào. Một số người nói rằng các nhà tài phiệt đang bị trừng phạt để buộc họ quay trở lại Nga và lật đổ Putin. Tuy nhiên điều đó khó xảy ra vì họ sợ, họ chia rẽ, Putin kiểm soát họ.

Thế giới phương Tây đang săn đuổi loại tiền tham nhũng này để chứng minh nó tai tiếng như thế nào. Một số người nói rằng các nhà tài phiệt đang bị trừng phạt để buộc họ quay trở lại Nga và lật đổ Putin.

SERGUEÏ GOURIEV

Nhưng trên hết, điều quan trọng là đối với các chế độ tương lai giống như chế độ của Putin. Ví dụ, một chế độ khác - mà tôi không muốn nêu tên - đầy rẫy những nhà tài phiệt, với các biệt thự ở Anh, ở miền nam nước Pháp, các du thuyền, các tài khoản ở nước ngoài, v.v.. Họ phải nhớ rằng vào thời điểm mà chế độ này trở nên giống như chế độ của Putin, họ cũng sẽ mất hết. Họ phải đầu tư để ngăn chặn kẻ độc tài trước khi quá muộn. Đó là lời cảnh báo cho các thế hệ độc tài, tài phiệt trong tương lai.

Tôi muốn đề cập đến cuốn sách Spin Dictators[1] của tôi, sẽ được xuất bản trong hai tuần nữa. Cuốn sách này viết về những nhà spin dictators ôn hòa[2]. Đối với họ, số tiền tham nhũng được xuất khẩu sang thế giới phương tây là rất quan trọng. Chế độ độc tài ngầm này, mang dấu ấn của những kẻ độc tài giả danh dân chủ, thao túng thông tin, cần sự tham nhũng. Vì giả vờ là dân chủ, những spin dictators này mua chuộc các nhà tài phiệt và sau đó sử dụng số tiền đó để xói mòn các thể chế chính trị phương Tây. Trong chương cuối của cuốn sách, chúng tôi giải thích những việc phải làm đối với những spin dictators và khuyến nghị chống tiền tham nhũng.

Vì giả vờ là dân chủ, những spin dictators này mua chuộc các nhà tài phiệt và sau đó sử dụng số tiền đó để xói mòn các thể chế chính trị phương Tây. Trong chương cuối của cuốn sách, chúng tôi giải thích những việc phải làm đối với những spin dictators và khuyến nghị chống tiền tham nhũng.

SERGUEÏ GOURIEV

Nhưng Putin không còn là một nhà spin dictator nữa. Ông ta công khai là một nhà độc tài cai trị bằng nỗi sợ hãi (fear dictator)[3] [BBT Le Grand Continent: các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với các nhà tài phiệt và tiền tham nhũng do đó sẽ không đủ vì Putin không còn là một spin dictator nữa]. Tuy nhiên, hành động hiện tại của phương Tây chống lại những kẻ tài phiệt có ý nghĩa nhằm ngăn chặn những spin dictators tương lai.

Roman Abramovich (1966-)

Hỏi: Điều này liên quan đến các thế hệ tương lai. Ông nói rằng các thế hệ tài phiệt hiện nay đang bị chia rẽ, tuy nhiên phải chăng họ không thể có một vai trò nào đó trong các cuộc đàm phán hướng tới hòa bình? Thứ Tư tuần trước, Zelensky kêu gọi Biden không trừng phạt Roman Abramovich[4] vì ông này có thể giúp ích cho cuộc thảo luận với Putin.

S. G.: Abramovich quả thực có một vai trò đặc biệt. Ông ta đã hứng chịu các lệnh trừng phạt ở Anh nhưng ông thực sự là một người có quan hệ với Ukraine và Nga. Ông có thể là một người trung gian. Tuy nhiên, đây chỉ là một ngoại lệ lớn, vì một số nhà tài phiệt đã bị trừng phạt ở Anh cho đến nay đáng lẽ không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt nhưng họ vẫn bị trừng phạt.

Abramovich quả thực có một vai trò đặc biệt. Ông ta đã hứng chịu các lệnh trừng phạt ở Anh nhưng ông thực sự là một người có quan hệ với Ukraine và Nga. Ông có thể là một người trung gian.

SERGUEÏ GOURIEV

Anatoly Chubais (1955-)

Một ngoại lệ khác cũng bắt đầu từ thứ Tư. Anatoly Chubais[5] rời Nga, điều đối với một người như ông ta là một bước đi rất khôn ngoan vì ông không được lòng dân lắm ở Nga và Putin có thể đã thẳng tay đàn áp ông chỉ để tăng độ nổi tiếng cho chính ông ta.

Điều này có thể tạo tiền lệ và tấm gương cho bất kỳ ai ở Nga, cho bất kỳ nhân vật chính trị nào, cho bất kỳ nhà tài phiệt nào. Nếu bạn nghĩ rằng bạn không được lòng dân ở Nga vì bạn rất giàu và người Nga nghĩ rằng tiền của bạn đã không được tích lũy một cách lương thiện, hãy nhớ rằng Putin có thể quyết định tăng mức độ nổi tiếng của mình khi tống bạn vào tù. Đã đến lúc quyết định xem bạn có chống đối chiến tranh hay không, thông báo điều đó và bỏ trốn. Có thể đã quá muộn đối với một số người đã bị trừng phạt, nhưng với những người khác thì không. Tài sản của bạn ở Nga không đáng bao nhiêu vì dù sao kế hoạch kinh doanh liên quan đến việc ở lại Nga cũng không mấy khả quan. Dù sao thì bạn cũng sẽ mất tiền ở Nga.

Hỏi: Hãy tưởng tượng rằng lệnh cấm vận xuất khẩu hydrocacbon của Nga diễn ra như ông vạch ra và chiến tranh kết thúc nhanh chóng. Chúng ta có nên chờ đợi một phản ứng tai hại của Nga, đặc biệt nếu Putin trở thành một nhà độc tài cai trị bằng sự sợ hãi? Ít nhất chúng ta có thể nghĩ đến các cuộc tấn công mạng của Nga, vốn đã trở nên phổ biến. Ngoài ra, liệu lệnh cấm vận và khả năng kết thúc chiến tranh ở Ukraine có thể làm dịu quan hệ giữa châu Âu và Nga không?

S. G.: Trước hết, tôi rất ngạc nhiên là hiện tại chúng ta không chứng kiến ​​các cuộc tấn công mạng lớn. Có lẽ đã có và châu Âu đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Không phải là chuyên gia về an ninh mạng, tôi không thể bình luận; thật vậy chúng không xuất hiện nhiều trong thời sự. Tôi nghĩ rằng tất nhiên sẽ có nhiều cuộc tấn công mạng lớn trong tương lai gần.

Vấn đề thực sự là liệu sẽ có một cuộc chiến thực sự chống lại phần phía đông của NATO hay không. Tôi không nghĩ vậy. Sẽ có các cuộc tấn công hạt nhân hoặc hóa học? Tôi không biết. Tôi thành thật nghĩ rằng Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông ấy nghĩ rằng nó sẽ hữu ích cho cá nhân ông ấy.

Tuy nhiên, tấn công NATO là rất nguy hiểm. Chúng ta phải nhớ rằng cuộc chiến này đã hoàn toàn làm suy yếu Putin, về kinh tế và quân sự. Ông ta đã gửi thiết bị quân sự tốt nhất của mình đến Ukraine và chúng đã bị phá hủy. Ông sẽ không thể chế tạo xe tăng hoặc máy bay quân sự mới vì sự cô lập với thế giới phương Tây. Trung Quốc khó có thể cung cấp thiết bị quân sự cho Nga và phương Tây sẽ làm mọi cách để đảm bảo điều đó. Nếu Putin muốn phát động một cuộc chiến mới, quân đội của ông ta do đó sẽ bị suy yếu đáng kể. Theo tôi, nếu ông ta cần một cuộc chiến mới, thì nó sẽ không chống lại NATO.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Deux facteurs cruciaux peuvent influencer Poutine: le premier est l’embargo européen sur le pétrole et le gaz, l’autre est la Chine, une conversation avec Sergueï Gouriev, Le Grand Continent, 27.3.2022.




Chú thích:

[1] Spin Dictators: The Changing Face of Tyranny in the 21st Century, Sergei Guriev et Daniel Treisman, Princeton University Press, 5 avril 2022.

[2] Thuật ngữ spin dictator không có từ tương đương trong tiếng Pháp chính thức (và trong tiếng Việt - ND) cho đến nay, đó là lý do tại sao chúng tôi giữ nó trong bản dịch ra tiếng Pháp (và tiếng Việt - ND). Nghĩa đen có nghĩa là “kẻ độc tài xoay tròn” theo nghĩa “tạo ra hiệu quả”, cụm từ này tạo thành một cách chơi chữ với thuật ngữ tiếng Anh spin doctor (đôi khi được dịch là “người đánh bóng hình ảnh”), tương ứng với một nhà tư vấn tiếp thị và truyền thông chính trị.

[3] Nghĩa đen là “kẻ độc tài cai trị bằng sự sợ hãi”.

[4] Tỷ phú gốc Nga-Israel-Bồ Đào Nha, được Forbes vinh danh là người giàu thứ 124 trên thế giới vào năm 2021 và là chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea từ năm 2003.

[5] Cố vấn của Putin về các vấn đề khí hậu, cựu phó thủ tướng Nga, người theo chủ nghĩa tự do, người đã tham gia xây dựng chủ nghĩa tư bản ở Nga sau năm 1991 và người chỉ trích “nỗi nhớ đế quốc” mà Putin thể hiện so với Ukraine.

Print Friendly and PDF