14.4.22

Trẻ em: tinh thần phê phán, một phẩm chất bẩm sinh, cần được rèn luyện từ tuổi rất nhỏ

TRẺ EM: TINH THẦN PHÊ PHÁN, MỘT PHẨM CHẤT BẨM SINH, CẦN ĐƯỢC RÈN LUYỆN TỪ TUỔI RẤT NHỎ

Tác giả: Elena Pasquinelli

Các cơ chế tự nhiên của tinh thần phê phán của chúng ta có thể sai lầm, do đó phải trang bị công cụ cho chúng. Nicola Giordano/Pixabay, CC BY

Việc kêu gọi nên có tinh thần phê phán hơn thường che giấu một cách nhìn rất bi quan về các năng lực tinh thần của chúng ta. Chúng ta không tránh khỏi là con mồi của các “thiên kiến” của chúng ta, những ảnh hưởng này thoát khỏi mọi sự kiểm soát và làm cho chúng ta hành động một cách phi lý. Như vậy, một cách tổng quát, chúng ta sẵn sàng tin vào tất cả. Do đó, tinh thần phê phán là một lý tưởng thường rất khó đạt đến.

Mặc dù vậy, rất thường khi chúng ta tiếp nhận một thông tin, tự nhiên chúng ta đặt ngay những câu hỏi. Ai chuyển cho ta thông điệp này? Đó có phải là một nguồn thông tin đáng tin cậy, muốn điều tốt cho ta, và không có lý do gì để nói dối chúng ta? Người đó có thực sự có năng lực không về chủ đề mà họ phát biểu? Người đó có nắm những tri thức mà chính chúng ta không có? Lập luận của họ có hợp lý không?

Đọc thêm: coronavirus đã làm tất cả chúng ta bị sai lệch như thế nào? Comment le coronavirus nous a tous biaisés

Ngay khi người ta giới thiệu cho chúng ta một tiệm ăn hay một cuộn phim, khi ta tham dự vào một cuộc thảo luận hay nghe một nhận định về một người nào đó, thì cả một hệ thống các tiêu chí nhảy múa trong đầu chúng ta, cung cấp những nghi ngờ và quan điểm. Và loại phản ứng trí thức tức thì này biểu hiện rất sớm. Ngay từ lúc ba tuổi, trẻ em đã khởi động những chiến lược để đánh giá điều mà người ta nói với chúng hay điều họ đòi hỏi ở chúng.

Những vấn đề về sự tin cậy

Hãy lấy những ví dụ sau đây – Chúng tôi tóm tắt sơ lược những ví dụ có thực. Một em bé trong tuổi đi mẫu giáo xem hai video. Trong video thứ nhất, một người trưởng thành nêu tên một số đồ vật. Tất cả các đồ vật ấy đều quen thuộc với bé, trừ một vật. Người trưởng thành (A) gọi nó là “snegg”. Trong video thứ hai, một người trưởng thành khác (B) sẵn sàng thực hiện bài tập. Tuy nhiên, khi nói đến vật mà bé không biết, người ấy gọi nó là “hoog”. Sau đó, ta hỏi trẻ vật đó tên gì, và ta lập lại thí nghiệm đó với nhiều trẻ. Các bé biết rất rõ người trưởng thành (A) vì đó là cô giáo của chúng. Nhưng người trưởng thành (B) dạy ở một trường khác. Và tức thì các trẻ tham gia gia từ 3 đến 5 tuổi chọn câu trả lời của người thứ nhất. Kết luận: các trẻ không tiếp nhận tất cả thông tin theo cùng một cách và chúng không chọn người cung cấp thông tin một cách ngẫu nhiên. Trong trường hợp cụ thể này, chúng dùng một tiêu chí ngầm: tiêu chí về sự quen thuộc, có thể được hiểu đó là một chỉ báo người lớn không có ý đánh lừa trẻ.

Từ khi còn rất bé, trẻ em đã khởi động những chiến lược để đánh giá những gì người ta nói với chúng và không chọn một cách ngẫu nhiên những người cung cấp thông tin cho chúng. Aurelie Luylier/PixabayCC BY

Tuy nhiên, sự quen thuộc không phải là tất cả. Trong một thí nghiệm khác được tiến hành với các trẻ từ 3 đến 4 tuổi, tương tự như thí nghiệm trên, một trong hai người trưởng thành phạm nhiều sai lầm khi gọi tên các đồ vật. Ví dụ người đó gọi cái tách là “quả bóng”. Bây giờ các bé phải chọn hỏi ai tên của một vật mà chúng không biết. Các kết quả của thí nghiệm cho thấy chúng chọn người trưởng thành không bị sai lầm với những vật mà chúng biết: như vậy trong trường hợp này các bé chọn người trưởng thành thông thạo nhất.

Một thí nghiệm thứ ba giúp so sánh những tác dụng của sự quen biết với sự đúng đắn và chính xác của các câu trả lời. Trong trường hợp này, người cung cấp thông tin mà các bé biết cũng là người ít chính xác nhất. Và ta thấy những tiêu chí được sử dụng biến chuyển theo độ tuổi. Đối với các bé 3 tuổi, sự quen thuộc chiếm ưu thế hơn năng lực; những sai lầm của những người chúng biết rõ không lung lạc chúng. Trái lại, đối với các trẻ 5 tuổi, sự đúng đắn của các câu trả lời là quyết định.

Những chỉ báo khác được trẻ dùng để đo lường độ tin cậy của người cung cấp thông tin đã được nêu rõ ràng: trẻ em chú ý đến sự tán thành mà người đối thoại với chúng nhận được từ những người trưởng thành khác và chú ý đến những năng lực của người này.

Những chỉ báo đánh lừa

Sau một khởi đầu đẹp như thế, làm thế nào để giải thích những lầm lẫn rất thông thường đối với những quy trình của khoa học, sự kháng cự đối với những giải thích mặc dù chúng được rộng rãi chấp nhận bởi cộng đồng các nhà nghiên cứu (ví dụ như trách nhiệm của con người đối với biến đổi khí hậu)? Làm thế nào để giải thích tại sao chúng ta tán thành những lời giải thích đáng nghi ngờ, và để chúng tự do lan truyền? Tóm lại, làm thế nào để giải thích sự thiếu tinh thần phê phán của chúng ta? (ít ra là thấy rõ như vậy)

Đọc thêm: Dịch tin giả: những “động tác rào chắn” kỹ thuật số cũng cần được áp dụng: Épidémie d’infox: des gestes barrières” numériques à adopter aussi

Một điểm quan trọng cần ghi nhận trong những ví dụ được mô tả trên đây: những tiêu chí mà chúng ta, người lớn và trẻ em, sử dụng để đánh giá chất lượng của thông tin do những người khác cung cấp có thể ít nhiều tinh vi và có yêu cầu cao xét về phương diện nhận thức.

Thực ra, nếu chúng ta muốn có tính chọn lọc cao, chúng ta phải xây dựng những tiêu chí tốn kém hơn để đánh giá sự tin cậy bằng cách thích nghi với hoàn cảnh; ví dụ bằng cách thừa nhận cùng một người có thể có năng lực hay yếu kém tùy theo lĩnh vực đang được bàn đến.

Nhưng không phải khi nào chúng ta cũng có khả năng hay sẵn sàng để làm điều đó. Chúng ta dựa vào những chỉ báo mang tính tổng quát – như sự quen thuộc, sự thuộc về một nhóm, uy tín – vả lại, những chỉ báo này bảo đảm cho chúng ta những thuận lợi khác (thành viên trọn vẹn của một nhóm xã hội, được theo một nguồn tin được thừa nhận). Thế nhưng, những chỉ báo này có thể đánh lừa hay không thích hợp với hoàn cảnh, quá đơn giản đối với những phân tích tinh vi.

Những công cụ cần có được

Dù sao, những cơ chế tự nhiên của tinh thần phê phán của chúng ta không tránh khỏi sai lầm. Tệ hơn nữa, những chỉ báo này có thể đưa chúng ta đến chỗ phạm những sai lầm hay chúng được dùng chống lại chúng ta. Vì vậy, uy tín của một nguồn thông tin có thể bị thao túng một cách mạnh mẽ và cố ý trên internet bằng cách thêm vào những “like” giả và bằng cách đó tạo ra một ấn tượng về độ tin cậy.

Tinh thần phê phán tự nhiên cần được trang bị những công cụ: được trang bị những tiêu chí thích hợp, những kiến thức. Ví dụ để biết một trang Wikipedia đáng được chúng ta tin cậy hay không, thì phải biết phương thức vận hành của bộ bách khoa toàn thư được tham khảo nhiều nhất trên thế giới: ai viết ở đó, một trang viết được chấp nhận hay sửa đổi theo những phương thức nào, có nghĩa gì khi người ta nói với chúng ta rằng thiếu những tài liệu tham khảo, v.v..

Đọc thêm: Ngoài việc xác minh sự kiện, năm hướng để tăng cường giáo dục về truyền thông: Au-delà du fact-checking, cinq pistes pour renforcer l’éducation aux médias

Những kiến thức này sẽ giúp đặt niềm tin của chúng ta một cách có cân nhắc và do đó hợp lẽ hơn nhờ sự phát triển các công cụ thích hợp với việc đánh giá độ tin cậy và sự chân thật của các nguồn thông tin. Nếu các nguồn này được hưởng tiếng tốt, chúng ta có thể xem xét danh tiếng này đến từ đâu và nó có xứng đáng không, dựa trên cơ sở một đánh giá chuyên môn thực sự.

Tuy nhiên, vấn đề tinh thần phê phán – một dạng tin cậy hợp lẽ và có cân nhắc – không tóm lược vào việc tích lũy và cập nhật các kiến thức. Đó còn là hiểu điều gì làm cho một nội dung thông tin là đáng tin cậy hơn một nội dung khác, và điều gì ẩn giấu sau thuật ngữ “chuyên gia”.


Tinh thần khoa học, tinh thần phê phán (Billes de Sciences, 2018).

Hãy lấy trường hợp một kiến thức khoa học, ví dụ: Trái Đất đã hình thành cách đây 4,5 tỷ năm. Làm sao để biết được kiến thức này đáng cho chúng ta tán thành?

Để đạt được điều đó, cần phải hiều rằng kiến thức này là kết quả của nhiều phương pháp định tuổi, được tiêu chuẩn hóa, được thừa nhận bởi cộng đồng khoa học như là những phương pháp tốt nhất có được. Các nhà địa chất học và thiên văn học cung cấp cho chúng ta một ước lượng về tuổi của Trái Đất, họ đã được cộng đồng các đồng nghiệp đồng ý về quy chế chuyên gia (và điều này được biểu thị qua các công trình công bố, vị trí của họ trong đại học và những chỉ báo khác tương tự).

Kiến thức của họ là nhất quán với các tập hợp tư liệu khác về những kiến thức được sản sinh bởi các cộng đồng chuyên gia khác, ví dụ như các nhà sinh vật học đang tham gia vào việc định tuổi về sự xuất hiện của sự sống trên Trái Đất.

Phương pháp khoa học

Do phương pháp, sự hiểu biết và sự thừa nhận của cộng đồng khoa học liên quan đến sự tôn trọng một số quy tắc trong nghề, chấp nhận được sự khẳng định trên cơ sở những kiến thức khác xuất phát từ nghiên cứu, chúng ta cảm thấy tự tin khi khẳng định rằng tuổi của Trái Đất 4,5 tỷ năm.

Chúng ta không tìm cách kiểm chứng kiến thức này với các phương tiện của chúng ta (mà phương tiện nào bây giờ?) mà chỉ đào sâu kiến thức này để hiểu để hiểu nó hơn. Chúng ta có cả tin về việc này không? Hoàn toàn trái lại, chúng ta vừa chứng tỏ một tinh thần phê phán cao vì chúng ta hiểu điều gì làm cho khoa học trở thành một nguồn tin đáng tin cậy.


Phương pháp tiến hành khoa học (CEA recherche).

Hãy tóm tắt. Để có thể đáp trả những thách thức về thông tin mà chúng ta cần đáp trả, thì tinh thần phê phán tự nhiên phải được trang bị các kiến thức và tiêu chí cho mục đích này (ad hoc), giúp nhận diện dễ dàng các nguồn tin đáng tin cậy nhất, giúp có thể thừa nhận các nội dung hợp lý nhất, dưới ánh sáng của các phương pháp khoa học.

Phương pháp tiến hành khoa học có thể góp phần vào việc phát triển tinh thần phê phán. Hơn nữa, đó là điều mà Quỹ La main à la Pâte - bắt tay vào việc -, vốn kết nối với các trường học, đã nâng cao nhận thức của trẻ em từ rất sớm.

Thách thức là phải dạy cho các trẻ phân biệt ý kiến và kiến thức, phán đoán một kiến thức trên cơ sở những phương pháp dẫn đến việc tạo ra nó, và dùng những năng lực này trong đời sống hàng ngày của trẻ, để đánh giá thông tin tốt hơn. Một dự án đang tiếp diễn trên trang web internet với một sự chọn lọc các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình sư phạm thường xuyên.

Elena Pasquinelli (1972-)

Về tác giả

Elena Pasquinelli

Nghiên cứu triết học về các khoa học nhận thức, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Jean Nicod, trường Đại học Sư phạm cao cấp (ENS - Ecole normale supérieure -) PSL - Université Paris Sciences & Lettres.

Tuyên bố công khai

Elena Pasquinelli làm việc cho Quỹ La main à la pâte, - Bắt tay vào việc - quỹ này đề ra những hoạt động sư phạm liên quan đến tinh thần phê phán. Hoạt động về tinh thần phê phán được thực hiện trong khuôn khổ của Quỹ được hỗ trợ bởi các đối tác tư nhân (Fonds Maif pour l’éducation, Fondation SNCF) và đối tác công (Bộ Quốc gia Giáo dục). Nghiên cứu về tinh thần phê phán được tài trợ bởi Agence Nationale de la Recherche (dự án ANR-18-CE28-0018 Éduquer l'esprit critique - Giáo dục tinh thần phê phán -)

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Enfants: l’esprit critique, une qualité innée à aiguiser des le plus jeune âge”, The Conversation, 9.4.2022.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF