4.4.22

KLEIN Lawrence Robert (1920-2013)

KLEIN Lawrence Robert (1920-2013)

Damien Gaumont

Lawrence Klein (1920-2013)
Paul Samuelson (1915-2009)

Lawrence Robert Klein sinh tại Omaha, bang Nebraska, Hoa Kì năm 1920. Sau khi học tại đại học Berkeley ở California, ông tốt nghiệp tiến sĩ của Massachussetts Institute of Technology (MIT) năm 1944. Trợ giảng cho Paul Samuelson tại MIT, ông cũng nghiên cứu ở Uỷ ban Cowles tại Chicago từ 1944 đến 1947, rồi tại National Bureau of Economic Research ở New York từ 1948 đến 1951 cũng như tại Survey Research Center của đại học Michigan từ 1949 đến 1954 (nơi ông giảng dạy từ 1950). Sau đấy ông sang Anh nghiên cứu và giảng dạy tại Viện thống kê của đại học Oxford từ 1954 đến 1958. Giáo sư đại học Pennsylvania kể từ 1958, năm 1959 ông được huy chương John Bates Clark của American Economic Association, và là chủ tịch hội này năm 1977. Trước đó ông là chủ tịch Hội kinh trắc học năm 1960, ông cũng giữ nhiều trách nhiệm khác về mặt nghiên cứu và đặc biệt kể từ 1989 là giám đốc của National Bureau of Economic Research ở New York. Năm 1980 ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương.

Bên cạnh Paul Samuelson tại MIT, ông tiến hành những công trình hình thức hoá toán học lí thuyết kinh tế. Ông tìm được tại Ủy ban Cowles một không khí tri thức đầy kích thích để đào sâu nghiên cứu của ông trong chiều hướng này. Sau khi tu chỉnh, năm 1947 ông xuất bản luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1944. Nghiên cứu việc công thức hoá Lí thuyết tổng quát của Keynes bằng những phương trình, ông là người đầu tiên đề xuất thuật ngữ cách mạng keynesian. Mối quan tâm không ngừng của ông là kéo lại gần nhau kinh tế vi môkinh tế vĩ mô, đào sâu phân tích đầu tư và tiết kiệm, đưa thị trường tiền tệ và lãi suất một cách tốt hơn vào trong mô hình hoá kinh tế vĩ mô. Với thời gian, ông chuyển hướng từ cầu thực tế để tập trung vào cung, và như thế tạo cơ sở cho kinh tế vĩ mô hiện đại.

Arthur S. Goldberger (1930-2009)
James Duesenberry (1918-2009)

Song song đó, Klein công bố một bài viết nổi tiếng về việc sử dụng những mô hình kinh trắc (vol. 15, 1947) được dùng làm bản hướng dẫn cho việc ra quyết định về chính sách kinh tế. Ông phát triển việc tính đến những độ trễ thời gian của các biến giải thích, cũng như các vấn đề đa cộng tuyến được ông công bố trong suốt sự nghiệp của mình trong một loạt tác phẩm tham chiếu (1953, 1962, 1982 và 1983). Nghiên cứu của ông trong lĩnh vực này đưa ông đến việc xây dựng mô hình kinh trắc đầu tiên của nền kinh tế Mĩ (1955), với sự cộng tác của A. S. Goldberger, rồi mô hình kinh trắc đầu tiên của nền kinh tế của Anh (1961). Cùng với Duesenberry, ông thực hiện dự án của Brookings-Social Science Research Council (1965, 1969 và 1975). Năm 1968, ông bắt đầu điều hành dự án LINK nhằm kết nối những mô hình kinh trắc quốc gia của các nước phương Đông và phương Tây. Trực giác của ông dựa trên ý cho là sẽ lí thú nếu thử đặt gần nhau những phân tích keynesian và những phân tích của Leontief bằng khái niệm trao đổi liên ngành. Điều này cho phép ông hợp nhất nhiều hơn chiều kích tiền tệ, đặc biệt là trong mô hình của Wharton School. Mặt khác, ông cũng quan tâm đến việc thích ứng các mô hình kinh trắc cho các nước đang phát triển. Năm 1980, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì việc xây dựng những mô hình kinh trắc và áp dụng chúng vào việc phân tích những biến động và chính sách kinh tế.

The Keynesian Revolution [Cuộc cách mạng keynesian], New York, 1947. – “The use of econometric models as a guide to economic policy[Sử dụng những mô hình kinh trắc để hướng dẫn chính sách kinh tế], Econometrica, 1947, vol. 15, p. 111-151. A Textbook of Econometric [Giáo trình kinh trắc học], Evanston, Row Peterson & Co. 1953. An introduction to Econometrics [Nhập môn kinh trắc học], Englewood Cliffs (NJ), Prentice-Hall, 1962. Lectures in Econometrics [Những bài giảng về kinh trắc học], Amsterdam, North-Holland, 1983. – KLEIN, L. R., BALL R. J. et al., An Econometric Model of the United Kingdom [Một mô hình kinh trắc của Vương quốc Anh], Oxford, Basil Blackwell 1961. – KLEIN, L. R., & GOLDBERGER A. S., An Econometric Model of the United States: 1928-1951 [Một mô hình kinh trắc của Hoa Kì: 1928-1951], New York, John Wiley, 1955. – KLEiN, L. R. & YOUNG R. M., An Introduction to Econometric Forecasting and Forecasting Models [Nhập môn dự báo kinh trắc và những mô hình dự báo], Lexington (Mass.), Lexington-Books, 1982. – DUSENBERRY J. FROMM G., KUH E. & KLEIN L. R., The Brookings Quarterly Econometric Model of the United States [Mô hình kinh trắc Brookings hàng quí của Hoa Kì], Chicago, Rand McNelly, 1965. The Brookings Model: Some Further Results [Mô hình Brookings: một số kết quả sau này], Chicago, Rand McNelly, 1969. FROMM G. & KLEIN L. R.: The Brookings Model: Perspective and Recent Developments [Mô hình Brookings: triển vọng và những phát triển mới], New York, John Wiley, 1975.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1018-1019.

Print Friendly and PDF