21.4.22

Thảo luận: Xem xét lại các so sánh quốc tế trong giáo dục như thế nào?

THẢO LUẬN: XEM XÉT LẠI CÁC SO SÁNH QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả: Denis Poizat[*]

Những phân tích quốc tế chủ yếu nhắm đến trường học, rất ít nói về giáo dục gia đình, hầu như không hề nói đến giáo dục phi chính quy. Shutterstock

Làm thế nào để biết trình độ toán, đọc hay giải quyết vấn đề của học sinh của một nước? Trình độ của trẻ em người Anh có sút giảm không? Có được nâng cao không? Ngày nay, tất cả mọi người đều có những mốc tham khảo cần thiết để tạo cho mình một ý niệm khá xác đáng về những thành tựu của các hệ thống giáo dục: những báo cáo so sánh quốc tế được thiết lập bởi các tổ chức như UNESCO (đáng chú ý là của Viện thống kê UNESCO – Institut des statistiques de l’Unesco), Liên minh châu Âu hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) mà công chúng đều có thể tham khảo, các phương pháp đều được trình bày và được biết.

Các báo cáo này còn được phối hợp hài hòa với nhau để các tổ chức này cùng thỏa thuận về những điều mà họ đo lường, và bằng cách nào. Tất nhiên, không phải tất cả đều hoàn hảo và vẫn tồn tại sự phê phán các chỉ báo quốc tế; và sự phê phán này được thực hiện một cách sòng phẳng với điều kiện các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận được các hệ thống thông tin của tổ chức quản lý các trường học vốn đã trở thành những thành trì thực sự. Đành rằng công chúng có thể tiếp cận các báo cáo, nhưng những thông tin cần thiết cho những báo cáo này (ví dụ kết quả của các cuộc điều tra trước khi tổng hợp) vẫn được giữ kín.

Marc-Antoine Jullien de Paris (1827) Wikimedia

Độc giả sẽ hiểu rằng những phân tích quốc tế chủ yếu nhắm đến trường học, rất ít nói về giáo dục gia đình, hầu như không hề nói đến giáo dục phi chính quy (không được tính vào các hệ thống thông tin quốc gia). Như vậy, còn lại đầy đủ những mảng giải thích các truyền thống giáo dục xứng đáng được tìm hiểu trong nội bộ ngành giáo dục so sánh, một ngành khoa học được khai sinh vào thế kỷ XIX bởi Marc Antoine Jullien de Paris, một người Pháp. Vả lại, điều có ý nghĩa là nhiều ngành khoa học so sánh đã ra đời trong thế kỷ XIX như Cécile Vigour đã chỉ ra: luật so sánh, văn học so sánh, và những ngành khác nữa, đáng chú ý là ngành nhân học.

Những chỉ báo cần được đặt lại cùng với bối cảnh

Chính sự hội nhập giáo dục so sánh vào một tổng thể rộng hơn mà ta nên nắm lấy sự năng động hiện nay, trên bình diện quốc gia và quốc tế, dường như giản lược phân tích quốc tế vào việc sử dụng những chỉ báo bằng số, một sự sử dụng chính đáng nhưng không đủ. Việc đưa ra ánh sáng những tiến triển hay thụt lùi bằng số, dù chúng có thể rất ích lợi, đều nằm trong một quãng thời gian rất ngắn không tương ứng trong thực tế với quãng thời gian dài, thậm chí rất dài của giáo dục. Đó chính là toàn bộ vấn đề.

Một chiều kích có quan hệ chặt chẽ với giáo dục so sánh đã thâm nhập vào nội bộ của ngành: nhân học văn hóa và những công trình liên quan đến tính liên văn hóa, đáng chú ý là những công trình của Carmel Camilleri đã có ảnh hưởng. Thật vậy, dân tộc học và nhân học giáo dục thường được hòa lẫn với ngành giáo dục so sánh. Thường bị nghi ngờ là một hình thức làm hài lòng đối với chủ nghĩa chống cộng hòa, thậm chí là một dạng thỏa hiệp với thuyết tương đối văn hóa, khía cạnh này vẫn khó có thể tách rời khỏi ngành.

Lịch sử là một trong những chiều kích quan trọng cần được tính đến để hiểu những diễn biến của các hệ thống giáo dục (đây là một trường học ngày xưa tại Huddersfield, Vương Quốc Anh) Roy Hinchliffe

Nhưng có một chiều kích khác dường như được thực hiện tốt hơn trong nội bộ ngành giáo dục so sánh, vì nó đem lại nhiều lợi thế đề hiểu một số thách thức đương thời trong giáo dục. Đó là một cách tiếp cận văn minh. Thuật ngữ tiếp cận (approche) là cần thiết vì, để hiểu nền giáo dục ngày nay, thì không phải là biết tất cả các nền văn minh mà phải biết điều tối thiểu là các đặc điểm thời gian dài, quy mô của các nền sản xuất và sự phát triển phức tạp của chúng. Cũng không có nghĩa là đối với người đang thử làm so sánh phải giới hạn các mối quan tâm vào ngữ văn học, nhân học tôn giáo, lịch sử ngành luật, tâm lý so sánh v.v..

Có vấn đề gì đây? Đó là ta hãy khiêm tốn dành một vị trí xứng đáng cho kiến thức về các nền văn minh. Ta không hổ thẹn khi gọi nó là “kiến thức tổng quát và tùy thích đặt vào đó lịch sử, các nghệ thuật, văn học, các hệ thống luật, các tôn giáo, các truyền thống ẩm thực và âm nhạc, chăm sóc thân thể, bệnh tật, học nghề, tình yêu và các khoa học, học tập và đọc sách… danh sách còn dài. Tại sao? Trước tiên có lẽ là vì việc tìm kiếm ý nghĩa buộc phải làm một đường vòng giao du với thời gian dài.

Đại dương các nền văn minh

Hãy trình bày cho sinh viên một bài giảng về các chỉ báo quốc tế trong giáo dục và đề nghị với cùng những sinh viên này một bài giảng về lịch sử các nền văn minh và giáo dục, tôi dành cho độc giả mối quan tâm đoán xem bài giảng nào được sinh viên tìm kiếm nhất: đó là yêu cầu, giới trẻ mong muốn nói về thời gian dài.

Chúng ta hãy nói về lòng khoan dung trong giáo dục và hãy xem khái niệm lỗi, tha thứ, sửa chữa, cơ may và rủi ro có thể được đề cập như thế nào trong các nền văn minh khác nhau. Tại sao, trong truyền thống Do Thái, ít nhất là từ thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, xây dựng một trường học là quan trọng hơn một nhà thờ (Do Thái)? Địa vị của học tập, của mâu thuẫn trong lời chú giải Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo là gì? Việc học trong các truyền thống này có ý nghĩa gì? Và trong thế giới phương Tây? Và tiện thể, Phương Tây là gì? Và Phương Đông là gì?

Mối liên hệ của học sinh với sai lầm là một vấn đề quan trọng và ta có thể chú tâm đến những khái niệm về lỗi hay rủi ro trong các nền văn minh khác nhau để hiểu nó rõ hơn Shutterstock

Cần phải làm gì để cuối cùng giáo dục so sánh chiếm lĩnh lại những chiều kích này? Không cần thiết phải rời bỏ việc dùng các chỉ báo và thước đo, nhưng cũng nên cầu viện đến những đại tự sự. Ta biết rằng đại dương các nền văn minh là rộng lớn và nước ở đó sâu, nhưng ta có thể học bơi và trở thành một người bơi giỏi mà không cần bơi qua biển cả và không lệ thuộc vào đồng hồ bấm giờ.

Nếu ta phải khảo sát kỹ một chỉ báo đánh giá tiếp cận giáo dục học đường, ví dụ như chỉ báo về bình đẳng nam-nữ học sinh đối với sự tính toán tỷ lệ đi học, một chỉ báo ít bị phản bác về phương diện tiện ích của nó, thì có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn bằng cách nghiên cứu một số truyền thống tôn giáo quan trọng về lý do tại sao trẻ gái bị gạt ra khỏi trường học và phải kết hôn trẻ như vậy. Trong bối cảnh này, ý tưởng cho rằng đòn bẩy của sự thay đổi có thể là sự biến đổi lời chú giải tôn giáo không xuất hiện rõ, thế nhưng ta phải chiếm lĩnh chính khía cạnh đó chứ không chỉ là các phương tiện giáo dục. Các xã hội có thể thay đổi khi ta thảo luận lại các nội dung của học thuyết mà ta hằng tin là vĩnh cửu hoặc cố định, nhưng còn phải dành thời gian tìm kiếm chúng.

Một quy mô thời gian khác

Lê Thành Khôi (1923-)

Chúng ta mang ơn giáo sư Lê Thành Khôi đã mở đường khá muộn đến với nghiên cứu giáo dục trong các nền văn minh trong hai tác phẩm quan trọng: Éducation et civilisations - Giáo dục và các nền văn minh - (Tập 1: Sociétés d’hier - Các xã hội ngày xưa -, Tập 2: Genèses du monde contemporain - Sự hình thành của thế giới đương đại -). Đóng góp của giáo sư Lê Thành Khôi là khá mẫu mực cho một phương pháp tiến hành trí tuệ cần được phổ biến rộng hơn.

Trước tiên là quan tâm đến tính chất chính trị của giáo dục, ông đã đề cập đến vấn đề các nền văn minh sau khi đã nhận thức được những giới hạn của sự đánh giá quốc tế trong giáo dục. Yêu cầu của UNESCO đối với những công trình của ông thật là bổ ích. Có lẽ nào giáo dục so sánh lại không coi trọng hơn sự mở rộng đó?

Những khẩn cấp của việc đánh giá hiệu quả và hiệu năng của các hệ thống (giáo dục) dường như đã thắng thế. Nhưng những diễn tiến của của các chỉ báo trong vòng mười năm là gì so với một nền văn hóa và văn minh? Sự tồn tại của chúng ta có quan trọng và chính yếu đến nỗi phải quy tất cả về độ dài cuộc sống của chúng ta?

Andrea Canevaro (1939-)
Denis Poizat

Trong một bài báo xuất bản tại Ý, Andrea Canevaro và bản thân tôi đã tự vấn về chủ nghĩa lạc quan, chiều kích tâm lý và văn minh này thường có vẻ bị phá vỡ trong các hệ thống giáo dục ở đó sự sợ hãi, áp lực, áp đặt và lựa chọn phân loại hoạt động không bao giờ chấm dứt.

Ngày nay, nếu ta muốn hiểu những thách thức của địa chính trị và giáo dục, sự bao phủ của năng lực ảnh hưởng của một nền văn minh đối với một nền văn minh khác, sự chối bỏ một nền văn minh bởi một nền văn minh khác, chúng ta có lựa chọn nào khác hơn là đặt lại ngành trong quỹ đạo này? Những vấn đề sư phạm không duy nhất là học đường, chúng còn hướng đến những truyền thống lâu đời về triết học, lịch sử, luật học, mỹ học, văn học và các khoa học và dệt nên một bức tranh mà thật là tốt nếu ta có thể hiểu được rõ hơn chút đỉnh các họa tiết của nó.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Débat: Comment repenser les comparaisons internationales en éducation?”, The Conversation, 8.9.2011.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Giáo sự đại học, đơn vị nghiên cứu Giáo dục, Văn hóa, Chính trị, Đại học Lumière Lyon 2

Print Friendly and PDF