9.4.22

Trường học theo Hannah Arendt: nghĩ về khủng hoảng trong giáo dục?

TRƯỜNG HỌC THEO HANNAH ARENDT: NGHĨ VỀ KHỦNG HOẢNG TRONG GIÁO DỤC?

Tác giả: Eirick Prairat[*]

Đối với Hannah Arendt, không có gì tồi tệ hơn là dùng tuổi trẻ để cổ vũ cho thế giới mà ta mơ ướcShutterstock

Hannah Arendt (1906-1975) là một gương mặt nổi bật của triết học chính trị đương đại. Với tư cách này, những công trình của bà về vấn đề toàn trị đã có một tiếng vang rất lớn. “Penser sans entraves” - Suy nghĩ không định kiến - đã là một trong những tín điều của bà, tất nhiên là bà chú tâm vào những sứ mệnh của trường học và việc đào tạo các công dân. Suy nghĩ của bà về chủ đề này, được trình bày trong La crise de la culture, (Khủng hoảng trong văn hóa) trùng hợp với một số các cuộc thảo luận hiện nay và đáng được đọc lại.

Chúng ta đang đi sai đường về trường học vì ba lý do quan trọng, bà nhận định như vậy. Lý do thứ nhất là tin rằng có một thế giới trẻ em và “ta phải trong chừng mực có thể để chính thế giới ấy tự cai quản.” Suy nghĩ về trẻ em như một cộng đồng, khác biệt và đối lập với cộng đồng người trưởng thành, những người theo các học thuyết hiện đại đi đến chỗ mất nhận thức về công việc giáo dục vốn luôn chú tâm đến một chủ thể riêng biệt được đặt trong một quá trình trưởng thành riêng biệt.

Đọc thêm: Hố ngăn cách giữa các thế hệ, một thách thức đối với sự truyền đạt giáo dục Le fossé des générations, un défi pour la transmission éducative

Lý do thứ hai là một sự xác nhận: “dưới ảnh hưởng của tâm lý học hiện đại và các học thuyết dụng hành (pragmatisme), khoa sư phạm đã trở thành một khoa học giáo dục nói chung, đến nỗi nó hoàn toàn thoát ly khỏi môn học cần được giảng dạy.” Ưu tiên cho hình thức hơn thực chất, cho phương thức hơn nội dung, trường học hiện đại quên đi điều chính yếu: các tri thức. Arendt lấy làm tiếc là những phương pháp mới này đã được chấp nhận quá nhanh và “một cách mù quáng và thiếu sự phê phán.”

John Dewey (1859-1952)

Nhưng chưa hết. Trong lập trường của một số người đổi mới còn có sự từ chối cố gắng, và tệ hơn nữa, một dạng tuyên bố công khai chống chủ nghĩa trí thức, đó là lý do quan trọng thứ ba khiến chúng ta đi sai đường. Việc nghiên cứu bị hỏng khi trở thành thí nghiệm, mánh khóe, thậm chí bịa đặt ra. Thế nhưng đó chính là khuyến nghị của một số người đổi mới: “Ta chỉ có thể biết và hiểu được điều mà chính ta đã làm, và việc thực hành nó trong giáo dục cũng là sơ đẳng và hiển nhiên: trong chừng mực có thể, hãy để làm thay thế cho học”. Chính xác hơn, đang được nhắm đến ở đây là gương mặt của triết gia người Mỹ John Dewey, người cổ vũ cho nguyên tắc nổi tiếng “learning by doing” – học thông qua thực hành –.

Nơi người ta giới thiệu thế giới

Ở đâu có cộng đồng người, ở đó có thế giới; ở đâu có thế giới, ở đó có cộng đồng người. “Vai trò của nhà trường là dạy cho trẻ biết thế giới là gì, chứ không phải nhồi cho chúng (một) nghệ thuật sống.” Thế giới là toàn bộ các sản phẩm, đồ vật và những sáng tạo của con nguời. Đó còn là các diễn ngôn và tư tưởng được kết nối chung quanh những đồ vật “được bàn tay con người chế tạo nên”.

Đọc thêm: Tại sao nên thực hành triết học với trẻ em? Pourquoi faire de la philosophie avec des enfants?

Hannah Arendt (1906-1975)

Sở dĩ trường học là nơi ta giới thiệu thế giới cho trẻ em, chính vì nó là một nơi trung gian “xen giữa thế giới và lĩnh vực riêng tư tạo nên gia đình.” Trường học chuẩn bị và tổ chức bước chuyển tiếp vì ta không bao giờ được tự cho mình là cùng thời với thế giới. Trong ý nghĩa đó, người thầy luôn luôn là người trung gian giữa quá khứ và hiện tại, giữa gia đình (la “domus”) và thế giới. Từ đó nảy sinh tiêu đề nguyên thuỷ của tác phẩm của bà dành cho nhà trường và văn hóa Between past and future (Entre passé et futur), - Giữa quá khứ và tương lai - mà đáng ngạc nhiên là nó đã được mang tên mới trong bản tiếng Pháp: La crise de la culture - Khủng hoảng trong văn hóa -

Hannah Arendt còn viết rằng, “tôi thấy dường như chủ nghĩa bảo thủ, được hiểu trong nghĩa bảo tồn, chính là bản chất của giáo dục.” Bi vì phải hiểu rõ rằng ta luôn luôn dạy về một thế giới đã qua: “Về cơ bản, bao giờ ta cũng chỉ dạy vì một thế giới mà ta không làm chủ được nữa hay sắp sửa thoát ra, vì đó là tính đặc thù của thân phận con người, thế giới đã được tạo ra bởi những con người trần thế để họ dùng làm nơi trú ngụ cho một khoảng thời gian có hạn.” Nhưng chúng ta không nên lo lắng vì chính “những người mới đến” có khả năng đem đến điều mới lạ. Người thầy Heidegger đã lầm. Con người “không sinh ra để chết đi mà để đổi mới sáng tạo.”


Citéphilo 2020 – Hannah Arendt, khủng hoảng của quyền uy, khủng hoảng của truyền đạt (Tháng 11/ 2020).

Nhưng họ không thể đổi mới vì họ thừa kế một thế giới già hơn họ. “Chính là vì muốn bảo tồn cái mới mẻ và có tính cách mạng trong mỗi đứa trẻ mà giáo dục phải có tính bảo tồn; giáo dục phải bảo vệ điều mới mẻ này và đưa nó như một chất men mới vào một thế giới đã cũ […].” Không thể dạy về tương lai được, tương lai tự nó sẽ trực tiếp tự sáng tạo ra cũng như con đường được tạo thành khi ta đi tới (đi mãi thành đường).

Baruch Spinoza (1632-1677)

Và mặc dù vậy, người ta không còn tính đến các nhà truyền giáo, thầy bói và những nhà tiên tri khác. Nhưng những lang băm về tương lai luôn luôn bán những tương lai đã được thiết kế sẵn. Như Spinoza đã nói, những nhà tiên tri không suy nghĩ hay hơn, họ tưởng tượng “một cách mãnh liệt hơn”. Chắc hẳn Arendt đã tán thành. Nhưng nhất là đối với bà, không có gì tồi tệ hơn là dùng giới trẻ để cổ vũ cho thế giới mà ta mơ ước. Đó chính là điều mà các chế độ toàn trị thực hiện: Nô dịch giới trẻ để kiểm soát tương lai của họ. May thay, tương lai này luôn thoát khỏi các chế độ toàn trị.

Một môi trường “tiền chính trị”

Theodor Mommsen (1817-1903)

Đây là nơi mà thế giới được giải thích, Arendt đánh giá đó là “tiền chính trị”. Đó là một nơi đi trước, chuẩn bị và khai tâm. Tóm lại đó là một nơi dự bị. Đó cũng là một nơi được đánh dấu bằng những mối quan hệ bất cân xứng. Chúng ta đừng nói “bất bình đẳng” mà là “bất cân xứng” vì sự chênh lệch này thuộc về bản tính con người. Như vậy, mối quan hệ trong giáo dục nêu lên một cách chính đáng sự thực hành một dạng quyền uy với tính cách là cao hơn một lời khuyên nhưng thấp hơn một mệnh lệnh” như Theodor Mommsen đã nói.

Nhưng hãy chú ý là yếu tố xây dựng nên quyền uy của người thầy không chỉ liên quan đến kiến thức và trình độ chuyên môn của họ mà còn liên quan đến một thực tế họ là nhân chứng của thế giới. “Mặc dù không có quyền uy nào mà không có một năng lực nào đó, thì năng lực này, dù nó có cao đi nữa, cũng không bao giờ tự nó làm nảy sinh quyền uy.

Quyền uy của người thầy không chỉ liên quan đến kiến thức của họ mà còn liên quan đến một thực tế họ là nhân chứng của thế giới. Shutterstock

Năng lực của người thầy bao gồm hiểu biết về thế giới và khả năng truyền đạt kiến thức này cho những người khác, nhưng quyền uy của họ lại được xây dựng dựa trên vai trò họ là người chịu trách nhiệm về thế giới. Đối diện với đứa trẻ, phần nào họ như một người đại điện cho tất cả những người trưởng thành, họ báo cho trẻ biết nhiều điều và nói với trẻ rằng đây là thế giới của chúng ta”.

Alexis de Tocqueville (1805-1859)

Không có giáo dục nào mà không có quyền uy. Rời bỏ quyền uy là dựa vào sự cưỡng bức hay mưu mô. Nhưng quyền uy phải mang dáng dấp nào trong các xã hội như xã hội của chúng ta, bị chinh phục bởi “sự say mê bình đẳng” theo công thức nổi tiếng của Tocqueville? Đó là một câu hỏi cháy bỏng mà Arendt gợi cho chúng ta suy ngẫm.

Một thiết chế bảo vệ

Trường học là một thiết chế công cộng, nghĩa là rộng mở cho tất c, nam cũng như nữ, được đặt dưới sự bảo hộ của Nhà Nước, nhưng không vì thế mà nó là một nơi công cộng. Tất nhiên, một nơi công cộng luôn luôn có thể chia sẻ được, nhưng nó cũng là một không gian đáng gờm ở đó tất cả mọi người, nam cũng như nữ đều có thể thấy được và nghe được tất cả mọi thứ. Cần phải bảo vệ trẻ em tránh khỏi “ánh sáng tàn nhẫn của lĩnh vực công cộng”, vì trẻ không những là một người mới đến mà còn là một chủ thể yếu ớt đang trong trạng thái trở thành.

Hannah Arendt không quên nêu lên mâu thuẫn của những người theo các học thuyết hiện đại khi họ một mặt, luôn luôn khước từ một cách tinh tế hơn tính đặc thù của trẻ em, và mặt khác, không ngừng muốn mở rộng trường học đến đời sống của những người trưởng thành. “Làm thế nào người ta đã có thể dẫn dắt trẻ em đối diện với điều làm nên đặc điểm của thế giới của người trưởng thành hơn tất cả mọi điều khác, nghĩa là đời sống công cộng, một khi ta đã nhận ra rằng sai lầm của tất cả những phương pháp cũ là đã xem trẻ em như một người trưởng thành nhỏ bé?”. Phải mở rộng trường học ra thế giới, tất nhiên rồi, chứ không phải ra mở ra đời sống.

Eirick Prairat (1957-)
Montesquieu (1689-1775)

Trường học cũng phải bảo vệ thế giới. Bởi vì người nào không khám phá ra và hiểu giá trị của những sáng tạo đầy khắp thế giới có thể phá hủy các tượng Phật tại Bamiyan, đốt các tranh của Van Gogh và của Picasso hay còn phá hủy thành phố cổ tuyệt vời Palmyre bằng các phát đạn súng cối. Người nào đã không đến trường có thể hành xử như những người hoang dã ở Louisiane mà Montesquieu đã nói đến: “Khi những người hoang dã ở Louisiane muốn có trái cây, họ chặt gốc cây và hái trái.”

Như vậy đó là một sự bảo vệ kép, trẻ em và thế giới. “Trẻ em cần được đặc biệt bảo vệ và chăm sóc để tránh cho thế giới có thể hủy hoại trẻ. Nhưng thế giới này cũng cần một sự bảo vệ để tránh cho nó khỏi bị tàn phá và hủy diệt bởi làn sóng những người mới đến ồ ạt tràn vào thế giới theo từng thế hệ mới. Bảo vệ không bao giờ là một từ phù phiếm trong phát ngôn của Hannah Arendt.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: L’école selon Hannah Arendt : penser la crise de l’éducation ?”, The Conversation, 27.3.2022.

----

Bài có liên quan:  




Chú thích:

[*] Giáo sư triết học giáo dục, thành viên của Institut universitaire de France IUF (Viện đại học Pháp), Đại học Lorraine

Print Friendly and PDF